Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô
Bài Suy Niệm 05
(Lc 23, 1-25)
ĐỨC GIÊ-SU BỊ KẾT ÁN
Theo sách Tin Mừng của thánh Luca, cuộc chiến đấu quyết định của Đức Giê-su không phải xẩy ra ở trên Thập Giá, nhưng ở Vườn Dầu Ghết-sê-ma-ni. Sau khi vượt qua cuộc chiến đấu này, Ngài hoàn toàn bình an, phó thác trong bàn tay của Chúa Cha, quên đi nỗi đau của mình để hoàn toàn hướng về và đón nhận người khác: đón nhận Giu-đa với sự hiền lành, chữa lành tai của người đầy tớ, hoán cải lòng của tông đồ Phê-rô bằng cái nhìn cảm thông và bao dung, an ủi các phụ nữ, tha thứ cho những kẻ hành hình, hứa ban Thiên Đàng cho một trong hai kẻ tử tội; và tiếng kêu sau cùng của ngài trên Thập Giá, không còn là tiếng kêu đau đớn trước khi tắt thở, nhưng là lời nguyện buổi tối của mọi người Do Thái đạo đức: “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con” (Tv 31, 6), nhưng Ngài thêm tiếng gọi: “Cha ơi”, diễn tả tương quan thân mật với Thiên Chúa (bản dịch tiếng Việt: Lạy Cha làm mất đi nét thân mật).
Đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt giúp chúng ta hiểu Đức Ki-tô hơn, khi chiêm ngắm Người ngang qua các “chặng đàng Thánh Giá” của cuộc Thương Khó, nhất là trong những giờ cầu nguyện này, chiêm ngắm Người bị điệu ra trước mặt những người đại diện cho quyền bính Roma.
1. Đức Giê-su ra trước tòa tổng trấn Phi-la-tô (c. 1-7)
a. Thượng Hội Đồng và “Kẻ Tố Cáo”
“Toàn thể cử tọa đứng lên, điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô”. Toàn thể cử tọa ở đây là Thượng Hội Đồng, vừa có thẩm quyền tôn giáo vừa có thẩm quyền chính trị, gồm 71 thành viên: chủ tịch là Thượng Tế Caipha đương nhiệm, các kỳ lão (đại diện của các gia tộc lớn), các thượng tế đã hết nhiệm kỳ, những người thuộc phái Sa-đốc, Pha-ri-sêu và một số vị kinh sư, tiến sĩ luật. Tất cả những người đại diện cho quyền bính đạo và đời đều hiện diện ở đây và tham gia tích cực vào một vụ án bất công và gian dối.
Hành động duy nhất của họ và được thánh sử Luca kể lại từ đầu đến cuối, là “tố cáo Người” (c. 2.5.10). Chúng ta hãy lắng nghe những lời tố cáo và nhận ra Sự Dữ ở trong những lời tố cáo này. Họ chính là hình ảnh cụ thể của “Kẻ Tố Cáo”, một tên gọi khác của Satan. Bởi vì chính hành vi tố cáo là một điều dữ. Miệng khô đi vì buộc tội liên tục, điều đó không phù hợp với Thiên Chúa là tình yêu. Ngược lại, chỗ của kẻ buộc tội rốt cuộc được dựng lên là để cho Sự Dữ đứng vào. Chúng ta nói “rốt cuộc” vì chính trong sách Khải Huyền, sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh, mà chúng ta đọc được những lời sau đây :
Vì kẻ tố cáo anh em của ta (có thể dịch : Vì Kẻ Tố Cáo đối với…)
ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa,
nay bị tống ra ngoài. (Kh 12, 10)[1].
Thế mà, một cách rất chắc chắn, “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi được thêm vào những tên gọi có sẵn của Satan :
Con Rồng khổng lồ bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời : “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.” (Kh 12, 9-10)
Cách gọi này có nguồn gốc xa xưa hơn. Thật vậy, trong một thị kiến được ban cho ngôn sứ Dacaria, vị thượng tế đứng trước thiên thần của Đức Chúa,
Còn Xa-tan đứng bên phải ông để tố cáo ông. (Dcr 3, 1)
Trong phần dẫn nhập của sách Ông Gióp, chúng ta thấy Satan đối đầu với Thiên Chúa và đảm nhiệm chức năng của người buộc tội. Thiên Chúa tin tưởng nơi sự tốt lành của ông Gióp (x. Gi 1, 8), nhưng Satan lại nghi ngờ ông. Đã bao nhiêu lần, chính chúng ta đã tưởng tượng ra một Thiên Chúa không tin tưởng và hay ngờ vực ! Ở đây, người ngờ vực không phải là Thiên Chúa, nhưng là Satan. Nếu chúng ta tưởng tượng ra một Thiên Chúa ngờ vực, đó chính là vì chúng ta ngờ vực. Satan không thể tin vào sự thiện, bởi vì nó buộc tội ông Gióp trước khi ông nói được điều gì :
Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt. (Gi 1, 11 ; 2, 6)
Và Satan vẫn lập lại lời buộc tội, ngay cả khi các sự kiện diễn ra sau đó chứng tỏ rằng nó đã lầm. Điều này cho thấy rằng sự dữ ở trong nó, chứ không phải ở nơi người mà nó tố cáo[2]. Và Con Rắn trong vườn Eden cũng hành động theo bản chất của nó là Kẻ Tố Cáo. Bởi vì, lúc ấy, loài người chưa phạm tội, nó chưa có cớ để tố cáo, thì nó sẽ làm cho ra “cớ”, bằng cách dựa vào điều răn của Thiên Chúa với ý đồ xấu và mưu mô xảo quyệt (x. St 3, 1-7).
b. Quan Tổng Trấn Phi-la-tô
Khi ở Dinh Thượng Tế Caipha, toàn thể Thượng Hội Đồng lên án Đức Giê-su về tội “phạm thượng”, nghĩa là tội tôn giáo. Còn ở đây, trước mặt Phi-la-tô, họ tố cáo Đức Giê-su về tội chính trị. Như thế, trong cuộc Thương Khó, mỗi lúc, Ngài mang thêm vào mình những thứ tội khác nhau.
Quan Phi-la-tô chất vấn chính xác về điều mà người ta tố cáo Ngài: “Ông là Vua dân Do Thái sao?” Đức Giê-su trả lời: “Chính Ngài nói đó”. Đức Giê-su có vẻ khẳng định, nhưng tại sao Phi-la-tô lại thấy Ngài không có tội gì? Có lẽ, vì ông cảm thấy ngay được rằng, vương triều của Đức Giê-su hoàn toàn khác, không mang mầu sắc chính trị vào bạo lực, không đe dọa vương quyền cùa Xê-da và quyền lợi của ông. Nhưng dù sao, đó cũng sẽ là bản án chính thức của Đức Giê-su: “Giê-su Nadarét, Vua dân Do Thái” (INRI: Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum).
Việc xử án là để xác định “đúng người đúng tội”. Nhưng ai vô tội, còn ai có tội? Đức Giê-su là bị cáo, vốn phải được định tội, nhưng ngược lại, lại được công bố là vô tội nhiều lần và càng ngày càng long trọng bởi chính quan Tổng Trấn Phi-la-tô, người có thẩm quyền xét xử, nhất là trong trình thuật tiếp theo (c. 13-25):
– Trước đó: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (c. 4).
– Và sau đó, một cách long trọng: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả” (c. 14-15).
Sự vô tội tuyệt đối của Đức Giê-su lại công bố cách mặc nhiên nhưng không kém mạnh mẽ sự có tội của con người. Người đầu tiên là quan Phi-la-tô, vốn biết rõ Đức Giê-su vô tội, ông không những không dùng quyền phán quyết tối cao để tha bổng Đức Giê-su nhân danh sự thật và công lý, nhưng còn dùng Ngài làm “quà ngoại giao”, đối với vua Hê-rô-đê, và sau cùng phải chiều theo áp lực của quần chúng điên cuồng, đòi đóng đinh Đức Giê-su. Ông không đứng ra bảo vệ người vô tội, trong khi ông hoàn toàn có quyền bính và có trách nhiệm. Ông thoái thác trách nhiệm và đẩy sang cho Hê-rô-đê.
Sau đó, hai người trở nên thân thiện. Hình ảnh của hòa giải, nhưng chỉ là bề ngoài hào nhoáng, vì đó là sự liên minh của thế lực cầm quyền lệch lạc, không tôn trọng sự thật, và chỉ nghĩ đến thú vui và quyền lực của mình. Đây còn là dấu hiệu của sự sụp đổ của toàn Đế Quốc Roma. Thiên Chúa không cần dùng sức mạnh, vốn cũng là một thứ sữ dữ để chống lại sự dữ, nhưng sự dữ sẽ hủy diệt sự dữ.
2. Vua Hê-rô-đê (c. 8-12)
Vua Hê-rô-đê đã muốn gặp Đức Giê-su từ lâu (x. Lc 9, 9), vì thế ông mừng rỡ khi gặp được Ngài: “Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ” (c. 8)
Nhưng ông không quan tâm gì đến hoàn cảnh của Đức Giê-su và thi hành bổn phận quan án, ông chỉ muốn làm thỏa mãn sự tò mò của mình mà thôi, chỉ đi tìm những thú vui mới lạ. Vì thế, ông chỉ coi Đức Giê-su là người diễn trò. Khi không được Đức Giê-su đáp ứng, thì chính ông quay ra dùng Đức Giê-su làm trò tiêu khiển, khinh dễ, chế diễu Ngài; cuối cùng, giao Đức Giê-su lại cho Phi-la-tô một cách vô trách nhiệm.
Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô. (c. 11)
Ngày nay vẫn còn những người như thế, đến với Chúa hay các thần linh chỉ vì muốn có các phép lạ, muốn được thỏa mãn các nhu cầu. Thần này không linh, thì quay sang thần khác, thậm chí chễ diễu thần linh. Nhưng vua Hê-rô-đê, những người đương thời và chính các môn đệ, cũng như loài người chúng ta hôm nay chỉ thấy được một Đức Giêsu sống đến cùng thân phận của một Ngôn Sứ.
Chúng ta hãy hình dung ra cảnh Đức Giê-su bị mọi người chế diễu, nhất là hình ảnh Ngài được khoác cho chiếc áo rực rỡ. Chúng ta hãy ước ao mặc lấy tâm tình của Người. Bị đánh đòn có thể giữ được thinh lặng, nhưng bị chế diễu thì rất khó, nhưng Đức Giê-su vẫn giữ được thinh lặng. Điều gì làm cho ngài làm được như thế? Tình cảnh Người đang chịu có làm cho chúng ta nhớ lại lúc Đức Giê-su hiển dung không? Bởi vì, Ngài “hiển dung” thật sự ngay trong lúc ngài bị sỉ nhục.
3. Đức Giê-su được đưa trở lại tòa tổng trấn Phi-la-tô (c. 13-25)
Ở giai đoạn cuối cùng của cuộc xét xử, theo lời kể của thánh sử Luca, chúng ta hãy hình dung ra tất cả nhân vật có mặt trong cuộc phán quyết sau cùng này :
– Thượng Hội Đồng, gồm các kỳ lão, các thượng tế, những người thuộc phái Sa-đốc, những người Pharisiêu, các kinh sư, tiến sĩ luật ; các thuộc hạ, những kẻ canh giữ, các lãnh binh đền thờ. Và ở giai đoạn này của vụ án, Tin Mừng theo thánh Luca còn cho biết, có thêm cả dân chúng nữa.
– Đó là về phía người Do Thái. Còn về phía người Roma, có hai vị cao cấp nhất của chính quyền địa phương, đó là Quan Tổng Trấn Phi-la-tô và vua Hê-rô-đê, cùng với các thị vệ, quân lính.
– Ngoài ra, còn có những người khác nữa. Đó là các môn đệ chạy trốn sau khi Thầy Giê-su bị bắt, nhưng chắc chắn họ lảng vảng xa xa để nghe ngóng tin tức. Trong số các môn đệ, có hai hình ảnh đặc biệt, là ông Phê-rô và ông Giu-đa. Ông Giu-đa đã để cho mình bị Sự Dữ lôi cuốn, chắc là với những lí do có vẻ hợp lí ; còn ông Phê-rô thì dựa vào sức của mình hơn là Lời Chúa, khi đối diện với Sự Dữ. Khi tâm sự với các môn đệ trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su nói: “Không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
Như thế, một bên là Đức Giê-su, một bên là những con người cụ thể, thuộc mọi thành phần, bị Sự Dữ chi phối hay chiếm hữu, và tượng trưng cho loài người chúng ta ở mọi nơi và mọi thời. Ngài tự nguyện để cho mình rơi vào tình cảnh này, chính là để vừa bày tỏ con tim bao dung vô hạn của Thiên Chúa, và vừa muốn chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ.
Đức Giê-su, ban đầu hiện diện với các môn đệ, nhưng sau đó, để cho mình bị dẫn đi một thân một mình, bị vùi dập giữa những cơn bão táp của Tội và Sự Dữ, dưới mọi hình thức và ở mọi cấp độ. Nhưng nếu chúng ta biết áp dụng ngũ quan, chúng ta sẽ nhìn ra một mầu nhiệm khác hẳn : Tình yêu, hiền lành, ánh sáng, khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa ; và chỉ có một mình Ngài mới thể hiện được. Điều này giúp chúng ta hiểu, vì sao, Ngài phải ở lại một mình và cảm thông với các môn đệ phản bội, chối bỏ hay chạy trốn.
a. Quan Phi-la-tô lên tiếng lần thứ nhất (c. 13-19)
– Chúng ta hãy hình dung ra quang cảnh: một bên là Đức Giê-su một thân một mình; còn bên kia là các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng; còn quan Phi-la-tô đi qua đi lại giữa hai bên, nhưng cuối cùng ông đã để cho mình bị đám đông lôi cuốn.
– Chúng ta hãy lắng nghe lời của quan Phi-la-tô: cả một dân tộc muốn loại trừ người của mình (x. Tv 22, 7); trong khi đó, một người ngoại lai lại muốn bảo vệ. Ông bào chữa cho Đức Giê-su một cách vừa long trọng (trong một cuộc triệu tập đông đủ), vừa đúng luật (hỏi cung công khai) và vừa toàn diện (có sự đóng góp của vua Hê-rô-đê). Vì thế, xét về pháp luật dân sự, Đức Giê-su hoàn toàn vô tội, đối với những lời tố cáo phạm pháp như: kích động dân chúng, và trước đó cũng với Phi-la-tô, người ta tố cáo Đức Giê-su ngăn cản dân chúng nộp thuế, xưng mình là vua, đi giảng dạy khắp nơi xúi dân nổi loạn.
– Đức Giê-su bị lên án là người kích động dân chúng; nhưng chính họ đang bị kích động bởi hành động tố cáo và ý muốn giết chết. Sự vô tội của Đức Giê-su được quan Phi-la-tô đặc biệt nhấn mạnh: “không thấy người này có tội gì”; “cả vua Hê-rô-đê cũng vậy”; “ông ấy chẳng can tội gì đáng chết”. Tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với điều Chúa là trong sự thật. Bởi vì Chúa vô tội tuyệt đối, còn Phi-la-tô thì kết luận: “Ông ấy chẳng can tội gì đáng chết” (c. 15 và 22).
– Chúng ta hãy nghe tiếng la ó; đây không còn là ngôn ngữ của nhân tính, nhưng là tiếng la ó của thú tính. Và nội dung của tiếng la ó diễn tả chính xác thú tính: muốn giết chết và lựa chọn bạo lực, được tượng trưng bởi Baraba. Quan Phi-la-tô nói lí lẽ rất thuyết phục về sự vô tội của Đức Giê-su, và đề nghị giải pháp theo Luật định: đánh đòn và thả ra; nhưng đám đông lại muốn giết chết mà không cần nêu ra lí do. Sự Dữ đã hiện nguyên hình, đó là ý muốn giết chết thuần túy, mà không cần lí lẽ.
– Chúng ta hãy lắng nghe sự im lặng tuyệt đối của Đức Giê-su. Sự thinh lặng của Chúa nói cho chúng ta điều gì về Chúa và về loài người chúng ta?
b. Quan Phi-la-tô lên tiếng lần thứ hai (c. 20-21)
Quan Phi-la-tô muốn thả Đức Giê-su và lại lên tiếng. Chúng ta có thể đoán ra, ông đã nói y như lần trước. Nhưng lời của đám đông cô đọng và sắc bén hơn: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá”. Đóng đinh là hình phạt mang tính răn đe ở mức độ cao nhất, mà công dân Roma được miễn trừ, cho dù đã phạm tội như thế nào, bằng cách phô bày cho mọi người xem thấy: kẻ dữ đáng bị hành hình như thế và đó chính là công lí của lề luật. Nhưng trong trường hợp của Đức Giê-su, đó chỉ là vẻ bề ngoài, và trong sự thật, thì ai phô bày ai?
Ở bước đầu, vẫn còn một chút đối thoại giữa đám đông và quan Phi-la-tô: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi”. Nhưng lần này không còn đối thoại. Năng động của Sự Dữ là đi đến cùng: trước đó là tố cáo, còn bây giờ và muốn giết chết: “Giết nó đi!” (c. 18)
Chúng ta có thể tự hỏi tại sao người ta lại muốn giết Chúa bằng hình phạt khủng khiếp nhất: đóng đinh vào Thập Giá. Một cách sâu sa, đó là năng động của hành vi không tin: tôi không tin người này là Con Thiên Chúa, vậy thì giết nó đi, xem coi nó có thể tự cứu mình, hay Thiên Chúa có cứu nó không. Như thế, không tin, sẽ tất yếu dẫn đến những hành vi dò xét, tố cáo và hành động bạo lực, nhằm chứng minh điều mình không tin là đúng; không tin sự sống, người ta sẽ tất yếu làm việc cho sự chết. Giống như, hành động hái trái cấm phát xuất từ thái độ nội tâm không tin vào lời Thiên Chúa:
Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!
(Tv 22, 9)
Ta hãy coi những lời nó nói có thật không
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.
(Kn 2, 17-20)
c. Quan Phi-la-tô lên tiếng lần thứ ba (c. 22-25)
Lần cuối cùng, quan Phi-la-tô lại lập lại điều mình đã nói về sự vô tội của Đức Giê-su. Những lần trước, ông nhấn mạnh đến sự vô tội về chính trị, và lần này về luân lý: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác”. Chúng ta có thể tự hỏi: ba lần bào chữa cho Đức Giê-su, muốn nói cho chúng ta điều gì? Lời của đám đông vẫn như trước, nhưng la to hơn và dữ dội hơn: Sự Dữ hiện nguyên hình dưới dạng tiếng gầm thét của mãnh thú hay của gió bão.
Tại sao cuối cùng Phi-la-tô chấp thuận ý muốn của đám đông? Đó là vì, như người ta thường giải thích, sợ mất ổn định, dân chúng làm loạn, và quyền lực của ông sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng dưới khía cạnh năng động của Sự Dữ, ở đây có điều gì đó tận căn hơn. Thật vậy, hình như là đã quá muộn, vì Sự Dữ đã đạt tới cực điểm, giống như tảng đá rơi xuống từ đỉnh núi. Chính quan Phi-la-tô cũng cảm thấy bất lực trong việc ngăn chặn.
Baraba được thả và thánh sử Luca cẩn thận nhắc lại tội trạng: bạo động và giết người. Đó là tội trạng vừa chính trị và vừa hình sự. Tội mà người ta muốn gán cho Đức Giê-su. Hình ảnh thật trái ngược: người có tội thì được thả, người vô tội thì bị đem đi giết. Hình ảnh này muốn nói chúng ta điều gì? Tại sao Chúa lại chấp nhận?
Chúng ta hay trách Chúa và xét đoán Chúa bất công, vì những gì chúng ta phải chịu hay chứng kiến; nhưng chính Ngài đã chịu sự bất công lớn nhất!
Tuần Thánh 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
________
[1] Trong tiếng Hi lạp, “Kẻ Tố Cáo” (katêgôr) là danh từ.
[2] Không tin người khác có thể làm được điều tốt khi không có mình hay khi mình không có mặt, điều này không hiếm thấy nơi cách ứng xử của chúng ta. Tuy nhiên, Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta rằng thái độ này có liên quan đến một trong những cách ứng xử căn bản của Satan!