Đề tài tĩnh tâm tháng 9.2014

0

Tĩnh Tâm Tháng 9/2014

Thưa Quý Bề trên và Chị em,

Trong quý này, toàn thể Hội Dòng chúng ta tập trung vào sứ vụ Sống Chứng Nhân của Lời trong Bác ái xã hội và điểm nhấn là xây dựng đời sống nhân bản của người Nữ tu Đa Minh Tam Hiệp. Thiết nghĩ, khi tuyên khấn, mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa hiến thánh trong Hội Dòng, trong Giáo Hội, để từ đây chúng ta được sai đi thi hành sứ vụ. Vì thế, xây dựng Hội Dòng và Giáo Hội bằng cách tự đào luyện chính mình, để trưởng thành hơn trong đời sống nhân bản phải là nhiệm vụ đầu tiên của mỗi người chúng ta. Thiết nghĩ, một trong những yếu tố nhân bản quan trọng giúp chúng ta xây dựng Hội Dòng đó là chúng ta thành tâm giúp nhau nhận ra những thiếu sót bất toàn để chấn chỉnh, hoàn thiện theo tiêu chuẩn Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sẽ dạy chúng ta phải sửa lỗi thế nào để đem lại lợi ích thiết thực cho mình, cho người chị em và cho cộng đoàn chúng ta đang sống.

II. LỜI CHÚA:  Chúa Nhật 23 TN A (Mt 18, 15-20)

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

II. SUY NIỆM

Đã là người, ai cũng mang trong mình những thiếu sót và lầm lỗi. Vì thế, muốn thăng tiến bản thân và xây dựng một cộng đoàn yêu thương, một xã hội lành mạnh, chúng ta phải nâng đỡ nhau và thành tâm sửa lỗi cho nhau. Sống trong cộng đoàn tu trì, hay cộng đoàn Giáo Hội – Nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta càng có bổn phận sửa lỗi huynh đệ để giúp nhau sống đúng phẩm giá làm người, làm con Chúa, và làm hiền thê Chúa Kitô. “Nếu người [chị em] của con trót phạm tội, thì con hãy đi sửa lỗi nó” (x.Mt 18,15), Đức Giêsu nhắc nhớ chúng ta trách nhiệm giúp người chị em. Ngài cũng dạy chúng ta một nghệ thuật sửa lỗi trong tình thương, tôn trọng, và tha thứ, nên chúng ta cần đến với người có lỗi bằng con tim tế nhị, kiên nhẫn sửa lỗi cho nhau với thành ý giúp nhau nên hoàn thiện. Để hiểu rõ hơn về nghệ thuật sửa lỗi của Đức Giêsu, chúng ta cùng đào sâu ba điểm chính sau: (1) Mọi người đều có lỗi nên cần được góp ý để sửa sai, (2) sửa lỗi cho nhau là bổn phận trong đức ái, và (3) sửa lỗi cho nhau theo tinh thần của Đức Giêsu.

1.Mọi người đều có lỗi nên cần được góp ý để sửa sai

Người ta thường nói: “nhân vô thập toàn” hay “tha thứ là bệnh của Trời, lỗi lầm là bệnh con người chúng ta.” Là con người, ai cũng vương lầm lỗi, nhưng cũng vì là người mà chúng ta được mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5,48). Vậy để nên hoàn thiện, chúng ta cần đón nhận việc sửa lỗi, đồng thời cũng chân thành góp ý sửa lỗi cho tha nhân. Trên hành trình cuộc sống, muốn thăng tiến và hạnh phúc, chúng ta phải chấp nhận sửa đổi và điều chỉnh liên tục. Thực ra, tự nhận ra thiếu sót lỗi lầm của mình và tự sửa đổi đó là điều tốt nhất và lý tưởng nhất. Nhưng thực tế cho thấy thực hiện được điều này quả là không dễ dàng chút nào, vì tâm lý chung của mọi người là “thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 7,3). Chúng ta dễ nhận ra lỗi của người khác hơn là lỗi của chính mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của chúng ta hơn là lỗi của họ. Từ đó cho thấy việc sữa lỗi cho nhau tuy là khó đón nhận, nhưng lại rất cần thiết, đặc biệt cho những ai sống chung trong một cộng đoàn tu trì. 

Thiên Chúa dựng nên chúng ta mỗi người mỗi vẻ, mỗi người mỗi tính: người thông minh, kẻ chậm hiểu; người này nhanh nhẹn, người khác chậm chạp; có người hăng say, năng nổ, nhiệt tình, thì cũng có người ù lì, thờ ơ, lười biếng; người mau miệng chưa nghĩ đã nói, người chậm nói hỏi mãi cũng không thưa… Đúng là “bá nhân bá tánh.” Chúng ta nên biết điểm mạnh của mình để phát huy và điểm yếu để sửa chữa. Hơn nữa, chúng ta cần khôn ngoan tận dụng những món quà Chúa trao để hoàn thiện chính mình và làm giàu cho anh chị em. Chúng ta trao chia cho nhau những điều tốt, điều hay, nhưng cũng thông phần với nhau trong những giới hạn, bất toàn của mỗi người, để cùng “vác đỡ gánh nặng cho nhau” và giúp nhau sửa đổi hầu mỗi ngày nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô hơn.

Một khi đã nhận ra lỗi của mình, ai cũng muốn quyết tâm sửa đổi. Nhưng thực hiện quyết tâm đó cũng là một vấn đề nan giải. Vì những sai lỗi của chúng ta nhiều khi đã trở thành những thói quen cố hữu, hoặc đã phát xuất từ một quan niệm, một thành kiến sai lạc. Bỏ được quan niệm hay thành kiến đó quả là rất khó, nhất là khi những sai lỗi ấy gắn liền với quyền lợi, danh dự, địa vị,… thì càng khó hơn nữa. Tuy nhiên, muốn trở nên con cái Thiên Chúa, chúng ta phải bằng lòng sửa đổi, để hoàn thiện chính mình mỗi ngày, nhất là khi những sai lỗi của chúng ta gây hại nặng cho chính mình, cho cộng đoàn và cho xã hội. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận sửa lỗi, chúng ta mới trở nên người hơn, trưởng thành hơn trong tiến trình hoàn thiện như Thiên Chúa muốn.

2. Sửa lỗi cho nhau là bổn phận của Đức ái

Dù rất yêu thương và cảm thông với những lầm lỗi khuyết điểm của con người, nhưng Đức Giêsu không bao giờ tỏ ra dửng dưng làm ngơ, hay đồng tình với lỗi lầm của phạm nhân. Ngài mời gọi họ sửa đổi, can đảm đứng lên làm lại cuộc đời, để “từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy các môn đệ sửa lỗi cho nhau: Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi người ấy” (Mt 18,15a). Như thế, sửa lỗi huynh đệ là bổn phận của mỗi người chúng ta trong đức ái. Sửa lỗi cho anh chị em chính là cách chúng ta thể hiện tình thương đối với người đó. Vì thương mến ai, chúng ta sẽ muốn và bằng mọi giá tìm cách làm cho người đó nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tình thương đích thực không cho phép chúng ta an tâm khi thấy người thân hay anh chị em mình rơi vào con đường lầm lạc. Tình thương ấy thúc đẩy chúng ta phải nhắc bảo, phải cảnh báo để đưa người ấy ra khỏi sai lầm, khỏi điều xấu và sự ác, để người ấy sống một cuộc sống tự do, hạnh phúc của người con Chúa.

Sửa lỗi huynh đệ là bổn phận của yêu thương. Chính vì yêu thương mà Chúa đòi buộc chúng ta phải sửa lỗi cho nhau, không để cho nhau chết trong lầm lỗi của mình (Ez 33,7-9). Sửa lỗi cho nhau là vì sự tốt đẹp và ích lợi của nhau. Nếu chúng ta thật sự yêu thương người có lỗi, thì khi sửa lỗi cho họ, chúng ta sẽ tỏ ra tôn trọng, tế nhị, dịu dàng, tránh xúc phạm đến họ, nghĩa là tránh tất cả những lời nói, cử chỉ, thái độ khiến họ bị tổn thương, đau khổ, và tức giận. Nếu không có tình yêu thương đích thực thì mọi cách sửa lỗi của chúng ta không những vô hiệu, mà còn gây tổn thương, phản kháng, và bực tức. Càng yêu thương nhau thì việc sửa lỗi cho nhau càng hữu hiệu. Tình yêu đích thực sẽ giúp chúng ta biết cách sửa lỗi thế nào để người được sửa cảm nhận họ thật sự được yêu thương, và chính vì tình yêu thương đó mà chúng ta sửa lỗi cho họ, mong họ nên tốt đẹp và có một cuộc sống hoàn thiện hơn.

Sửa lỗi huynh đệ trong đức ái còn đòi chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Việc sửa lỗi không đơn giản một lần là xong, nhưng có những trường hợp phải sửa nhiều lần, nhiều cách, và nhiều phương thế. Chúng ta cần nhớ rằng, sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng người được sửa có thay đổi hay không là việc của Chúa. Chúng ta không có quyền bắt người khác phải thay đổi, cũng không có khả năng để thay đổi người khác. Chúng ta chỉ tin vào thiện chí phục thiện của người anh/chị em và kiên trì cầu nguyện, để xin Chúa lay chuyển và biến đổi họ trong tình yêu thương của Chúa. Mỗi tâm hồn là một thế giới riêng biệt, thiếu kiên trì tìm hiểu chúng ta rất dễ rơi vào lầm lạc, không thể đi vào tương quan, và càng không thể giúp đỡ để sửa lỗi và đổi mới người anh chị em mình.[1]

3. Sửa lỗi theo tinh thần của Đức Giêsu

Đức Giêsu muốn chúng ta sửa lỗi cho nhau, nhưng không phải bằng chỉ trích, phê bình, hoặc lên án, mà bằng thái độ khiêm tốn, tế nhị, và giầu tình thương mến. Ðể đến được với những người mình không hợp, không ưa, và nhất là người xúc phạm đến mình, cần thiết phải có thái độ hiểu biết, lắng nghe, nhẫn nại, và đặc biệt là tình thương mến. Con người với tự ái cố hữu chỉ chịu thua khi đứng trước sự khiêm tốn của người khác, và nhất là khi nhận ra người ấy đang thật sự yêu thương mình. Đó là cung cách sửa lỗi cho nhau theo đúng với tinh thần Đức Giêsu đã dạy.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra một tiến trình gồm ba bước để sửa lỗi cho nhau trong tinh thần tôn trọng và yêu thương. Trước hết, chúng ta hãy sửa lỗi cho anh chị em chúng ta trong chốn riêng tư, kín đáo, để có thể lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu họ, đồng thời giúp họ nhận ra lỗi lầm của mình hầu sửa chữa và phục thiện. Bước kế tiếp, nếu người ấy vẫn cứng lòng cố chấp thì mời thêm một hai người nhân chứng có uy tín giúp họ nhận thức rõ về lỗi của họ. Tiếp đến, nếu người ấy vẫn không chịu nghe, thì khi ấy mới đưa ra cộng đoàn hay trình với những vị có trách nhiệm trong Giáo Hội để giúp họ nhận lỗi sửa mình. Sau khi đã trải qua ba bước sửa lỗi ấy mà đương sự vẫn không nghe, vẫn tiếp tục con đường sai lầm có hại cho tha nhân và cộng đoàn, thì chúng ta phải dùng một biện pháp khác đó là: “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế,” nghĩa là coi người ấy như một đối tượng chúng ta phải yêu thương đặc biệt. Chúng ta hãy hiệp tâm cầu nguyện cho người ấy và  phó dâng họ cho lòng nhân từ xót thương vô biên của Thiên Chúa. 

Lỗi lầm nào cũng liên hệ với cộng đoàn. Tội lỗi nào cũng xúc phạm đến Chúa và thiệt hại cho anh chị em. Nhưng tội lỗi là điều không sao tránh khỏi trong các cộng đoàn, cho dù cộng đoàn ấy là do chính Chúa thiết lập. Giáo Hội thánh thiện, nhưng cũng bao gồm những tội nhân. Vậy việc sửa lỗi trong cộng đoàn là điều phải có, cho dẫu là một việc rất khó khăn, vì nó đụng đến cái thành trì kiên cố nhất của con người, đó là cái “tôi” đầy kiêu căng qui kỷ.

Lời Chúa hôm nay cật vấn mỗi người chúng ta. Trong ơn gọi Đa Minh, chúng ta được mời gọi sống đời cộng đoàn. Để có một cộng đoàn trưởng thành, một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, mỗi thành viên trong cộng đoàn cần ngồi lại để chân thành góp ý xây dựng và sửa lỗi cho nhau. Là chị em trong cộng đoàn, trong Hội Dòng, chúng ta góp ý, sửa lỗi cho nhau trong tình thương, trong sự dịu dàng và tế nhị chứ không do ghen ghét đố kỵ hay ác cảm cá nhân. Mỗi người chúng ta cần khiêm tốn lắng nghe những lời góp ý của chị em để hoàn thiện chính mình, xây dựng cộng đoàn và giúp nhau sống trọn ơn gọi thánh hiến của mình.

Lạy Cha, xin cho con ý thức bổn phận trước tiên và quan trọng nhất của con là nên “hoàn thiện như Cha Trên trời.” Con không chỉ hoàn thiện chính mình, nhưng còn có bổn phận giúp chị em con nên hoàn thiện nữa. Vì thế, khi sửa lỗi huynh đệ, xin cho con ý thức rằng con cũng là tội nhân, cũng yếu đuối và hay lầm lỗi, cũng cần phải sửa đổi để nên giống Đức Giêsu, Con Cha ngày một hơn. Nếu vì ích chung, con phải sửa lỗi cho người chị em, xin cho con biết lấy tinh thần bác ái và tôn trọng nhân vị, thông cảm lắng nghe, nâng đỡ hơn là chỉ trích họ. Xin cho con luôn biết rộng lượng, bao dung với người khác vì con biết chắc rằng Chúa vẫn tha thứ cho con từng ngày. Amen.

CÂU HỎI THẢO LUẬN CỘNG ĐOÀN

  1. Duyệt quyết tâm tháng 8/2014.
  2. Trong tiến trình xây dựng cộng đoàn, Chị và cộng đoàn Chị đã thực hiện việc sửa lỗi cho nhau như thế nào và dựa trên tiêu chuẩn nào? Hiện tại, đâu là thách đố lớn nhất khiến chúng ta chưa thể sửa lỗi cho nhau cách chân thành được?
  3. Chọn quyết tâm tháng 9/2014.

[1] Lm Thái Nguyên. Sửa Lỗi Cho Nhau. Trích tại http://www.simonhoadalat.com/

Comments are closed.

phone-icon