Lm. Phanxico Salesio Lê Văn La Vinh, OP
Khi viết Tông thư mở đầu cho Năm Đời Sống Thánh Hiến [1] (30/11/2014 – 2/2/2016), Đức Thánh cha Phanxicô có nêu lên “những mong đợi” cho Năm Đời Sống Thánh Hiến, và đó cũng là 5 điều định hướng cho những người sống đời thánh hiến hôm nay:
1. Niềm vui của người tu sĩ: Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui.
2. Chức năng ngôn sứ nơi người tu sĩ: đánh thức thế giới.
3. Người tu sĩ là chuyên viên của sự hiệp thông.
4. Tu sĩ phải biết đi đến vùng ngoại biên.
5. Tu sĩ phải làm nổi bật đặc sủng của Hội Dòng mình.
Trong 5 định hướng này, chúng ta thấy 2 định hướng đầu tiên thật là quan trọng. Nó liên quan đến căn tính và sứ vụ của người thánh hiến hôm nay.
a. Sứ vụ của niềm vui:
Thách đố đầu tiên của người tu sĩ là cần phải chứng tỏ rằng mình đang vui, đang hạnh phúc “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Và việc đi theo Chúa trong đời sống thánh hiến là con đường tràn ngập niềm vui. Đây là điều mà con người luôn khao khát. Và niềm vui của người tu sĩ có 4 đặc tính sau đây:
– Đối tượng là chính Thiên Chúa: người tu sĩ cảm nghiệm nơi bản thân và bày tỏ cho tha nhân thấy rằng “ Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim chúng ta, và làm cho chúng ta được hạnh phúc, không phải đi tìm hạnh phúc nơi đâu khác”
– Được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Đời sống thánh hiến đem lại cho tu sĩ niềm vui vì họ được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong cuộc sống của mình.
– Đời sống cộng đoàn: Con người có nhu cầu sống với người khác, nhưng đời sống chung thường có va chạm và xung đột. Vì thế người tu sĩ cần làm chứng rằng con người có khả năng đón nhận nhau trong sự khác biệt. và chứng tỏ rằng tình huynh đệ chân chính khi sống trong các cộng đoàn có khả năng nuôi dưỡng niềm vui thật sự.
– Công tác phục vụ: Việc phục vụ không chỉ giúp người khác sống hạnh phúc hơn, nhưng còn đem lại cho bản thân người tu sĩ niềm vui vì phẩm giá của họ được thăng tiến. Khi phục vụ, người tu sĩ xác định mình là dụng cụ của Thiên Chúa, nên không đặt tiêu chuẩn hiệu năng tông đồ theo kiểu người đời nhưng phó thác cho Thiên Chúa
b. Sứ vụ ngôn sứ:
Ngôn sứ là sứ vụ chính yếu của người tu sĩ. Đây là ý tưởng tâm đắc của ĐGH Phanxicô. Ngôn sứ là người giới thiệu và làm chứng cho sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói với con người thời đại. Trong Giáo hội, mọi Kitô hữu đều là ngôn sứ, chia sẻ vai trò ngôn sứ của Đức Kitô. Và người tu sĩ làm ngôn sứ theo cách thức riêng của mình. Đức Giáo hoàng nói: “Việc theo Chúa Kitô cách triệt để không dành riêng cho các tu sĩ. Nhưng các tu sĩ đi theo Chúa cách đặc biệt, đó là cách thức làm ngôn sứ. Một tu sĩ không bao giờ được khước từ tính ngôn sứ”[2]
Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa trước tiên là làm chứng về sự hiện diện của Ngài, của một Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót trong lịch sử nhân loại. Người ngôn sứ đánh thức con người ra khỏi cách suy nghĩ và nếp sống chạy theo tính ích kỷ của mình, chỉ quy về mình. Sứ điệp của người tu sĩ là nhìn nhận và đón nhận chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử, từ đó đón nhận sự khác biệt vốn làm nên phẩm giá của tha nhân. Để được như vậy, người ngôn sứ phải tìm hiểu và giải thích những biến cố lịch sử theo ý Thiên Chúa. Họ ra khỏi suy nghĩ của mình để nhận ra ý định của Thiên Chúa về lịch sử và về anh chị em của mình.
Khi làm ngôn sứ, người tu sĩ không hoàn toàn biến cộng đoàn của mình thành một ốc đảo, một kiểu xã hội tưởng tượng mơ mộng, xa rời nhu cầu và khả năng thực tế của con người. Người tu sĩ chỉ tổ chức cộng đoàn thành một nơi “người ta sống kiểu khác”. Tức là giới thiệu một lối sống khác với lối sống con người thời đại. Cộng đoàn tu sĩ làm chứng cho cuộc sống “nơi mà người ta sống cái Logic của Tin Mừng về sự trao ban, tình huynh đệ, tiếp nhận sự khác biệt, yêu thương lẫn nhau”[3]. Người tu sĩ làm chứng cho khả năng người ta có thể kiến tạo một thế giới, nơi đó mọi người không coi nhau là đối thủ, nhưng là những anh chị em[4]. Lối sống dựa trên Logic Tin Mừng là giá trị mà thế giới hiện nay đang cần.
c. Người tu sĩ sống ba lời khuyên Tin Mừng:
Ai cũng biết lối sống của người tu sĩ với ba lời khấn thì khác biệt với lối sống trong xã hội. Lối sống đó cũng có những điểm tương đồng với lối tu của các tôn giáo khác nhưng sứ điệp lại không giống nhau. Đối với tu sĩ công giáo, những gì họ từ bỏ qua ba lời khấn, hoàn toàn không phải là những điều xấu xa, ngược lại, đó là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người. Qua việc tuyên khấn, người tu sĩ muốn dâng những hy sinh của mình làm của lễ diễn tả tình yêu của mình với Thiên Chúa. Nhưng hiến lễ tốt đẹp nhất là yêu thương anh chị em của mình (Mt 5, 23-24; Ga 13, 34).
Qua việc tuyên khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, người tu sĩ muốn nêu lên một sứ điệp nền tảng cho nhân loại rằng hôn nhân và tính dục, tư hữu và quyền bính là những giá trị cần thiết cho con người. Nhưng những giá trị này là hữu hạn – không vĩnh cửu. Khi tuyên khấn ba lời khuyên Tin Mừng, người tu sĩ muốn trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người rằng trong khi sử dụng những giá trị đó, đừng tôn chúng thành tuyệt đối. Sứ điệp của người tu sĩ là kêu mời mọi người đừng vì những giá trị đó mà xúc phạm đến phẩm giá người khác, vì tình yêu mới là giá trị vĩnh cửu. Vì thế thần học đời tu coi ba lời khấn là cách thức người tu sĩ đưa những giá trị của thời cánh chung vào trần thế hôm nay, soi chiếu ánh sáng Nước Trời vào những thực tại trần gian này.
Các nhà luân lý đã khám phá ra rằng các quy định luật lệ từ xưa đến nay, từ các tôn giáo cho đến các tổ chức xã hội đều nhằm bảo vệ con người khỏi bị tấn công hoặc khỏi tấn công người khác qua ba lãnh vực liên hệ đến đời sống của họ: Một là qua thân xác, nhờ đó người ta khám phá ra các thực tại trong thế giới và tương quan với người khác; hai là qua ngôn ngữ, nhờ đó người ta có thể có những mối tiếp xúc trao đổi thông tin và bày tỏ tâm tình với nhau, ngôn ngữ diễn tả ra nhiều hình thức biểu tượng; ba là qua lao động dưới mọi hình thức, nhờ đó con người làm ra sản phẩm để trao đổi với người khác. Đây cũng chính là những quyền lợi căn bản được bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền nhìn nhận. Lãnh vực thân xác có quyền được sống an toàn, quyền kết hôn; lãnh vực ngôn ngữ có quyền tự do ngôn luận; lãnh vực lao động có quyền được làm việc và tư hữu sản phẩm lao động của mình. Đây là ba lãnh vực căn bản thể hiện phẩm giá và ngôi vị con người và là cách thức để con người duy trì sự hiện hữu của mình.
Ba lời khấn nhằm giúp người tu sĩ trở thành kẻ không tấn công người khác trong ba lãnh vực này. Lãnh vực thân xác có lời khấn khiết tịnh, lãnh vực ngôn ngữ có lời khấn vâng phục, lãnh vực lao động có lời khấn khó nghèo. Ba lời khấn đặt người tu sĩ trong tương quan với người khác và tôn trọng những phẩm giá làm nên ngôi vị của họ.
- Lời khấn khiết tịnh:
Khiết tịnh không dành riêng cho người tu sĩ, mọi người đều được mời gọi sống khiết tịnh, nghĩa là biết tôn trọng phẩm giá của chính mình và của ngôi vị khác trong lãnh vực thân xác, đặc biệt trong lãnh vực tính dục, bởi vì tính dục là bản năng gắn liền với thân xác phái tính.
Khi khấn khiết tịnh, người tu sĩ không coi thường hôn nhân, nhưng làm chứng cho mối tương quan tôn trọng phẩm giá ngôi vị, mà mẫu hình đích thực là thời cánh chung khi con người sống như các thiên thần, không dựng vợ gả chồng… Trong cái nhìn đó, lời khấn khiết tịnh không chỉ đóng khung vào một số hành vi hay tư tưởng tình cảm liên hệ đến tính dục. Lời khấn khiết tịnh đặt người tu sĩ trong thái độ tôn trọng tha nhân, bằng cách không tấn công những gì liên hệ đến thân xác của họ. Một đôi khi, có tu sĩ rất cặn kẻ trong những quy định liên hệ đến tính dục, mà lại dễ dàng xúc phạm đến sự an toàn của người khác. Như thế, lời khấn khiết tịnh được thần học đời tu nêu lên đầu tiên, vì thân xác hợp với linh hồn làm nên bản thể của con người.
Như thế, khi sống khiết tịnh, người tu sĩ làm chứng về khả năng con người có thể sống với nhau, nhìn nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác đặc biệt là phái tính, không biến người khác thành dụng cụ thỏa mãn cảm xúc của mình. Người tu sĩ cũng nêu lên một sứ điệp cảnh giác những ai sống đời hôn nhân về nguy cơ thiếu tôn trọng hoặc xúc phạm đến phẩm giá của người phối ngẫu khi không giữ sự khiết tịnh hay không trung thành với giao ước hôn nhân.
- Lời khấn vâng phục:
Ngôn ngữ là thành tố quan trọng làm nên ngôi vị, là cánh cửa biểu lộ phẩm giá ngôi vị. Cũng như thân xác, con người có thể tấn công người khác bằng ngôn ngữ của mình và tấn công vào ngôn ngữ của người khác. Lời khấn vâng phục đặt người tu sĩ trong tương quan với người khác, không sử dụng ngôn ngữ đế tấn công nhau, mà ngôn ngữ là để đối thoại.
Người ta thường nghĩ lời khấn vâng phục có 2 mục đích chính, một là dâng hy lễ lên Thiên Chúa theo gương Chúa Kitô hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha, hai là để giữ gìn trật tự trong nhà Dòng. Nhưng trong tương quan với con người, ý nghĩa lời khấn vâng phục còn là tôn trọng ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ là để nói và để nghe. Nói với anh chị em và nói với Chúa, nghe tiếng Chúa và nghe anh chị em của mình. Nếu ngôn ngữ là hồng ân Chúa ban cho con người, thì cũng trở thành tai họa khi con người lạm dụng hồng ân này… nó bị lợi dụng để tấn công người khác. Do đó, tính ngôn sứ mà người tu sĩ muốn nói ở đây là con người phải đắn đo trong ngôn ngữ, không chỉ nói theo ý thích, nhưng còn nhận định hậu quả nơi người nghe. Người tu sĩ có quyền tin rằng, những chỉ thị của Bề trên là biểu lộ ý Chúa, thể hiện qua lợi ích thực sự của cộng đoàn, chứ không che đậy một sự tấn công hay trả thù nào. Bề trên cũng có quyền tin rằng những gì tu sĩ trình bày là đúng sự thực. Hiểu được như thế ta thấy rằng lời khấn vâng phục không phải chỉ nhằm mục đích duy trì sự hài hòa và ổn định cộng đoàn. Nhưng hơn nữa, lời khấn giúp người tu sĩ gặp gỡ những ngôi vị đích thực. Chính điều này là sứ điệp mà người tu sĩ muốn nói với nhân loại. Hãy sống với nhau trong sự tôn trọng sự khác biệt, suy nghĩ và chọn lựa của người khác, bởi đó là một ngôi vị. Ngôn ngữ dưới mọi hình thức được sử dụng để thăng tiến con người, chứ không phải là vũ khí để tấn công nhau.
- Lời khấn khó nghèo:
Trong lao động, con người biểu lộ và chia sẻ phẩm giá của mình qua các sản phẩm lao động. Con người có quyền tạo ra và tư hữu sản phẩm lao động của mình như cách thức bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của mình. Họ trao đổi sản phẩm để phục vụ cuộc sống cho cộng đồng. Tấn công vào sản phẩm lao động của một người là xúc phạm đến ngôi vị của họ. Việc tấn công này có thể tiến hành qua các hình thức đánh cắp công sức lao động hay đơn giản là phủ nhận phẩm giá con người nơi những sản phẩm lao động. Đây chính là lĩnh vực của lời khấn khó nghèo.
Thường người ta vẫn hiểu khó nghèo là việc sử dụng những của cải rẻ tiền, hay dành tiền bạc tiết kiệm để giúp người nghèo… Nhưng đừng quên sứ điệp của lời khấn khó nghèo là lời nhắc nhở người ta trong khi sử dụng các sản phẩm, không được bỏ quên phẩm giá ngôi vị của người lao động nơi sản phẩm của họ. Giáo lý dạy chúng ta tôn trọng thiên nhiên, vì thiên nhiên là sản phẩm “lao động” của Thiên Chúa.
Giữ khó nghèo mà chỉ lo lắng đồ vật là đắt hay rẻ, làm thiệt hại bao nhiêu tiền… Dường như những kiều tính toán như vậy đặt người tu sĩ trong tương quan với đồ vật hơn là với ngôi vị.
Trong thực tế, người tu sĩ dễ có khuynh hướng đánh giá mức độ khó nghèo qua việc sử dụng đồ vật đơn giản, bữa ăn thanh đạm… mà quên đi phẩm giá ngôi vị của người anh chị em mình đằng sau những sản phẩm đó. Tiết kiệm là tốt nhưng đừng quên nhìn nhận phẩm giá của con người đàng sau đồ vật mình sử dụng… Có thể có những tu sĩ an tâm với tính đơn sơ khó nghèo của căn phòng mình nhưng lại chẳng cần biết tình trạng vật chất của cộng đoàn mình như thế nào!
Có những tu sĩ phải lo lắng khi chi tiêu một số tiền vào công việc, khi sử dụng dụng cụ đắt tiền, nhưng lại phí phạm một cách vô thức là tài sản vô giá là công sức của những con người trong cộng đoàn. Chúng ta xem thường, không tôn trọng đủ công sức và sự đầu tư của anh chị em mình vào việc này, việc khác. Chúng ta hờ hững, với cố gắng của họ, chúng ta chê bai… Như thế chẳng phải là lỗi khó nghèo hay sao khi chúng ta xúc phạm đến những sản phẩm của anh chị em và không nhìn nhận những nổ lực xuất phát từ ngôi vị của họ. Hơn nữa, sự thách đố về lời chứng của đức khó nghèo nơi người tu sĩ không chỉ dừng lại nơi các cơ sở to lớn, khang trang, tiện nghi của các nhà Dòng, thì thách đố về việc tôn trọng sức lao động, không bóc lột hay đánh cắp sức lao động của người khác, trả lương công bằng cũng là những chứng từ mà người tu sĩ cần thể hiện khi sống lời khấn khó nghèo.
d. Tạm kết luận:
Cùng quy tụ lại với nhau trong ngày “Đời sống thánh hiến” 2021 này, chúng ta cùng nhau nghe lại một phần “Thư gởi những người sống đời thánh hiến” của Đức thánh cha Phanxicô, và ngài đã hỏi chúng ta: “Chúng ta có còn giữ được lòng say mê đối với đồng loại, chúng ta có gần gũi những người thân cận để chia sẻ những niềm vui nỗi khổ của họ, để thấu hiểu những gì họ đang cần ngõ hầu đáp ứng những nhu cầu đó không?”[5]
Đây là một thách đố cho các anh chị em đang sống đời thánh hiến. Chúng ta làm gì để đáp ứng lòng mong đợi của con người hôm nay? Chúng ta có gì để tạo sức hút hấp dẫn để lôi kéo người khác đến với Chúa Giêsu và Giáo hội? Tình huynh đệ của chúng ta có giúp cho con người sống tình bằng hữu tốt hơn không? Giải đáp được những vấn nạn này đòi hỏi nơi tính ngôn sứ của người tu sĩ. Chúng ta đánh thức thế giới ra khỏi giấc ngủ của tính ích kỷ, của loại trừ và sự vô tâm.
Hơn nữa, khi tuyên khấn, người tu sĩ không chỉ đơn thuần là theo sát Chúa Kitô khi sống ba lời khuyên Tin Mừng trong tương quan với Chúa và với tha nhân mà qua cách sống này, người tu sĩ còn hướng bản thân và nhân loại đến thời cánh chung vốn là đích đến của Giáo hội và của mỗi người. Như thế một mặt, người tu sĩ say mê hiện tại, say mê con người; nhưng mặt khác, người tu sĩ cũng loan báo thời cánh chung sẽ đến trong tương lai. Cách cụ thể là, khi sống ba lời khuyên Tin Mừng, người tu sĩ còn cho thấy Nước trời đang có nơi đây trong một cộng đoàn của những người đang sống trước với nhau những thực tại của Nước trời.
Xin được mượn lời của Tông huấn Đời sống thánh hiến như để tóm kết và cũng để kết thúc cho những suy tư vừa được trình bày: “Đời sống thánh hiến biểu lộ phong phú những giá trị của Tin Mừng và làm sáng tỏ trọn vẹn hơn mục tiêu của Giáo hội là thánh hóa nhân loại. Đời thánh hiến loan báo và như sống trước thời mai hậu, thời mà Nước Trời đang hiện diện ở dạng mầm mống và trong mầu nhiệm, sẽ đạt mức viên mãn; thời mà con cái của sự phục sinh sẽ không lấy vợ lấy chồng nữa, nhưng sẽ nên như các thiên thần của Thiên Chúa”[6]
____________________________________
[1] Bài suy niệm này được biên soạn từ một bài viết của cha Ngô Sĩ Đình OP để phù hợp cho một buổi tĩnh tâm của các tu sĩ.
[2] Bài nói chuyện với Các Bề Trên Thượng Cấp Roma 29/11/2013
[3] Tông huấn gởi tất cả người tận hiến 21/11/2014. II.2
[4] Xc Sứ điệp ngày hòa bình thế giới 2015 – ĐGH Phanxico
[5] “Thư gởi những người sống đời thánh hiến” số 2
[6] Tông huấn Vita Consecrata số 32