CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, NĂM B
PHÚC CHO NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN !
LỜI CHÚA: GA 20, 19-31
Khi nói chuyện với Thày sư tại chùa Tịnh xá Trung Tâm, Thày nói với tôi: Giáo lý bên các soeur không thuyết phục vì không giải thích theo lý trí, chỉ đòi phải tin thôi. Còn bên chúng em thì khác, giải thích cho người nghe cách thỏa đáng. Giới trẻ ngày nay đòi phải hợp lý theo ánh sáng tự nhiên của lý trí. Tôi không biết gì về giáo pháp hay niềm tin của Đạo Phật nên không tranh luận để dành thắng thua. Tôi chỉ trả lời cách đơn sơ: Đức tin của chúng tôi khác với niềm tin của Thày. Đức tin của chúng tôi là nền tảng sức sống, là sự sống thiêng liêng, là ánh sáng của Thiên Chúa, là ân sủng Thiên Chúa ban. Vì không phải nhờ vào ánh sáng tự nhiên của lý trí để có thể nhận ra sự thật nội tại của mạc khải nhưng còn nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa là Đấng mạc khải điều này”. Còn niềm tin của Thày dựa trên giáo lý của Đức Phật. Giáo lý này xoay quanh vấn đề đau khổ của con người. Nên nội dung hoàn toàn khác nhau: một bên là do Thiên Chúa mạc khải, một bên là do con người giác ngộ thành phật thuyết pháp. Nói đến đây, tôi không dám tiến sâu hơn vì sợ đụng chạm. Hơn nữa, tôi cũng không biết phải giải thích làm sao cho thày hiểu được niềm tin của mình vì không cùng ngôn ngữ, không cùng niềm tin. Ngôn ngữ công giáo chúng tôi khác ngôn ngữ của Thày.
Hôm nay trong bài Tin Mừng chúng ta lại một lần nữa đụng chạm đến niềm tin sâu sa hơn: Chúa Giê-su từ trong kẻ chết chỗi dạy. Trước sự thật lớn lao này, dẫu được Madalenna báo tin, các Môn đệ không thể tin vì từ trước đến nay điều này chưa hề xẩy ra. Các ông vẫn sống những giây phút phập phồng lo sợ. Những gì các ông nghe từ những phụ nữ yếu mềm không đủ cho các ông đặt vấn đề để lên đường kiểm chứng như Phê-rô và Gioan. Nỗi sợ hãi kìm chân các ông trong phòng cửa đóng then cài. Những cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh riêng lẻ không đủ để trấn an các ông, không đủ để củng cố đức tin non nớt thửa ban đầu. Sau biến cố của đồi Can-vê sợi dây mong manh nối kết các ông là thất vọng và sợ người Do Thái (Lc 24,21).
Muốn thay đổi các ông thì Đấng Phục Sinh phải hiện ra nhiều lần để các ông nhìn, thấy và nhận. Nhưng sự phục sinh của Chúa Giê-su không phải là biến cố lịch sử thông thường để các ông có thể nắm bắt Thày mình như khi Thày còn tại thế. Biến cố phục sinh là một sự kiện thực sự, một biến cố phức tạp, một màu nhiệm gồm hai chiều kích bất khả phân ly: Một chiều kích vượt lịch sử và một chiều kích lịch sử.
Chính vì thế mà các môn đệ không nhận ra Đấng mà họ mới ngồi ăn mấy ngày trước. Và ngay cả khi nhận ra Ngài, Ngài vẫn là kẻ xa lạ đối với họ. Chỉ khi Ngài cho thấy, họ mới thấy Ngài. Để cho các môn đệ đọc được ngôn ngữ Đức tin này, Đấng Phục Sinh phải áp đặt từ bên ngoài. Tuy thế, không phải mọi người đều tin như nhau. Trong số họ còn có kẻ hồ nghi, Toma là bằng chứng của sự hồ nghi sâu sa này. Khi ông vắng mặt, Đấng Phục Sinh hiện ra, các môn đệ thuật lại nhưng ông không tin Thày đã phục sinh vinh quang. Ông đã tuyên bố một câu vừa thách vừa đố xem người nào đó, hay nói thẳng, là người trong cuộc, có thể làm cách nào đó để ông tin. Điều mà ông nghĩ có thể khuất phục ông là mắt thấy, tai nghe, tay sờ đụng. Nhưng ông đã bé cái lầm. Đấng phục sinh khi chết Người đã về thế giới bên kia, Ngài đâu còn lệ thuộc không gian và thời gian nữa. Vả lại, Ngài không phải là kẻ đã chết được trở lại sự sống đời này như Lazaro, như con gái ông Za-rô, như con trai của bà góa thành Na-im, những người mà Ngài đã cho hồi sinh. Những người này khi trở về cuộc sống trần gian họ trở lại cuộc sống trước bị lệ thuộc thời gian và không gian, họ cũng phải già và chết như mọi người. Còn Chúa Giê-su, Ngài đã chiến thắng sự chết một lần cho tất cả. Sự sống của Ngài không phải là sự sống của thế gian này, Ngài không còn liên quan gì đến luật tâm lý và sinh lý của chúng ta nữa. Sự tương quan của Ngài với con người gần gũi hơn, thực sự hơn, rộng rãi hơn, sâu sa hơn và liên tục hơn, ở mọi nơi mọi lúc và mọi thời. Trong khi Lazaro vẫn còn là một người ở Betania trong một nơi và một thời gian nhất định. Còn Đấng Phục Sinh chính là Đấng đã bị đóng đinh trên Thập giá ở đồi Can-vê, Ngài đã sang một thế giới khác, Ngài về cùng Cha, sự sống của Ngài không phải là sự sống của thế gian này nữa.
Toma, Ngài không biết sao? Đấng Phục Sinh hoàn toàn khác trước. Khi còn tại thế, Ngài đến, chúng ta mới thấy Ngài. Để chúng ta không thấy, thì Ngài phải ra đi. Bây giờ thì hoàn toàn khác, Ngài tỏ cho các nhân chứng thấy bất chợt, thình lình theo cách của Ngài. Bình thường, Ngài vẫn có đó thường hằng, Ngài vẫn ở đó, nhưng người ta không thấy Ngài bằng con mắt trần. Ngài không đến, không đi; Ngài tỏ cho thấy và Ngài biến mất chớp nhoáng tại chỗ. Ngài không qua cửa mở hay đóng, Ngài luôn ở với con người dẫu con người không thấy Ngài. Đấng Phục Sinh ở giữa chúng ta, một trời mới, đất mới đã bắt đầu.
Toma ơi, Đấng Phục Sinh ở ngoài thời gian như thế, làm sao ông bắt được Ngài như bắt một người. Làm sao ông nói chuyện với Ngài như thể một người bằng xương bằng thịt của thân xác hay chết này. Điều kiện mà ông ra cho Ngài không khó vì Ngài có thể cho ông thấy Ngài trong nháy mắt. Ngài vẫn ở bên ông nhưng ông không thấy, chỉ khi nào Ngài cho thấy, lúc đó lòng ông mới bừng cháy lên như hai môn đệ trên đường Emau.
Chắc ông còn nhớ cái ngày Thày báo Ngài phải lên Jerusalem thì ông nói với các môn đệ: “ Nào chúng ta cùng đi để cùng chết với Ngài”(Ga 11,16), nghĩa là ông thề sống chết với người ông yêu mến. Tại sao hôm nay ông bỏ đoàn để khi Đấng Phục Sinh hiện ra với mười một thì ông lại vắng mặt. Khi môn đệ đoàn đồng tâm nhất trí kể về niềm vui trọng đại, ông không tin, ông hồ nghi. Ông còn ra điều kiện với Đấng có thể chộp bắt ông trong nháy mắt: “ Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không thọc tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Ông quả là một người táo bạo, một con người thực nghiệm, nhưng Chúa không khiển trách ông, Ngài thông cảm, yêu thương và cho ông được như ý nguyện. Ngài đến và mời ông kiểm chứng.
Khi thấy Đấng Phục Sinh lòng ông thế nào? Ngỡ ngàng, sững sờ, run lên vì vui sướng. Ông còn thách thức Ngài nữa không? Lúc này chắc đôi chân ông bủn rủn, ông trố mắt nhìn Thày đang đứng trước mặt với những lỗ đinh tay chân và cạnh sườn toạc rách. Ông run rẩy khi Thày mời ông đến gần để sờ đụng: “ Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thày. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thày. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.” Quá sung sướng, quá cảm động, quá ngây ngất, ông đã gập mình xuống thật sâu để tuyên xưng niềm tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Và bài học thâm thúy Chúa để lại cho ông cũng là bài học Chúa nói với chúng tôi: “ Vì con đã thấy Thày, nên con mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
Hôm nay Chúa đang nói với mỗi người chúng ta, những người đang lầm lũi bước đi trong đêm tối đức tin: “ Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Chúng ta hồ nghi tình yêu Chúa trước những hoàn cảnh bi đát của cuộc sống không lối thoát. Chúng ta nghĩ Thiên Chúa bỏ chúng ta. Khi gặp bước đường cùng chúng ta buông xuôi. Khi yếu đuối lỗi lầm chúng ta thất vọng… Tất cả điều đó nói lên lòng tin non yếu của mình.
Trong lúc chao đảo hãy như Toma thách thức Chúa với lòng yêu mến để Chúa củng cố niềm tin cho mình. Hãy gắn bó với Đấng là Đàng, là Sự Thật và là Sự Sống bằng cầu nguyện, bằng cuộc sống kết hợp với Chúa, vì lòng tin là đính kết với Đấng mà chúng ta tuyên xưng: “ Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con.”
Xin Đấng Phục sinh cho chúng ta cảm nghiệm niềm vui mà các tông đồ đã cảm nghiệm để có thể can đảm ra đi làm chứng cho Đấng đã chết vì yêu thương chúng ta: “ Như Chúa Cha đã sai Thày, Thày cũng sai anh em.” Sai anh em để chiến thắng thế gian. Sai anh em để chiến thắng khuynh hướng xấu. Sai anh em để giữ những mệnh lệnh của Thày không phải như gánh nặng nhưng như ách nhẹ nhàng. Đấng Phục Sinh sẽ luôn ở bên chúng ta: “Bình an cho anh em.”
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu