A restless heart – Tâm hồn bất an

0

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Nguồn: Theo The Word Among Us 

Tâm Hồn Bất An

Người Con bị Lạc Mất và Đã Tìm Lại Được

Đó là một câu chuyện mang tính biểu tượng, phổ biến ngay giữa những người không tin và những người theo thuyết bất khả tri. Đó là một chủ đề yêu thích đối với các họa sĩ qua hàng thế kỷ. Và ngay cả nếu chúng ta đã đọc nó hàng trăm lần, nó vẫn không bao giờ mất đi sức mạnh đánh động chúng ta. Đó là dụ ngôn nổi tiếng của Chúa Giêsu về người con hoang đàng (Lc 15,11-32).

Mùa Chay này, chúng ta muốn nhìn sâu vào dụ ngôn này để thấy những gì Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta, vừa về chính chúng ta vừa về Cha trên trời của chúng ta. Khi chúng ta suy niệm về những hành động của hai người con và người cha trong câu chuyện này, nó có thể dẫn chúng ta đến việc dò xét lại tâm hồn mình. Có những trở ngại nào đang ngăn cản chúng ta cảm nghiệm cách trọn vẹn sự bao la của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa? Có những thái độ hoặc giả thiết nào cần thay đổi để chúng ta có thể lại gần với Chúa hơn?

Bài đọc đầu tiên cho ngày thứ Tư Lễ Tro thì luôn được trích từ sách ngôn sứ Giôen: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Mùa Chay là một mùa để trở về với Chúa, vậy chúng ta hãy tận dụng thời gian đặc biệt này để suy niệm về dụ ngôn của Chúa Giêsu để chúng ta có thể làm được điều đó. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào người con thứ. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ tập trung vào người con cả. Cuối cùng, chúng ta sẽ tập trung vào người cha và cách mà các hành động của ông tỏ lộ tấm lòng của Thiên Chúa.

Một Tâm Hồn Bất An.  Chúa Giêsu kể câu chuyện này để mở tâm trí và tâm hồn của những Pharisêu và các kinh sư. Những nhà tôn giáo ưu tú này không thể hiểu tại sao Chúa Giêsu lại chọn tương tác, liên lạc với những người được biết đến là tội lỗi, như những người thu thuế và gái điếm (x. Lc 15,2). Chúa Giêsu muốn họ hiểu thấu chiều sâu lòng thương xót của Thiên Chúa cũng như niềm ước ao, mong muốn lôi kéo tất cả mọi người – không chỉ những “người công chính” – vào trong vòng tay của Người.

Dụ ngôn của Chúa Giêsu hẳn đã lập tức thu hút sự chú ý của những người nghe – và có lẽ đã làm họ giật mình – bởi vì dụ ngôn bắt đầu với việc một thanh niên hỏi xin cha mình chia tài sản thừa kế cho anh ta (x. Lc 15,12). Làm sao người con thứ này lại dám đòi hỏi cha mình như thế? Về cơ bản, anh ta đã hành động như thể cha anh ta đã chết. Đây là một người con không còn muốn cha mình ở trong cuộc đời của anh ta nữa; anh ta chỉ muốn tài sản thừa kế của mình.

Điều gì đã khiến người con thứ này trở nên bất an như thế? Tại sao anh ta không hài lòng, thỏa mãn với cuộc sống và gia đình mà cha anh ta đã cung cấp cho anh ta? Có lẽ anh ta đã mơ ước tất cả những cách mà anh ta có thế sử dụng tiền của cha mình để có được mọi thú vui mà thế gian mang lại. Không bị đòi hỏi trách nhiệm và bổn phận gì trong nhà cha mình, anh ta có thể làm bất cứ điều gì anh muốn, bất cứ khi nào anh ta lựa chọn để thực hiện. Chắc chắn điều này cuối cùng sẽ làm cho anh ta hạnh phúc!

Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy bất an. Chúng ta có thể mệt mỏi về công việc hằng ngày hoặc những gánh nặng mà chúng ta phải làm để chăm sóc những người khác. Rồi chúng ta bắt đầu cảm thấy không hài lòng và bắt đầu tìm kiếm những cách để làm giảm bớt sự bất mãn của chúng ta. Đôi khi điều đó dẫn chúng ta đến những nơi chúng ta biết là không tốt cho chúng ta và dần dà, về lâu dài, chúng chẳng thể làm cho chúng ta hạnh phúc.

Suy niệm: Tôi có thể đang trải nghiệm một tâm hồn bất an trong những cách nào? Điều gì tôi đang tìm kiếm khiến tôi nghĩ rằng tôi không thể lãnh nhận từ Cha trên trời?

Bán Quyền Làm Con để Làm Nô Lệ. Chúa Giêsu nói rằng người con thứ “trẩy đi phương xa, nơi đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15,13) Ở nhà, người này là một người con, với tất cả quyền lợi và trách nhiệm kèm theo với mối tương quan đó. Ở nơi “phương xa” này, anh đã trở thành một nô lệ cho những ham muốn của anh, anh tiêu xài hết tiền bạc vào những thứ chỉ tạm thời đáp ứng phần nào nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc của anh.

Sau khi tiền bạc của anh đã tiêu tán hết và nạn đói xảy ra, anh ta “phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo” (Lc 15,15) Bấy giờ, anh ta gần như là một tên nô lệ đúng nghĩa, anh ta quá đói đến nỗi anh “ao ước ăn” đậu muồng để cho heo ăn (Lc 15,16), Làm sao người thanh niên này đã sa đà đến thế!

Chúng ta biết rằng chúng ta là những người con của Thiên Chúa, và có những lần chúng ta quên và hành động như thể chúng ta là những nô lệ. Chúng ta thấy các trách nhiệm Kitô hữu của chúng ta như gánh nặng nào đó và làm chúng cho xong bổn phận chứ không vì tình yêu mến. Hoặc chúng ta để cho các thần tượng thay chỗ Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta và kết cục chúng ta trở thành nô lệ cho những thứ đó.

Suy niệm: Có những cách trong đó tôi đã “trẩy đi xa” không? Tôi có thể đã trở nên nô lệ cho những ham muốn hoặc những thần tượng đe dọa thay chỗ Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi như thế nào?

Hồi tâm. Người thanh niên đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Anh ta chỉ có một lựa chọn: trở về nhà. Nhưng anh ta nghĩ rằng anh đã đánh mất những quyền lợi của người con, vì qua những hành động của mình, anh đã cắt đứt với cha mình. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng người thanh niên thậm chí đã chuẩn bị lời cầu xin mà anh sẽ thưa với cha khi anh trở về: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15,18-19).

Người thanh niên này phải trải nghiệm sự nghèo khổ và đói khát mới nhận biết tội lỗi của mình; anh đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến cha mình. Bấy giờ, anh nhận biết rằng quyết định bỏ nhà đi với tiền của của cha anh để sống một cuộc sống phóng đãng của anh là một lỗi lầm nghiêm trọng. Điều đó đã làm tổn thương cho cả anh và cha anh. Nhưng bằng việc “hồi tâm” (Lc 15,17), anh ta có thể bắt đầu hành trình trở về nhà của cha anh.

Chúa Giêsu đã kể câu chuyện này để chúng ta hiểu rằng bất cứ điều gì sai trái chúng ta đã làm, bất kể chúng ta cảm thấy mình đã đi xa thế nào, thì không bao giờ quá trễ để “hồi tâm” và trở về với Người. Không bao giờ quá trễ để bắt đầu hành trình trở về nhà của Cha chúng ta.

Suy niệm: Tôi có thể đã làm tổn thương chính mình hoặc ai đó khác bằng những hành động hoặc sự ích kỷ của tôi như thế nào? Tôi có lẽ cần xin sự tha thứ từ Thiên Chúa và từ người khác như thế nào?

Mất và Tìm Thấy. Lời xin lỗi của người thanh niên vừa mới thốt ra khỏi miệng anh thì người cha đã yêu cầu tổ chức bữa tiệc. Tại sao? “Bởi vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24)

Người thanh niên đã không phải trở thành kẻ làm mướn cho cha anh – anh vẫn là người con. Đó là điều mà“áo đẹp nhất”, “xỏ nhẫn vào ngón tay” và “xỏ dép vào chân cậu” tượng trưng (Lc 15,22). Không quan trọng anh ta đã phạm tội nhiều thế nào, không quan trọng anh ta bỏ nhà đã trẩy đi xa thế nào, anh ta không bao giờ đánh mất đặc quyền làm con trong nhà của cha anh. Cho dẫu người con này đã đối xử bất công với cha như thế nào, cha anh đã không loại bỏ anh. Anh lại có thể đảm nhận vị trí của mình trong gia đình một lần nữa.

Dụ ngôn của Chúa Giêsu làm cho chúng ta an tâm. Đôi khi chúng ta có lẽ đã lạc xa Cha chúng ta, nhưng dấu ấn của Bí tích Rửa Tội không bao giờ rời bỏ chúng ta – chúng ta không đánh mất tương quan là con cái Thiên Chúa ngay cả khi chúng ta phạm tội. Người sẽ luôn phục hồi chúng ta về đúng vị trí của chúng ta trong gia đình của Người, như người cha trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, khi chúng ta hết lòng trở về với Người.

Suy niệm: Có tội nào Thiên Chúa đang yêu cầu tôi buông bỏ trong mùa Chay này? Làm như vậy sẽ kéo tôi đến gần Chúa hơn như thế nào?

Trở Về từ Phương Xa. Chúa Giêsu nói “Rồi người ta ăn mừng” (Lc 15,24). Người con thứ không cần phải quỳ xuống trước cha hay phải làm thuê nhiều năm trước khi được nhận vào gia đình trở lại. Không, cha anh hết sức vui mừng bởi vì người con này không bị mất nữa, cũng không chết; anh ta đã sống lại, đã trở lại cuộc sống.

Mùa Chay luôn luôn là một thời gian được đặt ra để chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho mùa Phục Sinh. Chúng ta có bốn mươi ngày để nhìn sâu vào tâm hồn mình để thấy nơi nào và khi nào chúng ta đã “trảy đi xa”, kiếm tìm điều gì đó có thể không bao giờ thực sự làm chúng ta hài lòng. Khi chúng ta nhận ra rằng những gì chúng ta đã ao ước chỉ có thể làm tâm hồn chúng ta chết, chúng ta có cơ hội để trở về với Cha trên trời của chúng ta.

Một cách nào đó, kinh nghiệm của chúng ta về Bí tích Hoà Giải có thể giống như trường hợp của người con thứ. Trước khi chúng ta thốt lên những lời nơi môi miệng chúng ta, Chúa Cha sẽ đón tiếp chúng ta trở lại với Người. Rồi, sau khi chúng ta ăn năn sám hối, chúng ta sẽ nghe vị linh mục nói những lời chúc lành đó: “Cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa chúng ta, chúng ta đã được sống trở lại!

Comments are closed.

phone-icon