Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô
Bài Suy Niệm 03
(Mc 26, 47-56)
Dựa vào lời của Đức Giê-su nói với những người khác nhau, trình thuật kể về biến cố Đức Giê-su bị bắt trong cuộc Thương Khó, có để được chia làm ba phần. Cả ba phần đều là những biểu hiện của Sự Dữ: dùng dấu hiệu tình bạn để thực hiện hành động phản bội (c. 47-50); dùng bạo lực để bảo vệ tình bạn (c. 51-54); dùng sức mạnh để ăn hiếp người vô tội, và nhất là thực hiện hành động ăn hiếp trong bóng tối, qua đó bộc lộ bản chất gian dối (c. 55-56).
- Đức Giê-su và Giu-đa (c. 47-50)
- Đức Giê-su và một người môn đệ (c. 51-54); tượng trưng cho các môn đệ có mặt và ở mọi thời.
- Đức Giê-su và đám đông bạo lực (c. 55-56)
Và cả ba phần đều được đánh dấu bởi Lời của Đức Giê-su. Có thể nói, đây là những lời giảng sau cùng của Ngài; bởi vì trong cuộc Thương Khó, Ngài không giảng dạy bằng lời nữa, nhưng bằng chính Ngôi Vị của mình, và nhất là bằng Lời Thập Giá (1Cor 1, 18: ho logos tou staurou). Và theo Đức Giê-su, tất cả phải xẩy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: hai sự kiện được kể trong phần hai và phần ba của trình thuật (c. 54 và 56), và cả sự phản bội của Giu-đa nữa (Mt 26, 24; Ga 13,18).
1. Đức Giêsu và Giuđa (c. 47-50)
Giu-đa đến, đàng sau là một đám đông với các phương tiện bạo lực, và được sai đến bởi các thượng tế và kì mục. Sự dữ có sức mạnh lây lan và phát sinh như vậy: đám đông hung dữ làm bộc lộ khuôn mặt thật của các thượng tế và kì mục, bởi vì những người này có một vẻ bề ngoài nghiêm trang, thánh thiêng và cao quí. Giu-đa dẫn đầu cả đám, hay cả đám đẩy Giu-đa đi về phía trước?
Nếu chúng ta muốn và nếu còn được đánh động, chúng ta có thể dừng lại suy niệm những gì liên quan đến ông Giu-đa. Bởi vì, khi Đức Giêsu loan báo hành động phản bội của Giuđa, nhưng tự đáy lòng ai cũng cảm thấy có liên quan hay không chắn chắn về chính bản thân mình : « Các môn đệ buồn rầu quá sức, và lần lượt hỏi Người : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?”. Chúng ta nên lưu ý đến bầu khí buồn rầu nặng nề. Đó là hậu quả tất yếu của Tội, của Sự Dữ. Trong tương quan với Chúa và với nhau, chúng ta cũng rất hay để cho Satan, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ (tự ái, tức giận, ham muốn, ghen tị…) cư ngụ trong lòng và chi phối cách sống và ứng xử của chúng ta.
Một đàng, Giu-đa phạm trọng tội. Nhưng tại sao Giu-đa lại đi nộp Thầy của mình? Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giuda không phải hành động vì tiền: ông đã hối hận và trả lại tiền. Như thế, chắc là ông có một động lực khác nghiêm túc hơn. Đó có thể là vì ông thất vọng về cách hành xử quá hiền lành của Thầy mình ; và tâm tình này chắc chắn cũng có nơi nhiều người khác nữa, trong đó có các môn đệ. Bởi vì, đã có những người bỏ đi, không theo Đức Giê-su nữa (Ga 6, 66). Và có thể vì đó mà ông muốn đặt Thầy của mình vào một tình huống nguy hiểm, buộc Thầy phải hành động bằng quyền năng để thoát thân và nhân đó, tái lập Vương Quyền trần thế bằng sức mạnh thần linh; nhưng ông đã không ngờ là Ngài không hành động gì, mà lại còn để cho mình bị kết án tử.
Đàng khác, chính Satan hành động nơi Giu-đa (Lc 22, 3; Ga 13, 2 và 27); và nếu là như thế, Giu-đa cũng là nạn nhân trong hành động phản bội Thầy của mình. Tương tự như trường hợp “tội nguyên tổ”, chính Con Rắn là nguyên nhân chính: “Con Rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Và đàng khác nữa, tất cả là để cho Kinh Thánh được hoàn tất, nghĩa là chương trình thông ban sự sống và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người” (Mt 26, 24a); “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13, 18; trích Tv 41, 10). Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội nơi Giu-đa phức tạp hơn chúng ta tưởng : cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nghe và nhìn lời chào và cái hôn của Giuđa. Hình thức diễn tả tình bạn vẫn giữ nguyên, nhưng nội dung đã bị thay thế bởi điều hoàn toàn ngược lại. Đó là gian dối, là sự dữ, là bóng tối và là sự chết. Giuđa tìm cách nộp Thầy cho người ta giết đi, nhưng sự chết nằm ngay ở trong Giuđa. Lời đáp của Chúa thật lạ lùng, vì đó không phải là một lời lên án : « Này bạn, bạn đến đây làm gì, thì cứ làm đi » (c. 50). Rốt cuộc, nộp mình cho sự dữ, lại chính là ý định của Chúa, chứ không còn là của Giu-đã nữa, như chính Người đã nói trong bữa tiệc ly : « Anh em hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Thầy, bị nộp vì anh em ».
Giu-đa cảm thấy thế nào khi nghe lời này, hay sau này, khi ông nhớ lại lời này ? Tại sao Chúa lại để cho xẩy ra như thế? Nếu là tôi, tôi hành động thế nào? Phải chăng đó chính là cách thức Chúa chữa lành bằng lòng thương xót, đồng thời mặc khải sự khôn ngoan thần linh ? Chúa sẵn lòng để cho mình bị nộp, bởi Giu-đa, bởi loài người, bởi từng người chúng ta, vậy còn điều gì Chúa không mang lấy với lòng bao dung ? Phải chăng chỉ có lòng bao dung và thương xót mới có sức mạnh tái sinh lòng chúng ta ? Và phải chăng đó chính là cách làm cho sự dữ phải lộ diện với bộ mặt thật của nó, vì sự dữ và bóng tối tự bản chất là kín ẩn, là dối trá, để chữa lành chúng ta khỏi sự dữ và để chiến thắng sự dữ ?
2. Đức Giê-su và một người môn đệ (c. 51-54)
Trong bữa tiệc li, các môn đệ đón nhận bánh và rượu Thầy trao, nhưng dường như họ chẳng hiểu gì. Họ cùng theo Chúa đến núi Ôliu và họ được Chúa báo trước rằng họ sẽ vấp ngã vì Chúa; nhưng cùng với Phêrô, họ đã tuyên hứa với Thầy là sẽ không bao giờ chối bỏ Thầy ; họ dựa vào lời mình hơn là lời Chúa. Và cùng theo Thầy đến vườn Ghết-sê-ma-ni, nhưng họ ngủ vùi trong khi Thầy đang cầu nguyện trong sầu khổ.
Giữa Đức Giê-su và từng người trong chúng ta, cũng có những những khác biệt lớn lao như thế. Và vẫn chưa hết khác biệt, và đây là khác biệt lớn nhất : Đức Giê-su đã dạy đừng dùng bạo lực chống lại bạo lực (Bài Giảng Trên Núi : Mt 5, 39) và giờ đây Ngài sẽ sống đến cùng lời dạy này, nhưng một môn đệ lại dùng bạo lực. Thực vậy, người này rút gươm chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm anh ta đứt tai. Tại sao lại chém trúng tai? Và tại sao Chúa không cho dùng bạo lực? Có ba lí do:
– Vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Điều này nghĩa là gì? Gươm là phương tiện của sự dữ, nhưng cũng là biểu tượng của sự dữ: đến một lúc nào đó, chúng ta trở thành phương tiện của gươm Sự Dữ. Người múa gươm một hồi, trở thành gươm múa người. Ngoài ra, trong lịch sử cứu độ, còn có một nguyên lí: không phải Thiên Chúa dùng phương tiện của Sự Dữ để tiêu diệt Sự Dữ, nhưng là Sự Dữ tự tiêu diệt Sự Dữ, như lời nguyện Thánh Vịnh loan báo: “Bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài; còn con đây thì được thoát khỏi” (Tv 141, 10). Lời nguyện này loan báo cho chúng ta chính Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.
– Vì một lý do tuyệt đối, đó là Thiên Chúa là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Con người buộc phải dùng phương tiện của sự dữ (nghĩa là bạo lực) để trấn áp Sự Dữ; Thiên Chúa thì không thể, vì phương tiện của Sự Dữ không phù hợp với Sự Thiện tuyệt đối là Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài vẫn mạnh hơn Sự Dữ và chiến thắng Sự Dữ bằng mầu nhiệm Vượt Qua: hành động cuối cùng của Sự Dữ là giết chết, và Thiên Chúa mạnh hơn sự chết.
– Đó còn là để cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm. Trong Kinh Thánh có những lời loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su; và Đức Giê-su ước ao trong tự do những lời này được hoàn tất nơi cuộc đời của mình. Nhưng chúng ta được mời gọi hiểu rộng hơn: Đức Giê-su sống theo Lời Kinh Thánh, nghĩa là Lời Chúa; trong mọi sự, Ngài khám phá ra ý muốn của Chúa Cha ở trong Kinh Thánh, nghĩa là Lời Chúa. Nhưng Kinh Thánh kể cho chúng ta những gì và những ai? Đó là lịch sử đầy thăng trầm và tội lỗi, là cuộc đời và số phận của những con người cụ thể (có thể đọc lại Gia Phả của Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu, và hình dung những biến cố lịch sử ở bên dưới và cưu mang chuỗi những tên riêng; Mt 1, 1-17). Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, sẽ mang vào mình tất cả trong cuộc Thương Khó.
3. Đức Giê-su và đám đông bạo lực (c. 55-56)
Bắt người trong đêm tối, chính là dấu hiệu của bất công và gian dối. Chúng ta hãy hình dung ra sự tương phản tuyệt đối giữa đám đông hung hãn trang bị khí giới và Đức Giê-su một mình, đúng hơn là bị bỏ rơi một mình (các môn đệ sẽ bỏ chạy hết) hiền lành và tay không. Hình ảnh này đã nói lên điều chính yếu nhất của mầu nhiệm Thương Khó.
Vì thế, lại một lần nữa, sự tương phản này, chính là để cho lời Kinh Thánh ứng nghiệm, nhất là “những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ”. Nhưng tại sao là các ngôn sứ? Chúng ta có thể nghĩ đến Người Tôi Tớ đau khổ (Is 52, 13 – 53, 12), ngôn sứ của mọi ngôn sứ.
Tuần Thánh 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc