Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi – SN ngày 23.04.2024

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin Mừng (Ga 10, 22-30)

22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông.23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn.

24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.”

25 Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.

29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*****

1. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”

Người Do thái muốn biết Đức Giê-su có phải là Đấng Ki-tô hay không: Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết. (c. 24)

Để trả lời, Đức Giê-su dùng hình ảnh mục tử và đàn chiên. Nhưng, nếu trước đó (x. Ga 10, 11-18), Ngài nhấn mạnh đến hành động hi sinh mạng sống của vị Mục Tử nhân lành, thì trong bài Tin Mừng này, ngài nhấn mạnh đến hành động thông truyền sự sống: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. (c. 27-28)

Lời nói của Đức Giê-su thật ngắn ngọn, nhưng lại mặc khải mọi sự: căn tính, ơn gọi và cùng đích của loài người, nghĩa là nguồn gốc, đường đi và điểm tới:
– Căn tính của con người là “con chiên”, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và Thiên Chúa thì hiền lành, vì Người là tình yêu. Con chiên diễn tả căn tính hiền lành.
– Ơn gọi của con chiên là nghe và đi theo Mục Tử. Ơn gọi thuộc về căn tính, vì con chiên tự bản chất nghe và đi theo Mục Tử. Vì thế, lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện, để đi theo Người, chính là sống theo căn tính và ơn gọi của chúng ta: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Chúng ta nghe và đi theo Đức Ki-tô, vì Người “biết chúng ta”. Người biết chúng ta vì Người là hình ảnh của Thiên Chúa và là “Chiên Thiên Chúa”, chúng ta được dựng nên bởi Người và cho Người (x. Ga 1, 3 và Col 1, 15-16).
– Cùng đích của loài người là sự sống đời đời: sự sống đời đời mà Vị Mục Tử Nhân Lành trao ban, chứ không phải tự con chiên đạt được hay được trả công như lương bổng.

Chúng ta cũng được gọi dừng lại và cảm nếm hình ảnh “con chiên”, là chính chúng ta. Đức Ki-tô là Mục Tử nhân lành, còn chúng ta là “chiên” của Ngài; “con chiên”, tự bản chất cũng hiền lành, như vị Mục Tử hiền lành. Vì thế, tự bản chất: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. (c. 27)

Vì thế, chính khi chúng ta đánh mất “bản chất hiền lành”, nhất là khi chúng ta tự biến mình thành “dê” hay “sói dữ”, thì khi đó chúng ta sẽ không còn nghe được tiếng Đức Giê-su nữa, không tin và theo Ngài nữa. Và đó chính là trường hợp của những người Do Thái, đang chất vấn Đức Giê-su: “Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.” (c. 26)

Cách thức Người Mục Tử trao ban sự sống là “hy sinh mạng sống vì đoàn chiên”. Chính khi Người Mục Tử nhân lành hi sinh mạng sống vì đàn chiên, là lúc Ngài thông truyền sự sống đời đời. Vì thế, sự sống đời đời được trao ban ngay hôm nay, khi chúng ta “nghe và đi theo Người”. Và sự sống này mãi mãi bền vững và đứng vững trước mọi nguy hiểm. Bởi vì, đoàn chiên được ban cho Đức Giêsu bởi Chúa Cha và Người và Chúa Cha là một.

Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một. (c. 29-30)

Điều này vừa làm chúng ta được an ủi và vừa cũng cố sự tín thác của chúng ta trong mọi hoàn cảnh, thử thách, đau khổ và cả sự chết.

2. “Các ông không thuộc đoàn chiên của tôi”

Đức Giêsu đã nói những gì chân thật nhất và sâu xa nhất về Ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Chúa Cha và với loài người. Nhưng khi nghe những lời này của Đức Giê-su, người Do Thái đã không tin. Ngài cũng đã làm nhiều điều, nhất là các dấu chỉ nhân danh Chúa Cha; và trong bối cảnh mà Tin Mừng Gioan thuật lại cho chúng ta, dấu chỉ mới nhất và rất lớn là cho người mù bẩm sinh trở nên sáng mắt và nhất là sáng lòng (Ga 9, 1-41); chứng kiến các dấu chỉ, người Do Thái vẫn không tin!

Đức Giêsu nêu ra nguyên do tại sao người Do Thái không có khả năng tin vào Ngài: “vì các ông không thuộc đoàn chiên của tôi” (c. 26). Lí do Đức Giê-su đưa ra thật lạ lùng: phải thuộc về đoàn chiên của Ngài, nghĩa là Ngài biết chúng ta và chúng ta đi theo Ngài, thì khi nghe những gì Ngài nói và chứng kiến những gì Ngài làm, chúng ta mới nhận ta Ngài và tin nơi Ngài. Thuộc về đoàn chiên của Đức Kitô, là đã tin rồi. Như thế, điều kiện của đức tin là phải tin.

Lạ lùng, nhưng đó lại là kinh nghiệm về hành trình đức tin của chính chúng ta và kinh nghiệm về hành trình đức tin của những người mà chúng ta có sứ mạng đồng hành.
– Tất cả những ai đi tìm ánh sáng và sống theo ánh sáng (thay vì bóng tối), thì sẽ nhận ra Đức Kitô là ánh sáng.
– Tất cả những ai đi tìm Sự Thật và sống theo sự thật (thay vì Gian Dối), sẽ nhận ra Đức Kitô là Sự Thật.
– Tất cả những ai ước ao Sự Sống và sống theo năng động sự sống (thay vì sự chết), sẽ nhận ra Đức Kitô là Sự Sống.

Cũng vậy, đối với những ai khát khao và sống theo Sự Thiện, Vẻ Đẹp đích thật và những điều thuộc về nhân tính, những điều cao quí. Nói cách khác, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên tất cả những ai sống theo hình ảnh Thiên Chúa vốn có một cách sâu xa ở nơi mình, thì đã thuộc về đoàn chiên của Đức Kitô rồi, hai bên như đã biết nhau rồi.

*  *  *

Người ta cứ đòi Đức Giê-su nói về căn tính Ki-tô của mình: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết” (c. 24), nhưng khi Ngài mặc khải: “Tôi và Chúa Cha là một”, thì người ta không chỉ không tin, nhưng còn lên án Ngài phạm thượng: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (c. 33). Đó chính là “tội danh” trong cuộc xử án của Thượng Hội Đồng, dẫn Ngài đến án tử.

Chúng ta có thể tự hỏi tại sao người ta lại muốn giết Chúa bằng cách ném đá, và sau này trong cuộc thương khó, bằng hình phạt khủng khiếp nhất, là đóng đinh vào Thập Giá. Đó là năng động của hành vi không tin: Tôi không tin người này là Con Thiên Chúa, vậy thì giết nó đi, xem coi nó có thể tự cứu mình, hay Thiên Chúa có cứu nó không. Như thế, không tin, sẽ tất yếu dẫn đến những hành vi dò xét, tố cáo và hành động bạo lực, nhằm chứng minh điều mình không tin là đúng; không tin sự sống, người ta sẽ tất yếu làm việc cho sự chết. (x. Tv 22, 9 và Kn 2, 17-20)

*  *  *

Đức tin của chúng ta được chứng thực, không phải bằng những lí lẽ hay bằng chứng, nhưng bằng những hoa trái sự sống: hiệp nhất, yêu thương, tha thứ, nhìn nhận nhau là con một Cha, là anh chị em của nhau. Xin cho những hoa trái sự sống của đức tin, củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô, là Mục Tử nhân lành, là Con Thiên Chúa Hằng Sống.

3. “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”

Điều phải làm cho chúng ta kinh ngạc, đó là, đáng lẽ ra người mục tử phải dùng sức mạnh và khí giới để đánh đuổi sói dữ đến “vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn”; theo kinh nghiệm sống của chúng ta, người mục tử  phải hành động như thế để tự vệ và để bào vệ đàn chiên.

Nhưng với Đức Giê-su, Ngài để cho Sói Dữ tấn công mình, thay vì tấn cống đàn chiên; và Ngài để cho Sói tấn cống đến cùng, nghĩa là nó giết được Ngài, và Ngài hi sinh mạng sống của mình vì đoàn chiên. Tại sao vậy? Tại sao Ngài để cho mình bị tấn công mà không tự vệ? Và câu hỏi này hoàn toàn phù hợp với cuộc Thương Khó: tại sao, Ngài không dùng sức mạnh và khí giới để tự vệ và tiêu diệt những kẻ dữ và gian ác?

Kinh nghiệm sống sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào: chúng ta có thể dùng một chút bạo lực để huấn luyện loài vật, nhưng đến một giới hạn nào đó, thì chúng ta phải dừng lại, bởi vì bạo lực tự bản chất không phù hợp với nhân tính, nhưng với thú tính. Vì thế, có cái gì đó không ổn, cho dù chấp nhận được, một người bình thường hiền lành, nhưng bổng trở nên hung dữ và bạo lực với loài vật.

Vậy, chúng ta hãy hình dung ra Đức Giê-su, vị “Mục Tử Nhân Lành” của chúng ta dùng sức mạnh và khí giới để đánh đuổi sói dữ, đánh đuổi và diệt trừ những kẻ dữ và gian ác. Hình ảnh này, cho dù là chống lại Sự Dữ, vẫn không tương hợp với căn tính thần linh của Ngài, đó là nhân lành và nhân lành tuyệt đối. Hành động bạo lực, cho dù là có lí do chính đáng, vẫn không tương thích với căn tính nhân lành tuyệt đối của Ngài. Và đây chính điểm khác tuyệt đối nhất, giữa con người và Thiên Chúa. Loài người chúng ta hằng ngày vẫn phải dùng bạo lực chống lại bạo lực, để gìn giữ an ninh trật tự xã hội, để bảo vệ chủ quyền đất nước và đôi khi để răn dạy con cái trong gia đình. Loài người chúng ta phải làm thế để bảo vệ “công bình và công lí”, nếu không sự dữ và bạo lực sẽ lộng lành; nhưng ai cũng biết là làm như thế, thì không thể loại trừ được bạo lực, loại trừ Sự Dữ tận gốc rễ được, chỉ ngăn chặn lại thôi, như con đê ngăn chặn sóng dữ.

*  *  *

Xin cho chúng ta hiểu sâu xa và cảm nếm sự nhân lành tuyệt đối của Đức Giê-su trong mầu nhiệm Thương Khó; và nhất là hiểu được cách Ngài chiến thắng Sói Dữ: Sói Dữ làm cho Ngài phải chết; nhưng Ngài lại mạnh hơn sự chết; và như thế mạnh hơn Sói Dữ. Ngài chiến thắng Sói Dữ, không phải bằng bạo lực, nhưng bằng sự nhân lành, hay bằng sức mạnh của ánh sáng xua tan bóng tối; như lời Thánh Vịnh loan báo: Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. (Tv 8, 3)

Theo Tv 8, sống ơn gọi làm người là thống trị thú tính; và để thống trị thú tính con người được mời gọi trở nên “em bé”. Đức Giê-su không chỉ xác chuẩn lời mời gọi này, khi mời gọi chúng ta hãy đón nhận Nước Trời với tâm hồn của một trẻ em (Mc 10, 13-16; Mt 18, 3 và 9, 13-15; Lc 18, 15-17), nhưng Ngài còn hoàn tất sứ mạng của em bé, nghĩa là sứ mạng chiến thắng những dã thú, nghĩa là thú tính, sự dữ và bạo lực bằng sự hiền lành và tình yêu của Thiên Chúa, trong cuộc Thương Khó. Vì thế, ơn gọi sống nhân tính đến cùng, không tự biến mình thành thần linh hay thành thú vật, đó là trở nên giống Đức Giêsu.

Đức Ki-tô đã chiến thắng Sự Dữ và Sự Chết một lần cho tất cả trong mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh; và Ngài chia sẻ chiến thắng và sự sống mới của Ngài cho đoàn chiên của Ngài, là chính chúng ta, ngay hôm nay. Vì thế, Ngài đã Vượt Qua, và Ngài đang lôi kéo và thêm sức cho chúng ta từng ngày, để cũng Vượt Qua như Ngài, trong bình an và tín thác, không sợ hãi.

Xin cho những hoa trái sự sống của đức tin, củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô, là Mục Tử nhân lành, là Con Thiên Chúa Hằng Sống.

Comments are closed.

phone-icon