CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH, NĂM B
MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Hôm nay cầu nguyện cho ơn gọi, Giáo Hội cho chúng ta đọc bản văn người Mục Tử nhân lành để nói lên nội dung chính yếu là chúng ta là con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa chăm chút con mình như mục tử săn sóc từng con chiên. Khi nói về ơn gọi, Giáo Hội không chỉ đề cập đến ơn gọi tư tế hay tu sĩ nhưng Giáo Hội còn đề cập đến ơn gọi giáo dân, ơn gọi hôn nhân. Tất cả moị ơn gọi làm nên màu nhiệm của Giáo hội. Dẫu chúng ta là ai chăng nữa, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta bước theo Ngài trong tình yêu hiến dâng để trở nên mục tử cho anh em mình.
Tôi rất thích hình ảnh những đàn cừu thả ăn trong đồng cỏ xanh tươi bên những dòng suối êm ả. Những ngọn cỏ xanh rờn mềm mại ấy trải dài trên các đồi trọc điểm trắng những chú cừu hiền hòa gặm cỏ trông rất thơ mộng. Và người chăn đi đi lại lại để kiểm tra tình hình mỗi con chiên của mình. Thỉnh thoảng anh ta dừng lại bên một con chiên có vấn đề. Những con chiên ngang tàng đi xa đàn, ông đuổi chúng về gần đàn. Hình ảnh này cho tôi liên tưởng đến Vị Mục Tử tuyệt vời mà hôm nay chính Ngài phán: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Người làm thuê vì không phải là Mục Tử…Khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy…”. Mục tử chăn thuê thường bỏ của chạy lấy người.
Người Mục Tử và người làm thuê rất khác nhau: Người làm thuê làm cho hết giờ bất biết kết quả ra sao. Trái tim và lý trí của anh không ở trong công việc. Anh làm vì tiền lương vì miếng cơm manh áo chứ không phải vì nghĩa vì tình. Cũng không phải vì cơ nghiệp hay cuộc sống lệ thuộc ở đoàn chiên, nên khi chiên thất thoát anh không buồn đau. Chiên bị sói dữ tấn công anh lo mạng sống mình trước. Còn người Mục Tử thật lo lắng cho đàn chiên của mình về mọi mặt. Khi chiên bệnh anh lo thuốc thang, khi chiên còi đói anh lo bồi bổ, khi chiên lạc bày tìm mọi cách để đưa chiên về. Đàn chiên gắn liền với cuộc sống của anh. Câu ca dao chỉ những người làm việc nhà khác người làm công ở chỗ:
“ Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm,
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng”.
Đi cấy lấy công là đi cấy thuê cho người khác để lấy tiền công. Cấy được bao nhiêu ăn tiền bấy nhiêu, nếu ăn theo sản phẩm. Còn làm công nhật thì xong ngày là lĩnh tiền bất biết hay giở, kết quả ra sao. Xong việc là chẳng còn ràng buộc gì với ruộng. Có vất vả: bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; đổi bát mồ hôi lấy bát cơm… cũng chỉ qua ngày đoạn tháng thôi không lo lắng cho mùa thu. Còn kẻ cày trên ruộng mình thì lo lắng đủ điều, lo cho mưa thuận gió hòa, trời êm bể lặng mới an tâm. Đó là cơ sở để phân biệt giữa người làm thuê với người làm chủ. Và sự trông mong, lo lắng nhiều bề cùng xuất phát từ đây.
Cũng vậy người chăn thuê và chủ chăn cũng rất khác nhau, Người chủ chăn chăm sóc chiên bằng tình yêu của mình. Anh toàn tâm toàn ý với công việc chăn dắt này. Công việc có thể gặp nhiều khó khăn nhưng anh dễ dàng vượt qua.
Trong cuộc sống ắt hẳn nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm này. Còn tôi, tôi cũng có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Trong cộng đoàn có nhiều công việc khác nhau, nhưng công việc chăn nuôi là hiển nhiên nhất. Khi những chị em đặc trách ngành chăn nuôi như heo cộ, gà vịt, cá mú, dê ngỗng đi vắng thì các đàn vật đều có vấn đề, vì người được trao không có kinh nghiệm và nhất là chưa hết mình cho công việc nên sự cố xẩy ra là bình thường. Tôi còn nhớ ở một viện dưỡng lão kia, khi Bề Trên về tĩnh tâm, chị em gọi khẩn cho Bề Trên để xử lý kịp thời mấy ao cá bị chết. Và cũng một cộng đoàn nọ, khi Bề trên về thường huấn thì đàn thỏ lăn ra chết hết. Và còn nhiều những nố tương tự như thế xẩy ra nơi cộng đoàn.
Qua những câu chuyện thường hằng xẩy ra trong cuộc sống như thế, chúng ta hiểu được câu truyện người Mục Tử của Chúa Giê-su nói hôm nay. Chúa nhận chính là người Mục Tử thật, Ngài chăn dắt đoàn chiên của Cha. Ngài biết rõ từng con chiên và chúng cũng biết Ngài. Một tương quan rất chặt chẽ giữa Ngài và chiên. Ngài yêu chiên đến nỗi phải hy sinh mạng sống để bảo vệ chiên. Ngài tự nguyện chết để đàn chiên được sống. Đó là mầu nhiệm thập giá và phục sinh. Ngài thí mạng cách đau đớn trên Thập giá để cứu chúng ta, những con chiên phản bội, đi hoang, xé rào, phiêu bạt giang hồ… cố tình lẩn trốn Ngài, hay tệ hơn nữa chống lại Ngài cách ngang tàng và ác độc như trong biến cố tử nạn của Ngài. Trước sự gian ác cao ngạo ngoan cố như thế, Ngài vẫn kiên nhẫn đi tìm bằng giá rất đắt của tình yêu. Ngài tình nguyện hiến mạng sống mình cho đàn chiên bất kể tốt xấu, mập gầy, già non của mọi nơi mọi thời cho đến tận thế. Và trong sự hiến dâng cao đẹp đó, Chúa Cha đã cho Ngài phục sinh để Ngài lại lấy lại sự sống đó trong sự viên mãn tuyệt vời.
Có một sự liên hệ thường hằng giữa cho và lấy lại. Đối với Thánh Gioan, chính Cha đã làm cho Chúa Giê-su sống lại: “ Ta có quyền cho sự sống và lấy lại”. Đó là màu nhiệm tình yêu và sự tự do.
Bản văn Thánh Gioan nói mục tử thật thì hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Người hiến vì Người yêu chúng ta. Đó là sợi dây nối kết Cha, Chúa Giê-su và chúng ta. Sự thông hiệp này là cốt lõi của màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là sự thông hiệp lớn lao: “ Ta là Mục Tử tốt lành; Ta biết chiên Ta như Chúa Cha biết Ta và Ta biết Chúa Cha; và Ta thí mạng vì chiên Ta”. Có một sự thông hiệp sâu sa lạ lùng giữa chiên và Chúa Ki-Tô: Cha tự nộp trọn vẹn trong Con. Con tự nộp trọn vẹn nơi thập giá và sự phục sinh và chúng ta được cứu chuộc nhờ màu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh.
Do đó mà mọi ơn gọi trong Giáo Hội là để biểu lộ màu nhiệm tình yêu này. Chúng ta được Thiên Chúa yêu, chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta phải sống tâm tình ngoan thảo, yêu mến, biết ơn, cảm nghiệm tình cha, để có thể giới thiệu Cha cho anh em của mình. Chỉ có ngôn ngữ tình yêu, chỉ có đời sống thiết thân với Cha, mới có thể thuyết phục người khác đến với Cha. Chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, Vị Mục Tử Nhân Lành, chúng ta mới tiến sâu vào sự hiểu biết mà Chúa Giê-su đã nói: “ Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta”.
Chúng ta là con Thiên Chúa. Chính Thánh Thần làm cho chúng ta là con cái theo hình ảnh của Con sống trong Cha trong tình yêu vô cùng. Tất cả chúng ta được kêu gọi đến gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta hãy để Thiên Chúa hướng dẫn trong ơn gọi của mình, ngoan ngoãn để Ngài vác chúng ta trên vai nếu lỡ xa đường lạc lối. Chính Đấng đã hiến mạng vì ta, Ngài không tiếc với ta điều gì miễn là chúng ta không xua đuổi Ngài. Ngài sẽ hoàn trọn nhiệm vụ Cha trao phó là dẫn chiên về đàn. Và khi sống được tâm tình con thảo của Thánh Phao-lô, chúng ta cũng có thể nói: Tôi biết Chúa và Chúa biết tôi trong tình yêu trung kiên. Lúc đó chúng ta mới có thể là mục tử đích thực cho anh em mình.
Xin Chúa cho chúng ta được gặp gỡ Chúa cách đích thực, để nhờ hồng ân ChúaThánh Thần chúng ta có thể dẫn anh em đến với Chúa.
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu