Tháng 10.2011, tại Vatican có tổ chức một hội nghị mừng 550 năm ngày chị Catarina Siena được phong thánh 29-06-1461 do Đức Giáo Hoàng Piô II. Trong hội nghị này, các sử gia, các anh chị em Đa Minh trên toàn thế giới và những người mộ mến chị thánh Catarina đã đề cập đến : « Catarina và di sản ».
Trước khi đi vào phần chính của bài viết, chúng ta thử tìm hiểu: Di sản là gì ? Theo từ điển tiếng việt, di sản là giá trị tinh thần và vật chất của văn hóa thế giới hay một quốc gia, một dân tộc để lại, ví dụ như di sản văn hóa, lịch sử[1]. Vậy đối với chúng ta, di sản là tinh thần mà chị Catarina đã tiếp nối và để lại cho chúng ta. Có thể nói câu châm ngôn “Contemplari Contemplata aliis tradere”, “Chiêm niệm và truyền trao cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm” là gia sản mà Catarina đã lãnh nhận từ cha thánh Đa Minh và tiếp tục để lại cho thế hệ mai sau. Chính vì thế, trong bài chia sẻ ngắn ngủi này, em xin đi vào ba điểm:
1. Catarina, theo chân thánh Đa Minh, “Nói với Chúa” trong chiêm niệm
Cả cuộc đời chị Catarina là cầu nguyện, chúng ta biết chị chỉ dành những năm cuối đời để loan báo Tin Mừng, đấu tranh cho công lý và hòa bình. Lúc 5 tuổi, Catarina đã biết đọc kinh Ave Maria mỗi lần bước lên bậc cầu thang. Rồi đến 6 tuổi, chị được một thị kiến, nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra trong phẩm phục tư tế, đội mão và áo choàng như Đức Giáo Hoàng. Chúa Giêsu đã mỉm cười và ban phép lành cho chị. Năm 12 tuổi, trước áp lực của gia đình, Catarina tạo cho mình “căn phòng nội tâm” để có thể sống thân mật với Chúa Giêsu một cách liên lỉ và không bị ai quấy rầy. Chính trong “căn phòng nội tâm” này, Catarina nhận ra con người của mình, và khám phá ra một Thiên Chúa đầy yêu thương, và cũng tại căn phòng này, chị kiếm múc nguồn sức mạnh cho việc hoạt động tông đồ.
Điểm nổi bật trong đời sống cầu nguyện của chị Catarina là suy niệm vết thương nơi cạnh sườn Chúa Kitô, Máu thánh Đức Kitô và Trái tim bị đâm thâu. Chị thánh đã tóm lược trong một đoạn thư tuyệt vời về ý nghĩa thâm sâu của niềm khao khát này như sau: “Hãy đặt môi bạn vào cạnh sườn của Con Thiên Chúa, vì từ đó có một nguồn mạch rộng mở phát ra những ngọn lửa yêu thương, và cũng từ đó chảy ra dòng Máu rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi. Linh hồn nào biết an nghỉ nơi đó, và biết lấy con mắt đức tin chiêm ngắm Trái tim rộng mở đã héo mòn vì yêu, sẽ được hòa hợp với trái tim đó”[2]. Chị viết trong một lá thư khác: “Người nào suy niệm Đức Kitô bị lưỡi đòng đâm thâu trái tim thì đều trở nên một Kitô khác; chính người ấy cũng sẽ yêu thương giống Đức Kitô đã yêu thương các linh hồn”.
Như cha Đa Minh, một con người cầu nguyện liên lỉ. Ngay từ khi là một tu sĩ trẻ, Đa Minh đã tỏ ra là một con người chuyên tâm cầu nguyện. Tất cả những ai sống với cha, dù gần hay xa, đều nhấn mạnh đến cường độ lời cầu nguyện của cha. Cha cầu nguyện như là hít thở, theo lời kể của anh Guillaume: “Không bao giờ cha Đa Minh đi nghỉ ngơi mà trước đó không dành thời giờ để cầu nguyện…Người hạn chế những lời nói vô ích và luôn nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa”[3]. Khi cầu nguyện, cha thánh nói với Thiên Chúa cách trực tiếp như nói với một người bạn, cha không chỉ cầu nguyện nơi miệng, nhưng với cả con người, với cả thể xác lẫn tâm hồn.
2. Catarina, theo chân thánh Đa Minh, « Nói về Chúa » trong hoạt động tông đồ
Cha thánh Đa Minh không để lại một bút tích gì về việc loan báo Tin Mừng của ngài, tuy nhiên cách sống, cách ứng xử của cha là một bài giáo huấn không lời nhưng rất ấn tượng, hiệu quả và thành công. Theo chân cha mình, Catarina được Chúa sai đi đến với tha nhân mặc dầu lúc đầu chị tỏ ra không hài lòng, vì chị sợ nếu sống hòa đồng với người đời, có thể tinh thần chiêm niệm của chị sẽ thuyên giảm, chị sợ rằng những hoạt động bên ngoài làm chị xa cách Thiên Chúa. Chính vì thế, Thiên Chúa đã nói với chị như sau: “Cha không cố ý làm bất cứ điều gì khiến con phải xa lìa Cha, nhưng hơn thế Cha muốn ràng buộc con lại với Cha cách chắc chắn bằng mối dây tình yêu của con đối với tha nhân. Hãy nhớ rằng Cha đã đặt ra hai giới răn tình yêu: tình yêu Cha và tình yêu tha nhân… Bây giờ Cha muốn con thực thi hai giới răn này quả là chính đáng. Con phải bước đi trên hai chân”[4].
Dòng Đa Minh là Dòng rao giảng chân lý, không nhất thiết chỉ giảng thuyết trên tòa giảng, hay trên ghế đại học như thánh Albêtô cả hay Toma Aquino, nhưng bằng nhiều cách thức khác nhau. Ở đây, em xin nêu lên hai điểm nổi bật nơi hoạt động tông đồ của chị Catarina. Điểm thứ nhất là cách thức truyền giáo: chị truyền giáo bằng cách viết thư, chị đã viết 382 lá thư. Có thể nói viết thư là một trong những hình thức hoạt động tông đồ quan trọng của chị Catarina. Khi nhìn vào danh sách thư mục, chúng ta thấy chị viết thư cho những hạng người khác nhau. Có thư gởi cho những người trong gia đình như mẹ, các anh và một người cháu; thư gởi cho bạn bè, trong số này có một thi sĩ, một họa sĩ, một luật sư, một thợ thủ công và một góa phụ; thư gởi cho các nhà lãnh đạo như Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, cho Hoàng đế, nữ hoàng và những vị lãnh đạo nước Ý, ngoài ra có những lá thư gởi cho các nữ tu, các vị ẩn sĩ, các binh lính và có cả cho các cô gái làng chơi. Qua những lá thư này, chúng ta thấy chị giao thiệp với mọi hạng người trong Giáo hội và xã hội, người nổi tiếng cũng như người bình dân[5].
Bí quyết khiến cho Catarina tìm gặp những con người khác nhau trong đời thường của họ và viết cho từng người những lời khuyên hữu ích, đó là lòng trắc ẩn sâu xa mãnh liệt đến “ơn cứu rỗi các linh hồn”. Các lá thư đều bắt đầu bằng: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và Mẹ Maria dịu hiền” và kết thúc bằng: “Hãy ở lại trong tình yêu nhân từ và thánh thiện của Chúa”. “Ôi Giêsu, Giêsu tình yêu”. Cả hai câu này biểu lộ niềm tin của chị vào tình yêu Thiên Chúa và sức mạnh cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.
Điểm thứ hai nổi bật nơi công việc truyền giáo của Catarina, đó là con người đấu tranh cho hòa bình. Chị đã đấu tranh bằng cách nào ? « Không phải bằng gươm giáo, không phải bằng chiến tranh, cũng không phải bằng bạo lực » để canh tân giáo hội, nhưng là “nhờ hòa bình và những lời cầu nguyện khiêm tốn, liên lỉ »[6]. Đối với chị, người kiến tạo hòa bình phải bước theo Đức Kitô, Đấng đã chết trên thập giá để thiết lập sự bình an giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thế nên khi chúng ta muốn đem lại hòa bình cho đất nước, cho Giáo hội, cho Hội dòng, đôi khi phải đối diện với cùng một số phận như Đức Kitô, phải đau khổ và bị loại trừ.
Nói đến Đức Kitô chịu đóng đinh, chúng ta cũng không quên hình ảnh cây cầu trong thần học của chị Catarina. Nét độc đáo của thánh Catarina, thay vì dùng các phạm trù triết học để diễn tả các thực tại thần linh như người Tây phương, thì chị dùng những hình ảnh cụ thể, tượng hình như chiếc cầu, cuốn sách, khu vườn… rất gần gũi với văn hóa Á Đông. Bên cạnh đó, để diễn tả lòng say mê các linh hồn, chị dùng hình ảnh “ăn uống”. Nói cách khác, được nuôi dưỡng trong tình yêu Chúa Kitô chịu đóng đinh, chị Catarina như người chết đói, chị đã « ăn » các linh hồn. Catarina hình dung ra thánh Đa Minh mời gọi các con cái của mình đừng làm gì khác ngoại trừ việc ngồi tại bàn ăn này nhờ ánh sáng của việc học hỏi, đồng thời tìm kiếm vinh quang Chúa và ơn cứu rỗi các linh hồn[7].
Một điều quan trọng mà chúng ta không được bỏ qua đó là mối tương quan mật thiết giữa « Nói với Chúa » và « Nói về Chúa ». Hay nói cách khác « chiêm niệm và hoạt động » không phải là hai con đường song song hay đối nghịch, nhưng là hai đường đồng quy : chúng giao nhau, bổ túc cho nhau, bởi vì cả hai đều bắt đầu từ một suối nguồn là chính Thiên Chúa.
3. Catarina và sứ mạng của chúng ta hôm nay
Mừng lễ 550 năm hay 554 năm, không phải chỉ nhắc lại những dĩ vãng, mà còn ghi dấu cho hiện tại, và thẩm vấn chúng ta về lòng trung tín với ơn Chúa đã ban cho chúng ta qua thánh nữ Catarina nói riêng và qua Dòng Đa Minh nói chung. Vấn nạn chúng ta phải đặt ra đó là đời sống của chúng ta đối với Chúa Kitô. Bởi vì nếu chúng ta không gắn bó với Người thì lời nói của chúng ta sẽ trống rỗng, và đời sống tu trì của chúng ta cũng không còn ý nghĩa.
Chúng ta sống trong một thế giới ngày càng bị tục hóa, bị khống chế bởi những khuynh hướng duy vật và chạy theo khoái lạc, thậm chí khước từ Kitô giáo và chối bỏ kho tàng đức tin đã lãnh nhận, còn ai thích nghe về mầu nhiệm Đức Kitô chịu đóng đinh, về máu thánh Đức Kitô ? Ngay cả một số nhà giảng thuyết Kitô giáo cũng ngại đề cập đến đề tài này. Thế nhưng đây là mầu nhiệm trung tâm trong sứ điệp Phúc Âm và cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Làm thế nào chúng ta sống mầu nhiệm Thập giá và rao giảng mầu nhiệm ấy cho con người thời nay ? Làm thế nào để trái tim được giải thoát khỏi sự ích kỷ hẹp hòi, không chỉ bằng lòng với những thỏa mãn cỏn con. Điều đó chỉ có được nhờ đời sống đam mê Chúa Kitô chịu đóng đinh, nhờ khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tha nhân. Làm thế nào để Hội dòng chúng ta và gia đình Đa Minh trở nên, theo từ ngữ của chị thánh dùng : « rộng lớn, vui tươi, đầy hương thơm, một khu vườn thực sự đầy hoan lạc »[8].
Thay lời kết : Câu châm ngôn « Nói với Chúa, nói về Chúa » được xem như là « di sản » quý báu của cha thánh Đa Minh và đặc biệt của thánh nữ Catarina để lại cho chúng ta, điều này rất trùng hợp với lời của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong thông điệp đầu tiên triều đại của ngài « Thiên Chúa là Tình yêu » : « Người ta không thể say mê Thiên Chúa mà không say mê con người và ngược lại, người ta không thể say mê con người mà thiếu vắng Thiên Chúa. Thiếu một trong hai thì chỉ là sự vá víu và khập khểnh trong hành trình bước theo Chúa. Vì ai muốn loại bỏ tình yêu thì cũng đồng thời không xem con người là con người nữa »[9]. Vâng, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là đôi chân mà mỗi người tu sĩ Đa Minh cần phải có để ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu thiếu một trong hai, chúng ta đã đánh mất căn tính kitô hữu nói chung và cách riêng căn tính người tu sĩ Đa Minh. Mừng lễ Thánh Catarina, chúng ta được mời gọi làm mới lại « di sản » mà Catarina đã để lại cho thời đại hôm nay. Chắc hẳn bài chia sẻ còn nhiều thiếu sót, nhiều điều chưa thể nói hết, nên chỉ xin được coi bài viết này là một chứng từ bé nhỏ của một người vốn đầy lòng chân thành ngưỡng mộ và quý trọng sự nghiệp tinh thần của thánh Catarina.
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh
[1] Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng việt, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1998, tr. 533.
[2] Thư 315.
[3] Alain Quilici, Prier 15 jours avec Saint Dominique, Montrouge, Nouvelle cité, 1999, (15 ngày với Thánh Đa Minh, bản dịch cha Giuse Nguyễn Cao Luật), tr. 51.
[4] Raymond de Capoue, Vie de sainte Catherine de Sienne, Paris, Lethielleux, 1904, (Cuộc đời thánh Catarina Siena), tr. 121.
[5] X. Mary O’Driscoll, Catherine of Siena, (Thánh nữ Tiến sĩ Catarina Siena), tr. 123.
[6] Đối thoại, bản dịch Việt ngữ của cha Bùi Đức Sinh, 2006, tr. 35.
[7] Sđd, tr. 423.
[8] Sđd, tr. 424.
[9] ĐGH Bênêdictô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, 25-12-2005, số 28.