Thư ngỏ cho các bạn muốn “đi tu”

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Các bạn thân mến,
Mỗi năm, tôi thấy trên trang mạng của các Đại Chủng viện, các nhà Dòng có thông báo tổ chức các lớp tìm hiểu, tuyển dự tu, tuyển sinh, tôi mạo muội viết vài dòng cho các bạn, đặc biệt cho các bạn muốn dâng mình cho Chúa, sống đời tận hiến. 

Thưa các bạn, tôi là một linh mục đang sống và phục vụ tại một Giáo xứ, tôi đã trải qua con đường mà các bạn đang theo. Trong quá khứ, tôi đã có những lần suy nghĩ, do dự trong việc chọn lựa đời tu trì hoặc đời sống hôn nhân. Do đó, những gì tôi sắp ngỏ với các bạn không phải là những lý thuyết suông, cũng không phải là một chuyên luận về đời tu. Vì thế tôi không sợ nói sai. Đây chỉ là những lời chia sẻ chân tình của một người anh dành cho em mình, và biết đâu, của một người em dành cho anh, chị của mình, vì “đi tu” đâu phải chỉ dành cho các bạn trẻ! 

Các bạn thân mến, 

Trước tiên, chúng ta thống nhất với nhau về cách dùng từ “tu”. Tu có nhiều nghĩa: tu thân, tu chỉnh, tu luyện… Ở đây, khi dùng cụm từ “đi tu”, tôi chỉ muốn nói tới đời sống tận hiến: linh mục và tu sĩ. Còn từ “ơn gọi” hay “ơn kêu gọi”, dĩ nhiên không chỉ được đề cập đến trong đời sống tu trì hay trong đời sống hôn nhân. Là Kitô hữu, tất cả chúng ta được mời gọi trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, trở nên hoàn thiện như Chúa là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48). Nhưng trong thư ngỏ này, tôi chỉ giới hạn về ơn gọi tận hiến. 

Làm sao nhận ra tiếng Chúa gọi?

Các bạn có biết câu chuyện cậu bé Samuen trong Kinh Thánh không? Nếu chưa, mời các bạn mở sách và đọc với tôi nhé: sách Samuen quyển thứ nhất, chương 3, câu 3 đến 10. Các bạn có thể kiếm đoạn văn trên trong sách lễ: bài đọc I của Chúa nhật 2 Thường Niên, năm B.

Khi còn bé, Samuen sống trong đền thờ với thầy tư tế Êli. Một đêm kia, Chúa gọi Samuen. Cậu tưởng thầy gọi, nên mau mắn đáp: “Dạ, con đây” rồi chạy lại thưa với thầy: “Dạ, con đây, thầy gọi con”. Sau ba lần như thế, thầy Êli hiểu ra là Chúa gọi cậu, nên bảo: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe'”. Lần thứ tư, nghe tiếng gọi, cậu thưa với Chúa như thầy đã dạy. Và Chúa đã chọn Samuen làm ngôn sứ cho Người.

Trong câu chuyện này, có hai điểm đáng chú ý: điểm thứ nhất, Thiên Chúa tỏ hiện trong bản tính yếu đuối của con người. Samuen chỉ là cậu bé ngây thơ, không có kinh nghiệm sống gì cả, thế nhưng Chúa tín nhiệm và chọn cậu làm ngôn sứ của Người. Điểm thứ hai, thầy tư tế Êli là người đã giúp cậu Samuen nhận ra tiếng Chúa và biết đáp lại lời gọi của Người.

Bây giờ, mời các bạn đọc một đoạn Tin Mừng, rất ngắn: Mác-cô, chương 1, câu 16-20: Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Các bạn và tôi chắc đều ngạc nhiên về sự trả lời mau mắn và triệt để của các môn đệ. Vừa nghe Đức Giêsu gọi, các ông lập tức bỏ thuyền, bỏ chài lưới, bỏ cha của mình và những người làm công để theo Người. Nếu hôm nay Chúa hiện ra kêu tôi đi theo Người thì tôi sẵn sàng đi ngay, không hề do dự!

Thế nhưng, từ 2000 năm nay, Chúa không còn trực tiếp gọi chúng ta như Người đã gọi các môn đệ đầu tiên; cũng như trước đó, Người đã gọi cậu bé Samuen. Nói cách khác, có thể các bạn đã “cảm nhận” được lời mời gọi của Chúa, chẳng hạn qua Lời Chúa, qua những biến cố quan trọng trong cuộc đời, nhưng phải qua trung gian những người khác, các bạn mới nhận ra rõ tiếng gọi của Chúa.

Các bạn đã cầu nguyện, nhưng các bạn có đến trình bày với một linh mục, một tu sĩ hay một giáo dân nào đó mà bạn tin tưởng không? Vì qua trung gian, các bạn sẽ nhận rõ hơn tiếng gọi của Chúa, cũng có thể các bạn hiểu ra là mình lầm, tưởng đó là Chúa gọi mình. Chính vì thế “tiếng gọi” đó cần phải được phân tích, phân định và xác thực. Điều này dĩ nhiên cần phải có thời gian…

Chúa nói và Chúa gọi… Nói như thế có vẻ mâu thuẫn với kinh nghiệm sống của mỗi người chúng ta. Có ai chưa bao giờ nói: “Tôi kêu Chúa, tôi cầu xin Người, nhưng không thấy Người đáp lại”? Thật ra, Chúa luôn luôn trả lời, nhưng vì chúng ta làm ngơ không lắng nghe, hoặc vì chúng ta không nhận ra tiếng Người, hoặc vì Người không nói theo ý muốn của chúng ta…

Các bạn cần nhớ điều này: không phải những người đi tu chọn Chúa, nhưng chính Chúa chọn họ. Câu chuyện cậu bé Samuen và chuyện Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên minh chứng điều đó. Trong một đoạn Tin Mừng khác, Đức Giêsu khẳng định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.” (Ga 15,16)

Điều đó không có nghĩa là từ trước muôn đời, Chúa đã vạch sẵn đường cho tôi. Nếu như thế, “ơn gọi” trở thành một định mệnh, tôi chỉ cần tìm kiếm “thánh ý của Chúa” và vâng theo. Hiểu như thế là coi Chúa như một người độc đoán, không tôn trọng tự do của con người. 

Chúa chọn và Chúa gọi

Trong Kinh Thánh, có nhiều người được Chúa gọi: ông Nôê, Abraham, Môsê, các ngôn sứ, các môn đệ… Mỗi lời gọi có những đặc điểm, hoàn cảnh riêng, nhưng sự lựa chọn luôn đi đôi với lời mời gọi. Chúa chọn và Chúa mời gọi vì Người tôn trọng tự do của con người. Khi anh này chọn chị kia, hoặc chị kia chọn anh nọ, không phải để chiếm đoạt nhưng để hỏi người kia có đồng ý cùng đồng hành với nhau. Cũng vậy, sự chọn lựa của Chúa đòi hỏi sự lựa chọn của chúng ta.

Khi đọc Tin Mừng, nếu các bạn để ý kỹ sẽ thấy Đức Giêsu luôn tôn trọng điều mong muốn và tự do của con người: “Ai muốn theo tôi…” (Lc 9,23) Chúa không bao giờ ép buộc ai cả! Do đó, không ai có lý do nào để nói hoặc than thở: “Số phận tôi đã được Chúa sắp xếp từ lâu rồi!” Thiên Chúa mà tôi tôn thờ chắc chắn không phải Chúa độc tài và khủng khiếp như vậy đâu!

Chúa chọn và Chúa gọi, nhưng có nhiều mức độ khác nhau trong sự trả lời. Có những người từ chối; có những người chấp nhận dành ít thời gian. Cũng có những người ước muốn dâng cả cuộc đời cho Chúa Kitô, theo bước chân Người, phục vụ Người và phục vụ nhân loại.

“Ơn gọi”: ơn Chúa ban

Trong cách gọi “ơn gọi” hoặc “ơn kêu gọi” đều có chữ “ơn”. “Ơn gọi” là ơn Chúa ban. Do đó, đáp lại lời mời của Chúa không phải là một hy sinh! Nhìn các thầy, các sơ phủ phục sát đất trong nghi lễ truyền chức phó tế, linh mục, giám mục hoặc trong nghi lễ vĩnh khấn, trong khi mọi người hát Kinh Cầu Các Thánh, một số người tưởng đó là dấu chỉ của sự hy sinh cả cuộc đời. “Ơn gọi” không làm họ mất mát gì cả, trái lại, còn làm cho họ thăng tiến hơn. Họ còn nhận thêm nhiều ơn Chúa, nhiều đặc sủng khác. Dĩ nhiên, chọn ở bậc này đòi hỏi chúng ta phải “hy sinh” những bậc khác, nhưng sự chọn lựa quan trọng nào cũng đòi hỏi phải hy sinh cả. Lát nữa, tôi sẽ trình bày thêm về điều này: hạnh phúc và hy sinh.

Chán đời mới đi tu?

Chắc các bạn đã có dịp nghe những lời bình luận này: “Trời ơi, Sơ đó đẹp và dễ thương quá, đi tu uổng thế!”, hoặc là: “Tội nghiệp ông bà X., chỉ có mỗi cậu con trai mà lại đi tu mất tiêu!” Tôi không thuộc loại đẹp trai, nhưng cũng đã được nghe những lời tương tự như thế. Bộ phải xấu trai, xấu gái mới ” đủ tiêu chuẩn” để đi tu hay sao? Bộ đi tu là con đường cuối cùng phải chọn lựa? Bộ chán đời mới đi tu hay sao?

Tôi hỏi các bạn câu này: mục đích của đời sống là gì? Chưa nói đến khía cạnh tôn giáo, đến đời sống vĩnh cửu, mục đích của đời sống con người có phải là sống hạnh phúc hay không? Có người sống hạnh phúc trong bậc hôn nhân, có người sống hạnh phúc trong đời sống độc thân với lý tưởng nào đó đang theo đuổi hoặc với những ham mê về nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, v.v… Rồi cũng có những người sống hạnh phúc trong đời sống tu trì và thánh hiến. Sống ở bậc nào cũng tốt, cũng nên thánh được cả! Điều quan trọng là mỗi người sống hạnh phúc trong bậc của mình.

Theo truyền thống tốt đẹp, mỗi giám mục, linh mục hoặc tu sĩ có một phương châm như là một hướng đi cho cuộc đời tận hiến của mình. Tôi chẳng giấu, nhưng thú thực với các bạn, phương châm của tôi rất đặc biệt, chẳng giống ai cả: “Yêu Chúa, yêu người và yêu đời”! Yêu Chúa và yêu người là căn bản của đời sống mọi Kitô hữu. Chắc các bạn biết rõ đoạn Tin Mừng kể chuyện người thông luật hỏi Chúa: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình”. Đức Giêsu bảo ông ấy: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10,25-28). Được “sống”, được “hạnh phúc” vì yêu Chúa và yêu người. Ước gì tôi luôn “yêu đời”, luôn hạnh phúc trong đời tận hiến. Tôi cũng ước mong điều đó cho tất cả các linh mục, tu sĩ cũng như cho tất cả các bạn đang tìm hiểu hướng đi này.

Đi tu mang tội bất hiếu?

Có một số phụ huynh không muốn con mình đi tu vì sợ con mình khổ, ăn uống ở nhà Dòng hoặc Chủng viện làm gì ngon bằng ở nhà! Nhưng khi thấy con mình hạnh phúc trong nhà Dòng, cha mẹ mới yên tâm. Rồi có một số bạn đang tu ở Chủng viện hoặc nhà Dòng nhưng không yên tâm đi tu vì lo lắng không biết ai ở nhà phụng dưỡng cha mẹ mình.

Cha mẹ nào chẳng muốn con mình hạnh phúc! Nói cách khác, dù ở bậc nào (hôn nhân, tu trì…), nếu mình sống hạnh phúc, đó là một hình thức báo hiếu cha mẹ! Gia đình tôi chín anh em, ba người lập gia đình, sáu người đi tu. Có hai mụn con trai cũng đi tu luôn! Tôi biết cha mẹ tôi rất mãn nguyện vì thấy con cái hạnh phúc trong bậc gia đình và trong bậc tu trì, mặc dù chúng tôi, là dân đi tu, chẳng giúp được song thân của chúng tôi bao nhiêu về mặt vật chất; hơn nữa ông bà cụ sẽ không có cháu nội nối dõi tông đường!

Các bạn có đồng ý với tôi ở điều này không: có địa vị, giầu sang chưa chắc đã kiếm được hạnh phúc! Đó chỉ là một phương tiện mà thôi, còn hạnh phúc mới là mục đích sống của con người. Đừng lầm lẫn giữa phương tiện và mục đích! Tiền bạc có thể mua được đồng hồ, nhưng không mua được thời gian. Tiền bạc có thể mua được vật chất, nhưng không mua đời sống vĩnh cửu…

Có một số bạn thắc mắc về lời tuyên bố sau đây của Đức Giêsu : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26). Đi tu phải bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em mình sao? Chắc chắn là không! Bằng chứng là vào dịp khác, chính Đức Giêsu đã nhắc lại điều răn thứ tư của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Mt 15,4).

Khi nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ…”, Đức Giêsu không bảo chúng ta ích kỷ, coi thường cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh chị em mình và bao điều tốt đẹp khác! Chúa cũng không muốn chúng ta chểnh mảng bổn phận đối với gia đình và xã hội.

Từ bỏ mọi sự để theo Chúa không có nghĩa là từ bỏ hạnh phúc của mình. Chúa muốn những ai theo Người phải biết đặt bậc thang giá trị trong tình yêu: yêu Chúa trước nhất, rồi sau đó mới đến các tình yêu khác; tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa phải là nguồn mạch các liên hệ tình cảm khác. Một khi đã gắn bó mật thiết với Chúa Kitô thì hẳn nhiên chúng ta sẽ có một thái độ khác đối với các liên hệ gia đình, bạn bè và xã hội, đối với của cải vật chất và đối với chính mạng sống của mình.

Chọn Chúa là nguồn hạnh phúc 

Những linh mục, tu sĩ mà tôi quen biết, ai cũng sống vui tươi và hạnh phúc cả. Các bạn đã biết, đã thấy các linh mục, tu sĩ luôn xả thân làm việc mục vụ, làm việc tông đồ. Họ không tính toán phải làm 35 hoặc 40 giờ mỗi tuần. Có những tu sĩ sống đời chiêm niệm, cầu nguyện suốt ngày (dĩ nhiên họ cũng phải làm việc để sống). Động lực nào khiến họ dám xả thân phục vụ và chuyên tâm cầu nguyện như thế? Đó không phải là vì họ đã chọn Chúa làm lẽ sống hay sao? Họ chọn Chúa vì Người là nguồn vui và là nguồn hạnh phúc vô biên. Thỉnh thoảng tôi thích nhẩm đi nhẩm lại câu hát: “Chúa là hạnh phúc của con, Chúa ơi, Chúa là hoan lạc đời con”.

Người ta thường nói: “Yêu là cho đi, yêu là hy sinh.” Linh mục, tu sĩ cũng thế: một khi họ chọn Chúa, yêu Chúa rồi, họ dám hy sinh cả mạng sống của họ. Xả thân, hy sinh, ngay cả hiến dâng mạng sống vì “Người” mình yêu, còn gì đẹp và cao quý hơn tình yêu dâng hiến cho Thiên Chúa, phải không các bạn?

Này, các bạn chớ hiểu sai lý tưởng tận hiến nhé! Không phải là nếu muốn đi tu, phải hy sinh hãm mình, phải dậy sớm đọc kinh cầu nguyện, phải thế này, phải thế kia… Họ đi tu vì yêu Chúa trọn vẹn, chỉ có vậy thôi! Họ làm mọi sự vì yêu Chúa.

Một số người cho rằng các cha, các sơ chưa bao giờ biết yêu! Không biết họ hiểu chữ yêu như thế nào, chứ tôi muốn nói ngay rằng: nếu không biết yêu, làm sao đi tu được! Nếu không yêu Chúa trọn vẹn, làm sao họ dám xả thân, phục vụ Giáo hội và nhân loại như tôi vừa trình bày ở trên!

Như thế, đi tu là một hình thức yêu. Linh mục, tu sĩ yêu Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp. Do đó họ không yêu một người nào đó một cách đặc biệt nhưng yêu hết mọi người. Họ gieo Tình Thương đến khắp nhân gian, làm muối yêu đương, làm men bác ái cho mọi người.

Tôi muốn đi tu nhưng đã quá tuổi

Thưa các bạn, dù các bạn ở tuổi nào đi nữa, lúc nào bạn cũng có thể đi tu được cả. Sống đời thánh hiến không giới hạn ở tuổi tác. Như tôi vừa trình bày ở trên, ở tuổi nào cũng YÊU được cả! Ở Việt Nam, có lẽ các Chủng viện, các nhà Dòng, vì số ứng viên quá đông nên ưu tiên cho các bạn trẻ. Còn ở hải ngoại, tuổi nào cũng được nhận cả, dĩ nhiên 80 tuổi mới xin vào nhà Dòng hoặc Chủng viện thì… hơi trễ đó!

Đời sống tận hiến đa dạng

Vả lại, các bạn cũng nên biết là đời sống tận hiến có nhiều dạng khác nhau. Ngoài hai dạng mà ai cũng biết: tu triều (linh mục hoạt động mục vụ tại xứ đạo) và tu dòng (dòng Tên, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Đa-Minh, dòng Mến Thánh Giá, v.v…), còn có tu hội đời (nam hoặc nữ), nghĩa là cũng giữ ba lời hứa: vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh, nhưng các bạn vẫn đi làm việc ở ngoài đời, sinh hoạt xã hội, tôn giáo, vẫn ở với gia đình. Mỗi tháng, các anh em hoặc chị em gặp nhau để tĩnh tâm, cầu nguyện hoặc để chia sẻ… Tận hiến nhưng sống giữa đời. Có một điều khác nữa là họ không mặc áo dòng. Nhưng Chúa biết họ, họ biết Chúa, đó là điều quan trọng hơn cả, phải không các bạn?

Còn một dạng nữa, dành cho nữ giới, đó là trinh nữ tận hiến (consecrated virgin, vierge consacrée). Khác với các dòng tu, các chị (phẩm đoàn trinh nữ) không có quy luật, cũng không có cơ cấu cộng đoàn. Cũng như tu hội đời, các chị không mặc áo dòng, cũng không mang một dấu hiệu gì đặc biệt cả, ngoài chiếc nhẫn được trao qua một nghi thức phụng vụ. Trong nghi thức này, đức giám mục địa phận thánh hiến các chị cho Thiên Chúa. Ơn gọi của họ là sống đời khiết tịnh, tận hiến cho Thiên Chúa như hiền thê của Chúa Kitô, và phục vụ Giáo Hội.

Chắc các bạn nhớ câu của thánh Phaolô: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12,4-7)

Từ 2000 năm nay, Đức Giêsu kêu mời tất cả chúng ta làm việc cho “vườn nho” của Người, tức là cho Nước Chúa, mỗi người tham dự tích cực theo đặc sủng và khả năng của mình… Nếu hôm nay Chúa mời gọi các bạn theo Người, sống hạnh phúc trong đời tận hiến, bạn có đáp lại lời mời của Người không? Tuy không biết câu trả lời của các bạn, tôi sẽ cầu nguyện cho các bạn.

Thân chào các bạn!
Linh mục Giuse Vũ Thái Hòa

Comments are closed.

phone-icon