Chúa về Trời – SN Lễ Chúa Thăng Thiên năm A

0

Suy niệm: Mt 28, 16 – 20

Hôm nay Chúa về trời không theo nghĩa không gian như có người lầm tưởng là “bầu trời” hay “khí quyển”, nơi có mây, có chim chóc bay lượn. Cũng không phải khoảng không vũ trụ, nơi có các vì sao, hành tinh và các thiên thể như sách sáng thế mô tả (St 1,14-18). Đây là tầng trời nơi Thiên Chúa ngự. Đây là nơi Đức Mẹ và các Thánh đang được hưởng vinh phúc với Chúa. Đây cũng là nơi về của những ai chết trong ơn nghĩa của Chúa: “Bất cứ ai tin vào Chúa Ki-Tô sẽ không hư mất nhưng sẽ có sự sống đời đời (Ga 3,16). Đây là nơi cư ngụ cả phần hồn lẫn phần xác của chúng ta khi Chúa quang lâm. Biến cố vui mừng Chúa lên trời cũng như sự lên trời cả hồn lẫn xác của Mẹ Maria cho chúng ta niềm hy vọng viên mãn này.

Trời, Thiên Đàng, hôm nay Chúa về là tình trạng tương quan với Thiên Chúa. Trời là nơi cực lạc. Thế nhưng Chúa Giê-su cũng không thể diễn tả cho tôi hiểu về nơi ấy vì ngôn ngữ trần gian giới hạn. Hơn nữa, tôi đang bị bức màn xác thịt này che chắn nên không thể nắm bắt được chân lý này. Để giúp tôi ý niệm một cách lờ mờ, Chúa Giê-su đã dùng những hình ảnh quen thuộc như bữa tiệc, lưới cá…Nhưng những hình ảnh còn nhiều khiếm khuyết, vì Thiên Đàng, Trời, nơi Thiên Chúa ngự vẫn còn là một màu nhiệm đối với tôi. Chỉ chắc một điều, là nơi ấy, tôi được hoàn toàn hạnh phúc, vì tôi được ở với Chúa.Trời, là giấc mơ của người yêu được về bên người yêu. Trời, là niềm hi vọng của người lưu đày nhớ về quê hương, là mong ước của hôn thê được gặp mặt hôn phu, là niềm vui của người con được trở về với cha mẹ…

Trời, theo Thánh Phaolô, là khung trời của tình yêu Chúa Ki-Tô, của tình yêu viên mãn. Chính Thiên đàng này mà Chúa Giê-su đã hứa cho anh trộm lành: “Hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trên Thiên đàng.” Trời, cũng là bữa ăn thân tình mà Chúa Giê-su sẽ là người phục vụ: “Người sẽ thắt lưng đi lại phục vụ họ (Lc 12,37).  Chúa Giê-su nói: “Đây Ta đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở. Ta sẽ vào dùng bữa với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Bữa ăn buổi chiều khi mọi sự đã hoàn tất. Người ta sẽ có nhiều thời gian bên nhau và dành cho nhau. Trời, là bầu trời hạnh phúc của người yêu bên người yêu cách viên mãn nhất. Trời đó, thánh Gioan đã mô tả; “Tôi thấy trời mới đất mới. Và tôi thấy thành thánh Giê-ru-sa lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Và tôi nghe từ ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở với nhân loại, Ngài sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Ngài, còn Ngài sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,1-4.23). Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. Trời, đó là nơi tôi sẽ thấy Thiên Chúa tình yêu như Người là. Tôi sẽ diện đối diện với Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc bất tận.

Hôm nay Chúa về nơi ấy, về cùng Cha, nơi Ngài đã ở trước khi xuống trần gian. Chính Ngài đã minh định điều này: “Không một ai đã lên trời trừ Đấng đã từ trời xuống (Ga 3,13). Con Thiên Chúa đã từ trời xuống để trở nên Con của loài người như tôi. Ngài đã hoàn tất ý định cứu độ của Cha qua cái chết đau thương trên thập giá. Thập giá là cao điểm của tình yêu: Đỉnh cao của tình yêu Con đối với Cha, của Anh Trưởng đối với đàn em tội lỗi, đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa, đỉnh cao của Con Người Giê-su. Chính trên đỉnh cao của đau khổ và sự chết này đã bùng nổ sự phục sinh và tôn vinh. Ba khía cạnh nhưng chỉ một thực tại, một giây phút và một màu nhiệm.

Hôm nay Ngài từ giã tôi về trời để hiện diện với tôi một cách khác hữu hiệu hơn qua Thánh Thần của Ngài. Cuộc sống trần thế của Ngài tuy ngắn ngủi, nhưng Ngài đã hoàn trọn chương trình lớn lao.

 Flor Mc Carthy kể chuyện cười như sau: Sau khi chết, Chúa Giê-su về trời, Tổng Lãnh thiên Thần Gabriel ngạc nhiên khi thấy Chúa Giê-su trở về trời sớm quá. Ba mươi ba năm, một thời gian quá ngắn đối với một cuộc đời. Đặc biệt ngắn đối với một nhiệm vụ quan trọng và lớn lao.

Thiên Thần Gabriel hỏi Chúa Giê-su: Sao Ngài trở về sớm thế?

Chúa Giê-su trả lời: Ta muốn ở lại lâu hơn nữa nhưng họ đóng đinh Ta.

Thiên Thần Gabriel: Họ đóng đinh Ngài sao? Như thế là Ngài thất bại rồi!

Chúa Giê-su trả lời: Thất bại hay không, không cần thiết. Chắc con biết, Ta đã huấn luyện được một nhóm nhỏ các môn đệ. Họ sẽ đảm nhiệm công việc thay Ta.

Thiên Thần Gabriel: Nếu họ cũng thất bại như Ngài thì sao?

Chúa Giê-su trả lời: Ta không còn chương trình nào khác nữa.

Thật thế, Chúa Giê-su không còn chương trình nào khác ngoài việc rao giảng Tin Mừng cho Israel. Và khi về trời, Ngài lại trao quyền này cho các tông đồ. Đây quả là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, nhưng Ngài vẫn thực hiện. Ngài sẽ gửi Thánh Thần đến để yểm trợ các Ngài: “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

Lời hứa của Ngài cho các môn đệ sự can đảm và sức mạnh để đương đầu với bất cứ khó khăn nào. Các môn đệ sẽ là chứng nhân, chứng nhân của tình yêu Cha, là chứng nhân của Ngài trong sự sống của Chúa Thánh Thần: “Anh em sắp nhận một sức mạnh, sức mạnh của Thánh Thần sẽ đến trên anh em. Lúc đó anh em sẽ là chứng nhân của Ta ở Giê-ru-sa-lem trong tất cả miền Giu-đê và Samari cho đến tận cùng trái đất.”

Chúa Giê-su về trời, Ngài nhận lại vinh quang. Việc ra đi của Ngài cần thiết và hữu ích cho các môn đệ vì Thánh Thần sẽ xuống trên các Ngài.

Cuộc đời Chúa Giê-su trải dài qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là cuộc sống trên trái đất từ khi sinh ra đến lúc chết. Đây là thời kỳ rao giảng và tử nạn. Thời kỳ hai từ Phục Sinh đến lên trời. Thời gian này rất ngắn khoảng bốn mươi ngày. Thời kỳ ba từ lên trời đến khi Chúa Ki-Tô đến trong vinh quang, thời kỳ chấm dứt lịch sử thế giới.

Thời gian chúng ta đang sống là thời gian của Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su về trời để Ngài hiện diện với tôi cách trọn vẹn, quyết định và rộng rãi hơn. Ngài trao cho tôi sứ mệnh cao cả là chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là một đặc ân lớn lao. Ngài cho tôi cơ hội để trưởng thành. Ngài cho tôi khoảng trống tức sự vắng mặt của Ngài để tôi phát huy khả năng. Ngài tôn trọng và tin tưởng tôi: “Anh em hãy đi và làm chứng cho muôn dân…”

Con đường làm chứng cho sự thật của tôi là sống chân thật. Con đường làm chứng cho công lý của tôi là hành động công bình với mọi người. Con đường làm chứng cho tình yêu của tôi là yêu thương hết mọi người nhất là những người bé nhỏ. Con đường làm chứng cho bình an của tôi là sống an vui với mọi người.

Vì chứng nhân là những người đã có kinh nghiệm về Chúa Ki-Tô, về Thiên Chúa trong cuộc sống. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa ở trong họ. Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh không thay đổi thế giới mà ta đang sống, nhưng giúp ta can đảm chấp nhận khó khăn. Ngài như khiên mộc giúp chúng ta chống lại thất vọng và buông xuôi.

Mặc dù những người theo Chúa phải chịu nhiều sự bắt bớ và gặp nhiều thất bại nhưng Tin Mừng vẫn không bị giới hạn. Lời hứa của Chúa đã ứng nghiệm.

Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Đấng ở trong cung lòng Chúa Cha như Thầy cả Thượng Phẩm không ngừng chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta vui mừng vì Ngài đã hoàn tất sứ mạng Cha trao trong vinh quang. Và Ngài cũng trao cho chúng ta sứ mạng tiếp nối sứ mạng của Ngài trên trần gian. Chúng ta chỉ có thể hoàn trọn nó trong đời sống chứng nhân. Đời sống của người cảm nghiệm về Chúa, về công việc của Chúa để là dấu chỉ về sức mạnh và tình yêu của Chúa cho con người thời nay.

Xin Đấng Phục sinh luôn đồng hành với tôi để tôi thực hành lời trăn trối của Ngài : Anh em hãy ra đi làm cho mọi người trở thành môn đệ của Ta.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon