Đức Giêsu bị xét xử

0

Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô 

 Bài Suy Niệm 04

(Mc 26, 57-58)

 1. Phê-rô đi theo Đức Giê-su (c. 57-58)

Mọi sự vẫn xẩy ra trong đêm. Hình ảnh của tội và sự dữ, hay là thời gian của tội và sự dữ. Trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan nói: “Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó trời đã tối” (13, 30). Nhìn các nhân vật xuất hiện và di chuyển trong bóng đêm, hay trong ánh đuốc leo loét. Và chúng ta được mời gọi nhận ra Tội và Sự Dữ xuất hiện dưới mọi hình thức và ở mọi cấp độ, ngang qua những con người cụ thể:

– Những người đã đi rình bắt Đức Giê-su ở vườn Ghết-sê-ma-ni, họ dẫn Ngài tới dinh Thượng Tế Caipha. Họ là kẻ dữ, nhưng vẫn không phải chủ mưu.

– Các kinh sư và kì mục đã tề tựu sẵn ở đó. Những người này đã có dự tính giết Chúa từ lâu.

– Những người làm việc trong dinh thượng tế. Họ chỉ làm theo lệnh mà thôi.

– Phêrô “nhập bọn” với họ. Chúng ta hãy cảm phục ông Phê-rô, nhưng cách nào đó, ông đã “nhập bọn” với họ.

Trước đó, ông Phê-rô nổi bật trong lời cam kết đến hai lần: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã”; và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”. Và quả thực, Phêrô đã thực hiện lời tuyên bố và lời hứa của mình: Một mình ông dám đi theo Chúa đang bị giải đi, và vào tận dinh Thượng Tế. Và nhất là dám trà trộn với bọn người làm để theo dõi sự việc.

Hình dung ra Chúa Giê-su : Ngài trở nên thụ động, đó là ý nghĩa của từ thương khó (passion), ở giữa những hành động (action) khẩn trương của con người. Hình ảnh Đức Giê-su ngủ trên thuyền ở đàng lái, trong cơn sóng gió chết người, giúp chúng ta hiểu biến cố này hơn (Mc 4, 35-41).

 2. Thượng Hội Đồng xét xử (c. 59-66)

Phiên tòa (biểu tượng của sự thật và công lý đối với con người) diễn ra ngay trong đêm (biểu tượng của gian dối và bất công), và bao gồm hai giai đoạn rất “đúng luật”: giai đoạn 1: lắng nghe nhân chứng; giai đoạn 2: chính vị Thượng Tế thẩm vấn và sau đó kết án. 

Lắng nghe nhân chứng (c. 59-61). Chúng ta hãy hình dung ra Toàn thể Thượng Hội Đồng, vừa có thẩm quyền tôn giáo vừa có thẩm quyền chính trị, gồm 71 thành viên: chủ tịch là Thượng Tế Cai-pha đương nhiệm, các kỳ lão (đại diện của các gia tộc lớn), các thượng tế đã hết nhiệm kỳ, những người thuộc phái Sađốc, Pharisiêu và một số vị kinh sư, tiến sĩ luật. Tất cả những người đại diện cho quyền bính đạo và đời đều hiện diện ở đây và tham gia tích cực vào một vụ án bất công và gian dối. Chúng ta cần cảm thấy hết mức độ nghiêm trọng ở đây. Chính vì thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Ngài đừng ham muốn quyền bính.

Các nhân chứng đến và đưa ra đủ thứ lý do, trong đó có hai người đưa ra lý do xem ra thuyết phục: “Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại.” (c. 61) Thực ra, họ đã bóp méo sự thật để có thể kết án; thật vậy, Đức Giê-su đã nói “cứ phá hủy”, chứ không phải “tôi có thể phá hủy”. Người ta lên án tử rồi, sau đó mới đi tìm chứng cớ; và vì không có chứng cớ, người tạo ra chứng cớ. Những gì đã xẩy ra trong cuộc đời của Chúa, nay đạt tới cực điểm và rõ ràng ở đây. Bản chất của Sự Dữ là muốn giết chết, rồi sau đó đi tìm chứng cớ để lên án; và để lên án, thì phải dựa vào luật và tiến trình thi hành luật. Đây chính là hình ảnh minh họa cho cách con người thi hành luật ở mọi thời.

Hình dung ra Chúa Giê-su : Người ta ồn ào, tranh nhau lên tiếng, còn Ngài thì giữ thinh lặng. Tại sao Chúa không lên tiếng bào chữa cho mình? Hãy đọc ra ý nghĩa của sự tương phản này: Đấng vô tội trở nên có tội; Đấng vốn là thẩm phán trở nên bị cáo. Nhưng đó chỉ là bề ngoài: Vì người ta càng lên án Chúa, họ càng tỏ ra mình có tội, còn khuôn mặt của Đức Giê-su thì càng trở nên rạng ngời. Điều này chỉ có thể ứng nghiệm ở nơi một mình Đức Giê-su, vì Ngài là Đấng Vô Tội tuyệt đối. Lời Kinh Thánh phải được nên trọn là như thế đó. 

Thượng Tế thẩm vấn (c. 62-66). Thượng Tế Caipha đích thân chất vấn; ông nhân danh Thiên Chúa hằng sống, nên Đức Giê-su không thể không trả lời. Và khi Ngài lên tiếng, Ngài chỉ có thể nói sự thật mà thôi. Ngài nói về ngày quang lâm, nhưng lại dùng thì hiện tại: “Từ nay…”. Như thế, căn tính Con Thiên Chúa đã rạng ngời ngay trong cuộc Thương Khó rồi. Xin cho chúng ta nhận ra khi chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Ngài.

Và thượng tế đưa ra cáo trạng: “Hắn nói phạm thượng. Tại sao chúng ta còn phải cần nhân chứng nữa? Ngay lúc này đây, các ông vừa nghe lời phạm thượng. Đối với các ông đó là gì?” Tội ẩn nấp kĩ nhất trong lời lên án này đây. Vì thế, nên dừng lại đây thật lâu, để cảm thấy hết hình ảnh thật của tội, gian dối, ý muốn giết chết:

– Cho dù bản án có vẻ đúng luật, nhưng ý đồ loại trừ là có trước: “Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình” (c. 59). Tuy nhiên, có thực sự là Đức Giê-su nói phạm thượng không?

– Vị Thượng Tế đặt câu hỏi ở mức độ long trọng nhất về phương diện đức tin: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” Đó là một câu hỏi nhân danh Thiên Chúa hằng sống, để đi tìm chân lí, nhưng lại hàm chứa gian dối, vị Thượng Tế không đi tìm chân lí, nhưng đặt câu hỏi với ý đồ kết án và giết chết. Nhưng đó vẫn chưa là tội lớn nhất, tội lớn nhất là chính khi ông kết án Đức Giê-su phạm thượng, thì ông phạm thượng, vì nêu danh Thiên Chúa hằng sống với ý đồ giết người, không phải bằng sự thật hay công lí, nhưng bằng sự gian dối. Thực vậy, Mười Điều Răn nói: “Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng” (Đnl 5, 11).

– Đó là một câu hỏi liên quan đến căn tính (không phải là hành vi phạm pháp), mở ra câu trả lời “phải” hoặc “không phải”, nhưng người hỏi đã lên án trước câu trả lời “phải” rồi. Ý đồ lên án cảng trở nên rõ nét hơn ở đây, vì đó không phải là câu hỏi đi tìm chân lí, nhưng để dòn ép người được hỏi vào chỗ chết. Bình thường, để sống còn, người được hỏi buộc phải trả lời là không phải. Và với Đức Giê-su, người không thể trả lời không phải. Công lý của con người là như thế đó. Chỉ hoàn toàn là cái vỏ. Chúa nói điều mình xác tín về căn tính của mình, hiểu ngầm là cũng “nhân danh Thiên Chúa hằng sống: “Chính Ngài vừa nói”. Ngài nêu bật: chân lí/gian dối, sự sống/sự chết, sự thiện/sự dữ.

– Câu hỏi của vị Thượng Tế: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26, 63), cũng là một hành động giăng bẫy. Trước đó, Đức Giê-su luôn phá bẫy người ta giăng ra, nhưng lần này, Ngài để cho mình bị mắc bẫy và bị kết án: “Hắn nói phạm thượng… Hắn đáng chết” (c. 65-66). Đó thực sự là cái bẫy chết người, vì mang dáng vẻ bề ngoài “đi tìm sự thật”, hơn nữa con đưa cả “Thiên Chúa Hằng Sống” vào làm “mồi” giăng bẫy! Biến Thiên Chúa thành “mồi giăng bẫy”, với ý đồ giết chết, đó mới là phạm thượng! Giống như Con Rắn nói với bà Eva: “Có thật Thiên Chúa bảo…” (St 3, 1). Vậy thì ai phạm thượng? Loài người chúng ta, ngang qua hình ảnh Vị Thượng Tế cao quí, hay Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó? Giăng bẫy kiểu này, chính là hành động đặc trưng của Satan. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây thì được thoát khỏi” (Tv 141, 10; sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ loại bỏ lời này; lời loan báo mầu nhiệm Vượt Qua!)

Họ mù quáng, vì một người sẵn sàng chịu bị lên án, khi có thể tránh được bằng cách trả lời không phải, thì phải kinh ngạc và đặt ra cho mình câu hỏi: người này là ai? Ngược lại, họ đồng tình với Thượng Tế Caipha và đồng thanh lên án Chúa: “Hắn đáng chết!” Hơn nữa, cho dù là Đức Giê-su nói phạm thượng, người hỏi nếu thực sự muốn đi tìm sự thật, phải hỏi xem “người nói phạm thượng” vì mục đích gì, trục lợi, hại người hay vô vị lợi và phục vụ con người.

Chiêm ngắm cách hành xử của Chúa. Ngài là Chân Lý và là Sự Sống, Ngài không có cách hành xử nào khác hơn là cách Ngài đã làm:

– Chân lý giữ thinh lặng vì không có gì để nói với Gian Dối, bởi vì bào chữa, minh chứng mình vô tội,… cũng hoàn toàn vô ích, bởi gian dối là gian dối, trong gian dối không thể có sự thật.

– Sự sống là sự sống, nên không thể dùng phương tiện của bạo lực để chống lại bạo lực, khuynh hướng loại trừ, huỷ diệt.

Ngài ứng xử theo đúng điều Ngài là. Đồng thời, qua đó, Ngài làm rõ, và không có cách nào rõ hơn, sự dối trá của con người và tính chất bạo lực nơi con người.

3. Sỉ nhục (c. 67-68)

Sự Dữ như hiện hình ở đây, dưới dạng thú tính: xúc phạm thể xác, xúc phạm danh dự. Chúng ta hãy hình dung ra những người sỉ nhục Đức Giê-su, họ không phải là người hầu, những là những thành viên trong Thượng Hội Đồng: Họ có một vẻ bề ngoài thật uy nghiêm và thánh thiêng, nhưng trước mặt Đức Giê-su họ biến thành những con người như thế: Họ khạc nhổ vào mặt Chúa, đánh đập Chúa, có những người tát Chúa và nhạo báng Chúa: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi: ai đánh ông đó”. Đây mới chính là tội phạm thượng: dùng danh hiệu thánh “Ki-tô”, dùng ngôn ngữ thánh “nói tiên tri”, để nhạo báng người khác.

Lời nhạo báng này còn có một tầm mức nghiêm trọng hơn: dùng ngôn ngữ đức tin, nhưng hoàn toàn không có đức tin. Đó là thứ ngôn ngữ trống rỗng, biểu hiện sự trống rỗng chết chóc nơi nội tâm của con người. Như thế, những lời nhạo báng mà chúng ta nghe chất đầy những hiểm họa. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết (x. Kn 1, 16 – 2, 24).

Chúng ta không nên nghĩ rằng tội lỗi riêng của chúng ta đã làm cho Chúa bị phản bội, bị bắt, bị lên án, chịu khổ hình và chịu chết. Chúa chết vì những con người cụ thể như thế trong một hoàn cảnh lịch sử như thế; nhưng cả nhân loại và từng người, kể cả chúng ta, được mời gọi thấy mình trong cách hành xử của họ. Chúa chết vì tội lỗi nhân loại là như thế. Khi nhìn ngắm Chúa, là chân lý và là sự sống, dường như bị chìm ngập trong bầu khí gian trá và thú tính, xin cho chúng ta cảm được sự kinh khủng, không thể chấp nhận của tội, và xin Chúa tha thứ và chữa lành nhân loại, chữa lành từng người chúng ta.

Tuần Thánh 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Comments are closed.

phone-icon