Những Bài Giảng từ Trái Tim: Cuộc đời của Thánh Gioan Kim Khẩu

0

“Một tâm hồn tươi sáng, vui vẻ, dịu dàng… được nâng cao, thanh luyện và biến đổi bởi được chạm vào thiên đàng”

Bởi: GREGORY K. ROA

Mùa chay năm 387 là một mùa lo lắng cho các Kitô hữu của thành Antiôkia.

Các tín hữu này sống ở một trong những thành phố lớn nhất, giàu có và tráng lệ nhất trong Đế quốc La Mã, và số lượng của họ đã tăng lên gấp bội kể từ khi Thánh Phêrô và Phaolô truyền giáo ở đó. Nhà thờ chính của họ là một trong những tòa nhà đẹp nhất thành phố.

Nhưng bất chấp lịch sử và di sản của họ, tương lai của Antiôkia vẫn trong tình thế nguy hiểm. Việc áp đặt thuế đột ngột đã gây ra những bạo loạn và một đám đông dân chúng giận dữ đã phá hủy các bức tượng của gia đình hoàng gia. Thiết quân luật (Martial law)[1] đã được áp đặt và các sứ giả được gửi đến thành phố Constantinople (thủ đô của nước Hy Lạp)  để báo tin cho hoàng đế. Tin đồn rằng hoàng đế sẽ trừng phạt sự xúc phạm cá nhân này bằng cách san bằng (tiêu diệt) thành phố.

Tổng giám mục của Antiôkia đã đưa ra hai quyết định định mệnh. Trước hết, ngài chạy đến thủ đô để cầu xin sự thương xót của hoàng đế. Thứ hai, ngài để lại người trợ lý của mình, là Gioan, với nhiệm vụ an ủi, khích lệ những người dân đang khiếp sợ ở đó.

Trong vài tuần sau đó, Gioan đã giảng một loạt các bài thuyết giáo thu hút sự chú ý của cộng đồng. Ngài đã khéo léo liên kết các chủ đề Mùa Chay truyền thống về sự ăn năn sám hối và tự suy ngẫm cùng với những lời cổ vũ để hướng về Thiên Chúa hầu có được sự giải thoát về mặt tinh thần và dân sự. Nhưng Gioan không chỉ cố gắng nâng cao tinh thần; ngài đã sử dụng chính cuộc khủng hoảng để nâng cao tâm trí và trái tim của mọi người lên với Chúa.

Trong những Bài Giảng về các Bức Tượng này, Gioan đã kêu gọi những người nghe hướng đến sự thánh thiện anh hùng đặc trưng cho cuộc sống của chính mình. Ngài thúc giục họ hãy xem thảm họa sắp xảy đến như một lời kêu gọi để cầu nguyện, đền tội và tin tưởng vững chắc vào Thiên Chúa. Lời rao giảng của Gioan rất cảm động đến nỗi ngay cả những người ngoài Kitô giáo cũng phải đón nhận những lời của ngài vào tâm hồn họ. Những cuộc bạo loạn chấm dứt và sau vài tuần lo lắng, hoàng đế đã đồng ý tha thứ cho thành phố.

Sự kiện trên đã khiến Gioan nổi tiếng và trở thành một phần của truyền thuyết mà sau này đã giúp ngài có được biệt danh: Chrysostom (Gioan Kim Khẩu), tiếng Hy Lạp là “môi miệng vàng” hay “lưỡi vàng”. Đây cũng là cuộc chạm trán đầu tiên của Gioan với những hoạt động chính trị của đế quốc – một điềm báo mà cuối cùng ngài phải trả giá bằng cuộc sống của ngài.

Một Nền Tảng cho Sự Thánh Thiện

Gioan được sinh ra ở Antiôkia vào khoảng năm 350 và được nuôi dưỡng bởi người mẹ góa của mình là Anthousa, một Kitô hữu đạo đức. Gioan nhận được một nền giáo dục cổ điển từ một học giả ngoại giáo nổi tiếng, người ca ngợi tài năng của Gioan, ông nói rằng Gioan nên trở thành người thay thế ông nếu Gioan đã không chọn Kitô giáo.

Đó không phải là một quyết định đơn giản đối với Gioan. Anh yêu thích các điểm tham quan văn hóa của các tòa án và nhà hát của thành phố Antiôkia. Nhưng khi người bạn thân thiết thời thơ ấu của anh gia nhập một tu viện địa phương, Gioan biết rằng anh phải thực hành một sự tiếp cận nghiêm túc hơn với đức tin của chính mình.

Khi Gioan đang cân nhắc lựa chọn của mình, một giám mục can đảm tên Mêlêtiô đang chịu trách nhiệm tại Antiôkia. Cùng với nhau, ba nhân chứng là mẹ, người bạn và giám mục thúc đẩy chàng trai trẻ làm cho sự thánh thiện trở thành tham vọng lớn lao của mình.

Gioan cũng trở thành một phần của một cộng đồng các tu sĩ khổ tu. Gioan sống ẩn dật trên những ngọn đồi bên ngoài thành phố và tận tâm nghiên cứu, học hỏi lời Chúa. Theo một trong những người cùng thời, thầy Gioan đã yêu thích những nghiên cứu thiêng liêng, và học thuộc lòng Cựu Ước và Tân Ước, Gioan “đã say mê với việc nghiên cứu thiêng liêng, thánh thiện” và thầy đã học các sách Thánh Kinh Cựu và Tân Ước. Thầy vui mừng là một tu sĩ vĩnh viễn, nhưng sau sáu năm, sự khắc nghiệt khổ hạnh đã chứng minh rằng thầy đã tận tâm quá nhiều cho việc tu học. Sức khỏe không tốt đã buộc thầy trở lại thành phố và làm cho thầy phải chịu đau đớn cho đến hết cuộc đời.

Nhằm Mục Đích Cao Cả. Sự mất mát của các tu sĩ là sự mất mát của thành phố Antiôkia. Thầy Gioan sớm trở nên tích cực trong nhà thờ địa phương, trước hết là phó tế và sau đó là linh mục. Cha bắt đầu cho ra đời các tác phẩm – một sự bảo vệ của tu viện, một cuộc sống của các vị thánh và một luận thuyết quan trọng “Về chức Linh mục”. Nhưng các tác phẩm của cha Gioan cho thấy một niềm tin sâu sắc rằng mọi người thuộc mọi tầng lớp đều có thể và nên sống trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Chẳng hạn, cha khuyên người lớn mới được rửa tội hãy xây dựng một thói quen: họ nên bắt đầu mỗi ngày bằng lời cầu nguyện buổi sáng và họ nên kết thúc mỗi buổi tối bằng cách cầu xin Chúa tha thứ cho bất kỳ tội lỗi nào đã phạm.

Có lẽ, nhờ được ảnh hưởng từ mẹ của mình, cha Gioan đã bảo vệ mạnh mẽ tính thánh thiêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình. Cha đã đi xa đến mức gọi gia đình là “một nhà thờ nhỏ” và nhấn mạnh tầm quan trọng của ơn gọi hôn nhân: “Bằng cách trở nên những người chồng và người vợ tốt, chúng ta có thể vượt trội hơn tất cả những người khác”. “Các bậc cha mẹ nên huấn luyện con cái của mình trở thành ‘những vận động viên cho Chúa Kitô’”. Cha thúc giục “Khi chúng ta dạy con cái mình sống tốt, hiền lành, biết tha thứ… chúng ta làm thấm nhuần các nhân đức trong tâm hồn con cái chúng ta và biểu lộ hình ảnh của Thiên Chúa trong họ”.

Mặc Khải trong Phụng Vụ. Cha Gioan trở thành người thuyết giảng chính của thành phố Antiôkia, ngài thường giảng về Thánh Kinh và đặc biệt về các thư của Thánh Phaolô. Những người nghe cha giảng rất ngạc nhiên vì ngài trích dẫn từ bộ nhớ của cha và không bao giờ phải ghi chú. Các bài giảng của cha Gioan rất hay đến nỗi người ta thậm chí đã chép lại và xuất bản chúng. Vì thế, phần lớn lời rao giảng của cha Gioan sót lại đã trở thành một nguồn tài liệu cho các nhà giảng thuyết qua nhiều thế kỷ.

Cha Gioan cũng vui mừng trong việc cử hành phụng vụ và chu kỳ các ngày lễ của phụng vụ. Ngài nhiệt tình tổ chức các cuộc gặp gỡ trong ngày các lễ hội của các vị thánh, các buổi cầu nguyện suốt đêm và các đám rước đến các đền thờ của các vị tử đạo. Đối với cha, những sự kiện như vậy là những dịp để kêu gọi mọi người đến với Thiên Chúa – Đấng đã hiến thân cho họ, để họ thể hiện đức tin của họ, thú nhận tội lỗi và để họ nhận lãnh lòng thương xót. “Hãy để mọi người bước vào niềm vui của Chúa! Người đầu tiên và người cuối cùng, hãy nhận lấy tiền lương của bạn”. Cha viết “Đừng để ai phải thất vọng về những lỗi tội của mình, vì sự tha thứ đã bắt nguồn từ ngôi mộ. Đừng để ai sợ chết, vì cái chết của Đấng Cứu Thế đã giải thoát chúng ta”.

Giám Mục và Nhà Cải Cách. Cha Gioan đã trở nên nổi tiếng đến mức khoảng năm 398, một hoàng đế mới, Arkadio và vợ của ông, Eudoxia, đã buộc ngài phải được hộ tống đến Constantinople và thánh hiến ngài làm giám mục. Họ cảm thấy rằng thủ đô của họ xứng đáng với nhà diễn thuyết nổi tiếng nhất của đế chế. Chấp nhận điều này như ý Chúa, cha Gioan cố gắng trở thành vị mục tử tốt nhất có thể cho thành phố. Và như đã làm ở Antiôkia, ngài đã giảng về lòng trắc ẩn và tố cáo sự thiếu bác ái mà ngài thấy trong một xã hội được gọi là Kitô giáo của Constantinople.

Đức Giám mục Gioan nói người nghèo không giống như những bức tượng bằng đá cẩm thạch mà người ta có thể đơn giản bước qua và bỏ qua. “Không có gì quá lạnh lùng như khi một Kitô hữu không quan tâm đến ơn cứu rỗi của người khác”. Không chỉ giảng về đời sống Kitô hữu, Giám mục Gioan cũng đưa ra những thí dụ. Ngài sống đơn giản và bán hết những đồ trang trí xa hoa từ cung điện giám mục để nuôi những người nghèo đói và xây các bệnh viện.

Đức Giám mục Gioan kêu gọi các nhà lãnh đạo khác của Giáo Hội thực hiện việc cải cách. Ngài đã giải quyết các vụ bê bối tình dục giữa các giáo sĩ, khiển trách một số tu sĩ vì hành vi phóng túng và đã phế truất một số giám mục bị kết án vì tội lạm dụng tài chính. Có thể hiểu, những cải cách đã khiến cho ngài có nhiều kẻ thù.

“Tôi Sẽ Sợ Ai?” Không kẻ thù nào của Đức Giám mục Gioan mạnh hơn Hoàng hậu Eudoxia. Lúc đầu thân thiện với ngài, về sau nữ hoàng đã phải phẫn nộ với vị giám mục hay phê bình thẳng thắn. Một phần vì những âm mưu cung điện và phe phái. Cũng thỉnh thoảng, khi nữ hoàng tham dự để nghe các bài giảng của Đức Giám mục trong nhà thờ chánh tòa, ngài đã tố cáo sự phung phí của phụ nữ về thời trang – một lời chỉ trích không quá tế nhị về trang phục của nữ hoàng. Một lần, sau khi hoàng hậu Eudoxia chiếm đoạt tài sản của một góa phụ, Đức Giám mục Gioan đã công khai so sánh hoàng hậu với hoàng hậu khét tiếng Ideven (Jezebel) trong Thánh Kinh  (x. 1 V 21).

Sự rạn nứt với hoàng hậu Eudoxia có thể đã được sửa chữa, nếu không có sự tranh cãi với Theophilus, Tổng Giám mục Alexandria. Khi Đức Giám mục Gioan ra lệnh cho Theophilus đến Constantinople để trả lời các cáo buộc lạm dụng khác nhau và vị Tổng giám mục Theophilus này bị cáo buộc đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ một số cố vấn của Eudoxia. Nhóm này đã dàn xếp một hội đồng giáo sĩ, những người không bằng lòng với những cải cách trước đó của Đức Giám mục Gioan. Cùng với nhau, họ khăng khăng đòi trả thù bằng cách bỏ phiếu để đẩy ngài ra khỏi chức vụ.

Bị thuyết phục bởi hội đồng giả mạo này, hoàng đế Arkadio đã kết án Đức Giám mục Gioan phải đi lưu đày. Có một khoảng thời gian ngắn “ngừng chiến (ngưng hoạt động)”, nhưng những nỗ lực của Đức Giám mục Gioan để bào chữa cho chính mình đã không thành công. Khi mối hận thù nổ ra một lần nữa, ngài đã ví hoàng hậu Eudoxia với vợ của vua Hêrôđia (Herod), người đã thông đồng trong vụ giết Gioan Tẩy Giả: “Bà đã tìm cách để có được đầu của Gioan trên một cái đĩa!”

Khi hoàng đế Arkadio một lần nữa ra lệnh cho Đức Giám mục Gioan phải ra đi, vào năm 404, người dân thành Constantinople đã phẫn nộ và đe dọa một cuộc nổi dậy. Đức Giám mục đã ngăn chặn bi kịch bằng cách đồng ý ra đi trong bình an. Ngay trước khi lặng lẽ ra đi, ngài đã an ủi các tín hữu của mình bằng một lời tuyên bố về đức tin:

Nếu Đức Kitô ở với cha, cha còn sợ gì ai? Dẫu cơn giận dữ của các kẻ quyền quý có nổi lên như phong ba bão táp giữa biển khơi xô đẩy dập vùi cha, với cha chúng còn mỏng manh hơn lưới mạng nhện…

Nếu Thiên Chúa muốn cha ở lại đây, cha biết ơn Người. Nhưng bất cứ nơi nào Chúa muốn cha ở, cha vẫn biết ơn Người. Tuy nhiên, nơi cha đang ở, cũng là nơi các con ở và nơi các con ở, cha cũng đang ở. Vì chúng ta là một thân mình duy nhất… Khoảng cách tách lìa chúng ta, nhưng tình yêu liên kết chúng ta và chính cái chết không thể chia rẽ chúng ta. Vì dù thân xác cha chết, linh hồn cha sẽ sống và nhớ đến dân của cha.

Lưu Vong và Trở Về. Đức Giám mục Gioan bắt đầu một hành trình dài và đau đớn. Khi ngài bị giải từ tiền đồn biên phòng này sang tiền đồn khác, sức khỏe yếu ớt của ngài ngày càng tồi tệ. Tuy nhiên, ngài vẫn tìm thấy năng lượng để viết thư động viên những người ủng hộ mình, những người đang bị bách hại; ngài lo lắng cho những đau khổ của họ hơn là của chính mình.

Đức Giám mục Gioan không bao giờ ngừng kêu gọi giáo hoàng và các giám mục khác để xin giúp đỡ, nhưng đã quá muộn. Vào năm 407, khi ngài đang được chuyển đến một địa điểm xa xôi khác trên Biển Đen, cái chết đã đến với ngài. Thật thích hợp, ngài đã chết trong nhà nguyện của một ngôi đền dành cho một vị tử đạo địa phương – “một vận động viên khác cho Chúa Kitô”, người theo đuổi sự thánh thiện đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Hơn ba mươi năm sau, Đức cha Gioan được minh oan. Người thừa kế hoàng đế Arkadio và Eudoxia đã cúi đầu trước ý muốn của công dân thành Constantinople bằng cách trả lại các di tích của Chrysostom (Gioan Kim Khẩu) cho thủ đô và công khai xin Thiên Chúa tha thứ cho cha mẹ của mình.

Ngày nay, Thánh Gioan Kim Khẩu được tôn vinh là một Tiến sĩ của Hội Thánh và là một trong những giáo phụ lớn nhất của Giáo hội Đông phương thời kỳ đầu. Cuộc sống của ngài không chỉ phù hợp với lời rao giảng của ngài, và các tác phẩm của ngài đã truyền cảm hứng cho các Kitô hữu qua các thời đại. Chân phước John Newman, một học giả nhiệt thành của lịch sử Giáo Hội, đã tóm tắt ảnh hưởng của ngài theo cách này: “Một tâm hồn tươi sáng, vui vẻ, hiền lành; một trái tim nhạy cảm, một tính khí cởi mở với cảm xúc và xung năng; và tất cả điều này được nâng lên, được thanh luyện, được biến đổi bởi sự đụng chạm đến thiên đàng, đó là Thánh Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom).

Gregory Roa sống gần Washington D.C với vợ và ba con.

Theo The Word Among Us[wau.org]
Saints & Heroes Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

[1] Martial law: Thiết quân luật là việc áp đặt sức mạnh quân sự tại những vùng được chỉ định dựa trên tình huống khẩn cấp. Theo đó, một hệ thống các quy định sẽ có hiệu lực khi quân đội nắm quyền kiểm soát quyền quản lý tư pháp bình thường.

Comments are closed.

phone-icon