Cội nguồn và cứu cánh của sứ mạng Loan báo Tin mừng

0

CỘI NGUỒN VÀ CỨU CÁNH CỦA SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

TRONG ÁNH SÁNG BA NGÔI

Nguồn gốc của Giáo hội được phát biểu trong một câu nói dường như bất hủ: “Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất khởi nguồn từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Con và Thánh Thần”[1]. Giáo hội được mời gọi hiện diện giữa trần gian là do sự thông hiệp trọn vẹn giữa Ba Ngôi. Nói cách khác, Giáo hội là một mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở trong tâm trí Chúa Cha, được Chúa Con thiết lập trong dòng lịch sử và được Chúa Thánh Thần tác sinh và cư ngụ[2]. Nếu Giáo hội phát sinh từ Ba Ngôi thì sẽ trở về với Ba Ngôi, Ba Ngôi vừa là nguồn mạch trong quá khứ vừa là lời hứa trong tương lai của Giáo hội. Nhưng trước khi đến ngày Đức Kitô trở lại, khi tất cả mọi sự được đặt dưới chân Ngài và được Ngài trao lại cho Chúa Cha (x. 1Cr 15,28), như thế, Giáo Hội phải trải qua thời gian lữ hành thì mới đạt tới đích điểm vinh quang sáng lạn. Điều này đòi hỏi Giáo hội, một đàng phải luôn luôn biến đổi, thanh tẩy không ngừng và canh tân nhờ Thánh Thần; đàng khác phải ra đi thi hành sứ vụ, làm cho triều đại của Thiên Chúa đã khai nguyên và hiện diện cách nhiệm mầu trong thế giới, sớm được phát triển và thành tựu trong vinh quang trên toàn cõi đất.

Đây chính là sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Sứ mạng đó phải được trình bày trong sứ mạng của Thiên Chúa Ba Ngôi (missio Dei), nghĩa là Chúa Cha đã “sai” Con Một và Thánh Thần đến trần gian, và cả hai lại “sai” Chúa Thánh Thần đến với Giáo hội.

Chúng ta sẽ lần lượt khai triển nguồn gốc, động lực và đích điểm của sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội trong ánh sáng Ba Ngôi.

1. Cội nguồn của sứ mạng truyền giáo

Sứ mạng rao giảng Tin Mừng của các Tông đồ bắt đầu từ niềm tin và lời tuyên xưng nguyên thủy: “Đức Giêsu là Đức Kitô” (Mc 8,30) “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,11) hay “Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa” (Cv 8,37). Và niềm tin ấy được khai triển dần dần trong lời tuyên xưng của Giáo hội như ta vẫn tuyên đọc trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời … Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi Người đã từ trời xuống thế: bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”.

Nhưng vị trí trung tâm của Đức Kitô luôn luôn giả thiết sứ mạng riêng của mỗi Ngôi vị[3]. Thật vậy, sứ mạng của Giáo hội không chỉ xuất phát từ sứ mạng Đức Kitô, sứ mạng của người Con (missio Filii) mà còn phát xuất từ sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei) nữa, như sắc lệnh truyền giáo của Công đồng Vaticano II phát biểu: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha”[4].

Chúa Cha đã sai Con mình đến thế gian “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Đến lượt Đức Giêsu sau khi phục sinh, Ngài cũng sai Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ và Giáo hội để rồi, một lần nữa các ông được sai đi: “’Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em’. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ’” (Ga 20,21-23).

Sứ mạng Giáo hội cũng được mở ra trong viễn tượng Ba Ngôi từ những lời nói sau cùng của Đức Giêsu với các tông đồ, trước khi Ngài trở về Chúa Cha: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ngài đã trao lại sứ mệnh của Ngài cho Giáo hội, để Giáo hội tiếp tục sứ mạng ấy cho đến ngày tận thế.

Viễn tượng Ba Ngôi lại được tìm thấy trong lời chào mở đầu các thư của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Đây cũng chính là lời chào của vị chủ tế hướng về cộng đoàn trong phụng vụ Thánh lễ. Lời chào này bày tỏ lời cầu chúc cho họ được dự phần vào những ân điển và tình yêu của Ba Ngôi: tình yêu của Cha sáng tạo, ân sủng của Chúa Con cứu chuộc và sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần[5].

Như vậy căn nguyên của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội không chỉ bắt nguồn từ mệnh lệnh của Đức Giêsu trước khi Ngài về trời, hay từ lúc Ngài ban Chúa Thánh Thần trên các môn đệ vào ngày lễ Phục Sinh và Ngũ Tuần, mà sứ mạng đó tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô và Thánh Thần khi các Ngài được sai xuống trần gian. Hơn thế nữa, sứ mạng của Giáo hội có nguồn cội xa xôi từ nguyên thủy, và được ấp ủ trong tình yêu sâu thẳm của Chúa Cha, trong cung lòng của Ba Ngôi Chí Thánh.

2. Động lực của sứ mạng truyền giáo

Sứ mạng của Giáo hội có nguồn gốc từ Ba Ngôi thế nào, thì mọi năng động của công cuộc truyền giáo của Giáo hội cũng phải xuất phát từ nguồn mạch vĩnh cửu Ba Ngôi như vậy. Chúng ta cùng xét đến chiều cao, chiều rộng, chiều sâu của động lực truyền giáo của Giáo hội.

a) Từ Ba Ngôi đến Giáo hội

Công cuộc truyền giáo của Giáo hội được thúc đẩy trực tiếp trước hết từ “nguồn suối tình yêu” của Thiên Chúa Cha, Đấng là Nguyên ủy vô nguyên ủy, từ Chúa Con được sinh ra, và từ Chúa Thánh Thần qua Chúa Con mà phát xuất ra. Thật vậy, Chúa Cha do lòng nhân hậu và thương xót vô bờ, Ngài không những thông truyền tình yêu và các phẩm tính thần linh cho hai Ngôi kia trong vòng tròn hoàn hảo của Ba Ngôi, nhưng còn thông truyền tất cả cho chúng ta qua việc tạo dựng muôn loài. Hơn nữa, Ngài mời gọi chúng ta tham dự vào đời sống, sứ mạng và vinh quang của Ngài và muốn cho muôn vật muôn loài cũng trở nên viên mãn thành toàn ở trong Ngài (1Cr 15,28) vì hạnh phúc của chúng ta và vinh danh Thiên Chúa. Còn Chúa Con khi được sai đến thế gian nhập thể làm người để thi hành sứ mạng cứu độ nhân loại, thì cũng trở thành “khuôn mẫu” và “mô phạm” về lòng nhiệt thành và phương thức truyền giáo của Giáo hội. Sau cùng, khởi đi từ lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đổ xuống trên các tín hữu và Giáo hội ngọn lửa mến, để ban cho Giáo hội năng lực truyền giáo mới vượt khỏi biên cương, vươn tới tầm mức phổ quát, mạnh mẽ và dứt khoát, để có thể đến với mọi người, mọi nơi và mọi thời.

b) Từ các Tông đồ đến toàn cõi đất

Tính năng động của sứ mạng Giáo hội cũng được nhìn thấy trong sự tiến triển và lan rộng của Vương quốc Thiên Chúa: vương quốc của Cha, vương quốc của Con và vương quốc trải rộng phổ quát trong Thánh Thần. Thật vậy, trước khi Đức Giêsu về trời, các Tông đồ vẫn còn mong chờ vương quốc của Thầy mình sẽ được phục hồi: “’Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không? ‘ Người đáp: ‘Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất’” (Cv 1,6-8).

Trong thánh ý của Chúa Cha, Đức Giêsu đã trao mọi hoạt động của các Tông đồ, nghĩa là của Hội Thánh, cho quyền năng của Chúa Thánh Thần trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Nước Thiên Chúa đã được khai nguyên trên mảnh đất Israel rồi, họ phải loan truyền Nước ấy đến với mọi biên cương của các dân nước. Đối với các môn đệ, điều ấy có nghĩa là vượt qua các cuộc xung đột dân tộc hay chủng tộc, vượt qua mọi biên cương văn hóa và tôn giáo mà họ đang sống, để Thiên Chúa được phụng thờ khắp nơi, để cảm nhận được tầm vóc của một vương quốc trải rộng phổ quát[6].

Điều này cũng có nghĩa là hạt giống Nước Chúa Cha được gieo vào lòng đất Israel, được phát triển nơi Đức Giêsu Kitô, và bây giờ với năng lực tiềm tàng của hạt giống ấy, các nhà truyền giáo như các Tông đồ, đã bỏ lại quê hương xứ sở của mình để công bố Tin Mừng trên khắp nẻo đường thế giới. Vì thế, động lực của sứ mạng truyền giáo của Hội thánh “không từ dưới đi lên, nhưng đi từ trên xuống, từ Chúa Thánh Thần, hầu để cho sứ vụ đó thấm nhập tình yêu của Ba Ngôi”[7].

c) Từ nội tâm đến tha nhân

Ngoài động lực chủ yếu và quan trọng của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội trực tiếp đến từ Ba Ngôi, chúng ta không thể không ghi nhận rằng sứ vụ ấy cũng được hứng khởi từ động lực tâm linh và giá trị con người ẩn sâu trong nội tâm con người.

Xét về động lực tâm linh, hoạt động truyền giáo của Giáo hội cũng được thúc đẩy từ kinh nghiệm về đức tin của mỗi cá nhân và từ nhu cầu tâm linh ẩn giấu bên trong tâm hồn con người: người Kitô hữu khao khát ơn cứu rỗi cho mình và người khác; sau khi lãnh nhận hồng ân và niềm vui đức tin, họ muốn chia sẻ cho người khác hồng ân đó; họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình và muốn chia sẻ tình yêu đó cho mọi người. Kinh nghiệm và động lực đó rõ ràng là hoa trái của Thánh Thần và Nước Thiên Chúa.

Xét về động lực nhân phẩm, người Kitô hữu sau khi ngỡ ngàng nhận thấy Đức Kitô chiếu sáng mầu nhiệm cao cả của con người qua việc Ngài lãnh nhận tất cả những điều kiện của con người trong mầu nhiệm nhập thể[8], thì cũng muốn loan báo cho người khác biết phẩm giá cao quý của họ. Những giá trị con người cao cả đó cũng thuộc về Nước Trời và mầm mống của vương quốc Ba Ngôi.

Dù các động lực loan báo Tin Mừng cũng khởi đi từ bên trong con người, nhưng đều xuất phát từ một thâm cung có Thánh Thần, Đức Kitô và tình yêu của Chúa Cha ngự trị trong mỗi tâm hồn các tín hữu.

3. Cứu cánh của sứ mạng truyền giáo

Nếu sứ mạng của Giáo hội đặt nền tảng trên Ba Ngôi, và nếu mọi hoạt động truyền giáo của Giáo hội phải được thúc đẩy theo các Ngài, thì tất nhiên, đích điểm của sứ mạng Giáo hội cũng là đích điểm của sứ mạng Ba Ngôi[9].

Mục đích tối hậu của sứ mạng Ba Ngôi là gì? Câu trả lời được tìm thấy dễ dàng trong các chứng từ của Thánh Kinh. Bằng vô số biểu tượng, Cựu ước mạc khải ý định của Thiên Chúa là muốn thiết lập triều đại Thiên Chúa để và tái thiết vương quyền của Ngài. Trong Tin Mừng ba lời khẩn nguyện đầu tiên của Kinh Lạy Cha tóm tắt rất hay mục đích cuối cùng và sâu xa của sứ mạng ấy: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10). Cũng vậy, theo giáo huấn của Hội thánh[10], Chúa Cha là nguồn gốc của sứ mạng Đức Kitô. Ngài sai Người Con đến trần gian để thực hiện công trình cứu chuộc. Công cuộc cứu độ của Người Con bắt nguồn từ sự hiệp thông của bản tính thần linh và nhắm đến việc khôi phục Nước Thiên Chúa. Như Đức Kitô, Thánh Thần cũng là tác nhân đầu tiên và chính yếu của toàn thể sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Ngài hoạt động cách đặc biệt trong việc truyền giáo cho dân ngoại (ad gentes), như được thấy nơi Giáo hội sơ khai: trường hợp trở lại của gia đình Cornêliô ngoại giáo (x. Cv 10), trường hợp giải quyết các rắc rối về việc cắt bì cho các Kitô hữu gốc Do Thái (x. Cv 15), trường hợp chọn lựa các lãnh thổ và các dân để truyền bá Tin Mừng (x. Cv 16,6tt). Nhờ tác động của Ngài, Tin Mừng được hình thành nơi tâm trí con người và được lan truyền qua dòng lịch sử[11]. Thánh Thần và Con không tách rời nhau trong công cuộc truyền giáo xuất phát từ Chúa Cha, bởi vì có sự hiệp nhất và duy nhất giữa các Ngôi vị thần linh. Các Ngài thực hiện chương trình cứu độ do Chúa Cha vạch ra và cống hiến hết năng lực, tình thương để dẫn đưa Nước Thiên Chúa đến chỗ hoàn hảo và viên mãn.

Kết

Kín múc nguồn gốc của mình từ sứ mạng Thiên Chúa, sứ mạng của Giáo hội phải quy hướng vào viễn tượng vương quốc của Ba Ngôi, vương quốc cánh chung. Vì thế đích điểm của sứ mạng Giáo hội là Nước Thiên Chúa chứ không phải là bản thân của Giáo hội. Trong thời gian thi hành sứ mạng cao cả đó, Giáo hội phải ý thức về đặc tính tạm thời và lữ hành của mình. Lời nói cuối cùng của Giáo hội là Nước Chúa, là làm vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Nt. Maria Đinh Thị Sáng

 


[1] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium) số 4 trích lời của thánh Cipriano thế kỷ III. Xem thêm Sắc lệnh Hiệp nhất (Unitatis redintegratio), số 2.

[2] Xem B. Forte, La Chiesa della Trinità. Saggio sul mistero della Chiesa comunione e missione, San Paolo, Milano 1995, tr. 73-76.

[3] Xem Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ (Redemptoris Missio), số 1a. 22b. 24a. 36c.

[4] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes), số 2.

[5] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giáo huấn ngày thứ tư hàng tuần 9-10-1991, số 3.

[6] Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với thiếu phụ Samaria bên bờ giếng Giacóp cũng mang ý nghĩa đó (x. Ga 4)

[7] ĐGH Gioan Phaolô II, Giáo huấn ngày thứ Tư hàng tuần5-4-1995, số 6.

[8] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Đấng cứu độ con người (Redemptoris hominis), số 10.

[9] Xem J. Parappally, “The Triune God: Source, Model and Goal of Mission, with a Special Reference to «Ecclesia in Asia»”, in Mission Today, 2 (2000) 4, tr. 427-428.

[10] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ (Redemptoris missio), số 1. 21.

[11] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, số 21a. 30a. 36c; Tông huấn Ecclesia in Asia, số 17a. 15d. 21c.

Comments are closed.

phone-icon