Nguyễn Tri Khoan chuyển Việt ngữ
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:00 trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse, người di cư can đảm và bị bắt bớ” (Bài đọc Kinh Thánh: Mt 2:13-15).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
*****
Bài Giáo lý về Thánh Giuse – 5. Thánh Giuse, người di cư can đảm và bị bắt
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, cha muốn trình bày Thánh Giuse với anh chị em như một người di cư can đảm và bị bắt bớ. Đây là cách mà Thánh sử Matthêu mô tả về ngài. Biến cố đặc biệt này trong cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng bao gồm cả Thánh Giuse và Mẹ Maria, theo truyền thống được gọi là “cuộc chạy trốn sang Ai Cập” (x. Mt 2:13-23). Gia đình Nadarét đã phải gánh chịu nỗi nhục như vậy và trực tiếp nếm trải những bấp bênh, sợ hãi và đau đớn khi phải rời bỏ quê hương. Ngày nay, rất nhiều anh chị em của chúng ta vẫn đang bị buộc phải trải qua những bất công và đau khổ tương tự. Nguyên nhân hầu như luôn luôn là sự kiêu ngạo và tính bạo lực của kẻ có quyền thế. Đây cũng là trường hợp của Chúa Giêsu.
Từ các Đạo sĩ vua Hêrôđê biết được về sự ra đời của “Vua dân Do Thái”, và tin này làm ông ta chấn động. Ông ta cảm thấy bất an, ông ta cảm thấy quyền lực của mình đang bị đe dọa. Vì thế, ông ta tập hợp tất cả những người đứng đầu của Giêrusalem lại để tìm hiểu về nơi sinh ra của Chúa, và xin các Đạo sĩ thông báo cho ông ta những chi tiết chính xác, để – ông ta giả cách nói rằng – ông ta cũng muốn đến và thờ phượng Người. Nhưng khi nhận ra rằng các vị Đạo sĩ đã trở về theo một hướng khác, ông ta đã lên một kế hoạch độc ác: giết tất cả những trẻ em dưới hai tuổi ở Bêlem, là khoảng thời gian Chúa Giêsu được sinh ra, theo tính toán của các vị Đạo sĩ.
Trong khi đó, một thiên thần ra lệnh cho Thánh Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13). Hãy nghĩ đến nhiều người ngày nay cảm thấy tiếng thúc giục trong lòng: “Hãy chạy trốn, hãy bỏ trốn, bởi vì ở đây quá nguy hiểm”. Kế hoạch của Hêrôđê gợi nhớ lại âm mưu của vua Pharaô là ném tất cả những bé trai của dân Israel xuống sông Nile (x. Xh 1:22). Cuộc chạy trốn vào Ai Cập gợi lại toàn bộ lịch sử của dân Israel bắt đầu từ tổ phụ Abraham cũng đã phải tạm cư ở đó (xem St 12:10); đến Giuse, con của ông Giacóp, bị những người anh em của mình bán đi (xem St 37:36) trước khi trở thành “người cai quản toàn cõi Ai Cập” (xem St 41:37-57); và đến Môsê, người giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của người Ai Cập (x. Xh 1:18).
Cuộc chạy trốn của Gia đình Thánh vào đất Ai Cập đã cứu được Chúa Giêsu, nhưng thật đáng buồn nó đã không ngăn cản được Hêrôđê thực hiện vụ tàn sát của ông ta. Từ đó, chúng ta đứng trước hai tính cách đối lập: một bên là Hêrôđê tàn bạo, một bên là Thánh Giuse với sự chăm nom và can đảm của ngài. Hêrôđê muốn bảo vệ quyền lực của mình, bảo vệ da thịt của ông ta, bằng hành động tàn ác nhẫn tâm, được chứng thực qua việc hành quyết một trong những người vợ, một số người con của ông ta và hàng trăm đối thủ. Ông ta là một con người độc ác: để giải quyết vấn đề, ông ta chỉ có một câu trả lời duy nhất: giết. Ông ta là biểu tượng của nhiều bạo chúa trước đây và ngày nay.
Và đối với những bạo chúa này, con người không phải là điều đáng quan tâm; quyền lực mới là quan trọng, và nếu họ cần không gian cho quyền lực, họ sẽ loại bỏ con người. Và điều này xảy ra ngày nay: chúng ta không cần phải nhìn lại lịch sử cổ xưa, nó xảy ra ngày nay. Kẻ đó là người trở thành “con sói” đối với những người khác. Lịch sử đầy rẫy những người sống phó mặc cho những nỗi sợ hãi định đoạt, cố gắng chinh phục chúng bằng cách thực thi quyền lực cách chuyên chế và thực hiện các hành động bạo lực vô nhân. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta chỉ sống theo cách của Hêrôđê nếu chúng ta trở thành những bạo chúa, không; thật ra, chính những thái độ mà tất cả chúng ta đều có thể trở thành con mồi, mỗi khi chúng ta cố gắng xua tan nỗi sợ hãi bằng sự kiêu ngạo, dù chỉ bằng lời nói, hoặc kết hợp những cách hành xử tàn tệ nhỏ bé nhằm hành hạ những người thân cận của chúng ta. Chúng ta cũng có thể trở thành những Hêrôđê nhỏ ở trong lòng.
Thánh Giuse thì ngược lại với Hêrôđê: trước hết, ngài là một “người công chính” (Mt 1:19), còn Hêrôđê là một kẻ độc tài. Ngoài ra, ngài thể hiện sự can đảm làm theo mệnh lệnh của Thiên thần. Chúng ta có thể hình dung ra những thăng trầm mà ngài đã phải đối mặt trong cuộc hành trình dài và nguy hiểm, cùng với những khó khăn liên quan đến việc ở lại một đất nước xa lạ, với một ngôn ngữ khác: rất nhiều khó khăn. Lòng can đảm của ngài cũng bộc lộ ngay lúc ngài trở về, khi được Thiên thần trấn an, ngài vượt qua nỗi sợ hãi và đến ở tại Nadarét cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu (x. Mt 2:19-23). Hêrôđê và thánh Giuse là hai nhân vật đối lập, phản ánh hai khuôn mặt luôn hiện hữu của nhân loại.
Một quan niệm sai lầm phổ biến khi coi lòng dũng cảm là đức tính riêng của người anh hùng. Trên thực tế, cuộc sống hàng ngày của mỗi người cần phải có lòng dũng cảm. Cách sống của chúng ta – của bạn, của tôi, của mọi người: một người không thể sống mà không có lòng can đảm, sự can đảm để đối mặt với những khó khăn mỗi ngày. Trong mọi thời đại và mọi nền văn hóa chúng ta đều tìm thấy những con người nam và nữ dũng cảm, kiên định với niềm tin của họ, đã vượt qua mọi khó khăn, chịu đựng sự bất công, kết án và thậm chí cả cái chết. Lòng can đảm đồng nghĩa với sự kiên cường, cùng với tính công bằng, khôn ngoan và tiết độ là một phần trong nhóm các nhân đức được gọi là “các bản đức trụ”.
Bài học mà thánh Giuse để lại cho chúng ta hôm nay là: cuộc sống luôn có những nghịch cảnh dành cho chúng ta, điều này đúng, chúng ta cũng có thể cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi khi đối mặt với chúng. Nhưng chúng ta không thể vượt qua được những khoảnh khắc như vậy bằng cách bộc lộ những sự xấu xa nhất của bản thân như Hêrôđê, nhưng bằng cách hành động như Thánh Giuse, phản ứng trước sự sợ hãi với lòng can đảm phó thác cho sự Quan phòng của Thiên Chúa. Hôm nay cha nghĩ rằng chúng ta cần một lời cầu nguyện cho tất cả những người di cư; những người di cư và tất cả những người bị đàn áp, và tất cả những ai là nạn nhân của các nghịch cảnh: bất kể đó là nghịch cảnh thuộc chính trị, lịch sử hoặc cá nhân. Nhưng, chúng ta hãy nghĩ đến rất nhiều người là nạn nhân của các cuộc chiến tranh muốn trốn thoát khỏi quê hương của họ nhưng không thể; chúng ta hãy nghĩ đến những người di cư đã cất bước lên đường để được tự do, nhưng rất nhiều người trong số họ đã kết thúc trên đường hoặc trên biển; Chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu trong vòng tay của Thánh Giuse và Mẹ Maria, đang chạy trốn, và chúng ta hãy nhìn thấy trong Ngài từng người di cư của ngày hôm nay. Di cư ngày nay là một thực tại mà chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Đó là một sự ô nhục về mặt xã hội của nhân loại.
Lạy Thánh Giuse,
Ngài đã trải qua sự đau khổ của những người phải trốn chạy
Ngài là người đã bị buộc phải chạy trốn
để cứu mạng sống những người thân yêu nhất của ngài,xin hãy bảo vệ tất cả những người phải trốn chạy vì chiến tranh, thù hận, đói khổ.
Xin nâng đỡ họ trong những khốn khó,
Xin củng cố niềm hy vọng trong họ, và cho họ tìm được sự chào đón và tình liên đới.
Xin dẫn dắt những bước đi của họ và mở rộng tấm lòng của những người có thể trợ giúp họ. Amen.
______________________________
Lời chào đặc biệt
Tôi gửi lời chào đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh. Xin cho mỗi người trong anh chị em và gia đình biết trân quý niềm vui của mùa Giáng Sinh này trong sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, và đến gần với Đấng Cứu Thế đã đến cư ngụ giữa chúng ta trong lời cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!