Nguồn: ncregister
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN
Trong tuần này Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm một trong những thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới
Một cơ quan của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng khói bụi của thành phố độc hại đến mức trẻ em Mông Cổ sống ở quận Ulaanbaatar bị ô nhiễm nặng có chức năng phổi kém hơn 40% so với trẻ em sống ở nông thôn.
Ô nhiễm không khí ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. (ảnh: Ganzorig Mimaa/Shutterstock)
Trong khi những ý nghĩ về Mông Cổ có thể gợi lên hình ảnh của các dân tộc du mục cưỡi ngựa băng qua các vùng thảo nguyên mênh mông, thì thủ đô đông dân hơn của đất nước này lại có tiếng là một trong những thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới, đặc biệt là vào mùa đông.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ vào ngày 1 tháng Chín, tức là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Công trình Sáng tạo của Giáo hội, ngày được Đức Thánh Cha thiết lập vào năm 2015 sau khi công bố thông điệp Laudato si’ vô cùng quan trọng về môi trường.
Như Đức Thánh Cha gần đây tiết lộ rằng ngài đang viết phần hai cho Tông huấn Laudato si’ tập trung vào “các cuộc khủng hoảng môi trường gần đây”, Đức Phanxicô có thể sẽ coi “việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” là chủ đề chính trong chuyến tông du Mông Cổ của ngài từ ngày 31 tháng Tám đến 4 tháng Chín.
Chất lượng không khí của thủ đô Mông Cổ trở nên độc hại vào năm 2018 đến mức một cơ quan của Liên Hợp Quốc đã đưa ra báo cáo coi đây là “cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em”. Các sự đo lường hạt mịn trong không khí có thể hấp thụ qua đường hô hấp vào máu gọi là PM2.5 cho thấy mức này cao gấp 133 lần so với mức mà Tổ chức Y tế Thế giới xem là an toàn.
Không khí bị ô nhiễm một phần là do các khu định cư bao quanh thành phố ở khu vực được gọi là Quận Ger, nơi các gia đình nghèo đốt than đen thô bán ở chợ, cũng như lốp xe, chai nhựa và các chất thải khác trong nhà của họ, được gọi là yurt, để giữ ấm trong mùa đông lạnh buốt. Bốn nhà máy than lớn ở Ulaanbaatar cũng góp phần tăng thêm tình trạng ô nhiễm.
Theo báo cáo của UNICEF, “Ô nhiễm không khí đã trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em ở Ulaanbaatar, đặt tất cả các trẻ và phụ nữ mang thai vào tình trạng nguy hiểm”.
Bức ảnh chụp từ trên không này được chụp ngày 16 tháng 1 năm 2022 cho thấy khói bụi bay lơ lửng trên các ngôi nhà trong một ngày ô nhiễm nặng ở Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ.
Cơ quan Liên Hợp Quốc cũng báo cáo rằng khói bụi của thành phố độc hại đến mức trẻ em Mông Cổ sống ở quận Ulaanbaatar bị ô nhiễm nặng có chức năng phổi kém hơn 40% so với trẻ em sống ở nông thôn. Nghiên cứu tại một bệnh viện Mông Cổ cho thấy các chất ô nhiễm trong không khí theo mùa có mối liên hệ chặt chẽ với tỷ lệ sảy thai tăng 3,6 lần ở thủ đô. Để đối phó với những hậu quả về sức khỏe cộng đồng, chính phủ Mông Cổ đã cấm tiêu thụ than thô vào năm 2019, nhưng thành phố vẫn đang phải giải quyết hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra.
Mông Cổ cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm uranium, đồng, vàng và các nguồn dự trữ đất hiếm khác. Nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, có liên doanh khai thác mỏ ở Mông Cổ. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có thể nhấn mạnh vào vấn đề này, như ngài đã làm trong chuyến tông du tới Cộng hòa Dân chủ Congo hồi đầu năm nay, tại đây ngài gây chú ý bằng cách lên án hành vi bóc lột khai thác mỏ rằng: “Hãy rút tay ra khỏi Châu Phi!”
Theo Tổng thống Hungary Katalyn Novák, người đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày 25 tháng Tám, Đức Thánh Cha Phanxicô được cho là đang có kế hoạch phát hành phiên bản cập nhật mới của Tông huấn Laudato si’ nhân dịp lễ Thánh Phanxicô Assisi vào ngày 4 tháng Mười.
Trong chuyến đi bốn ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới ngoại Mông vào tuần này, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ, tham gia đối thoại liên tôn và dâng Thánh lễ cho cộng đồng Công giáo nhỏ bé của đất nước.