Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (15,21-28)
Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.
***
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu nhậm lời cầu xin của một người dân ngoại, một người đàn bà Canaan.
Những người Canaan này là ai? Họ là những cư dân đầu tiên của vùng Palestine, trước đó gọi là xứ Canaan. Họ là những người đã bị dân Israel đuổi ra khỏi chính vùng đất của họ. Sau khi dân Israel ra khỏi xứ Ai Cập, băng qua Biển Đỏ, vượt qua sông Jordan, và dưới sự lãnh đạo của ông Giôsuê, đã chiếm một số vùng của xứ Canaan, tàn sát dân bản địa hoặc buộc họ phải chạy trốn. Kể từ đó, trong mười hai thế kỷ, chiến tranh đã xảy ra giữa những người Canaan tìm cách trở về vùng đất của họ và dân Israel đang ở đó. Cũng giống như lịch sử ngày nay giữa người Palestine và nước Do Thái. Đối với người Do Thái, người Canaan là kẻ thù truyền kiếp. Họ gọi người Canaan là “lũ chó con.”
Khi người phụ nữ Canaan kêu xin Chúa Giêsu cứu chữa con gái bà, Người đã làm như không nghe thấy. Người cũng không trực tiếp nói với bà mà chỉ trả lời cho các môn đệ khi họ nói về bà. Và Người trả lời theo thành kiến của người Do Thái thời đó: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Thái độ của Chúa Giêsu làm chúng ta ngạc nhiên. Thực ra, Chúa Giêsu muốn thử lòng tin của bà, và muốn bà tuyên xưng đức tin của chính mình: lũ chó con vẫn có quyền được ăn những mảnh bánh vụn! Trước lòng tin của người phụ nữ, Chúa Giêsu đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của Ngài. Có một điều rất lạ trong Tin Mừng, đó là trong khi Chúa Giêsu thường trách móc các môn đệ của mình vì sự yếu kém đức tin của họ: “Người đâu mà kém tin vậy!” (xem Mt 14,31), thì Người lại khen ngợi đức tin mạnh mẽ của những người dân ngoại: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.”
Câu chuyện của người đàn bà Canaan cũng nêu cho chúng ta một mẫu gương về sự cầu nguyện kiên trì. Đôi khi chúng ta cảm thấy dường như Thiên Chúa không nghe những lời cầu xin của chúng ta. Thực ra, Người không vô cảm trước những đau khổ của chúng ta; Người đến cứu giúp chúng ta với lòng nhân hậu và thương xót vô bờ của Người. Tuy nhiên, không phải lúc nào Chúa cũng đáp ứng những nhu cầu, những lời cầu xin theo cách chúng ta mong muốn. Chẳng hạn chúng ta xin Chúa chữa khỏi bệnh, nhưng Người lại ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng căn bệnh và ban ơn để chúng ta sống phó thác hơn. Vì Người muốn mưu ích cho phần rỗi linh hồn chúng ta hơn là thỏa mãn những nhu cầu của đời sống thể xác.
Khi thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng, vào khoảng những năm 80 sau Công nguyên, cho cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái giáo, thì có một vấn nạn nghiêm trọng xảy ra trong cộng đoàn này, đó là việc tiếp đón các thành viên mới trong cộng đoàn. Họ là những người gốc dân ngoại đến từ tứ xứ, trong đó có những người Canaan, vốn bị người Do Thái coi như “lũ chó con”. Các Kitô hữu gốc Do Thái giáo, theo truyền thống lịch sử, rất khó chấp nhận việc những người ngoại giáo này trở thành anh em của mình trong Chúa Kitô. Vì vậy, Thánh Mátthêu kể câu chuyện về người đàn bà Canaan để nói rằng: Chính Chúa Giêsu đã đề cao đức tin của người ngoại giáo này, vì vậy, không có lý do gì để từ chối họ, tách họ ra hoặc xếp những người ngoại giáo gia nhập Giáo Hội vào loại “công dân hạng hai”. Mọi người phải được tiếp đón như nhau, không phân biệt.
Thông điệp này của thánh Mátthêu cũng được gửi đến chúng ta hôm nay. Đôi khi chúng ta có xu hướng đóng các cánh cửa của các nhà thờ và của các cộng đoàn, phong trào, nhóm tôn giáo cho riêng chúng ta, vì không thích những gì “khác biệt” với chúng ta. Nhiều lúc chúng ta vội vàng xét đoán những người lạ bởi vì họ không sống như chúng ta, không nghĩ như chúng ta: sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa, giai cấp xã hội; sự khác biệt về quan điểm, chính kiến, v.v… Đối với chúng ta, họ bị coi như “người ngoại bang xa lạ”. Chúng ta đón tiếp họ, nhưng thật sự chúng ta không chấp nhận họ với những khác biệt.
Với Chúa Giêsu, một thế giới mới, một thế giới hòa giải được khai mở. Một thế giới mà nơi đó, như lời thánh Phaolô, là “không còn chuyện phân biệt người Do Thái hay Hy Lạp… đàn ông hay đàn bà” (Gl 3,28). Mỗi chúng ta hãy cố gắng sống trong thế giới của Chúa Giêsu bằng việc cởi mở tinh thần và tâm hồn mình. Chúng ta cần học cách đón tiếp người khác một cách cởi mở và chân thành, tôn trọng họ trong những khác biệt. Chúng ta phải học cách yêu như Chúa Giêsu đã dạy và làm gương cho chúng ta.
Xin Chúa gia tăng trong chúng ta đức tin và lòng bác ái. Amen.