Bài giáo lý của ĐTC về Sách Cv 5:39 ngày 18.9.2019

0

“Không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa” 

‘Các vị tử đạo đã hy sinh mạng sống của họ, họ không giấu giếm việc họ là người Ki-tô hữu’

ZENIT STAFF

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ đề: “Không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa! (Cv 5:39). Tiêu chuẩn phân định được ông Ga-ma-li-ên đề nghị (Trích đoạn sách Thánh: Trích sách Tông đồ Công vụ 5:34-35.38-39).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho Ngày Bệnh Alzheimer Thế giới, sẽ được tổ chức vào ngày 21 tháng Chín.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục giáo lý về sách Tông đồ Công vụ. Đứng trước việc người Do Thái ngăn cấm giảng dạy nhân Danh Đức Ki-tô, Phê-rô và các Tông đồ bằng sự can đảm trả lời rằng các ông không thể nghe lời những người muốn làm dừng lại dòng chảy của Tin mừng trên thế giới. Từ đó Nhóm Mười Hai thể hiện rằng họ có “sự vâng phục Tin mừng”, và các ông muốn rao truyền điều đó cho mọi người (x. Rm 1:5). Quả thật, kể từ Lễ Ngũ Tuần họ không còn là những con người “cô đơn” nữa. Họ có kinh nghiệm về sự hiệp trợ đặc biệt, một sự hiệp trợ làm cho họ thoát khỏi con người của mình và khiến họ phải thốt lên: “chúng tôi cùng với Thánh Thần” (Cv 5:32) hoặc “Thánh Thần và chúng tôi” (Cv 15:28). Họ cảm thấy không thể nói riêng một chữ “Tôi,” họ là những con người đã thoát khỏi bản thân. Trở nên mạnh mẽ trong sự liên minh này, các Tông đồ không để bản thân họ bị đe dọa bởi bất kỳ ai. Họ có một lòng can đảm thật ấn tượng! Chúng ta cứ nghĩ đây là những con người hèn nhát: tất cả họ đã chạy trốn, họ bỏ chạy khi Chúa Giê-su bị bắt. Tuy nhiên, từ chỗ là những người hèn nhát họ trở nên quá can đảm. Tại sao? Họ trở nên quá dũng cảm, vì Chúa Thánh Thần ở cùng họ. Chuyện tương tự xảy ra với chúng ta: nếu chúng ta có Chúa Thánh Thần ở cùng, chúng ta sẽ có sự can đảm để tiến bước, lòng can đảm để chiến thắng nhiều trận chiến, không phải bởi sức mạnh của chúng ta nhưng bởi sức mạnh của Thánh Thần ở trong chúng ta. Như những chứng nhân anh dũng của Chúa Giê-su Phục sinh, như các vị tử đạo của mọi thời đại, cả trong thời đại của chúng ta, họ không chạy trốn. Những vị tử đạo hy sinh mạng sống của họ, họ không giấu giếm việc họ là người Ki-tô hữu. Chúng ta hãy suy nghĩ, một vài năm trước — hôm nay cũng có rất nhiều — nhưng chúng ta hãy nghĩ lại bốn năm trước, những người tín hữu Chính thống Cốp-tíc, những người lao động, trên bãi biển Libya: tất cả họ bị cắt cổ, nhưng lời cuối cùng họ kêu lên là “Giê-su, Giê-su.” Họ không bán đức tin của mình, vì Chúa Thánh Thần ở cùng họ. Đây là những vị tử đạo của ngày hôm nay!

Các Tông đồ là “những loa phát thanh” của Thánh Thần, được Đấng Phục sinh gửi đến để loan truyền Lời ban ơn cứu độ một cách mau lẹ và không lưỡng lự.

Và sự quả quyết này làm cho “hệ thống tôn giáo” của Do Thái thật sự run sợ, họ cảm thấy bị đe dọa và trả lời bằng bạo lực và những án tử. Sự bách hại người Ki-tô hữu luôn luôn như nhau: những kẻ không muốn có Ki-tô giáo cảm thấy bị đe dọa và vì thế mang đến cái chết cho người Ki-tô hữu. Tuy nhiên, đứng giữa Công nghị Do thái, tiếng nói khác biệt của một người Pha-ri-sêu trổi lên, người đã chọn cách ngăn chặn hành động của chính ông: tên ông là Ga-ma-li-ên, một con người cẩn trọng, “một Kinh sư được toàn dân kính trọng”. Trong trường học, Thánh Phaolo học cách tuân giữ “Luật của Cha ông” (x. Cv 22:3). Ga-ma-li-ên giảng dạy và chỉ cho các anh em biết cách thực hành sự phân định khi đứng trước những tình huống vượt ra ngoài những cách thức bình thường.

Nhắc đến những cá nhân tự nhận mình là Đấng Mê-xi-a, ông cho thấy rằng những dự án của con người ban đầu có thể thu lượm được sự chú ý nhưng rồi sẽ thất bại, trong khi tất cả những gì đến từ Thượng giới và mang theo “chữ ký” của Chúa đều tồn tại vững bền. Những chương trình của con người luôn luôn thất bại; chúng đều có thời hạn, cũng như bản thân chúng ta. Hãy nghĩ đến nhiều chương trình chính trị, và cách chúng thay đổi từ bên này sang bên khác, trong mọi quốc gia. Hãy nghĩ đến những đế quốc hùng cường, hãy nghĩ đến những nhà độc tài của thế kỷ trước: họ cảm thấy rất hùng mạnh, họ nghĩ đến việc thống trị thế giới. Và rồi tất cả đều sụp đổ. Cũng hãy nghĩ đến những đế chế hôm nay: rồi chúng cũng sẽ sụp đổ, nếu Thiên Chúa không ở cùng họ, vì sức mạnh mà con người có trong mình không tồn tại lâu. Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mới tồn tại. Chúng ta hãy nghĩ đến lịch sử của Ki-tô giáo, và lịch sử của Giáo hội, với rất nhiều tội, với nhiều vụ bê bối, với rất nhiều điều kinh khủng trong suốt hai ngàn năm qua. Nhưng tại sao Giáo hội lại không sụp đổ? Giáo hội không sụp đổ vì Thiên Chúa hiện diện trong đó. Chúng ta là những tội nhân và nhiều lần chúng ta tạo ra những sự bê bối, nhưng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và Thiên Chúa cứu thoát chúng ta trước, và rồi đến họ, nhưng Chúa luôn luôn cứu thoát. Sức mạnh là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Nhắc đến một số cá nhân tự nhận mình là Đấng Mê-xi-a, Ga-ma-li-ên cho thấy rằng mọi dự án của con người có thể thu được sự chú ý nhưng rồi thất bại. Vì vậy, Ga-ma-li-ên kết luận rằng, nếu các môn đệ của Giê-su Na-da-rét đã tin vào một kẻ mạo danh, thì cuối cùng họ cũng sẽ biến mất vào không khí. Nhưng ngược lại, nếu họ tin vào Đấng từ Thiên Chúa đến, thì tốt hơn là đừng chống lại họ, và ông khuyên: “Không khéo quý vị lại trở thành những kẻ chống Thiên Chúa!” (Cv 5:39). Ông dạy chúng ta cách thực hiện sự phân định này. Đó là những lời làm an lòng và nhìn xa trông rộng, chúng làm cho họ nhìn thấy biến cố của Ki-tô giáo dưới một ánh sáng mới và đưa ra những tiêu chuẩn để “hiểu biết Tin mừng,” vì những lời đó mời gọi cách nhận biết cây bằng cách xem quả nó sinh ra (x. Mt 7:16). Những lời đó chạm đến tâm hồn và tạo ra được niềm hy vọng: những thành viên khác của Công nghị nghe theo ý kiến của ông và từ bỏ ý định kết án tử, tức là ý định giết các Tông đồ.

Chúng ta hãy xin Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, để dù là cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta có thể có được thói quen biết phân định. Chúng ta hãy xin Người làm cho chúng ta nhìn thấy được sự hiệp nhất của lịch sử cứu độ qua những dấu chỉ của con đường của Chúa trong trích đoạn này, trong thời đại của chúng ta và trên khuôn mặt của những người bên cạnh chúng ta, để chúng ta học biết rằng thời gian và những khuôn mặt của con người là các sứ giả của Thiên Chúa hằng sống.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Ngày bệnh Alzheimer Thế giới sẽ được kỷ niệm vào ngày 21 tháng Chín này, là một căn bệnh tấn công nhiều người nam và nữ, là những người mà vì căn bệnh này thường trở thành nạn nhân của bạo lực, bạc đãi và lạm dụng chà đạp lên phẩm giá của họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hoán cải của những tâm hồn và cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bệnh Alzheimer, cho gia đình và những người yêu thương chăm sóc họ. Cha cũng đã đưa vào trong ý cầu nguyện, nhớ đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư, để tất cả họ ngày càng có được nhiều sự hỗ trợ, bất kể trong việc ngăn ngừa hoặc việc điều trị bệnh.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/9/2019]

Comments are closed.

phone-icon