Nép đẹp của sự gặp gỡ

0

Trong một buổi chiều nắng đẹp, các môn đệ đang đi dạo với Thầy Giê-su, các ông cứ đi loanh quanh luẩn quẩn như muốn nói với Thầy điều gì đó, ông này thúc ông kia, cuối cùng môn đệ can đảm nhất đã thưa với Thầy: Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện[1]. Thật vậy, Đức Giê-su không chỉ là người dạy các môn sinh của Người phải cầu nguyện mà Người con là mẫu gương về việc gặp gỡ Thiên Chúa. Một hình ảnh rất đẹp đã nhiều lần được các tác giả Tin Mừng ghi lại về việc Giêsu cầu nguyện một mình, chẳng hạn như: Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình[2] . Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó[3]. Phải chăng có điều gì đó rất riêng biệt mà Đức Giê-su đã giấu mọi người khi lánh lên núi cao cầu nguyện? Có điều gì đó mà Người luôn che phủ bằng sự thinh lặng bất ngờ, hay lánh đi mau chóng?[4]. Đó có phải là nét đẹp của cầu nguyện – một cuộc gặp gỡ thân tình, cá vị với Thiên Chúa? Một nét đẹp, một sự ấm áp nào đó mà chỉ người trong cuộc mới hiểu?

1. Cuộc gặp gỡ thân tình

Ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh chúng ta đã thấy hình ảnh của những cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa.

Trong trình thuật sách Sáng thế ta thấy một cuộc đối thoại thân tình giữa Thiên Chúa và Abraham. Hình ảnh tổ phụ trả giá với Chúa từ 50 người xuống 20, xuống 10 cho chúng ta thấy sức mạnh của lời cầu nguyện[5]

Chúng ta lại bắt gặp một hình ảnh có vẻ như bạo lực nhưng đã được truyền thống linh đạo của Hội Thánh xem là biểu tượng của việc cầu nguyện xét như cuộc chiến đấu của đức tin[6]. Đó là hình ảnh Giacóp vật lộn suốt đêm với một nhân vật huyền bí. Vị này không chịu nói tên nhưng đã chúc phúc cho Giacóp trước khi bỏ đi lúc bình minh[7].

Lại một hình ảnh ấn tượng được trưng dẫn trong  sách xuất hành: đó là cuộc gặp gỡ thân tình giữa Thiên Chúa và Môsê. Trình thuật diễn tả bức tranh Thiên Chúa đàm đạo với Môsê, mặt giáp mặt như hai người bạn[8]. Ông Môsê “nói chuyện” thường xuyên và lâu giờ với Chúa, khi ông lên núi để lắng nghe và cầu khẩn Ngài, khi ông xuống gặp dân để nói cho họ những lời của Thiên Chúa và để hướng dẫn họ. “Trong toàn thể nhà Ta, Môsê là người trung thành nhất, thật vậy, Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền” (Ds 12, 7-8) vì “ông Môsê là người hiền nhất đời” (Ds12,3).

Sang Tân ước chúng ta cũng gặp thấy những cuộc gặp gỡ thần linh khi sứ thần truyền tin cho Đức Maria, hay trong giấc mơ của Giuse trong biến cố Con Thiên Chúa làm người. Và sau này là cuộc gặp gỡ với Phaolô trên đường Đa mát…tất cả làm sáng lên bức tranh về việc cầu nguyện – cuộc gặp gỡ cá vị và thân tình với Thiên Chúa.

2. Một cuộc gặp gỡ riêng tư

Như đã nói ở trên: “cầu nguyện – một cuộc gặp gỡ thân tình, cá vị với Thiên Chúa. Một nét đẹp, một sự ấm áp nào đó mà chỉ người trong cuộc mới hiểu” điều đó cho thấy việc cầu nguyện – gặp gỡ Thiên Chúa mỗi ngày rất quan trọng.

Qua việc sống mối liên hệ tình con thảo với Chúa Cha, qua việc trung thành và kiên trì cầu nguyện chúng ta có thể mở những cánh cửa hướng về trời[9]. Chính nhờ cầu nguyện mà chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa cách thân mật và sâu xa hơn[10].

Nhờ việc cầu nguyện, gặp gỡ và tiếp xúc thân tình với Chúa chúng ta mới có thể hóa giải những tâm trạng chưa ổn thỏa của mình, biến nó thành tích cực và niềm vui sống trong sáng và qua đó ta hiểu được thế nào là cuộc sống và phải thể hiện cuộc sống của mình thế nào. Phải có kinh nghiệm sống với Chúa thì mới có được tấm lòng để sống với mọi người và mọi sự. Ta phải gặp gỡ Chúa từ chính tâm hồn mình, nếu không thì mọi nỗ lực và giải pháp đều vô ích[11].

Ngoài ra việc cầu nguyện, sống kết hợp với Thiên Chúa không làm cho chúng ta xa rời trần thế nhưng cho chúng ta thực sự có sức mạnh để ở lại trong Thiên Chúa theo cách thế phải hành động như một người sống giữa trần gian mà không thuộc về thế gian. Càng dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện thì càng cảm nhận rằng đời sống được biến đổi và trở nên sinh động nhờ sức mạnh cụ thể của tình yêu Thiên Chúa[12].

Hơn nữa việc dành giờ ngồi trước sự hiện diện của Thiên Chúa mỗi sáng, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần kia, tháng này qua tháng nọ trong sự lúng túng và vô số những chia trí khác sẽ thay đổi đời ta cách triệt để[13]. Và qua cầu nguyện chúng ta mới khám phá ra  rằng chỉ có mình Chúa là có thể sống trọn vẹn nơi chính sâu xa trong lòng mình và cho bạn cảm giác an toàn[14].

Chính vì thế, mỗi người cần tìm ra cho mình một cách thức cầu nguyện riêng để gặp gỡ Thiên Chúa.

Cầu nguyện là điều cần thiết, sống còn cho mọi người, đặc biệt là người môn đệ, cầu nguyện ví như hơi thở, như cá cần nước, như em thơ cần sữa mẹ, như đại dương cần sóng vỗ…

Có người quan niệm rằng: cầu nguyện cần có nơi chốn, có chuẩn bị. Điều này không sai vì cầu nguyện có thể ví như một buổi gặp gỡ, hẹn hò giữa ta và Thiên Chúa… chính vì lẽ đó mà ta cần phải chuẩn bị.

Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có thể răm rắp tuân theo những quy định sẵn có ấy vì còn phải phụ thuộc vào thời gian, hoàn cảnh, nơi chốn…

Trong tương quan của tình yêu, chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa là người Cha yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ, đồng hành.. Và nếu đã cảm nhận được điều đó thì chúng ta có thể gặp Người bất cứ lúc nào, có thể như hai cha con cùng đi bách bộ, cũng có thể như đứa con nhỏ đi xa về sà vào lòng Cha nó, như đứa con đi làm vất vả ngồi bên thềm với mái quạt của mẹ, như người bạn chất chứa bao tâm sự chỉ cần có người bạn ngồi bên…Chúng ta có thể gặp Chúa khi thả đôi chân trên dòng suối mát lạnh, khi thấy bông hoa đang mỉm cười, khi thấy chú cá đang bơi lội tự do.

Và cái gì làm cho chúng ta nâng tâm hồn lên cùng Chúa thì đó là cầu nguyện – nét đẹp của sự gặp gỡ mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Nữ tu Maria Phạm Thị Thanh Trang
(HVTVK)

[1] Lc11, 1-4
[2] Mt 14,23
[3] Mc 1,35
[4] Timothy Radcliffe, TẠI SAO LÀ KI-TÔ HỮU tr 117
[5] St 18, 23-25.
[6] SGLHTCG 2573.
[7] St 32, 25-31
[8] Xh33, 11
[9] ĐTC Benedicto XVI, CẦU NGUYỆN tr 179
[10] ĐTC Benedicto XVI, CẦU NGUYỆN tr 197
[11] LM Thái Nguyên, NHỮNG CÁNH HOA TÂM LINH tập I tr 18
[12] ĐTC Benedicto XVI, CẦU NGUYỆN tr 328
[13] Chỉ Có Một Điều Cần Thôi, HERI J M NOUWEN, tr 215
[14] Tiếng Nói Bên Trong Tình Yêu, HENRI J M NOUWEN, tr 73

Comments are closed.

phone-icon