Đau khổ – Chương 1

0

Bạn có bao giờ gặp đau khổ, của bản thân hay của người khác chưa? Bạn có bao giờ đặt câu hỏi về vấn đề đau khổ? Ví dụ: Tại sao lại có đau khổ? Tại sao lại có sự dữ? Thiên Chúa có vai trò gì trong sự đau khổ của tôi?… Và nhiều câu hỏi khác khiến bạn bế tắc… 

Mời bạn cùng đặt câu hỏi và suy tư với linh mục Giuse Việt, O.Carm. về đề tài này qua bài viết dưới đây:  

***

ÐÔI DÒNG GII THIU

Bầu trời New York sáng hôm ấy thật đẹp. Một buổi sáng thứ ba, hai bên đường đến trường là những khối màu sặc sỡ của cây lá mùa thu, thơ mộng như cảnh thần tiên trong các chuyện cổ tích tôi vẫn được nghe hồi còn nhỏ. Ðây thật là thiên cảnh được thể hiện phần nào nơi tác phẩm của các họa sỹ thời danh thế giới. Mục kích cảnh ấy, bạn chỉ có một việc có thể làm và phải làm là cất tiếng ca ngợi Ðấng Yêu Thương đã tài tình tác tạo sắp xếp. Trên đường tới trường, chúng tôi vừa chặc lưỡi trầm trồ thán phục vừa hát vang bài tán dương Thiên Chúa…. Thế rồi, chuyện ấy xảy đến. Hoàn toàn bất ngờ: câu kinh khai mạc năm học mới của chúng tôi ở Ossining vừa dứt thì nhận được tin báo toà tháp đôi New York bị khủng bố. Chiếc máy bay thứ nhất đâm vào toà tháp thứ nhất mở màn cho một loạt những khủng hoảng ghê gớm trên thế giới. Và bản thân tôi, đúng ngày hôm ấy, bắt đầu đi vào hành trình suy tư về sự dữ và đau khổ.

 Tôi mày mò, dò dẫm trong bóng đêm cuộc đời.

Càng đi sâu vào thực trạng của nhân loại, tôi càng thấy kinh khủng, bế tắc. Tôi không thể hiểu tại sao bên cạnh một Thiên Chúa quyền năng, tốt lành vô cùng mà tôi vẫn tin thờ lại tồn tại quá nhiều thảm cảnh tội ác, bất công, tai họa… Tôi rắm rối vì bên cạnh ‘con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa’ là hành động khốn nạn của Satan… Tôi không hiểu.

Một năm sau, vào một ngày thứ sáu trong lành, bữa sáng của tôi chan hòa trong ánh nắng ban mai. Chim ríu rít trên cành, gió nhẹ nhàng đung đưa khóm lá lao xao. Ðời thật êm ả, bình yên. Tâm hồn tôi tạm quên đi sự chộn rộn, lắng lo của cuộc sống vốn có rất nhiều vấn đề khiến người ta không dễ dàng tìm được những giây phút thanh thản như thế này. Vừa hát tôi vừa mở gói báo buổi sáng. Chắc sẽ có nhiều tin vui vì sáng hôm nay trời thật đẹp, tôi thật vui. Tờ báo đầu tiên tôi mở ra là tờ New York Times. Nhưng, ngay trang nhất là cảnh tượng một vụ đánh bom tự sát của một thiếu nữ Palestine xảy ra trong một khách sạn Israel. Mấy chục người chết và bị thương trong lúc đang tiệc tùng vui vẻ. Máu loang bắn tung toé khắp nơi. Lập tức, tôi bị trả ngược về với thực tế của sự dữ và đau khổ. Lời ca vui tươi của tôi lập tức được thay thế bằng một tiếng “Trời!!!”quen thuộc. “Tại sao? Lạy Chúa, tại sao lại như vậy?” Trong tôi vừa buồn vừa phẫn nộ. Buồn vì thảm cảnh cuộc đời và phẫn nộ với Thiên Chúa. “Chúa, tại sao Ngài không làm một cái gì đi? Chẳng lẽ Ngài cứ để mặc cho những thảm cảnh này xảy ra hay sao? Bao nhiêu năm rồi, không ngày nào con không chứng kiến những chuyện tệ hại như thế này! Tại sao Ngài tạo dựng con người rồi để mặc chúng nó cắn xé, hãm hại, giết chóc nhau?… Tại sao Ngài cứ im lặng? Làm một cái gì đi chứ! ”… …

Vừa giận dữ vừa thất vọng, tôi nhìn lên bức tường trước mặt. Và, bất chợt tôi nhận ra thập giá. Thập giá. Ðây là lần đầu tiên tôi nhìn ra thập giá, thập giá của Giêsu, dù nó đã hiện diện ở đó bao năm rồi. Và đây, lạy Chúa tôi, là câu trả lời duy nhất cho vấn nạn của tôi. Thiên Chúa đã làm tất cả nơi thập giá của Giêsu. Thập giá ấy là giải pháp duy nhất đem lại hạnh phúc đích thực cho nhân loại. Thập giá của Giêsu là tình yêu. Tình yêu như tình yêu của Giêsu là con đường duy nhất. Con người có lý trí và tự do nên mang trong mình nhiều khuynh hướng khác nhau, và người ta không thể sống chung với nhau nếu các khuynh hướng của họ không được quy tụ qua chọn lựa của tình yêu. Thiên Chúa đã làm tất cả để diễn tả tình yêu của mình và cách diễn tả này là giải pháp duy nhất cho hạnh phúc của con người nếu con người chọn nó.

Hôm nay, các cuộc chiến ác liệt vẫn đang diễn ra với bao nhiêu cảnh tang thương, hủy diệt cùng với muôn vàn những tấn bi kịch khác trên thế giới càng làm cho bức tranh của nhân loại thêm đen tối. Người ta đưa ra bao nhiêu giải pháp để làm cho hành tinh xanh này được ổn định, hoà bình. Tiếc thay, ít nhất đã hai ngàn năm rồi, Giải Pháp Duy Nhất vẫn ở đó mà nhân loại có học được bao nhiêu đâu. Người ta mơ rất nhiều về một khung trời bình yên nơi “chiên sống chung với sói, trẻ con chơi đùa với rắn hổ mang…” mà chẳng mấy ai chịu bước vào Con Ðường duy nhất đã sẵn ở đó. Có lẽ ai cũng muốn làm thầy nên chẳng mấy ai chịu học bài học của Thầy Giêsu cả. Cứ đà này thì hành tinh của chúng ta liệu có còn màu xanh của sự sống không hay sẽ là màu đỏ của máu và màu đen của hận thù?…

Và còn bao nhiêu vấn nạn khác về đau khổ, chẳng hạn đau khổ do thiên tai hay bệnh tật, mà các suy tư cũng như học hỏi được trình bày trong bài viết này là những nỗ lực nhằm tìm ra cái nhìn và hướng đi đúng đắn khi gặp đau khổ.

 CHƯƠNG 1A: MT S LP LUN KHI ĐAU KH

1.1 Chúa dùng đau kh đ trng pht ti li con người

Có lẽ đây là một lập luận được đưa ra khá thường xuyên mỗi khi gặp phải đau khổ. Không phải là một lập luận, thậm chí có thể gọi là một lối tin tưởng đã có từ rất xa xưa trong lịch sử nhân loại. Người ta thường có khuynh hướng tìm ra nguyên do cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Khi tìm không ra, vì cái nhìn nhân sinh hạn hẹp hoặc chưa ra vì lý trí giới hạn, thì Ông Trời là một đối tượng rất hay được ‘chọn’ để làm nguyên nhân giải thích – dù trong ý thức hay vô thức. Chẳng hạn, một cậu sinh viên thi trượt kỳ thi vào đại học tự trách mình đã không chịu đi xưng tội rước lễ ‘cho đủ’ nên Chúa không cho đậu; hoặc có gia đình kia cho rằng con mình bị tật nguyền vì mình đã gian dối trong làm ăn. Chúa biết hết mọi sự và lại là Ðấng công bằng vô cùng nên Người phạt. Tác giả thánh vịnh đã chẳng nói ‘Chuá thưởng phạt đến ba bốn đời’ là gì?

Thuyết nhân quả xem ra là cái khá phổ biến nơi nhiều nền văn hóa. Chúc mừng thành công của nhau người ta vẫn nói đến “Ở hiền gặp lành”, “Chuá thưởng công”. Lúc xấu số mà bị ghét bỏ thì lập tức là “gieo gió gặt bão”, “bị quả báo”, “bị Trời phạt”. Ðúng hay không thì đó là chuyện của Chúa.

Có nhiều người chấp nhận thuyết nhân quả, chấp nhận ‘bị phạt’ vì thấy mình đã làm những việc sai trái trong quá khứ nhưng cũng có nhiều người không thể hiểu được tại sao mình lại gặp tai ương, hoạn nạn khi đã cố gắng sống một đời trung trinh. Gia đình bác tôi nhà thờ nhà thánh không hề bê trễ, nghèo nhưng chẳng đời nào để mình bị tha hoá mà làm những chuyện gian lận kiếm sống. Cả nhà tần tảo thức khuya dậy sớm mấy tháng trời nuôi được đàn gà. Sắp đến ngày bán thì chúng lăn đùng ra chết hết vì nạn dịch. Thế là tất cả vốn liếng tiêu theo mây khói, nợ nần chồng chất. Gieo hạt tốt chưa chắc gặt được lúa thơm. Hay như trường hợp của thầy dạy môn Hán văn của tôi. Cả một đời sống liêm chính theo tinh thần của Ðức Khổng phu tử, tuy là một học giả về Hán văn có tiếng tăm nhưng Thầy sống thanh bần, đức độ và rất thương người dù gia cảnh của Thầy còn khó khăn hơn họ bội phần. Thấy Thầy đạp xe cọc cạch đến trường trong khi bao đồng nghiệp có kẻ đưa người đón mà thán phục lẫn cảm thương cho Thầy. Một người tốt và thanh liêm như Thầy thời nay không dễ tìm. Thế mà mấy tuần trước Thầy bị tai nạn giao thông trên đường đến trường và phải vào nằm viện. Nếu “ở hiền gặp lành” thì phải giải thích thế nào trong những trường hợp như nhà bác tôi và Thầy tôi? Người bị đau khổ không hẳn là người đã phạm tội. Ðịnh luật nhân quả không thể đứng vững nếu nói đến một sự công bằng theo kiểu “răng đền răng, mắt đền mắt”, tốt thì may mắn, bê bối thì tai họa; không thể coi “đời cha ăn mặn – đời con khát nước” hoặc “cha ăn nho xanh – con phải ê răng” (Ed 18,2-3) là chân lý bởi Thiên Chúa được vì “chỉ có con người mới dùng lý thuyết ‘nợ máu phải trả bằng máu’.

Chỉ có con người mới trừng phạt con người. Con người đã ‘suy bụng ta ra bụng Chúa’, đã vô tình gán ghép cho Thiên Chúa sự công bình lạnh lùng bất chấp lòng khoan dung độ lượng.

1.2 Chúa có lý do khi gi đau kh đến cho con người

Nếu định luật nhân quả không thể giải thích đau khổ của người tốt, và Chúa cũng chẳng bao giờ ‘trả thù’ bất cứ ai như có người vẫn nghĩ, thì tại sao vẫn còn đầy rẫy những khổ đau khó hiểu? Nếu không phải Chúa ‘trừng phạt tội lỗi’ của con người thì phải chăng Người có lý do khi ‘gửi’ đau khổ đến cho con người? Có không ít người quan niệm rằng Chúa muốn dạy con người bài học nào đó khi để cho đau khổ xảy ra đối với họ, rằng Người muốn họ lớn lên trong đời sống tâm linh, rằng đau khổ của họ là một phương tiện phục vụ cho một mục đích nào đó trong chương trình màu nhiệm của Người…

Có một linh mục kia rất đạo đức thánh thiện, yêu Chúa yêu người hết tâm hết sức, chẳng ai thấy ngài quản ngại một hy sinh nào để chăm sóc cho giáo dân của mình. Một ngày nọ, đang soạn bài giảng thì ngài thấy say sẩm mặt mày và ngã nhào xuống đất. Bác sĩ cho biết hệ thống thần kinh của ngài đang dần dần bị tê liệt. Giáo dân hiệp nhau làm tuần cửu nhật cầu nguyện cho cha tha thiết. Nhưng ít lâu sau cha đã bị tê liệt toàn thân, tất cả mọi hoạt động mục vụ của cha bị ngưng lại hoàn toàn. Thử hỏi cha bị như vậy vì lý do gì? Nếu Chúa gửi bệnh tật đến cho cha để nhắc nhở hay cảnh báo cha điều gì thì cũng phải lựa một căn bệnh tương đối thôi chứ sao lại tàn nhẫn như vậy? Một mình cha đang coi sóc xứ đạo mấy ngàn tín hữu, không có cha là giáo xứ như rắn mất đầu; vả lại,  giáo phận đang thiếu nhiều linh mục, liệu có thể tìm được lý do nào hợp lý hợp tình cho việc cha bị liệt toàn thân không? Thử hỏi tình hình của giáo xứ sẽ thế nào khi không có mục tử chăn dắt, giáo phận sẽ lấy ai để thay thế cha trong khi còn rất nhiều giáo xứ vẫn chưa có linh mục coi sóc?… Liệu người ta sẽ còn tin rằng Chúa là Ðấng nhân lành luôn chăm chút từng li từng tí cho con cái mình hay sẽ có nhiều người đâm ra nghi ngờ tình thương của Chúa hoặc quay lại oán trách Chúa là tàn nhẫn? Chẳng lẽ Chúa không biết lường trước khả năng này? Nếu Chúa là Ðấng khôn ngoan siêu vời, quyền năng vô cùng và yêu thương con người không bờ bến thì tại sao có những chuyện như thế này?

Năm 1924, linh mục Thornton viết cuốn “Chiếc Cầu Trên Sông San Luis Rey” sau khi đi điều tra một vụ sập cầu làm cho năm người chết, trong đó có hai người mới trở lại đạo, hai người là dân trộm cướp hoàn lương, một người là ông trùm trong xứ. Cha kết luận rằng: có lẽ đã tới lúc cả năm người nên chết trong ơn nghĩa với Chúa?… Hơn 40 năm sau, cha lại viết một tác phẩm khác có tên “Ngày Thứ Tám” kể về cuộc đời của một gia đình lương thiện bị nhiều rủi ro và bị tụi du đãng hiếp đáp mặc dù họ vô tội. Cuối truyện, thay vì kết như kiểu phim Tàu rằng bọn bất lương phải đền tội, gia đình của người lương thiện được hưởng phúc vinh, thì cha lại đưa ra hình ảnh một bức tranh thêu. … Cha kết luận: Thiên Chúa đã định sẵn cho mỗi người một hướng đi thích hợp theo kiểu mẫu của một bức thêu hoàn mỹ. Vì những đòi hỏi của bức hoạ, sẽ có một số ‘đời chỉ’ phải bị xoắn lại, bị thắt nút hay bị cắt ngắn. Một số ‘đời chỉ’ khác được kéo dài, thẳng hơn không phải vì chúng xứng đáng hơn, nhưng vì nó cần thiết để hình thành một bức họa tuyệt hảo. Nếu nhìn vào mặt trái của cuộc đời, những đau khổ mà Thiên Chúa gửi đến cho con người có vẻ khó hiểu, vô lý và lung tung rối rắm nhưng nếu nhìn vào mặt phải của bức thêu, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi vết cắt, mỗi nút thắt khổ đau đều góp phần tạo dựng nên một bức tranh đẹp. Cách giải thích này có vẻ hợp lý và cảm động.
Có lẽ nhiều người sẽ sẵn sàng chấp nhận khổ đau để đóng góp cho bức thêu cuộc đời do chính tay Chúa sáng tạo một ý nghĩa hoặc giá trị nào đấy. Nhưng luân lý căn bản Công giáo không thể chấp nhận lối lý luận “sử dụng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt” vì phương tiện xấu không thể biện minh cho một mục đích tốt. Không thể vì sợ nạn nhân mãn mà ra tay giết hại các thai nhi, không thể vì lợi ích kinh tế mà gây ra chiến tranh để bán vũ khí, không thể để quảng bá giáo lý của Allah mà khủng bố giết hại hơn 3000 người trong một buổi sáng đẹp trời ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York, …

Thiên Chúa không thể nào lợi dụng những đau khổ hỏa ngục của kẻ khác để tạo lập Thiên Ðàng .

1.3  Chúa dùng đau kh đ giáo dc con người

Một quan niệm khác cho rằng Chúa cũng giống như cha mẹ, rất thương con nhưng lâu lâu vẫn sửa trị con cái bằng hình phạt để chúng nên người, vì “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” mà. Có thể lúc bị sửa, con cái không hiểu nên tức tối, giận hờn cha mẹ nhưng khi lớn lên sẽ hiểu và biết ơn cha mẹ. Chẳng hạn, khi thấy cậu học trò trung học có nguy cơ gặp tai nạn giao thông vì nhà cậu mới mua xe gắn máy phân khối lớn thì Chúa cho chân cậu vấp ngã què giò để cậu không có  khả năng tự mình lái xe đi chơi nữa. Hoặc Tiến, đứa con của ông Bảy ở làng tôi, một hôm xuống hồ bơi với chúng bạn, chẳng may bị chuột rút mà chết đuối. Chẳng lẽ để dạy cho ông Bảy một bài học nào đó trong trách nhiệm làm cha mẹ mà Chúa cho con ông ấy phải chết? Chết rồi thì còn dạy dỗ được gì nữa? Hay như thằng Ẩn, bạn hồi nhỏ của tôi, vài năm trước nó nghỉ học đi làm nghề khoan giếng. Bỗng một hôm tôi nhận được tin báo nó bị chết ngay dưới giếng vì thuốc nổ nổ chậm. Nó chết mà thân xác tan tành rất thương tâm. Nếu lập luận: Chúa dùng đau khổ để giáo dục con người là đúng thì thằng Ẩn sẽ học được bài học gì đây? Gia đình nó liệu sẽ học được bài học nào về sự thận trọng hay ngược lại sẽ thất vọng, quay ra phản đối Chúa. Tôi không biết họ đã học ‘bài học’ đó như thế nào nhưng điều tôi thấy là họ đã bỏ đạo và oán giận Thiên Chúa. Bài học gì mà quá vô lý và đắt giá? Giáo dục kiểu đó (nếu có) là vô giáo dục hơn cả.

Thiên Chúa nhân từ không đời nào lại có thể dùng những bất hạnh của một vài người như những con cờ thí để dạy bảo kẻ khác.

1.4  Ðau kh là th thách

Khi đau khổ không phải là hình phạt hay đường lối giáo dục của Thiên Chúa nhân lành thì vẫn có một quan điểm cho rằng: Thiên Chúa thỉnh thoảng vẫn gửi đến đau khổ để thử lòng tin của con người. Khi tiếp xúc, trao đổi với những anh chị em đang mang gánh nặng nề hoặc chứng kiến người khác chịu khổ đau, quan điểm này bộc lộ rất rõ. Hình như đau khổ được xem là thước đo lòng tin vào Thiên Chúa. Cô bạn Monia theo đạo Hồi của tôi vẫn thường xuyên khẳng định với tôi về sự thử thách của Allah đối với cô. Cô rằng: “Allah muốn biết tôi trung thành với Ngài đến mức nào. Nếu mình can đảm chịu đựng thử thách để chứng tỏ lòng tin của mình thì sẽ được ân thưởng. Còn nếu không thì mình sẽ bị rắc rối.”

Ðối với giáo dân Công giáo, câu chuyện của Abraham là một hình ảnh điển hình cho việc Thiên Chúa thử thách lòng tin của con ngừơi. Khi Abraham vượt qua được sự nghi ngờ của lòng mình đối với Người, sẵn sàng hy sinh cả đứa con độc nhất của mình thì Người ân thưởng cho ông cả ‘một dòng dõi đông như sao trên trời, như cát bãi biển’. Có lẽ nhiều người cũng đã được khuyên rằng: Chúa không bao giờ gửi thử thách nào vượt qúa sức chịu đựng của mình. Người ta có thể trưng dẫn trường hợp của Thánh Phaolô như một ví dụ tiêu biểu. Trong cơn bắt bớ, giam cầm vất vả qúa đỗi Phaolô đã kêu lên với Chúa thì Chúa bảo rằng “Ơn Ta đủ cho con.” (2Cr 12,9)  Chúa luôn ban ơn đủ để con người vượt qua được đau khổ. Ðiều này đúng. Nhưng thử thách xem lòng tin của người nào đó có thật sự là vững vàng hay không mà cùng lúc lại ban ơn để người ấy vượt qua thử thách thì xem ra không có lý. Như thế, thật là không mạch lạc khi nói rằng Chúa vừa ban ơn vừa thử thách Phaolô cùng một lúc. Thiết tưởng cũng nên đi sâu thêm để hiểu rõ bối cảnh của Abraham và Phaolô trong hai trường hợp trên. Kinh Thánh ghi lại rằng Chúa đưa ra ‘lời thử’ Abraham nhưng cần lưu ý một điều là Abraham không hề được đụng đến Isaac. Isaac không hề bị một vết xước nhỏ nào từ việc ‘thử thách’ này. Như thế, nếu Thiên Chúa có thử thì sự thử thách của Ngài chẳng gây nên thương tích cho con người. Cái gọi là thử thách của Thiên Chúa đối với Abraham ở đây không thể đồng nghĩa với thứ ‘thử thách’ mà người ta vẫn qui gán cho Thiên Chúa mỗi khi gặp tai ương, hoạn nạn. Không thể ‘bắt’ Thiên Chúa chịu trách nhiệm cho những khổ đau của con người vì Người hoàn toàn ‘vô tội’.

Tiếp theo, hãy xem xét trường hợp của Phaolô. Sự đau đớn, thống khổ của ông không hề có dấu vết của cái gọi là ‘thử thách từ Thiên Chúa’ vì ông đang làm chứng cho Ðức Giêsu phục sinh, cho chính Thiên Chúa. Thương tích trên thân mình và tinh thần của Phaolô là hậu quả của sự cứng lòng tin, thái độ khép kín,… đối với những chân lý, những thực tại mới trong một hoàn cảnh lịch sử rất nhạy cảm về tôn giáo lẫn chính trị.

Như thế, hai sự kiện Kinh Thánh trên không thích hợp để giải thích ‘thử thách’ của những người như chị Hường, một người vợ và một người mẹ của bốn đứa con nhỏ đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Như đã đề cập ở chương đầu, lúc gặp tôi chồng chị đã đặt ngay vấn đề: “Gia đình anh đâu có làm chuyện gì xấu mà Chúa lại thử thách qúa nặng như thế này?” Nếu Chúa là “Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn” thì Người có cần phải gửi đau khổ đến để thử lòng tin của họ không?

Theo Lm Bửu Dưỡng, cần phải phân biệt hai khái niệm “thử thách” và “thử luyện”: ‘Có lẽ không nên nói Thượng đế “thử thách” người ta vì Ngài không đố người ta dám làm thế này hay thế khác để trổ tài cán với Ngài. Còn hiểu “thử luyện” theo nghĩa “thử để mà luyện cho xứng đáng, tốt đẹp, tinh tuyền hơn” cũng khó nói về Thượng đế, Ngài vẫn có quyền luyện lọc, huấn luyện, chứ Ngài không thử người ta vì “thử” ai là mình chưa biết họ thế nào nên mới thử cho biết. Sau nữa, “thử” ai có nhiều khi nguy  hiểm cho họ, làm cho họ có thể chán nản sai lầm…”   Mà nếu có “thử” thì cũng phải để cho người ta sống với chứ, sao không gửi một cái gì khác mà lại là ung thư ? Có nhiều người đã tự tử vì không chịu nổi đau đớn trên giường bệnh. Nếu Chúa dùng đau khổ để thử thách nhân loại thì Người cũng nên biết rằng có nhiều người không vượt qua được những thử thách đó.

Ðối với tôi, Chúa là Người Cha nhân hậu sẵn sàng hy sinh tất cả cho con cái không thể làm những chuyện trẻ con đầy thất đức như vậy.

1.5  Ðau kh là công nghip

Khi tất cả mọi lập luận đều không đứng vững, theo phân tích của linh mục Giuse Thanh Bình, người ta chỉ còn cách bám vào lý thuyết sau cùng: Ðau khổ đời này sẽ là công nghiệp đời sau.  Chúa chắc chắn đã tạo dựng một nơi cho con người để họ hưởng hạnh phúc với Người như Người đã tạo dựng bầu trời bao la trước khi tạo dựng cánh chim, sông biển mênh mông trước khi tạo ra các loài thủy tộc. Ðau khổ chỉ là bước chuẩn bị cho một cuộc giải thoát con người khỏi hệ luỵ trần gian ngõ hầu đạt đến một thực tại không còn bóng dáng khổ đau: Thiên đàng. Nói cách khác, đau khổ dẫn đến Thiên đàng. Ðời sống trần gian chỉ là tạm bợ, đời sống mai sau mới là vĩnh cửu. ‘Sống gửi thác về’, ‘sau cơn mưa trời lại sáng’… Ðau khổ ở đời này chẳng đáng là gì so với Thiên đàng mai sau. Có lẽ quan điểm này cũng có thể giúp giải toả phần nào sự đau đớn tột cùng của một bà mẹ trẻ có đứa con 9 tuổi bị xe cán chết trên đường đi học về. Tôi nhớ mấy ông trùm bà quản trong xứ đã tốt bụng an ủi chị: “Chúa cất cháu nó ra khỏi trần gian đầy tội lỗi khổ đau lúc này là tốt cho cháu vì cháu trong trắng và thánh thiện. Chị đừng khóc nữa nhưng hãy mừng cho cháu. Ðau khổ hôm nay là công nghiệp của chị đời sau.” Làm sao bà mẹ ấy có thể mừng được khi nó là đứa con chị đã cưu mang bằng tình mẫu tử, đã đứt ruột sinh ra, đã hy sinh tất cả để dưỡng dục, đã đặt niềm hy vọng của mình? Trong nỗi đau cùng tận, chị chỉ thấy Chúa là kẻ cướp con của chị. Ngay cả một niềm hạnh phúc rất chính đáng của chị cũng không được tôn trọng. Chị đâu cần thứ đau khổ nào như vậy để có công nghiệp đời sau đâu. Mà ở đời này, một hạnh phúc nho nhỏ như thế cũng không được bảo đảm thì hạnh phúc đời sau sẽ thế nào?…
Quan điểm này có một khiếm khuyết rất nguy hiểm: nó coi nhẹ cuộc đời, sống thụ động, chịu đựng hy sinh để chờ được hưởng phúc Thiên đàng. Thân xác yếu đuối chỉ là cái vỏ bề ngoài sẽ bị tiêu tan như bụi đất, linh hồn mới quan trọng. Bởi vậy, tranh đấu làm gì? Vươn lên làm gì ? Cuộc đời chóng qua, hãy cứ để cho mấy thằng ngu si múa gậy vườn hoang, kiếm danh kiếm lợi, lọc lừa gian trá, ức hiếp dân lành, rồi tụi nó sẽ sáng mắt ra. Hãy cứ sẵn sàng chịu đau khổ vì ép chế bất công, càng đau khổ càng được nhiều công ích….
Chính thái độ sống thụ động này đã gây nên bao nhiêu hệ lụy tiêu cực khác trong cuộc sống loài người: chênh lệch giàu nghèo, chấp nhận áp bức bất công, sống luồn cúi, sợ hãi, cam chịu số phận,…

Thiên Chúa, qua lịch sử và nhất là qua cuộc đời Ðức Giêsu, thể hiện Người là Ðấng công minh và nhân lành. Người không tạo ra đau khổ nhưng chống lại bất công, không coi nhẹ cuộc đời nhưng lên án lối sống thụ động: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là muối cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ.” (Mt 6:13-14), “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Ðó không phải là thái độ ngồi chờ hay mặc kệ chuyện gì tới thì tới nhưng luôn cất bước lên đường để thăng tiến cuộc sống ngay tại trần gian này. Do đó, không thể kết luận rằng: đau khổ là công nghiệp cho hạnh phúc đời sau.

 Ðúc kết các lp lun:

Các lập luận trên có thể giúp nguôi ngoai được phần nào nỗi buồn khổ, chịu đựng rủi ro của hoàn cảnh, chấp nhận giới hạn yếu đuối của mình, vác thập giá theo chân Chúa và phó thác vận mạng cuộc đời cho Người. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa hơn vấn đề thì sẽ thấy chúng đều có một điểm chung khá nguy hiểm: chúng đều cho rằng Chúa là nguyên nhân của mọi khổ đau bất kể là để trừng phạt, dạy bảo, thử thách hoặc tạo cho con người một công nghiệp đời sau. Nhưng vì Thiên Chúa là Ðấng tốt lành vô cùng luôn yêu thương con cái Người nên không lập luận nào trên đây đứng vững cả.

 ***

Chương 1B: CÁC PHẢN ỨNG THƯỜNG THẤY KHI ĐAU KHỔ

2. Các phn ng thường thy khi đau kh xut hin

2.1  Tc gin

Theo Lm. Thanh Bình “Khi tin dữ dồn dập ùa về, phản ứng đầu tiên của chúng ta là tức giận. Tức giận chối bỏ sự thật, không chấp nhận rằng chuyện buồn đã xảy ra. Tức giận vì tại sao đau khổ lại đến với mình mà không phải là người khác. Tại sao mình cứ xui xẻo hoài? Tại sao đời mình chỉ thấy toàn là những khốn khó bủa vây dập vùi?” .

Năm ngoái là cái năm đại xui xẻo của gia đình bác tôi. Chuyện làm ăn gặp thất bại liên miên làm bác tôi hao mòn, tàn tạ. Nợ nần đang chồng chất thì ông anh tôi bị một thằng cha say rượu lái xe máy tông phải làm gãy chân. Chưa hết, chỉ hai tuần sau đó, bà chị con bác phải đi mổ vì sạn thận. Bác tôi chưa kịp hoàn hồn thì tai ương mới lại lại ập đến nhấn chìm sự kiên nhẫn, tính chịu đựng của bác. Trong cơn hoảng loạn tâm trí, bác tức giận than trách số phận sao lại quá phũ phàng, nghiệt ngã với bác. Bác tức giận vì sao Chúa lại để quá nhiều tai hoạ xảy đến. Bác tức giận vì bác bất lực trước các biến cố vượt ngoài tầm kiểm soát của bác. Bác tức giận những kẻ lừa lọc, giật hụi làm bác tán gia bại sản. Bác tức giận thằng cha say rượu chỉ biết nhậu nhẹt, quậy phá làng xóm đã gây thương tích cho con của mình. Bác tức giận tại sao trên đời này lại có quá nhiều bệnh tật oái oăm.

2.2  Gin cá chém tht, đ li, ti vì…’

Tiếp theo thái độ tức giận là khuynh hướng tìm một nơi để trút sự tức giận đó. Ðối tượng đầu tiên là những kẻ trực tiếp có liên quan đến đau khổ của mình. Chẳng hạn lão chủ xưởng là nguyên nhân làm mình mất việc, ông thầy dạy hoá học keo kiệt là người khiến mình phải ở lại lớp, ả láng giềng lắm mồm làm mình bị hiểu lầm, bà vợ lơ đễnh là nguyên nhân nhà mình bị mất trộm… Ðây là lối xử sự theo kiểu ‘Bà chửi tôi thì tôi chửi lại cháu bà’. Luôn luôn có một cái ‘tại vì…’ ẩn hiện trong thái độ giận cá chém thớt. Nhưng vấn đề có vẻ phức tạp hơn, cũng có nghĩa là nguy hiểm hơn khi lập luận của thái độ này mặc lấy màu sắc ‘triết lý thánh thiện’, chẳng hạn: Tại Chúa muốn răn đe mình nên mới ‘cho’ mình mất cắp để mình biết cảnh giác hơn; vì Chúa muốn dạy nó biết quý trọng đức trong sạch nên mới cho nó bị cận thị để nó khỏi nhìn ngó bậy bạ; có thể vì Chúa biết lớn lên nó sẽ trở thành tướng cướp nên đã ‘thương’ mà cho nó mang tật nguyền bẩm sinh để nó khỏi làm sự ác, … Ðây có thể hoặc là thái độ trốn tránh thực tại khi tự vỗ về an ủi vết thương lòng, hoặc là tự nguyền rủa cam chịu số phận, vv… Nhưng nói cho cùng thì điểm chung vẫn là: Vì Chúa (‘thương’) mà tôi phải khổ đau. Từ điểm này, người ta có thể sinh lòng oán giận Thiên Chúa.

2.3  Oán gin Thiên Chúa

Vì tin rằng ‘Chúa là Ðấng quan phòng mọi sự’ nên những gì xảy ra cho tôi đều là ‘ý Chúa’ cả, trong đó có cả sự dữ. Tôi bắt Người phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra cho tôi. Nếu đó là tin vui, tôi sẽ ngợi khen, cảm tạ Người. Nếu là tin buồn, Người phải bị trách móc. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ tươi đẹp bao la muôn màu muôn vẻ mà vẫn để cho đau khổ hoành hành thì đương nhiên trách nhiệm thuộc về Người. Nếu Chúa dùng quyền năng của Người mà xoá sạch mọi dấu vết sự dữ, khổ đau thì người ta sẽ chỉ vui vẻ ca hát tán dương Người chứ chẳng có ai lại tức tối, lên án Người. Thiên Chúa làm được mọi sự. Thiên Chúa không ưa sự dữ. Thiên Chúa muốn con người sống hạnh phúc. Tại sao Thiên Chúa không ‘úm ba la’ một cái để quét sạch bóng dáng khổ đau. Xem ra điều này rất hợp lý, và thực hiện điều đó đối với Thiên Chúa thì dễ như trở bàn tay. Sao Người không làm những gì con người cho là rất chính đáng? Chỉ cần phán một lời là mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp cả thôi mà. Hay Thiên Chúa không làm vì Người ích kỷ?  Hay Người không quan tâm? …Ðơn giản và hợp lý như vậy mà Người không chịu làm thì Người bị oán trách là ‘đáng lắm’… Người ta đã, đang và sẽ còn đặt nhiều câu hỏi về vấn nạn đau khổ mà Thiên Chúa ít nhiều đều bị liên lụy.

 Dẫu người ta có sinh lòng oán hận Thiên Chúa với tất cả mọi lập luận ‘hợp lý’ có thể có theo suy nghĩ của con người, nhưng khi xét về bản chất của Thiên Chúa, họ sẽ không còn dám khẳng định một trăm phần trăm rằng họ đã ‘biết tỏng’ Thiên Chúa và đảm bảo rằng nhận định của mình về Thiên Chúa là đúng. Thử nhìn sâu một chút về phản ứng oán giận mà con người vẫn ‘đổ lên đầu’ Thiên Chúa một cách thiếu căn cứ. Một người cha người mẹ nhân loại yêu thương con cái mình thôi cũng chẳng đời nào làm những chuyện như vậy, huống hồ đây lại là Người Cha Vô Cùng Nhân Lành, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn của tâm tư con cái Người (Mt 6:6). Nếu đau khổ có thể phục vụ cho một mục đích thăng tiến nào đó thì Thiên Chúa cũng thừa biết đau khổ đã gây biết bao xáo trộn và mất mát đáng tiếc cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Một lần nữa, giáo lý Công giáo không chấp nhận lập luận ‘phương tiện xấu có thể phục vụ cho mục đích tốt’.

2.4 Mc cm ti li, t trách mình, nếu mà…”, giá mà…”

Theo lời của Lm Thanh Bình: “Khi không còn kiếm được ai để trút sự giận dữ lên đầu, người ta thường quay lại tự trách chính mình.”  Một bà mẹ đang dẫn đứa con 6 tuổi đi dạo vào một buổi hoàng hôn nắng dịu. Lúc ấy, có chiếc xe nhà binh chở lính đi qua. Bỗng đứa con rời tay mẹ chạy đuổi theo con bươm bướm đang nhấp nhô trên những khóm hoa bên kia đường thì bị xe chở lính cán chết tại chỗ, thân thể nát tan. Bà mẹ ấy đã trở nên điên loạn trước cảnh tượng tan nát của con mình. Nhiều năm sau, bà vẫn giam mình trong mặc cảm tội lỗi “ Nếu tôi không dẫn con tôi ra đường buổi chiều hôm ấy thì con tôi đâu có phải chết oan uổng, tức tưởi như vậy. Tội nghiệp! Lỗi tại tôi mọi đàng, mọi đàng…” Mỗi lần nghĩ đến con là mỗi lần bà bị nhấn chìm trong đau khổ vì ‘cái tội’ mà bà không phải là người gây ra. Chuyện ấy xảy ra hoàn toàn nằm ngoài những tiên liệu của bà. Bà chẳng bao giờ muốn con mình chết cả. Bà đâu có lỗi.
Thái độ “giá mà…” này thường xảy ra nơi những người nhạy cảm với đau khổ của người khác hoặc những người vẫn coi cuộc sống là lý tưởng, không chừa chỗ cho các bất ngờ của cuộc sống…. Nhạy cảm với nỗi đau của tha nhân là một hồng ân quý giá nhưng nó cũng có thể trở thành thập giá nặng nề. Khi ‘cười với những ai đang cười, khóc với  người  đang khóc’ (Rm 12:15) là lúc đang sống những giá trị cao đẹp của con cái Thiên Chúa. Dù vậy, khi không đủ tỉnh táo để thấy rằng việc đáng tiếc xảy ra không phải là do lỗi của mình mà tự nhận trách nhiệm về mình, thì sự nhạy cảm ấy lại có thể trở thành một nhà tù oan khiên giam hãm năng lực cuộc sống. Tương tự như vậy, mặc cảm tội lỗi cũng là con dao hai lưỡi. Một mặt, theo Lm Thanh Bình, nó cần thiết trong trường hợp phạm tội để nhắc nhở lương tâm. Một trong những nguy hiểm của thời hiện đại là người ta không còn tự chấp nhận rằng mình yếu đuối và có phạm tội. Hậu quả là lương tâm dần dần trở nên nguội lạnh, chai đá. Nhưng mặt khác, khi lỗi đó không phải là do mình mà cứ để mặc cảm tội lỗi dằn vặt, cắn xé tâm hồn thì “con người sẽ trở nên bi quan, mệt mỏi, khó trưởng thành, buông thả và chán đời.” Sống hoài trong mặc cảm tội lỗi, người ta có khuynh hướng tìm cách ‘đền tội’ để được an lòng. Theo thống kê, trong vòng 10 năm từ 1982 đến 1992, có 22.000 người Úc tự tử. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch này là mặc cảm tội lỗi khi tự tử là phương cách duy nhất để ‘đền tội’.

2.5  Ganh t

“Ganh tị là một cảm xúc tự nhiên rất khó kiềm chế.”  Ganh tị nhen nhúm ngay từ trong những môi trường đầu tiên của đời người, chẳng hạn như gia đình, trường học,… Anh tôi lúc phạm lỗi chỉ bị nhắc nhở thôi, còn tôi thì bầm cả hai mông. Tôi hạnh kiểm kém thì lên cột cờ đứng cho toàn trường trông rõ mặt chuột trong khi thằng con cô chủ nhiệm đánh lộn chí choé thì chỉ phải viết bản kiểm điểm.
 Khi gặp tai họa, ai cũng đau khổ  nhưng khổ thì phải khổ đều chứ.  Sao lại có người khổ ít, người khổ nhiều? Cùng chung một dãy nhà chung cư tất cả đều cháy rụi tự nhiên lại chừa ra căn nhà của lão Tám chuyên cho vay nặng lãi. Bất luận lão là ai, nếu cháy thì phải cháy hết mới là công bằng chứ. Sao lại có người mất toàn bộ trong khi có người thoát nạn? Hay như chị kia quê ở Ðồng Nai có hai người con trai bị tai nạn môtô, trong lúc đưa tiễn con về nơi an nghỉ, đã thảm thiết rằng: “Tại sao con có hai đứa con trai mà Chúa cũng cất đi trong khi nhà anh T. có đến tám đứa thì không đứa nào bị sao hết?” Các con anh T. đang đưa đám tang chột dạ khi nghe chị than thở. Không biết họ có thấy Chúa bất công không? Nếu tất cả đều chung cảnh ngộ thì đâu còn phân bì, ganh tị.
“Trẻ em ganh tị vì phải tranh đấu để được yêu thương. Người lớn ganh tị vì mình cũng như họ tại sao không bằng họ.”  Không thể đo được mức độ ai khổ ít hơn, ai khổ nhiều hơn nhưng chắc chắn là người ta sẽ khổ hơn khi so sánh cái khổ của mình với cái khổ của người, và đòi hỏi một thứ ‘công lý về đau khổ’ phải được thực hiện. Thay vì đón nhận những khác biệt trong thân phận làm người, nhân loại đã tạo ra để rồi quá quen với lối giải quyết theo kiểu ‘sòng phẳng’ mà xét cho tới cùng cũng chẳng khác gì kiểu ‘công bằng xã hội đen’, thậm chí còn tệ hại hơn vì họ đang đòi một Ðấng tự bản chất là tình yêu phải làm một việc đi ngược lại với chính mình.

2.6  Ni lon

Sách Gióp cho thấy nổi loạn là phản ứng đầu tiên của người công chính và vô tội khi bị đau khổ, nhất là khi họ đang ăn ngay ở lành: “Tôi chẳng màng sống nữa! Tất cả đều như nhau; vì thế tôi mới bảo: đứa gian ác cũng như kẻ vẹn toàn, chính Người tiêu diệt hết!”(G 9:21-22) Thiên Chúa giống như một kẻ vô tâm, mặc kệ cho sự dữ hoành hành, thậm chí còn tiếp tay cho nó: “Nếu thình lình có xảy ra tai ương chết chóc, thì Người vẫn thản nhiên nhạo cười trước cảnh khốn cùng của người vô tội. Miền đất có bị trao vào tay kẻ dữ, thì Người cũng che mắt các quan toà, nếu không phải Người thì ai đây?” (G 9:23-24) dù rằng Gióp biết lòng từ bi và đức công chính của Thiên Chúa vượt trên tất cả. Tác giả Thánh vịnh cũng thường diễn tả sự mệt mỏi của họ khi thấy Người lặng thinh quá lâu: “Cho đến bao giờ, lạy Chúa, Ngài còn lánh mặt? Ngài lánh mặt mãi được sao?…” (Tv 89:47). Sao Ngài không ra tay và chứng tỏ ‘sự công bằng’ của Ngài? Mệt quá rồi. Mau mau lên một chút Chúa ơi!
Nổi loạn là một điều cần thiết, theo Xavier Thévenot, thậm chí là một khía cạnh lành mạnh về mặt y học. Nó cho ta ‘kích thích tố’ để đấu tranh với sự dữ. Nó vừa là ‘phút vùng lên’ của sự sống nơi ta vừa là tiếng gọi kín đáo ta cần nhận ra để xoa dịu và tìm cách chấm dứt khổ đau. Vì thế, có một lời khuyên đối với mặt tích cực của sự nổi loạn là: đừng vội xoa dịu mình và người khác bằng lời này tiếng nọ nhưng tốt hơn cứ để mình bộc lộ vừa đủ các tình cảm trái ngược nhau đang sôi sục nơi mình, đồng thời phải nhớ rằng khi có những tình cảm gây hấn, nổi loạn đối với những người xung quanh cũng như đối với chính Thiên Chúa, đó chưa phải là ta đã từ chối yêu thương Thiên Chúa và đồng loại, mà chỉ là một trong nhiều cách để ta thu xếp lại thế giới nội tâm của mình đã bị sự dữ xáo trộn.  Tuy nhiên, khi ‘kích thích tố’ ấy trở thành thái quá thì có thể đi đến hận thù, ghen ghét, nhạo báng. Những lúc đó, các sức mạnh đen tối từ các vùng sâu kín nhất trong con người sẽ bùng lên, chẳng hạn các ký ức về thất vọng trong quá khứ sẽ sống lại. Ta sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng những nơi ta tưởng mình đã là thiên thần thì ở đó có sẵn một “con thú” và đây là cơ hội thuận lợi để “con thú” ấy vùng lên cắn xé. Tuy nhiên, lúc này có thể là một dịp tốt để ta khám phá ra mình đã thông đồng với “con thú” ấy như thế nào mà sống khiêm tốn hơn. 
Chiêm ngắm Ðức Giêsu có thể giúp ta điều hòa được sự nổi loạn của mình một cách lành mạnh, theo Xavier Thévenot. Người không phải là kẻ chỉ biết vâng vâng dạ dạ, bảo sao nghe vậy theo kiểu quỵ luỵ. Người sẵn sàng đối mặt với những kẻ quyền thế như những kinh sư và biệt phái là những nhân vật vẫn luôn được trọng vọng trong dân: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!…” (Mt 23), hay bạn hữu như Phêrô “Sa-tan, lui lại đàng sau Thầy.” (Mt 16:23). Tuy vậy, khi bị treo trên thập giá, Người đã không để cơn giận của mình trào ra, Người đã không bước xuống khỏi thập giá để trừng trị những kẻ đóng đinh mình, nhưng Người đã xin Chúa Cha tha cho họ… Do đó, cầu nguyện trong lúc đau khổ theo cách của nhiều tác giả Thánh vịnh có thể giúp thuần hoá sự nổi loạn trong mình: không ngần ngại bộc lộ tính hung hãn trong lòng mình đồng thời cũng biết đặt nó vào trong tương quan với Giavê Thiên Chúa.

2.7 Tht vng, bế tắc

Ngay từ những chương đầu sách Gióp đã vang lên âm thanh của kẻ đau khổ. Gióp đã kêu lên trong thất vọng, bế tắc. Tất cả đã sụp đổ: “Sau cùng, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông lên tiếng nói: phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: “Ðứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!” Phải chi ngày ấy là đêm tối,…đêm chẳng hề có tiếng reo vui…khiến mắt tôi khỏi nhìn thấy đau khổ…. Bánh tôi ăn chỉ là tiếng nức nở, tiếng tôi gào thét tựa nước lũ ngập tràn. Những gì khiến tôi rụng rời khiếp sợ, nay ập xuống trên tôi.” (G 3:1-3, 4,7,10,24-25) Trong nỗi thất vọng, ‘con người trở nên trơ trụi vô cùng, vì từ ý nghĩa cuộc đời đến những lý do hiện hữu và khả năng yêu thương, đều đã bị xét lại.’  Vấn đề về cứu cánh của đời tôi đòi hỏi một câu trả lời xác định. Trong thế giới đau thương này, Chúa ở đâu? Nếu Người tốt lành và nhân hậu thì tại sao cuộc đời lại thê lương như vậy? Người đã mất khả năng kiểm soát nó? Hay, nếu Người kiểm soát được nó thì Người đang gây ra điều gì thế này? Từ những vấn nạn này, nảy sinh các thái độ tương ứng. Một số người chọn chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa vì họ không thể nào hình dung ra một vị Thiên Chúa lại để cho bất hạnh như thế xảy ra. Một số tin vào sự hiện hữu của Người nhưng không muốn dính dáng gì tới Người vì họ nghĩ rằng Người không thể tốt lành. Một số khác đã tin Chúa là Ðấng yêu thương nhân loại nhưng đã đánh mất khả năng kiểm soát hành tinh nổi loạn này. Lại có những người bám chắc một niềm tin vào một vì Thiên Chúa đầy khôn ngoan, uy quyền, yêu thương nhưng cách nào đó dùng sự dữ để mang lại sự lành.  Những lúc sống trong vực thẳm của thất vọng, rất khó có thể nói đến chuyện Kitô hoá các kinh nghiệm đau khổ của mình. Có những khi phải cần đến sự trợ giúp của y học hay tâm lý trị liệu bởi lẽ thân xác con người cũng là một thực thể được cấu thành của những yếu tố hóa học như các thụ tạo khác. Tuy nhiên, ngay cả khi vượt qua được các giai đoạn suy sụp nhờ vào sự trợ giúp của các phương tiện khoa học, người đau khổ vẫn còn đối diện với những vấn nạn siêu hình như: tại sao tôi mỏng dòn như vậy? Tại sao cuộc sống không bao giờ hết đau khổ? Tại sao tôi lại chết? Bên kia vực thẳm cái chết còn có gì để hy vọng?… Như thế, vẫn phải có những trợ giúp và giải đáp cho các khía cạnh của đau khổ mà khoa học không thể giải quyết được trên các bình diện khác. Người ta vẫn cần đến cầu nguyện để múc lấy ơn trợ giúp của Thiên Chúa, “Thiên Chúa của kẻ sống” (Mt 22,32). Kêu lên tha thiết như các tác giả Thánh vịnh: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa! Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con!” (Tv 130) vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Bên bờ vực thẳm của khổ đau, chính Thánh Thần sẽ giúp nhận ra Thiên Chúa vẫn hiện diện với ta trong chính đau khổ của mình.
Có một kinh nghiệm xem ra có vẻ nghịch lý nhưng lại rất hữu ích cho những người đang trong bế tắc; đó là: chủ động cầu cứu người khác, tức là đến với một người có thể lắng nghe, cảm thông và chia sẻ nỗi niềm với mình. Ðể làm được điều này, cần phải xin ơn can đảm để đi bước trước. Thật vậy, cách duy nhất để làm sống lại niềm hy vọng, để có thể tiếp tục nhìn thấy tình yêu dù đang sống trong vực thẳm chính là cảm nghiệm được ai đó đang ở bên ta, sẵn sàng đồng hành cùng ta với một lòng kính trọng sâu thẳm ngay cả khi ta đã hoàn toàn bị “trần trụi”, chẳng còn gì để bám víu. Hy vọng sẽ được sống lại bởi tình yêu vô vị lợi này. Không ai không rõ sự cô đơn, thậm chí thất vọng tột cùng trong đau đớn của Giêsu trên thập giá chiều hôm ấy “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” (Mt 27:46). Cha là niềm hy vọng duy nhất mà bây giờ cũng như thể ruồng rẫy con mình. Ðây chẳng phải là một kinh nghiệm về sự bế tắc sao? Nhưng giữa lúc hấp hối ấy, sự hiện diện của Mẹ Maria và Gioan đã là nguồn tình yêu trợ lực cho hy vọng và tin tưởng nơi Cha được sống lại. Và, Người đã dâng lời: “Trong tay Cha, con xin phó thác hồn con!” (Lc 23:46) Tình yêu làm sống lại hy vọng.

2.8 Tt c đu vô nghĩa, cô đơn cc đ

Khi thảm kịch đột ngột ập đến một cách tàn bạo, phá vỡ sự bình lặng của một cuộc sống êm đềm, phản ứng khá mạnh mẽ và tức thời có lẽ là “Tất cả đều vô nghĩa.” Hôm qua thằng bạn tôi còn đang cười nói vui vẻ ăn cơm chiều với gia đình tôi, hôm nay đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Chị Ðào hàng xóm nhà tôi bỗng nhiên hôn mê bất tỉnh phải nhập viện vì một chứng bệnh không rõ nguyên nhân. Cũng một con đò vẫn chở học sinh qua sông nhưng hôm ấy 18 em học sinh xã Nông Sơn đã vĩnh viễn không nhìn thấy mặt cha mẹ, thầy cô nữa …. Cuộc sống bỗng trở nên chao đảo khi tôi chứng kiến sự mong manh đến tàn nhẫn của phận người. Có đó rồi mất đó. Chẳng có nghĩa lý gì cả. Tất cả những dự tính, niềm vui, tham vọng, hoài bão,… đều chỉ như bong bóng xà phòng, chỉ là bèo dạt mây trôi. Tất cả những lý lẽ vẫn làm điểm tựa cho hành xử của tôi bị lung lay đến tận gốc rễ. Lý tưởng cho hoạt động của tôi cũng bị phá đổ thảm hại khi tôi thấy chẳng có gì là lý tưởng cả. Chính những lúc ấy các vấn nạn căn bản nhất sẽ xuất hiện: trước bao mãnh lực của sự dữ và sự phi lý tột cùng như thế (có thể chỉ là cảm nhận đơn thuần), cuộc sống này liệu có còn ý nghĩa gì không? Một ngày kia, mọi sự sẽ chấm dứt, đấu tranh để tiếp tục tồn tại có cần thiết nữa chăng?…

Trong cuộc đời này, có những điều tôi phải ôm mà sống một mình, không ai có thể mang vác hộ. Vì thế mà cô đơn không là của riêng ai. Ðứng trước nấm mồ của người khác cũng là đứng trước nấm mồ của chính mình. Người ta vẫn nói: tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Thế còn tương lai của tuổi trẻ là gì nếu không phải là tuổi già và suy tàn? Khi con người mở mắt chào đời cũng là lúc con người bắt đầu nói lời chia tay với đời. Hành trình cuộc sống là một cuộc lên đường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Có lúc tưởng chừng tôi đã tìm ra mình và cho rằng tôi là ai đó, thậm chí một ai đó ghê gớm lắm. Nhưng khi đứng trước đau khổ, nhất là cái chết, tôi thấy mình chỉ còn là cô đơn. Cô đơn cực độ. Chung quanh người ta có thể vẫn nói về tôi, nhưng ai có thể đi với tôi đến chỗ đau khổ sẽ dẫn tôi tới? Ai có thể hiểu hết nỗi đau trong trong thân xác bệnh tật của tôi? Ai có thể cảm hết sự đảo lộn trong tâm hồn tôi? Ai có thể lắng nghe được sự ngờ vực về các xác tín của tôi đang bị xét lại tận gốc rễ khiến tôi muốn hét lên với tất cả những ai đang tỏ ra rất tự tin, tự hào? Dù biết rằng tôi không phải là người duy nhất trên hành tinh này gặp đau khổ cũng như có những đau khổ khác còn tệ hại hơn nhưng điều này cũng chẳng an ủi được tôi vì những gì tôi đang trải qua là của riêng tôi, không ai có thể hiểu thấu được. Có lúc người đau khổ bị giằng co giữa hai thái cực: một nửa trong họ hy vọng, khao khát có ai đó đến bên cạnh để chia sẻ nỗi niềm trong khi nửa còn lại tìm cách tỏ cho người chung quanh thấy họ bất lực trong việc hiểu được và an ủi mình. Ai có thể hiểu nổi sự phức tạp như thế trong tôi không? Hay tôi vẫn phải đơn thương độc mã chống chọi một mình?…

Tất nhiên, hy vọng và sự an ủi cuối cùng vẫn ở nơi “Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn” là người luôn đồng hành với “những cõi lòng u sầu, tan vỡ”.

2.9 Không thiết li an i

Có những đau khổ làm cho người ta khép kín, mặc cảm tội lỗi (như đã nói ở phần 2.1 và 2.4). Một bà mẹ trẻ sai đứa con của mình đi ra tiệm tạp hóa mua ít đường về nhà nấu chè. Thằng bé trên đường đi bị hai gã say rượu lái xe tông vào chết tại chỗ. Từ ngày mất con đến nay đã được hai tháng rồi, chị sống trong ân hận, đầy mặc cảm tội lỗi cho rằng vì mình mà con phải chết và chẳng chịu để ai an ủi mình. Những lời phân giải của người khác chỉ như làm sống lại hình ảnh của con càng làm chị đau khổ hơn. Kỷ niệm về con càng thân thương bao nhiêu chị càng dằn vặt mình bấy nhiêu.

Người ta thấy bóng dáng đau khổ ngay từ những chương đầu của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu tả về vụ thảm sát các hài nhi từ hai tuổi trở xuống tại Bê-lem và các vùng lân cận do bạo chúa Hê-rô-đê. Còn ai đau đớn hơn những người mẹ có con bị giết ngay trong vòng tay mình? “Ở  Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì các con bà không còn nữa.” (Mt 2:18). Sự mất mát quá lớn. Không có gì có thể bù đắp được. Nỗi đau vượt quá sức chịu đựng. Lời an ủi liệu có ích gì?
 Cũng phải nói đến những lời an ủi không mang lại hiệu quả tích cực, thay vì chữa lành nỗi đau thì lại khoét sâu thêm vết thương. Có ông bố nọ trong cơn nóng giận đã buột miệng đuổi con gái ra khỏi nhà. Ông đi tìm cả tuần rồi mà vẫn không biết con mình đang ở đâu. Ông vừa hối hận vừa lo lắng cho con vì ông thương nó lắm. Từ khi vợ qua đời, chỉ còn có nó là niềm vui và lẽ sống của ông. Vậy mà ông đã dại dột lỡ lời đuổi con đi mặc dù trong lòng ông thương con hơn ai hết. Mấy người bạn nghe tin đến khuyên giải mà như trách móc. Họ nói: “Ông đã làm một chuyện thật sai lầm. Bây giờ nó mà có bề gì thì biết tính thế nào? Nó lại là con gái mới lớn mỏng manh và thiếu kinh nghiệm. Ông liệu cách mà tìm nó mau lên chứ không thì lại ân hận suốt đời. Nếu hôm ấy ông đừng uống rượu và bình tĩnh một chút thì đâu có xảy ra chuyện…”. Lời khuyên thực chất đã trở thành lời kết tội. Ông bố chỉ còn biết gục đầu khóc lóc tự trách mình. Cũng có mấy người bạn khác đến an ủi ông khéo léo hơn: “Nó đã đi rồi. Lo mà đi tìm nó thôi. Bây giờ có hối hận cũng chẳng ích gì. Hôm ấy, bác vì buồn mà uống rượu, rượu vào lời ra là chuyện bình thường. Bác đừng tự làm khổ mình nữa…”. Nhưng làm sao ông có thể coi là không có gì nghiêm trọng xảy ra trong khi con gái yêu quý của ông không biết bây giờ ra sao. Làm sao ông có thể bình thường được.

2.10 Nhng li khuyên phn tác dng

Khi một người đang chới với trong đau khổ, cảm thông là điều họ rất cần. Chẳng hạn khi người ấy đặt vấn đề, “Tại sao lại là tôi?” ta cần phải phân định xem người đó đang hỏi một câu hỏi có tính triết lý hay chỉ là để cảm xúc của mình được trào ra. Ta thường có khuynh hướng vội vàng trong việc dùng lời nói để trấn tĩnh, giải thích, an ủi người đau khổ mà không để ý rằng họ không cần một bài thuyết giảng triết lý. Những lời họ thốt ra nhiều khi chỉ là một diễn tả thuần tuý của cảm xúc, họ chỉ cần được có người lắng nghe nỗi đau của mình để được giải toả mà thôi. Cho nên việc cố gắng lý luận giải thích chẳng đem lại sự an ủi nào nếu không muốn nói nó còn làm cho tình hình thêm tệ hại vì lý lẽ thì khô cứng, thiếu nhạy cảm, thậm chí còn tàn nhẫn nữa. Sự diễn tả đau đớn đòi hỏi sự đồng cảm chứ không phải câu giải đáp, im lặng chứ không phải lời lẽ. Giữa đau khổ người ta không thích thú gì nghe một bài giảng thuyết triết lý.

Trong cuộc sống hằng ngày, vẫn còn rất nhiều lời khuyên phản tác dụng. Chị giáo lý viên, một tân tòng mới nhập đạo được hơn một năm, bị sảy thai đứa con đầu lòng của mình trước ngày sanh. Cú sốc thật lớn đối với đôi vợ chồng trẻ. Hôm tôi đến thăm họ, chị chỉ biết nức nở. Có vài người cũng đến an ủi chị mà rằng: “Thôi, Chúa thấy cháu dễ thương nên đem cháu về với Người cho nó được sung sướng!” Như thế, hóa ra Chúa đã cướp ngay đứa con đầu lòng của chị, niềm mong chờ trong bao khó nhọc cưu mang của chị, chỉ vì thích nó thôi sao? Hai vợ chồng đã chuẩn bị tất cả để đón con vào cuộc đời cho con được hạnh phúc trong khi Chúa lại coi thường tình yêu của cha mẹ dành cho nó mà đem nó đi để nó được sung sướng?…. Hay thử xét trường hợp của một cậu bé mười tuổi bị mất mẹ vì bị ung thư,  bà dì nó dỗ dành: “Cháu đừng buồn. Chúa cất mẹ về vì Người cần mẹ hơn, mai mốt dì bảo ba kiếm mẹ khác cho cháu” Bà dì đã mắc những sai lầm to lớn. Thứ nhất, bà khuyên cháu đừng buồn, làm sao không buồn được khi mẹ chết? Hơn nữa, tại sao cứ phải đè nén, giấu giếm những tình cảm rất tự nhiên và cao quý trong tâm hồn? Thứ hai, bà cho rằng Chúa cất mẹ cháu về, vậy là Chúa đương không giành giựt người mẹ khỏi tay đứa con? Trẻ con chưa hiểu được tính biểu tượng của ngôn ngữ nên có thể sẽ oán ghét Thiên Chúa. Thứ ba, lời nói ‘Chúa cần mẹ hơn đứa con cần mẹ’ làm thằng bé mang nặng mặc cảm tự ti và tội lỗi vì có lúc nó đã không đối xử ngoan ngoãn với mẹ, đã tỏ ra không cần mẹ. Nếu nó cần mẹ hơn Chúa thì mẹ nó đã không chết. Thứ tư, “dì bảo ba kiếm mẹ khác cho cháu”, thằng bé không muốn bất cứ người mẹ nào khác ngoài mẹ ruột của nó, người đã thương yêu, chăm sóc nó cả cuộc đời. Và khốn cho người phụ nữ nào bố nó lấy làm vợ để thế chỗ cho người mẹ mà nó vẫn tôn thờ.

Và còn bao nhiêu những lời an ủi khác vẫn quy trách nhiệm cho Thiên Chúa (xem thêm phần 1: “một số lập luận”) mà phản tác dụng lại rơi trên những người đang ngụp lặn trong khổ đau. Thay vì lời an ủi giúp chữa lành vết thương tâm hồn họ, nó lại đẩy họ vào sâu hơn trong bóng tối của mặc cảm về bản thân hoặc hiểu lầm về Thiên Chúa nhân lành.

Tm kết chương 1:

          Các phản ứng của những ai đang gặp đau khổ là tự nhiên. Nhưng sự hiểu sai về Thiên Chúa, sự lệch lạc trong nhận thức và tâm lý của người đau khổ có thể gây ra các tác dụng tiêu cực làm tình hình thêm tệ hại. Ðến đây tạm kết thúc chương một của chủ đề này. Chương kế tiếp sẽ bàn về nguồn gốc của đau khổ, vai trò của Thiên Chúa trong đau khổ, sự chết và đức tin.

Giuse Việt 
Nguồn: only3minutes.wordpress.com

Comments are closed.

phone-icon