Nguồn: WAU, Prayer Resources
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ
Sự Trao Đổi Thánh Thiêng
Sự Gặp Gỡ Chúa trong Cầu Nguyện.
“Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em” (Gc 4,8).
Thật là một lời hứa tuyệt vời! Đây là một câu trích từ Kinh Thánh tóm tắt lại một trong những nguyên tắc quan trọng nhất về đời sống thiêng liêng. Câu đó nói với chúng ta rằng bất cứ ai cố gắng đến gần với Chúa hơn thì sẽ được đáp đền. Câu đó nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không ở trên thiên đàng để chờ đợi chúng ta làm mọi cách để đến ngai tòa của Người. Không, Người luôn luôn đến với chúng ta. Người luôn luôn mời gọi chúng ta đến gần với Người để Người có thể tuôn đổ ân sủng và tình yêu của Người trên chúng ta. Điều đó cứ như thể là Người đang đến gần chúng ta bởi vì khi chúng ta đến với Người, thì sự hiện diện của Người đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên chúng ta.
Chúng ta thường nghe việc cầu nguyện được mô tả như là một cuộc trò chuyện với Thiên Chúa: chúng ta nói với Người và Người nói với chúng ta. Dĩ nhiên, có nhiều sự thật đối với lời khẳng định đó, nhưng còn có nhiều điều để cầu nguyện hơn là một cuộc trò chuyện. Cầu nguyện cũng là một cuộc trao đổi thánh thiêng giữa Thiên Chúa và chúng ta. Về phần chúng ta, chúng ta đến với Chúa để dâng lên Người sự thờ phượng, tình yêu và những nhu cầu của chúng ta. Về phần Chúa, Người ban cho chúng ta lòng thương xót, ân sủng, sự khôn ngoan và niềm vui của Người. Người nhận lấy những điều chúng ta dâng, rồi lấp đầy chúng bằng đời sống thần linh của Người và trao chúng lại cho chúng ta theo những cách làm biến đổi tâm hồn và tâm trí chúng ta.
Không nơi đâu chúng ta tìm thấy sự trao đổi thánh thiêng này được đưa ra cách mạnh mẽ hơn là trong Kinh Lạy Cha (Lời Kinh của Chúa). Vậy chúng ta hãy nhìn vào Lời Kinh ấy để thấy chúng ta có thể học hỏi được những gì.
Sự Trao Đổi Thánh Thiêng, Phần I. Nhiều học giả cho rằng Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài Giảng trên Núi của Chúa Giêsu. Mọi thứ trước lời cầu nguyện này đều dẫn tới nó, và mọi điều đến sau lời cầu xin này cũng từ nó mà ra (x.Mt 5-7). Đây là lý do tại sao vô số các thánh đã nói với chúng ta rằng Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện hoàn hảo nhất mà chúng ta có thể thưa lên.
Phần thứ nhất của Kinh Lạy Cha tập trung vào việc tôn thờ Thiên Chúa và đi theo Người với tất cả tâm hồn. Chúng ta cầu nguyện: “Nguyện Danh Cha cả sáng!” Đó chính là cách chúng ta thưa: “Lạy Cha, Cha là Đấng thánh thiện. Con yêu mến Cha, con thờ lạy Cha và con muốn cuộc sống của con làm vinh danh Cha”. Với lời cầu nguyện này, chúng ta đang dâng lên Chúa sự tôn thờ của chúng ta.
Tất cả chúng ta đều ao ước thiên đàng. Chúng ta ao ước đến ngày mà mọi giọt nước mắt sẽ được lau khô, sự bình an và tình yêu sẽ thống trị. Khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho nước Cha trị đến”, chúng ta đang thưa với Cha chúng ta về lòng ao ước này trong tâm hồn chúng ta thay cho bất cứ sự sợ hãi nào về cái chết mà có thể tồn tại nơi chúng ta. Điều đó như thể chúng ta đang nói rằng: “Lạy Cha, con biết đây là một thế giới tốt đẹp. Con thán phục trước sự kỳ diệu của công trình tạo dựng của Cha. Dù vậy, lạy Cha, con không thể chờ để được ở cùng Cha. Con không thể chờ để sống trong một thế giới không còn đau khổ và chết chóc”. Với lời cầu nguyện này, chúng ta đang dâng lên Thiên Chúa cuộc sống của chúng ta.
Khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, thì đó chính là cơ hội cho chúng ta nói rằng chúng ta muốn làm cho thế giới này trở nên ngày càng giống như vương quốc của Chúa hơn. Đó là cách chúng ta thưa với Chúa Cha rằng chúng ta muốn đối xử với mọi người xung quanh chúng ta bằng chính tình yêu, lòng thương xót và lòng từ bi mà Người dành cho chúng ta. Chúng ta không thể biến đổi toàn bộ thế giới này, nhưng chúng ta có thể thay đổi góc nhỏ của nó nơi cuộc sống của chúng ta. Với lời cầu xin này, chúng ta đang dâng lên Chúa công việc của chúng ta.
Sự Trao Đổi Thánh Thiêng, Phần II. Nếu phần thứ nhất của Kinh Lạy Cha là cơ hội cho chúng ta dâng lên Chúa chính bản thân chúng ta, thì phần thứ hai là cơ hội để chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta những gì chúng ta cần để làm cho vương quốc của Người trị đến và thánh ý của Người được thực hiện. Đó chính là cơ hội cho chúng ta xin về phía Người trong sự trao đổi thánh thiêng. Và vì nước của Thiên Chúa là tất cả về tình yêu thương giữa mọi người như Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đây là cách chúng ta xin Cha của chúng ta để giúp đỡ cho các mối tương quan của chúng ta.
Khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, chúng ta đang thưa với Cha chúng ta chúng ta cần sự nuôi dưỡng và sức mạnh của Người – cả trong Bí tích Thánh Thể và trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. “Bánh” của Người giúp chúng ta giữ được sự bình an trong những ngày tồi tệ cũng như trong những ngày tốt lành. Sự hiện diện của Người trong chúng ta giúp chúng ta cư xử với nhau bằng tình yêu và lòng thương xót. Vì thế, bằng cách dạy chúng ta xin Chúa Cha cho lương thực, Chúa Giêsu đang hứa nuôi dưỡng chúng ta với mọi thứ chúng ta cần để sống trong ngày.
Cuộc sống trước hết và trên hết thuộc về các mối tương quan – tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và các mối tương quan của chúng ta với nhau. Và kinh nghiệm nói cho chúng ta rằng thật dễ dàng biết bao để chúng ta nói hay làm những điều tổn thương đến nhau. Do đó, khi chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ chúng con”, chính là cách chúng ta thú nhận rằng chúng ta đã làm tổn thương những người khác. Không có gì đẹp hơn là trở nên hiệp nhất với nhau và không có gì phấn khởi hơn là nhìn thấy những mối tương quan bị tổn thương của chúng ta được chữa lành và phục hồi. Và tuyệt vời biết bao, khi Người dạy chúng ta thi hành lời kinh này, Chúa Giêsu đang hứa chữa lành các mối tương quan của chúng ta.
Cám dỗ thì ở khắp nơi xung quanh chúng ta, luôn luôn cố chia cắt chúng ta khỏi Thiên Chúa và khỏi nhau. Khi chúng ta xin Cha chúng ta: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, chúng ta đang xin Chúa ân sủng để nói không với những cám dỗ này. Chúng ta biết sự từ chối tha thứ, giữ nỗi hận thù và tìm cách trả thù có thể huỷ hoại các mối tương quan của chúng ta. Nhưng chúng ta không luôn luôn thấy những suy nghĩ tiêu cực, chia rẽ này có thể đến từ ma quỷ, “cha của sự gian dối” (Ga 8,44). Nhưng tin mừng là qua việc dạy chúng ta thực thi lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu đang hứa canh chừng và bảo vệ chúng ta.
Một Kho Tàng Vĩ Đại. Kinh Lạy Cha là một trong những kho tàng lớn nhất mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Lời Kinh đó nói cho chúng ta biết Thiên Chúa muốn giúp chúng ta nhiều biết chừng nào và Lời Kinh đó dạy chúng ta phó thác cuộc sống của chúng ta cho Người. Vậy chúng ta hãy làm theo những lời Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Trước hết, chúng ta hãy tôn vinh Chúa và tìm kiếm nước của Người, và thứ hai, chúng ta hãy xin Cha chúng ta ân sủng để yêu thương và tha thứ như chúng ta đã được yêu thương và tha thứ.
Một trong những lý do mà Kinh Lạy Cha rất phổ biến là vì Lời Kinh này bao gồm tất cả mọi thành phần chính yếu của bất cứ lời cầu nguyện nào khác. Chúng ta có thể sử dụng những lời cầu nguyện trang trọng hơn như Kinh Mân Côi hoặc Kinh phụng vụ, hoặc chúng ta có thể cầu nguyện theo cách ít công thức hơn, có thể là chầu Thánh Thể hoặc bằng cách hát những bài ca ngợi khen và thờ phượng. Nhưng không quan trọng chúng ta làm gì, chúng ta có thể tin tưởng rằng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ biến đổi chúng ta nếu chúng ta dâng chính bản thân mình cho Chúa giống như Kinh Lạy Cha dạy chúng ta làm. Chúng ta xác tín rằng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ biến đổi chúng ta bởi vì chúng ta đang sống sự trao đổi thánh thiêng được đúc kết tuyệt vời trong Kinh Lạy Cha.
Làm Dịu Tâm Trí xáo trộn của Chúng Ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới bão hoà về phương tiện truyền thông: Máy tính, điện thoại thông minh, ti vi và máy tính bảng của chúng ta luôn ở chế độ mở. Chúng tràn ngập tâm trí chúng ta với vô số những hình ảnh và bao quanh chúng ta với một mớ những từ ngữ và những ý kiến mỗi ngày. Kết quả là tâm trí chúng ta có khuynh hướng chạy đua từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác suốt cả ngày sống. Chúng ta có thể quá bị chia trí đến nỗi cảm thấy không thể giữ sự tập trung của mình. Khi đến giờ cầu nguyện, những suy nghĩ và những hình ảnh lăng xăng này làm cho chúng ta khó mà tập trung tâm trí vào Chúa và lắng nghe những gì Người muốn nói với chúng ta. Chúng làm cho chúng ta khó mà ngồi thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa và cảm nhận tình yêu và sự bình an của Người.
Hãy thử tiến trình bốn bước đơn giản này khi bắt đầu cầu nguyện. Nó có thể giúp bạn bình tâm và tìm thấy sự hiện diện của Chúa. Mỗi ngày trong tuần này, hãy sử dụng phương pháp này, và hãy xem liệu nó sẽ giúp bạn. Bạn có thể thấy dễ dàng hơn để bước vào sự hiện diện của Chúa vào cuối tuần. Bạn có thể thấy rằng sự hiện diện của Người có quyền năng làm yên lặng tất cả những sự chia trí có thể đang lấp đầy tâm trí bạn.
Bước 1. Hãy nhắm mắt lại và hít thở sâu vài cái.
Bước 2. Hãy nói với chính bạn rằng đến giờ tìm kiếm Chúa rồi. Hãy nhắc nhớ bạn rằng những mối bận tâm và lo lắng khác của bạn có thể chờ ít phút; bạn có thể trở lại chúng sau khi bạn đã cầu nguyện. Nếu một biến cố nào đó gần đây hoặc một tội nhẹ nào bắt đầu quấy rầy bạn, hãy sám hối cách nhanh chóng và đưa tâm trí trở lại với Chúa.
Bước 3. Hãy tìm cách để tập trung sự chú ý của bạn. Nếu bạn đang tham dự Thánh Lễ, hãy cố gắng tập trung vào tượng thánh giá. Nếu bạn đang suy niệm Kinh Thánh, bạn có thể tập trung vào một câu ngắn từ đoạn bạn đang đọc. Nếu bạn đang cầu nguyện, bạn có thể lặp lại Danh Chúa Giêsu khi bạn hình dung Người trong tâm trí bạn. Bất cứ bạn làm gì, hãy chỉ tập trung vào hành động đó, chứ đừng tập trung vào những suy nghĩ mà bạn đang cố gắng đặt qua một bên. Chúng sẽ chỉ làm bạn chia trí hơn!
Bước 4. Hãy tiếp tục thực hành việc này cho đến khi tâm trí bạn đi vào sự tập trung. Bạn có thể sẽ thấy chính mình đang hít thở dễ dàng hơn một chút. Bạn có thể thấy chính mình đang thư giãn nhiều hơn một chút. Bạn có thể thậm chí thấy mình đang mỉm cười cách thoải mái hơn một chút!
Sự Đơn Sơ Tuyệt Vời. Có một sự đơn sơ tuyệt vời để cầu nguyện, không quan trọng chúng ta cầu nguyện như thế nào. Sự đơn sơ đó được tóm tắt trong sự trao đổi thánh thiêng. Đó là sự đơn sơ của một đứa con đến với cha mình với lòng yêu mến và tin tưởng. Đó là sự đơn sơ dâng lên Chúa quà tặng cuộc sống và việc tôn thờ của chúng ta rồi lãnh nhận tình yêu và ân sủng của Người. Đó là sự đơn sơ nghỉ ngơi trước sự hiện diện của Thiên Chúa và được lấp đầy bằng mọi thứ mà chúng ta cần để thực hiện thánh ý của Người… dưới đất cũng như trên trời.