Thưa quý Bề trên và Chị em,
Chúng ta đã bước sang năm thứ tư theo định hướng Tổng Hội Tam Hiệp XIII với chủ đề Sống Chứng Nhân của Lời trong Bác ái Xã hội. Đặc biệt, trong quý này, với điểm nhấn là đời sống Nhân bản, xin được cùng chị em hướng đến phong cách của Người Nữ tu Đa Minh Tam Hiệp, họa ảnh của Đức Giêsu hiền hậu và khiêm nhường. Với định hướng trên, trong ngày tĩnh tâm hôm nay, xin mời quý Bề trên và Chị em cùng chiêm ngắm chân dung của vị Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường qua trình thuật Tin Mừng (Mt 11, 25-30). Ước gì mỗi người chúng ta thành tâm chiêm ngắm gương sống của Chúa, để biết tự đào luyện mình trở nên những người môn đệ hiền lành và khiêm tốn trong sứ vụ đem Lời Yêu Thương đến cho anh chị em, đặc biệt là những người nghèo, những người bé mọn,… qua đời sống bác ái dấn thân phục vụ của mỗi người chúng ta.
LỜI CHÚA: Chúa Nhật 14 TN A (Mt 11, 25-30)
25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
SUY NIỆM
Là con người sống kiếp lữ hành trần thế, ai trong chúng ta cũng có những gánh nặng, những vất vả lo toan trong cuộc sống. Trên thực tế, bên cạnh những gánh nặng của nhu cầu cơm áo, của bệnh hoạn tật nguyền, vẫn còn tồn tại những gánh nặng của áp bức bất công, của nhân phẩm bị chà đạp. Nếu có những gánh nặng về nỗi đau của những vấp ngã trong quá khứ, thì vẫn còn đó những gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại. Và chưa kể đến những gánh nặng tinh thần, những ích kỷ nhỏ nhen, những sợ hãi nghi ngờ, những tự ti mặc cảm, những đam mê thái quá, những thành kiến cố chấp… luôn đeo bám và đè nặng trên chúng ta từng ngày, khiến chúng ta không cảm được sự tự do, hạnh phúc đích thực của những người con Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta can đảm nhìn nhận thân phận bé mọn yếu đuối của mình, mà trao dâng những gánh nặng ấy cho Chúa, để Chúa nâng đỡ bổ sức cho chúng ta. Chúa còn mời gọi chúng ta hãy học với Ngài sự “hiền hậu và khiêm nhường” để Ngài có thể mạc khải Thiên Chúa, mạc khải Mầu Nhiệm Nước Trời cho chúng ta.
1. Thiên Chúa mạc khải cho những người bé mọn—người hiền hậu và khiêm nhường
Bài Tin Mừng khai mở với lời chúc tụng Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha vì Người đã quảng đại mạc khải những mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn (Mt 11,25). Vậy ai là “người bé mọn,” ai là người “hiền hậu và khiêm tốn” mà Đức Giêsu muốn đề cập đến? Theo Kinh Thánh, người hiền hậu và khiêm tốn là những người nghèo (anawim) của Thiên Chúa, những người mà ngay từ thời Cựu Ước, các ngôn sứ đã định nghĩa là người được hưởng tình yêu nhân lành của Thiên Chúa: “Kẻ được Ta đoái nhìn, đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát” (Is 66,2). Họ tuy là người bần cùng thiếu thốn về vật chất hoặc về tinh thần, nhưng sự cùng quẫn của họ lại là lý do để họ được Chúa yêu thương (Tv 10,14), được Đấng Messia bênh vực (Is 11,4) và chính Ngài trở nên Tin Mừng cho họ (Is 61,1).
Sang thời Tân Ước, Tin Mừng Matthêu cũng cho thấy “những người bé mọn” là những người có tinh thần nghèo khó (Mt 5,3), những người hiền lành và khiêm hạ (Mt 5,4). Họ sống lệ thuộc Thiên Chúa và quy chiếu về Ngài, họ nhận biết Ngài là Chúa Tể trời đất và vui hưởng mạc khải bởi vì họ biết ký thác bản thân cho tình yêu và sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Ý thức thân phận nghèo hèn của mình nên họ không tự mãn, cố chấp, trái lại luôn khiêm tốn và sẵn sàng đón nhận sự trợ giúp từ Thiên Chúa và từ tha nhân. Trong ngữ cảnh bài Tin Mừng này, “những người bé mọn” còn được hiểu là những người tự coi mình là nhỏ bé, coi “cái tôi” của mình không là gì cả, không đáng kể, không khao khát được mọi người quan tâm hay chú ý tới mình, không coi ý kiến hay ý riêng mình là quan trọng. Đó là những người sống tinh thần tự hủy theo gương Đức Giêsu (x. Pl 2,6-8), biết “lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình, không tìm lợi ích riêng cho bản thân, mà tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,3-4), sẵn sàng chịu thiệt thòi mất mát vì yêu thương tha nhân.[1]
Ý thức mình là người nghèo, nên “những người bé mọn” luôn hiền hậu và khiêm tốn mở lòng ra với Chúa, khao khát được Chúa lấp đầy những giới hạn và khiếm khuyết của mình. Vì thế, người “bé mọn” là những người được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt, và được Ngài tỏ cho biết những bí nhiệm về Thiên Chúa, về Chân Lý Tối Hậu. Ngài cho họ cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, nếm được sự ngọt ngào êm dịu, cũng như đón nhận sức sống tràn đầy và sức mạnh vô biên của Thiên Chúa.
Suy niệm Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự vấn lương tâm: chúng ta đang là “những người bé mọn” hay tự coi mình là “những bậc thông thái khôn ngoan”? Phải chăng đã nhiều lần chúng ta tự phụ cho rằng mình là người khôn ngoan, hiểu biết mọi sự, đến nỗi chúng ta không cần đến ơn Chúa, mà cũng chẳng màng chi đến sự trợ giúp của tha nhân. Vì thế, Thiên Chúa đã không thể mạc khải chính Ngài cho chúng ta, vì chúng ta không sẵn sàng tiếp nhận Ngài. Thiên Chúa muốn chúng ta dùng hết khả năng Chúa ban để nhận biết Chúa, nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi mình, nơi anh chị em và nơi mọi biến cố thời đại, nhưng vì cao ngạo chúng ta đã khép lòng. Do vậy, một lần nữa Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống khiêm tốn, biết vét rỗng mình để Ngài có thể mạc khải chính Ngài và tuôn tràn ân sủng của Ngài trên chúng ta.
2. Đức Giêsu—mẫu gương của sự hiền hậu và khiêm nhường
Khi tại thế, Đức Giêsu không những dùng lời nói dạy chúng ta bài học hiền lành và khiêm nhường, nhưng còn minh chứng bằng chính gương sống của Ngài. Thật vậy, cuộc sống của Đức Giêsu là một bài học thật sống động về hiền lành và khiêm nhường. Chính Thánh Phaolô đã minh chứng sự hiền hậu và khiêm tốn tột cùng của Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người, như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Cuộc đời Đức Giêsu quả là một mẫu gương khiêm nhường tột bậc. Từ địa vị là Con Thiên Chúa tối cao, Ngài đã khiêm tốn tự hủy chính mình để sống tận cùng mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài muốn xuống tận cùng kinh nghiệm nhân loại của một người hèn kém, nhỏ bé nhất hầu chung chia kiếp người, nâng dậy và đưa họ đến với Ngài. Là Thiên Chúa cao sang, Ngài đã tự nguyện xuống làm một người yếu đuối nghèo hèn. Là Đấng Chí Thánh, Ngài đã hạ mình xuống sống giữa hàng phạm nhân tội lụy. Là Chủ tể muôn loài, Ngài đã tự nhận lấy thân phận tôi tớ. Là Đấng Hằng Sống, Ngài đã tự nguyện chết trên thập giá để nhân loại nhờ Ngài mà bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã không ngừng hạ mình xuống đón nhận những thân phận tăm tối, thấp hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Trong nhà Tiệc Ly, Đức Giêsu còn qùy xuống rửa chân cho các môn đệ, thậm chí cả người môn đệ phản bội. Thiên Chúa đã quỳ xuống trước mặt nhân loại, và như người tôi tớ, Thiên Chúa đã cúi xuống rửa chân cho con người để trả lại cho con người những nhân phẩm đã đánh mất, danh tính con Thiên Chúa đã bị xóa đi vì tội lỗi. Ngài đã hạ mình xuống tận cùng đến nỗi không còn có thể xuống hơn được nữa. Trong khi con người cao ngạo, muốn vươn lên làm Chúa, thì Thiên Chúa vì yêu thương lại hạ mình xuống làm người. Trong khi con người thấp hèn, muốn đưa mình lên bằng cách chà đạp người khác, thì Thiên Chúa cao cả lại hạ mình xuống hầu nâng con người lên.[2]
Đức Giêsu không những khiêm nhường mà còn hiền hậu trong lòng. Tin Mừng ghi lại “Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói” (Mt 12,20). Ngài không lên án, không thành kiến với những người mà xã hội coi là xấu xa, tội lỗi. Lời nói và hành động của Ngài luôn tỏa sáng sự dịu dàng, an ủi, nâng đỡ, và khích lệ. Ngài không nặng lời, không kết án tội nhân nhưng dùng tình thương hoán cải lòng người. Với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Ngài chỉ thinh lặng cúi xuống dùng ngón tay viết lên cát rồi nhẹ nhàng bảo chị: “Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Nơi Đức Giêsu, một Thiên Chúa quyền năng đã chấp nhận nên như một con chiên hiền lành trước người thợ xén lông, một con chiên hiền lành chịu sát tế để nhân loại được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
3. Học hiền hậu và khiêm nhường với Thầy Giêsu
“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Đức Giêsu không ngừng mời gọi các thính giả của Ngài ngày xưa và chúng ta hôm nay hãy đến làm học trò của Ngài. Chúng ta hãy đến học nơi mái trường Giêsu, học với Thầy Giêsu, và học bài học Giêsu. Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài: “Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhường.” Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu, chúng ta sẽ luôn được bình an, hạnh phúc. Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời, cần loại bỏ những thành kiến tự mãn, những “khôn ngoan thông thái” thế gian, để đi vào “căn phòng nội tâm” với Chúa, và học nơi Ngài bài học hiền hậu và khiêm nhường. Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải và đưa vào Nước Thiên Chúa, Nước Tình Yêu và Chân Lý.
Gương sống hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu cũng giúp chúng ta nhìn lại cách sống của mỗi người. Là tu sĩ Đa Minh, những người được mời gọi sống chung với nhau thành một gia đình, chúng ta xác tín rằng cộng đoàn luôn luôn là một hồng ân, nhưng cũng mãi mãi là một thách đố. Là hồng ân, vì mỗi chúng ta là một món quà được trao tặng cho người khác để chia sẻ và làm phong phú hóa cuộc sống của nhau, và đồng thời giúp nhau truyền rao Chân lý. Là thách đố vì mỗi người là một mầu nhiệm đòi chúng ta phải kiên nhẫn khám phá. Như thế, hiền lành và khiêm tốn sẽ là chìa khóa vàng giúp chúng ta đi vào thế giới của nhau để hiểu, để tôn trọng và yêu thương chân tình. Mỗi chúng ta được sinh ra với những cá tính, sở thích, khả năng, và giới hạn riêng, vì thế, để sống chung với nhau đòi chúng ta phải làm chủ chính mình, chấp nhận những người bên cạnh, chịu đựng mọi hoàn cảnh bất trắc hay những điều ngoài ý muốn của mình. Khi chúng ta biết làm chủ chính mình, chấp nhận và chịu đựng lẫn nhau, chúng ta mới thực sự là người hiền lành và khiêm tốn của Tin Mừng.
Hơn nữa, để trở thành chứng nhân của Lời cho người hôm nay, chúng ta càng không thể đi ra ngoài con đường hiền lành, khiêm tốn mà Đức Giêsu đã đi, và mời chúng ta cùng đi với Ngài. Trên bước đường sứ vụ, chúng ta cần giới thiệu Đức Giêsu, một Thiên Chúa Hiền hậu và Khiêm nhường cho anh chị em qua phong cách dịu dàng, khiêm tốn, tế nhị và yêu thương của chúng ta. Chúng ta được mời gọi trở nên những mục tử hiền lành như trong dụ ngôn “Con Chiên lạc” (Lc 15,4-7): không giận dữ, quát tháo, hay đánh đập kéo lê con chiên lạc, nhưng nhẹ nhàng đặt nó lên vai mình, vác về đàn, và ân cần thương yêu chăm sóc nó. Chúng ta cũng học được tâm tình của người Cha nhân hậu trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” (Lc 15,11-32): người Cha không trách móc đứa con lỗi lầm trở về, nhưng âu yếm ôm hôn, bao dung tha thứ, để nhờ tình thương bao la như trời bể của cha, tội lỗi của con được quên đi và phẩm chức của con được bảo vệ và phục hồi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, để con nghe được tiếng Chúa nói, thấy được Chúa hiện diện và hoạt động trong cuộc đời con. Xin dạy con sống hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con thực hành đức khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui vẻ cùng Ngài đi trên con đường hẹp với niềm hạnh phúc ngập tràn vì con đang được cùng Ngài chịu khổ đau cho Nước Trời, và cho phần rỗi của con và của những người anh chị em con. Amen.[3]
Sr. Maria Đinh Thị Thu Hà
___________
[1] Joan Nguyễn Chính Kết. Chúa Nhật 14 Thường Niên Năm A. trích tại http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/chunhat/NamA/CN14QN-Ket.htm
[2] Gm. Giuse Ngô Quang Kiệt. “Khiêm Nhường” Suy Niệm Chúa Nhật 14 Thường Niên A. Trích tại http://kinhthanhvn.org/
[3] “Chúa Nhật 14 Thường Niên A—Ách Tôi Êm Ái” Manna-Suy Niệm Lời Chúa-Chúa Nhật Năm A. http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/manna/mannat14.htm