Nằm Venia và hôn áo phép là một nghi thức đã có từ lâu trong truyền thống gia đình Đa Minh. Nguồn gốc của tập tục này không được rõ lắm. Nhìn vào nhiều bức điêu khắc hình nổi của các hiệp sĩ, lãnh chúa, giám mục trên các ngôi mộ thời Trung Cổ, có người nghĩ rằng có lẽ nghi thức nằm Venia bắt nguồn vào thời đó.
Nằm Venia và hôn áo phép là gì? Ý nghĩa ra sao? Hướng về Tổng hội Tam Hiệp XIV- 2015 bầu cử Bề Trên Tổng Quyền sắp tới, bài viết này muốn kể lại việc thực hành tập tục thánh thiện này trong Dòng Đa Minh nói chung, dựa theo một số quy định trong sách Lễ Nghi cổ điển của Dòng (năm 1869) và trong Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp từ khi được thành lập (năm 1951) đến nay. Sơ lược qua truyền thống này, hy vọng chúng ta thấy được phần nào đó tinh thần tu trì và khổ chế của các bậc tiền nhân, cũng như sự uyển chuyển, thích nghi của Dòng theo hoàn cảnh thời đại.
Nằm Venia
Theo sách Lễ Nghi: “Nằm Venia là nằm duỗi toàn bộ thân mình trên mặt đất, không phải nằm trên bụng nhưng nghiêng sang bên phải với chân trái ở trên chân phải” (Caeremoniale juxta ritum S. Ordinis Praedicatorum năm 1869, số 791). Dù tư thế nằm này có thay đổi một chút từ tỉnh dòng này sang tỉnh dòng kia, từ Dòng nữ này sang Dòng nữ nọ, tùy theo anh em, chị em được vị giám tập dạy nằm như thế nào, thì kiểu nằm của một anh người Pháp và một nữ đan sĩ trong hình ảnh này là một ví dụ rất tốt và đầy ấn tượng.
Theo truyền thống Đa Minh, chúng ta nằm Venia vì một trong hai lý do: bày tỏ sự phục quyền và cầu xin tha thứ. Cử chỉ này có ý nghĩa giống như thói quen hôn trên đất của một số dòng tu, nhưng chúng ta không đón nhận tập tục này.
I. Bày tỏ sự vâng phục Bề Trên
A. Sách Lễ Nghi quy định chị em nằm Venia trong những lúc sau đây:
1- Tại buổi Hội Thú Lỗi để lãnh nhận việc đền tội từ Bề Trên.
2- Trước mặt Bề Trên để tỏ ý vâng phục, sau khi nghe ngài sửa lỗi.
3- Khi nhận một mệnh lệnh, một bài sai hay một chức vụ.
Trường hợp thứ ba vẫn còn thông dụng trong ngày hôm nay. Thí dụ, trong một tu viện thuộc thành phố Oakland nằm phía Tây tiểu bang California, anh em vẫn còn giữ tập tục nằm Venia sau khi nghe đọc văn thư bổ nhiệm (mandamus) vào một cộng đoàn mới.
B. Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp ngày nay vẫn còn giữ tập tục nằm Venia để bày tỏ sự phục quyền, cụ thể trong 3 trường hợp: trong Tổng hội, trong cuộc kinh lý và trong ngày bổ nhiệm Bề trên cộng đoàn.
1- Trong cuộc bầu cử Bề Trên Tổng Quyền, khi vị chủ tọa là Đấng Bản Quyền hay vị Đại Diện của ngài tuyên bố một chị đắc cử, nếu chị chấp nhận và có mặt tại phòng họp, thì chị sẽ tiến ra phủ phục trước mặt ngài để bày tỏ sự vâng phục. Sau khi có Tân Bề Trên Tổng Quyền, đến lượt các đại biểu và toàn thể chị em đang chờ đợi bên ngoài phòng họp sẽ nằm Venia. Cử chỉ này ngày nay được diễn tả trong nghi thức nhận quyền kèm theo Thánh Lễ hoặc Chầu Thánh Thể trên nhà nguyện. Nhưng ngày xưa thì đơn giản hơn như Hiến Pháp đầu tiên của Dòng ghi lại vắn tắt như sau:
“Khi Bề Trên mới nhận chức rồi, sẽ triệu tập cả toàn thể Tu viện và hết thảy chị em đều nằm sấp tỏ dấu phục quyền và vâng lời; đoạn xếp hàng đôi đến nhà nguyện hát: Te Deum, tạ ơn” (Hiến Pháp 1951 – Bản dịch 1957, số 280; Bản dịch 1960, số 292).
Nghi thức nằm Venia phục quyền Tân Bề Trên Tổng Quyền luôn được nhắc lại trong các sách Hiến Pháp tiếp theo. Mãi cho đến Tổng Hội Tam Hiệp XIII-2011 thì được ghi trong sách Tục Lệ 2011, số 80 thay vì trong Hiến Pháp.
Trong cuộc bầu cử các chị Tổng Cố Vấn chính thức và dự khuyết dưới sự chủ tọa của Tân Bề Trên Tổng Quyền, nếu chị nào đắc cử và chấp nhận, thì tiến ra nằm Venia trước mặt vị chủ tọa. Các chị sẽ thi hành nhiệm vụ sau khi Tổng hội bế mạc.
2- Trong ngày Bề Trên Tổng Quyền đến tuyên bố khởi sự cuộc kinh lý cộng đoàn,chị em nằm Venia để bày tỏ sự vâng phục theo những yêu cầu hay mệnh lệnh mà vị kinh lý đòi hỏi theo Luật Dòng (Tục Lệ 2011, số 56).
3- Trong nghi thức bổ nhiệm Tân Bề Trên Tu viện hay Tu xá diễn ra hai lần nằm Venia:sau khi nghe đọc văn thư bổ nhiệm, chị Tân Bề Trên phục quyền Bề Trên Tổng Quyền, rồi sau đó chị em trong cộng đoàn phục quyền Tân Bề Trên (Tục Lệ 2011, số 62).
Tuy nhiên, nghi thức nằm Venia trong trường hợp 2 và 3 linh động hơn nhiều, phần vì chị em mặc tu phục phụ là áo dài xanh và khăn lúp đen, phần vì còn tùy thuộc vào không gian của phòng hội nữa. Thí dụ: Nếu cộng đoàn có hơn 60 chị quy tụ trong một phòng họp 400m2, chị em phải thay thế tư thế nằm bằng tư thế quỳ gối hay cúi đầu mà thôi.
II. Bày tỏ lòng sám hối và xin lỗi
A. Nằm Venia là để xin tha lỗi hoặc bày tỏ nỗi buồn phiền vì đã phạm lỗi. Sách Lễ Nghi quy định những trường hợp sau đây:
1- Trong công Hội Thú Lỗi, mọi anh em đều nằm Venia để làm cử chỉ tạ tội.
2- Sau khi phạm lỗi, tu sĩ đến xin lỗi bề trên hoặc người anh em mà mình đã xúc phạm và nằm Venia.
3- Trong Thánh Lễ Trọng theo sách Lễ Nghi Dòng Đa Minh cho tới năm 1959, trước khi rước lễ thì đọc Kinh Cáo Mình (Confiteor) và nằm Venia, trừ thừa tác viên cho rước lễ thì không nằm. Về sau, Kinh Cáo Mình này bị bãi bỏ để theo nghi thức của Sách Lễ Rôma.
4- Những người phục vụ phòng thánh mà làm lỗi, thì sau Thánh Lễ phải nằm Venia trong phòng thánh.
5- Trong cung nguyện, nếu một người đến quá trễ (thí dụ đến sau khi đọc xong thánh vịnh thứ I của giờ kinh Thần Vụ). Người đó phải nằm Venia trên sàn nhà nguyện cho đến khi nghe tiếng gõ của Bề Trên thì mới được trỗi dậy. Hoặc nếu người bắt hát hoặc người đọc sách có lỗi trong việc hát và đọc sách, thì cũng nằm Venia, nhưng sẽ trỗi dậy ngay chứ không phải chờ Bề Trên gõ.
6- Trong tòa giải tội theo nghi thức giải tội của Dòng, anh em hối nhân sau khi nghe lời khuyên giải thì nằm Venia mà đọc Kinh Cáo Mình (Confiteor) và nghe đọc công thức ban ơn tha tội.
7- Khi nghe đọc sách trong bữa ăn mà gây ra những lỗi nặng (thí dụ: gây cười lớn tiếng) thì người phạm lỗi phải nằm Venia vào cuối bữa ăn.
Ngoài ra, khi một tu sĩ phạm một lỗi nặng và muốn xin bề trên dung thứ, thì có một hình thức nằm Venia long trọng hơn, đó là sấp mình xuống nền nhà với hai cánh tay duỗi thẳng ra kết thành hình thánh giá.
B. Sau khi sơ lược qua những trường hợp nằm Venia theo sách Lễ Nghi của Dòng năm 1869, chúng ta dừng lại một chút với Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp.
Tổng hội Tam Hiệp năm 1966 sau khi duyệt lại một số tục lệ, đã liệt kê ra một danh sách mà chúng ta đếm được 17 trường hợp cụ thể phải “nằm xin lỗi” (Venia). Ngày nay đọc lại, chắc chúng ta cảm thấy choáng váng!
7 trường hợp nằm Venia trong nhà nguyện:
– Khi đọc sách sai
– Khi bắt kinh sai
– Khi đánh đàn sai
– Khi bắt hát sai
– Khi làm động đạc đổ vỡ, quên sót chia trí cho cả nhà.
– Đến sau khi nguyện đến Gloria thứ I.
– Đến sau khi đã nguyện Kinh Đức Chúa Thánh Thần
5 trường hợp trong nhà cơm:
– Đọc sách vấp
– Bắt kinh sai
– Làm đổ vỡ đồ
– Quên sót dọn đồ hay món ăn
– Đến trễ khi mọi người đã bắt đầu ăn
4 trường hợp với Bề trên:
– Khi Bề Trên bảo lỗi
– Khi đến thú lỗi với Bề Trên
– Khi đến lĩnh phép lành để đi đâu cách đêm và khi về.
– Khi đến trễ các giờ hội chung: như Hội Thú Lỗi, hay một buổi hội có tính cách chung như hội làm bá cáo tập đoàn.
1 trường hợp với chị em:
– Khi làm mất lòng ai cách nặng.
(Xem Quyết định của Đại Hội Đồng Tam Hiệp III-1966, XLIV, XIII).
Riêng hành vi nằm Venia trước mặt chị em thì Hiến Pháp đầu tiên (năm 1951) đã áp dụng cho các Tập sinh mà thôi, để giúp các em luyện tập đức khiêm nhường, chứ không thấy áp dụng cho các chị đã khấn:
“Cần phải đặc biệt luyện tập các Chị về khiêm nhường, bắt làm các việc hèn hạ trong nhà, khi bị Bề Trên quở trách, phải nằm phục xin lỗi; hễ đã làm mất lòng Chị nào hay làm gương xấu cho ai, phải sấp mình dưới chân Chị ấy cho đến khi chị kia làm hiệu cho trỗi dậy”. (Hiến Pháp 1951 – Bản dịch 1957, số 61; Bản dịch 1960, số 63).
Tuy nhiên, mệnh lệnh nằm xin lỗi trước mặt chị em không còn được nhắc lại nữa từ Đại Hội Đồng Canh Tân 1969 (sau công đồng Vaticanô II) cho đến nay. Nhưng nằm Venia trong Hội Thú Lỗi hàng tuần tiếp tục được thực hành, áp dụng cho các cộng đoàn có 6 chị đã khấn trở lên. Thật vậy, Hiến Pháp đầu tiên cho chúng ta biết Hội Thú Lỗi theo trình tự như sau:
– Mở đầu, các chị em phải nằm Venia trước mặt Bề trên.
– Sau khi trỗi dậy và ngồi vào chỗ của mình, từng người một bắt đầu từ đàn chị, sẽ đứng lên thú lỗi của mình.
– Thú xong, chị nghe Bề trên khuyên bảo và lãnh việc đền tội
(Xem Hiến Pháp 1951 – Bản dịch 1957, số 191; Bản dịch 1960, số 195).
Các Tổng hội Tam Hiệp kế tiếp vẫn duy trì tục lệ này cho tới năm 1983 thì sửa đổi, nếu không muốn nói là bãi bỏ (x. Quyết Định Tổng Hội 1983, số 83). Như vậy, trong lịch sử hình thành và phát triển, các mẹ, các chị của chúng ta đã nằm Venia trong Hội Thú Lỗi được hơn 30 năm! Từ đó nằm Venia được thay thế bằng cử chỉ quỳ giang tay đọc 3 lần Kinh Ăn Năn tội, hay Thánh vịnh 50, hát một bài về sám hối.
III. Những lý do khác
A. Ngoài hai lý do chính phải nằm Venia trong truyền thống của Dòng Đa Minh, chúng ta còn hai trường hợp khác nữa:
1- Khi một tu sĩ rời khỏi cộng đoàn qua một đêm, thì nằm Venia trước mặt Bề Trên để nhận phép lành trước khi đi. Trong một số cộng đoàn, khi một người đi xa vì sứ vụ, thì cả cộng đoàn tham dự nghi thức này để cùng cầu nguyện cho người ấy.
2- Trong ngày lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ khi nghe đọc sách Martyrology đến chỗ“et factus homo” (“và đã làm người”) thì mọi người nằm Venia chứ không quỳ gối như chúng ta hiện nay.
B. Hiến pháp đầu tiên của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp và Tổng hội Tam Hiệp III – 1966 vẫn còn tiếp nhận tập tục 1: “Khi đi, chị em xin Bề Trên ban phép lành, và lúc về, đến trình diện ngay để nhận phép lành lần nữa. Nếu dự tính vắng nhà quá một đêm, phải nằm sấp lĩnh phép lành. Nếu một đêm trở lại sẽ quì gối lĩnh” (Hiến Pháp 1951 – Bản dịch 1957, số 156; x. Quyết định của Đại Hội Đồng Tam Hiệp III-1966, XLIV, XIV). Nhưng kể từ Tổng hội Tam Hiệp IV gọi là Đại Hội Đồng Canh Tân năm 1969 cho đến nay, các sách Hiến Pháp và Tục Lệ Dòng không còn nhắc đến mệnh lệnh này nữa.
Hôn áo phép
Theo nguyên nghĩa La Tinh, áo phép scapulare là tấm vải che vai, che lưng. Trong một số dòng đan tu ngày xưa, áo phép có một chức năng cụ thể, vừa để quấn áo dài thụng thịnh cho gọn gàng, vừa bảo vệ áo dòng khỏi bị nhơ bẩn giống như cái tạp dề. Tu luật Thánh Biển Đức chương 15 cũng nói đến cái áo này được mặc trong giờ lao động chân tay, chứ không mặc khi đi nguyện kinh thần vụ. Nó chỉ trở thành một phần của tu phục của các thầy đan sĩ, ẩn sĩ và kinh sĩ khi đi vào cung nguyện vào những năm 1100.
Lúc ban đầu, áo phép rất ngắn, nhưng vào thời kỳ Tiền Trung Cổ thì được kéo dài. Thỉnh thoảng hai tà áo phép được nối bởi những dải vải ở hai bên cạnh để tạo cho nó có hình dáng thánh giá, như chúng ta có thể thấy trong tu phục nổi tiếng của dòng Carthusian của Thánh Brunô (+1101).
A. Tu sĩ Đa Minh chúng ta mặc áo này bởi vì Đấng Sáng Lập xuất thân từ các kinh sĩ. Hơn nữa tu phục đã được phê chuẩn trong sắc lệnh lập dòng của Đức Giáo Hoàng Honorius III năm 1216.
Áo phép Dòng Đa Minh mầu trắng gồm có hai tà áo nằm bên trên áo chùng trắng (tunica), che trước ngực và sau lưng, dài cho đến đầu gối. Riêng áo phép của các thầy trợ sĩ lúc ban đầu có mầu đen, rộng hơn và trùm xuống đến khủy tay như chúng ta thường thấy trong hình thánh Martinô Porres. Từ năm 1965, theo tinh thần của công đồng Vaticanô II (sắc lệnh Perfectae caritatis 15), các thầy trợ sĩ không còn mặc áo phép mầu đen nữa, nhưng mặc giống như các cha, các thầy tư giáo bây giờ.
Có một truyền thuyết lâu đời hơn cho rằng áo phép được thêm vào tu phục Dòng Đa Minh nhiều năm sau ngày thành lập, vì Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với chân phước Reginald de Orleans vào lúc anh lâm bệnh nặng và trao áo dòng cho anh: “Kìa, đây là tu phục của Dòng con!”. Tuy nhiên, câu chuyện này không ám chỉ Đức Trinh Nữ đã thêm cái áo phép này vào tu phục nguyên thủy của Dòng. Khi Đức Mẹ cho anh thấy áo dòng, thì tu phục Dòng đã có áo phép rồi, và anh vào Dòng sau khi được lành bệnh.
Gọi là áo phép bởi vì đây là phần duy nhất của tu phục được làm phép long trọng trong ngày tuyên khấn lần đầu.Gốc tích của việc làm phép này có lẽ bắt nguồn từ Dòng Thánh Biển Đức. Theo Tu Luật Biển Đức, áo dòng chỉ được trao vào lúc tuyên khấn, tương tự như nghi thức trao phẩm phục trong lễ truyền chức. Trao áo dòng vào lúc khấn có ý nghĩa đánh dấu sự gia nhập vào một hàng ngũ mới và được mặc lấy con người mới. Dần dần, người ta trao áo dòng khi bắt đầu vào năm Tập. Vì thế, sau Tổng hội Dòng Anh Em Giảng Thuyết năm 1236, ĐGH Grêgôriô IX gửi cho Cha Bề Trên Cả và anh em một sắc lệnh để ấn định việc làm phép áo dòng vào lúc khấn, nhằm làm nổi bật sự khác biệt giữa tập sinh và khấn sinh (x. ĐGH Grêgôriô IX, Sắc lệnh 11/7/1236).
Tập tục hôn áo phép là do thói quen chứ không do luật Dòng ấn định cách chính thức. Trong nhiều tỉnh dòng nam và nữ Đa Minh, hôn áo phép nơi cung nguyện vẫn được thực hành cho đến ngày nay. Khi một tu sĩ phạm một lỗi nhỏ trong việc xướng hát, đọc sách, bắt kinh hoặc khi phải đi vòng qua một tu sĩ khác để vào ghế của mình, người ấy cầm tà áo phép lên mà hôn. Nhưng đây không phải là một tập tục phổ quát cho cả Dòng Đa Minh. Đối với một số tỉnh dòng khác (x. Caeremoniale, số 797, cước chú 1) anh em không hôn áo phép, nhưng cúi xuống lấy ngón tay chạm vào đất, hoặc ít là cố gắng làm như thế.
B. Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp đã từng kết hợp hôn áo phép với nằm Venia, chứ không lưu ý đến hôn áo phép riêng lẻ. Thay vào đó, chị em còn có những hình thức khác để xin lỗi nhau và xin lỗi cộng đoàn khi phạm những lỗi nhỏ trong kinh nguyện.
Còn về việc làm phép áo, Hiến Pháp đầu tiên của chị em cho thấy không chỉ có áo phép, mà cả khăn lúp cũng được làm phép vào lúc Tập sinh khấn lần đầu (Hiến Pháp 1951 – Bản dịch 1957, số 44; Bản dịch 1960, số 46). Các bản luật về sau của Dòng không đả động đến việc làm phép này nữa. Thậm chí sách Nghi Thức Khấn Dòng của nhà Dòng sử dụng từ năm 1970 cho đến nay không có chỗ nào, vào Tập viện hay khấn dòng, đề cập đến việc làm phép áo dòng và khăn lúp. Tuy nhiên, theo tục lệ tốt lành bất thành văn cho đến năm 2007, vào sáng sớm ngày tuyên khấn lần đầu, áo phép, áo dòng và cả tràng hạt mới của Khấn sinh được sắp xếp gọn gàng trong phòng thánh để linh mục đến dâng lễ hôm ấy làm phép riêng. Các Khấn sinh sẽ mặc tu phục này trong Thánh Lễ tuyên khấn của mình sẽ diễn ra sau đó vài giờ, trong đó các Tân khấn sinh sẽ nhận khăn lúp đen và sách Hiến Pháp. Từ khi Tổng hội Tam Hiệp XII-2007 quyết định cho các Tập sinh mặc tu phục trở lại, thì trọn bộ áo dòng trắng với khăn lúp trắng cũng được làm phép riêng trong phòng thánh. Các Tân Tập sinh sẽ được trao và mặc áo dòng này trong nghi thức nhập vào Tập viện.
Tóm lại, tập tục nằm Venia và hôn áo phép dần dần trở nên mờ nhạt hơn trong truyền thống của Dòng Đa Minh nói chung và trong Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp nữa. Nhất là sau biến cố lịch sử năm 1975, chị em phải mặc thường phục cả ngày, thậm chí nhiều khi phải mặc thường phục trong kinh nguyện và Thánh Lễ. Hệ quả là áo dòng hay áo phép Đa Minh không còn được quý trọng như trước nữa (x. Công vụ Tổng Hội XI-2003, số 24). Dẫu biết rằng “áo dòng không làm nên thầy dòng”, và “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, đi tìm cái căn tính bên trong hơn là chỉ dừng lại những nghi thức truyền thống bên ngoài, nhưng khi khoác trên mình áo dòng Đa Minh, chị em vẫn nhắc nhở nhau sống đúng tinh thần của người tu sĩ chính danh, ý thức mình đang hít thở bầu khí hiệp thông với đại gia đình Đa Minh, không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn ra khắp thế giới.
Sr. Maria Đinh Thị Sáng, O.P
————
Một số hình ảnh và dữ liệu lấy từ Website http://dominican-liturgy.blogspot.com/2008/07/venia-and-kissing-scapular.html