Ơn sủng và lề luật – SN Chúa Nhật XXVII Thường Niên, năm B

0

Ngày 02 tháng 10 năm 2021
Chúa Nhật XXVII Thường Niên, năm B

I. LỜI CHÚA: (Mc 10, 1-12)

2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? “4 Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”5 Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.

6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 II. SUY NIỆM

Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, rất quen thuộc đối với chúng ta, một số người Pharisiêu đến hỏi Đức Giêsu: “chồng có được phép rẫy vợ không?” Ngày nay, cả hai vợ chồng đều được mời gọi chia sẻ bổn phận lo cho đời sống gia đình, tùy theo khả năng và hoàn cảnh; vì thế, câu hỏi này phải được nói lại là: vợ chồng có được phép bỏ nhau không? Bởi vì, ngày nay, người vợ cũng có thể chủ động bỏ chồng của mình!

 1. Họ hỏi như thế là để thử Ngài

Những người Phariseu hỏi như thế là để thử Đức Giê-su. Thử, nghĩa là đặt người khác vào trong một tình huống khó khăn, để xem người này có nói sai hay hành động sai hay không nhằm kết án. Thử ở đây tương đương với hành động giăng bẫy.

Và câu hỏi của những người Pharisiêu thực sự là một cái bẫy chết người; thực vậy, nếu Ngài trả lời không được phép, Ngài sẽ nói ngược với Luật Môsê; nếu trả lời được phép, Ngài sẽ trở thành người đồng lõa với tệ nạn lạm dụng sự cho phép của Lề Luật để rẫy vợ bừa bãi.

Các Tin Mừng nói với chúng ta rằng những người Pharisiêu nhiều lần đến hỏi để thử Đức Giêsu; và đủ nhiều để chúng ta có thể kết luận rằng, đây một trong những đặc điểm trong cách hành xử của họ, hay nói cách khác, họ có “cái thú” dò xét, giăng bẫy nhằm tố cáo tội của người khác, và nếu dò xét và giăng bẫy không ra tội, họ sẽ vu cáo. Thế mà, theo sách Khải Huyền, “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi khác của Satan (x. Kh 12, 10).

2. Sự Dữ và Lề Luật

Để tố cáo, phải dựa vào Lề Luật, nói đúng hơn là phải sử dụng Lề Luật như phương tiện để dò xét, giăng bẫy; trong khi Luật là “tốt và thánh”, nghĩa là Luật được ban từ sự sống và cho sự sống. Thánh Phao-lô trong thư Roma, chương 7, nói rằng, Tội dùng Lề Luật như cái đà để phóng tới (x. Rm 7, 7-13). Chính vì thế Đức Giê-su buộc họ phải phô bày ra phương tiện gài bẫy của họ, đó là Luật cho phép rẫy vợ của Môsê: “Môsê đã cho phép viết giấy li dị mà rẫy vợ” (c. 4; x. Đnl 24, 1). Đặt vào bối cảnh lịch sử, thực ra Luật này là một tiến bộ, đặc biệt theo hướng tôn trọng người phụ nữ: thay vì đuổi vợ bừa bãi, thì người chồng phải viết chứng thư, trao tận tay để nàng có thể làm lại cuộc đời.

Nhưng Đức Giêsu, một cách thật bất ngờ, mặc khải cho người nghe thực trạng mà từ đó luật được ban hành, thực trạng mà Đức Giê-su gọi là “lòng chai dạ đá” của con người. Luật được ban, điều này có nghĩa là “cái xấu”, sự dữ đã có mặt. Chẳng hạn luật cấm giết người, điều này có nghĩa là người ta đã giết người trong thực tế! Điều này đúng cho mọi Lề luật, xưa cũng như nay, đời cũng như đạo.

Như thế Lề Luật chỉ giới hạn và ngăn cản, như cái đê chắn sóng nước hung dữ, chứ không thể giải quyết tận căn sự dữ có trong lòng con người, gây tai hại cho đời sống con người, trong đó có đời sống hôn nhân và gia đình; hơn nữa, trong thực tế, chính khi nại đến Luật, để biết được phép hay không được phép, thì giao ước, tình yêu, lòng trung thành, tương quan hiệp nhất đang bị tổn thương và có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ. Điều lạ lùng là khi có lề luật, cái xấu không bớt, nhưng lại càng sinh sôi (x. Rm 7, 7-13), như chúng ta thấy hiện nay trong mọi lĩnh vực, bởi vì người ta thường lợi dụng lề luật để thực hiện ý đồ xấu của mình.

3. Trở về nguồn gốc: ơn sủng và tình yêu

Đức Giêsu quan tâm đến cái xấu đang có mặt trong lòng con người, và mời gọi chúng ta giải quyết tận căn bằng cách trở về với nguồn gốc.

  • Ở nguồn gốc, không có lề luật, chỉ có ơn sủng nhưng không tuyệt đối: người phụ nữ là một tuyệt tác của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, ban không cho người đàn ông; và ngược lại, người đàn ông, vốn là tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa, được ban không cho người phụ nữ. Người phụ nữ là tuyệt tác, vì được dựng nên từ xương thịt con người, vốn là tinh hoa của sáng tạo; trong khi đó, người đàn ông được dựng nên từ bùn đất, tương tự như loài vật! Vì thế, người phụ nữ được gọi là phái đẹp và tượng trưng cho sự dịu dàng và hiền lành; trong khi đó, phái nam có cùng nguồn gốc với với loài vật, nên gần với thú tính (x. St 2).
  • Ở nguồn gốc, là tình yêu hai người dành cho nhau một cách quảng đại và nhưng không, cùng với lời cam kết thuộc về nhau vĩnh viễn, vì cả hai một cách tự do, trở nên “một xương một thịt”.

Nguồn gốc của sáng tạo là ơn sủng và tình yêu, và ở ngọn nguồn của mỗi đôi hôn nhân cũng như vậy, cũng là ơn sủng và tình yêu. Bởi vì người con trai hay người con gái đã làm gì cho người kia, mà người này lại tự nguyện thuộc về mình suốt đời, tự nguyện cho đi, trao vào tay người kia cuộc đời mình? Xóa bỏ hay quên đi tình yêu nhưng không ban đầu này, đời sống hôn nhân sẽ không còn nền móng, và sẽ mau chóng đổ vỡ. Bởi vì, đời sống hôn nhân không thể chỉ đặt nền tảng trên lề luật, cho phép hay không cho phép, nhưng đặt nền tảng trên ơn sủng, ơn sủng nhưng không của Thiên Chúa ban người kia cho mình, ơn sủng nhưng không của người này trao ban cho người kia; và từ đó phát sinh lời cam kết vĩnh viễn thuộc về nhau, cho dù cuộc đời bể dâu.

Vợ chồng chọn nhau, nhưng còn được mời gọi đón nhận nhau như quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, trong một Giao Ước được Thiên Chúa đóng ấn vĩnh cửu. Tình yêu và Giao Ước của Thiên Chúa mới là đá tảng vững bền cho đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, cảm xúc của chúng ta hay giao động và không ổn định. Như thế, lời của Đức Giê-su mở ra cho chúng ta con đường để vượt qua những vấn đề hôn nhân một cách triệt để: không chỉ dựa trên lề luật để ràng buộc nhau, nhưng loại bỏ ý muốn chia li ngay trong lòng, dựa trên kinh nghiệm sâu đậm về ân sủng và tình yêu nhận được và sống bằng tâm tình biết ơn và ca tụng.

*  *  *

Và ơn gọi tu trì của chúng ta cũng phải dựa trên một nền tảng như thế, nghĩa là không thể chỉ dựa trên lề luật liên quan đến đời tu, nhất là ba lời khấn, nhưng trên kinh nghiệm về Thiên Chúa và tình yêu của Người ở ngọn nguồn, cũng như trong mỗi ngày sống của đời sống dâng hiến: ở ngọn nguồn là ơn huệ nhưng không Chúa ban, và chúng ta liều mình đáp lại vĩnh viễn và qua từng ngày sống, với lòng cảm mến.

Lời cam kết tình yêu của Thiên Chúa là Chân Lý, nghĩa là luôn luôn đúng, vì: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Lời cam kết của chúng ta cũng được mời gọi trở nên chân lí, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Comments are closed.

phone-icon