Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

0

Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hay Đại Lễ Ngũ Tuần có tên gọi theo tiếng Hy-lạp là: πεντηκοστὴ ἡμέρα – pentēkostē hēméra. Đây là một Đại Lễ của Ki-tô giáo. Riêng trong Giáo hội Công giáo thì Đại Lễ này luôn luôn được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ VIII sau Đại Lễ Phục Sinh, hay cũng là ngày thứ 50 của Mùa Phục Sinh. Ngày này thường rơi vào giữa thời gian từ mồng 10 tháng 05 (sớm nhất) tới 13 tháng 06 (muộn nhất). Với Đại Lễ đang được nói tới ở đây, các Ki-tô hữu mừng kính sự kiện Thiên Chúa trao ban, sai phái, và tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống cho các tín hữu như sách Tông Đồ Công Vụ chương 2 đã thuật lại.

Cuốn sách trên tường thuật rằng, khi nhiều người quy tụ nhau lại tại Giê-ru-sa-lem để mừng Lễ Ngũ Tuần, tức Lễ Shavuot của người Do-thái, thì Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa để đậu xuống trên đầu các môn đệ của Chúa Giê-su (xc. Cv 2,1-41). Truyền thống Ki-tô giáo vẫn thường coi biến cố vừa nêu là ngày khai sinh ra Giáo hội. Vì thế, các Ki-tô hữu tiên khởi đã mừng kính biến cố này ngay từ rất sớm, và việc cử hành Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong lịch Phụng Vụ của Giáo hội đã lần đầu tiên được nhắc tới trong một bản văn xuất hiện vào năm 130.

1. Mối liên hệ đến Do-thái giáo:

Theo sách Công Vụ Tông Đồ chương 2 thì biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đã xảy ra vào ngày Đại Lễ Shavuot, tức Đại Lễ Ngũ Tuần của người Do-thái. Đại Lễ này mừng kính việc công bố Kinh Tora (Ngũ Thư) cho dân Israel, và là một trong những Đại Lễ lớn nhất của Do-thái giáo. Shavuot có nghĩa là ngày thứ 50 kề từ Đại Lễ Vượt Qua (Pascal). Bên cạnh đó, Shavuot cũng là Đại Lễ Tạ Ơn sau vụ mùa, vì đây cũng chính là lúc kết thúc mùa thu hoạch Lúa Mì (mùa thu hoạch này bắt đầu ngay sau Lễ Pascal, tức Lễ Vượt Qua).

2. Lễ Ngũ Tuần trong Tân Ước:

Chương 2 của sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại những kinh nghiệm của các môn đệ Chúa Giê-su khi họ quy tụ nhau lại tại Giê-ru-sa-lem để mừng Lễ Ngũ Tuần, tức Lễ Shavuot của người Do-thái.

a. Các môn đệ được tràn đầy Chúa Thánh Thần:

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

b. Các môn đệ được ơn thông thạo ngoại ngữ

Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết thêm rằng: „Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về“. Họ là những người đến từ “Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô và A-xi-a; có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập…”. Tất cả đều kéo đến để nghe các Tông Đồ nói. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe được các môn đệ nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt và vô cùng thán phục (xc. Cv 2,5-13).

c. Ứng nghiệm lời loan báo của các Ngôn Sứ

Trong bài giảng đầu tiên của mình, Thánh Phê-rô Tông Đồ đã giải thích về biến cố Ngũ Tuần, và đặt biến cố này trong mối liên hệ đến lịch sử cứu độ: Qua miệng Ngôn Sứ Giô-en, Thiên Chúa đã phán trước rằng, vào những ngày sau hết này, Ngài sẽ đổ tràn Thần Khí của Ngài trên mọi xác phàm (xc. Ge 3,1-5).

Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng:“Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này và lắng nghe những lời tôi nói đây. Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba. Nhưng đó là điều đã được ngôn sứ Giô-en nói đến: Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta và chúng sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2,14-18).

d.Chúa Giê-su được đặt làm Chúa và làm Đấng Ki-tô:

Cũng trong bài giảng đầu tiên của mình, Thánh Phê-rô đã cho thấy, nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa và tác động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su đã đạt tới được phẩm vị cao sang như thế nào sau khi Ngài phục sinh:

Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe. Thật vậy, vua Đa-vít đã chẳng lên trời, thế mà lại nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con. Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv 2,32-36).

e. Điều kiện để nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần:

Khi được thính giả thắc mắc, Thánh Phê-rô đã mô tả sự hoán cải và Phép Rửa như là phương thế để lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần:

Nghe thế, họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác:“Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông Phê-rô đáp:“Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói:“Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2, 37-42).

f. Phép lạ Lễ Ngũ Tuần

Khả năng nói ngoại ngữ như Cv 2,4-13 kể lại (mọi người đang tề tựu nhau lại tại Giê-ru-sa-lem để mừng Lễ Ngũ Tuần, đều nghe thấy các Tông Đồ nói ngôn ngữ riêng của mình), được mô tả như là “Phép Lạ Lễ Ngũ Tuần”.

g. Chúa Thánh Thần được ban ngay trong ngày Phục Sinh

Theo tường thuật của Tin Mừng Gio-an (xc. Ga 20,19-23) thì ngay vào chiều ngày Phục Sinh, tức ngày thứ nhất trong tuần, Đấng Phục Sinh đã hiện ra, đứng giữa các môn đệ, rồi Ngài phà hơi trên họ và nói với họ rằng: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”. Như vậy, Thánh Thần đã được ban xuống cho các Môn Đệ ngay trong ngày Chúa Giê-su Phục Sinh rồi, chứ không phải đợi đến tận 50 ngày sau.

3. Đại Lễ Ngũ Tuần trong Phụng Vụ Giáo hội

Nội dung của Đại Lễ Ngũ Tuần trong Phụng Vụ Giáo hội chính là việc mừng kính biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như đã được Chúa Giê-su loan báo trong Bữa Tiệc Ly. Đại Lễ này cũng chính là ngày kết thúc Mùa Phục Sinh, nó rơi vào ngày Chúa Nhật thứ VIII sau Lễ Phục Sinh. Theo cách thức thực hành Đức Tin của người Ki-tô hữu, như đích thân Thánh Phê-rô đã trình bày trong bài giảng tiên khởi của Ngài vào ngày Lễ Ngũ Tuần, thì sau phần thống hối sẽ là việc lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô.  Việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần sẽ có thể diễn ra bằng nhiều cách, trước tiên là nhờ vào việc đặt tay như trong Cv 8,15-17, hoặc ngay trong lúc nghe các Tông Đồ rao giảng như trong Cv 10,44tt. Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (Lc 24,49) đã mô tả Chúa Thánh Thần chính là “Quyền năng từ trời cao ban xuống”. Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên các môn đệ, sẽ kiến tạo nên sự hiệp nhất giữa các tín hữu, cũng như sẽ đổi mới mặt địa cầu. Kể từ phút giây lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đoàn môn đệ của Chúa Ki-tô sẽ được hiểu như là Dân Thiên Chúa. Và đó cũng là lần đầu tiên các Ki-tô hữu xuất hiện cách chính thức và công khai. Vì thế, đôi khi người ta đã miêu tả Đại Lễ Ngũ Tuần như là “Ngày Sinh Nhật của Giáo Hội”, và coi đó là ngày khai mạc sứ vụ truyền giáo cho muôn dân.

Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo thường dành ra một tuần cửu nhật để chuẩn bị cho việc mừng Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tuần cửu nhật này được gọi theo tiếng La-tinh là noveni, nó bắt đầu từ sau Đại Lễ Chúa Thăng Thiên. Mục đích của tuần này chủ yếu là để chuẩn bị tinh thần và gia tăng lời cầu nguyện nơi các tín hữu. Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống sẽ bắt đầu từ Kinh Chiều I của ngày thứ Bảy, và kết thúc với Kinh Chiều II của ngày Chúa Nhật. Trước năm 1955, toàn bộ ngày thứ Bảy trước Đại Lễ Ngũ Tuần được coi là vigilia, tức ngày canh thức. Kể từ đó tới nay, buổi chiều ngày thứ Bảy trước Lễ Ngũ Tuần có thể được dành để cử hành Lễ Vọng Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với một bản văn Phụng Vụ riêng biệt. Lời Kinh Deus, qui sacramento festivitatis hodiernae và Ca Tiếp Liên Veni Sancte Spiritus  mà Giáo hội thường sử dụng trong Tuần Cửu Nhật trước Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng như trong chính ngày Đại Lễ này, là một trong 5 Ca Tiếp Liên được sử dụng chính thức trong Phụng Vụ của Giáo hội.

Tại một số quốc gia, ngày thứ Hai sau Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vẫn được coi là một ngày Lễ Nghỉ, và là một ngày trong Tuần Cửu Nhật Kính Chúa Thánh Thần, nhưng không được tính vào Mùa Phục Sinh, mà là thuộc mùa thường niên. Vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã xác định ngày thứ Hai sau Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là ngày toàn Giáo hội mừng kính “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội – Memoria Beatae Mariae Virginis, Ecclesiae Matris”.

Sau Công Đồng Vatican II, Giáo hội đã soạn lại Kinh Tiền Tụng của Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để làm tăng thêm đặc tính Phục Sinh của lời Kinh này: “Ðể hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, hôm nay Chúa rộng ban Chúa Thánh Thần cho những người đã được Chúa nhận làm nghĩa tử, nhờ kết hợp với Con Một Chúa. Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin. Vì thế, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu, lòng tràn ngập niềm vui ngày Chúa sống lại, đều mừng rỡ hân hoan….”

4. Phong Trào Ngũ Tuần

Biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được ghi lại trong Tân Ước luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong giới đoàn sủng Ki-tô giáo. Kinh nghiệm cá nhân của mỗi người về tác động của Chúa Thánh Thần cũng luôn được nhấn mạnh cách đặc biệt trong Phong Trào Ngũ Tuần.

5. Thời gian diễn ra Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống:

Vì Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không diễn ra theo một thời gian nhất định, nên nó có thể rơi vào nhiều ngày khác nhau. Giống như Đại Lễ Shawuot của người Do-thái luôn lệ thuộc vào Đại Lễ Vượt Qua, và được cử hành sau Đại Lễ đó đúng 7 tuần, thì Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng luôn lệ thuộc vào Đại Lễ Phục Sinh và được Giáo hội Công Giáo cử hành sau Đại Lễ đó cũng đúng bảy tuần. Vì các tín hữu luôn mừng kính Chúa Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật, nên Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng luôn rơi vào ngày Chúa Nhật, cụ thể là Chúa Nhật VIII Phục Sinh.

Vì lệ thuộc vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh như thế, nên Chúa Nhật Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống sẽ luôn rơi vào giữa thời gian từ mồng 10 tháng 05 (sớm nhất) đến 13 tháng 06 (muộn nhất). Kể từ ngày có lịch Gregoriana đến nay, Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mới chỉ có 4 lần rơi vào ngày mồng 10 tháng 05 mà thôi, cụ thể đó là các năm 1598, 1693, 1761 và 1818. Mãi tới năm 2285, Đại Lễ này mới rơi vào ngày mồng 10 tháng 05 thêm một lần nữa. Và Đại Lễ này cũng chỉ mới có 4 lần rơi vào ngày 13 tháng 06, cụ thể là các năm 1666, 1734, 1886 và 1943. Mãi tới năm 2038, Đại Lễ này mới rơi vào ngày 13 tháng 06 thêm một lần nữa.

6. Thánh Thi Veni creator spiritus

Thánh Thi Veni creator spiritus luôn được sử dụng trong các giờ Kinh Chiều của Tuần Cửu Nhật Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sau đây là nguyên văn bản văn Thánh Thi đó bằng tiếng La-tinh:

  1. Veni, creator Spiritus, mentes tuorum visita: imple superna gratia, quae tu creasti pectora.
  1. Qui diceris Paraclitus, donum Dei altissimi, fons vivus, ignis, caritas et spiritalis unctio.
  1. Tu septiformis munere, dextrae Dei tu digitus, tu rite promissum Patris sermone ditans guttura.
  1. Accende lumen sensibus, infunde amorem cordibus, infirma nostri corporis virtute firmans perpeti.
  1. Hostem repellas longius pacemque dones protinus; ductore sic te praevio vitemus omne noxium.
  2. Per te sciamus da Patrem noscamus atque Filium, te utriusque Spiritum credamus omni tempore.
  1. Deo Patri sit gloria et Filio, qui a mortuis surrexit, ac Paraclito, in saeculorum saecula.

7. Các Bài Giảng và các bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống:

a. Bài Huấn Dụ năm 2015

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Đại Lễ Kính Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống làm cho chúng ta tái trải nghiệm sự khởi đầu của Giáo hội. Sách Công Vụ Tông Đồ đã mô tả về một căn nhà mà trong đó các Tông Đồ gặp gỡ nhau vào ngày thứ 50 sau ngày Chúa Giê-su Phục Sinh: “Khi đến ngày Lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu tại mầ cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,1-4). Các Tông Đồ đã được hoàn toàn biến đổi bởi việc được đổ tràn đầy Thánh Thần: Nỗi sợ hãi nhường chỗ cho sự can đảm, sự rút lui được choán chỗ bởi việc loan báo Tin Mừng, và mỗi người trong các Tông Đồ đều được khắc phục bởi Đức Tin, mà Đức Tin ấy lại được lấp đầy bởi Tình Yêu. Đó là „Phép Rửa“ của Giáo hội. Giáo hội đã khai mạc con đường xuyên qua lịch sử của mình như thế dưới sự hướng dẫn từ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Biến cố này đã biến đổi con tim và đời sống các Tông Đồ, cũng như đời sống các môn đệ khác, và biểu lộ những tác động trực tiếp bên ngoài phòng Tiệc Ly. Như vậy, cánh cửa bị đóng kín suốt 50 ngày dài, rốt cuộc cũng đã được mở ra, và cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên giờ đây không còn tự co rúm lại trong chính mình nữa, nhưng đã bắt đầu tường thuật những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện, cho đám đông dân chúng đang tụ tập từ nhiều quê hương và xứ sở khác nhau (xc. Cv. 2,11), cũng như loan báo sự phục sinh của Chúa Giê-su bị đóng đinh. Bất cứ ai đang hiện diện tại đó cũng đều nghe được lời của các Tông Đồ trong ngôn ngữ riêng của mình. Ơn Chúa Thánh Thần đã tái khôi phục lại sự hòa điệu của ngôn ngữ mà nó đã bị mất đi trong biến cố Babel, và tiên đoán một chiều kích phổ quá nơi sứ vụ của các Tông Đồ. Giáo hội không phát sinh cách tách biệt, nhưng phổ quát, duy nhất và Công giáo. Giáo hội được dán nhãn thông qua một căn tính được hoàn toàn xác định nhưng cũng mở ra với tất cả, Giáo hội không tự khép kín, nhưng ôm ghì lấy toàn thể thế giới và không loại trừ bất cứ ai. Mẹ Giáo hội không đóng kín cánh cửa mình lại trước bất cứ người nào! Giáo hội không đóng kín cánh cửa mình lại trước bất cứ ai, kể cả trước những tội nhân lớn nhất, dù chỉ một lần! Điều ấy diễn ra thông qua sức mạnh, tức nhờ vào ơn Chúa Thánh Thần. Mẹ Giáo hội tiếp tục mở toang cánh cửa mình ra cho tất cả mọi người, vì Giáo hội là Mẹ.

Chúa Thánh Thần – Đấng tuôn chảy vào lòng các Tông Đồ nhân ngày Lễ Ngũ Tuần – đã đánh dấu sự khởi đầu của một thời đại mới: thời đại chứng tá và thời đại huynh đệ. Thời đại này đến từ trên cao, từ Thiên Chúa trong hình thức những ngọn lửa bừng cháy, ngọn lửa này đậu xuống trên đầu từng vị Tông Đồ. Đó là ngọn lửa Tình Yêu, nó thiêu cháy bất cứ nỗi đắng cay nào, và cũng chính là ngôn ngữ của Tin Mừng – một ngôn ngữ vượt qua mọi ranh giới do con người đặt ra – ngôn ngữ ấy động chạm tới con tim của đám đông, mà không hề có sự phân biệt về ngôn ngữ, chủng tộc hay quốc gia. Giống như trong ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày hôm nay Chúa Thánh Thần cũng được đổ xuống trên Giáo hội và trên mỗi cá nhân chúng ta, để chúng ta thoát ra khỏi tính tầm thường cũng như thoát ra khỏi sự khép kín của mình, và công bố cho toàn thế giới biết Tình Yêu nhân hậu của Thiên Chúa. Việc công bố Tình Yêu nhân hậu của Thiên Chúa – hàm chứa trong đó sứ mạng của chúng ta! Hồng ân “ngôn ngữ” Tin Mừng và “ngọn lửa” Chúa Thánh Thần cũng được trao ban cho chúng ta, đến độ chúng ta có thể công bố Chúa Giê-su Phục Sinh đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta, chúng ta có thể sưởi ấm con tim mình cũng như con tim của các dân tộc thông qua việc đến gần với Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Chúng ta hãy tín thác vào lời bầu cử từ mẫu của Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Đấng đã hiện diện giữa các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly với tư cách là Mẹ: Mẹ chính là Mẹ của Giáo hội, Thân Mẫu Chúa Giê-su trở thành Mẹ của Giáo hội. Chúng ta hãy tín thác vào Mẹ, và nhờ vậy, Chúa Thánh Thần lại xuống cách dư tràn trên Giáo hội trong thời đại chúng ta, Ngài sẽ đổ đầy ơn Thánh Thần vào trong con tim các tín hữu, và sẽ đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Ngài.

(Quảng Trường Thánh Phê-rô ngày 24 tháng 05 năm 2015)

b. Bài giảng năm 2016:

Anh chị em thân mến, “Thầy sẽ không để anh em mồ côi!” (Ga 14,18).

Sứ mạng của Chúa Giê-su đã đạt tới tột điểm trong việc trao ban Chúa Thánh Thần. Sứ mạng ấy có mục đích căn bản là: tái khôi phục mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha, mà mối tương quan đó đã bị phá vỡ vì tội lỗi; giải phóng chúng ta khỏi tình trạng mồ côi, và tái ban lại cho chúng ta tư cách làm con Thiên Chúa.

Khi viết cho các tín hữu thành Rô-ma, Thánh Phao-lô Tông Đồ đã nói rằng: “Tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa: nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Áp-ba! – Cha ơi!” (Rm 8,14-15). Đây là mối tương quan được tái liên kết: Phụ tính của Thiên Chúa sẽ tái trở nên hữu hiệu trong chúng ta nhờ vào công trình cứu chuộc của Chúa Ki-tô và nhờ vào các ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần được ban xuống bởi Thiên Chúa Cha, và chính Ngài sẽ dẫn chúng ta đi đến cùng Thiên Chúa Cha. Toàn thể công trình cứu chuộc chính là một công trình tái sinh. Ở đây, nhờ vào các ân lộc của Chúa Cha và các ơn ban của Chúa Thánh Thần, tính hiền phụ của Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi kiếp mồ côi mà chúng ta đã rơi vào đó. Ngay trong thời đại chúng ta, người ta cũng phát hiện ra những triệu chứng khác nhau mà chúng cho thấy tình trạng mồ côi của chúng ta: đó là sự cô độc nội tâm mà chúng ta cũng nhận thấy giữa nhiều đám người, và đôi khi sự cô độc ấy sẽ có thể trở thành một nỗi buồn chán mang tính hiện sinh; đó là việc xem ra có vẻ thiếu phụ thuộc vào Thiên Chúa mà nó xuất hiện đồng thời với một sự khát khao nào đó về sự gần gũi của Ngài; đó là sự mù chữ theo nghĩa tinh thần mà nó rất phổ biến, đang làm cho chúng ta đánh mất đi khả năng cầu nguyện; đó là sự khó khăn trong việc cảm nhận được sự sống vĩnh cửu với tư cách là sự viên mãn của sự hiệp thông, mà sự hiệp thông ấy đã nhú mầm ngay ở đây rồi, và đơm bông kết trái sau khi chết, như là chân lý và thực tế; đó là sự vất vả trong việc nhìn nhận người khác như là những người anh chị em, theo mức độ mà những người anh chị em ấy đang là con cái của cùng một Thiên Chúa Cha; và những dấu chỉ tương tự khác. 

Tư cách làm con Thiên Chúa, tức ơn gọi nguyên thủy của chúng ta, đối lập lại với tất cả những điều đó. Chính vì mục đích ấy mà chúng ta đã được tác thành nên; đó là gen ADN nội tại nhất của chúng ta, nhưng gen đó đã bị hủy hoại, và để tái khôi phục lại gen đó, sự hy sinh của người Con Một duy nhất là điều hết sức cần thiết. Từ ân sủng vô biên của Tình Yêu, mà cái chết của Chúa Giê-su trên Thập Giá đã diễn tả, việc đổ Chúa Thánh Thần xuống như một dòng thác ân sủng vô tận, đã phát sinh cho toàn thể nhân loại. Ai tin tưởng dìm mình vào trong mầu nhiệm tái sinh này, người ấy sẽ được tái sinh để bước vào sự viên mãn của sự sống với tư cách là con Thiên Chúa.

Thầy sẽ không để anh em mồ côi!” Hôm nay, Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, những Lời của Chúa Giê-su cũng làm cho chúng ta nghĩ tới sự hiện diện từ mẫu của Mẹ Maria trong Nhà Tiệc Ly. Thân Mẫu của Chúa Giê-su đã hiện diện ở giữa Tông Đồ Đoàn khi họ đang quy tụ lại với nhau để cầu nguyện: Mẹ Maria chính là sự tưởng nhớ sống động của Chúa Con, và là lời kêu mời sống động của Chúa Thánh Thần. Mẹ là Thân Mẫu của Giáo hội. Chúng ta hãy trao phó cách đặc biệt cho Mẹ tất cả mọi Ki-tô hữu, các gia đình và các cộng đoàn, mà hơn bất cứ lúc nào hết, trong khoảnh khắc này, họ đang rất cần tới sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng bầu cử, Đấng cầu thay nguyện giúp, Đấng An Ủi, Thần Khí sự thật, tự do và hòa bình.

Thánh Phao-lô đã không ngừng lập đi lập lại rằng, Chúa Thánh Thần chính là Đấng làm cho chúng ta trở thành những kẻ thuộc về Chúa Ki-tô: “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô” (Rm 8,9). Và trong khi Chúa Thánh Thần củng cố mối tương quan của những kẻ thuộc về Chúa Ki-tô, Ngài cũng làm cho chúng ta bước vào trong sự năng động mới của tình huynh muội. Nhờ vào người anh cả của tất cả mọi người, tức Chúa Giê-su, chúng ta sẽ có thể bước vào trong mối tương quan với những người khác theo một cách thức mới, không còn phải là những kẻ mồ côi nữa, nhưng với tư cách là những người con của cùng một Thiên Chúa tốt lành và nhân hậu. Và điều đó biến đổi tất cả! Chúng ta sẽ có thể nhìn nhau như là những người anh chị em, và những khác biệt của chúng ta sẽ chỉ làm tăng thêm niềm vui cũng như làm tăng thêm sự ngỡ ngàng trước việc chúng ta cùng thuộc về một người Cha ấy, cũng như cùng thuộc về một tình huynh muội.

(Đền Thờ Thánh Phê-rô, ngày 15 tháng 05 năm 2016)

c. Bài Huấn Dụ năm 2016:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Ngày hôm nay chúng ta cử hành Đại Lễ kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đại Lễ này đã làm cho mùa Phục Sinh, tức 50 ngày kể từ ngày Chúa Ki-tô phục sinh, đạt tới được sự viên mãn. Phụng Vụ mời gọi chúng ta mở trí tuệ và con tim mình ra cho ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giê-su đã nhiều lần hứa ban cho các môn đệ của Ngài như là hồng ân được đón nhận trước tiên với sự phục sinh của Ngài, và với tư cách là một ân ban quan trọng nhất. Bài Tin Mừng hôm nay đã kéo cái nhìn của chúng ta về Nhà Tiệc Ly, nơi đó, chính Chúa Giê-su đã cầu xin ân sủng ấy từ Chúa Cha. Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em hãy giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin cùng Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em” (Ga 14,15-16).

Những lời trên nhắc nhớ chúng ta cách đặc biệt rằng, Tình Yêu đối với con người hay đối với Thiên Chúa, không chỉ được biểu lộ bằng những lời nói, nhưng còn phải được thể hiện trong hành động nữa; và ngay cả “việc tuân giữ Lề Luật” cũng phải được hiểu trong một ý nghĩa mang tính hiện sinh mà toàn bộ cuộc sống chúng ta được bao bọc trong đó. Và như vậy, việc trở thành Ki-tô hữu không có nghĩa nông cạn là thuộc về một nền văn hóa nào đó, hay đi theo một giáo thuyết nào đó, nhưng trước hết là liên kết với ngôi vị Chúa Giê-su, liên kết với cuộc sống của Ngài trong tất cả mọi khía cạnh, và nhờ Ngài, liên kết với Thiên Chúa Cha. Để đạt được mục đích đó, Chúa Giê-su đã hứa đổ Thánh Thần Xuống trên các môn đệ của Ngài. Chính nhờ vào Chúa Thánh Thần mà chúng ta có thể sống sự sống của Chúa Giê-su, cũng như sống Đức Ái mà nó được liên kết với Chúa Cha và Chúa Con, cũng như được phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con.

Trong lời hứa ban Chúa Thánh Thần của mình, Chúa Giê-su đã mô tả Chúa Thánh Thần như là “một Đấng Bảo Trợ khác” (Ga 14,16), có nghĩa là Đấng An Ủi, Đấng Bào Chữa, Đấng Cầu Thay Nguyện Giúp, và là Đấng trợ giúp chúng ta, Đấng bảo vệ chúng ta, Đấng đứng về phía chúng ta trên bước đường cuộc sống cũng như trong cuộc chiến bảo vệ sự thiện và chống lại cái ác. Chúa Giê-su nói về “một Đấng Bảo Trợ Khác”, vì Ngài là Đấng Bảo Trợ đầu tiên, chính Ngài, Đấng đã trở thành người để đón nhận nhân tính về cho chính mình, và giải phóng nó khỏi kiếp nô lệ tội lỗi.

Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn thi hành chức năng “dạy dỗ” và “làm cho nhớ lại”: Giáo huấn và nhắc nhớ. Chúa Giê-su đã nói với chúng ta rằng: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Chúa Thánh Thần không mang đến một giáo huấn khác, nhưng làm cho giáo huấn của Chúa Giê-su trở nên sống động và hữu hiệu, để giáo huấn đó không bị suy kiệt trong quá trình thời gian. Chúa Thánh Thần sẽ khắc ghi giáo huấn ấy vào trong con tim chúng ta, và giúp chúng ta tiếp thu giáo huấn đó để nó trở thành một phần trong chúng ta, cũng như trở thành máu thịt chúng ta. Đồng thời, Ngài chuẩn bị con tim chúng ta, để trong thực tế, chúng ta có khả năng đón nhận Lời và gương lành của Chúa Giê-su. Mỗi lần, khi Lời Chúa Giê-su được đón nhận vào con tim chúng ta với niềm vui, thì đó chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Giờ đây chúng ta hãy cùng đọc kinh Regina Caeli (Lạy Nữ Vương Thiên Đàng) lần cuối cùng trong năm nay. Và chúng ta hãy xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Ước chi Mẹ sẽ làm cho chúng ta đón nhận ơn được củng cố và được hồi sinh nhờ Chúa Thánh Thần, để chúng ta làm chứng cho Chúa Giê-su với sự chân thành chiếu theo Tin Mừng, và ngày càng mở tâm hồn chúng ta ra hơn nữa cho sự viên mãn của Tình Yêu Ngài.

(Quảng trường Thánh Phê-rô, ngày 15 tháng 05 năm 2016)

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist.

Comments are closed.

phone-icon