Cầu nguyện và thinh lặng trong những giây phút đen tối nhất – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 27.09.2016

0

Cầu nguyện và thinh lặng trong những giây phút đen tối nhất
Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 27.09.2016

40

Người ta nên làm gì khi trải qua đêm tối trong tâm hồn? Thưa, cầu nguyện và thinh lặng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Ngài đã khởi đi từ Bài Đọc I được trích từ sách Gióp, trong đó tường thuật lại lời than vãn của người công chính sau khi ông bị mất hết tất cả: “Thà rằng đừng có ngày tôi được sinh ra; thà rằng đừng có đêm mà trong đó người ta nói rằng, một người được cưu mang.”

Ông Gióp đã than vãn trước mặt Thiên Chúa – Đức Thánh Cha giảng -, nhưng ông không quy trách nhiệm cho Thiên Chúa. Hình như trong “nỗi tuyệt vọng thiêng liêng lớn nhất”, ông đã nói chuyện với Thiên Chúa “giống như một người con nói với Cha của mình”.

Nỗi tuyệt vọng thiêng liêng là một điều chi đó xâm chiếm tất cả chúng ta. Có thể đôi khi nó mạnh, và đôi khi nó yếu. Một giây phút đen tối của tâm hồn, không niềm hy vọng, ngờ vực, không nhìn thấy niềm vui nơi cuộc sống, không thấy được ánh sáng cuối đường hầm… Nỗi tuyệt vọng thiêng liêng tạo cho chúng ta cảm giác như thể là tâm hồn chúng ta đang bị đè bẹp: nó không thể sống được nữa, nó cũng chẳng thiết sống nữa. Sau đó thì thích chết! Ông Gióp thốt lên: muốn chết hơn sống. Chúng ta phải hiểu được khi nào thì tâm hồn chúng ta sẽ rơi vào tình trạng buồn thảm ghê gớm ấy… Điều đó sẽ xảy ra nơi tất cả chúng ta. Có thể là nặng, và cũng có thể nhẹ, nhưng đều xảy ra nơi tất cả chúng ta. Chúng ta phải hiểu điều gì đang diễn ra trong lòng chúng ta!

Từ muôn vàn những lý do, người ta cũng có thể  rơi vào một cuộc khủng hoảng tương tự như trường hợp của ông Gióp – Đức Thánh Cha nói tiếp: “Vì một thảm kịch trong gia đình, vì một căn bệnh”. Và sau đó thì làm gì? Một số người thì dùng thuốc ngủ, một số người khác “thì xơi vài ba hoặc bốn ly rượu hay ly bia gì đó” – nhưng “những thứ đó chả giúp ích gì” – Đức Thánh Cha quả quyết. Trái lại, chỉ có cầu nguyện và lời cầu khẩn dâng lên cùng Thiên Chúa mới giúp ích.

Hãy thực hiện một lời cầu nguyện có khả năng gõ cửa, và thực ra là cương quyết và mạnh mẽ! Lạy Chúa, con không thể nữa đâu. Sự sống của con đang nằm trên miệng địa ngục rồi! Con chẳng còn sức lực gì nữa… Chúng ta vẫn thường xuyên cảm thấy mình như thế: không còn sức lực gì nữa… Và đó là lời cầu nguyện. Chính Chúa sẽ dậy chúng ta nên cầu nguyện như thế nào trong những phút giây đầy sợ hãi đó. Lạy Chúa, Chúa đã quẳng con vào trong những huyệt mộ thẳm sâu nhất. Cơn giận Chúa đè nặng tấm thân con. Ước chi lời con khẩn cầu bay lên tới nhan Chúa! Đó là cầu nguyện: Chúng ta nên cầu nguyện như thế trong những giây phút đen tối và tồi tệ nhất… Điều đó có nghĩa là cầu nguyện thực sự. Và ngay cả những lời than vãn như ông Gióp đã làm, cũng là lời cầu nguyện. Hãy cầu nguyện như một người con nói chuyện với Cha!

Sách Gióp đã nhắc tới sự thinh lặng của những người bạn ông Gióp. Và điều này đã tạo cho Đức Thánh Cha cơ hội để nói: Khi tận mắt chứng kiến một người đang gặp khổ đau, thì “những lời nói sẽ có thể gây đớn đau”. Chỉ có sự gần gũi với người khổ đau mới là điều quan trọng, “nhưng đừng nói năng chi hết, chỉ thinh lặng mà thôi!” Đức Thánh Cha nói nguyên văn như sau:

Khi một người gặp khổ đau hay bị rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng thiêng liêng, thì người ta nên nói rất ít với người ấy, cố gắng nói ít bao nhiêu có thể. Sau đó người ta nên giúp người ấy thông qua sự thinh lặng, thông qua sự hiện diện và thông qua sự giao tiếp trìu mến.”

Thứ nhất: nhận ra những giây phút tuyệt vọng thiêng liêng trong chúng ta – khi chúng ta rơi vào đêm tối, không niềm hy vọng, và tự hỏi: Tại sao? Thứ hai: Cầu nguyện cùng Thiên Chúa: Lạy Chúa, ước chi lời con khẩn nài vang lên tới Chúa! Và thứ ba: Nếu tôi nhìn thấy một người đau khổ, người ấy đang tuyệt vọng, thì tôi hãy thinh lặng. Nhưng thinh lặng với Tình Yêu đầy tràn, với sự gần gũi và trìu mến. Và đừng nói chi hết, vì những bài thuyết pháp chẳng giúp ích gì, nhưng thậm chí chúng còn có thể gây thêm đớn đau.

Theo de.rv 27.09.2016 sk

Lm. Đa-minh Thiệu

Comments are closed.

phone-icon