Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22.02.2017: Bảo vệ thiên nhiên

0

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22.02.2017
Bảo vệ thiên nhiên

80

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng, thế giới thiên nhiên là của riêng chúng ta, là một tài sản mà chúng ta có thể tận dụng theo ý muốn, và chúng ta không phải báo cáo với bất cứ ai về nó. Trái lại, trong đoạn thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm 8,19-27) mà chúng ta vừa mới nghe một phần, Thánh Phao-lô Tông Đồ nhắc nhớ chúng ta rằng, thiên nhiên là một tặng phẩm tuyệt vời mà Thiên Chúa đã đặt vào tay chúng ta để chúng ta bước vào trong mối tương quan với Ngài và có thể nhận ra ở đó những dấu vết về nhiệm cục Tình Yêu của Ngài, và ngày lại ngày, chúng ta phải cộng tác để hiện thực hóa nhiệm cục đó.

Nhưng nếu con người để cho mình bị xâm chiếm bởi sự ích kỷ, thì cuối cùng, con người sẽ hủy hoại ngay cả những điều tốt đẹp nhất mà chúng được ủy thác cho họ. Và cũng xảy ra như thế với thế giới thiên nhiên. Chúng ta hãy nghĩ tới các nguồn nước. Nước là một cái gì đó rất tuyệt vời và rất quan trọng; nước tặng ban cho chúng ta sự sống, nó giúp chúng ta trong tất cả mọi việc, nhưng để khai thác các khoáng sản, nước đã bị gây ô nhiễm, thiên nhiên bị vấy bẩn và thế giới thụ tạo bị hủy hoại. Đó chỉ là một ví dụ.

Có rất nhiều ví dụ về điều đó. Thông qua kinh nghiệm bi ai về tội lỗi, khi sự hiệp thông với Thiên Chúa bị phá hủy, chúng ta cũng đã phá vỡ sự hiệp thông nguyên thủy với tất cả những gì vây quanh chúng ta, và rốt cuộc, đã hủy hoại thiên nhiên, nô dịch hóa thiên nhiên cũng như đã lệ thuộc vào tính nhất thời của mình. Và tiếc rằng, hậu quả của tất cả những điều bi thương đó sẽ đứng trước chúng ta mỗi ngày. Khi con người phá vỡ tình hiệp thông với Thiên Chúa, thì họ cũng sẽ đánh mất luôn vẻ đẹp nguyên thủy của mình, và cuối cùng, làm biến dạng tất cả những gì xung quanh mình; và nơi mà trước đây tất cả đều chỉ dẫn về Thiên Chúa Cha và về Đấng Sáng Tạo cũng như về Tình Yêu khôn cùng của Ngài, thì giờ đây đều mang những dấu chỉ buồn bã và thê lương về sự kênh kiệu của con người và về lòng tham của họ. Sự kênh kiệu của con người đang bóc lột thiên nhiên và đang dẫn tới sự hủy hoại.

Nhưng Thiên Chúa không để chúng ta cô đơn, ngay cả trong cảnh tượng thê lương này, Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta một viễn tượng mới của sự giải thoát và của ơn cứu độ toàn diện. Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh tới điều đó với niềm vui trong khi Ngài mời gọi chúng ta hãy lắng nghe tiếng rên siết của toàn thể vũ trụ. Vì nếu chúng ta lưu tâm, tất cả sẽ rên siết xung quanh chúng ta: thiên nhiên rên siết, con người chúng ta rên siết, và Thần Khí rên siết trong chúng ta, trong con tim chúng ta. Nhưng tiếng rên siết này không phải là một lời than van vô sinh và thê lương, nhưng – như Thánh Tông Đồ giải thích – đó là tiếng rên siết của một người phụ nữ lâm bồn; đó là tiếng rên siết của một người đau khổ, nhưng người này biết rằng, một sự sống mới đang đến với thế giới. Và trong trường hợp của chúng ta, thực sự đang diễn ra như vậy.

Nhưng chúng ta vẫn còn phải chiến đấu với những hậu quả của tội lỗi, và tất cả những gì xung quanh chúng ta cũng vẫn còn mang những dấu chỉ về những nỗi vất vả, về những sai sót và về những khép kín của chúng ta. Nhưng đồng thời chúng ta cũng biết rằng, chúng ta đã được Thiên Chúa cứu độ, và ơn cứu độ được ban cho chúng ta, trong chúng ta và trong những gì vây quay chúng ta để chiêm ngưỡng và nhận ra các dấu chỉ của sự Phục Sinh, của Đại Lễ Phục Sinh, mà sự phục sinh ấy sẽ sinh ra một thế giới thiên nhiên mới. Đó là nội dung của niềm hy vọng nơi chúng ta. Người Ki-tô hữu không sống bên ngoài thế giới; người Ki-tô hữu hiểu để nhận ra trong đời sống mình và trong tất cả những gì vây quanh mình những dấu vết của sự ác, của sự ích kỷ và của tội lỗi. Người Ki-tô hữu liên đới với những người đau khổ, với những người buồn rầu, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống, và với những người tuyệt vọng… Nhưng đồng thời, người Ki-tô hữu cũng đã học để quan sát tất cả những điều ấy với cặp mắt phục sinh, với cặp mắt của Chúa Ki-tô phục sinh. Và vì thế, người Ki-tô hữu biết rằng, chúng ta đang sống trong thời gian đợi chờ, thời gian của sự khát khao mà nó vượt quá giây phút tại, thời gian viên mãn. Trong niềm hy vọng, chúng ta biết rằng, với Lòng Xót Thương của Ngài, Thiên Chúa muốn cứu độ một cách chung cuộc những con tim bị tổn thương, bị làm nhục, và tất cả những gì con người đã làm biến dạng trong sự vô tín của họ, và chúng ta cũng biết rằng, qua cách thức đó, Thiên Chúa đang sáng tạo ra một thế giới mới và một nhân loại mới, mà thế giới và nhân loại ấy đã được giao hòa trong Tình Yêu của Ngài.

Người Ki-tô hữu chúng ta thường bị cám dỗ bởi sự thất vọng, bởi sự bi quan biết là chừng nào… Đôi khi chúng ta để cho mình rơi vào tình trạng than vãn vô bổ, hay chúng ta ngồi bất động không nói không rằng, và chẳng hề biết mình nên cầu xin, hay nên mong chờ điều gì… Nhưng một lần nữa, Chúa Thánh Thần lại đến giúp chúng ta, Ngài chính là hơi thở của niềm hy vọng nơi chúng ta, Ngài sẽ giữ cho những tiếng rên siết và sự mong chờ của con tim chúng ta được luôn sống động. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta nhìn vượt lên trên vẻ bên ngoài của thời hiện tại, và giờ đây đã mạc khải cho chúng ta trời mới và đất mới mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho nhân loại rồi.

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 22 tháng 02 năm 2017

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon