Tình bạn trong Tu Luật thánh Augustinô

0

TÌNH BẠN TRONG TU LUẬT THÁNH AUGUSTINÔ

  Nt. Maria Đinh Thị Sáng, OP

Dàn bài:

1. TÌNH BẠN ĐƯỢC CẢM NHẬN TRONG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

a) Kinh nghiệm tình bạn từ văn hóa và xã hội đương thời

b) Kinh nghiệm tình bạn trong gia đình

c) Kinh nghiệm tình bạn thời thanh xuân

2. TÌNH BẠN THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO

A) Một số từ ngữ dùng để chỉ về tình bạn

B) Những yếu tố căn bản của tình bạn Kitô giáo

C) Những đòi hỏi của tình bạn Kitô giáo

 3. TÌNH BẠN TRONG TU LUẬT THÁNH AUGUSTINÔ

a) Kinh nghiệm tình bạn trong đan viện Tagaste và Híppô

b) Tình bạn làm nên những yếu tố nền tảng của đời tu

c) Chiều kích Kitô học của tình bạn trong đời tu

d) Những đòi hỏi của tình bạn trong đời tu

e) Tương quan giữa tình yêu và tình bạn

Thánh Augustinô (354-430) đã không viết một khảo luận nào về tình bạn[1], nhưng tình bạn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của ngài. Một người hiểu biết về thánh nhân đã viết như sau:

“Mọi người đều biết rằng Augustinô thành Híppô là một lý thuyết gia về tình bạn Kitô hữu trong thế giới cổ đại. Trước hết ngài đã sống tình bạn cách mãnh liệt trong cuộc đời, và rồi ngài để lại cho chúng ta, nhất là trong cuốn Tự Thuật những trang sách bất diệt. Ngài giả thuyết rằng tình bạn đối với tất cả mọi người như khả năng duy nhất để sống tương quan nhân loại của sự hiệp thông liên vị, ngài đặt tình bạn vào giữa những thiện ích chung của con người (giống như sự tự do) […] Giám mục thành Híppô đã chỉ ra quy luật nền tảng cũng cho cả các đan viện, nam cũng như nữ, mà ngài thành lập. Thật vậy, trong bản Regula ad servos Dei (Tu luật dành cho các tôi tớ của Chúa), đối với những ai đã chọn sống trong đan viện, thì tình bạn được trình bày giống như lối vào duy nhất của tình thương (dilectio), nghĩa là sự luyện tập liên tục của tình yêu đối Thiên Chúa và tha nhân”[2].

Tình bạn là một nỗi đam mê lớn trong cuộc đời của thánh Augustinô. Không ít học giả đã cống hiến công trình nghiên cứu cho đề tài nổi bật này của ngài[3]. Chúng ta có thể tổng hợp lý tưởng tình bạn cao quý của ấy vào 3 điểm sau đây:

  • Là người con của một gia đình và một thời đại cách chúng ta gần 1600 năm, Thánh Augustinô đã cảm nhận sâu xa từ trong tâm hồn nhu cầu có một tình bạn và muốn trân trọng nó.
  • Người đã du nhập lý tưởng cổ điển về tình bạn vào trong cộng đoàn Kitô hữu, chứng tỏ cho thấy người Kitô hữu có thể tìm thấy sự trọn lành, hoàn hảo trong lý tưởng tình bạn. Đóng góp này quả là bước quyết định cho sự phát triển tư tưởng Kitô giáo về tình bạn.
  • Ngài đã đưa lý tưởng tình bạn vào đan viện.

 

1. TÌNH BẠN ĐƯỢC CẢM NHẬN TRONG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Để hiểu được tư tưởng của thánh nhân về tình bạn, cần phải biết tổng quát về môi trường xã hội, văn hóa và gia đình của ngài.

a) Kinh nghiệm tình bạn từ văn hóa và xã hội đương thời

Xã hội Phi Châu của thế kỷ IV mà Augustinô được sinh ra và lớn lên là kết quả của một cuộc pha trộn giữa ba nền văn hóa: La Mã, Phênixia và Berbêri. Chúng ta tìm thấy: 1/ Ý chí cứng rắn và sự sáng suốt của tinh thần người La Mã; 2/ Sự giàu có phồn thịnh, trí tưởng tượng phong phú, sự nhạy cảm sống động tuy có thái quá, sự bận tâm giảng dạy và thuyết phục, một tinh thần huyền bí, nhưng có lúc thực tiễn của người Phênixia; 3/ Sự bướng bỉnh, niềm say mê, nhân cách tự lập, thích du hành, cùng với ý muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn của người Berbêri, dân tộc của ngài. Cả ba môi trường này cùng với chiều hướng mạnh mẽ tới các mối quan hệ xã hội đã tác động lên Augustinô, người con của thời đại.

Về văn chương, Augustinô đã hiểu biết nhiều hoạt động và lý tưởng tình bạn của những danh nhân Hy Lạp và La Mã xưa. Ngài đã đặc biệt tiếp xúc với cuốn sách Laelius de Amicitia nói về tình bạn của ông Máccô Tulliô Cicerone (106-43 trước CN), nhà hùng biện lừng danh của Rôma cổ đại. Ý tưởng cổ điển về tình bạn của ông đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm của Augustinô. Trong tác phẩm này, có lẽ Cicerone gián tiếp chống lại những người theo thuyết hưởng lạc Epicurus và trường phái khắc kỷ Stoa. Hai trường phái triết học này không chấp nhận để cho tâm trí bị cuốn hút thái quá vào tình cảm bạn bè và cho rằng sự cuốn hút này sinh ra tác hại. Cần phải trốn khỏi những tình bạn thái quá, để những vấn đề cá nhân không gây nên gánh nặng hay phiền toái cho nhiều người, và cũng đừng để một người phải lo những vấn đề cá nhân của nhiều người. Điều quan trọng cho cuộc sống tốt đẹp là sự thanh thản. Danh nhân Cicerone cũng muốn trả lời cho một số người khác chủ chương một luận đề bất nhân trong tình bạn. Họ cho rằng người ta tìm kiếm tình bạn là để bảo vệ và dựa dẫm vào nhau, chứ không phải vì một tình cảm yêu mến và tôn trọng; ai càng yếu ớt bao nhiêu thì càng khao khát tình bạn bấy nhiêu. Nếu như vậy thì đàn bà thiếu nữ cần đến sự che chở của tình bạn hơn đàn ông trai tráng hay sao? Người nghèo và những người bất hạnh mong muốn có bạn bè hơn là những người giàu có và người hạnh phúc sao?

Sau khi phi bác các triết thuyết đó, Cicerone phát biểu một câu nổi tiếng: “Ai thiếu vắng tình bạn thì giống như vũ trụ thiếu vắng mặt trời”: không có gì tốt đẹp hơn, không có gì thỏa lòng hơn là tình bạn mà chúng ta nhận lãnh từ các thần bất tử. Nếu chúng ta tránh né tình bạn vì muốn chạy trốn những lo lắng, thì chúng ta chạy trốn cả đức hạnh[4]. Như vậy, tình bạn là một trong những nguyên lý cơ bản của triết học đạo đức. Tình bạn là một trong những điều cao quý nhất của con người, chỉ đến sau sự khôn ngoan. Tình bạn là một ân huệ của các vị thần, là cơ duyên của Trời ban cho. Bỗng dưng môt ngày nào đó tôi chợt nhận ra tôi có một người bạn và một tình bạn. Nó nảy sinh trong huyền nhiệm, từ nơi kín ẩn.

Đối với các tác giả cổ điển và các giáo phụ khác, tình bạn được coi như một tình cảm cao cả, chính bởi vì nó vượt lên trên những vụ lợi của cá nhân và của người khác; nó không bị quấy nhiễu bởi yếu tố tính dục và những đam mê thấp hèn như sự ghen tương. Tình bạn ấy cũng không bị đóng kín trong các nhóm tuổi, cộng đồng hay bộ tộc, để nhằm một mục đích đơn thuần là chiến thắng sự cô lập, cô thế, cô đơn, để tạo nên sức mạnh và được chở che trong xã hội.

Trong các bút tích của mình, Augustinô diễn tả tình cảm đối với bạn hữu là một kiệt tác văn chương và tâm lý. Augustinô đánh giá rất cao về tình bạn: “Trong những điều thuộc về trên trần thế, không có gì đáng yêu đối với con người nếu không có một người làm bạn” (Lá Thư 130,4).

b) Kinh nghiệm tình bạn trong gia đình

Ngài sinh năm 354 tại Tagaste từ một gia đình gia đình Phi Châu theo văn hóa La Mã, trong đó mọi thành viên, thậm chí kể cả những tôi tớ trong nhà, đều nói tiếng Latinh. Từ cha của mình là Patriziô, Augustinô cũng thừa hưởng những khát vọng hoài bão, ước muốn dục tình, tinh thần sáng suốt. Nơi người mẹ Mônica, cậu cũng kế thừa sự dịu dàng, nâng niu, nhạy cảm, thông minh và khao khát hòa bình. Augustinô nhận lãnh từ gia đình này một ơn thiên phú biết sống thiện cảm với hết mọi người, tạo được sức hấp dẫn cá nhân, thanh lịch và cởi mở, hoa trái của trí thông minh, nhạy bén tao nhã, trí tưởng tượng mạnh mẽ, tính tình say mê. Trên mảnh đất này sẽ nảy sinh và lớn lên một Augustinô, và anh sẽ sống và phát triển những tài năng đó, thu hút các bạn hữu. Vì vậy cuộc đời của anh luôn luôn có nhiều người ở bên cạnh và muốn làm bạn với anh. Cách thể hiện tình yêu mến của anh với người khác phải trải qua một sự biến chuyển sâu xa.

Augustinô đã không sống với mọi thành viên trong gia đình với cùng một mối quan hệ tình bạn như nhau. Tình bạn của anh với mẹ Mônica, một tín hữu ngoan đạo, thì sâu đậm và chân thực nhất. Anh đã tiếp nhận nơi mẹ những khái niệm đầu tiên về đức tin (Tự Thuật III,4,8). Anh sống trong gia đình trong 12 năm đầu, và khởi đi từ Madaura, anh bắt đầu rời xa gia đình trong tất cả ý nghĩa của từ ngữ này. Nhưng Cartagine sẽ là nơi hủy hoại tinh thần của chàng thanh niên: anh có một tình nhân và sa vào lạc giáo Manikê. Khi trở về nhà vào năm 373 với tư cách là một thày dạy học, mẹ của anh liền đóng sầm cửa lại trước mặt anh: đó là một vết thương kéo dài rất lâu trong cuộc đời anh. Tại Cartagine, Rôma và Milanô, anh đã sống trong cuộc chiến nội tâm. Nhưng lời cầu nguyện của bà Mônica đã được nhậm lời. Từ năm 386 tức là năm hoán cải, anh bắt đầu gắn kết tâm trí và con tim trọn vẹn với me, rút về một căn nhà ở Cassiciaco (cách Milanô khoảng 30 cây số) để tĩnh tâm, và anh đã tìm lại được bầu khí, tinh thần và bình an cùng với mẹ. Anh nhận biết rằng nhờ lời cầu nguyện của mẹ mà anh tìm lại được đức tin (De ordine 2,20,25) và ngày 24/04/387 anh bước vào Hội Thánh. Trên đường về Phi Châu bà Mônica đã qua đời tạiOstia và Augustinô đã để tại một bài viết nổi tiếng, cho thấy ngài và mẹ có cùng chung một lối nhìn và viễn tượng về cuộc đời.

Mối quan hệ của anh dành cho cha thì ít thân mật hơn. Cha là một người ngoại giáo tự do, chỉ đến khi cuối đời ông mới chịu lãnh bí tích Rửa Tội. Nhưng ông Patriziô đã cho anh tiềm năng của một gia sản văn hóa lớn lao. Ông đã không giữ lại gì cho riêng mình mà trao cho người con trai tất cả những gì ông có.

Anh có một người em trai tên là Navisiô và một người em gái mà chúng ta không biết được tên tuổi.Các em của Augustinô là những người Công giáo. Giữa anh và các em có một sự tôn trọng lẫn nhau chứ không hẳn là một tình bạn riêng tư thân mật.

Anh hưởng đáng kể trên cuộc đời của Augustinô là mẹ của Ađêođatô. Augustinô đã không thể cưới nàng làm vợ vì không được pháp luật thời ấy cho phép[5]. Bà Mônica đã không bao giờ chấp nhận tình nhân của anh; bà muốn con mình lấy một phụ nữ ở tầng lớp xã hội phù hợp với pháp luật. Nhưng anh đã yêu nàng chân tình trong suốt 14 năm. Nàng đã thấy những hoài bão của anh, những trăn trở và cuộc tìm kiếm không ngơi nghỉ của anh về ý nghĩa của cuộc đời và chân lý. Vừa là tình nhân, nàng đồng thời cũng là bạn, giống như một cái đập ngăn sông kiềm chế những phóng đãng của anh và là khởi điểm cho cuộc hoán cải của anh sau này. Nàng đã bỏ anh và đứa con trai ở lại mà lặng lẽ ra đi. Cuộc cắt đứt này đã làm cho trái tim anh rướm máu và thử thách cho tình yêu của anh trong một thời gian dài (Tự Thuật VI,15,25). Nhưng kinh nghiệm này đã tạo nên trong Augustinô một sự dày vò sâu sắc và nỗi sợ đàn bà mà anh không sao điều khiển được[6]. Nỗi sợ này đã dẫn anh tới chỗ làm rạn nứt mọi mỗi quan hệ với phụ nữ sau khi anh hoán cải[7].

Cuối cùng là tình bạn của Augustinô với Ađêođatô, đứa con của tội lỗi như anh đã thú nhận như thế (Tự Thuật IX,6,14) được sinh ra khi anh mới 18 hay 19 tuổi. Anh âu yếm yêu thương nó và lo lắng cho việc đào luyện tri thức của con trai mình. Cậu rất mạnh về trí thông minh, mới 15 tuổi mà đã vượt mặt những nhân vật học thức và quan trọng (Tự Thuật IX,6,14). Cậu cũng được rửa tội cùng với cha mình. Cả hai cùng tham gia vào các cuộc trao đổi ở Cassiciaco, và sống chung với nhau trong đan viện được thành lập ở Tagaste; cả hai cùng một hứng khởi vươn tới sự thánh thiện. Augustinô đối với cậu là cha, là thầy và người bạn. Vì thế, cái chết của đứa con trai trẻ tuổi này là một nỗi đau sâu sắc trong lòng Augustinô.

c) Kinh nghiệm tình bạn thời thanh xuân

Trong tác phẩm Tự Thuật[8], chúng ta có thể thấy những trang mô tả tuyệt đẹp về tình bạn:

“Có nhiều điều khác làm con say mê tâm tình bạn hữu như: chuyện trò cười đùa với nhau và tỏ tình hào hiệp cho nhau; cùng nhau đọc những trang sách hay; đùa giỡn với nhau, tôn trọng lẫn nhau; thỉnh thoảng bất đồng ý kiến với nhau, nhưng không cay cú như thường xảy ra, và chính sự bất đồng ý kiến rất họa hiếm đó càng làm nổi bật sự đồng tâm nhất trí thường xuyên với nhau; dạy bảo và học hỏi lẫn nhau, nhớ mong người vắng mặt, vui vẻ đón tiếp người mới trở về. Từ tâm hồn những kẻ yêu và được yêu lại, các dấu hiệu ấy và các dấu hiệu khác tương tự được biểu lộ qua miệng, lưỡi, con mắt và trăm ngàn cử chỉ rất nhã nhặn khác. Thật là như những ngọn lửa nung nấu tâm hồn làm cho nhiều người hoà hợp nên một” (Tự Thuật IV, 8, 13).

Bạn bè của Augustinô có rất nhiều. Đa số họ là bạn đồng môn, đồng nghiệp, nhưng bạn thân thì rất ít (Tự Thuật II,2,2; II,4,9-8,16).

Trước hết đó là người bạn “êm dịu cho con hơn mọi sự êm dịu của đời con lúc bấy giờ” (Tự Thuật IV,4,7) mà chúng ta không biết danh tánh. Tình bạn này chớm nở từ những trò chơi của thời niên thiếu và những ưa thích nồng nàn giống nhau. Vì Augustinô mà cậu đã bỏ đức tin và lao vào những chuyện mê tín. Xảy ra vào lúc cậu nguy tử, người ta đã đổ nước rửa tội cho cậu. Khi hồi phục Augustinô lúc bấy giờ đang theo giáo phái Manikê đã chế giễu cậu. Nhưng cậu khiển trách bạn mình cương quyết đến kỳ lạ, như nhìn thấy trong Augustinô một kẻ thù. Augustinô đã chấp nhận điều kiện phải chấm dứt những lời nói chế nhạo thì mới tiếp tục làm bạn của anh. Nhưng sau đó cậu lại lâm bệnh và qua đời. Augustinô đã mất đi một trong những người bạn yêu quý nhất của thời niên thiếu. Nỗi thương tiếc đã ám ảnh tâm hồn anh, làm cho anh chỉ thấy cuộc đời toàn là tang tóc và anh đã sống như người mất hồn, đến nỗi anh phải bỏ Tagaste mà đến sống ở Cartagine.

Ở đây Augustinô dần dần có thêm những người bạn mới, trong số đó có Nebriđiô và Alipiô. Nebridiô là một người bạn đồng môn về trí thức: tốt bụng say mê tìm kiếm chân lý, sức khỏe mong manh, khôn ngoan, lạc quan, dịu dàng. Anh đã bỏ quê quán mà theo Augustinô sang Italia. Viết về người bạn Nebridiô, Augustinô nói:

“Nebridiô đã rời bỏ quê quán gần Cartagine, và cả Cartagine là nơi anh năng lui tới. Anh từ bỏ lại gia sản giàu có của cha, bỏ lại nhà cửa và mẹ, không muốn theo anh, mà đến Milanô, không vì lý do nào khác là được sống với con trong sự say mê tìm kiếm chân lý và sự khôn ngoan” (Tự Thuật VI, 10, 17).

Niềm gắn bó giữa họ là tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Người bạn này rồi cũng chết sớm.

Còn Alipiô là người anh em của tâm hồn. Anh vui tính và nghiêm trang, xét theo luân lý thì lành mạnh. Anh là môn sinh của Augustinô từ khi ở Tagaste, rồi anh theo thầy mình đến Milanô và Rôma. Họ cùng nhau rút về tĩnh tâm ở Cassiciaco để lãnh phép rửa. Rồi họ cùng nhau về sống ở Tagaste với các đan sĩ. Cả hai trở thành giám mục và là bạn hữu của nhau mãi mãi.

Tại Milanô, anh có ba người bạn: Manliô Teođôrô, Simplicianô và Ambrosiô. Ông Teođôrô là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng rất lớn đã giúp cho Augustinô hướng theo triết học tân thuyết Plato. Tình bạn của họ chân thành nhưng không kéo dài. Simplicianô là một linh mục thánh thiện đã rửa tội cho Ambrosiô và ở bên cạnh ngài để hỗ trợ trách nhiệm giám mục. Augustinô biết ngài khi tuổi ngài đã xế bóng, nhưng vị linh mục già lão này đã giúp Augustinô vượt qua những khó khăn và những nghi ngờ về đức tin. Ngài là cha và là thầy của anh ở Milanô. Nhưng chắc chắn trường hợp tiêu biểu nhất là mối quan hệ với Ambrosiô (333-397). Giám mục Ambrosiô đã dạy dỗ anh bằng những bài giảng, khuyên nhủ anh bằng các lá thư và rửa tội cho anh bằng chính bàn tay của ngài. Tuy nhiên, hai con người này đã chẳng bao giờ gắn kết với nhau bằng một tình bạn thực sự. Augustinô muốn nói chuyện với ngài, nhưng vị giám mục này không để ý tới. Augustinô ngưỡng mộ văn hóa và tài hùng biện của Ambrosiô và giữ trong lòng mình một sự thiện cảm mạnh mẽ, những khát vọng làm bạn với vị giám mục này đã không thành công (x. Soliloquiorum II,14,26). Vì sao Ambrosiô lại trở nên lạnh lùng như vậy? Chắc không phải vì vị giám mục lớn hơn anh hơn 20 tuổi, cũng không phải vì ngài thiếu tôn trọng một tình bạn chân thành. Có lẽ vì trong thực tế giữa hai người có quá nhiều điểm khác nhau: Ambrosiô sinh tại Treveri (nước Đức) từ một song thân có địa vị trong xã hội, ngài có một trọng lượng tầm cỡ nghị viện và tâm tính bình thản; còn Augustinô lúc ấy là một ngọn hỏa hào sôi động, tâm thần sùng sục một bầu nhiệt huyết. Ambrosiô là một giám mục, một nhà giáo huấn, con người của quốc gia, của chính phủ, điều hành và ngoại giao; còn Augustinô chỉ là một tay tiểu tư sản tỉnh lỵ, duy trí thức, thích những vấn đề triết học và vô tư với chính trị. Nền giáo dục của Ambrosiô chú trọng đến pháp luật và thần học mà các giáo phụ Hy Lạp và Rôma phải nắm bắt hầu như toàn bộ; còn chương trình giáo dục của Augustinô là văn chương và chỉ có văn chương Latinh mà thôi. Tác phẩm của Ambrosiô hầu hết là chú giải Kinh thánh và luân lý, hơn là thần học suy lý; trong khi đó Augustinô biết nhiều về siêu hình học và những vấn đề trừu tượng. Ambrosiô chịu chức linh mục lúc 34 tuổi và giữ mình độc thân mà không gặp khó khăn gì; còn Augustinô từ lúc 16 tuổi đã bị dục vọng chế ngự, cho đến giây phút cận kề của cuộc hoán cải, vẫn không thể sống đơn thương độc mã. Như vậy, giữa hai con người này có quá nhiều điều khác biệt không cho phép xây dựng một tình bạn đích thực. Đó là một tình bạn dâng hiến một chiều, chứ không phải là tình bạn song phương.

Tóm lại trong thời niên thiếu và thanh xuân, bạn hữu chí thiết của ngài có khoảng chừng mười người. Sau này lớn lên và hoán cải trở thành Kitô hữu đích thực, ngài thấy có sự phân biệt nào đó giữa các tình bạn mà ngài có được: tình bạn vì tình yêu thông thường thì khác với tình bạn vì tình yêu đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngài vẫn giữ tình bạn hữu cho đến phút cuối đời.

1 2 3

Comments are closed.

phone-icon