Nỗi khắc khoải …

0

 “ Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” (Mc 3, 20-21).

Tôi thật sự bị đánh động bởi 2 câu Tin Mừng này, tôi hình dung về một ngày làm việc của Chúa và các môn đệ: Rao giảng Tin  Mừng, chữa bệnh, trừ quỷ…công  việc vất vả đến nỗi chẳng có thì giờ ăn uống. Nhưng kết quả là gi? Chúa bị thân nhân cho là “mất trí”. Có một chút gì đó tôi thầm trách thân nhân của Chúa quá vô tâm, quá hồ đồ khi đánh giá sai về công việc của Chúa. Tôi ngồi trước nhà Chầu vắng để con suy niệm về Chúa và thì thầm với Chúa về suy nghĩ của tôi, Chúa đã vì lo việc nhà Chúa mà dấn thân đến quên mình, ngay cả việc ăn uống là nhu cầu cần thiết nhất của con người mà Chúa cũng không có thì giờ để đáp ứng. Vậy mà bị người ta cho là kẻ tâm thần, là mất trí. Tin Mừng không kể lại phản ứng của Chúa thế nào trước sự đánh giá của người thân về Ngài, chỉ biết rằng Chúa vẫn tiếp tục công việc của Chúa, vẫn dấn thân không mệt mỏi cho nước của Chúa. Tôi tự hỏi: Tại sao Chúa làm được như vậy ? Câu trả lời mà tôi biết được là vì Chúa yêu con người, chỉ vì yêu thương con người mà Chúa đã quên đi chính bản thân của Chúa. Quả thật, làm sao người ta có thể dấn thân, có thể quên mình khi người ta còn nghĩ đến mình, còn đề cao mình, còn tự cao tự đại về mình. Hơn nữa để có thể dấn thân, có thể quên mình thì người ta phải khiêm nhường thực sự, khiêm nhường thẳm sâu trong cõi lòng để đón nhận và chấp nhận người khác.

Năm năm lần mò theo Đức Giê-su, tôi đã lờ mờ hiểu rằng mọi điều quý giá, mọi ẩn số mà tôi đang loay hoay tìm kiếm trong cuộc đời đều được tiềm ẩn trong cuốn Phúc Âm nhỏ tôi đọc hằng ngày. Hôm nay, tôi lại thêm xác tín về điều ấy, khi khám phá ra bài học Chúa dạy “muốn dấn thân muốn quên mình con phải có một tinh thần khiêm nhường như Chúa”.

Khiêm nhường như Chúa, quên mình chết cho đời, chết cho người dù bị đời chối bỏ, dù bị người khinh chê, bị coi như một kẻ tâm thần, một kẻ mất trí, phải chăng đó là một nhân đức tử đạo. Tôi nghe văng vẳng trong nhà Chầu vắng: “Hãy học với Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Chúa gọi tôi theo dấu chân Chúa, Chúa bảo tôi hãy học với Chúa, hãy làm giống Chúa, và hôm nay Chúa dạy tôi hãy dấn thân, hãy quên mình, hãy hun đúc cho mình một tinh thần khiêm nhường tử đạo như Chúa. Qua năm năm ngắn ngủi của đời tu nhưng phần nào tôi đã được học, được sống hai từ “dấn thân, khiêm nhường”,  thế nhưng tôi vẫn chưa học được chữ “tử đạo”. Chính bởi thế, mà dấn thân của tôi có chọn lọc và khiêm nhường của tôi có giới hạn. Tôi thích dấn thân phục vụ cho những người mà tôi yêu thương, cho những người quên mình vì tôi, tôi khiêm nhường trong cách cư xử ăn nói với những người tôn trọng tôi, yêu mến tôi. Còn những người ít thiện cảm với tôi, những người dễ làm cho tôi khó chịu, thì mỗi lần có cơ hội phục vụ họ, thì sự kiêu ngạo trong tôi nổi lên, và lòng tự ái lao vào cấu xé: “Mi làm cái trò ngốc nghếch gì vậy?”. Những lúc như thế trong tôi đấu tranh giằng xé, rất nhiều lần sự khiêm nhường đã thua cuộc, sự kiêu ngạo và tự ái đã lên ngôi. Mỗi lần như thế, lời Chúa Giê-su đã ứng nghiệm: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ?” (Mt 5, 46). Và như thế tôi có khác gì những kẻ ngoài đời, đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy. Và sự khiêm nhường nơi tôi không phải là khiêm nhường Chúa muốn nhưng chỉ là sự khôn ngoan người đời.

Chúa vẫn là Chúa, vẫn mang trong mình bản chất thánh thiện, vẫn khiêm tốn, vẫn dấn thân quên mình thực thi sứ mạng Cha trao phó dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù người đời chấp nhận hay chối bỏ, dù an vui hay gian nan tư bề. Vậy còn tôi, liệu tôi có yêu Chúa đủ để có thể hạ mình, dấn thân phục vụ khi bị người ta chối bỏ hay không ?

Lạy Chúa Giê-su ! Con rất ghét sự kiêu ngạo vì Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo. Nếu con kiêu ngạo, lỡ Chúa bỏ con thì sao ? Mà hành trình đời tu vắng bóng Chúa là một hành trình thật buồn. Xin Chúa ban cho con có thêm sức mạnh và lòng can đảm để con thực thi một tinh thần khiêm nhường tử đạo như Chúa để đời tu của con là một màu hồng hạnh phúc vì luôn thấp thoáng hình bóng của Đấng con hằng mến yêu. A-men.

 

Maria Đinh Thúy (Tiền Tập)

Comments are closed.

phone-icon