Anh em hãy cho họ ăn

0

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Khi đọc và suy niệm trích đoạn Tin Mừng hôm nay, một điều mà chúng ta cảm nhận được trong hành động sống đạo của mình, đó là, Chúa muốn chúng ta phải luôn sẵn sàng, hăng say cộng tác với Ngài trong việc thực thi và phát triển đời sống bác ái.

Nếu đọc cẩn thận toàn bộ lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ thấy thánh Mátthêu đã diễn tả một hình ảnh mà như nó rất thật và rất gần gũi với mỗi người chúng ta.

Hình ảnh ấy là một đoàn người đông đảo gồm 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ đi theo Chúa, vây quanh Chúa, nghe lời Ngài. Nhưng ngày thì đã tàn mà chiều thì đang xuống giữa nơi hoang địa vắng vẻ. Chúa cảm được điều này, và Ngài cũng biết rằng tất cả mọi người đều đã đói bụng. Các tông đồ cũng thế, do đó, các ông đã đề nghị Chúa giải tán đám đông để họ kịp tản vào các làng mạc mua đỡ thức ăn rồi còn về nhà. Đây là một tính toán rất có lý, và hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Nhưng Chúa Giêsu thì lại nghĩ khác, Ngài bảo các ông “hãy lo cho họ ăn.”

Làm sao có thể xảy ra chuyện này với chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Làm sao có thể khiến họ no bụng với những chiếc bánh và con cá này? “Đối với Thiên Chúa không sự gì mà không có thể” (Luca 1:37). Và với 5 chiếc bánh và 2 con cá ấy, các ông chỉ phải chịu khó phân phát ra là mọi người đều được no thỏa. Không những thế, còn thu được 12 thúng đầy phần còn dư lại.

Như vậy là thế nào? Trong suy nghĩ và cầu nguyện với đoạn Tin Mừng này, phải chăng chúng ta chợt nhận ra rằng, trong thực tế, Chúa cũng đã gửi đến cho mình rất nhiều người với những hoàn cảnh, những khó khăn khác nhau. Người đói khát tâm hồn, người đói khát tâm lý, và người đói khát thể lý. Ngài cũng nói với chúng ta: “Hãy cho họ ăn”.

Cho họ ăn không chỉ là cơm bánh, không chỉ là những lời nói an ủi, vỗ về mà phải hiểu như Chúa nói với các tông đồ – cho họ ăn no bụng thực sự – tức là thỏa mãn được những nhu cầu chính đáng ấy của họ. Thế nhưng cũng như các tông đồ, chúng ta nhiều lần đã “giải tán” họ, đã để họ ra về bụng đói bằng những lời an ủi qua loa như: “Tôi rất thông cảm với ông, với bà, với anh, với chị, với mọi người. Ông, bà, anh, chị, em, cháu hãy tin tưởng vào Chúa và hãy phó thác, hãy can đảm vác thánh giá theo chân Ngài. Ngài không bỏ rơi chúng ta…” Hoặc “Tôi hứa sẽ cầu nguyện nhiều cho ông, cho bà, cho anh, cho chị…” Rồi cứ nghĩ như vậy là mình đã bác ái, đã làm việc tông đồ, đã sống và thực hành lời Chúa.

Nhưng hôm nay, qua lời Chúa được Thánh Mátthêu ghi lại, có lẽ chúng ta còn phải nhận ra rằng, chúng ta chưa làm điều Chúa muốn mình làm. Ít nhất là chưa cho Ngài mượn đỡ của mình 5 chiếc bánh và 2 con cá. Tức là vẫn chưa chịu cộng tác với Chúa qua những công tác, hoạt động tông đồ, bác ái mà Ngài muốn chúng ta tham gia. Chúng ta luôn viện dẫn trời đã tối, người thì đông, mình làm sao lo cho họ ăn đầy đủ. Có nghĩa là chúng ta sợ phải hy sinh, phải vất vả, phải quên đi những gì thuộc về cái tôi của mình, những gì bảo đảm cho cuộc sống riêng tư của mình, của tương lai mình mà nó được tượng trưng bằng 5 chiếc bánh và 2 con cá.

Lời Chúa hôm nay còn cho chúng ta biết thêm một điều này: chúng ta đâu có làm được phép lạ! Chúa mới là người làm việc ấy. Ngoài ra, Chúa cũng đâu bắt mình phải đưa hết những gì mình đang có cho Ngài – như trong trường hợp các Tông Đồ cũng vậy. Đúng ra, Ngài chỉ mượn, chỉ dùng đỡ thôi. Không những thế, Ngài còn trả lại gấp bội. Điều này sẽ thức tỉnh suy nghĩ của chúng ta mỗi khi cần phải hy sinh cho tha nhân và vì Chúa. Nó nhắc nhở với chúng ta rằng: “Của cho đi thì không bao giờ mất”. Thời gian mình dành cho Chúa, một vài hy sinh vất vả; ngay cả chút khả năng mà mình để Ngài tạm dùng trong các công tác tông đồ cũng không mất. Chính Chúa đã bảo đảm với chúng ta: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:42).

Như vậy nếu hôm nay Chúa còn cho chúng ta sức khỏe, thời giờ, khả năng và hoàn cảnh để cộng tác với Ngài, chúng ta đừng viện dẫn lý do này, lý do khác để từ chối.

Comments are closed.

phone-icon