Ngày 3. tháng 7 năm 2021
Thứ sáu, sau Chúa Nhật XVII Thường Niên
I. LỜI CHÚA: Mt 13, 54-58
54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?
55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? “
57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.”58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể lại sự kiện những người cùng quê với Đức Giê-su đã kinh ngạc về sự khôn ngoan trong lời giảng dạy của Người và đã thốt lên :
Ông không phải là con bác thợ sao? (c. 55)
Một đàng, lời nói này diễn tả sự vấp ngã, nghĩa là không tin, của người Do thái cùng quê với Đức Giê-su ; nhưng đàng khác, lại vô tình cho chúng ta nhận ra rằng, mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa thật đến mức nào, đặc biệt ngang qua đời sống ẩn dật : Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa thực sự dưới mắt mọi người là « Con Bác Thợ » !
1. Nghịch lý đức tin
Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một nghịch lý lớn nhất thuộc về đức tin Ki-tô của chúng ta, nghĩa là về niềm tin nơi Đức Giê-su Nazareth, là Đấng đến từ chính Thiên Chúa[1]. Một đàng, những người nghe Đức Giê-su đều biết hết về Ngài, bởi vì họ là những người cùng quê với Ngài. Họ biết cha mẹ của Ngài, là bác thợ và bà Maria ; họ cũng biết anh em của Ngài và gọi đích danh họ : Gia-cô-bê, Gio-xếp, Simon và Giu-đa ; và họ còn biết rõ hơn nữa tất cả chị em của Ngài, bởi vì các cô là bà con lối xóm của họ. Đó chính là cái biết chắc chắn và khách quan về gốc gác nhân loại của Đức Giê-su.
Nhưng đàng khác, những người cùng quê với Đức Giê-su lại nghe nói về những gì Ngài đã làm, nhất là về những phép lạ ; và giờ đây, họ còn nghe trực tiếp Đức Giê-su giảng dạy trong hội đường, và lời giảng của Ngài làm cho họ sửng sốt :
Bởi đâu ông ta được khôn ngoan
và làm được những phép lạ như thế? (c. 54)
Và Câu hỏi lại được đặt ra một lần nữa, sau khi họ đã kể ra một cách chính xác những gì họ biết về Ngài :
Vậy bởi đâu ông ta được như thế ? (c. 56)
Như thế, nơi ngôi vị của Đức Giê-su, nơi hành động và lời nói của Ngài, có điều gì đó vượt qua cái biết khách quan thuộc bình diện lịch sử. Đức Giê-su vừa là một con người như chúng ta, vừa siêu vượt con người. Đó chính là nghịch lý của đức tin Ki-tô.
Nhưng khởi đi từ nghịch lý, mà chính họ đích thân trải nghiệm, những người cùng làng với Đức Giê-su đã không tin, tin rằng Đức Giê-su có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa, tin rằng Ngài là « Đấng Đến Từ Thiên Chúa », là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Vấn đề này cũng là vấn đề của loài người chúng ta ở mọi thời, khi đối diện với ngôi vị của Đức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, ngày nay nhờ vào các phương pháp và phương tiện rất hiệu quả, con người có được một kiến thức sâu rộng về con người Đức Giê-su trên bình diện tôn giáo, văn hóa, lịch sử, thậm chí bình diện tâm lý và tâm lý chiều sâu nữa, và họ cũng phải công nhận nơi nhân cách của Ngài có điều gì đó phi thường. Nhưng đàng khác họ cũng có cùng một lựa chọn không tin.
Dường như, người ta dấn mình vào lãnh vực kiến thức lịch sử về Đức Giê-su, người ta càng gặp khó khăn trong niềm tin : Ngài đến từ Thiên Chúa, là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình và là « Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa Thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha », như Giáo Hội tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Chắc chắn, đó cũng là khó khăn trong niềm tin của chính chúng ta ở một mức độ nào đó hay trong một giai đoạn nào đó.
2. Ơn huệ đức tin
Người ta, hoặc cả chúng ta nữa, gặp khó khăn trong đức tin, bởi vì đối tượng của đức tin, ở đây là căn tính thần linh của Đức Giê-su, không phải là điều để biết hay để thấy. Tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, là Con Người và là Con Thiên Chúa là ơn huệ Thiên Chúa ban ; và về phía chúng ta, chúng ta liều mình dấn thân và cho đi cả cuộc đời trong lựa chọn tin nơi Đức Giê-su Ki-tô. Và niềm tin của chúng ta hoàn toàn không mù quáng, bởi vì chúng ta có kinh nghiệm cảm và nếm thần tính ngọt ngào nơi lời nói, nhất là lời nói bằng dụ ngôn (x. Mt 13, 1-53), hành động và nơi ngôi vị của Đức Giê-su, chúng ta đã đón nhận những hoa trái tốt đẹp cho sự sống này của chúng ta, và nhất là niềm tin nơi Đức Giê-su làm no thỏa lòng khao khát vô biên có nơi con người chúng ta, chữa lành những « bệnh hoạn tật nguyền » có nơi tương quan của chúng ta với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Bởi vì, Chân Lý Thần Linh không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình.
Chắc chắc có những lúc chúng ta ước ao có được những ơn phúc như thế : thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, vì chúng ta thường nghĩ rằng, với những ơn phúc như thế sẽ dễ dàng tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Nhưng Lời Chúa trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại điều hoàn toàn ngược lại : những người thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, lại vấp ngã không tin, đến độ Đức Giê-su lấy làm lạ ; và vì không tin, nên Ngài không thể làm những điều lạ lùng cho họ :
Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin. (c. 57-58)
Tại sao lại như vậy ? Bởi vì điều người ta phải tin, tin Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, thì vượt xa tất những gì người ta thấy, nghe và biết. Như Đức Ki-tô phục sinh nói với thánh Tô-ma, và qua thánh nhân, Người nói với tất cả chúng ta : « Phúc thay những người không thấy mà tin » (Ga 20, 29). Tin Đức Giê-su Ki-tô là ơn phúc lớn nhất Chúa ban cho các môn đệ, cho Giáo Hội và ngang qua Giáo Hội, cho từng người chúng ta hôm nay, dù chúng ta không có những ơn phúc của những người đồng hương với Đức Giê-su.
Và chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra, mở cuộc đời của chúng ta ra, mở từng ngày sống của chúng ta ra, để đón nhận Đức Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chính khi đó, Người sẽ làm cho chúng ta cảm nếm và xác tín (không thuộc bình diện kiến thức, nhưng thuộc bình diện kinh nghiệm) căn tính thần linh của Người và Người sẽ làm cho mỗi người chúng ta, cho Gia Đình chúng ta và cho Cộng Đoàn chúng ta những điều lạ lùng.
3. Hoa trái đức tin
Hơn nữa, dưới ánh sáng của ngôi vị Đức Giê-su Ki-tô, Đấng vừa là con người và vừa là Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra chiều kích thần linh hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử và trong chính cuộc đời và ngôi vị của chúng ta. Bởi vì, vạn vật được tạo dựng bởi Ngôi Lời (x. Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời, cho Ngôi Lời và được làm cho viên mãn bởi Ngôi Lời (x. Ep 2, 3-14).
* * *
Xin cho chúng ta mỗi ngày biết nhận ra ơn phúc đức tin Chúa ban và quảng đại đón nhận và sống đức tin, để Chúa làm cho chúng ta những điều lạ lùng mỗi ngày: đó là mầu nhiệm Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ, và những điều xấu xa thuộc về ma quỉ, để làm cho chúng ta sống và sống dồi dào trong sự hiệp nhất và trong tình thương với Chúa và với nhau, với những người còn sống cũng như với những người đã qua đời hôm nay và mãi mãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Có thể đọc cuốn sách về Ki-tô học của Cha Joseph Moingt, SJ, có tựa đề L’homme qui venait de Dieu (Người Đến Từ Thiên Chúa), Paris, Cerf, 1993.