Những hành động của ta nó nằm trong tay ta, nhưng hậu quả của chúng thì không. Hãy nhớ điều đó và nghĩ hai lần, trước khi làm bất cứ điều gì.
Đám trẻ chúng tôi rất ngây ngô vô số tội. Mà quả thực, biết bao điều làm phiền lòng mẹ cha và hàng xóm lại bắt nguồn từ những suy tư rất ngây ngô của những đứa trẻ như chúng tôi. Chẳng hạn, vì ghét nhà hàng xóm cứ mách tội nghịch ngợm của bọn trẻ chúng tôi cho ông bà Nội, đến cả bọn phải hứng đòn, nên mùa xoài đến, bọn tôi thường lợi dụng trời tối kéo nhau sang vườn nhà hàng xóm, giăng mền dưới gốc xoài, rồi mấy đứa cầm mền làm lưới phía dưới, mấy đứa trèo lên rung hái…
Buổi sáng, bọn tôi nấp chờ xem phản ứng. Hai ông bà già lụ khụ chỉ biết nhìn đống xoài non rơi rụng đầy sân mà tiếc nuối và hoài nghi ‘chỉ có đám trẻ con nhà ấy chứ chẳng có ai khác’.
Một chén mắm đường, ít tiêu quẹt cũng đủ để tiêu thụ ‘mềm’ chiến lợi phẩm ấy. Cứ thế, cả mùa xoài thế nào cũng bị bọn trẻ chúng tôi càn quét vài ba trận. Dù không bị bắt quả tang, nhưng chẳng hiểu làm sao mà chuyện ấy đến tai thầy giáo.
Thứ Bảy hàng tuần theo như lịch dã ngoại, thầy đưa cả lớp vào khu rừng sau ngọn đồi của làng. Lần này, thầy không bày trò chơi, nhưng khuyên các trò chú ý đến các loài thực vật mọc sâu trong rừng. Sau một buổi sáng len lỏi giữa những dây leo, khoảng 50 học sinh chúng tôi tập trung bên bờ suối.
Thầy giáo hỏi học trò về những gì đã nhìn thấy. Nhiều cánh tay giơ lên, và mỗi trò một lần phát biểu, thế là dưới những câu hỏi dẫn dắt của thầy, tôi nhận ra khu rừng còn phong phú rất nhiều so với những gì tôi đã khám phá. Có bạn còn thích thú diễn lại những giọng chim hót mà bạn nghe được.
Những cây lá xanh to lớn, những dây leo mỏng manh, hay cả những lau sậy, những thảm cỏ mục đều chung sống hòa bình trong khu rừng rộng lớn ấy. Cây to che bóng cho cây nhỏ, cây nhỏ giữ nước cho cây lớn và toàn bộ cánh rừng. Mọi cỏ cây cứ thế lớn lên, tuân theo luật định của thiên nhiên, vì chúng biết rằng, chỉ cần một thành viên nào đó trong khu rừng không tăng trưởng theo luật định, sẽ gây ảnh hưởng lớn cho vệ sinh thái của rừng, và có thể gây ra hủy diệt. Thầy giảng giải. Bọn học trò trố mắt nghe, nhưng khi thấy kết luận, cả bọn cười ồ, không tin. Thằng Thắng lên giọng : “Thầy ơi ! làm sao mà cái cây nhỏ bé tí xíu lại gây ảnh hưởng được ? Con chẳng tin đâu.”
Thầy như không nghe thấy mà xoay đề tài bằng cách kể một câu chuyện cho cả lớp nghe. Như thường khi thầy kể chuyện thật lôi cuốn : “Ngày kia một đứa trẻ đùa chơi với trái banh ở trong nhà. Mặc cho người mẹ đã luôn cấm cản, cậu ta cứ giả như không nghe thấy, và cái gì xảy ra đã xảy ra. Trái banh rơi đúng cái bình mà mẹ cậu rất quí. Khi người mẹ trở về nhà, đứa trẻ nói dối để khỏi bị phạt. Nó đổ tội cho đứa em trai mới chỉ biết bò tội làm bể bình hoa. Bà mẹ rất giận, nhưng cũng có kiên nhẫn nhặt những mảnh vỡ để mong hàn gắn lại chiếc bình quí giá.
Tâm trạng không vui, khiến bà quên khuấy con gà quay trong bếp và nó cháy thành than đen thui. Thế là khi người cha trở về, trong nhà chẳng có gì để ăn, và điều ấy khiến ông giận dữ. Vì vậy, sau khi nói lời nặng nhẹ với vợ, ông bỏ ra quán, ngồi ăn trong một góc khuất.
Với cơn giận dữ như thế ông chẳng kiềm chế được bản thân nên đã cư xử sỗ sàng với người phục vụ. Trước sự thô lỗ ấy, anh chàng bồi bàn tội nghiệp luống cuống và rất căng thẳng. Điều anh chẳng hề mong muốn đã xảy ra, lóng ngóng thế nào anh đánh đổ tách cà phê vào người phụ nữ. Bà này không thể đến sở làm nên vội vã chạy về nhà thay đồ, nước mắt chứa chan. Sợ trễ giờ làm, bà băng qua đường mà chẳng nhìn trước nhìn sau, thế là bà tông vào chiếc xe đang dừng chờ đèn xanh bên đường. Người lái xe bực mình vì sự lơ đãng của bà đã hét lên. Sau vài tranh cãi, người lái xe bực bội phóng đi.
Đó là một thầy giáo tiểu học và đứa trẻ đã làm bể cái bình là một trong đám học trò của lớp ông. Vì tâm trạng bực bội nên ông rất dễ cáu gắt. Chỉ vài tiếng động cũng làm ông bất bình, và thật xui xẻo, đứa trẻ đầu tiên bị phạt lại chính là nó, đứa trẻ làm bể chiếc bình hoa.
Lũ trẻ ra chiều suy tư. Thầy giáo cất tiếng sau vài giây thinh lặng : “Mấy trò thấy đó, chẳng ai ngờ được một chuỗi những phiền phức lại bắt đầu chỉ với một hành động nhỏ của cậu bé con”. Lương tâm của đứa bé con như tôi chợt nhói đau vì những hành động bất nhẫn mà bọn tôi gây ra đối với hàng xóm. Tiếng thầy bỗng vang lên như reo : “Thế mấy trò có nghĩ rằng sẽ có điều ngược lại không ?”
“Điều ngược lại nghĩa là gì nhỉ ?” Lũ trẻ ngơ ngác ?
“Nghĩa là nếu một hành động xấu khởi đầu đã làm lan truyền một chuỗi xích những điều tiêu cực, bực bội. Vậy thì thay vào đó, một hành động tốt có thể làm nên một chuỗi xích những điều tích cực và hạnh phúc không ?”
‘Có chứ’. Tiếng một đứa vang lên, làm bùng phát một chuỗi âm vang khác như tiếng dội ê-cô, Được chứ thay.
‘Hay lắm. Vậy thì thầy trò mình thử viết lại câu chuyện nhé !’
‘OK, Thầy’, lũ trẻ nhất trí.
Thầy kể trước nhé. “Giả sử bạn Minh rất thích bóng đá, và mê đến nỗi đá bóng cả ở trong nhà. Mẹ của Minh nói khẽ : Mẹ cho rằng, chơi banh trong nhà không thích hợp đâu. Mẹ cho rằng trái banh sẽ làm đổ bể đồ đạc đó con. Trò Minh cho thầy biết, nếu con nghe mẹ nói thế thì con sẽ phản ứng cách nào ?”
“Con sẽ vâng lời cất trái banh đi, và hỏi xem mẹ có cần con giúp gì không a.?”
“Tốt lắm, chắc chắn câu trả lời của bạn Minh làm mẹ trò thật vui có phải không ? Thế rồi hai mẹ con chiên trứng và làm bữa ăn chiều thật ngon. Rồi ba của bạn trở về sau giờ làm. Các trò tưởng tượng ba của Minh sẽ hành xử thế nào ?”
“Thưa thầy, mỗi lần ba con về, thấy nhà cửa gọn gàng, bữa cơm ngon thì ba rất vui. Nếu đó là ngày lãnh lương, ba sẽ đưa cả nhà đi hát Karaoke. Con nghĩ ba bạn Minh cũng thế ạ”. Bạn Hoa có ý kiến.
“Cứ cho là như thế nhé. Rồi chuyện gì xảy ra khi cả nhà bạn Minh đi hát Karaoke ?”
“Con nghĩ rằng người phục vụ sẽ rất vui khi tiếp xúc với những con người vui vẻ và ca hát hồn nhiên. Nên theo con, cả những nhóm khác đến hát cũng được đối xử tử tế như thế.” Thắng nói vẻ rành rẽ.
“Thầy giả như trong những người hát Karaoke tối đó, có thầy cùng ở đó nữa thì thế nào ?”
“Thầy sẽ đãi chúng con một chầu chè.” Đám trẻ nhao nhao.
“Đúng, hôm nay thầy đãi chè cho chúng con đó. Chắc là trò nào đã tò mò mở thùng đá trước rồi phải không ? Chè này không phải thầy nấu đâu, nhưng là cô trò cũ trả ơn thầy khi con của cô ấy đậu đại học đó.”
“Nhưng thưa thầy, làm sao trò cũ của thầy biết chúng con thích ăn chè.” Thằng Thắng nghịch ngợm hỏi.
Tất cả thầy trò vui vẻ nhấm nháp những bịch chè đậu tuyệt vời. Chỉ có tôi là thiếu hồn nhiên vì câu hỏi thầm của thầy : “Còn trò, trò cũng nên nghĩ đến một hành động tốt khởi đầu, đối với những ‘người hàng xóm’ nhé”
Tôi nhớ rõ ràng sau bài học ấy, bọn trẻ chúng tôi không chỉ khởi đầu một lần với hành động đẹp, nhưng luôn nhắc nhớ nhau phải biết kính trọng và tìm cách chuộc lỗi bằng những lần qua quét vườn giùm, hay lau cái hiên nhà hàng xóm.
Ông bà nội tôi cũng không còn mắng vốn nữa. Còn tôi, bài học lớn trong đời tôi, rằng, mình không còn là một hòn đảo đơn côi, nhưng một hành động dù nhỏ nhoi của tôi cũng có tác động lớn lao trên người khác. Điều mà cho tới bây giờ tôi vẫn ghi khắc đó là không bao giờ chọn làm điều xấu, mà thay vào đó, chọn làm điều tốt lành, bởi tôi muôn đời mình là một vòng tròn hạnh phúc …
Sa Mạc Xanh