Linh đạo Người loan báo Tin Mừng

0

LINH ĐẠO NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG

José Rodriguez Carballo, OFM

Đây là bài phát biểu tại buổi hội thảo về tông huấn Evangelii gaudium, do Hội đồng Tòa thánh về việc loan báo Tin mừng cách mới mẻ tổ chức ngày 19-9-2014. Bài viết được chia làm ba phần chính:

1/ Mọi sự khởi đầu tại Giêrusalem, nhìn lại bản chất của Hội thánh là “được sai đi”.

2/ Những đòi hỏi của người loan báo Tin mừng hôm nay (những con người bạo dạn và sáng tạo; “đi ra”; tự do; tâm linh).

3/ Linh đạo của người loan báo Tin mừng.

Viết tắt. LBTM : loan báo Tin mừng (evangelizar, evangelizacion).

Nguồn: La espiritualidad del nuevo evangelizador.

http://www.novaevangelizatio.va/content/nvev/it/eventi/Incontro-evangelii-gaudium/relazioni-incontro-internazionale/s-e-r–mons–jose-rodriguez-carballo.html

6

Bối cảnh hiện tại của thế giới mà chúng ta đang sống đặt ra nhiều thách đố cho việc LBTM. Đứng trước những lực lượng yêu cầu chúng ta hãy im lặng và chặn lại tiếng của Thiên Chúa và Tin mừng dành cho nhân loại, những lời của thánh Tông đồ Phaolô vang lên mạnh mẽ trong tâm hồn chúng ta: “Lòng yêu mến Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14; x. Pl 3, 12-16), và “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng!”(1Cr 9, 16); cũng như những lời của Chúa Giêsu với các môn đệ chất vấn chúng ta “Hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13). Cũng như Đức Giêsu là khuôn mẫu tiên khởi của mọi công cuộc LBTM, chúng ta là những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin vào Đức Giêsu cũng cảm thấy được mời gọi hãy hiến thân mình  (xc. 1Pr 2, 21) ngõ hầu những người được sống và cảm thấy lãnh được hồng ân Tin mừng (xc. Lc 4, 18tt).

Thượng-hội-đồng giám mục họp về “Việc loan báo Tin mừng cách mới mẻ trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh” đã nói rõ rằng không thể tách rời giữa loan báo và làm chứng. Người LBTM, vì biết rằng nhân vật chính của công cuộc LBTM là Chúa Thánh Linh, cho nên không thể nào không cảm thấy rằng mình được kêu gọi phải tăng trưởng trong Thánh Linh, tăng trưởng trong Tin mừng, phải trở nên một con người tâm linh, một con người có một linh đạo chân chính. Nếu thiếu linh đạo thì người LBTM.

Trong bài này tôi muốn mô tả vài nét về linh đạo của người LBTM dựa theo tông huấn Evangelii gaudium.

1. Mọi sự khởi đầu tại Giêrusalem

A) Thánh linh, vị chủ động cuộc LBTM cách mới mẻ

Để khởi đầu, tôi xin đọc lại một đoạn văn của Thượng hội đồng về việc LBTM cách mới mẻ. Trong Sứ điệp kết thúc, các giám mục khẳng định rằng: “Chủ động của việc LBTM cũng như việc hoán cải không phải là chúng ta, những con người nghèo hèn tội lỗi, nhưng là Thánh Linh”. Những lời này nhắc lại những gì mà đức Phaolô VI đã viết trước đây và vẫn còn giá trị:  “Những kỹ thuật của việc LBTM, dù hoàn bị đến đâu, cũng không thể thay thể hoạt động trực tiếp của Thánh Linh […] Không có Ngài, những dự án tinh vi dựa trên xã hội học hoặc tâm lý học, đều là rỗng tuếch và vô giá trị  […] Có thể nói được rằng Thánh Linh là tác nhân chính yếu của việc LBTM: chính Ngài thôi thúc chúng ta đi loan báo Tin mừng; chính Ngài từ trong thâm tâm mỗi người giúp họ đón nhận và hiểu biết lời cứu độ […] Nhưng cũng có thể nói được rằng Ngài là cứu cánh của việc LBTM, nhân loại mới mà việc LBTM Tin mừng nhắm đến  […] Nhờ Ngài mà Tin mừng thâm nhập vào con tim của thế giới……[1].

Thánh Linh là thần khí của Chúa Cha, thần khí của Đức Giêsu, chủ động công cuộc LBTM. Sách Tông đồ công vụ cho thấy rằng trước khi Thánh Linh đến thì Hội thánh khép kín, loay hoay với chính mình, các môn đệ sợ hãi, “đóng chặt cửa” vì sợ một thế giới thù địch  (xc. Ga 20, 19),  không có khả năng chu toàn sứ mạng mà Chúa Giêsu đã uỷ thác trước khi về trời: ra đi khắp thế giới và công bố Tin mừng cho hết các thụ tạo  (xc. Mc 16, 15)[2]. Ngược lại, sau khi Thánh Linh đã đến, chúng ta chứng kiến một Hội thánh mở cửa, một Hội thánh “đi ra”, can đảm loan bao Tin Vui  (xc. Cv 2, 22. 40; 3, 11tt; 4, 1tt)[3]. Sự sợ hãi nhường chỗ cho sự bạo dạn  (xc. Cv 2, 1tt), và các cánh cửa bật ra để cho Chúa Giêsu đi ra và được đón nhận bởi những người ở gần và những người ở xa  (xc. Ep 2, 17).

B) Một Hội thánh được sai đi, một Hội thánh đi ra

Cũng như Đức Giêsu được Thánh Linh  thánh hiến và phái đi “mang tin vui mừng cho người nghèo” (Lc 4, 18; Is 61, 1), thì các môn đệ, khi đã đến “ngày lễ Ngũ Tuần” (xc. Cv 2, 1), “tất cả được đầy tràn Thánh Linh” và bắt đầu rao giảng, “tuỳ theo khả năng mà Thánh Linh ban cho họ” (Cv 2, 4). Lễ Ngũ Tuần là sinh nhật của Hội thánh được sai đi, Hội thánh của các ngôn sứ, để hoàn tất lời hứa của Chúa: “Vào những ngày ấy, Ta sẽ đổ thần khí của Ta xuống trên mọi xác phàm – kể cả các tôi tớ nam nữ của các người – và con trai con gái các người sẽ thành ngôn sứ và các bô lão sẽ thấy thị kiến” (Ge 3, 1-2; Cv 2, 15ss).

Hội thánh sinh ra vào lễ Ngũ tuần […] khôngan thân thủ phận. Không, Hội thánh không thể chịu bó tay. Hội thánh không muốn trở thành đồ trang trí. Đó là một Hội thánh không ngần ngại đi ra để gặp gỡ dân chúng, để loan báo sứ điệp đã được uỷ thác, cho dù sứ điệp ấy quấy rối hoặc gây xao động cho lương tâm, cho dù sứ điệp ấy có lẽ gây ra vấn đề, vàđôi khi đưa đến việc tử đạo[4]. Hội Thánh sinh vào lễ Ngũ tuần mang trong mình cái gen lữ hành, bởi vì được kêu gọi ra đi và đồng hành những con người thuộc mọi nơi mọi thời và mọi nền văn hóa. Đức thánh cha Phanxicô luôn luôn nhắc nhở chúng ta điều đó. Đặc điểm của Hội thánh không phải là trầm trồ nhìn ngắm chính mình, nhưng là được sai đi: “Các con hãy ra đi khắp thế giới và công bố Tin mừng cho tất cả mọi thụ tạo” (Mc 16, 16). “Trong động từ ‘hãy ra đi’ của Chúa Giêsu được gói ghém tất cả những biến động và những thách đố luôn luôn mới mẻ của Hội thánh, và tất cả chúng ta được mời gọi vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này […] tất cả chúng ta được mời gọi đón nhận tiếng gọi ấy: đi ra khỏi cảnh sống tiện nghi của mình và đến những vùng ngoại ô đang cần ánh sáng Tin mừng [5]. Hội thánh mang tính truyền giáo ngay tự bản chất, “hiện hữu để LBTM”, “hiện hữu và được sai đi kéo dài công trình LBTM  của Đức Kitô ra  thời gian và không gian”, “lý do hiện hữu của Hội thánh là LBTM”, hay như đức Phaolô VI đã nói, việc LBTM là  “hồng ân và ơn gọi riêng của Hội thánh, căn tính sâu xa của Hội thánh”[6].

Ngày nay chúng ta gặp thấy những biến động và những thách đố mới cho việc “đi ra” mà Hội thánh cần đón nhận với nghị lực mới mẻ, phương pháp mới mẻ, những cách diễn tả mới mẻ[7]. Ngày nay cũng như trong quá khứ, các Kitô hữu, cách riêng những người đã nhận được ơn gọi đặc biệt vào công cuộc LBTM, được mời gọi hãy ra khỏi cảnh sống tiện nghi của mình để đi về những vùng ngoại ô đang cần ánh sáng Tin mừng. “Trung thành với khuôn mẫu của Thầy mình, ngày nay Hội thánh cần đi ra để loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người, khắp mọi nơi, ở mọi hoàn cảnh, không do dự, không chần chừ, không sợ hãi [8]. Những lời của tông huấn  Evangelii gaudium được chính đức thánh cha Phanxicô chú giải như sau: “Nếu Hội thánh sống động thì tất nhiên phải gây ngỡ ngàng. Đặc trưng của Hội thánh sống động là gây ngỡ ngàng. Một Hội thánh không còn khả năng gây ngỡ ngàng là một Hội thánh yếu ớt, bệnh tật, hấp hối, cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức[9].

2. Người LBTM phải làm gì?

A) Những người LBTM là những con người bạo dạn và sáng tạo

Đức thánh cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu hãy bạo dạn và sáng tạo. Người viết trong tông huấn Evangelii gaudium: “Mục vụ mang tính truyền giáo cần phải từ bỏ tiêu chuẩn tiện lợi là ‘xưa nay người ta vẫn làm như thế’. Tôi kêu mời mọi người hãy bạo dạn và sáng tạo, dám nghĩ đến những mục tiêu, những cơ cấu, những kiểu cách và phương pháp truyền giáo cho các cộng đoàn của mình [10]. Tôi nghĩ rằng lời mời gọi hướng đến “mọi người” trước tiên nhắm đến tất cả những người LBTM. Chúng ta đang ở vào thời kỳ LBTM cách mới mẻ. Công việc này không thể nào tiến hành theo những đường lối cũ kỹ, không còn đáp ứng với đòi hỏi của thế giới hiện nay, không thể dùng những ngôn ngữ cổ truyền mà người thời nay không hiểu. Cũng không thể nào chỉ tố giác những điều tệ hại  của xã hội chúng ta. Đức thánh cha nói: “giấc mơ của người môn đệ [người LBTM] không phải là tăng thêm những thù địch, nhưng là làm sao để cho Lời Chúa được đón nhận và bộc lộ sức mạnh giải thoát và đổi mới của mình[11].

Vì thế cần cảnh giác, đừng phân tích thời cuộc chỉ bằng “con mắt phê bình tiêu cực” và tố giác. Đức thánh cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta hãy tránh tật “chẩn bệnh quá đáng” hoặc “lối nhìn thuần tuý xã hội học”[12]. Điều này gây ra thái độ kháng cự, khiến cho công cuộc LBTM không hữu hiệu. Người LBTM được mời gọi hãy khám phá những phương pháp khác mà Thánh Linh gợi lên đây đó: phương pháp kính trọng chứ không khinh bỉ, phương pháp tin tưởng vào sức mạnh của hạt lúa hơn là sức mạnh của cỏ lòng, phương pháp tin tưởng rằng nước có thể trở thành rượu. Tuy không quá ngây ngô, nhưng người LBTM đứng về phía điều tốt, tin tưởng rằng ở đâu sự dữ lan tràn thì ở đấy ân sủng còn dạt dào hơn (x. Rm 5, 20). Điều này đòi hỏi một cái nhìn mới[13]: “cái nhìn của Đức Giêsu mở rộng tầm hướng đến hết mọi người cách âu yếm và say mê [14]; “cái nhìn của vị Mục tử nhân lành, không tìm cách phê phán nhưng là yêu thương”[15]; “cái nhìn của người môn đệ.. được nuôi dưỡng nhờ ánh sáng và sức mạnh của Thánh Linh[16]; “cái nhìn gần gũi để nhìn ngắm, xúc động và dừng lại với tha nhân bao nhiêu lần mà ta thấy cần thiết[17]; “cái nhìn linh thiêng, với đức tin sâu đậm, để nhìn nhận điều Thiên Chúa thực hiện[18]. Chính cái nhìn khác biệt ấy, “cái nhìn kính trọng và cảm thông nhưng đồng thời chữa lành, giải thoát, giúp cho sự trưởng thành[19], đó là cái nhìn giúp cho người LBTM được bạo dạn và sáng tạo, luôn tìm những con đường mới mẻ để Tin mừng là Chúa Kitô có thể đi đến tất cả mọi người[20].

B) Những người LBTM: những con người “đi ra”

Đang khi động lực Tin mừng mang đặc tính “ra đi” thì thực trạng của chúng ta lại mang đặc tính “trở về”. Chúng ta sợ “đi ra”, và thích cái gì an toàn, quen thuộc, xưa nay vẫn thế. Nhiều lần, chúng ta đi tìm những lý do tinh vi để khỏi “đi ra”, để khỏi đi ra những vùng ngoại biên,  và để ở lại những trung tâm yên ổn hơn. Tiện nghi và ù lì là hai lực lượng cầm hãm chúng ta lại[21].

Ngược lại, Đức thánh cha Phanxicô không ngừng kêu gọi chúng ta hãy “đi ra”. Người trưng mẫu gương của ông Abraham, Mosê, Giêrêmia[22], và thậm chí của Đức Giêsu, Đấng mà “Thánh Linh đẩy đi sang các làng mạc khác”[23]. Người còn nói thêm rằng: “việc đi ra truyền giáo phải là mô hình cho tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội”, và “và cần phải chuyển hướng từ một thứ mục vụ bảo tồn sang một thứ mục vụ sai đi”[24], “cần phải đặt Giáo Hội vào trong phong trào đi ra, tập trung vào Đức Giêsu Kitô, phục vụ người nghèo”[25]. Phong trào “đi ra” chi phối tất cả mọi người, theo ơn gọi riêng của mình[26], và cần thay đổi kể cả các cơ cấu[27]; đặc biệt những nhà LBTMở hàng tiền đạo có bổn phận “lay động và đẩy mạnh Giáo hội hãy bạo dạn đi ra”[28].

Chiều theo cơn cám dỗ dừng chân lại là rơi vào tình trạng “đầu óc thế gian” và “chết ngạt”. Người LBTM, nếu muốn là “mới mẻ” thì cần phải “thích được hít bầu không khí trong lành của Thánh Linh”. Duy chỉ mình Ngài mới có thể giải thoát con người khỏi cảnh tập trung vào bản thân, và đưa ra hít làn khí trong lành của Thánh Linh”. Duy chỉ mình Ngài mới có thể giải thoát chúng ta khỏi cái ngã và đưa chúng ta đến những điểm ở hàng tiền tuyến nguy hiểmcủa việc truyền giáo[29].

Tuy nhiên “đi ra” và lên đường mà thôi thì chưa đủ. Ta có thể “chạy vào một thế giới không có hướng đi”[30]. Đó không phải là thứ “đi ra” mà Thánh Linh đòi hỏi. Cần phải “đi ra” trong thái độ “chia sẻ thân mật” cuộc lữ hành với Chúa Giêsu[31]; điều này giả thiết là cùng đi với Người, để cho Người đồng hành[32]. Chỉ có Chúa Giêsu mới ban sức mạnh đi đường. Khi người loan báo Tin mừng cảm thấy cơn cám dỗ muốn xin được “chết cho xong chuyện” hoặc chỉ muốn dừng chân dưới cây kim tước để nghỉ mệt, thì chính Chúa sẽ nói với họ như với ông Elia: “Hãy đứng dậy và ăn, bởi vì con đường còn dại” (1V 19,7).

Chính Chúa Giêsu, qua Thánh Linh của Người, thúc đẩy chúng ta “đi ra khỏi các tiện nghi và dám đến các vùng ngoại ô đang cần ánh sáng Tin mừng”[33]. Điều này đã được tông huấn Vita consecrata khẳng định: “Càng sống cho Đức Kitô, ta càng có thể phục vụ người khác, dám đi đến những tiền đồn truyền giáo và chấp nhận những rủi ro hiểm nghèo[34]. Ai đã được Đức Kitô quyến rũ thì không thể nào không bị quyến rũ bởi những “tu viện” bị lãng quên, những “tu viện” phi nhân nơi mà vẻ đẹp và phẩm giá của con người không ngừng bị xâm phạm, Ai đã để cho Đức Kitô đi vào cuộc đời thì không thể nào không “mở rộng túp lều”(x. Is 54, 2) để chấp nhận cho mình những niềm vui và nỗi buồn của những người nghèo khổ nhất.

C) Những người LBTM: những con người tự do, sống không có tư hữu

Trên đây chúng ta đã nhắc đến tiện nghi, ù lì, cũng như  đầu óc thế gian là những lực lượng làm ngăn cản người LBTM “đi ra”, lên đường, bởi vì những điều ấy ngăn cản họ trao ban, chia sẻ hồng ân Tin mừng.

Tiện nghi khiến cho họ chỉ nghĩ đến mình, thiếu nhạy cảm đối với những kế hoạch mới của việc LBTM, không bận tâm đến những vùng ngoại ô: nơi mà Giáo hội chưa hiện diện, nơi mà ngôn ngữ về Thiên Chúa từ từ biến mất, nơi các văn hoá vô thần, dửng dưng; nơi cần phải mang đến lòng trắc ẩn, sự an ủi và niềm hy vọng; nơi đang phấn đấu với cái chết, bệnh tật, đau khổ; nơi của những quyết định chính trị quan trọng; các trung tâm tạo ra văn hóa, nơi chà đạp những quyền lợi con người, chà đạp mang sống…

Ù lì (Acedia) là một vi trùng phát sinh “chứng bệnh bất mãn kinh niên làm cho linh hồn khô héo” [35], đồng nghĩa với ích kỷ[36], bại liệt[37], gây ra một thứ mệt mỏi căng thẳng nặng nề[38]; nó là kết quả của việc không biết chờ đợi, và mong muốn thành quả trước mắt, không chấp nhận thất bại, phê bình, thập giá[39]. Acedia khoác lên con người LBTM tật bi quan, chỉ trích, ù lì[40]. Họ tìm kiếm lợi lộc, cảm thấy thoải mái ở nơi nào không bị mất mát gì; họ không “đi ra” như người lữ hành, nhưng là chạy lông bông, tìm cách giết thời giờ qua những món giải trí nhất thời, để giải khuây sự bực bội với chính mình và với tha nhân…

Đầu óc thế gian (mundanidad), theo lời của Đức thánh cha, nằm ở chỗ “thay vì đi tìm vinh danh Thiên Chúa, thì lại đi tìm danh dự thế gian, tiện ích cá nhân, chăm sóc vẻ bên ngoài”[41]. Tính thế gian là một cảnh suy đồi  dưới danh nghĩa của sự tốt lành[42]. Đây là một sự dữ mà Giáo hội cần được giải thoát[43], bởi vì nó ngăn cản sống theo lý luận của Tin mừng, lý luận của trao ban và cho không. Giải thoát khỏi tính thế gian cũng đòi hỏi giải thoát khỏi ngẫu tượng tiền bạc[44], giải thoát khỏi “đồng tiền thống trị hay vì phục vụ”[45].

Người LBTM không thể nào lên đường “đi ra”, với con tim đầy ắp những điều không cần thiết (tiện nghi), với con tim trống rỗng (acedia), đi tìm những điều khác ngoại trừ vinh danh Thiên Chúa (tính thế gian). Người LBTM phải là con người tự do khỏi những xiềng xích trói buộc ấy, một con người sống “không tư hữu”, chỉ sống cho Thiên Chúa và cho Tin mừng; một con người cảm thấy cần liên lỉ “hoán cải bản thân” và không ngừng “hoán cải mục vụ”, nghĩa là liên lỉ đi tìm những phương pháp mới, những hình thức mới, cũng như thay đổi những cơ cấu cho chúng trở thành “phương tiện của việc LBTM cho thế giới hôm nay, chứ không phải là phương tiện để tự bảo tồn”[46].

Chỉ khi nào đã lột bỏ được ba cái xiềng xích ấy, người LBTM mới có thể lớn lên trong Tin mừng và trong Thánh Linh[47], và công việc của mình mới ngấm “dầu Tin mừng”[48]và trở thành sứ giả loan báo những tin lành (xc.  Is 40; 52; 61).

D) Người LBTM: con người của Thánh Linh, con người của tâm linh                     

Chúng ta hãy trở lại thời nguyên thuỷ của Hội thánh. Chính Thánh Linh nhắc nhở  các môn đệ những lời của Chúa Giêsu (xc. Ga14, 16)[49]; Thánh Linh dẫn dắt họ đến “chân lý vẹn toàn” (xc. Ga 16, 13); Ngài dạy dỗ họ  (xc. Ga 16, 14-15) và giúp họ hiểu biết những lời của Thầy; Thánh Linh làm chứng về Đức Giêsu và thúc giục các môn đệ cũng làm chứng cho Người (xc. Ga 15, 26-27), và nói về Thiên Chúa cho loài người. Thánh Linh, theo như danh hiệu tiếng Hy lạpParakletos, là Đấng giúp đỡ và chuyển cầu cho các môn đệ. Họ sẽ không mồ côi (xc. Ga 14, 18). Thánh Linh luôn luôn ở lại với các môn đệ, cư ngụ trong họ, hiện diện trong họ  (xc. Ga 14, 16- 17).

Điều được nói về các môn đệ thì cũng được áp dụng cho Giáo Hội. Như công đồng Vaticanô II đã viết, Thánh Linh “cư ngụ nơi các tín hữu, đổ tràn đầy và điều động Giáo Hội” và biến  các tín hữu thành những người có khả năng thực thi các tác vụ, “nhằm xây dựng Thân Thể Đức Kitô” (Ep 4, 12)[50].

Như thế, người LBTMcách mới mẻ là kẻ để cho ngọn gió Thánh Linh thấm nhập, cởi mở không chút dè dặt cho Ngài hoạt động, để cho Ngài thúc đẩy, và để cho Ngài soi sáng cho biết phải nói gì. Người LBTM cách mới mẻ là kẻ ngoan ngoãn với Thánh Linh[51], tiếp tay với động tác của Thánh Linh và với Ngọn Gió thúc đẩy đến những miền chưa nghĩ tới, để LBTM ở đó. Người LBTM cách mới mẻ là kẻ nhận thức tiếng gọi phải tăng trưởng không ngừng trong thái độ ngoan ngoãn với Thánh Linh, nghĩa là luôn sống trong thái độ lắng nghe, cầu nguyện, chú ý đến điều mà Thánh Linh thúc đẩy.

Như đã nói trên đây, vào lễ Ngũ tuần, Thánh Linh thúc đẩy các tông đồ ra khỏi chính mình, biến đổi họ thành những người loan báo những công trình mà Chúa đã thực hiện. Lễ Ngũ tuần đánh dấu khởi điểm của cuộc loan báo Tin mừng cách vĩ đại, nhờ gió thổi của Thánh Linh. Ngài ban sức mạnh cần thiết để loan báo sự mới mẻ của Tin mừng cách bạo dạn  (parresía), lớn tiếng, khắp mọi nơi mọi thời, cho người Do thái và cho dân ngoại. Nếu không có Thánh Linh, thì sự chuẩn bị dù tinh vi mấy đi nữa về phía người loan báo cũng chẳng đạt được thành quả gì. Duy chỉ Thánh Linh mới gợi lên nơi người loan báo lòng say mê để loan báo “cho không” điều mà họ đã nhận lãnh “cho không” (Mt 10,8): Tin mừng. Duy chỉ Thánh Linh mới có thể mang lại động lực, sức sống và ý nghĩa cho công cuộc LBTM, và làm cho nó thật sự mới mẻ. Duy chỉ Thánh Linh mới có thể gây nên những con người mới mẻ để có thể LBTM cách mới mẻ.

Do đó, người LBTM phải là một con người tâm linh. Nói rằng người LBTM là con người tâm linh có nghĩa là người ấy được Thánh Linh cư ngụ. Trong cuộc LBTM cách mới mẻ, những dự án huyền bí không có ích gì nếu thiếu sự dấn thấn xã hội và truyền giáo; những diễn văn và kế hoạch mục vụ không có ích gì nếu thiếu một linh đạo làm thay đổi con tim, bắt đầu từ con tim của người LBTM. Vì thế người LBTM cần vun trồng một không gian nội tâm, ngõ hầu sự dấn thân và các hoạt động mang tính cách Kitô giáo. Người Kitô hữu, và hơn thế nữa, người LBTM, không được để đánh mất Thánh Linh. Giáo Hội và công cuộc LBTM đang trải qua một thời kỳ cam go trong lịch sử. Thánh Linh là luồng gió, là sinh khí,đối diện với cảm giác khô khan cằn cỗi mà người LBTM  thường gặp phải.

3. Linh đạo của người LBTM

Đã đến lúc tự hỏi: đâu là những nét chính của linh đạo người LBTM? Sau đây là vài nét mà tôi nghĩ rằng không thể nào thiếu trong linh đạo người LBTM: một linh đạo nhất quán, một linh đạo năng động, một linh đạo hiện diện.

1.- Một linh đạo có nền tảng vững chắc

Linh đạo của người LBTM cần được đặt nền tảng vững chắc, dựa trên Đức Kitô, dựa trên Lời Chúa, dựa trên phụng vụ.

Dựa trên Đức Kitô: Người là đường, sự thật và sự sống  (Ga 14, 6), viên đá tảng[52]cho tất cả mọi người, cách riêng đối với người LBTM. Nếu Chúa Con xuất hiện giữa  chúng ta như là kẻ “Thuật chuyện” Thiên Chúa  (xc. Ga 1, 18), hoặc theo lối nói của thánh Irênêo như là “kẻ  mặc khải Thiên Chúa”[53], thì người LBTM cũng cần xuất hiện trước mặt thế giới như là kẻ “thuật chuyện” Chúa Con, như là hình ảnh của kẻ được Chúa Cha sai đến để thực thi ý định của Ngài (xc. Ga 5, 36-38; 6, 38-40; 7, 16-18). Để được như vậy, người LBTM cần được Đức Kitô “nâng cấp” giống như thánh Phaolô (Ep 3, 12); được đồng hóa với Người đến độ có thể nói như vị Tông đồ của chư dân: “Không còn là tôi sống nữa, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20); để cho Người lôi kéo vào sứ vụ: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng!” (1Cr 9, 16). Điều đầu tiên đòi hỏi nơi người LBTM là lên đường về Đamascôđể gặp gỡ Đức Kitô (xc. Cv 9, 1ss).  Nếu thiếu cuộc gặp gỡ này, sự rao giảng chỉ là tuyên truyền chứ không phải là làm chứng. Làm một ông thầy ở Israel như ông Nicôđêmô thì chưa đủ, cần phải “tái sinh”  nữa (xc Ga 3, 1tt) nhờ một cuộc gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô. Nếu thiếu cuộc gặp gỡ này, Tin mừng biến thành một học thuyết hoặc một lược đồ thần học không có sức sống. Sống ngay chính phù hợp với luật lệ thì chưa đủ, cần phải cảm nghiệm ơn cứu độ cùng với Đức Kitô phục sinh nữa, ngõ hầu khi đối chiếu với sự hiểu biết cao siêu này, tất cả mọi các khác đều chỉ là rác rưởi  (xc. Pl 3, 7-8). Ai đã gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô thì không thể nào không nói lên điều mà mình đã thấy và đã nghe (xc. 1Ga 1, 1-3).

Dựa trên Lời Chúa. Lời Chúa phải là “sự sống và chuẩn mực” cho người LBTM[54]. Trước khi hiến thân cho tác vụ loan báo Tin mừng, người loan báo hãy để cho Tin mừng hoán cải mình, nhào nặn mình, để cuộc đời của mình có thể trở thành lời chú giải sống động của Tin mừng. Được kêu gọi mang Tin mừng của Đức Kitô vào thế giới, người loan báo cần phải là kẻ chú ý lắng nghe Lời Chúa, lấy việc đọc Lời Chúa làm nền tảng cho linh đạo và cho tác vụ của mình[55], ngõ hầu trái tim của mình, dưới sự soi sáng của Thánh Linh, được biến đổi hoạ theo trái tim Đức Kitô (xc. Pl 2, 5). Việc suy niệm Kinh thánh là con đường ưu tiên để hiểu biết Chúa, vì vậy người loan báo Tin mừng hãy lấy lời của ông Origène làm phương châm: “Hãy chăm chú nghiền ngẫm Kinh thánh, hãy kiên trì với việc này…”[56]. Việc học hỏi Kinh thánh phải diễn ra trong sự hiệp thông với Hội thánh, bởi vì Hội thánh là “nhà ở” của Lời Chúa[57]; nhờ vậy sẽ tránh được một thứ tương quan riêng rẽ với Lời[58].  Thánh Linh cũng như Lời Chúa đưa người LBTM đến với Chúa Kitô. Vì thế, người LBTM hãy năng qua lại lui tớivới Lời, theo gương Hội thánh nguyên khởi  (xc. Cv 2, 42). Việc tiếp xúc này sẽ dẫn người LBTM đến cuộc đối thoại với Chúa, và luyện tập để biết cách nói về Chúa[59].

Dựa trên phụng vụ. Lời Chúa, được lắng nghe và cử hành với đức tin, cách riêng trong việc cử hành Thánh Lễ và Phụng vụ Giờ kinh, làm biến đổi con người cử hành. Mặt khác, theo nhà thần học chính thống Alexander Schmemann (1921-1983), mục đích của phụng vụ là “xây dựng Giáo hội thành một Thân Thể với Chúa Kitô là đầu, và phụng sự Thiên Chúa với một tấm lòng và một môi miệng…”[60]. Nếu phụng vụ được cử hành cách sốt sắng và chìm sâu trong chiêm niệm, chứ không chỉ dừng lại ở các nghi thức hoặc luật lệ, thì nó sẽ giúp tăng trưởng liên lỉ trong đời sống thần linh, trong các giá trị của Nước Chúa, trong đời sống nhân đức, và đồng thời, sẽ mang lại sức mạnh phi thường cho việc LBTM. Trong phụng vụ, “công trình cứu độ được hoàn thành”[61].  Công đồng Vaticanô II đã nói chí lý rằng: “Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội thánh phải quy về, và đồng thời, là nguồn mạch từ đó trào ra mọi sức lực của Hội thánh”[62]. Người LBTM không thể thờ ơ với việc chuẩn bị và tham gia tích cực các buổi cử hành phụng vụ, theo như công đồng đã yêu câu tất cả mọi tín hữu, bởi vì đó là điều mà bản chất của phụng vụ đòi hỏi[63], đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể.

2.- Một linh đạo toàn diện[64]

Linh đạo người LBTM không thể nào chỉ thu hẹp vào một hoặc hai lãnh vực của cuộc sống con người, chẳng hạn như chỉ lo đến phần linh hồn mà thôi. Trong linh đạo của người LBTM, cần phải hoà hợp tất cả những yếu tố cấu thành nên con người: thân xác, linh hồn, tâm trạng, cảm xúc, khung cảnh xã hội … Được cắm rễ trong đức tin, trong sự hiện diện của Thiên Chúa nơi vạn vật, linh đạo toàn diện đối lại với thuyết nhị nguyên đã thống trị linh đạo Kitô giáo bên Tây phương suốt nhiều thế kỷ, do ảnh hưởng của triết thuyết Platon, lạc thuyết Manikê. Não trạng nhị nguyên thiên về phân rẽ các yếu tố đối chọi với nhau, bất khả dung hợp. Còn linh đạo toàn diện nhấn mạnh đến sự bổ túc, hòa hợp. Cách riêng, linh đạo toàn diện chống lại việc tạo ra một hố ngăn cách giữa cái thiêng và cái phàm, giữa “đời này” và “đời sau”, giữa “thiêng liêng” và “vật chất”[65]. Người LBTM hãy thận trọng tránh mọi hình thức lưỡng phân (dicotomia), nhị nguyên (dualismo); đối lại, phải cổ võ một thứ linh đạo toàn diện, trong đó các yếu tố đồng quy hài hoà với nhau.

Một linh đạo toàn diện tìm cách hoà hợp logos (suy tư lý luận) với pathos (trắc ẩn, yêu thương, chăm sóc). Nhờ vậy, cảm xúc (cùng với những gì đi kèm như là tình cảm, rung động của thân thể …) đều có chỗ đứng trong việc biểu lộ cái thần thiêng và cái nhân bản. Nói cho cùng, linh đạo của người LBTM cần mang “lý lẽ con tim”, duy trì sự hài hoà tốt đẹp giữa lý trí với con tim, các cảm xúc, các giá trị và ý nghĩa cuộc đời[66]. Linh đạo toàn diện có thể được diễn tả qua những điểm như sau:

a) Một linh đạo thống nhất: con cái của trời và con cái của đất

Khỏi nói ai cũng biết (ít là trên lý thuyết), người LBTM cần phải luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa và kết hợp với Ngài. Tuy nhiên, không nên để cho mình rơi vào những thái độ nhị nguyên, phân mảnh, thu hẹp. Người LBTM hãy nhìn lên mẫu gương của Đức Giêsu: Người không ngừng ngước mắt hướng về Chúa Cha (xc. Ga 1,18), và đồng thời, dấn thân cho Nước Trời. Ngày nay, người LBTM cũng như thế: một người được kêu gọi hãy ở lại với Đức Kitô mọi giây mọi phút, và đồng thời, được sai đi rao giảng Triều đại Thiên Chúa và sự công chính của Ngài (xc. Mc 3, 14). Trong tiếng gọi có sự sai đi và trong sự sai đi có tiếng gọi. Không có ơn gọi nào mà không kèm theo một sứ vụ; không có sứ vụ nào mà không bắt nguồn từ ơn gọi. Người LBTM cách mới mẻ là kẻ được mời gọi kết hợp với Đức Kitô, Đấng “đi đâu là giáng phúc thi ân làm việc lành ở đó”, và đồng thời sống giữa nhân loại và hiến thân mình cho họ, giống như Đức Giêsu đã “hiến mạng để chuộc lấy muôn người” (Mt 20, 28). Như đức thánh cha Phanxicô đã viết: “Người LBTM với Thánh Linh có nghĩa là những người cầu nguyện và làm việc. Nhìn dưới khía cạnh LBTM thì những dự án huyền bí mà thiếu sự dấn thân xã hội và truyền giáo thì chẳng có ích gì, và những diễn văn và hoạt động xã hội và mục vụ mà thiếu linh đạo thì cũng chẳng có ích gì [67].

Đối với linh đạo của người LBTM, điều này có nghĩa là trần thế không những không làm ngăn cản ta gặp gỡ Chúa, mà còn là con đường bình thường nơi đó Thiên Chúa tỏ mình ra, vừa hiện diện vừa vắng mặt. Trần thế không còn là tiêu cực nữa, nhưng trở thành nơi mà Chúa mặc khải tình yêu: “Thiên Chúa đã quá thương yêu trần thế đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài cho họ” (Ga 3, 16). Trần thế là “ngọn núi cao”, nơi mà Thiên Chúa bày tỏ dung nhan đích thực của Ngài  (xc. Mc 9, 2tt),  “bờ hồ” nơi mà Chúa chờ đợi ta (xc. Ga 21, 9-12). Không thể nào mường tượng được mọt người LBTM mà không “đi ra” đến những biên cương cuộc sống của biết bao con người thời nay (xc. Mt 9, 37tt), nhưng luôn luôn với một sự sống được xây dựng trên cá vị Đức Kitô. Đó là một linh đạo nhập thể, tìm cách gặp gỡ Thiên Chúa trong thế giới  của mỗi ngày, trong kinh nghiệm thông thường. Nói cho cùng, nguời ấy là một nhà chiêm niệm trong hoạt động, và hoạt động trong chiêm niệm.

Người LBTM được mời gọi hãy chiêm niệm với tinh thần trách nhiệm: một thứ chiêm niệm cho phép tham gia vào hy vọng và đấu tranh giải phóng và công lý cho người nghèo. Linh đạo của người LBTM không thể nào là một thứ “trốn tránh”, một linh đạo “trí thức” và đơn độc, bên ngoài lịch sử và những khổ đau của nhân loại. Linh đạo của người LBTM, bởi vì là linh đạo thống nhất, cần phải giúp mình nhận ra dung nhan người “Đầy tớ đau khổ” ở nơi những người nghèo, gặp gỡ Thiên Chúa “trở nền người nghèo và tôi tớ”, gặp gỡ vị Thầy “nuôi dưỡng những người nghèo khổ và túng cực”.

Trong Tin mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta sự hợp nhất mà người LBTM cần sống trong linh đạo giữa Thiên Chúa, cộng đoàn của chúng ta và thế giới[68]:  “Xin cho tất cả được hợp nhất. Cũng như Cha ở trong con và con ở trong Cha thế nào, thì cũng xin cho họ được hợp nhất trong chúng ta ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai con. Vinh quang mà Cha đã ban cho con, thì con đã ban cho họ để cho họ được hợp nhất với nhau, cũng như Cha với con hợp nhất. Như thế con sẽ ở trong họ, và Cha ở trong con, và họ sẽ đạt đến sự hoàn hảo trong sự hợp nhất ấy. Lúc ấy thế giansẽ nhận biết rằng Cha đã sai con, và con đã yêu mến họ cũng như Cha đã yêu mến con”(Ga 17, 21- 23).

Sự thông dự vào vinh quang và vào đới sống của Tam Vị sẽ khiến cho người LBTM trở nên kẻ tiếp nối Đức Giêsu là Đấng được Cha sai đến và trở nên chứng nhân của tình yêu của Chúa Cha được mặc khải nơi Đức Giêsu, với sức mạnh của Thánh Linh, để mang sự sống cho thế gian. Kinh nghiệm về sự chiêm niệm chất chứa hoạt động sẽ làm cho người LBTM cảm thấy mình là con cái của trời và con cái của đất, nói theo ngôn ngữ của  Teilhard de Chardin, trong sự liên kết chặt chẽ giữa hai bên[69]. Một linh đạo thống nhất sẽ đem lại một sự say mê Thiên Chúa và đồng thời say mê nhân loại.

b) Một linh đạo căng thẳng giữa ngôn sứ và huyền bí

Người LBTM cách mới mẻ được kêu gọi thi hành sứ vụ ngôn sứ, cùng với Dân Thiên Chúa. Tuy nhiên sứ vụ này không bao giờ được tách rời khỏi một cảm nghiệm tâm linh mạnh mẽ. Vừa là nhà huyền bí vừa là ngôn sứ: đó là ơn gọi và sứ mạng của mọi người LBTM. Cảm nghiệm huyền bí cho phép người LBTM được trải nghiệm việc Thiên Chúa xâm nhập vào cõi thâm sâu của đời mình. Mặt khác, cảm nghiệm ngôn sứ là một tiếng gọi phát ra từ sự xâm nhập bên trong vừa nói:  – “Thiên Chúa đã phán, thử hỏi làm sao mà không nói được?” (Am 3, 8)-,  và từ những tiếng gọi bên ngoài, đòi hỏi phải thay đổi lịch sử sao cho phù hợp với ý Chúa: “Đây là lời Chúa phán:: ‘Vì ba trọng tội của Israel và vì bốn tội của nó, Ta sẽ không rút lại bản án: nó đã bán kẻ vô tội để lấy tiến, đã bán người túng quẫn lấy một đôi dép, đã dẫm đầu của người nghèo xuống bụi đất…” (Am 2, 6-7).

Người LBTM có thể lấy ông Êlia như khuôn mẫu của chiều kích huyền bí và ngôn sứ. Cũng như ông Êlia, người LBTM được mời gọi trở thành ngôn sứ bạo dạn và bạn thân của Thiên Chúa:  “Ông sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, thinh lặng chiêm ngắm nước bước của Ngài, chuyển cầu cho dân chúng, và mạnh mẽ công bố ý định của Ngài, bênh vực những quyền lợi của Thiên Chúa, và đứng lên bênh vực những người nghèo bị kẻ quyền thế chèn ép (1V 18,19)”[70]. Say mê Thiên Chúa và say mê con người: hai điều say mê trong sứ vụ của ông Êlia cũng phải là hai điều say mê của những người LBTM cách mới mẻ.

Thiên Chúa và những người nghèo, huyền bí và ngôn sứ, cầu nguyện và bảo vệ công lý: đó là khởi điểm cho sứ mạng và hoạt động của người LBTM. Nếu vinh quang Thiên Chúa là muốn cho con người được sống, thì chúng ta không thể tách rời huyền bí ra khỏi ngôn sứ, và cần phải quan tâm đến những thành phần nhân loại đang bị đau khổ, mà ta phải mang đến cho họ lòng ưu ái và trắc ẩn của Thiên Chúa.

Người LBTM phải là người cha và là người mẹ, những người đáng tin cậy bởi vì đã trải qua con đường, đã biết những ngóc ngách phiền phức của cuộc sống, và với lòng khiêm tốn và kiên nhẫn, muốn đồng hành với những anh chị em của mình trên cùng một chuyến hành trình[71].

c) Một linh đạo hiện diện: những môn đệ và chứng nhân

Trong một xã hội mà người ta muốn loại trừ Thiên Chúa, thì người LBTM, ngày nay hơn bao giờ hết, được mời gọi tuyên xưng và minh chứng sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong thế gian. Người LBTM không phải là một chiến sĩ thập tự quân muốn áp đặt một tư tưởng hay một học thuyết, nhưng là một nhân chứng chia sẻ một kinh nghiệm. Việc LBTM cách mới mẻ không chỉ là kiếm những ngôn ngữ mới để thuật chuyện. Việc LBTM cách mới mẻ đòi hỏi một sự “cảm Chúa” (theopatia), nghĩa là truyền đạt một kinh nghiệm đã sống cách say mê. Đối với người thời nay, ngôn ngữ dễ hiểu  là ngôn ngữ phát xuất từ cảm nghiệm. Người LBTM là chứng nhân của một kinh nghiệm đã làm biến đổi cuộc đời của mình và có thể làm biến đổi cuộc đời của những người khác.

3.-  Một linh đạo tông đồ

Một nét khác của linh đạo người LBTM cách mới mẻ ngày hôm nay là linh đạo tông đồ. Linh đạo này đâm rễ từ những thời khắc thờ lạy, gặp gỡ cầu nguyện với Lời Chúa, chân thành đối thoại với Chúa, dẫn đến việc gặp gỡ chân thực với Chúa. Nếu thiếu điều này, tất cả những sự dấn thân loan báo Tin mừng chẳng mấy chốc sẽ mất ý nghĩa và sẽ suy yếu vì những mệt mỏi và gian truân. Người LBTM không thể nào bỏ qua việc cầu nguyện, bồi dưỡng những khoảnh khắc nội tâm mang lại ý nghĩa cho các hoạt động của mình, nếu ta không muốn để cho lòng nhiệt thành giảm sút, kể cả tắt lịm. Một cách tương tự như vậy, “cần phải quyết liệt tấy chay một thứ linh đạo cá nhân, không kết nạp với bác ái, không đi theo con đường nhâp thể[72]. Không phải là lăng xăng mà bỏ qua cầu nguyện, cũng không phải là một thứ linh đạo trốn tránh. “Hội thánh nhất thiết cần đến lá phổi của sự cầu nguyện”[73].

4.- Một linh đạo đối kháng, ngược chiều

Người LBTM, khi đồng hóa mình với Đức Kitô, sẽ gặp những sự đối nghịch với những giá trị của thế giới này. Cững như Chúa Giêsu, người LBTM trở thành dấu chỉ của đối kháng và tranh chấp. Khi Chúa nói đến việc đi theo Người, thì ông Phêrô, với lòng đơn sơ nhiệt thành, đã nhận ra vấn đề. Ông không sợ thất bại, nhưng sợ những sự chống đối và đau khổ. Ông hiểu rằng việc đi theo Đức Kitô sẽ mang lại nhiều chống đối. Người LBTM cũng nên ý thức điều ấy. Việc đi theo Chúa Giêsu, tiếp tục công việc của Người, sẽ không tránh khỏi sự dị nghị, ngờ vực, âm mưu, bách hại và sau cùng là cái chết. Tất cả những điều này đã được Chúa nhìn thấy và báo trước cho những ai đi theo Người (xc. Mt 5, 11; Lc 21, 12; Ga 15, 20).

Đứng trước cơn cám dỗ ấm ức, thoái thác trách nhiệm, tố cáo người khác, người LBTM hãy nhớ rằng chỉ khi nào cuộc sống tẻ nhạt thì nó mới không cảm thấy sự đối kháng. Đối với người LBTM, sự đối kháng cần trở thành một thách thức, một thời cơ để mở ra những mặt trận mới, tựa như: những miền mà sự kiểm soát lãnh thổ trở nên hiểm nghèo; những không gian cần phải viết lại những quy luật xử sự; những vùng đất tương lai  là nơi cần xác định căn cước và thực hành sự tiếp đón. Chỉ sau khi chấp nhận một linh đạo đối kháng, người LBTM có thể cư trú tại những vùng biên cương để định hướng cho những đường hướng mới.

4.- Thay lời kết

Đức thánh cha Phanxicô trong tông huấn  Evangelii gaudiunm đã trao cho ta một lộ trình mời gọi tất cả các Kitô hữu đã được kêu gọi LBTM do bí tích thánh tẩy. Đối với những ai đã cảm nhận được tiếng gọi tham gia vào việc LBTM cách mới mẻ, tông huấn này còn để lại vài khẩu hiệu để tâm niệm làm phương châm hành động, dẫu vẫn biết khó khăn:

“Đừng để ai đánh cắp nhiệt huyết truyền giáo!”[74]

“Đừng để ai đánh cắp niềm vui của việc loan báo Tin mừng!”[75]

“Đừng để ai đánh cắp hy vọng!”[76]

“Đừng để ai đánh cắp Tin mừng!”[77]

“Đừng để ai đánh cắp lý tưởng tình yêu huynh đệ!”[78]

“Đừng để ai đánh cắp nghị lực truyền giáo!”[79]

Phan Tấn Thành OP chuyển ngữ

……………………………………………………………..

[1]ĐGH Phaolô VI, tông huấn Evangelii nuntiandi(1975), n. 75.

[2]Nên lưu ý là  vài bản văn nói rằng các môn đệ ra đi rao giảng “khắp mọi nơi” (xc. Lc 16, 20); kỳ thực họ chỉ trở về Giêrusalem và tụ hội trong nhà Tiệc ly (xc. Cv 1, 12tt), và chỉ ra khỏi đó sau khi đã được “tràn đầy Thánh Linh” (xc. Cv 2, 4ss).

[3]Xc. ĐGH Phanxicô,  Bài giảng Thánh lễ Ngũ tuần 2014.

[4]ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Ngũ tuần 2014.

[5] ĐGH Phanxicô, Tông huấn  Evangelii gaudium, số 20.

[6] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 14.

[7]ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giảng tại Santo Domingo, ngày 11-10-1984.

[8]Evangelii gaudium, số 22.

[9]ĐGH Phanxicô, Huấn dụ trước khi đọc kinh Regina Coeli lễ Ngũ tuần 2014.

[10] Evangelii gaudium, số 33.

[11]Evangelii gaudium, số 24.

[12]Evangelii gaudium, số 50.

[13]Xc. José Cristo Rey García Paredes, Siete pasos hacia la “conversión pastoral”. Evangelii gaudium en la vida consagrada, in: Vida Religiosa, 2/2014/Vol.116, 54tt. Điều mà tác giả viết về đời sống thánh hiến cũng có giá trị cho tất cả các nhân viên mục vụ.

[14]Evangelii gaudium, số 268.

[15]Evangelii gaudium, số 125.

[16]Evangelii gaudium, số 68.

[17]Evangelii gaudium, số 169.

[18]Evangelii gaudium, số 282.

[19]Evangelii gaudium, số 169.

[20]

[21]Evangelii gaudium, số 20.

[22]Evangelii gaudium, số 20.

[23]Evangelii gaudium, số 21.

[24]Evangelii gaudium, số 15.

[25]Evangelii gaudium, số 97.

[26] Xc. Evangelii gaudium, số 20.

[27] Xc. Evangelii gaudium, số 27.

[28]Evangelii gaudium, số 261.

[29]Evangelii gaudium, số 97.

[30]Evangelii gaudium, số 46.

[31] Xc. Evangelii gaudium, số 23.

[32] Xc. Evangelii gaudium, số 266.

[33]Evangelii gaudium, số 20.

[34] ĐGH Gioan Phaolô II, tông huấn Vita consecrata số 76; x. số 72.

[35]Evangelii gaudium, số 277.

[36]Evangelii gaudium, số 81.

[37]Evangelii gaudium, số 81.

[38]Evangelii gaudium, số 82.

[39]Evangelii gaudium, số 82.

[40]Evangelii gaudium, số 85.

[41]Evangelii gaudium, số 93.

[42]Evangelii gaudium, số 97.

[43]Xc. ĐGH Phanxicô, Diễn từ tại toà giám mục Assisi, 4-10-2013.

[44] Xc. Evangelii gaudium, số 53-54.

[45] Xc. Evangelii gaudium, số 57-58.

[46]Evangelii gaudium, số 27.

[47]Evangelii gaudium, số 45.

[48] Xc. Evangelii gaudium, số 39.

[49]ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Ngũ Tuần 2014.

[50]Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio 2; Hiến chế Lumen gentium 17, 26.

[51]Xc. Evangelii gaudium, số 171.

[52]Xc. ĐGH Phanxicô, Bài giảng tại nhà nguyện Sixtina sau khi đắc cử làm người kế vị thánh Phêrô, ngày 14-3-2013.

[53] T. Irênêo, Adversus haereses, IV, 20, 7; PG 7, 1037; xc. ĐGH Bênêđictô XVI, Verbum Domini, 90.

[54]Xc. T. Phanxicô Assisi, Dẫn nhập vào Bản luật không được phê chuẩn (Regola non bollata).

[55]Xc. ĐGH Bênêđitô XVI, Tông huấn Verbum Domini, 86.

[56]Orígenes, Epistola ad Gregorium, 3; PG 11, 92.

[57]Xc. Sứ điệp chung kết của Thượng hội đồng giám mục bàn về Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mạng của Hội thánh, III, 6.

[58] Xc. ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, 86.

[59] Xc. ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, 24.

[60]Alexander Schmemann, Introduction to Liturgical Theology, London 1966, 19-20.

[61] Công đồng Vaticano II, Hiến chế về phụng vụ Sacrosantum Concilium, 2.

[62]Sacrosantum Concilium, 10.

[63]Sacrosantum Concilium, 14.

[64] Trong nguyên bản là “Una espiritualidad holistica”, muốn nói lên tính bao hàm tất cả mọi khía cạnh của một thực thể, và những yếu tố ấy ăn khớp với nhau.

[65]Xc. W. Au, “Spiritualità olistica”, in Nuovo dizionario di spiritualità, Libreria editrice Vaticana2003, 904.

[66]Xc. Bruno Secondin, Inquieti desideri di spiritualità. Esperienze, linguaggi, stile,  EDB, Bologna 2012,  81- 82.

[67]Evangelii gaudium số 262.

[68]Xc. Alvaro Rodríguez Echeverría,  Profecía de la existencia y presencia amorosa de Dios en la Vida consagrada, USG, tháng 5/2011, 79ss.

[69]Alvaro Rodríguez Echeverría, art. cit. 81.

[70]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata 84.

[71]Xc. Alvaro Rodríguez Echeverría,  art. cit. 82ss.

[72]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio ineunte (2001), 52.

[73] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 262.

[74]Evangelii gaudium, số 80.

[75]Evangelii gaudium, số 83.

[76]Evangelii gaudium, số 86.

[77]Evangelii gaudium, số 97.

[78]Evangelii gaudium, số 101.

[79]Evangelii gaudium, số 109.

Comments are closed.

phone-icon