Ai mà chẳng đau đớn khi bị mất mát nhưng nụ cười chỉ hé nở trên môi với những ai biết chấp nhận nó mà giai thoại về một loài phượng là một ví dụ:
Theo quy luật xoay vần của thời gian, cũng là quy luật tất yếu của loài phượng vĩ. Hằng năm cứ vào độ xuân sang phượng đau xé lòng nhìn từng chiếc lá cứ rơi dần rơi dần, cuối cùng toàn thân phượng trơ trụi còn thân với cành cùng một màu xám xịt như hết sức sống. Nhưng rồi đến mùa hè sang, phượng lại rộ nở một màu hoa rực rỡ tô điểm cho những ngôi trường và những con đường thêm sắc màu xinh đẹp.
Cho đến nay đã trải qua vài chục mùa thay lá, nhưng sao lần này phượng hơi e ngại vì khí hậu khác xa với mọi năm: “anh” nắng chiếu gắt hơn, “chị” gió thổi mạnh hơn đến độ gia đình nhà họa mi lâu nay vẫn trú ngụ trên cành phượng phải thốt lên những lời than phiền và định bỏ đi:
– Bác phượng vĩ ơi! Trời nắng và nóng thế sao bác không giữ lại tất cả những chiếc lá để che chở cho thân bớt nóng.
Thoạt đầu phượng nghe thấy bùi tai và xem ra cũng hợp lý, nhưng ngẫm nghĩ một lát, phượng quả quyết rằng:
Nếu bác chỉ nghĩ đến mình và giữ lại cho riêng mình thì bác sẽ mất tất cả đấy cháu ạ.
– Ngay cả tàn lá cuối cùng để che chở cho cháu mà bác cũng không giữ lại sao?
Lần này phượng vĩ càng xác tín hơn:
– Bác rất thông cảm với cháu vì cháu đang cùng bác đương đầu với sức nóng gay gắt. Nhưng cháu phải hiểu cho rằng: Nếu bác cố giữ lại cho mình chỉ một chút thôi thì sẽ không còn là bác nữa, vì bản chất của bác là nở hoa đúng mùa để tô đẹp cho đời, khoe sắc với người. Nếu chỉ một chiếc lá cuối cùng kia không chịu rơi thì cành cây ấy không thể đơm nụ trổ hoa.
Họa mi không tiếp nhận được những lời nói chí tình của phượng vĩ, dùng dằng kéo nhau bỏ đi để lại “túp lều” trống không. Phượng càng đau lòng khi nhìn gia đình họa mi cuối cùng cũng ra đi mà xót xa. Bóng chiều đã ngả, một làn gió nhẹ lướt qua cùng với ánh hoàng hôn làm cho lòng phượng chợt ấm áp, một sự bình yên lạ thường, một sức nóng mãnh liệt dâng trào đang dần dà lưu chuyển đến toàn thân, một niềm hạnh phúc khôn tả xâm chiếm khiến những chiếc vỏ khô cằn kia như muốn bật tung để cho những chồi non được hé mở.
Sau một thời gian ngược xuôi, vất vả đi tìm nơi cư ngụ đến thân hình tàn tạ mà vẫn không tìm được, hoạ mi mới chợt hiểu ra chân lý mà phượng vĩ ngày nào đã thầm thĩ khuyên lơn. Hoạ mi hối hận quay trở về “túp lều” xưa bên phượng, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới để ngày ngày hót líu lo bên những chùm bông đỏ thắm. Tiếng hót của họa mi lúc này thật thanh thót vang xa làm rộn rã thêm cho ngôi trường làng.
Giai thoại trên nhắc nhở mỗi người cùng nhìn lại cội nguồn và bản chất của mình. Chúng ta thật hạnh phúc khi được Thiên Chúa là Cha yêu thương ban cho đặc ân nên giống hình ảnh Ngài, được thông phần vào sự sống bất diệt với ngài, đồng thời Thiên Chúa đặt để trong lòng con người một khao khát trở thành Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu, nếu chúng ta không sống đúng với bản chất của mình là yêu thì chúng ta sẽ ra sao?
Để bước vào thế giới tình yêu điều kiện tiên quyết đòi hỏi chúng ta phải chặt bỏ mọi dính bén để tái tạo trong ta một trái tim tự do như cha Anthony de Mello có nói: “Mỗi khi bạn vướng thêm một dính bén, thì chức năng cơ phận đáng yêu được gọi là con tim con người ở nơi bạn bị hủy diệt.” Do đó, để có được tình yêu đích thực chúng ta cần xóa mình đi mỗi ngày để tình yêu Đức Kitô lớn dần. Nếu như khúc gỗ sần sùi năm xưa không chịu để cho người ta đục khoét thành thập giá trên vai Đức Giêsu thì nó sẽ không thể trở thành thánh giá, không tài nào nở hoa công chính.
Phượng vĩ ngày nào nếu không chấp nhận toàn thân trơ trụi cũng không thể nở hoa khoe sắc. Với trào lưu xã hội hưởng thụ ngày nay dễ đẩy con người nhất là giới trẻ đi vào con đường trụy lạc, mất ý thức về tội, họ dồn mọi công sức để lo tiến thân chứ ngại chịu hiến thân, dùng mọi thủ đoạn để tiến chức chứ không tiến đức. Tuy thế giới đang vấy đầy những bạo động chiến tranh nhưng chắc chắn không thiếu những mẫu gương đang âm thầm hy sinh, họ như những mầm sống nằm sau những chiếc vỏ cây khô cứng chờ đến thời đến buổi mà trổ sinh hoa trái, mầm sống ấy có thể là một bà mẹ thức khuya dậy sớm, tần tảo chăm sóc cho những đứa con khôn lớn, hay một người cha vất vả một nắng hai sương nuôi dạy con cái nên người… Cũng có những con người dành trọn cuộc đời của mình cho và vì người nghèo. Họ như những vị thừa sai âm thầm ra đi tung gieo hạt giống mà không mong thu lượm. Như Mẹ Têrêsa Calcutta, mẹ thực sự hoà nhập nên một với anh em cùng khốn, mẹ đã trở nên nghèo khó như họ để rồi được trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa. Mẹ đã phản chiếu được gương mặt của Đức Giêsu rất sống động và cụ thể.
Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết dõi theo vết chân của Đức Kitô, Ngài như người anh, người thầy đã khai mở cho chúng ta một con đường, con đường ấy dẫn chúng ta tới sự sống vĩnh hằng. Con đường mà Đức Giêsu đã đi chính là con đường thập giá.
Vâng, chỉ qua thập giá mới tới vinh quang. Chỉ khi chấp nhận chính mình chết đi thì mầm sống mới được trổ sinh.
Sr. Maria Lệ Hoa