Những môn đệ tiên khởi của Thánh Đa Minh: Chân phước Guala Bergamo, Giám mục

0

CHÂN PHƯỚC

GUALA BERGAMO, GIÁM MỤC

Chân phước Guala, hay còn gọi là Gualla, một số tác giả cũng gọi người là William, thuộc dòng dõi Romanoni thế giá. Quả vậy, dòng tộc của người được xếp vào hàng cao trọng trong các dòng tộc lỗi lạc nhất ở tỉnh Bergamo, thuộc nước Ý. Thủ phủ của Bergamo cũng chính là nơi mà chân phước Guala mở mắt chào đời. Không ai biết chính xác ngày sinh của người nhưng chắc chắn là vào thuộc thập niên cuối cùng của thế kỷ XII. Cha mẹ người là những Kitô hữu đạo hạnh và được Chúa ban phúc giàu sang. Họ đã dạy dỗ người về lòng kính sợ Thiên Chúa ngay từ thời thơ ấu. Những tiến bộ trên con đường học vấn của Guala làm cho cha mẹ hy vọng nhiều về tương lai của người. Họ đã không bị thất vọng. Tuy nhiên, cha mẹ chưa suy nghĩ gì về việc Thiên Chúa sẽ chọn gọi con trai mình và sử dụng tài năng hiếm thấy của con mình.1

Có lẽ vào năm 1219, lần đầu tiên Guala được nghe thánh Đa Minh thuyết giảng. Và cũng như bao nhiêu sinh viên với suy nghĩ đơn sơ, cậu thanh niên này bị cuốn hút tìm hiểu về tính cách và nhân đức của cha Đa Minh. Vì vậy, khi thực hiện nhiều cuộc hoán cải ở vùng Bergamo, thánh Đa Minh đã chuẩn bị cho việc thiết lập Dòng của người ở thành phố này, và lúc bấy giờ Guala là một trong những người đầu tiên đến tìm hiểu Dòng. Guala đã nhận áo dòng từ chính tay của thánh Đa Minh. Nếu người chưa làm linh mục, thì ít ra người cũng đang chuẩn bị cho việc chịu chức. Dù thế nào đi nữa thì nhờ trung thành với ơn gọi của mình và đáp lại những huấn thị nhận được từ thánh tổ phụ, người đã tiến bộ mau chóng về đường nhân đức cũng như những phẩm tính cần thiết cho vai trò lãnh đạo.

Quả vậy, vị chân phước sớm tìm thấy vị trí thích hợp ở trong Tu viện cũng như trong hoạt động tông đồ. Theo lẽ tự nhiên, tất cả các hội Dòng trong những năm đầu thành lập đều chọn những người đứng đầu là những người có tiếng tăm từ lúc còn trẻ. Thế nhưng, nơi Guala phải có gì đặc biệt khiến cho thánh Đa Minh chú ý nên đã đặt Guala vào một chức vụ tại một Tu viện ở Bergamo vừa mới thành lập ngay chính quê của người. Cách quản trị của người đã mang lại cho cộng đoàn sự thoải mái. Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đoàn này. Người điều hành mọi việc trong đường lối thánh thiện chứ không phải quản lý theo tính thực dụng.

Có lẽ vì lý do này mà thánh Đa Minh đã sai chân phước của chúng ta đến Bologna, và bổ nhiệm người cùng với ba hay bốn anh em phụ trách việc thiết lập nữ Tu viện thánh Annê cho các chị em Đa Minh trong thành phố này. Tuy nhiên, dự phóng này đã tạm thời phải thất bại do sự chống đối từ gia đình chân phước Diana, vì thế Guala trở lại nhiệm sở của mình ở Bergamo. Tuy nhiên, người trở về chưa được bao lâu thì thánh Đa Minh theo nguyện vọng của người dân Brescia đã thiết lập Dòng tại thành phố Brescia và bổ nhiệm Guala làm Bề trên tiên khơi lại Tu viện mới này. Trên thực tế, người làm Bề trên ở Brescia cũng thành công như thời ở Bergamo.

Những bổ nhiệm công việc khác nhau này không chỉ cho thấy thánh Đa Minh quý mến và tin tưởng vào khả năng của Guala, mà còn nhiều lần cha thánh đã chọn Guala làm bạn đồng hành trong cuộc hành trình tông đồ của mình. Do đó, thật là thích hợp khi Chúa mạc khải cái chết của thánh Đa Minh cho người bạn tâm phúc hơn là bất cứ những đệ tử khác thân cận với Đấng sáng lập. Cả chân phước Jordan Saxony và Theoderic Apolda, những người cùng thời với chân phước Guala, cũng đoan chắc rằng Guala được Chúa mạc khải cho biết về cái chết của thánh Đa Minh, và ngay lập tức người khởi hành đến Bologna, nơi mà người đã nhìn thấy thánh Đa Minh trút linh hồn trong tay Chúa. Chính lúc ở Brescia, Guala đã được Thiên Chúa mạc khải về cái chết này.2 Có lẽ không ai trong Dòng cảm nhận sâu xa về sự mất mát này cho bằng chính chân phước Guala.

Guala làm Bề trên Tu viện tại Brescia được ít năm sau biến cố đáng buồn này. Trong thời gian đó, mọi người nhận ra rằng thánh Đa Minh đã không lầm khi đặt niềm tin tưởng nơi Guala. Vì ngay khi con trẻ, Guala đã tỏ lộ sự chín chắn, trí phán đoán và khôn ngoan hiếm có là những hoa trái của sự tìm tòi học hỏi lâu năm. Mọi người đều quý mến người. Hàng giáo sĩ khâm phục người. Anh em kính trọng người vì đời sống mẫu mực, vì lối cư xử không thiên tư, và vì sự nhiệt tâm trong việc tuân giữ những nội quy của Tu viện. Lòng trắc ẩn của người là một tấm gương sáng, đặc biệt ở Brescia, nơi người đã giúp đỡ rất nhiều người trong suốt những năm xảy ra nạn đói nghiêm trọng.

Do đó vào năm 1226, khi chức Tu viện trưởng tại Tu viện thánh Nicôla Della Vigne bị khuyết, cộng đoàn đã bầu Guala vào vị trí này. Nhưng đó không phải là một trách nhiệm dễ dàng vì tinh thần kỷ luật tu trì của cha thánh Đa Minh vẫn còn ảnh hưởng ở đó và chưa hề sa sút. Tuy vậy, việc quản trị của Guala cũng hài lòng ngay cả những ai nghiêm khắc nhất.

Vào thời điểm này, khả năng và uy tín của Guala được biết đến rộng rãi, thế nhưng chức Tu viện trưởng của người tại Tu viện thánh Nicôla Della Vigne ngày càng găp khó khăn. Đó là Bologna và Moderna đang gây chiến với nhau. Đức Giáo hoàng Honorius III đã bổ nhiệm Guala làm đại sứ Tòa thánh nhằm hòa giải mâu thuẫn giữa hai thành phố này. Nhờ tài khéo léo hòa giải của người, không những sự xung khắc được giải quyết và những ác cảm đã được xoa dịu, mà còn một thỏa ước hòa bình đã được thỏa thuận trong vòng mười năm.

Những thành công của con người đạo hạnh này trong những nhiệm vụ khó khăn đã làm cho Tòa thánh tin tưởng nên đã ủy thác cho người nhiều sứ vụ khó khăn tương tự như thế. Những sứ vụ này mang lại cho người nhiều kết quả quan trọng. Thực vậy, vừa lên ngôi Giáo hoàng vào ngày 19 tháng 3 năm 1227, Đức Giáo hoàng Gregory IX đã chọn Guala như là đặc sứ của mình bên cạnh vua Frederic II. Mục tiêu cuộc ủy thác này nhằm khuyến dụ hoàng đế giữ lời hứa chưa được thực hiện, đó là đi giải cứu những Kitô hữu bên thánh địa. Và vì thế hoàng đế Frederic không còn kiếm cớ thoái thác việc xuất chinh. Như vậy, Guala có hai nhiệm vụ chính: thúc giục vua lên đường giải cứu Kitô hữu bên thánh địa và thúc đẩy sự hòa giải giữa liên minh Lombard với hoàng đế.

Trong vấn đề này, nhiệm vụ của Guala quả là tế nhị và khó khăn hơn bởi vì liên minh Lombard và hoàng đế Frederic không những là không tin tưởng lẫn nhau mà còn thù địch nhau qua những lần chạm trán trên mặt trận. Mặc dù vậy, Guala vẫn hoàn thành vai trò trung gian hòa giải này. Tuy nhiên, những nỗ lực của Guala có lẽ cũng có phần giúp đỡ của chính hoàng đế Frederic khi ông công bố cách công khai lời xin tha thứ đối với chính kẻ thù của mình. Ở đây chúng ta có thể nói thêm rằng, những nguồn tư liệu khác cho thấy chính những người cùng thời đã xem con người giảng thuyết này là “một con người khôn ngoan cao thượng, hòa hợp với thế giới và là một nhân cách hoàn trọn”. Quả thật, người là một Tu sĩ chân chính và là một nhà giảng thuyết hùng hồn. Không còn nghi ngờ gì nữa, những phẩm tính này khiến người có một chỗ đứng cao trọng trong giáo triều và vương triều của hoàng đế Frederic. Danh tiếng của người lan rộng và ảnh hưởng khắp vùng Lombardy.

Từ khi Guala đắc cử chức Tu viện trưởng Tu viện thánh Nicôla ở Bologna, tất cả người dân ở Brescia đều mong ước người trở về lại Brescia. Sự khôn ngoan, tài phán đoán và lòng trắc ẩn của người đã chiếm trọn trái tim của mọi người. Họ tin rằng sự hiện diện của người là nguồn ơn phúc, cả về thể xác lẫn tinh thần. Nỗi khát mong mãnh liệt đó được thể hiện khi Đức Giám mục Giáo phận là cha Albert Razzati qua đời, cả hàng giáo sĩ và giáo dân đều nhất tâm chọn người làm chủ chăn Giáo phận của họ. Đó là vào năm 1229. Tất cả những ai nghe biết về nhân đức và tài năng của người đều ca ngợi việc lựa chọn này hết lời.

Nhưng kết quả sự chọn lựa này không mang đến niềm vui cho bản thân Guala. Vì thế, điều này đã làm cho Gaula phiền muộn rất nhiều. Trong sự khiêm nhường, người luôn tin rằng trách nhiệm trong chức vụ mới này là điều vượt quá sức của người, và nghĩ rằng mình phải ở vị trí thấp hèn vốn đã ấp ủ khi còn trẻ. Bên cạnh đó, người yêu thích sự cô tịch và khung cảnh tĩnh lặng của đời sống Tu viện, nhưng ít có cơ hội cảm nhận nó mặc dù cơ hội đó có ngay bên mình. Vì những lý do này, người đã tìm mọi cách để thoái thác gánh nặng đó. Trước hết, người hy vọng rằng tình thân hữu với Giáo hoàng để cho người tránh khỏi việc đón nhận danh dự này. Nhưng tất cả mọi nỗ lực đều thất bại, và cuối cùng người phải vâng phục trước lời mời gọi của Giáo hội.

Không dừng lại ở đó, chẳng bao lâu sau Đức Giáo hoàng Gregory IX lại đặt thêm gánh nặng trên vai người Tu sĩ giảng thuyết nhiệt thành này. Lúc bấy giờ, Đức Giáo hoàng bổ nhiệm Guala làm Giám mục tại Brescia và làm người đại diện Giáo hoàng trong phần lãnh địa của công tước Milan, và là một phần lãnh địa thuộc nước pháp, ở phía nam dãy Alps, bên kia sông Po. Phẩm tước thứ hai này làm cho Guala lo lắng thêm, khiến cho người phải thường xuyên vắng mặt nơi đàn chiên của mình, điều này trái ý với người. Hai thành phố Pauda và Treviso đang ở trong tình trạng xung đột căng thẳng . Với tư cách là Khâm sứ Tòa thánh, Guala cảm thấy điều quan trọng là phải thúc đẩy sự hòa giải giữa các bên xung đột. Người sắp đặt tiến trình hòa giải cách khôn ngoan và đầy nhiệt tâm, đến nỗi không chỉ góp phần kết thúc sự xung đột mà thậm chí còn góp phần vào hiệp ước liên minh vì hòa bình giữa các dòng tộc danh giá của hai thành phố này. Về sự kiện này, Ughelli đã nói: “Danh tiếng thánh thiện, người được bầu làm Giám hoàng Gregory IX ở miền Bắc nước Ý. Trong tư cách này, người đã sắp đặt hiệp ước hòa bình giữa tỉnh Padua và Treviso cách không ngoan đặc biệt”.3

Khó khăn và cam go hơn nữa chính là mối tương quan của Giám mục Guala với hoàng đế Frederic II. Ngay sau khi chân phước Guala được tấn phong Giám mục, thì hoàng đế Frederic đã bỏ quên lời cam kết tốt đẹp của mình và chuẩn bị vũ trang chống lại Lombardy. Điều này đặt hoàng đế vào thế đối lập với Đức Giáo hoàng Gregory IX. Nguyên do là vì lãnh địa Giáo hoàng và liên minh vùng Lombardy là một, hơn nữa điều này là một mối nguy cho sự tự do của toàn vùng nước Ý. Trước tình hình này, người khâm sứ Tòa thánh, dưới sự ủy thác của Đức Giáo hoàng Gregory IX, được giao trọng trách dùng sự nhiệt tâm, tài hùng biện và khéo ngoại giao nhằm hợp nhất các lãnh đạo trong liên minh phía Bắc vì lợi ích chung. Tóm lại, người cổ động một cuộc thánh chiến, không phải chống lại người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ mà là chống lại hoàng đế Frederic II. Hẳn rằng điều này đã gây bẽ mặt hoàng đế trong thời điểm này.

Thành công đáng chú ý nhất trong cuộc đời của Giám mục Guala là việc giải phóng thành phố thuộc quyền giám quản của người khỏi tình trạng tồi tệ do sự tranh chấp giữa hai phe Guelfi và Ghibelli. Năm 1238, quân đội triều đình đã bố trí vây hãm thành phố Brescia. Duy chỉ có lòng nhiệt thành của vị Giám mục thận trọng này đã ngăn cản những mầm mống của sự chia rẽ trước đây. Vì thế, người vàn nài hết mọi người quên đi quá khứ, chỉ nhớ lại một điều mà mình mắc nợ với quê hương và đối với tự do. Nhờ những hoạt động cùng sự hướng dẫn của người, cư dân thành phố đã vượt qua cơn dông bão này. Sau ba tháng nỗ lực vô ích nhằm đánh chiếm thành phố Brescia, hoàng đế Frederic chấp nhận rút lui trong sự nhục nhã.

Chân phước Guala đáng được nhận công trạng vì đã đẩy lui quân đội triều đình. Đức Giáo hoàng Gregory IX đã ghi ơn người. Dân chúng không ngớt chúc tụng người. Nhưng họ luôn tin rằng họ được tự do là nhờ vào lời cầu nguyện hơn là những công việc của người.

Cho dù Guala là một người bạn rất đáng tin cậy của Đức Giáo hoàng Gregory IX và người kiên quyết chống lại hoàng đế Frederic trong thời gian này, nhưng hoàng đế vẫn thán phục ngưỡng mộ người vì tinh thần chính trực và công minh của người. Về phía vị Tu sĩ giảng thuyết, người cũng không ngần ngại bày tỏ lòng cảm thông đối với những lẽ phải của hoàng đế. Người chỉ cố gắng chống lại những mưu đồ tham vọng bất chính của hoàng đế. Người luôn nỗ lực thúc đẩy hoàng đế và Đức Giáo hoàng xích lại gần nhau, và luôn cố gắng ngăn cản những cuộc xích mích mà thỉnh thoảng xảy ra. Sau cuộc tranh chấp gay gắt xảy ra, nhờ những ảnh hưởng tích cực của chân phước Guala, hai thế lực này đã được giải hòa và xích lại gần nhau. Trong khi những người khác đã thất bại trong việc hòa giải này thì Guala lại thành công. Ughelli một lần nữa đã viết: “Guala đã soạn thảo một hiệp ước hòa bình giữa hai phe Guelfi và Ghibelli ở Brescia để làm cho hai bên thân thiện. Sau đó, họ không còn tàn phá quê hương nữa. Người đã không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào để đưa hoàng đế Frederic II xích lại gần với Đức Giáo hoàng”.4

Thoạt đầu, những khó khăn và thách thức trước mắt mà người phải đối mặt trong Giáo phận của người, là có những người tìm cách xâm phạm quyền lợi của Giáo hội, hay có những người khác lại khinh thường quyền lực của Giáo hội. Nhưng Guala chỉ kính sợ một mình Thiên Chúa chứ không sợ sự chỉ trích của người đời. Sự kiên nhẫn và thái độ thẳng thắn đã giúp người chiến thắng trong việc khuất phục các sự dữ nói trên. Người luôn luôn yêu thương đàn chiên. Dù ở giữa những lo âu hay trong lúc bình an hạnh phúc, đàn chiên của Guala luôn tìm thấy nơi người hình ảnh của một người cha đích thực, một vị mục tử trung thành, một người luôn thức tỉnh để hướng dẫn, bảo vệ, chăn dắt họ với tấm lòng can đảm và tận tụy. Tấm lòng nhân hiền của người ai ai cũng biết đến. Tấm lòng trắc ẩn của người dành cho những người nghèo khó thì rộng lớn vô biên.

Guala điều hành Giáo phận Brescia được 10 năm bằng một đường lối thánh thiện. Những cơn giông bão đã đi qua, và người có lý do để mong đợi những ngày tháng yên bình trong tương lai. Nhưng sự thôi thúc sống tĩnh lặng của đời sống Tu viện đã chế ngự người, đó là điều người yêu mến bằng tất cả tâm hồn. Người không bao giờ rời bỏ áo dòng. Người mơ ước tâm trí được chìm đắm trong những suy tư về sự vĩnh cửu và về phần rỗi cứu độ của chính người. Cuối cùng, năm 1239, Đức Giáo hoàng đã chấp nhận lời thỉnh nguyện tha thiết của người, và đồng ý cho người được trở về đời sống Tu viện cô tịch mà người yêu thích.

Để cho đời sống ẩn tu được trọn vẹn hơn, Guala đã chấp nhận lời mời của Đức Viện phụ Dòng Biển Đức và đến sống những ngày tháng cuối đời trong Đan viện Mộ Thánh ở Astinô, cách Bergamo khoảng 10km. Ở đó người sống đời sống cầu nguyện, sám hối và nguyện ngắm cho đến lúc người qua đời khoảng 5 năm sau đó. Vì vậy, sự khắc khổ của người đã làm cho cộng đoàn thán phục cũng như được củng cố. Sự thinh lặng trong đời ẩn tu của người ít khi bị quấy rầy, ngoại trừ những cuộc thăm viếng của những người cần sự linh hướng hay cần lời cầu nguyện của người và những người  nghèo khó cần người giúp đỡ. Ughelli đã viết: “Guala đã cai quản Giáo phận Brescia với sự thánh thiện cho tới khi người qua đời. Người đã làm nhiều phép lạ nhờ quyền năng Thiên Chúa. Cuối cùng, người đã từ chúc Giám mục để khép mình trong Đan viện Mộ Thánh tại Astinô, ở đó, người chiêm niệm về những thực tại thánh…”5

Người kế nhiệm Giám mục Giáo phận Brescia dành sự kính trọng đặc biệt đối với Guala, đến nỗi chính người kế nhiệm này đã nhờ lời khuyên của cha Guada để điều chỉnh cuộc đời mình và cai quản Giáo phận này cách khôn ngoan. Đáp lại lời thỉnh cầu của người bạn thân tín này, Guala đã chủ sụ nghi thức cung hiến bàn thờ trong nhà thờ Chính tòa Giáo phận. Không còn nghi ngờ gì nữa, vì đáp lại lòng ước muốn của vị Giám mục kể nhiệm này, nên Guala đã chủ sự nghi thức đặt viên đá tại nhà thờ thánh Stêphanô, một nhà thờ mới của Anh Em Giảng Thuyết tại Brescia. Trong nhà thờ này, Guala đã cho phép cất một bàn thờ kính thánh Nicôla mà người tỏ lòng sùng mô đặc biệt. Lại một lần nữa, cũng như những sự việc khác, chúng ta thấy rằng Guala đã bắt chước thánh Đa Minh, người đã chọn vị Giám mục thánh thiện là một trong những người bảo trợ của Dòng.6

Bên cạnh những tác giả trong Giáo hội kể cho chúng ta biết những công việc và những nhân đức của một con người đạo hạnh, thì chúng ta cũng có một vài đoản dụ của Đức Giáo hoàng Geogery IX gửi cho Guala. Đây là những luận cứ về những gì đã được trình bày trong bài viết này. Một sử gia nói rằng chân phước Guala đã không từ chức cho đến năm 1242, hai năm trước khi người qua đời. Nhưng vị tác giả này dường như không đọc danh sách các vị Giám mục giáo phận Brescia được Ughelli viết lại. Bởi vì chúng ta thấy rằng vào năm 1239, người kế nhiệm chân phước đã được bổ nhiệm rồi mà chúng ta sẽ nói về người trong phần kế tiếp.

Tất cả các tác giả đều đồng ý rằng chân phước Guala qua đời vào năm 1224. Nhưng về ngày tháng thì còn nhiều tranh cãi. Một số tác giả cho là ngày 03 tháng 12, một số khác là 03 tháng 09. Người được mai táng ở dưới chân bàn thờ thánh Giám mục Martinô trong nhà thờ Mộ Thánh của Dòng Biển Đức ở Actimô. Chúng ta được biết chắc chắn rằng nhiều phép lạ đã được thực hiện tại mộ phần của người. Trên đó có ghi rằng: “Chân phước Guala là một Giám mục, thân xác của người được cất giữ bên trong” (Beatus Guala, Episcopus, cujus ossahae in arca quiescunt). Nơi đây người đã an nghỉ giữa những người con của thánh Biển Đức, thuộc về cộng đoàn Vallombrosa, và chờ đợi ngày phục sinh.

Có lẽ vì muốn ngắn gọn, cha Touron đã kết thúc bức phác họa của mình. Nhưng cần phải nói thêm đôi lời về thị kiến của cha Guala đối với cái chết của thánh Đa Minh và về việc Guala được phong chân phước được diễn ra sau khi Touron viết cuốn sách của mình. Có hai chuyện phải thêm những câu chuyện của thánh Đa Minh cũng được hay kể lại cho những người đạo đức khi Đấng sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết qua đời. Câu chuyện như sau:

Khi còn là Bề trên Tu viện tại Brescia, có lần Guala thiếp ngủ bên cạnh tháp chuông nhà thờ Tu viện, người thấy có hai cái thang được thả xuống từ một lỗ hổng trên bầu trời. Người ngồi trên đỉnh thang thứ nhất là Đức Kitô, trên đỉnh thang còn lại là Đức Maria và các thiên thần lên xuống trên cả hai cái thang. Một Tu sĩ Dòng Giảng Thuyết ngồi dưới chân các vị, diện mạo và khuôn mặt của người này bị che khuất một phần khiến Guala không thể nhận ra, Sau đó cái thang được kéo lên trời, và Guala thấy người anh em trong Dòng chói sáng vinh quang, được đón tiếp bởi các thiên thần. Bấy giờ chân phước Guala thức giấc, nhưng người vẫn không biết rõ ý nghĩa của thị kiến đó. Tuy nhiên, ngay lúc đó người trở về Bologna và nghe biết thánh Đa Minh đã qua đời vào lúc người chiêm bao thị kiến. Và sự kiện này được ghi lại trong bộ lễ kính thánh Đa Minh:

“Một cái thang, xuất hiện trên bầu trời,

Ánh sáng chói lóa trong con mắt của một người anh em, Chính Guala đã thuật lại rõ ràng Thiên Chúa đã đón người vào nơi thánh”.7

Ngay cả khi còn sống, người được coi như là một vị thánh. Sau khi người qua đời, dân chúng tôn vinh người là chân phước. Lòng sùng mộ và tôn kính dành cho người ngày càng phổ biến và lan rộng qua nhiều thế kỷ. Sau cùng Đức Giáo hoàng Piô IX đã công bố chính thức sự kiện này. Với thẩm quyền của Đức Giáo hoàng, Bộ Phụng Tự Thánh đã công bố một sắc lênh, cho phép trong cả hai Giáo phận Bergamo và Brescia, cũng như Dòng Anh Em Giảng Thuyết được phép nguyện kinh thần vụ và cử hành thánh lễ tôn kính chân phước Guala vào ngày 3/09 hàng năm.

Trích từ Victor F. O’ Daniel, Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, tập I, Học viện Đa Minh, 2011 trang 82-93.

———-
Ghi chú:
1 Année Dominicaine, IX (September), 67 ff; Bzovius (Bzowski), Abraham, O.P., Annales Ecclesiastici, XIII, col. 305, 343, 344, 520; Mamachi, Thomas, O.P., Sagro Diario Domenicano, V,12 ff; Sigonio, Charles, Historiae Ecclesiasticae (De Regno Italiae, Book 17); Sponde, Henry de, Annales Ecclesiastici, Anno 1227.
2 Jordan of Saxony, quoted in Acta Sanctorum, XXXV (first volume for August), 551, No. 70; Theoderic of Apolda, quoted ibid., P.599, No.240.
3 Ibid. Sanctimoniae fama episcopalem evasit ad sedem anno 1229. In Insubria pro Gregorio IX Legatione functus est, interque Patavinos et Tervisinos foedus indixit dexteritate mirabili.
4 Ughelli, Ferdinand, Italia Sacra, IV, as in note 11.Brixiaeque Guelphis et Gibellinis ea pacis foedera scripsit, quibus deliniti, visi sunt in Posterum ab excidio patriae abstinuisse. Multum conatus est ut Fredericus II in gratiam Pontificis rediret.
5 Op.cit.,as above. “Ea autem sanctimoniae laude sibi creditam Ecclesiam administravit ut, tum vivens tum ex humanis exemptus, plurima a Deo relulerit ornamenta. Denique, vitae solitariae percupidus, Episcopatus munere se abdicavit, claustroque Sancti Sepulchri de Astino, ut divina commentaretur, se inclusit…”
6 Father Touron expressly places all that is stated in this paragraph at Brescia. Other authors place these occurrences in Bergamo, anh state that these religious ceremonies occurred in 1244. (Ed.note).
7 Scala coclo prominens
Fratri recelatur
Per quam Pater transiens
Sursum ferebatur
The translation of these verses in the text is taken from Devotions in Honor of St. Dominic, by Father Bertrand Wilberforce, O.P.(Ed. Note).

Comments are closed.

phone-icon