Giải đáp phụng vụ: Các vị đồng tế phải Rước cả Mình và Máu Thánh Chúa.

0

Giải đáp phụng vụ

CÁC VỊ ĐỒNG TẾ, PHẢI RƯỚC CẢ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA

OSSROM62831_ArticoloGiải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong một Thánh lễ đồng tế nhân một sự kiện Giáo Hội, Đức Giám Mục chủ tế và các linh mục đứng trên bục gần bàn thờ Rước lễ theo cách thông thường, tức Rước cả Mình và Máu Thánh Chúa, trong khi khoảng 20 linh mục đứng xa bục đã không Rước Máu Thánh Chúa. Thưa cha, đây có phải là một sự lạm dụng không? Tôi biết rõ rằng Chúa hiện diện đầy đủ dưới hai hình Bánh và Rượu, nhưng Chúa đã nói: “Hãy cầm lấy mà uống”. Trong Máu Thánh Chúa Kitô có một “dấu hiệu” hy tế của giao ước mới và vĩnh cửu, một “dấu hiệu” cánh chung. Các nguyên tắc và qui định của Sách Lễ Rôma không lường trước được bất kỳ ngoại lệ nào đối với luật chung này. – G. M., Ý

Đáp: Bạn đọc này của chúng tôi nói chính xác. Tất cả các vị đồng tế Thánh lễ buộc phải Rước lễ cả hai hình, và ngoại trừ trong một số trường hợp rất đặc biệt, đây là một lạm dụng nghiêm trọng nếu các vị không thể làm như vậy.

Khá gần đây, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã giải quyết vấn đề về Thánh lễ có đông vị đồng tế, và các nguyên tắc của nó có thể được áp dụng trong trường hợp này. Tài liệu mang tên “Hướng dẫn cho Thánh lễ có đông vị đồng tế” (Guidelines for large Concelebrations) ban hành ngày 13-6-2014, cho đến nay chỉ được công bố bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý trên trang mạng của Tòa Thánh Vatican. Tôi không thể tìm thấy một bản dịch tiếng Anh chính thức nào.

Đối với Thánh lễ có đông vị đồng tế, các nguyên tắc này nói rằng chúng được thiết kế để cung cấp cho các Giám mục một vài hỗ trợ, trong việc chuẩn bị các quy tắc tương tự cho giáo phận của mình. Tài liệu nói về như cầu cho sự chuẩn bị xa và gần cho các Thánh lễ có đông vị đồng tế, nhu cầu có thể để hoàn thành một cộng đồng cầu nguyện, bất chấp số đông người tham dự, tinh thần hoán cải ở nơi nào việc xưng tội có thể diễn ra, và một số chỉ dẫn cho việc sử dụng màn hình lớn khi cần thiết.

Về chủ đề vị trí của các vị đồng tế và việc các vị Rước lễ, hướng dẫn trên nêu ra một vài chỉ dẫn. Sau đây là bản dịch của riêng tôi và trong một số trường hợp là bản tóm ý chính.

“9. Nếu Thánh Lễ được chọn, vấn đề chấp nhận các linh mục đến đồng tế phải được bàn tới. Giá trị cao cả của Thánh lễ, đặc biệt khi Giám mục Giáo phận chủ trì với các linh mục và phó tế đứng chung quanh ngài, phải chú ý đến các vấn đề phát sinh liên quan đến việc diễn tả hữu hình của sự hiệp nhất giũa các linh mục, nhất là trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Thường thì số lượng cao của các vị đồng tế không cho phép tất cả họ đứng gần bàn thờ, làm cho họ đứng quá xa nên gây ra một sự lúng túng nào đó trong liên hệ với bàn thờ. Phù hợp với luật, Giám mục cần điều chỉnh kỷ luật đồng tế trong giáo phận của mình. Vì vậy, sau một đánh giá chu đáo, để không làm phương hại đến các dấu hiệu của việc đồng tế Thánh lễ, điều phù hợp nhất là điều chỉnh số lượng của các linh mục cho đúng khả năng chứa của khu vực bàn thờ hoặc khu vực tương đương. Một tiêu chuẩn là làm thế nào để chấp nhận một số đại diện đông các linh mục. Còn số các linh mục khác, xin đề nghị tổ chức cho họ tham gia lễ đồng tế tại nhà thờ hay nơi khác vào thời điểm thích hợp trong ngày.

“14. Nếu các vị và chức năng các vị không được phân biệt rõ ràng qua lễ phục của họ, thì dễ dàng có sự nhầm lẫn về vai trò của các vị. Vì vậy mỗi thừa tác viên có chức thánh phải mang lễ phục riêng của mình. Ngay cả khi có rất đông vị đồng tế, cần khuyến khích các vị mang áo lễ (chasuble), áo lễ màu trắng luôn là tốt nhất. Các thừa tác viên khác, với lễ phục của mình, tuân theo tập tục hợp pháp của địa phương.

“18. [. …] Nên chỉ có một bàn thờ. Do đó các bàn thờ khác hoặc các bàn khác, mà các vị đồng tế có thể đứng chung quanh chúng, cần được đem đi nơi khác – tương tự như vậy, cũng cần tránh sử dụng một cái bàn quá dài, mà số lượng đông linh mục có thể đứng chung quanh được, vì việc này cản trở giáo dân nhìn vào bàn thờ.

“19. [….] Các ghế dành cho các vị đồng tế được đặt trong cung thánh. Nếu Thánh lễ diễn ra ngoài trời, trong một hành lang lớn hoặc một quảng trường công cộng, cần giới hạn một khu vực, mà ở đó các linh mục có thể tụ tập với một sự hiệp nhất hữu hình rõ ràng….

“29. Điều quan trọng là phải tiên liệu việc Rước lễ của các vị đồng tế, vốn đòi hỏi sự chuẩn bị và chú ý cẩn thận. ‘Việc Rước lễ của các linh mục đồng tế nên tiến hành theo qui định trong sách phụng vụ, luôn sử dụng Bánh thánh được truyền phép trong cùng Thánh lễ ấy, và các vị đồng tế luôn Rước lễ cả Mình và Máu Thánh Chúa’ (Huấn thị Redemptionis Sacramentum, 98). Các vị đồng tế Rước lễ trước khi cho tín hữu Rước lễ.

“Nếu số lượng đông các vị đồng tế cản trở việc họ tiến đến bàn thờ, các vị có thể đến nơi đã qui định và Rước lễ với sự thanh thản và lòng đạo đức. Trong một nhà thờ lớn, các nơi đó có thể là bàn thờ cạnh, trong khi ở ngoài trời, nơi qui định nên thiết lập như thế nào để các vị đồng tế có thể nhận biết rõ ràng. Tại các nơi như thế, cần có một cái bàn lớn và chắc chắn. Trên bàn, có một hay nhiều khăn thánh, một chén thánh hay nhiều chén thánh, cùng với đĩa thánh đựng Bánh Thánh. Nếu điều này là quá khó, các vị đồng tế vẫn ở yên vị trí và Rước Mình và Máu Thánh Chúa, được chuyển tới bởi các phó tế hoặc vài vị đồng tế khác. Phải cẩn thận đối đa để tránh làm cho Mình Thánh hoặc Máu Thánh rơi xuống đất.

“Sau khi các vị đồng tế Rước lễ xong, điều quan trọng là bảo đảm rằng Máu Thánh phải được Rước hết, và các Bánh Thánh còn lại được đưa về nơi lưu giữ Thánh Thể”

Các trường hợp, mà trong đó vị đồng tế Rước lễ dưới một hình, là đặc biệt cho cá nhân vị đồng tế ấy, chứ không phải cho các vị đồng tế nói chung. Thí dụ, một số linh mục đã có phép Rước lễ như thế vì các vấn đề sức khỏe, như dị ứng hoặc nghiện rượu. Trong trường hợp này, họ thường yêu cầu tham gia đồng tế chứ không cử hành Thánh lễ một mình, bởi vì vị chủ tế phải luôn Rước lễ cả Mình và Máu Thánh Chúa, để cho dấu chỉ của hy tế được trọn vẹn. (Zenit.org 22-9-2015)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.

phone-icon