Gioan Maisan sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở miền Tây Nam nước Tây Ban Nha vào năm 1585. Mồ côi cha mẹ khi mới 4 tuổi, cậu và em gái được nuôi dưỡng bởi một người chú, người đã thuê Gioan làm công việc chăn cừu khi cậu vẫn còn là một đứa trẻ. Trong thời gian ở với bầy chiên của mình, cậu đã một lòng gắn bó với chuỗi hạt Mân Côi và sùng kính thánh bổn mạng Gioan Tông đồ cách đặc biệt. Cuộc gặp gỡ tình cờ với một tu sĩ dòng Đa Minh đã gieo một hạt giống nhỏ bé vào tư tưởng của cậu rằng một ngày nào đó cậu sẽ là một tu sĩ dòng Đa Minh trên vùng đất mới. Thấy được khả năng tiềm ẩn của chàng trai trẻ, một người nông dân giàu có mà Gioan làm thuê cho ông đã đề nghị cho anh một lối đi của người ăn xin để đến Nam Mỹ. Vì vậy, khoảng 30 tuổi, Gioan Maisan ra khơi như một người di cư nghèo khổ tìm kiếm một cuộc sống mới và tốt đẹp hơn trong Tân Thế giới.
Cuộc hành trình kéo dài nhiều tuần, đôi khi hàng tháng trên những con tàu lênh đênh sóng gió. Đối với những nhà mạo hiểm chinh phục thế giới, những doanh nhân hay những người truyền giáo, hành trình ấy đã là một vất vả, nhưng điều đó thật kinh hoàng đối với những người di cư nghèo, bị giam cầm, bị bỏ đói và nhận được mọi thứ tồi tệ nhất. Thậy vậy, trong khi họ hạ buồm an toàn, thì anh Gioan còn phải đổ bộ lên hòn đảo Granada, và sau đó phải vật lộn băng qua các vùng lãnh thổ Venezuela, Colombia và Equado, trước khi tìm được một nơi để định cư ở Lima, Pêru.
Tại đây, Gioan Maisan gặp lại các tu sĩ Đa Minh và trở thành người giúp việc và canh cửa cho tu viện như một Thầy trợ sĩ. Ước muốn lớn lao của Thầy là dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện, nhưng vì vâng lời, Thầy đã làm công việc khuân vác bận rộn cả ngày. Dù sao Thầy có nhiều cơ hội được tiếp xúc với người nghèo đến tu viện xin giúp đỡ. Mỗi ngày, Thầy cung cấp bữa ăn cho hàng trăm người nghèo khổ và vô gia cư. Cùng với người bạn đồng hành của mình là con lừa, Thầy đi ăn xin và mang thức ăn, quần áo quyên góp được về cho người nghèo. Dù nhiều lần Thầy trở về tay trắng, nhưng bằng cách nào đó, Gioan không bao giờ quay lưng lại với bất cứ ai. Từ những gì Thầy có thể thu thập được, Thầy có đủ để nuôi tất cả những ai chạy đến với Thầy.
Không chỉ có thế, Gioan thường xuyên đưa những người vô gia cư ốm yếu trên đường về phòng và đặt họ trên giường của mình. Thấy vậy, một số anh em phản đối nên Thầy bị cấm cản làm điều này. Tuy nhiên, cũng có lần Thầy tìm thấy một người đàn ông đã bị đâm trọng thương và đang hấp hối, nên đã đưa ông về phòng riêng của mình. Bị cha Bề trên khiển trách, Gioan đáp lại: ‘Thưa cha, con xin cha thứ lỗi, vì con không biết bổn phận vâng lời cao hơn bổn phận bác ái!’.
Các em thân mến,
Thánh Gioan Maisan ngày xưa đã từng theo đuổi giấc mơ của mình là đến miền đất mới Mỹ Châu. Anh nuôi dưỡng hoài bão này không phải để gia nhập vào làn sóng trai trẻ thích phiêu lưu, ồ ạt đi tìm kiếm vàng bạc hay thay đổi vận mệnh cuộc đời, nhưng anh tin rằng Chúa muốn anh sang đó để thực hiện một chương trình theo ý Chúa. Hàng ngày trông ngóng đợi chờ cơ hội đến, anh không quên cầu xin cho mình được gia tăng ơn đức tin và cảm nếm được sự an bình thẳm sâu. Quả thật, đặt chân đến bất cứ nơi nào, anh đều để lại những dấu ấn yêu thương, sự dấn thân phục vụ quên mình và lan tỏa gương chứng nhân khiêm nhường của một vị thánh.
Ngày nay, hiện trạng di dân trong quê hương chúng ta đang là một nỗi lo và trở nên phức tạp. Phần đông dân cư nông thôn di dân lên thành phố vì muốn thay đổi số phận và cuộc sống. Họ không muốn khép mình dưới những lũy tre làng với những điều kiện khắt khe về hương ước thôn xóm. Họ tìm đến đô thị, nơi có cuộc sống văn minh, hiện đại hơn với cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt hơn để học tập, lao động và phát triển… Những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn, thì tỷ lệ người trẻ di cư cao hơn, trong đó cũng gia tăng nữ giới.
Nhìn ra quốc tế, các em đã từng nghe biết bao góc khuất và thảm cảnh của các cô gái Việt làm dâu nước Đài và Trung Quốc: họ bị đối xử thậm tệ, bị đánh đuổi ra khỏi nhà và rơi vào đường dây buôn người, mua bán quốc tịch xuyên quốc gia… Họ trở thành những người phụ nữ “chông chênh” cả cuộc đời vì mắc kẹt giữa những quy định và hoàn cảnh éo le. Bên cạnh đó cũng có nhiều người Việt sẵn sàng đánh đổi mạng sống mình để được bước vào thế giới Âu Châu qua con đường buôn người. Các em đã chẳng bị rúng động về vụ 39 người Việt mất mạng trong cái xe công-tây-nơ đông lạnh vì muốn theo đuổi một ước mơ bước vào Anh quốc để tìm kiếm công việc, vận may và đồng tiền đó sao?
Là Thỉnh sinh hay Tiền Tập sinh xuất phát từ các tỉnh thành hay nông thôn, hoặc sẽ được sai đi thực tập ở những nơi khác, các em hãy noi gương thánh Gioan Maisan, nở hoa trên mọi nẻo đường các em hiện diện. Hãy là những cô dâu của Chúa Giêsu yêu thương trong việc phục vụ cộng đoàn và Giáo hội, hãy là những tu sĩ Đa Minh gắn bó với tràng chuỗi Mân Côi, hăng say học hành, lao động, phát triển bản thân và mở mang Nước Chúa.
Gioan Maisan dù ít học nhưng đã sống gương mẫu đặc sủng của dòng Đa Minh. Giống như Thánh Đa Minh, Gioan Maisan đã học được thần học cao siêu nhất bằng cách nghiên cứu “sách bác ái” chính là Thập giá. Và dẫu biết rằng Thầy cần phải đáp ứng nhu cầu vật chất của những người nghèo và vô gia cư, nhưng Thầy cũng thấy cơn đói khát tinh thần của họ còn lớn lao hơn, và Thầy đã trở thành một công cụ làm cho nhiều người được ơn biến đổi.
Chị cầu chúc các em khi chọn thánh Gioan Maisan làm vị bảo trợ, các em cũng có những thao thức cho sứ vụ phục vụ người nghèo và di dân, và tìm ra mọi cách thế để rao giảng Lời Chúa cho họ nữa.
Nữ tu Maria Đinh Thị Sáng, OP
Bề trên Tổng quyền