Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp
I – KHAI MẠC:
Kinh Chúa Thánh Thần, Tin, Cậy, Mến, Ăn Năn Tội.
Hát: Thờ Lạy Chúa.
II – TÔN VINH THÁNH THỂ:
Lạy Giêsu Thánh Thể, mỗi ngày qua là mỗi bước chúng con đang đi gần về với Chúa. Bình minh lên nhắc nhở chúng con tiếp nhận một ngày sống trong ý thức hoàn thiện. Khi hoàng hôn xuống, lại là lời thì thầm cho chúng con hay sự vĩnh hằng sẽ đến.
Từng ngày qua, là từng bắt đầu, từng phấn đấu… Cũng biết bao lần chúng con đã thấm miệt, chán nản, và cảm thấy cô đơn. Nhưng lạy Chúa ! Chọn con đường vốn âm thầm riêng biệt của từng người, đâu phải là cô độc, là mênh mông. Mỗi người đang là khí cụ để tình yêu Chúa thanh luyện, mỗi người đang là nụ hồng yêu thương trong tay Chúa ươm trồng, cho nở bông trọn vẹn dưới nhành gai thập tự.
Cho nên chúng con còn có nhau, còn có tình yêu Thánh Thể để tựa nương. Cảm tạ Thánh Thể huyền linh. Xin hướng dẫn mỗi cuộc đời chúng con, như mỗi nhánh rẽ của dòng sông chảy xuôi theo bóng thập tự, để có thể về đến bến vĩnh hằng yêu thương.
Hát: Lắng Nghe Lời Chúa.
III – ĐỌC LỜI CHÚA: (Mt 18, 21 – 25)
IV – SUY NIỆM: (ngồi).
Sống giữa đời, con người được hưởng hai thứ mùa xuân. Mùa xuân của đất trời và mùa xuân của tâm hồn. Mùa xuân nào cũng cần sự đổi mới. Mới của mùa xuân nước trời là đâm chồi nảy lộc, còn mới của mùa xuân tâm hồn là sự tha thứ. Vâng! tha thứ làm cho mọi mối dây liên hệ đã khô héo bỗng hồi sinh. Từ đó, cuộc sống trở thành tươi mát hơn.
Trong các thứ khổ hạnh, giữa những điều đắng cay, có một thứ rất đau khổ: Đó là thiếu vắng niềm thông cảm, đó là một trái tim phải mang hận thù. Khi ta thù ghét ai, tâm hồn ta không còn phẳng lặng nữa. Khi ta bị người khác ghét, ta sống trong lo âu sợ hãi. Cả hai đều là tăm tối, cả hai đều không có bình an. Vì thế, yêu thương là con đường duy nhất tạo nên bình an, và làm cho cuộc sống hoàn thiện hơn.
Nhìn vào cách đối xử của Chúa, chẳng bao giờ Ngài nói rằng quá mệt mỏi vì tha thứ – “Phải tha thứ tới bảy mươi lần bảy” có nghĩa là tha thứ không giới hạn nếu khi cần thiết. Chính trong mỗi chúng ta cũng có hai con người : một con người hay lỗi phạm và một con người công chính. Ai cũng có khuyết điểm, không thể chối bỏ được điều đó. Vì con người được cưu mang từ trong ảnh hưởng của bao khiếm khuyết, và cuộc đời lại nối tiếp không hạn trừ những ý nghĩ bất chính, những hành động sai lạc, những yếu đuối không ngừng.
Từ chính mình, ta đã hiểu rằng mình luôn phải cần được tha thứ, cho nên chúng ta cũng phải luôn sẵn lòng tha thứ cho người khác.
Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên. Nếu có một lần nào đó ta khẳng định chối từ một lời tha thứ. Chính khi ấy, ta đã đóng chặt tâm hồn mình, ta bị thiệt thòi vì đã chối từ một tình mến mà kẻ khác muốn trao tặng. Lúc đó, ta đang chối từ sự liên kết trong cùng một thân thể Đức Kitô. Ta đã tự xây lên một bức tường cao, mà ánh nắng thông cảm chẳng thể lọt qua, và tâm hồn ta sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc của mùa xuân tha thứ.
Sống giữa đời, giữa mọi mối dây liên hệ trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ với chồng, giữa cha xứ và giáo dân, giữa những phần tử trong một cộng đoàn phục vụ, sẽ được phong phú bởi lòng tha thứ quảng đại với nhau. Những tình yêu, những mối dây liên hệ tái sinh sau khi được tha thứ, bao giờ cũng rất khác biệt, cũng rực rỡ vô cùng.
Nhìn lại sự lầm lỗi của Phêrô, nếu Chúa không tha thứ cho ông, thì sẽ không có gắn bó sâu xa như vậy, và ông đã một lòng sống chết với sứ mạng của Chúa cho đến cuối đời. Một Phaolô cũng vậy, bởi vì hận thù tôn giáo của Đức Kitô quá nhiều, nên khi được tha thứ, Phaolô đã trở nên nồng nhiệt trong sứ vụ rao truyền danh Đức Kitô cho thế giới, và còn rất nhiều trong từng trang Kinh Thánh, trước những giọt nước mắt thống hối, Chúa Giêsu chẳng còn cách nào khác, là để cho nỗi cảm xúc đó thấm vào tim mình, bằng sự tha thứ và yêu thương vô bờ.
Lạy Chúa rất giàu thương xót và nhân hậu, Chúa vẫn dạy rằng: “Phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy”. Lòng tha thứ phải đi kèm theo tình yêu thương thật sự, thì mới tạo nên sự đổi đời sâu sa.
Khi con chối từ thứ tha cho người khác là con tự bảo rằng: “Tôi không cần sự tha thứ”. Và chỉ có những ai không bao giờ sai phạm, lầm lỗi thì mới không cần được thứ tha.
Lạy Chúa, nhưng tất cả chúng con đều yếu đuối và hay vấp ngã. Nên chúng con vẫn hằng cầu xin, cho mỗi người đều có được sự cảm nghiệm chắc chắn trong lời kinh, mà Chúa đã dạy chúng con cầu nguyện hằng ngày: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”.
V – TÂM TÌNH KẾT THÚC:
Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho con người mọi tội lỗi đã phạm, do đó con người cũng phải biết tha thứ cho nhau. Tội lỗi của chúng con đối với Chúa, cũng như món nợ của tên đầy tớ đối với người chủ. Đúng ra thì chẳng có thể xoá đi được. Nhưng Thiên Chúa đã chạnh lòng thương và tha thứ, không chỉ bằng một lời phán “hết nợ”, mà còn bằng cách ban Người Con Một chịu thống khổ, chịu chết trên thập giá để thực hiện sự tha thứ này.
Đó cũng là mời gọi tất cả chúng con, không ngừng biến đổi chính con người của mình, để có thể bao dung với anh em, đối xử với tha nhân trong sự thông cảm với yếu đuối của họ, như chính Chúa đối xử với chúng con.
Kính lạy Maria Mẹ rất thánh, xưa kia dõi theo suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, và đỉnh cao là đứng dưới chân thập giá, lòng Mẹ đã bao lần hải hà tha thứ. Lời tha thứ của Chúa Giêsu trước khi chết, cũng là bài ca yêu thương tha thứ dạt dào của Mẹ. Từ khi cưu mang Chúa Giêsu, là chính Mẹ đã cưu mang ơn tha thứ, và sinh ra ơn tha thứ cho vũ hoàn rồi.
Chúng con kính nhờ lòng Mẹ nhân ái vô biên, xin chúc lành và dẫn đưa đoàn con quây quần trước nhan thánh. Được nên giống Chúa hơn, được tìm thấy nhau trong sự hoà giải chân thành, và tiến thân mỗi ngày trong ơn Chúa khoan nhân. Amen.
VII – PHÉP LÀNH:
– Này Con Là Đá.
– Đây Nhiệm Tích.
Hát kết thúc: Mẹ Thiên Chúa.