Bề trên Tổng quyền Rosa Đinh Thị Ngọc Hương

0

CHỊ ROSA ĐINH THỊ NGỌC HƯƠNG

BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DÒNG ĐA MINH TAM HIỆP

Nhiệm kỳ 1987 – 1991, 1991 – 1995


Chị Rosa Đinh Thị Ngọc Hương đã có những tháng năm giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp. Nhìn lại những chặng đường Chị đã đi qua, chúng ta như thấy được bàn tay Chúa đang dắt Chị và Chị cũng đang bước theo Chúa một cách rất hăng say, nhiệt tình. Nơi cuộc sống của Chị dường như không có chỗ cho sự ngờ vực vào tình thương Thiên Chúa, không có chỗ cho những bất an mặc dù rất nhiều khi Chị phải đối diện với những khó khăn thử thách. Trong tập cấm phòng của mình, có đoạn Chị viết:

“Lạy Chúa, điều gì sẽ xảy ra cho con ngày hôm nay? Con chẳng biết. Điều con biết được là không gì xảy ra cho con mà đã không được Chúa tiền định từ muôn thuở.

Con tôn thờ ý định vĩnh cửu của Chúa và con hết lòng lạy phục.

Con muốn tất cả

Con chấp nhận tất cả

Con hiến dâng Chúa tất cả như một hy tế, và con kết hợp hy tế này với hy tế của con yêu dấu Chúa, Đấng cứu chuộc con, để qua Thánh Tâm Ngài, và nhờ công nghiệp vô cùng của Ngài, xin Chúa cho con kiên nhẫn trong những hoạn nạn con gặp phải, và hoàn toàn vâng phục Chúa đối với mọi điều Chúa muốn và Chúa cho phép xảy đến cho con”.

Lời nguyện và sự xác tín trên được Chị viết vào năm 1985 khi đã ở tuổi ngoài 50, cái tuổi “tri thiên mệnh”. Chắc chắn Chị cảm nghiệm thật sâu, thật rõ về một vì Thiên Chúa đang ở bên Chị, đang sống trong Chị và đang thực hiện cho Chị những điều kỳ diệu từ khi Chị lọt lòng mẹ. Thật vậy, lần giở lại lịch sử đời Chị, chúng ta sẽ thấy rõ Chị đã được Chúa chọn ngay từ trong dạ mẫu thân.

Chị Rosa và Ban Tổng Điều Hành nhiệm khóa 1991 - 1995


Chị chào đời ngày 30 tháng 12 năm 1933 (nhưng giấy tờ ghi là 1936) tại làng Bùi Chu, giáo xứ Bùi Chu, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chị được sinh ra trong một gia đình công giáo đạo đức. Cha của Chị là ông cố Đa Minh Vũ Văn Khoát (1896 – 1996) từng làm ông Trùm giáo xứ trong nhiều khóa. Mẹ là bà cố Maria Nguyễn Thị Nguyện (1900 – 2001), làm bà quản coi thiếu nhi và xướng kinh trong nhà thờ. Làng quê Bùi Chu của Chị tuy nghèo về vật chất nhưng đời sống đạo thì không nghèo, cho đến bây giờ vẫn được coi là nơi đầu tiên đón nhận Tin Mừng tại Việt Nam. Sự nhiệt tâm với đạo Chúa đã làm nên nơi đây những con người không quản ngại gian khổ, sẵn sàng chối bỏ hư vinh để đem đạo Chúa đến với dân ngoại. Và truyền thống đạo đức ấy cũng đã ăn sâu vào huyết tộc của Chị.

Thật vậy, cô Nguyện, mẹ của Chị Rosa khi còn nhỏ, đã từng vào Nhà Phước Đa Minh Bùi Chu để xin tu. Nhưng ước vọng đó không thành sự, bởi vì sau khi cha qua đời, cô phải trở về gia đình để giúp mẹ chăm sóc người chị gái đang đau bệnh nặng. Chị Rosa là người con thứ ba trong gia đình, và sau chị lúc bấy giờ còn một em trai và một em gái. Chị được mẹ yêu quý và gọi với cái tên cúng cơm là Tỉnh. Khi Tỉnh mới lên 6, 7 tuổi, nhớ lại lời an ủi của các Dì Phước trước kia, mẹ liền gửi đứa con gái vào cô nhi viện của Nhà Phước để học. Tỉnh ở lại đó ban ngày, còn ban tối thì trở về với mẹ. Tỉnh giúp các Dì Phước Đa Minh phân phát cơm cháo cho những người gặp nạn đói vì mất mùa (từ 10/1944 đến 5/1945) chung quanh nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Tỉnh muốn đi tu nhưng cha cố Đa Minh Đinh Khắc Túc là cha phó xứ Bùi Chu khuyên cô bé nên chờ cho hết nạn đói, kẻo người ta bảo đi tu vì sợ chết đói. Thế là vào ngày 15/8/1945, cô bé được cha Túc giới thiệu với Bà Nhất Nhà Phước Êmilia Nguyễn Thị Soi. Cô còn được phép trở về để chuẩn bị cho đến ngày 30/8 thì mới chính thức đi tu và được đặt một tên mới là Rosa Sê. Hôm ấy là ngày lễ thánh Rosa quan thầy của Nhà Phước Bùi Chu. Trước sự tham dự của Đức Cha Địa phận Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn và các thầy trường Giảng, cô đệ tử cũng được giới thiệu với Đức Cha.

Từ năm 1951-1953 Chị được đến trường Trung học công lập Hồ Ngọc Cẩn (thành lập năm 1949 tại Trung Linh, Bùi Chu) với tên gọi là Rosa Vũ Thị Đài. Đây là một điều hiếm xảy ra lúc bấy giờ, bởi vì thường việc học hành chỉ dành cho nam giới. Sau này Chị Rosa luôn sẵn sàng nói về cái may mắn đó với mọi người: “Đây thực là một diễm phúc cho tôi, vì nhờ vậy mà tôi đã có thể biết đọc biết viết. Các em gái ở thôn quê vào thời điểm đó không được phép hấp thụ một nền giáo dục chính quy. Học viết là một điều cấm kỵ đối với con gái” (“Grace upon grace”, trong Echoes (Summer 2005) Dominican Nuns, Farmington Hills, Michigan, tr. 2.)

Năm 1953, sau khi học xong chương trình Đệ Ngũ, Chị được Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chọn sang Mỹ cùng với một số bạn đệ tử. Theo hoàn cảnh thời thế lúc bấy giờ, Chị đi du học với bộ hồ sơ mang tên Rosa Đinh Thị Ngọc Hương. Và cái tên xinh đẹp này đã trở thành danh xưng chính thức của Chị kể từ đó, mặc dù chị em trong Dòng vẫn quen gọi Chị là Rosa Vũ Thị Đài.

Tại Mỹ, Chị sống với một gia đình ở tiểu bang Indiana để học xong chương trình phổ thông trung học và học thêm tiếng Anh. Sau đó, Chị theo học ở trường Saint Mary of the Woods College trong cùng tiểu bang ấy. Ngày 29 tháng 7 năm 1959, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Phêrô Maria, Chị đã vào Tiền Tập và Nhà Tập của Hội Dòng Nữ Đa Minh ở Kentucky (the Congregation of St. Catharina of Siena in Kentucky). Sau khi tuyên khấn lần đầu, Chị được tiếp tục theo học ở đại học Spalding (Spalding University in Louisville, Kentucky).

Năm 1962 Chị trở về Việt Nam và cùng chung sống với chị em trong Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp gốc Bùi Chu nơi mà Chị đã được sai đi. Ngày 15 tháng 8 năm 1966, Chị được tuyên khấn trọn đời tại Tam Hiệp trong tay Mẹ Bề Trên tiên khởi Êmilia Nguyễn Thị Sê. Từ đó, Chị được Hội Dòng trao cho nhiều trách nhiệm khác nhau, như: Giám thị trường Trung học thánh Giuse, giám đốc Đệ tử viện, Giám học, Tổng cố vấn của Hội dòng… và chức vụ cao nhất trong Dòng – Bề Trên Tổng Quyền (1987-1995) – mà chị khiêm tốn nhận mình là Bề Trên Tổng Đại Diện.

Chị Rosa nhận lời Khấn của các Khấn sinh tại Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp


Với lý tưởng “được hiến thân trọn vẹn cho Chúa để phụng sự Chúa, phục vụ Giáo Hội và các linh hồn”, Chị đã sống điều này thật rõ nét qua những công tác được trao, đặc biệt trong vai trò lãnh đạo Hội Dòng. Chị không ngừng hướng dẫn, động viên khích lệ chị em sống đúng ơn gọi dâng hiến của mình qua các lời khấn dòng, canh tân đời sống, cùng nhau lao động, trau dồi kiến thức văn hóa, thần học và cùng nhau thi hành sứ vụ. Đặc biệt Chị muốn chị em sống một cách có trách nhiệm với ơn gọi của mình. Trong thư gởi chị em toàn dòng để chuẩn bị cho Tổng hội 1995, Chị viết:

“Trước khi muốn tiến, ta phải củng cố. Tất nhiên phải bài trừ lối sống an phận, thái độ sợ chịu trách nhiệm; đó là điểm tiên quyết giúp tìm cách tháo gỡ những gì làm trì trệ bước tiến của Hội Dòng, làm giảm đi giá trị đời tu, làm mai một sự nhiệt tình cứu độ anh em, và bào mòn tinh thần dấn thân của chúng ta. Điều cụ thể là phải dám xem xét lại mọi khía cạnh trong đời sống thánh hiến, phải biết nhìn vào thế giới, phân tích và chọn lọc, đồng thời biết lắng nghe và dám đối diện…” (Nội san Ánh Sáng, số 157, tr. 52).

 Cuộc sống của Chị tưởng chừng cứ thế êm trôi như tâm tình của một Thánh Vịnh mà chị đã cảm nhận “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn con lặng lẽ an vui” (Tv 130,2). Nhưng không, Chúa lại dành cho Chị một chương trình mới. Trong trách nhiệm của Bề trên Tổng Quyền, Chị đã thi hành vài chuyến công du sang Âu Châu để tham dự các cuộc hội họp. Chị đã thăm viếng Đan Viện Đa Minh đầu tiên tại Prouille do thánh Đa Minh sáng lập năm 1206 và một số đan viện khác. Kinh nghiệm gặp gỡ các Đan Viện này đã khơi dậy lên trong Chị niềm khao khát được họa lại lối sống đan tu Đa Minh tại Việt Nam. Những trăn trở đó luôn theo đuổi Chị trong nhiều tháng năm, nhất là sau khi Chị mãn nhiệm.

Từ đó Chị nhận ra lời mời gọi của Chúa mỗi ngày một rõ ràng hơn qua các dấu chỉ, đặc biệt qua các cuộc thăm viếng gia đình Đa Minh Việt Nam vào năm 1996 của các vị hữu trách Dòng Anh Em Thuyết Giáo từ trụ sở trung ương Santa Sabina, trong đó phải kể đến cha Victor Hofstetter, Tổng Đặc trách các Đan sĩ Đa Minh thế giới. Chúa muốn Chị dành trọn cuộc đời cho Ngài trong cầu nguyện và hy sinh, và đặt Chị làm nền móng cho một Dòng kín Đa Minh tại Việt Nam. Một lần nữa Chị phải từ bỏ tất cả cơ đồ, sự nghiệp vật chất và tinh thần mà Chị đã đóng góp cho Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp để ra đi.

Mùa hè năm 1998, Chị được mời trở lại trường Saint Mary of the Woods College để tham dự lễ phong chân phước cho Mẹ Sáng Lập. Trên lộ trình dài từ Dòng Đa Minh Kentucky tới Saint Mary of the Woods (Indiana) mang theo niềm thao thức khôn nguôi, Chị đã được một nữ tu mách bảo tới gặp Sr. Mary Thomas, Đan Viện Trưởng Đan Viện Đa Minh Thánh Thể tại Farmington Hills, Michigan (Mỹ). Và Chị luôn xác tín đó là con đường Chúa Quan Phòng muốn dẫn Chị tới. Sau đó Chị cũng nhận được một lá thư đầy tình thương mến của cha Victor Hofstetter, Tổng Đặc trách các Đan sĩ Đa Minh thế giới, gửi gắm giấc mơ được trông thấy đứa bé Đan sinh Đa Minh sớm ra đời tại Việt Nam (24/1/1999). 

Bắt đầu cho thời kỳ “sinh nở” quan trọng đó, ngày 29 tháng 8 năm 1999, Chị Rosa rời khỏi Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp để sống thử nghiệm ơn gọi đan sĩ trong Đan Viện Đa Minh Thánh Thể (Mỹ). Sau khi hoàn tất hai năm tập tại đây, ngày 03 tháng 11 năm 2001 Chị trở về Việt Nam. Một năm sau, Chị khởi sự nếp sống đan tu cùng với một chị khác cũng vừa mới hoàn thành hai năm tập tại Farmington Hills và trở về. Cư ngụ trong ngôi nhà nhỏ trước đây là Tu xá thánh Phaolô Trở Lại của Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, tại giáo xứ Lạc Quang, giáo phận Sài Gòn, Chị sống hết sức âm thầm, lặng lẽ như hạt giống vùi sâu trong lòng đất, chẳng khác gì “Giáo Hội hầm trú” trong hoàn cảnh xã hội và chính trị của đất nước còn nhiều khó khăn.

Sau khi cộng đoàn đan tu được chính thức khai sinh với tên gọi Cộng đoàn Đan tu Đa Minh, Đức Maria Chúa Thánh Linh (23/10/2002) chỉ trong một thời gian ngắn, Chị cùng cộng đoàn chuyển đến một ngôi nhà tại Ngũ Phúc (Hố Nai). Chương trình đào tạo căn bản của Chị còn phải qua một bước quan trọng nữa. Vì thế, tháng 2 năm 2004, Chị Rosa được trở lại Đan Viện Mẹ để chuẩn bị cho ngày khấn trọng. Và một năm sau, ngày 05 tháng 02 năm 2005, Chị đã trở thành nữ Đan Sĩ Đa Minh Việt Nam thực thụ đầu tiên.

Bài báo viết về ngày Khấn Trọng của Chị Rosa tại Michigan


Chị Rosa Đinh Thị Ngọc Hương không chỉ có ơn đoàn sủng tạo ra những bước khai sáng trong lịch sử Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp và Đan Viện Đa Minh Đức Maria Thánh Linh, mà Chị còn góp phần làm nên những biến chuyển đáng ghi nhớ trong gia đình Đa Minh Việt Nam. Thật vậy, trong tư cách là Bề trên Cao cấp nhất của một hội dòng có bề dày lịch sử hơn so với các hội dòng Đa Minh khác tại Việt Nam, với sự hỗ trợ tinh thần rất mạnh mẽ của Cha giám tỉnh Giuse Đinh Châu Trân, tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, Chị đã tích cực xúc tiến việc thành lập Liên Hiệp Nữ Đa Minh Việt Nam (20/9/1994) và gầy dựng một ngân quỹ ban đầu cho Liên Hiệp. Chị đã thấy giấc mơ đó đã trở thành hiện thực vào ngày 10/03/1996.

Cũng thời điểm đó, trong vai trò Giám học Học viện Tôma của Đa Minh Tam Hiệp, Chị Rosa một lần nữa cậy nhờ sự giúp đỡ của cha giám tỉnh Giuse Đinh Châu Trân, để xin nhà nước cho phép Học viện được hoạt động và tiếp nhận các học viên mới từ Hội dòng khác, tuy mang danh xưng là Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Phaolô Nguyễn Văn Bình cơ sở B. Một năm sau, Lớp thần học này được các Bề trên trong Liên hiệp chính thức nhìn nhận là Học viện Thần học Liên Dòng Thánh Tôma vào ngày03/09/1996.

Chị Rosa với đời sống Đan tu Đa Minh hiện nay

Đôi nét sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của Chị Rosa hẳn không thể diễn tả hết được tâm tình của Chị được tóm gọn trong khẩu hiệu “Con trông cậy Chúa” và những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện trong con người nhỏ bé này.

Mười lăm năm qua, Chị Rosa không còn hiện diện trong Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp bằng thể lý, nhưng lại hiện diện cách mới mẻ bằng tinh thần và cầu nguyện. Trong tâm trí và trái tim của Chị, luôn có một chỗ đặc biệt dành cho từng chị em trong Hội Dòng chúng ta. Còn Chị em Đa Minh Tam Hiệp luôn nhắc nhớ về Chị với lòng biết ơn chân thành, đầy niềm tự hào và như được truyền cảm hứng sống tinh thần huyền bí chiêm niệm ngay giữa những hoạt động tông đồ của chị em.

Maria Đinh Thị Sáng

M. Martinô Nguyễn Thị Mai Hồng

(Bài viết đã được Chị Rosa Đinh Thị Ngọc Hương đọc và xác nhận)

Comments are closed.

phone-icon