Những môn đệ tiên khởi của Thánh Đa Minh: Chân phước Gioan Di Scledo thành Vicenza

0

CHÂN PHƯỚC
GIOAN DI SCLEDO THÀNH VICENZA 

***

Cha Gioan di Scledo được mệnh danh là trong những nhà giảng thuyết nổi tiếng và thánh thiện nhất của thế kỷ XIII. Bước đầu để bàn về những tài năng tri thức và đức hạnh chân thật trong bản phác thảo về cuộc đời người, chúng ta không thể nói hay hơn cho bằng trích dẫn những lời của cha Basil di Schedo. Đây là một vị đan sĩ Dòng Cát Minh, cùng họ với người, viết như sau:

Chân phước Gioan di Sledo, quê quán ở Vicenza và là một người môn đệ của thánh Đa Minh, đã tỏa sáng nhân đức rạng ngời ngay từ thuở thơ ấu. Thiên Chúa đã phú bẩm cho người những ân ban phi thường để điều hành những công việc trọng đại nhất, dàn xếp các mối bất hòa, hoán cải người khác và bênh vực quyền lợi của Giáo hội. Những lời giảng thuyết mạnh mẽ, hùng hồn và học vấn uyên bác phi thường của người đã đem lại cho người vinh dự không kém so với tài ngoại giao hiếm có của người. Nhưng điều đặc biệt khiến tên tuổi người lưu danh muôn thuở là một cuộc đời thánh đức mà chính Thiên Chúa đã chứng nhận qua muôn vàn phép lạ người làm, đặc biệt qua việc làm cho mười kẻ chết sống lại.

Tuy nhiên, điều kể trên chỉ là một phác thảo về những gì mà những tác giả Giáo hội kể cho chúng ta biết về chân phước Gioan di Scledo. Vicenza, Padua, và Bologna, cả ba nơi đều muốn nhận là nguyên quán của người. Tuy nhiên, quan điểm của các sử gia thì nghiêng về Vicenza. Người ta dường như không biết đến ngày sinh của người. Khi còn là sinh viên ở Padua, người bị lôi cuốn đến với Anh Em Giảng Thuyết bởi lời giảng và những phép lạ nơi Đấng sáng lập của họ. Chính thánh Đa Minh trao áo dòng cho người. Vì vậy, cha Đa Minh đã tận tình thúc đẩy tài năng nơi người thanh niên trẻ mà cha nhanh chóng nhận ra và quý trọng.

Chúng ta có thể nhận định về quá trình này, lòng đạo đức và những nghiên cứu của Gioan không chỉ khởi đi từ sự hướng dẫn của cha Đa Minh, mà còn bắt nguồn từ những công việc lớn lao hằng ngày của mình. Việc giảng thuyết là sứ vụ đầu tiên Dòng trao cho người. Đó là sứ vụ duy nhất mà không một công việc nào khác cản trở được. Vào năm 1231, chúng ta thấy người giữ chức vụ tu viện trưởng Tu viện thánh Augustin ở Padua. Người được miễn chuẩn những phận vụ của chức vụ này cùng với sự quan tâm lo lắng mà người ta thường mong đợi, khi Đức Giáo hoàng Gregory IX chỉ định người là một trong ba đại diện nhân danh Tòa thánh để thu thập thông tin cần thiết cho việc phong thánh Anton Padua, là người mới mất trong thời gian gần đó. Ủy ban này được nhắc đến trong sắc lệnh phong thánh, mà nguyên bản được bảo tồn trong tu viện Phanxicô ở Padua.

Những xáo trộn mà các nhóm Guelfi và Ghibelli nổi lên ở miền Lombardy đã tạo môi trường tốt cho vị giảng thuyết nhiệt thành và thánh thiện này. May mắn thay, những nhân đức sáng ngời của người giúp đem lại thành công cho công cuộc hòa giải, không chỉ nơi những cá nhân và gia đình, mà còn cả những nơi đô thị và các tiểu quốc. Các bề trên thường ủy thác cho người phần nào công việc này, tuy thú vị nhưng không kém phấn khó khăn và tế nhị. Tòa thánh đã giao phó cho người những nhiệm vụ đòi hỏi sự khôn ngoan tuyệt vời, lòng dúng cảm, sự kiên định và tài ngoại giao. Dân chúng thường xuyên hợp cùng với các vị chủ chăn để nhờ cha Gioan đứng ra làm môi giới hòa giải, và họ gọi người là sứ giả hòa bình, người kiến tạo sự yên tĩnh cho mọi người.

Danh tiếng của người không chỉ lan rộng khắp nơi trên quê hương, mà con tiếp tục mở rộng đến các nơi khác, và lôi cuốn vô vàn đám đông đến nghe người giảng thuyết. Nói chung, điều này đã thúc đẩy người phải giảng thuyết lộ thiên trong những vùng rộng lớn. Lần đầu tiên người giảng thuyết lộ thiên ở Bologna. Nơi đó, người giảng thuyết với một sức thuyết phục mạnh mẽ nhằm chống lại ác ý của những người gieo rắc sự phân rẽ giữa dân chúng, hay những người  muốn nhen nhúm sự chia rẽ bất hòa qua những hoạt động tội phạm chính trị. Người đã tô vẽ những tội nặng nề và những hậu quả chết người của nó với những sắc thái đầy hình ảnh, đến nỗi những người Bologna phải chào nhau nhân danh Chúa Kitô và mặt khác nhằm đưa ra những dấu chỉ rõ ràng về sự hòa giải trọn vẹn. Phương cách này rất xứng đáng với các Kitô hữu, đã lan rộng từ Bologna cho đến tất cả các đô thị ở miền Lombardy. Sau đó, nó không chỉ lan rộng ở Ý mà còn nhiều nơi khác của Âu Châu.

Những bài thuyết giảng của cha Gioan lên án sự cho vay nặng lãi cũng mang tầm ảnh hưởng như thế. Những người kiếm tiền trái với đạo lý bằng cách bòn rút tài sản của những nghèo và lợi dụng các gia đình bị thất cơ lỡ vận, để tích trữ của cải cho mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, tuy bài giảng không tác động đến họ nhưng họ phải ngưng việc cho vay nặng lãi lại trước sự phẫn nỗ của dân chúng. Trong nhiều trường hợp, tuy không mấy hưởng ứng nguyện vọng và ý muốn của nhà giảng thuyết, nhưng dân chúng bị đàn áp lâu ngày trở nên phát cáu và nổi lên trả thù những kẻ tống tiền chuyên nghề.

Cuộc nổi chiến giữa các công dân ở Padua gây ra sự tàn phá kinh khủng ảnh hưởng đến khu đô thị. Do đó, Đức Giáo hoàng Gregory IX đã viết thư cho cha Gioan di Scledo, truyền lệnh cho người (hay trong ngôn ngữ văn thư, van xin người) để người thường xuyên trực tiếp lui tới chính quyền đô thị tự trị, và sử dụng tất cả quyền hành mà Thiên Chúa đã ban cho người để dập tắt ngọn lửa đang tàn phá mọi thứ. Bất chấp sắc lệnh này, dân Bologna kịch liệt phản đối sự ra đi của vị Giảng thuyết. Thực vậy, Đức Giáo hoàng buộc phải sử dụng tất cả quyền hành của mình, kể cả sự đe dọa, khi cắt đặt cha Gioan giữa dân chúng với một chức vụ mang lại nhiều lợi ích cho họ mà trước đó họ luôn hết lòng kính trọng người. Khi nghe tin cha Gioan đến, những người dân Padua vội vã tìm gặp người ở làng bên cạnh và đón đưa người về thành phố trong niềm vui hân hoan.

Ngay khi đến Padua, cha Gioan quy tụ mọi người tại cánh đồng Mars (Campo di Marte), sau này người ta gọi là thung lũng đồng cỏ. Trong bài giảng thuyết đầu tiên, người nói về căn nguyên của hòa bình. Sự nỗ lực ấy đã đem lại thành công như mong đợi. Người lưu lại ở Padua một tháng. Ở đó, người dành hết thời gian cho việc hàn gắn và hoàn thiện công việc hòa giải mà người đã nỗ lực, cả trong những cuộc thảo luận đặc biệt với những công dân đứng đầu đô thị và cả những bài giảng công khai trước công chúng mỗi ngày. Thời gian sau này, người giảng thuyết nhằm đáp ứng nhu cầu dân chúng, kẻ ở xa, người ở gần đều vui thích khi nghe người giảng dạy.

Những tác giả người Ý quả quyết với chúng ta rằng người không chỉ có thể chữa trị tất cả mọi loại bệnh tật, mà đôi khi còn làm cho kẻ chết sống lại. Thực tế, dường như là không hiếm những phép lạ đưa đến cho người sự thành công, điều đó giúp cho người nỗ lực chống lại tính khí nóng nảy và thái độ ương ngạnh của mình. Trong cuộc xung đột, những cộng đồng chia rẽ bỗng nhiên được hòa giải. Những oán thù phát sinh từ lòng ghen tị đã gây nên sự báo thù. Điều đó đã hằn sâu theo thời gian và được dấy lại bởi thái độ tự phụ qua những lý do vụn vặt, đã sớm đến hồi kết thúc. Chỉ có sự chúc lành của Thiên Chúa trên lòng nhiệt thành của người tôi tớ trung tín mới là những điều kiện đem lại hòa bình mà cha Gioan đã đề xuất và được dân chúng mau mắn đón nhận. Ít nhất một lần họ đã hưởng ứng để duy trì lợi ích mà nhiều người mong đợi, nhưng chưa đạt được, mặc dầu họ có nhiều thiện chí.

Khi hoàn thành xong ước nguyện của Đức Giáo hoàng ở Padua, cha Di Scledo tức khắc trở về Bologna. Nơi đây, người tham dự Tổng hội của Dòng và lại tiếp tục sứ vụ của người. Trong công việc hoán cải của người, lần này, chúng ta có thể kể đến cha Gioan Boncampio, người nổi tiếng không chỉ vì từ bỏ những thú vui của trần gian, mà còn từ bỏ cả niềm hy vọng về một gia sản to lớn để đón nhận một cuộc đời sám hối, nghèo khó, thiếu thốn trong Dòng thánh Đa Minh. Nhờ đó, cha Gioan Boncampio được vinh dự đặt làm Tổng Giám mục Bologna. Trong khi đó, người dân Bologna lo sợ rằng một lần nữa họ sẽ mất đi nhà giảng thuyết hùng hồn. Họ càng ao ước cha phục vụ mình bao nhiêu thì họ càng lo sợ mất người bấy nhiêu. Vì lý do này, họ cử một số công dân lãnh đạo đô thị làm đại diện để khiếu nại với cha tổng quyền Jordan Saxony về việc thuyên chuyển cha Gioan di Scledo. Họ nói rằng khi rao giảng lời Chúa, cha Gioan có được sự thành công và nhiều lời tán dương. Hơn nữa, người dân Bologna còn lo sợ rằng tất cả những niềm hy vọng mà họ đạt được trước đây từ nỗ lực của Cha sẽ mất đi khi người được thuyên chuyển qua cộng đoàn khác.

Cha Tổng quyền đã ca ngợi lòng nhiệt thành của các vị đại diện. Nhưng xem ra cha không bị lay chuyển bởi các lý luận dân chúng đưa ra. Cuối cùng cha trả lời họ như sau:

Những người gieo giống không để những cái giường trên mảnh đất họ đã gieo trồng và nằm đó chờ đợi cho tới khi công việc của mình sinh hoa kết quả. Họ phó thác công việc đó cho Thiên Chúa. Sau đó, họ đi và gieo trồng trên một mảnh đất khác. Tương tự như thế, có lẽ sẽ ích lợi hơn nếu nhà giảng thuyết vĩ đại đi loan báo lời Chúa ở những nơi khác, theo lời của Đấng Cứu Độ đã nói rằng: Tôi còn phải đi rao giảng ở nhiều thành khác nữa. Tuy nhiên, tôi sẽ bàn bạc điều này với các giám định viên. Sau đó, tôi sẽ hành động theo lý lẽ mà các ông cho là thỏa đáng.

Xem ra người Bologna đã đạt được phần nào những gì họ đã khao khát. Nhưng kết quả cho thấy họ đã được quá lòng mong đợi. Mặc dù có sự thuyên chuyển từ công việc này sang công việc khác, nhưng chân phước của chúng ta vẫn ở Bologna. Một ngày nọ, khi cha Gioan trên đường trở về đô thị sau khi thuyết giảng ở vùng lận cận, trưởng quan tòa cùng với vô số dân chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội đến đón người với một cái lọng lộng lẫy. Người Tu sĩ khiêm nhường này đã tìm mọi cách để tránh sự tôn vinh đó qua việc giữ lòng khiêm hạ và hoàn cảnh sống đơn sơ. Nhưng việc làm đó không mang lại hiệu quả . Dân chúng từ chối nghe những lời thanh minh của người. Vì thế, mặc cho lời nài xin và kháng cự, người vẫn bị rước vào đô thị vời nghi thức đón tiếp long trọng và giữa những tiếng reo hò. Điều đó bày bỏ sự quan tâm lớn lao mà dân Bologna dành cho người. Lòng mến lạ thường này đã quấy rầy người không ít.

Vì cha Di Scledo là người thánh thiện nên sự tôn vinh này chỉ làm cho người bẽ mặt hơn trước mặt Thiên Chúa. Trái tim người ẩn dấu những tình cảm thanh khiết và chân thành. Mặt khác, hàng ngàn người nhìn thấy cảnh tượng người bị ép buộc nên họ cảm thấy chướng tai gai mắt hơn là được khai sáng. Sau đó, ít nhất một người trong nhóm họ mượn chuyện này để tố cào người vào thành phố với vẻ lộng lẫy của một giáo hoàng. Người ta nói với Đức Giáo hoàng Gregory IX rằng cha Gioan di Scledo lúc bấy giờ cưỡi ngựa trắng và hầu hết quý ông thượng khách của Bologna cảm thấy được tôn vinh khi mang theo một cái lộng lẫy.

Người tố cáo là một người có quyền thế cao và danh tiếng nên Đức Giáo hoàng đã tin vào lời phàn nàn đó. Người lấy làm tiếc về những gì đã xảy đến làm giảm đi thanh danh của cha Gioan, được xem như là người của Thiên Chúa. Để quyết định đưa ra hình phạt giáng cấp cha Gioan Vicenza vì tính háo danh và lòng tự phụ người ta gán cho người, Đức Giáo hoàng Gregory đã triệu tập một hội nghị các Hồng y và các Giám mục của giáo triều để thảo luận về vấn đề này. Một người trong công hội, Đức cha William Savoy, Giám mục của Modena, đã can đảm nhắc nhớ Đức Giáo hoàng rằng việc kết án một bị cáo mà chính đương sự không được biện hộ thì không phải là tực lệ của người Rôma, đặc biệt với một người có nhiều công trạng và trí thức uyên bác như vị Tu sĩ giảng thuyết tài ba này.

Đức Giào hoàng Gregory trả lời rằng: vì sự tố cáo và tai tiếng công khai như vậy, nên hình phạt dành cho vị giáo sĩ sai phạm này không nên trì hoãn cho đến khi tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy. Khi đó, vị giáo sĩ nhiệt thành của Modena nói thêm: “Thưa Đức giáo hoàng, hãy đưa cho tôi một cuốn Kinh thánh”. Vị Giám mục của Modena đặt tay lên sách thánh và nói rằng:

Những lời chứng xúc tích, hùng hồn mà Đức cha Modena bày tỏ lòng tôn kính đối với cha Gioan di Scledo đã có hiệu quả mạnh mẽ. Nếu như điều này không thể phục hồi hoàn toàn thanh danh trước kia của vị giảng thuyết, thì chỉ ít cũng khiến cho Đức Giáo hoàng Gregory IX và giáo triều phải đình chỉ phán quyết bất lợi do bản cáo trạng gây ra, cho tới khi vấn đề được xem xét tường tận. Cuộc điều tra này cho thấy cha Di Sledo hoàn toàn vô tội. Quả thực, việc xét xử đã kết thúc với việc gia tăng thêm danh tiếng của người. Người tiếp tục làm nhiều phép lạ, cũng như mời gọi dân chúng hoán cải ở bất cứ nơi nào người giảng thuyết. Điều này cho thấy nhân đức và lòng khiêm nhường của người không bị giảm sút thể hiện qua lời tán dương của dân chúng.

Tất cả các tác giả người Ý đã xác nhận điều này, một số

người trong nhóm họ là những người đương thời với cha Di Scledo. Những nhân chứng đáng tin cậy này đã không ngăn cản được một người Anh, là người đã viết ký sự ở Luân đôn lâu năm, đưa ra những lời lẽ hoàn toàn trái ngược. Người đàn ông này đã làm cho chúng tôi tin rằng với tính hay khoe khoang của mình, cha Gioan Vicenza đã đánh mất đi tình yêu đối với Thiên Chúa, đánh mất đi sự quý trọng của người khác dành cho người, cũng như niềm tin tưởng của các vị trong hàng giáo phẩm đã từng kính trọng người. Tuy nhiên, Matthew Paris bắn những mũi tên độc vào mọi thành phần. Ông ta chẳng nể nang gì đối với những nhân vật quan trọng nổi tiếng, ngay cả những vua chúa và những vị đại diện của Chúa Kitô. Vì lý do ông thường viết xấu về người khác, nên chúng ta không thể lệ thuộc vào lời chứng của ông ta. Đây là sự thật chắc chắn trong trường hợp của cha Di Scledo. Vấn đề này đưa đến sự ngạc nhiên lớn rằng Đức Giám mục De Spode đã không còn cảnh giác đề phòng nào nữa chống lại Matthew Paris nhằm tôn trọng cha Gioan trong bản lược sử của chúng ta. Trước đó, vị Giám mục này thường kêu gọi chú ý đến sự thiếu quan tâm vô đạo đức của Matthew Paris đối với người khác và bác bỏ một số lời vu khống của ông ta.

Chúng ta rất dễ dàng nhận ra thành kiến nguy hại của một sử gia người Anh, ngay cả khi những chiếu thư của Đức Giáo hoàng Gregory tiếp tục gởi cho cha Gioan di Scledo sau khi xảy ra sự việc rắc rối trên. Người được giao trọng trách quản lý các công việc quan trọng cao cấp nhất đối với Giáo hội và gìn giữ sự yên bình cho dân chúng. Một số văn kiện khác chúc mừng thành công về những việc người đã làm. Đôi lúc, Claud Fleury kể cho chúng ta biết rằng Đức Giáo hoàng sử dụng phương cách này nhằm an ủi vị giảng thuyết lừng danh này vì những lời vu khống cho người trước đó.

Lẽ dĩ nhiên là những tài kiệt xuất của cha Gioan di Scledo đã khuấy động sự ghen ghét đố kị. Các thế lực đen tối tìm mọi cách loại bỏ tầm ảnh hưởng của người đối với tâm trí dân chúng. Tuy nhiên, mặc cho tất cả những điều này xảy ra, nhưng uy quyền và danh tiếng của cha Di Scledo vẫn không ngừng gia tăng. Các Giáo hoàng bổ nhiệm người để tái lập hòa bình nơi thành thị cũng như thôn quê, và việc bổ nhiệm ấy là khôn ngoan. Như hoàng đế Frederic nhờ tài khéo léo đã tận dụng những sự chia rẽ như thế để chinh phục dân chúng cho chính bản thân mình, thì Đức Giáo hoàng Gregory IX đặt cha Gioan làm đại sứ ở Marca d’Ancona. Sau đó, Đức Giáo hoàng phái cha đến Tuscany để mang lại cho người dân Florentina và Sienna những kết ước hòa bình.

Nhiệm vụ mới lãnh nhận này không phải là một công việc dễ dàng. Hai phe nhóm chất chứa lòng căm thù lẫn nhau ghê gớm. Bên cạnh đó, sự kiêu hãnh và yêu sách của dân Florentina không dễ sai khiến họ được, trong khi những lời than phiền cay đắng của dân Sienna tiếp tục chống lại kẻ địch khó làm cho họ lắng nghe những phương sách hòa giải. Tuy nhiên, cha Di Scledo đã có được dấu hiệu thành công trong vai trò đại sứ. Xem ra có điều gì đó trong tài hùng biện đáng yêu với lời kêu xin của cha đã không làm cho người nào phản đối. Chúng ta có thể nói rằng chính Thiên Chúa đã nói qua vị Giảng Thuyết.

Những bè cánh đối nghịch có thể rất nổi giận. Họ có thể cương quyết từ chối bất cứ ý kiến nào và mọi kiến nghị cho tình bằng hữu. Tuy nhiên, khi vị giảng thuyết bắt đầu trình bày những lời cầu chúc hòa bình, những sự dữ và những nỗi kinh hoàng của chiến tranh và sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa, thì tất cả mọi kháng cự đều xua tan. Những người cứng đầu nhất theo các bè phái được cha Gioan chinh phục nhờ gương nhân đức hoặc nhờ các chứng cớ. Tất cả mọi người vội vã chạy đến giao những vấn đề rắc rối của mình trong tay người, vì họ thấy nơi người là một trung gian hòa giải công minh, sáng suốt đem lại quyết định công bằng và chấm dứt những mối chia rẽ ác nghiệt. Trường hợp của dân Florence và Sienna như vừa đề cập là một trong nhiều trường hợp mà người đã từng hòa giải như thế.

Khi được sai đến Marca d’Ancona và Marca di Treviso để hòa giải những cuộc tranh luận tôn giáo, vị đại sứ đã thành công cách nhanh chóng và có phần may mắn. Đầu tiên, cha Gioan kêu gọi hai nhóm dân chúng tách biệt nhau. Sau đó, người tổ chức một buổi họp mặt chung gồm những vị lãnh đạo.

Cả hai lần đi, người đều tìm được sự chấp thuận của tất cả các ý kiến mà người phân xử khi đưa ra nhằm ổn định những tranh chấp và làm cho họ sống hòa hợp. Thật vậy, những công việc này đáng được xây nên như một đài kỷ niệm để tưởng nhớ vị tông đồ mà chúng ta. Liên quan đến vấn đề này, Gerard Mauriso, một tác giả người Ý đương thời viết như sau:
Lúc đó, xuất hiện cha Gioan, Dòng Giảng thuyết, người dân Vicenza, và là con của ông Manelino, một luật sư. Người có lòng mộ đạo hiếm thấy, như tôi sắp sửa thuật lại những sự kiện lạ thường sau và chúng có thể chứng thực được. Từ thời Chúa Giáng sinh tới nay, không có ai nổi tiếng trong việc đem lại sự hòa hợp giữa giới quý tộc và dân chúng qua lời giảng của mình. Để thiết lập chung một nền hòa bình, người hiệp nhất họ lại với nhau trong tình bác ái thiêng liêng để cùng nhau ca ngợi Chúa Kitô.

Trước tiên người đến Padua và giảng thuyết với các động mạnh mẽ và thuyết phục đến nỗi xua tan đi những mối bất hòa đang bao trùm cả đô thị. Tất cả mọi công dân đồng ý đặt những mối bất hòa của họ trong tay người và để người toàn quyền xét xử. Sau đó, người cũng đến Treviso để thực hiện nhiệm vụ hòa giải. Dân chúng Treviso cũng làm theo những gì dân Padua đã làm. Belluno và Feltre kế đó cùng tham gia, và dân của họ cũng dễ dàng nghe theo như vậy. Những ông lãnh chúa: Camino, Conigliano, và Romano đến để bang giao hòa bình nhờ ảnh hưởng của người. Tương tự, những cư dân ở Vicenza, Verona, Mantua, và Brescia cùng với bá tước – thánh Boniface và các người của mình vui lòng chấp thuận việc phục hồi sự yên bình chung của dân chúng.

Quả thực, người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên những tâm hồn. Mỗi khi đến thăm viếng chính quyền đô thị tự trị, các nhà cầm quyền sẵn lòng đưa ra những quy chế đô thị để người chỉnh sửa, đồng thời cho phép người thêm vào hoặc xóa bỏ những điều khoản cần thiết. Khi tìm thấy tù nhân ở bất cứ nơi nào (những người chỉ đơn thuần thiếu nợ hay là những tội phạm chính trị), người đều phóng thích họ. Sau khi thực hiện việc hòa giải giữa những cư dân ở trên, người chọn một nơi trong đô thị và thời gian cần thiết để tất cả dân chúng có thể đến nghe người giảng thuyết, và ký kết một khế ước hòa bình lâu dài. Verona là nơi được người chọn để làm nhiệm vụ đó.

Cuộc họp mặt này không những có sự tham gia của những người đại diện mà còn nhiều công dân của Brescia, Mantua, Verona, Vicenza, Treviso, Feltre, Belluno, và những lãnh chúa ở Romano và Camino. Ở đó, công dân Padua cũng có mặt và vô số nhóm người đông không kể xiết, cả đàn ông lẫn phụ nữ từ khắp các thành phố; đô thị và lâu đài. Thượng phụ Aquileia cũng có mặt ở đó cùng các Giám mục của các cư dân kể trên, cha Jordan Saxony, Tổng quyền Dòng Đa Minh và một nhóm lớn thuộc hàng giáo sĩ khác. Hầu tước Este và vô số sĩ quan, binh lính và mọi tầng lớp xã hội, họ đã tụ tập lại và lấy thánh giá Chúa Kitô làm hiệu kỳ. Có lẽ như đã nói, từ ngày mà Chúa giáng sinh chưa có một đám đông nào quy tụ lại   để nghe lời giảng của một người nào đó, nhưng để tỏ lòng tôn kính Đấng Cứu Thế, một đám đông lớn hơn đã đi chân đất. Tuy nhiên, nhiều nhóm khác từ các đô thị cưỡi xe ngựa đến đó.

Xem ra không thể tin được, khi cha Gioan Vicenza giảng thuyết cho đám đông khán giả đông đảo này, bất cứ người nào ở khắp mọi nơi cũng hiểu rõ lời giảng của người. Đến cuối bài giảng, người công bố về hiệp ước hòa bình. Người cảnh cáo những ai vi phạm hiệp ước này sẽ bị vạ tuyệt thông của Giáo hội cùng với sự phẫn nộ của Chúa Kitô và sự chúc dữ của Thiên Chúa. Người hứa sẽ ban phúc lành thiên đường cho những ai giữ hiệp ước. Sau đó, cuộc họp mặt kết thúc và ai nấy trở về nhà mình. Họ hết lòng tôn thờ và cảm tạ Thiên Chúa.

Dưới ảnh hưởng của vị giảng thuyết siêu phàm, nhiều người thù ghét nhau lại ôm nhau trong nụ hôn hòa bình vì họ tôn kính người như là một vị ngôn sứ. Quả thực, điều tuyệt diệu là danh tiếng của người cũng được chính Đức Giáo hoàng quý mến sâu xa. Đây chẳng phải là những điều lạ lùng, khi nhìn thấy nhiều phép lạ mà cha Dòng Giảng Thuyết đặc biệt này đã làm. Chính tai tôi nghe các cha Dòng Phanxicô giảng thuyết trong nhà thờ Vicenza, họ tuyên bố rằng người đã làm cho mười người chết sống lại.16

Đó là câu chuyện kể lại của một tác giả đã tận mắt chứng kiến. Chẳng phải người này coi trọng quá mức cha Dòng Giảng Thuyết. Nhưng mặt khác sau khi kể về những hành động anh hùng của cha Di Scledo, ông ta dường như hơi nghi ngờ về ý định liêm khiết của cha. Bên cạnh đó, Maurisio cũng phục vụ phe nhóm Ghibelli, người này ủng hộ hoàng đế của nước Đức chống lại phe nhóm Guelfi, những người ủng hộ cho Tòa thánh.

Những bè cánh hùng mạnh thuộc nhóm Ghibelli đã sớm làm náo động sự yên bình mà vị đại diện Giáo hoàng thiết lập. Họ thường xuyên thử thách đức hạnh của người. Nhưng nhờ sức mạnh là lòng tín thác vào Thiên Chúa, thông qua ân sủng của Thiên Chúa mà người luôn kiên vững, khiêm tốn và đơn sơ khi thành công, vững vàng và điềm tĩnh khi thất bại. Người không ngừng phản đối chống lại những con người hung hăng. Người tiếp tục cảnh giác để chống lại những mưu mô của các bè rối thời đó, sự hiểm độc của những kẻ ganh tị, và những thủ đoạn gian trá của người Ghibelli – những người phò Frederic, hoàng đế nước Đức. Những tranh chấp của ông ta với Tòa thánh gây ra nhiều điều dẫn đến sự ngờ vực về việc kính trọng vị thế của vị đại diện hay đặc sứ của Giáo hoàng. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ làm sáng tỏ hơn sự khôn ngoan và lòng can đảm của cha Di Scledo. Chúng cho thấy người không sợ sệt trước những lời đe doa cũng như không bị lêch lạc bởi sự vẻ vang và những vỗ tay khen ngợi của dân chúng.

Sau khi chúng ta nhìn thấy người giảng thuyết thành công ở Tuscany và Marca d’Ancona, cha Gioan ghé qua nhiều tỉnh thành khác của Cộng hòa Venice, và thăm viếng những vùng đất rộng lớn Cisalpine Gaul của nước Pháp. Sau đó, người trở về Bologna, nơi đang xảy ra sự tranh cãi nguy hiểm giữa hội đồng thành phố và Đức Giám mục liên quan đến những luật về tội phạm của thành phố. Sự bất đồng này sớm được khắc phục bởi tài cư xử khéo léo của người. Với sự ưng thuận của các quan tòa, người phóng thích một số người bị tù đày chỉ vì thiếu nợ. Sau đó, một phúc lành khác từ bàn tay khéo léo của người đã đem lại cho người nghèo của thị trấn sự giảm nợ đáng kể từ người cho vay.

Trường hợp của một tướng cướp ở Bologna, tên là Milanti cho thấy năng lực sẵn có của cha Dòng Giảng Thuyết trên những tâm hồn đè nặng bởi tội lỗi, và tầm ảnh hưởng của người với Tòa thánh. Kẻ cướp này đã tiếp tục việc cướp bóc ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Viterbo. Cuối cùng, Đức Giáo hoàng ra vạ tuyệt thông Milanti, và ra lệnh công bố án vạ ở bất cứ nơi nào ông ta đã phạm tội. Nhưng kẻ cướp này không để ý đến vạ tuyệt thông này, vì đã quen với dục vọng mù quáng, ông ta không đếm xỉa gì đến những sự đe dọa của người khác.

Giờ đây cha Gioan Vicenza đảm nhận thành công việc hoán cải tên cướp khét tiếng này. Milanti đã thú nhận những tội ác của mình và hứa đền bù những thiệt hại thích đáng. Ngay sau đó, những bạn bè của ông ta vừa đông đảo vừa hùng mạnh ở Lombardy đã gởi những người đại diện đến Roma để xin bãi bỏ vạ tuyệt thông. Tuy nhiên, hoặc vì nghi ngờ sự hối cải của Milanti, hoặc cho rằng sự trừng phạt nghiêm khắc là việc cần thiết để hạn chế những kẻ gian hùng táo bạo như thế, nên Tòa thánh từ chối không muốn cất vạ tuyệt thông đi – trừ khi ông ta cam kết rằng sau đi đền bù những thiệt hại đã gây ra cho Giáo hội và người dân Viterbo, ông ta sẽ vượt biển và sử dụng thời gian còn lại của cuộc đời mình để chiến đấu chống lại những người Hồi giáo. Dĩ nhiên đây có nghĩa là một bản án lưu đầy Scledo đã viết thư gởi cho Đức Giáo hoàng Gregory IX để xin can thiệp giùm cho hối nhân của mình. Và Đức Giáo hoàng đã trả lời người như sau:

Chúng tôi đã nhận được thư của cha với thiện ý thông thường của chúng tôi dành cho cha, và đón nhận những tình cảm cha tỏ bày trong đó. Điều mà chúng tôi đã từ chối ngay cả những người đại diện ở Lombardy, mặc dù họ tha thiết khẩn cầu, chúng tôi đã từ chối những người đại diện bất chấp những khẩn khoản của họ cho Milanti. Những đối với cha, chúng tôi vui mừng chấp thuận thỉnh ý này như bày tỏ lòng mộ mến sâu xa về những việc mà cha đã làm nhân danh Tòa thánh. Do đó, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng phán quyết và sự thận trọng của cha, chúng tôi cho phép cha sau khi vừa ý kiểm chứng thỏa đáng cho Milanti, nhân danh chúng tôi, cha hãy bãi bỏ bản án trên. Nhưng ông ta phải hứa hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với đô thị Viterbo và phục vụ quân đội ở Palestine trong thời gian hai năm.17

Những trường hợp hối cải đáng chú ý như trên không phải là họa hiếm. Đương nhiên, những trường hợp đó tăng thêm lòng sùng mộ tin tưởng vào người phục vụ trung thành của Thiên Chúa hơn nữa. Thế nhưng là con người khiêm nhường, người hiểu rõ sự kính trọng này và sử dụng nó với mục đích thiện hảo, thỉnh thoảng làm cho những người tội lỗi hoán cải và đưa những người chính trực tiến xa hơn trên con đường nhân đức. Theo đó, người cũng thường dùng tầm ảnh hưởng của mình để đề cao lòng tuân phục Tòa thanh, điều mà nhiều người đã cắt lòng trung thành của họ với Tòa thánh.

Frederic II nhìn lãnh thổ Giáo hoàng với con mắt thèm muốn và nóng lòng hạ thấp quyền giáo hoàng. Một trong những trở ngại lớn nhất để thực hiện ý định mà theo hoàng đế Frederic II biết rõ là lời giảng phi thường của cha Gioan Vicenza. Do đó, Frederic tìm mọi cách hạ giá người anh hùng bảo vệ Tòa thánh bằng cách làm cho người khác im lặng. Chính vì mục đích này, vào năm 1241, ông ta viết một lá thừ dài gởi đến các Anh Em Dòng Giảng Thuyết lúc bấy giờ đang họp Tổng hội ở Paris.

Frederic khởi đầu lá thư với sự cố gắng bày tỏ lòng kính trọng và yêu mến sâu xa đối với Dòng qua những lời tán dương hoa lệ trong bức thư. Sau đó, ông ta đề cập đến những bất ổn đang xảy ra và nỗi đau buồn của cả Giáo hội và Đế quốc. Những điều này ông ta không cảm thấy xấu hổ để quy kết tội cho Đức Giáo hoàng hay ban cố vấn của ngài. Ông ta cố gắng thuyết phục các cha rằng chính ông ta tiến hành cuộc đấu tranh vì lợi ích hòa bình, đồng thời chứng tỏ rằng những ý định của ông ta hết sức trong sáng, vì ông ta đấu tranh cho những lợi ích tôn giáo nói chung, duy trì luật pháp và hạnh phúc của dân chúng. Từ đó, ông ta đi thẳng vào mục đích của lá thư. Ông ta viết như sau:
Thưa các cha, các tín hữu điều chỉnh tư cách đạo đức của họ dựa vào những quyết định của các cha. Cho tới nay, một số người được các cha hướng dẫn trên những con đường cứu rỗi nhờ vào lời giảng của các cha đã bất cẩn đi sai con đường ngay thẳng. Xin các cha hãy cảnh giác, và đừng tìm kiếm việc thay đổi thế giới bằng tình cảm. Đừng để tình cảm đó tạo nên những niềm tin mới đi ngược lại với những điều đã có sẵn.

Tôi nói cho các cha những điều này vì những bản báo cáo bên ngoài cho thấy rằng giữa các cha có những người đảm nhận vai trò đặc sứ và tham gia vào các ủy ban đối nghịch lại với những lợi ích của chính chúng tôi và cả đế chế. Chúng tôi biết, họ làm điều này với niềm tin rằng họ thực hiện công việc làm vui lòng Thiên Chúa và có ích cho phần rỗi các linh hồn. Thưa quý vị trong Tổng hội, xin các cha ngay chặn những vượt rào quá mức này, và ban hành mệnh lệnh cho tất cả các cha của Dòng, yêu cầu các ngài trong tương lai hạn chế những hoạt động như thế. Làm như vậy rất phù hợp với những công việc đạo đức của các cha đáng để cho mọi người tiếp tục yêu mến và nhằm phục vụ công ích. Điều này mới thật đáng làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Hơn nữa, khi đó những công việc phục vụ của Dòng sẽ được dân chúng tán thưởng. Và khi ấy, các cha sẽ tránh được các lời chỉ trích từ những người không nghĩ cách chín chắn rằng, những thành viên của Dòng nhúng tay vào những việc bất hòa hoặc thậm chí cả những xung đột đến nỗi làm mất đi sự trong sáng của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi chân thành ban ân huệ cho các cha hết thảy để các cha có thể góp phần vào việc đem lại sự thịnh vượng và tôn vinh Dòng. Chúng tôi mong rằng các cha sẽ đáp lại nguyện ước của chúng tôi.

Bức thư này được Frederic gởi cho Tổng hội để ngày

27/2/1241. Nó được viết trong khi hoàng đế đang tiến quân vây hãm Faenza trong những vùng lãnh thổ của Giáo hoàng. Cha Abraham Bzovius (Bzwoski) và cha Alphonsus Fernandez, hai sử gia của Dòng Đa Minh, cả hai đã trình xuất bức thư này, nhưng họ không cho chúng ta biết Tổng hội trả lời như thế nào. Tuy nhiên chúng ta có thể phỏng đoán rằng cho dù Tổng hội trả lời đi nữa thì Frederic không được ủng hộ từ những người mà ông ta đã mua chuộc. Đức Giáo hoàng Gregory IX đã băng hà trước khi kết thúc năm đó; và chúng ta biết rằng dưới triều đại Đức Giáo hoàng sau đó là Đức Giáo hoàng Innocent IV, được bầu và năm 1243, cha Gioan Vicenza vẫn tiếp tục là thành phần phục vụ nổi bật của Giáo hội trong những thời kỳ bão tố đó. Trong một đoản dụ vắn tắt gởi cho cha Di Scledo đề ngày 13/6/1247, Đức Giáo hoàng Innocent đã trình bày cách thống thiết về vô vàn tội lỗi đang ngập tràn nước Ý. Ngài nói như sau:

Chúng tôi căn dặn, yêu cầu và ủng hộ cha, nhân danh Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ của chúng ta cố gắng hết sức mình với tất cả lòng nhiệt thành mà Thiên Chúa đã ban cho cha, để diệt trừ tận gốc phe lạc giáo ở khắp vùng Lombardy bằng cách đánh đuổi những người lạc giáo ra khỏi biên cương của lãnh thổ. Cha hãy tiếp nhận sự hối lỗi với lòng nhân hậu khoan dung những người có lòng thực sự ước muốn hoán cải và vâng phục Giáo hội trong tương lai; trừng phạt những người bướng bỉnh ngoan cố với tất cả luật lệ nghiêm khắc; hãy hành động mãnh liệt chống lại những kẻ xúi dục… chúng tôi cấm tuyệt đối bất cứ ai và cấm tất cả bề trên nào của cha giao cho cha mọi công việc khác hay cắt đặt cha vào một vị trí nào khác mà không có phép đặc biệt của Tòa thánh.

Người tôi tớ chân thật của Giáo hoàng là cha Gioan đã không bao giờ quên chu toàn những mệnh lệnh của Tòa thánh.  Sự thành công luôn luôn dành cho những cố gắng nỗ lực của người. Chúng tôi không biết khi nào người kết thúc những việc này. Nhưng chúng tôi biết rằng người đã bận rộn với những công việc này suốt một thời gian dài, ít là mãi cho tới năm 1259. Trong năm đó, khi chúng ta thấy người, với tư cách như một nhà giảng thuyết Tông tòa và thẩm phán của đức tin, nhân danh Đức Giáo hoàng Alexander IV đã tháo vạ mà dân Vicenza đã mắc phải vì họ đã phá vỡ hiệp ước hòa bình và bởi vì họ liên kết với những kẻ thù địch của Giáo hội.

Ở nước Ý trong những ngày này, sự đề phòng lớn nhất là cần phải ngăn chặn hay phá hủy những mưu mô của nhiều bè phái. Hoàn cảnh này cùng với nhiều công việc của cha Di Scledo không cho phép chúng ta chấp nhận quan điểm của một số tác giả sau này kể rằng người cũng được gởi đi trong suốt thời gian này từ Pháp đến Đức như là một đặc sứ của Giáo hoàng, và cùng lúc người cũng là Giám tỉnh Lombardy. Những tác giả cùng quan điểm này quả quyết với chúng ta hơn nữa rằng cha đã sáng lập nên những tu viện ở Reggio, Santa Agata, và San Romano di Lucca.18

Những tác giả trước đó chẳng nói gì về những điều này. Tuy nhiên, điều phải công nhận là họ quá bất cẩn trong việc kể lại tiểu sử của vĩ nhân này. Họ thường không cho chúng ta biết rõ ngày tháng để phân biệt những giai đoạn của cuộc đời cha Di Scledo, và cũng chẳng nói cho chúng ta biết những sự kiện chi tiết mà chúng ta biết chút ít hay không biết gì cả. Thậm chí, họ cũng không cho biết ngày sinh hay năm mất của người, hay nói cho biết người được chôn cất ở đâu. Sự bất cẩn này có thể giải thích được bởi vì họ quan tâm đến việc ghi chép lại những việc làm sáng ngời, và ca ngợi những nhân đức hiếm có của người.

Theo một nhóm các tác giả người Ý, nhóm Bolland – thuộc Dòng Tên, đặt cho người danh hiệu là chân phước. Họ cũng không nghi ngờ là Tòa thánh Rôma cho phép người dâng lễ ở Vicenza và Padua, có lẽ cũng ở Bologna nữa. Trong lịch sử của Dòng mình, Augustine Florence (một Tu sĩ Dòng Camaldolese) không do dự để tuyên bố rằng những nhân đức sáng ngời của người và những phép lạ mà người đã làm đều ngang hàng với thánh Antôn Padua. Julius Careamo, một sử gia ở Vicenza đã đặt người trong số các thánh và chân phước của thành phố. Khi trích dẫn những lời của cha Francis Barbarano, người bản địa ở Vicenza, một thầy Dòng Capuchin và la một sử gia đáng tin cậy đã từng chứng kiến phần nào những gì cha đã viết. Và khi trích dẫn, nhóm Bolland cho rằng lời của Francis Barbarano nói như sau:

Điều chắc chắn là cha Gioan Vicenza luôn luôn được mọi người quý trọng như một vị thánh, cả khi người còn sống cũng như khi đã qua đời. Điều chắc chắn là Đức Giáo hoàng không những cho phép công bố những phép lạ của người mà còn đặt danh hiệu cho người là chân phước và chân dung của người đươc trưng bày cho mọi người sùng kính.

Trên thực tế, một bức chân dung của người vẫn còn được nhìn thấy trong nhà thờ Vòng Gai, ở Vicenza, gần cuối thế kỷ XVIII. Trên đó có ghi câu: “Bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em” (Pacem mean do vobis). Đây là dấu chỉ cho thấy bình an được chúc phúc mà Thiên Chúa đã ban tặng và chỉ mình Người mới có thể ban tặng cho chúng ta.

Tất cả những điều mà chúng ta đã bàn về đời sống thánh thiện, danh tiếng cao quý và những việc làm phi thường của vị chiến sĩ đức tin của chúng ta đây có thể được minh chứng bởi hai Đức Giáo hoàng. May mắn thay, mười hay mười hai đoản dụ của Giáo hoàng có nhiều lời tán dương người vẫn còn cho tới ngày nay. Chỉ cần trích dẫn một hay hai bản đoản dụ, những trích đoạn này có thể không đầy đủ để làm vừa lòng độc giả. Một đoạn trích dẫn đề ngày 28/4/1233, Đức Giáo hoàng Gregory IX nói với cha Di Scledo như sau:

Từ tận đáy lòng, chúng tôi tạ ơn Đức Vua – Đấng Cứu Độ của tất cả mọi thời đại rằng những tháng năm sau những lời nguyền rủa và những cuộc nổi loạn, khi mà những người lạc giáo ngang bướng cố gắng gây ra nhiều bạo lực để bóp méo những tín điều và phá hủy sự hiệp nhất của Giáo hội, Thiên Chúa nhân lành đã khơi lên lòng nhiệt tâm thánh thiện của một người thanh niên trẻ giữa con cái Israel. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì sự quan phòng của Người đã thúc đẩy người thanh niên trẻ này, qua những phép lạ của anh ta đã bảo vệ Giáo hội đầy chiến thắng khải hoàn và làm tiêu tan những điều mà người ta không ngừng khủng bố và vu khống những người vô tội. Điều này làm cho chúng tôi rất thỏa mãn để tin chắc rằng cha không cần một chỉ thị nào khi đảm nhiệm sự nghiệp trong tình con thảo với lòng nhiệt tâm và can đảm. Thật thích thú khi thấy rằng cha vui hưởng sự tự do của con cái Thiên Chúa, và ân sủng của Người sẽ hướng dẫn cha trong tất cả mọi công việc cha làm.

Những tiếng than khóc của người dân Florentina và Sienna đã thấu đến tai chúng tôi, và những tiếng than khóc của những người rên rỉ trong xiềng xích và dơ bẩn của ngục tù đã đụng chạm sâu xa đến tâm hồn chúng tôi. Cái đói và khát đang tàn phá nhiều người. Gươm giáo đã kết liễu sự đau đớn khổ sở của nhiều người khác. Máu đã chảy ra, máu đổ ra từ mũi gươm và cơn chịu đựng cùng cực của người dân kêu cứu chúng tôi cung ứng một người hòa giải hay một sứ giả của hòa bình. Do đó, chúng tôi vui mừng nếu Thiên Chúa thúc đẩy cha chấp nhận vị trí của người đại diện Chúa Kitô và thúc giục cha đến cứu giúp cho người dân ở hai thành phố đau khổ này, ở đó cha hãy nỗ lực cho sự sống còn của những người mà tính mạng của họ đang trong tình trạng nguy kịch và vì phần rỗi của tất cả các linh hồn.

Chúng tôi không muốn ra mệnh lênh cho cha; vì chúng tôi biết rằng cha sẽ được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Linh, Đấng mà mọi người phải vâng phục. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn cầu nguyện để Chúa Thánh Linh sử dụng sứ vụ của cha để trợ giúp và an ủi cho những người đang đau khổ, và sẽ khơi lên lòng trắc ẩn của cha trong lúc này. Mong rằng Chúa Thánh Linh sẽ thúc đẩy cha nên làm gì cho hai thành phố này khi mà những người dân điên cuồng đang tiêu diệt lẫn nhau một cách nhẫn tâm. Mong rằng Chúa Thánh Linh sẽ hướng dẫn các hành động của cha để cha cùng với chúng tôi đừng để rơi giọt nước mắt vô ích nào trên thảm họa không thể cứu chữa được.

Chắc chắn độc giả còn nhớ việc dân Bologna không cho phép cha Gioan Vicenza rời bỏ thành phố của họ. Chúng ta vẫn còn nhớ rằng Đức Giáo hoàng Gregory IX bị cưỡng bách để can thiệp vào chuyện này trước khi họ để người đến thành Florence và Sienna trong sứ vụ của lòng thương xót mà Đức Giáo hoàng đã mong ước người đảm nhiệm. Nối kết với chuyện này, Đức Giáo hoàng Gregory đã viết cho những người dân ở Bologna như sau:

Dân được tuyển chọn của Thiên Chúa đã tiêu diệt hầu hết chi tộc Benjamin. Người con cái Israel này đã làm nhiệt tâm vì lề luật, trong việc thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa và trong việc trừng phạt tội phạm tàn ác. Tuy nhiên, họ đã sớm lộ ra một nỗi buồn to lớn vì mất mát, và đã bắt đầu sửa chữa lại nỗi buồn này với lòng nhiệt tâm phi thường. Cũng vậy, với những tình cảm của lòng trắc ẩn, phải chăng quý vị bị lấp đầy bằng tìh trạng tồi tệ của hai thành phố nổi tiếng nhất miền Tuscany – Florence và Sienna! Satan, trong mưu độc của nó đã làm mù lòa những người dân này, làm cho họ tức và hận thù đến nỗi họ cố tìm cách tàn sát lẫn nhau cả linh hồn và thể xác.

Mọi thứ đang trong tình trạng vô cùng bối rối vây quanh họ. Những đô thị của họ bây giờ trong tình trạng đổ nát nghiêm trọng, và mọi người lo sợ rằng chúng sẽ sớm trở thành những mảnh đất hoang vu. Tuy nhiên, những người kiên vững đấu tranh cho sự thật tin rằng (không, đó là quan điểm chung) để ngăn cản thảm họa cuối sắp xảy ra, điều cần hơn hết đó là người con yêu dấu của chúng ta, cha Gioan của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, người sẽ đến hiện diện ở giữa họ và sẽ nỗ lực đem lại cho họ hòa bình. Họ không còn nghi ngờ rằng Thiên Chúa của hòa bình sẽ chấm dứt tai ương cho họ, sẽ tiêu diệt những mầm mống của sự bất hòa nhờ một con người rất đẹp lòng Thiên Chúa; đúng như Người đã dùng sự trợ giúp của cha Gioan ở giữa quý vị để hoàn tất những công việc lớn lao nhằm vinh danh Người và loại bỏ lạc giáo.

Vì thế, chúng tôi khẩn cầu quý vị; chúng tôi cổ vũ quý vị nhân danh Đấng Cứu Độ của chúng ta, chúng tôi chỉ thị cho quý vị, vì lòng Chúa khoan dung tội lỗi của quý vị, hãy ngăn cản bất cứ người nào trong thành phố gây ra sự cản trở công việc tốt lành này. Mặt khác, chúng tôi hy vọng rằng nếu Chúa Thánh Linh sử dụng con người nhiệt tâm này để loại bỏ những xui rủi để tránh những hiểm họa giữa hai bên, quý vị hãy vỗ tay ủng hộ và khuyến khích kế hoạch của người. Như vậy, thiện chí của quý vị sẽ không ngừng góp phần báo đáp cho những nỗ lực của người.

Vì lá thư này mà cha Gioan Vicenza cuối cùng đã được phép lui tới Florence, rối đến Sienna, nơi mà người phải dàn xếp những bất trắc của dân chúng theo cách cư xử khéo léo mà chúng ta đã thấy. Sau đó, người gởi lá thư phúc trình đến Tòa thánh. Đức Giáo hoàng Gregory một lần nữa đã tôn vinh người với đoản dụ khác. Trong đoản dụ này, Đức Giáo hoàng kể cho Di Sledo tin vui về những thành công phi thường trước khi bức thư của cha gởi về Giáo triều. Đức Giáo hoàng cho thấy niềm vui khôn tả, và tạ ơn Thiên Chúa vì sự công chính của Người luôn luôn được xoa dịu cùng với lòng nhân từ, và Người thường trừng phạt để sửa trị. Sau đó, Đức Giáo hoàng viết tiếp:

Bây giờ, tất cả những gì còn lại dành cho chúng ta làm là nâng tâm hồn lên với Đấng Cứu Độ mà cầu nguyện rằng: vì vinh quang Danh Người và ơn cứu độ các linh hồn, Người sẽ gia tăng cho cha quà tặng là những điều kỳ diệu mà Người đã từng ban cho cha. Chúng tôi sẽ khẩn cầu Người gìn giữ cha trên con đường công chính để nhờ đó qua hành động gắng công với tất cả sự kiên nhẫn và khiêm nhường, những việc làm của cha sẽ được vinh danh bằng cái chết của người công chính.

Những nhu cầu cấp bách của Giáo hội đã kêu mời những nỗ lực cộng tác của cha Dòng Giảng Thuyết này ở nhiều nơi hơn là ở chỗ, vì đức tính và danh tiếng của người có thể lay động nhiều tâm hồn ở những nơi mà người đến. Điều tương tự cũng xảy ra, khi dân chúng ở một số đô thị ước mong giữ người ở lại cũng với họ, thậm chí theo như trường hợp của người dân Bologna, họ còn dùng vũ lực ép người ở lại. Ít lâu sau khi cha Di Scledo hoàn tất công việc của mình nơi những người dân Florentina và Sienna, Đức Giáo hoàng Gregory IX đã viết thư cho các Tổng Giám mục và Giám mục ở Ý để ngăn cấm bất cứ người nào cố gắng ngăn cản người ở bất cứ nơi đâu, khi mà người cảm thấy đã hoàn thành tất cả những gì cần thiết cho lợi ích của tôn giáo hay hòa bình. Mục đích mà Đức Giáo hoàng đưa ra ở đây là vì con người của Thiên Chúa phải được tự do để đi đến những nơi mà Thánh Linh sẽ hướng dẫn người tới, hay vì lợi ích mà Thánh linh kêu gọi người. Với đoản dụ về người dân Molognesem, từ những gì chúng ta mới vừa trích dẫn, là một đoản dụ khác đối với hàng giáo sĩ và các quan tòa địa phương cùng thành phố. Đoản dụ được viết đề ngày 28/06/1233. Trong đoản dụ, Đức Giáo hoàng Gregory nói với họ như sau:

Với sự gắn bó sâu xa và sự tôn kính đặc biệt mà quý vị nhân danh Đức Kitô Chúa chúng ta dành cho người truyền bá danh thánh Chúa, người con yêu dấu của chúng ta là cha Gioan Dòng Anh Em Giảng Thuyết đã hết sức làm hài lòng chúng tôi. Nên vì lợi ích cho việc hướng dẫn và an ủi quý vị, chúng tôi chấp thuận rằng cha sẽ xếp đặt việc lưu lại bình thường với quý vị. Nhưng chúng tôi không thể (không làm điều gì sai trái và gây thiệt hại cho người khác) để cho người khác hoàn toàn bị thiếu thốn sự trợ giúp mà họ có quyền mong muốn cha đến. Trên hết, chúng tôi không thể chịu đựng được sự việc trong trường hợp cấp bách như thế này. Chúng tôi tin chắc rằng sự hiện diện của cha rất ích lợi cho các tín hữu và làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Chính vì điều này, sau khi đã thêm lời cầu nguyện, chúng tôi ra lệnh cho quý vị, nhân danh đức tuân phục và nhân danh Chúa Thánh Linh, hãy để vị Giảng Thuyết hoàn toàn tự do ra đi theo sự thúc đẩy của ân sủng và đi đến những nơi mà bàn tay Thiên Chúa muốn hướng dẫn cha đến. Sự tuân phục mệnh lệnh này không kém hơn ân ban của Tòa thánh nhưng sẽ ban cho quý vị nhiều phúc lộc mới từ trời.

Chúng tôi đã không làm điều gì khác để chống lại quý vị về vấn đề này. Vì thế, chúng tôi không ước mong là quý vị không biết những gì đã xảy ra hầu đem lại cho mọi nơi sự tự do nhờ vào vị đặc sứ của Chúa Kitô là cha Gioan Vicenza. Do đó, chúng tôi rất vui mừng để nói với quý vị rằng chúng tôi viết những lá thư mục vụ cho những người anh em đáng kính của chúng tôi, các Đức Tổng Giám mục và Giám mục, cũng như cho các giáo sĩ cao cấp khác ở khắp nước Ý, chúng tôi ra lệnh cho họ, bằng những vạ của Giáo hội nhằm ngăn chặn sự liều lĩnh của mọi người và dẹp bỏ bất cứ ai dám ngoan cố dùng vũ lực giữ vị giảng thuyết lại và chống lại ý muốn của cha.

Chúng tôi mong muốn các Đức Giám mục trừng phạt những ai bất tuân mệnh lệnh này với vạ tuyệt thông, và những nơi nào bất tuân sẽ bị và cấm chế. Chúng tôi muốn các Đức Giám mục cảnh cáo mạnh mẽ những thành phố dám khinh thường sắc lệnh này. Mặt khác, nếu họ quá kính nể, chúng tôi sẽ tước bỏ tòa giám mục nơi đó.

Tất cả những đoản dụ còn lại cũng liên quan đến chân phước Gioan di Scledo vùng Vicenza hay được gởi đến riêng người, cũng bao hàm những chứng cớ tương tự của sự tin cậy trọn vẹn mà Tòa thánh đã đặt niềm tin vào tài năng, sự chính trực và nhân đức của người. Chúng tôi không có ý chuyển dịch những lá thư mục vụ này ở đây, vì chúng đơn thuần chỉ là bản phác thảo dài dòng của chúng ta về vị giảng thuyết cao quý, thực ra cũng không thêm vào bất cứ đề mục quan trọng nào về những gì đã trình bày.

Chẳng có Đức Giáo hoàng nào lại viết thư cho một người chỉ là Tu sĩ hay Linh mục với những lời lẽ đáng trân trọng hơn như vậy. Có lẽ chẳng ai trong họ lo sợ đến nỗi nhiều khu đô thị và tỉnh thành khác của nước Ý được nhiều lợi ích liên tục nhờ vào lời giảng của bất cứ người nào. Và cũng chẳng tín hữu nào cho thấy sự kính trọng hoàn toàn đối với lời khuyên của một cố vấn khôn ngoan và sáng suốt, hết sức háo hức đến nghe người giảng, hay một ước vọng mạnh mẽ muốn giữ người ở lại với họ.

Chẳng có gì chắc chắn về thời gian, nơi chốn và cách thức qua đời của cha Di Scledo. Dường như chẳng có vết tích gì để lại sau năm 1259, khi mà với uy quyền của Đức Giáo hoàng Alexander IV, cha Gioan đã bãi bỏ các hình phạt Giáo hội nơi quê hương bản xứ Vicenza của mình. Một số người cho rằng người được phúc tử đạo vì sự nghiệp dấn thân bảo vệ Giáo hội ở Ý trong suốt thời gian loạn lạc. Một số khác lại nói người dấn thân trở thành nhà truyền giáo giữa những người ngoại giáo ở phương Đông, và dâng hiến cuộc đời mình vì đức tin tại đó. Nhưng cả hai chẳng có chứng cớ xác thực nào cả. Có lẽ nguyên do việc thiếu thông tin về điểm quen trọng này trong cuộc đời người là Dòng Đa Minh chẳng giữ gìn sổ biên niên, lưu trữ và ghi chép về cá nhân và công việc của các Tu sĩ. Mặc cho sự việc không may này, ít ra trong hội Dòng của người, danh tánh cha Gioan di Scledo vẫn mãi là danh tánh cửa miệng quen thuộc về tất cả những gì là thiện hảo, thánh thiện và nhiệt thành. Ký ức về người sẽ mãi được mọi người yêu mến đến mọi thời.

 

Trích từ Victor F. O’ Daniel, Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, tập I, Học viện Đa Minh, 2011 trang 56-81

Ghi chú:

16Acta Sanctorum, XXVIII, 426, Nos. 15-17; Quetlf-Echard, op.cit., I,151; Maiurisio, Gerard, Historia Dissidiorum Marchionis Estensis cum Ecelino Romano,p.40.

17Bullarium Ordinis Fratrum Praedicatorum, I,59. We do not know if Milanti actually joined the Christian army in the Holy Land. (Ed. Note).

18Acta Sanctorum, XXVIII, 411, No.7.

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.

phone-icon