Ai Muốn Theo Ta – Suy niệm Chúa Nhật 23 TN, Năm C

0

Đầu tháng 9 vừa qua, dư luận khắp nơi bàng hoàng khi nghe tin về một vụ thảm sát tại Hà Nội: một người đàn ông đã cầm dao giết những người trong gia đình em trai ruột. Tất cả có 4 người chết và 1 người bị thương nặng. Lời khai ban đầu của bị can cho thấy động cơ giết người chỉ vì hai anh em ruột tranh chấp đất đai do cha mẹ để lại.

Sau sự việc trên, nhiều người bỗng nhận ra rằng có khi chỉ vì một chút tài sản, vật chất là nguyên nhân làm tan nát tình nghĩa anh em ruột thịt và gia đình. Một bạn đọc đã bộc lộ quan điểm của mình: “Nửa mét đất thực chất chỉ là cái cớ, là điểm khởi đầu cho mâu thuẫn chứ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến vụ thảm sát. Nguyên nhân thực sự đó chính là lối sống ích kỷ, coi trọng giá trị vật chất hơn tình nghĩa. Câu chuyện là hồi chuông cảnh báo cho lối sống của cả cộng đồng. Bớt đi sự ích kỷ, nhún nhường trong gia đình, thêm yêu thương chia sẻ, thì chắc chắn những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống sẽ được giải quyết ổn thỏa”.

Các bạn thân mến, ngay trong lúc này, chúng ta có cảm thấy “giật mình” nhớ lại trong cuộc sống thường ngày đôi khi chỉ vì một chút bốc đồng, một lời nói khó nghe hay một hành động gây hấn của mình đã đem lại những hệ quả đáng tiếc cho gia đình và những người khác không? Không ít thì nhiều, có thể là có đấy! Để sống cùng, sống với và sống vì mọi người đòi hỏi mỗi người chúng ta phải tập hy sinh, từ bỏ “cái Tôi” ích kỷ, hẹp hòi và tự ái của bản thân mình mỗi ngày.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nhắc đến hai chữ TỪ BỎ: “Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, … và tất cả những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26.33). Điều Chúa Giêsu đòi hỏi là mời gọi những ai muốn làm môn đệ Chúa phải từ bỏ tất cả để ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự, trên cả những tình cảm thân thương nhất, ngay cả chính bản thân cũng như của cải trần gian này. Bởi vì trung tâm điểm của đời sống người Kitô hữu chính là Chúa Giêsu, từ đó mọi giá trị trở nên tương đối trước Đấng Tuyệt Đối là Thiên Chúa. Nhưng đòi hỏi ấy của Ngài không cho phép chúng ta xem nhẹ những liên hệ gia đình, và những điều tốt đẹp khác, ngược lại chúng ta phải nuôi dưỡng và đến với tất cả những tình cảm đó xuyên qua tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.

Khách quan mà nói, một trong những đòi hỏi dường như khó khăn nhất của Chúa Giêsu đối với các môn đệ hay những ai bước theo Ngài chính là việc từ bỏ bản thân mình. Nếu từ bỏ một ít, hay những cái phụ thuộc bên ngoài xem ra còn dễ, nhưng từ bỏ chính mình, tức là loại bỏ những ước muốn xấu xa, những lời nói chua cay gắt gỏng, những thái độ tự phụ bất chính… thì thật sự là một thách đố lớn đối với mỗi người chúng ta. Chúa luôn biết mỗi người chúng ta đều có những hoàn cảnh, khả năng và sở thích riêng, nên Ngài sẽ không đòi hỏi chúng ta những gì vượt quá sức của bản thân. Chỉ cần có lòng yêu Chúa thật sự, và cùng với ơn thánh hóa, chúng ta sẽ nổ lực “làm mới” bản thân mình mỗi ngày để xứng đáng trở thành những môn đệ thân tín của Ngài. Như thế, cách nào đó người kitô hữu cũng đang góp phần “thắp lên” ngọn nến của lòng khoan dung và nhân hậu trong xã hội hôm nay.

Gợi ý suy niệm:

  1. “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”, những ca từ ý nghĩa trong Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì?
  2. Có lần nào chúng ta cảm thấy vui khi làm một việc có ích cho người khác, và cảm thấy mình nhận nhiều hơn là cho đi?

Lm. Joseph Lưu Trung Kiên

Comments are closed.

phone-icon