Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh : Rudolph Faenza

0

RUDOLPH FAENZA 

***

Faenza nhận tên của mình từ nơi người được sinh ra, đó là thành phố quan trọng trong lịch sử của Romagn cổ đại. Không ai biết đích xác người sinh ngày nào. Sau khi hoàn tất chương trình thần học tại Đại học Bologna, người tiếp tục học dân luật, giáo luật và tốt nghiệp tiến sĩ cả hai môn tại đại học danh tiếng này. Về sau, nhờ sự uyên bác cùng với đời sống Linh mục gương mẫu, người đã được bổ nhiệm làm chánh xứ Nhà thờ thánh Nicôla Delle Vigne, ở Bologna. Trong vai trò này, người thực sự là mục tử nhiệt thành chăm sóc các linh hồn; người không chỉ dạy dỗ đoàn chiên, chăm sóc đời sống tinh thần của họ cách nhiệt tình, mà còn là một người cha hiền đối với những kẻ nghèo khó.

Khi từ Đất thánh trở về Bologna, chân phước Reginald Orleans O.P. nhận thấy cha Rudolph bận rộn với nhiều công tác mục vụ. Nên như một sứ giả trung thành của Đức Kitô, với tình yêu chan hòa, những lời giảng thuyết lừng danh của Reginald đã không làm cho cha xứ xứ Nicôla phải ghen tị. Trái lại, người rất sung sướng khi thấy đoàn chiên của mình chuyên chú lắng nghe những lời giảng nổi tiếng của vị tông đồ mới mẻ, cũng như thấy giáo dân sốt sắng hơn nhờ những lời khuyên bảo đầy nhiệt tâm của Reginald. Rồi chính vị mục tử đã cùng với giáo dân của mình ngồi lắng nghe vị tông đồ giảng thuyết, những lời giảng làm cho tâm hồn mọi người cháy bỏng lòng nhiệt huyết.40

Tin rằng Thiên Chúa đã nói qua miệng Reginald, trước hết Rudolph trở thành người bạn thân, rồi thành người môn đệ của vị chân phước này. Đức cha Henry di Fratta, Giám mục Bologna, và Đức Hồng y Ugolino di Segni, đại diện Giáo hoàng tại thành phố, khi chứng kiến những việc tốt các Tu sĩ Giảng Thuyết đã làm trong Giáo phận, đã tha thiết mong muốn các ngài nhận nhà thờ thánh Nicôla Delle Vigne cùng với tất cả tài sản và đất đai của nhà thờ. Căn nhà đầu tiên tọa lạc tại một nơi không thuận tiện, và trở nên quá nhỏ cho cộng đoàn. Khi cha Rudolph nghe biết ước mong của Bề trên, người không những không phản đối kế hoạch, nhưng còn ủng hộ. Hơn thế nữa, người xin được gia nhập Dòng. Chân phước Reginal trao áo dòng cho người vào khoảng năm 1218 hoặc 1219. Từ đó, Rudolph trở thành người con đích thực của thánh Đa Minh.

Vì nhiệt thành trong việc cứu rỗi linh hồn mình, cũng như tận tâm lo cho phần rỗi tha nhân và cho vinh quang của Chúa, chẳng bao lâu Rudolph trở thành một nhân vật sáng giá trong Dòng. Người thuyết giảng khắp đó đây. Cũng thời gian đó, người là quản lý của cộng đoàn Tu viện thánh Nicôla ở Viens, và vì người đã quảng đại nhường nhà thờ cho Tu viện, nên người được coi như vị sáng lập Tu viện. Công việc quản lý của người không hề dễ dàng, vì cộng đoàn lúc đó rất túng thiếu. Tuy nhiên người Tu sĩ thành Faenza đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa. Trong những lúc đặc biệt khó khăn, theo gương thánh phụ Đa Minh, Đấng mà người luôn muốn noi gương các nhân đức, người đã cầu nguyện và được Chúa ban cho những nhu cầu cần thiết. Tương tự như thế, người thường dùng phần lớn thời gian ban đêm để làm việc đền tội và cầu nguyện trước bàn thánh trong nhà thờ để xin Chúa chúc lành cho sứ vụ tông đồ của người.

Vì không ngừng cố gắng noi gương sự thánh thiện của các thành viên trong cộng đoàn, những người mà Rudolph yêu mến như anh em, nên chẳng bao lâu đã nảy sinh tình bạn thân thiết giữa vị mục tử thành Bologna với thánh Đa Minh. Cũng vậy, vì tổ phụ của Dòng cũng mau chóng nhận ra lòng nhiệt thành, đức khôn ngoan và tâm hồn trong sáng của Rudolph. Những điều này lôi kéo hai người gần nhau hơn. Thánh Đa Minh thường tiết lộ cho Rudolph biết những bí mật của tâm hồn mình, và bàn thảo những ý kiến hầu giúp phát triển sứ vụ của Dòng.

Trái tim nhạy cảm của Rudolph đôi khi đưa người đến chỗ quá rộng tay trong việc bác ái với anh em. Hơn một lần cha Đa Minh đã bó buộc phải khiển trách Rudolph vì quá hào phóng với các Tu sĩ đã bước theo đời sống thanh bần và thiếu thốn vì lòng yêu mến Chúa. Tuy nhiên, những khiển trách nhẹ nhàng ấy lại là niềm vinh dự cho người quản lý hiền hậu. Có lẽ thánh Đa Minh khi khiển trách cũng muốn như vậy. Có lẽ cha Rudolph cũng coi những lời khiển trách của cha Đa Minh trong ý hướng này; vì người không cảm thấy quá đau đớn khi phải sửa sai một lỗi lầm mà người tin là sẽ làm cho mọi việc có công phúc hơn. Một đàng, người cho rằng các Tu sĩ phải thực hiện lời khấn khó nghèo, và phải kiên nhẫn chịu đựng một chút thiếu thốn. Đàng khác, người tin rằng những người có trách nhiệm phải cung cấp một số tiện nghi cho anh em; bằng cách củng cố hạnh phúc và làm cho công việc tốt đẹp hơn vì những việc như vậy sẽ làm vinh danh Chúa.

Thực vậy, cha Rudolph hăng hái làm việc trong Dòng suốt 40 năm hoặc hơn nữa, vì thế người là niềm vinh hạnh cho Dòng, và người vẫn tiếp làm các công việc bác ái cho tới cuối đời. Chắc chắn do những hy sinh này người được mọi người quý mến. Người về nhà Cha ngày 14-10-1259. Một số người đã gọi cha là “Chân phước Rudolph”.

Nhà truyền giáo kỳ cựu này đã có mặt khi thánh Đa Minh qua đời, khi di dời thi hài và trong lễ phong thánh trọng thể thánh tổ phụ. Một vài người nói rằng người ôm đầu của Đấng sáng lập khi cha Đa Minh hấp hối. Người là nhân chứng thứ sáu làm chứng về các nhân đức và các phép lạ của thánh tổ phụ. Dây xích mà thánh Đa Minh mang trên người được trao cho Rudolph, người cũng được thừa kế nhiều gia sản tinh thần của thánh Đa Minh, cũng như nhiều dụng cụ sám hối. Ắt hẳn, tên của Rudolph Faenza từng chiếm giữ một nơi đáng chú ý trong lịch sử của Tu viện thánh Nicôla (hiện nay là tu viện thánh Đa Minh), ở Bologna. Cả Dòng đều trân trọng những ký ức về người.

Trích từ Victor F. O’ Daniel, Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, tập I, Học viện Đa Minh, 2011, tr. 133-136. 

Ghi chú:

40 Malvenda, Thomas, op. cit., P 245, 248; Mamachi, op. cit., pp. 507 and passim; Marchese, op. cit., V, P. 330; Pio, op. cit., col. 78; Theoderic of Apolda, O.P., Vita Sancti Dominici, in Acta Sanctorum, XXXV (First vol. for August, 611, No. 307, and 635, No. 35 ff.

 

Comments are closed.

phone-icon