Thông Điệp SUPREMI APOSTOLATUS OFFICIO về Kinh Mân Côi

0

Thông Điệp SUPREMI APOSTOLATUS OFFICIO của Đức Thánh Cha Lê-ô XIII
v
ề Kinh Mân Côi trong lịch sử và hiện tại.

Ẩn nương bên Mẹ Maria

1. Chức vụ Tông Đồ trưởng mà Tôi đang đảm nhiệm, cũng như những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng mà chúng liên hệ tới thời đại hôm nay, đang ngày ngày nhắc nhở và thúc ép Tôi, càng ngày càng phải quan tâm tới việc bảo vệ và ơn cứu độ của Giáo hội hơn nữa. Và khi càng quan tâm tới điều đó bao nhiêu thì Tôi lại càng cảm thấy Giáo hội phải chiến đấu mãnh liệt hơn bấy nhiêu. Trong khi Tôi cố gắng hết sức bao nhiêu có thể để bảo vệ Giáo hội với tất cả mọi phương thế sẵn có, và cố gắng giúp Giáo hội tránh xa những mối hiểm nguy đang rình chờ và luôn có đó, hay cố gắng ngăn ngừa chúng, thì Tôi cũng luôn luôn lo lắng để làm sao có được ơn phù trợ từ Trời Cao. Chỉ có như thế thì những nỗ lực hay những mối bận tâm của Tôi mới có thể có được những kết quả mong đợi.

Và để đạt được mục tiêu đó, Tôi cho rằng, chẳng có bất cứ điều gì hữu ích và hiệu năng hơn cho bằng việc chạy đến kêu xin lòng từ bi của Mẹ Thiên Chúa Tối Cao – Đức Trinh Nữ Maria – trong niềm tôn kính con thảo. Trước nhan Thiên Chúa, Mẹ chính là Đấng trao ban bình an cho chúng ta, và cũng là Đấng trao ban mọi ân phúc bởi trời. Với quyền năng vĩ đại và vinh quang chói ngời, Mẹ ngự chốn trời cao để bảo đảm rằng, Mẹ sẽ bảo vệ chở che tất cả những ai đang thực hiện một cuộc hành trình đầy hiểm nguy và gian khổ trên con đường tiến về quê hương vĩnh cửu.

Giờ đây chúng ta đang tiến sát tới những ngày Đại Lễ, mà với những Đại Lễ đó, chúng ta kính nhớ vô vàn những điều thiện hảo đã được ban cho Dân Ki-tô giáo nhờ vào việc lần Chuỗi Mân Côi. Tôi ước mong rằng, trong năm nay, lời Kinh này sẽ được thực hiện với lòng sốt sắng đặc biệt để tôn kính Rất Thánh Trinh Nữ Maria trên toàn thế giới. Nhờ lời khẩn cầu của Mẹ, chắc chắn người Con Thần Tính của Mẹ sẽ ban tràn đầy ân sủng xuống trên chúng ta, và tỏ lòng nhân hậu đối với những nỗi khốn cùng của chúng ta.

Vì lý do đó, Tôi nghĩ rằng, cần phải gửi bức Thông Điệp này tới Chư Huynh khả kính để giải thích cho Chư Huynh hiểu rõ về những ý định của Tôi. Cụ thể là Chư Huynh hãy cố gắng nhóm lên tâm tình đạo đức trong Dân Chúa để họ hết lòng thực hiện những ước nguyện của Tôi.

2. Chạy đến tìm nương ẩn bên Mẹ Maria và nép mình vào cánh tay từ mẫu của Mẹ trong những thời khắc khốn cùng và khổ đau vẫn luôn là một nhu cầu khẩn thiết đối với người Công giáo từ xưa tới nay. Điều đó diễn tả niềm hy vọng chắc chắn và niềm tín thác không gì có thể chuyển lay mà Giáo hội Công giáo luôn đặt nơi Mẹ Thiên Chúa với tất cả sự đúng đắn. Đức Trinh Nữ không vướng vết nhơ tội nguyên, Đấng được tuyển chọn để làm Mẹ Thiên Chúa, và được kêu gọi để tham gia vào công trình cứu độ nhân loại, luôn hiện diện bên Con mình với niềm vinh hạnh lớn lao, và thủ đắc một quyền uy siêu việt, đến độ chẳng có bất cứ ai, và cũng chẳng có bất cứ một Thiên Thần nào có thể sánh ngang với Mẹ. Vì điều mà Mẹ yêu thích nhất chính là cứu giúp tất cả những ai chạy đến kêu cầu ơn cứu giúp của Mẹ, và Mẹ sẽ cứu giúp họ với tất cả sự trìu mến của mình. Chắc chắn Mẹ sẽ sẵn sàng lắng nghe hơn nữa lời kêu xin của toàn Giáo hội. Vâng, theo một nghĩa nào đó, Mẹ muốn được nghe những lời kêu cầu ấy.

Bất cứ khi nào xuất hiện những điều sai quấy, đặc biệt là khi chúng xuất hiện với một số lượng quá lớn, và bất cứ khi nào sự đồi bại diễn ra cách tràn lan, hay có những cuộc tấn công được tiến hành để nhắm vào Giáo hội chiến đấu, thì khi ấy, lòng tôn sùng to lớn đối với Nữ Vương Thiên Đàng cao vời sẽ lại nhận được một động lực tràn trề hy vọng.

Lịch sử Giáo hội minh chứng cho sự cứu giúp của Đức Maria

3. Lịch sử quá khứ cũng như hiện tại, đặc biệt là lịch sử Giáo hội, đã tường thuật cho thấy, Mẹ Thiên Chúa đã được các tín hữu, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, chạy đến kêu cầu như thế nào. Và lịch sử ấy cũng cho thấy rằng, người ta vẫn luôn thực hiện những lời khấn nguyện để tôn vinh Mẹ, và rồi, qua Mẹ, ơn cứu giúp đã đến, và Thiên Chúa đã ban bình an và yên vui xuống cho con người. Lịch sử ấy cũng cho thấy có rất nhiều những tước hiệu quan trọng mà Dân Công Giáo đã sử dụng để chào kính Đức Maria, cũng như để tôn xưng Mẹ là Đấng Ủi An, Đấng Chiến Thắng, và gọi Mẹ với danh hiệu là Đức Mẹ Chiến Thắng, hay Đức Mẹ Hòa Bình. Và có một danh xưng đáng được nhắc tới cách đặc biệt, đó là danh xưng: Đức Mẹ Mân Côi. Việc tưởng nhớ tới những hồng ân lạ lùng mà Đức Maria cho phép các Ki-tô hữu tham dự vào, luôn luôn liên kết với điều đó.

Kính thưa Chư Huynh, hẳn Chư Huynh đã rõ, biết bao nhiêu là sự khổ đau và nỗi khốn cùng mà bè rối An-bi-gioa đã gây ra cho Giáo hội hồi cuối thế kỷ XII. Bè rối ấy phát sinh từ giáo phái tân Ma-ni-kê, và đã phát tán những luận thuyết hết sức lầm lạc và nguy hiểm của chúng tại miền Nam nước Pháp cũng như tại những vùng khác của thế giới La-tinh. Chúng muốn xây dựng quyền thống trị của mình bằng sức mạnh quân sự, trên những đống thi thể và cảnh hoang tàn. Nhưng nhờ Lòng Nhân Hậu, Thiên Chúa đã cho xuất hiện một vị Đại Thánh rất nổi tiếng, đó là vị Tổ Phụ và cũng là Đấng Sáng Lập của Dòng Đa-minh, để chống lại kẻ thù rất đáng sợ đó. Ngài được đánh giá cao nhờ có nền Giáo lý thuần khiết, có đời sống Đức Hạnh và sự am hiểu rộng lớn về sứ vụ tông đồ. Ngài đã chiến đấu cách hăng say để bảo vệ Hội Thánh Công giáo. Ngài không cậy dựa vào sức mạnh của vũ khí, nhưng đặt trọn niềm tín thác vào quyền năng của một lời Kinh mà chính Ngài đã giới thiệu và áp dụng, đó là Kinh Rất Thánh Mân Côi. Lời Kinh này đã được phổ biến khắp nơi nhờ vào chính bản thân Ngài cũng như qua con cái của Ngài. Chắc chắn rằng, Thiên Chúa đã soi sáng cho Ngài cách đặc biệt về quyền năng của lời Kinh ấy, và nhờ thế, Ngài đã thấy trước được rằng, vũ khí đầy công hiệu ấy sẽ hoàn toàn chiến thắng quân thù, và buộc chúng phải từ bỏ những hành vi liều lĩnh và đầy điên rồ của mình, bởi chúng đi ngược lại với nền đạo đức đích thực. Mọi sự cũng đã diễn ra như lịch sử cho thấy. Sau khi lời Kinh ấy ngày càng được phổ biến và thực hành cách rộng rãi theo ý nguyện của Thánh Tổ Đa-minh, thì chúng ta thấy có một sự nở rộ về lòng đạo đức, về sự hăng say trong đời sống Đức Tin và về sự đồng tâm nhất trí, trong khi đó, những kế hoạch và những mưu toan của những kẻ lạc giáo lại không đạt được kết quả nào. Rất nhiều người trong số những kẻ lạc giáo đã được cứu thoát khỏi sự lầm lạc. Tinh thần chiến đấu của những kẻ còn lại đã bị khuất phục bởi đội quân Công giáo. Đội quân ấy đã tước bỏ vũ khí và sức kháng cự của những kẻ thù tôn giáo.

Ơn cứu giúp của Đức Mẹ tại vịnh Lepanto

4. Sức mạnh và hiệu năng của lời Kinh ấy đã được biểu lộ hết sức diệu kỳ vào thế kỷ XVI khi quân Thổ-nhĩ-kỳ đe dọa hầu như toàn bộ Châu Âu với những hành vi hung bạo. Chúng muốn thống trị vùng đất này bằng niềm tin sai lạc của chúng. Bấy giờ Đức Thánh Cha Pi-ô V đã kêu gọi các vị quân vương Ki-tô giáo hãy bảo vệ gia sản chung. Ngài đã hết sức cố gắng trong việc cầu khẩn quyền năng của Mẹ Thiên Chúa thông qua việc lần Chuỗi Mân Côi, để Mẹ cứu giúp dân Ki-tô giáo. Cảnh tượng diễn ra giữa trời và đất lúc đó thực sự là vô cùng trang trọng, và thu hút mọi trí lòng. Còn ngoài khơi vịnh Cô-rin-tô thì các tín hữu Chúa Ki-tô đợi chờ quân thù đến, với tất cả sự gan dạ, sẵn sàng đổ máu và hy sinh mạng sống cho quê hương và Đức Tin. Thay vì cậy dựa vào khí tài, họ quy tụ lại với nhau để cầu nguyện; họ quây quần bên Đức Mẹ và không ngừng dâng lên Mẹ lời Kinh Mân Côi để Mẹ giúp họ chiến thắng những binh lính mang khí giới. Lời cầu nguyện đã được lắng nghe, và Đức Nữ Vương của chúng ta đã ban ơn cứu giúp. Hạm đội Ki-tô giáo đã chiến thắng vang dội trong trận đánh trên biển Echinades. Quân thù đã bị đánh gục. Phía Ki-tô giáo chỉ bị tổn thất không đáng kể, nhưng bên phía quân thù thì tổn thất rất lớn. Để kính nhớ biến cố có sự can thiệp từ trời ấy, Đức Thánh Cha đã thiết lập một Đại Lễ để cử hành hằng năm nhằm tôn vinh Đức Mẹ Chiến Thắng, cũng như để tưởng nhớ tới trận đánh đó. Sau này, Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XIII đã đặt tên cho Đại Lễ đó là Đại Lễ “Đức Mẹ Mân Côi”.

Trận chiến thắng tại Temesvar và Corfu

Tương tự như thế, cách nay một thế kỷ, quân đội Thổ-nhĩ-kỳ cũng đã bị đánh bại tại Temesvar của Hungari và tại đảo Corfu. Những chiến thắng đó có được là nhờ vào việc Lần Chuỗi Mân Côi cách sốt sắng, và vì thế những Đại Lễ kính Đức Mẹ lại càng được củng cố. Những biến cố đó đã thôi thúc Vị Tiền Nhiệm của Tôi là Đức Clê-men-tê XI thiết lập Lễ Kính Đức Mẹ Mân Côi, và Lễ này được cử hành hàng năm trong Giáo hội để thể hiện lòng biết ơn đối với Đức Mẹ.

Kinh Mân Côi như là máng thông ơn

5. Vì xem ra Đức Trinh Nữ Rất Thánh rất hài lòng với lời kinh thánh thiện ấy, và vì lời Kinh ấy cũng rất thích hợp với việc bảo vệ Giáo hội và Ki-tô giáo, cũng như rất thích hợp để kéo ân sủng xuống cho đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn, nên sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các vị tiền nhiệm khác của Tôi đã hết lòng ca ngợi Kinh Mân Côi và đã cố gắng hết sức để phổ biến việc Lần Chuỗi. Đức Thánh Cha Ur-ba-nô IV tuyên bố rằng, “nhờ Kinh Mân Côi, các tín hữu sẽ lãnh nhận được ân phúc hằng ngày”. Đức Thánh Cha Six-tô IV thì giải thích rằng, cách thức cầu nguyện bằng việc Lần Chuỗi sẽ rất thích hợp “để làm vinh danh Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Rất Thánh, cũng như để bảo vệ thế giới trước những mối hiểm nguy”. Còn Đức Thánh Cha Lê-ô X thì gọi Kinh Mân Côi là “một vũ khí chống lại các bè rối công khai và bí mật”. Trong khi đó, Đức Thánh Cha Ju-li-ô III thì gọi Kinh Mân Côi là “vinh quang của Giáo hội Rô-ma”.

Đức Thánh Cha Pi-ô V cũng bày tỏ quan điểm cách tương tự khi Ngài tuyên bố rằng: “Nếu Lời Kinh ấy được duy trì và các tín hữu đắm mình trong Lời Kinh ấy, thì rồi ngọn lửa cầu nguyện đó sẽ bất thình lình làm cho những người khác được hoán cải. Bóng tối lạc giáo sẽ bị đẩy lùi, và ánh sáng của Đức Tin Công giáo sẽ bừng lên rực rỡ”. Còn Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XIII thì tuyên bố rằng: “Kinh Mân Côi được Thánh Đa-minh giới thiệu để giao hòa với Thiên Chúa và làm nguôi cơn giận của Ngài, cũng như để có được lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Rất Thánh.”

6. Sau khi đã cân nhắc cẩn thận và nhìn vào mẫu gương của các vị tiền nhiệm, Tôi thấy rằng, việc tổ chức những buổi Lần Chuỗi cách long trọng trong những ngày này là điều rất thích hợp, để với Kinh Mân Côi và nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ cao vời, chúng ta cũng sẽ nhận lãnh được những ơn cứu giúp như thế từ Chúa Giê-su, Con của Mẹ, trong những nỗi khốn cùng của chúng ta. Hỡi Chư Huynh khả kính, Chư Huynh đã thấy những nỗi cơ cực cũng như những cuộc chiến đấu đầy cam go và dai dẳng của Giáo hội. Chúng ta đang phải chứng kiến tinh thần đạo đức Ki-tô giáo, những tập quán chung, thậm chí ngay cả chính Đức Tin – tức điều cao quý nhất và là nền tảng của tất cả mọi nhân đức khác – đều đang bị liên lụy hằng ngày đến những mối hiểm nguy to lớn.

7. Tương tự như thế, Chư Huynh đã không chỉ thấy được những gánh nặng to lớn cũng như những mối ưu tư khác nhau mà Tôi đang phải mang nơi mình, nhưng trong Đức Ái, và theo một mức độ nào đó, Chư Huynh cũng còn đồng cảm với Tôi về những gánh nặng và những mối ưu tư đó nữa. Tuy nhiên, điều gây phiền não và đau buồn nhất, lại chính là việc có rất nhiềm tâm hồn đã được cứu chuộc nhờ Bửu Huyết của Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng vì nhiễm phải những thói lầm lạc của thời đại chúng ta, nên đang bị chao đảo và càng ngày càng sa lầy trong những điều xấu xa và bị hư đi đời đời. Chính vì thế mà trong thời đại ngày nay, ơn cứu chữa của Thiên Chúa không hề kém cần thiết chút nào so với thời mà Thánh Cả Đa-minh đã thiết lập việc Lần Chuỗi để xin ơn chữa lành cho một cộng đồng bị hư hoại.

Lần Chuỗi trong tháng Mười

8. Nhưng nhờ ơn soi sáng của Thiên Chúa, Thánh Nhân đã nhận ra rằng, phương dược hiệu nghiệm nhất có thể khắc trị những kiếp nạn trong thời đại của Ngài chính là việc con người tái trở về với Chúa Ki-tô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, và không ngừng nhớ tới công trình cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta, cũng như hệ tại ở việc người ta hướng về Đức Trinh Nữ – Đấng Cầu Thay Nguyện Giúp trước nhan Thiên Chúa – Đấng được ban cho ơn có khả năng phá tan mọi tà giáo. Vì thế, Thánh Nhân đã sắp xếp việc Lần Chuỗi để các mầu nhiệm cứu độ lần lượt được suy niệm, và một vòng hoa nhiệm mầu được tháp vào việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm ấy, được dệt nên từ lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần, và được đặt vào trong lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Bởi vậy, nếu chúng ta sử dụng phương dược ấy để khắc trị những kiếp nạn tương tự, thì chúng ta không được phép nghi ngờ rằng, Lời Kinh mà vị Đại Thánh đã thiết lập để kéo những phúc lành lớn lao đến cho thế giới Công giáo, sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc làm giảm bớt những nỗi khốn cùng của thời đại. Do đó, Tôi không chỉ khẩn khoản nhắn nhủ tất cả các Ki-tô hữu hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi cả ở nơi chung lẫn nơi riêng, trong các gia đình, và thực hiện việc ấy như một thói quen lâu dài, nhưng Tôi cũng còn muốn rằng, toàn bộ tháng Mười hằng năm sẽ được dâng hiến và được dành để tôn kính Nữ Vương Mân Côi Thiên Đàng. – Vì thế, Tôi xác định và truyền lệnh rằng, trong năm nay, Đại Lễ Kính Đức Trinh Nữ Rất Thánh Mân Côi sẽ được cử hành một cách long trọng ở bậc Lễ trọng trên toàn thế giới Công giáo, và từ ngày mồng 01 tháng 10 tới ngày mồng 02 tháng 11, mỗi ngày phải tổ chức đọc ít nhất năm chục Kinh Mân Côi cùng với Kinh Cầu Đức Bà tại tất cả các Giáo đường, và nếu các Đức Giám mục thấy là thích hợp và hữu ích, thì cũng làm như thế tại tất cả các ngôi Thánh Đường khác hay tại các Thánh Địa được cung hiến cho Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh, trên toàn thế giới. Tôi cũng mong muốn rằng, khi buổi đọc Kinh ấy diễn ra, thì đồng thời, hoặc là cử hành Thánh Lễ, hoặc là tổ chức chầu Thánh Thể, và sẽ có Phép Lành với Mình Thánh Chúa theo cách thức thông thường khi kết thúc buổi Phụng Vụ đó. – Ngoài ra, Tôi cũng thấy rằng, việc các Huynh Đoàn Mân Côi tổ chức các cuộc rước kiệu long trọng trên các đường phố để tuyên xưng Đức Tin của mình theo những cách thức mà các vị tiền bối của chúng ta đã thực hiện, là điều hết sức hữu ích. Tuy nhiên, ở một số nơi nào đó, có thể vì sự bất tiện về thời gian nên không tổ chức được các cuộc rước kiệu như thế, thì ở đó người ta có thể thay thế bằng việc đi viếng các nhà thờ, hay thực hành các buổi Phụng Vụ chung có bao hàm việc Lần Chuỗi, và nhờ vậy, lòng nhiệt thành thánh thiện sẽ được thúc đẩy thông qua việc năng luyện tập các nhân đức Ki-tô giáo.

9. Tôi muốn mở những kho tàng trên trời của Giáo hội ra với mục đích mang lại nhiều ích lợi hơn nữa cho những ai thi hành lệnh truyền của Tôi, cũng như để họ thấy được ở đó những động lực và sự tưởng thưởng cho đời sống đức hạnh của họ. Vì thế, tất cả những ai tham dự các buổi Lần Hạt chung trong khoảng thời gian mà Tôi đã ấn định trên kia, và cầu nguyện theo ý của Tôi, thì mỗi lần họ tham dự như thế, Tôi sẽ ban cho họ một ơn Đại Xá trong suốt bảy năm cộng với bảy tuần bốn mươi ngày. Ân xá đó cũng được ban cho tất cả những ai bị ngăn trở vì những lý do hợp pháp, không thể đến tham dự các buổi Lần Chuỗi chung được, nhưng với điều kiện là, họ phải thực hành việc Lần Chuỗi tại nhà, và cầu nguyện cùng Thiên Chúa theo ý của Tôi. – Nhưng với những ai, trong thời gian nêu trên, đã tham dự các buổi Lần Chuỗi chung trong các nhà thờ, hay vì những lý dọ hợp pháp, đã tiến hành việc Lần Chuỗi ở nhà, và đã xưng tội Rước Lễ cách hợp pháp, ít nhất là 10 lần, thì Tôi sẽ ban cho họ ơn Toàn Xá, với Phép Lành Tòa Thánh, để tha thứ hết tất cả các tội lỗi và hình phạt. – Tôi cũng sẽ ban ơn Toàn Xá ấy, tức ơn xá giải hết mọi tội lỗi, cho tất cả những ai đã tham dự một buổi cầu nguyện cùng Thiên Chúa và Thánh Mẫu Ngài theo ý của Tôi để cầu xin cho những ý nguyện của Hội Thánh, hoặc vào chính ngày Đại Lễ Đức Mẹ Mân Côi, hay vào một trong tám ngày sau đó, tại bất cứ nhà thờ nào, sau khi đã xưng tội Rước Lễ.

Những mong chờ của Đức Thánh Cha

10. Hãy bắt tay vào việc nào, hỡi Chư Huynh khả kính! Chư Huynh hãy hết lòng tôn kính Đức Maria, và hãy tận tâm tận lực cho ơn cứu độ của cộng đoàn nhân loại, và đồng thời, hãy nỗ lực và cố gắng nuôi dưỡng lòng sùng mộ Đức Trinh Nữ nơi đoàn Dân của Chư Huynh, cũng như hãy khuyến khích họ đặt niềm tín thác vào ơn cứu giúp của Mẹ. Tôi cho rằng, sở dĩ niềm tôn sùng Đức Trinh Nữ cao vời vẫn đang tiếp diễn và nở rộ nơi phần lớn dân Công giáo ngay cả trong thời đại ngày nay, tức thời mà Giáo hội đang phải trải qua rất nhiều những cơn bão tố và cuồng phong, thì đó phải là sự quan phòng đầy ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng giờ đây, được khích lệ bởi những lời nhắc nhở này của Tôi, và được nung nấu bởi những lời của Chư Huynh, Dân Ki-tô giáo nên đặt mình dưới sự bao bọc chở che đầy trung tín của Đức Maria với niềm hăng hái mỗi ngày một hơn, và càng ngày càng nên nuôi dưỡng lòng yêu mến đối với Kinh Mân Côi hơn nữa, tức lời Kinh mà các bậc tổ tiên chúng ta đã không chỉ coi là sự cứu giúp đầy quyền năng trong những cơn cùng khốn, nhưng cũng còn coi đó như là chỉ dấu thuần khiết của lòng đạo đức. Nữ Bổn Mạng trên trời của mọi thế hệ loài người sẽ rất thích nghe những lời cầu xin tha thiết và đồng tâm nhất trí của chúng ta, và khi những lời cầu xin ấy của chúng ta được tiếp tục dâng lên Mẹ, thì Mẹ cũng sẽ sẵn sàng cầu khẩn để cho những kẻ lầm đường lạc lối được tái tìm thấy con đường cứu độ và quay trở về với con đường ấy, hầu cho Thiên Chúa, Đấng trả báo tất cả mọi sự gian ác, sẽ dủ lòng khoan nhân nhìn đến chúng ta, và đẩy xa khỏi Giáo hội và cộng đồng nhân loại mọi nỗi hiểm nguy, cũng như tái ban lại cho chúng ta niềm bình an vẫn hằng mong đợi.

11. Được nâng đỡ bởi niềm hy vọng như thế, và với trọn tấm lòng, cũng như nhờ vào những người mà Thiên Chúa đã ban cho họ dư tràn mọi phúc đức, Tôi khẩn khoản nài xin Người ban cho Chư Huynh – hỡi Chư Huynh khả kính – dư tràn mọi ân phúc của Người. Tôi hết lòng ban Phép Lành Tông Tòa cho chính Chư Huynh, cho các Giáo sĩ của Chư Huynh, và cho đoàn Dân mà Chư Huynh đang coi sóc cũng như được ủy thác cho từng người một trong số Chư Huynh, với tư cách là một sự tiên báo và là một sự bảo đảm về những ân phúc ấy.

Ban hành tại Rô-ma, bên cạnh Đền Thờ Thánh Phê-rô
Ngày mồng 01 tháng 09 năm 1883
Năm thứ sáu triều đại Giáo Hoàng của Tôi

Lê-ô XIII Giáo Hoàng
Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu , O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon