Giáo Hội dạy gì về sự hiệp nhất Kitô hữu?

0

Với nhiều người, dường như vấn đề đại kết – một công việc quy tụ các Kitô hữu bị chia rẽ – là một phần phụ tùy chọn. Chẳng hạn, như sự chăm sóc của Giáo Hội đối với người nghèo hoặc những trẻ chưa sinh dường như chẳng mấy thu hút ai. Chúng ta cũng có thể cảm thấy hơi miễn cưỡng khi đi quá sâu vào đề tài này, vì sợ rằng cuối cùng chúng ta sẽ mất đi tầm nhìn về sự thừa kế của chính mình với tư cách người Công giáo. Hoặc có lẽ đề tài dường như quá rắc rối đến nỗi chúng ta không biết phải  nghĩ về nó như thế nào.

Đây là những mối quan tâm tốt lành chúng ta phải có, nhưng mục đích “để tất cả nên một” vẫn là mối ưu tiên quan trọng của Giáo Hội (Ga 17,21). Mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi làm những gì chúng ta có thể để xúc tiến sự hiệp nhất Kitô giáo. Vì thế, chúng ta hãy xem Giáo Hội Công Giáo dạy những gì để chúng ta có thể đón nhận lời mời gọi này cách trọn vẹn hơn.

Năm Mươi Lăm Năm và Kế Tiếp. Trong Sắc lệnh về Chủ nghĩa đại kết của mình, các Giáo Phụ của Vatican II đã tuyên bố rằng “việc khôi phục sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu là một trong những mối quan tâm chính yếu của Công đồng Vatican II” (Unitatis Redintegratio, 1). Tài liệu lịch sử này nhấn mạnh rằng đại kết là một ân sủng từ Thiên Chúa, một lời kêu gọi thánh thiêng từ Chúa cho toàn thể Giáo Hội của Người. Đây là lần đầu tiên Giáo Hội kêu gọi tất cả các thành viên của mình đáp lại ân sủng này. Do vậy, chúng ta không thể xem đó chỉ là một lựa chọn dành cho các giáo sĩ hoặc những người cho là một ơn gọi đặc biệt. Từ khi Công đồng kết thúc vào năm 1965, mỗi vị Giáo hoàng đều thấm nhuần và đề cao lời kêu gọi hiệp nhất này trong các giáo huấn và trong gương sống của mình.

Chẳng hạn, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã thực hiện một bước đầy ấn tượng trong việc kết thúc Công đồng với một tuyên bố bãi bỏ (chấm dứt) vạ tuyệt thông 1054 chống lại Giáo hội Chính Thống. Bằng cách làm cho điều này thành hành động cuối cùng của Công đồng, Đức Giáo hoàng Phaolô muốn tuyên bố rõ rằng Giáo Hội Công Giáo đã cương quyết cam kết với việc chữa lành những sự chia rẽ. Các Kitô hữu Chính Thống Đông phương là anh chị em được đón nhận, chứ không phải là những kẻ theo dị giáo để phải bị kết án. Đức Giáo hoàng Phaolô cũng quan tâm theo sát việc kiến tạo nhiều cuộc đối thoại chính thức với các giáo hội và các truyền thống khác – Anh giáo, Những người Hội Giám lý, Tin Lành (Luther), Giáo phái Ngũ tuần (Phục hưng) và nhiều hơn nữa.

Trong thông điệp năm 1995 về sự hiệp nhất Kitô giáo, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời dạy của Công đồng Vatican II khi ngài tuyên bố rằng đại kết là cần thiết nếu chúng ta muốn thấy “Lễ Ngũ tuần mới” mà Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã mong mỏi. Đức Gioan “đã hiểu rõ điều này”, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô viết: “Khi triệu tập Công đồng, ngài từ chối chia tách sự canh tân khỏi sự cởi mở đại kết” (Ut Unum Sint, 17).

Sau cái chết của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2005, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tuyên bố rõ rằng ngài cũng cam kết chắc chắn với sự hiệp nhất Kitô giáo. Nói chuyện với một nhóm các nhà lãnh đạo Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo ở Cologne, Đức, Đức Giáo hoàng Bênêđictô nhắc lại “cam kết chắc chắn về việc phục hồi sự hiệp nhất Kitô giáo cách trọn vẹn và rõ ràng là mối ưu tiên trong nhiệm kỳ giáo hoàng” của ngài. Ngài còn nói tiếp: “Sự chia rẽ của chúng ta thì trái nghịch với ý muốn của Chúa Giêsu và chúng làm cho mọi người phải thất vọng… Chúng ta phải làm việc với năng lực và sự dâng hiến mới để thực hiện một việc làm chứng chung”(Cuộc họp đại kết, ngày 19 tháng 8 năm 2005).

Ngày hôm nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn tiếp tục đi theo con đường đã được đánh dấu bởi các vị tiền nhiệm của mình. Ngài đã nhiều lần cầu nguyện “để tất cả các Kitô hữu có thể trung thành với giáo huấn của Chúa bằng cách nỗ lực cầu nguyện và sống tình bác ái huynh đệ để khôi phục sự hiệp thông giáo hội và bằng cách hợp tác để đương đầu với những thách đố đang bày ra trước nhân loại” (Ý cầu nguyện của Giáo hoàng cho tháng giêng năm 2017). Công việc của đại kết thuộc về “tất cả các Kitô hữu” như Đức Phanxicô đã nói, chứ không chỉ các giám mục và các nhà thần học. Mỗi người trong chúng ta đều được kêu gọi để cầu nguyện và làm việc cho sự hiệp nhất.

Thống Nhất trong Đa Dạng. Rõ ràng Giáo Hội đang kêu gọi tất cả dân Chúa làm việc cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Nhưng còn về nỗi e sợ rằng sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa đại kết có thể làm nhạt nhòa sự cam kết của chúng ta đối với Giáo Hội (của chúng ta) thì sao?

Không lâu sau khi Công đồng kết thúc, Vaticanô đã ban hành một tài liệu cung cấp các hướng dẫn để thực hiện lời kêu gọi hiệp nhất Kitô giáo của chúng ta. Ở đó, chúng ta đọc thấy rằng “toàn bộ sự thật được mặc khải, về các bí tích và chức vụ mà Chúa Kitô đã ban cho việc xây dựng Giáo Hội của Người… được tìm thấy trong sự hiệp thông Công giáo của Giáo Hội” (Chỉ dẫn về Đại kết, 17). Tuy nhiên, đồng thời, Giáo Hội cũng công nhận rằng sự hiệp nhất không có nghĩa là sự phù hợp (sự y theo). Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã nói, sự hiệp nhất Kitô giáo “không có nghĩa là sự đồng nhất trong tất cả các diễn tả của thần học và linh đạo, trong các hình thức phụng vụ và trong các kỷ luật. Sự hiệp nhất trong đa dạng và sự đa dạng trong hiệp nhất” – Đó là mục đích (Cuộc họp đại kết, ngày 19 tháng 8 năm 2005).

Điều này nghe có vẻ phức tạp. Chúng ta muốn mọi sự phải rõ ràng, nhưng thật sự, nó rất phức tạp. Những chân lý đức tin rất đơn giản và chắc chắn, nhưng con đường dẫn đến sự hiệp nhất dưới những sự thật đó thì dài và có nhiều đòi hỏi. Có thể hữu ích nếu chúng ta nghĩ về gia đình của chúng ta. Mỗi thành viên đều khác với mọi người – đôi khi, rất khác nhau. Nhưng một gia đình lành mạnh thì tôn trọng những sự khác biệt của mỗi người ngay cả khi họ thực hành mọi sự để hiệp nhất họ. Đó là cách chúng ta cần xem xét sự tìm kiếm cho sự hiệp nhất.

Giáo Hội phân biệt rất thận trọng giữa công việc của đại kết và công việc quan trọng không kém là tiếp đón các thành viên mới vào Giáo Hội Công Giáo. Cả hai đều là công việc của Chúa Thánh Thần, nhưng không như nhau. “Công việc chuẩn bị sự tiếp nhận một cá nhân ao ước được đón nhận vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo thì bản chất khác hẳn với hoạt động đại kết” (Chỉ dẫn về Đại kết, 99).

Nếu, trong công việc chúng ta làm cho sự hiệp nhất Kitô giáo, chúng ta tìm cách đưa mọi người gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo, thay vì chữa lành sự chia rẽ chúng ta có nguy cơ dựng lên các bức tường (ngăn cách). Không có gì làm ảnh hưởng không tốt đến những cuộc gặp gỡ đại kết hơn là cố gắng “lôi kéo” ai đó về “phía chúng ta”. Đúng hơn, Giáo Hội dạy rằng khi chúng ta làm việc cùng với nhau và cầu nguyện với các Kitô hữu khác, chúng ta cùng nhau thăng tiến. Chúng ta công nhận những quà tặng mà mỗi chúng ta đóng góp và mối tương quan của chúng ta sẽ ngày càng sâu sắc. Và sự ràng buộc càng chặt chẽ hơn có nghĩa là sự hiệp nhất càng sâu sắc hơn.

Các Thành Viên của Một Gia Đình. Như thế sự hiệp nhất Kitô giáo có vẻ như thế nào? Hơn bất cứ điều gì khác, sự hiệp nhất được đặt trên nền tảng vững chắc của phép rửa chung của chúng ta. Như Công đồng Vaticanô II đã dạy, tất cả mọi người “tin vào Chúa Kitô và đã thực sự chịu phép rửa đều hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo”. Vì thế, “Giáo Hội Công Giáo đón nhận họ như anh em, với sự tôn trọng và lòng thương mến” (Unitatis Redintegratio, 3).

Sự hiệp thông này có thể là “không hoàn hảo” trong nghĩa là chưa hoàn thành, nhưng đó vẫn là một sự hiệp thông thực sự và quan trọng. Chúng ta công nhận rằng những khác biệt đáng chú ý vẫn còn, đôi khi “trong các giáo huấn và đôi khi trong kỷ luật” và những khác biệt này có thể “gây ra nhiều sự trở ngại”. Nhưng thậm chí cho dù có gặp những trở ngại này, “thì vẫn đúng thật là tất cả những người đã được nên công chính nhờ đức tin có được trong Bí tích Rửa tội đều là thành viên của thân thể Chúa Kitô và có quyền được gọi là Kitô hữu, và do đó họ được chấp nhận cách đúng đắn là anh em bởi con cái của Giáo Hội Công Giáo” (Unitatis Redintegratio, 3).

Mỗi Kitô hữu, dù thuộc giáo phái nào, đã là một phần của gia đình chúng ta. Tất cả chúng ta đều đã được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tất cả chúng ta đều được tẩy sạch khỏi tội lỗi nguyên tổ. Chúng ta đều là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Tất cả chúng ta đều được Cha trên trời của chúng ta yêu thương và quý mến. Đã có một “sự hiệp thông sâu sắc” giữa chúng ta (Ut Unum Sint, 42). Giáo Hội hiện đang mời gọi chúng ta cậy dựa trên nền tảng này khi chúng ta làm việc cho sự hiệp thông trọn vẹn mà chúng ta chưa có được. Chính Thiên Chúa đã đưa chúng ta đến với nhau như anh chị em qua Bí tích Rửa Tội. Ước mong chúng ta biết làm việc để chữa lành bất cứ sự chia rẽ nào còn đang tồn đọng!

Một Kho Tàng Quà Tặng Phổ Quát. Một nguyên tắc quan trọng của Công Giáo về đại kết là nguyên tắc tôn trọng và tôn vinh đối với các truyền thống đức tin khác. Mặt khác, các Giáo Phụ Công đồng Vaticanô II đưa ra những lời thật khôn ngoan: “Những người Công Giáo phải vui sướng thừa nhận và trân trọng các tài sản Kitô giáo thực sự… những tài sản sẽ được tìm thấy giữa những anh em chia cách của chúng ta” (Unitatis Redintegratio, 4). Đây là một khía cạnh khác của sự kiện là có quá nhiều điều liên kết chúng ta với nhau.

Những “tài sản (ân sủng) Kitô giáo” này gồm cả lòng yêu mến dành cho Thánh Kinh, sự nhấn mạnh đến việc truyền giáo, một ý thức sâu sắc về cộng đồng và sự nhấn mạnh đến lời kêu gọi sống một cuộc sống đạo đức, chính trực. Giáo Hội muốn chúng ta công nhận “những sự giàu có của Chúa Kitô và những công việc đạo đức này trong cuộc sống của những người khác đang làm chứng cho Chúa Kitô” (Unitatis Redintegratio, 4).

Thực vậy, trong một số trường hợp, các thành viên của các truyền thống Kitô giáo khác có thể bày tỏ sự tận tâm (sùng kính) anh hùng đối với những sự giàu có này có thể có ảnh hưởng nhiều hơn so với sự sùng kính của nhiều người Công giáo. Chẳng hạn, truyền thống của Luther đã không có một lịch sử lâu dài khuyến khích các tín hữu đọc và học hởi lời Thiên Chúa sao? Hẳn không có nhiều người theo phái Phúc Âm đã dạy chúng ta nhiều về ơn gọi loan báo Tin Mừng sao? Các anh chị em Chính Thống Đông Phương của chúng ta không làm chứng nhân về sự tôn kính sâu sắc đối với Chúa trong các phụng vụ của họ đó sao? Dĩ nhiên họ làm và có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi nơi họ!

Một “Cam Kết Cá Nhân” đối với Sự Hiệp nhất. Thiên Chúa yêu thích sự hiệp nhất. Người ao ước nhìn thấy những con cái mình chữa lành sự chia rẽ của họ để ánh sáng của chúng ta có thể chiếu sáng rực rỡ hơn trên trần gian này. Chúng ta có rất nhiều để cử hành với nhau. Chúng tôi có rất nhiều điều có thể làm với nhau. Và quan trọng nhất, có rất nhiều điều trong các truyền thống khác nhau của chúng ta mà chúng ta có thể tôn trọng và duy trì, ngay cả khi chúng ta làm việc để trở nên một thân thể trong Chúa Kitô. Ân sủng, sự dâng hiến, sự trung thành, sự khiêm hạ, niềm hy vọng, đức tin và tình yêu mến – những phước lành này và rất nhiều điều nữa được biểu lộ trong mọi truyền thống Kitô giáo.

Như thế, Giáo Hội đang mời gọi chúng ta điều gì? Không gì hơn là “một sự cam kết cá nhân đối với việc đẩy mạnh sự hiệp thông với các Kitô hữu khác” (Chỉ dẫn về  Đại kết, 55). Đây là giáo huấn của Giáo Hội, các anh chị em của chúng ta. Bài viết tiếp theo của chúng tôi sẽ thảo luận về những cách chúng ta có thể thực điều đó.

Theo The Word Among Us [wau.org]
January 2020 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon