MONENA CREMONA
***
Trước khi tìm hiểu bức phác họa về thánh Moneta Cremona, chúng ta nên xem qua một vài đoạn trong bản tóm lược về thánh Roland Cremona. Họ là hai người bạn đồng môn, và có lẽ là những người bạn thân thời niên thiếu. Giống như Roland, phần sau tên gọi của Moneta lấy từ tên thành phố nơi người được sinh ra. Cả hai được thừa hưởng cách phong phú những năng khiếu bẩm sinh, những năng khiếu này sẽ phát triển cách hoàn hảo nhờ sự chuyên cần của họ. Một lần nữa, giống như Roland, Moneta đăng ký học tại trường đại học Bologna, đạt được học vị tiến sĩ và được bổ nhiệm làm khoa trưởng, ngay sau đó trở thành thành viện hội đồng quản trị của trường. Moneta dạy nhân văn còn Roland thì về chuyên ngành triết học, có lẽ cả về vật lý nữa.
Điểm tương đồng giữa hai vị giáo sư còn nhiều hơn nữa. Họ nhìn thế sự như là hư danh, hão huyền chỉ mang đến những thú vui phù phiếm. Với sự uyên bác về tri thức, danh tiếng của họ đã được biết đến khắp cả nước Ý. Nhưng một lần nữa cả hai quyết từ bỏ thế gian và trở nên Tu sĩ Dòng Giảng Thuyết với nhiệt tâm phi thường ao ước muốn nên thánh, nhiệt tâm cho ơn cứu độ của các tín hữu và sự hoán cải của tha nhân, dù là những người tội lỗi hay những kẻ lạc giáo. Tài năng, đức hạnh, và nhiệt tâm tông đồ phục vụ Giáo hội của các ngài được tán dương và lưu truyền như một gia sản trong ký ức mọi người. Câu chuyện ơn gọi vào Dòng Giảng Thuyết của Moneta được bắt đầu như sau.46
Khi chân phước Reginald Orleans từ Đất Thánh trở về Bologna, lời giảng của người quả thực đã gây ra một sự xúc động mạnh trong thành phố. Giáo sư Moneta, trong bản tính con người, cảm thấy phẫn nộ khi có quá nhiều sinh viên của mình và một số bạn đồng nghiệp, trước là đến nghe lời giảng của vị Tu sĩ Thuyết Giáo này và sau đó là noi theo đời sống khiêm nhường của Dòng. Người quyết định sẽ không điên rồ như vậy. Không những thế, e sợ rằng tài hùng biện nhiệt thành của chân phước Reginald sẽ chiến thắng nỗi ác cảm trong mình, Moneta cố ý không tiếp cận những bài giảng của chân phước Reginald, thậm chí người đã làm tất cả những gì có thể để xui khiến các sinh viên trong trường đại học theo gương của mình.
Nhưng như một ngạn ngữ cổ đã nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Những nẻo đường ân sủng rất phong phú và đôi khi có tác động rất mạnh mẽ. Vào ngày lễ thánh Stêphanô, 26 tháng 12 năm 1218, một vài môn sinh của thầy Moneta đã nói với người rằng họ đang thiếu và họ cần những chất liệu từ chính những bài giảng của cha Reginald và cũng để làm lợi cho những bài thuyết trình của thầy Moneta. Sau đó họ đã đề nghị thầy Moneta đi với họ đến nghe nhà hùng biện vĩ đại Reginald thuyết giảng tại Nhà thờ Chính Tòa. Lúc đầu Moneta từ chối, nhưng những sinh viên đã gây áp lực cho đến khi thầy Moneta không thể thoái thác lẩn tránh, và cuối cùng đành chấp nhận lời thỉnh cầu của họ.
Sau đó, Moneta đã lập mưu, bằng cách đưa những anh chàng si mê trẻ tuổi ấy tới nhà thờ thánh Procolo và đề nghị họ trước tiên hãy đi tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, Moneta đã sắp xếp họ tham dự thêm ba thánh lễ nữa. Người tỏ ra dùng dằng, không muốn nghe cha Reginald thuyết giảng. Tuy nhiên, vì các sinh viên thúc đẩy nên người cùng họ đến Nhà thờ Chính Tòa. Khi họ đến nơi, người thấy hạnh phúc vì nhà thờ chật ních đến nỗi mình chỉ có thể chen vào cửa ra vào và người thấy bài giảng lúc đó cũng đã gần hết. Nhưng thật kỳ lạ, những câu nói mà Moneta lần đầu tiên nghe cha Reginald giảng đã xác định ơn gọi của người. Đó là đường lối mà Thiên Chúa chọn gọi Moneta. Quả thật, cha Reginald vừa mới về nhà Dòng thì Moneta chạy tới hứa với cha rằng người sẽ đi vào Dòng.
Vị giáo sư có lẽ rất hành phúc khi mặc tu phục Dòng Anh Em Giảng Thuyết ngay tức khắc, nhưng sự ràng buộc của một giáo sư tại trường Đại học Bologna, cùng nhiều nguyên do khác nên trong hoàn cảnh này vẫn chưa thể thực hiện được. Thực ra phải mất một năm tròn thì Moneta mới có thể thực hiện được dự định đạo đức của mình. Trong suốt thời gian này, người không chỉ tham dự cách đều đặn những buổi nói chuyện, thuyết giảng tại Tu viện thánh Nicôla; người còn hăm hở hướng dẫn cho những đồng nghiệp và những sinh viên mà trước đây người ra sức ngăn cản. Người nhiệt thành quảng bá ơn gọi Dòng Giảng Thuyết. Cha Gerard de Frachet đã diển tả cách ngắn gọn nhưng ý vị về sự nhiệt thành của thầy Moneta liên quan đến vấn đề này. Thầy Moneta hối tiếc cách sâu xa về những việc làm trong quá khứ và người cố gắng sắp xếp lại những công việc của mình để có thể vào cộng đoàn sớm hơn.
Trong lúc ấy, chân phước Reginald được triệu hồi về Paris. Nhưng Moneta Cremona không thay đổi quyết định của mình. Người nhận áo dòng từ chính tay cha thánh Đa Minh, khoảng cuối năm 1219 đầu năm 1220. Từ lúc bắt đầu đời sống tu trì, thầy Moneta cố gắng rất nhiều và liên lỉ để đạt đến đỉnh cao sự hoàn thiện đến nỗi mọi người ngưỡng phục người như một mẫu gương. Vì kiến thức uyên bác của người, Bề trên Dòng đặt người trong chức vụ của một giáo sư, một vị trí mà người đã đảm nhiệm tại một số đô thị của nước Ý. Người cũng dành thời gian cho những hoạt động tông đồ cũng như nghiên cứu nhiều ngành khác nữa. Bằng nhiều bài viết, người đã cộng tác vào việc chống lại nhóm Manikê. Một số người cho rằng người cũng là vị thẩm tra tòa án lạc giáo của Đức Giáo hoàng.
Bất cứ làm việc gì, vị Tu sĩ giảng thuyết này cũng thành công. Người nổi tiếng là một nhà nghiên cứu uyên bác, một học giả uyên thâm, và một nhà giảng thuyết hùng biện lừng danh khắp nước Ý. Người có một sự phán đoán nhạy bén. Cha Alberti nói về người như sau: “Người nổi bật cuốn hút về đàng nhân đức, kinh nghiệm xuất chúng về thánh khoa, có sự phán đoán nhạy bén, là vận động viên kiên cường trong đức tin, nổi tiếng với những dấu lạ và là một giảng sư thần học lừng danh”. Trên thực tế, những ai viết về người đều dành cho người những lời tán dương như thế, kể cả cha Gerard de Frachet, là người quen biết người cách riêng tư. Các nhà văn, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo đi từ xa đến bàn hỏi người về mọi vấn đề và đám đông tín hữu từ khắp nơi xa gần ào ạt đến nghe người giảng thuyết.
Kiệt sức vì nghiên cứu và vì công việc vất vả, cuối cùng cha Moneta bị mù. Người đón nhận điều không may này với lòng nhẫn nhục như trường hợp tương tự được mô tả trong sách Tobia. Thực tế là tính nhẫn nại của người mục tử thánh thiện này làm cho anh em yêu mến người nhiều hơn. Không còn có thế dấn thân trong những công việc khác nhau được nữa, hay bị quẫn trí vì vấn đề thị lực, người dốc hết sức mình để suy tư về Thiên Chúa. Nếu không bận rộn với những cuộc tiếp xúc với anh em hay với những người tới tham vấn mình thì người dành thời gian vào việc suy niệm. Người qua đời tại Tu viện ở Bologna; nhưng có nhiều quan điểm khác nhau về thời gian người qua đời. Một số người cho rằng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 13. Một số khác cho rằng người qua đời vào năm 1235. Còn Marchese cho rằng đó là ngày 5 tháng 12. Tất cả những tác giả đều thuật lại với chúng ta rằng vị Tu sĩ thuyết giáo này qua đời với danh tiếng lẫy lừng về sự thánh thiện và được mọi người tôn kính.
Cha Moneta Cemona nổi tiếng vì người đã viết tác phẩm luận lý và thần học chống lại thuyết Manikê. Những tuyển tập sau cùng này rất được ca tụng. Một số người cho rằng lý do duy nhất giải thích tại sao nó không được xuất bản là vì nhóm Manikê đã tan rã rồi. Tình bạn của người với thánh Đa Minh được biểu lộ qua việc cha qua đời trên chiếc giường của Moneta và mặc chiếc áo của người. Trong số ít những anh em tiên khởi của thánh Đa Minh đã được các sử gia của Dòng viết đã gọi người chân phúc. Nơi người, chúng ta khám phá một kiểu mẫu rạng ngời của một chiến sĩ đức tin mà thánh Đa Minh đã quy tụ dưới cờ hiệu của mình.
Trích từ Victor F. O’ Daniel, Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, tập I, Học viện Đa Minh, 2011, tr. 147-151.
———-
Ghi chú:
44 Alberti, op. cit., fol. 183; Marchese, op. cit., IV, 442.
45 Quetif.
46 Alberti, op. cit., fol. 183-184; Bzovius (Bzowski), op. cit., col. 261-262, 456; Castillo, op. cit 72-74; De Frachet (Reichert ed.), op. cit., p. 170; Malvenda, op. cit., p. 443; Mamachi, op. cit., 467 and passim; Marchese, op. cit., VI, 146; Pio, op. cit., 86; Quetif-Echard, op. cit., I, 122.