Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (12,28b-34)
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
***
Khi đếm chi tiết tất cả các khoản luật Do Thái, người ta đếm được 613 điều răn, trong đó có 365 điều răn tiêu cực (“Ngươi chớ làm”) và 248 điều răn tích cực (“Ngươi hãy làm”). Chúng được chia thành hai loại: giới luật nhẹ và giới luật trọng. Vì thế, người Do Thái luôn đặt vấn đề ưu tiên cho câu hỏi: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”. Như mọi khi, Chúa Giêsu trả lời và qui chiếu về Kinh thánh. Người trích dẫn hai câu Kinh Thánh: câu thứ nhất mà chúng ta đã nghe trong bài đọc I (Đnl 6,4-5), đó là lời cầu nguyện hàng ngày của mọi người Do Thái sùng đạo, như là “Kinh Tin kính” của họ. Câu thứ hai trích trong sách Lêvi (19,18b), mà các nhà chức trách tôn giáo đều biết.
Đối với một tín hữu Do Thái, yêu mến Chúa là điều hiển nhiên. Còn yêu tha nhân, yêu người thân cận của mình thì phức tạp và khó hơn trong thực tế đời sống hằng ngày. Câu hỏi mà người Do Thái, và cả chính chúng ta, thường đặt ra là: Ai là người thân cận của tôi? Tất cả chúng ta đều biết câu trả lời. Nhưng hầu như chúng ta thường bị cám dỗ chọn lọc để yêu mến. Yêu người thân cận ư? Đồng ý! Tôi sẽ yêu hết mọi người trừ… anh kia, chị nọ, trừ người hàng xóm khó chịu này, trừ người đồng nghiệp quá tham vọng ấy!…
Tình yêu, tình thương là từ ngữ thường bị lạm dụng hoặc sử dụng sai, cần phải được sử dụng một cách thận trọng. Tình thương yêu không chỉ là tiếng nói của con tim mà nó còn đòi hỏi sự hiểu biết về người kia, về những gì người đó đang là và đang sống. Không có một tình yêu đích thực nào mà lại thiếu sự thấu hiểu của con tim, và tình yêu cũng đòi hỏi sức mạnh của ý chí để vượt qua những thử thách và để xây dựng một mối tương quan yêu thương đích vượt trên những cảm xúc nhất thời.
Con tim, trí khôn và ý chí là ba yếu tố không thể tách rời của tình yêu. Điều này được Chúa Giêsu diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay như một đòi hỏi : “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Nghĩa là yêu mến với tất cả trọn vẹn con người chúng ta. Và điều này không chỉ đòi hỏi trong việc yêu mến Thiên Chúa nhưng cũng cho tha nhân nữa.
Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là hai điều răn tuy khác nhau nhưng chỉ là một. Phân biệt nhưng không có nghĩa là tách rời nhau. Chúng ta thường có cảm giác rằng yêu mến Thiên Chúa thì dễ hơn là yêu thương tha nhân. Nhưng như thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Hay nói khác hơn, chúng ta không thể yêu thương tha nhân nếu chúng ta cách ly họ ra khỏi sự triển nở của họ trong Chúa; và chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta cách ly Người ra khỏi điều thân thương nhất đối với Người, đó là con người.
Trong sách Lẽ Sống có kể lại một câu chuyện có thật như sau.
Trong một ngôi làng nhỏ, tại miền Nam Trung Quốc, có một bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi. Khi biết em bị bệnh hủi, dân chúng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi em ra khỏi làng.
Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé lên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch, hòn đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.
Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “ Ðồ hủi! Ðồ hủi!”
Với những dòng nước mắt lăn tròn trên đôi má, nhưng lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ buồn tủi, em bé hỏi vị cứu tinh của mình: “Tại sao ông lại lo lắng cho con?” Nhà truyền giáo đáp lại: “Vì Ông Trời đã tạo dựng cả hai chúng ta, và cũng vì thế con sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ trở nên người anh của con”.
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi: “Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cứu mạng của ông?” Nhà truyền giáo mỉm cười đáp: “Con hãy trao tặng lại cho những kẻ khác tình yêu này càng nhiều càng tốt”.
Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương của các bệnh nhân khác trong trại cùi, đút cơm cho những người bị bệnh nặng, và nhất là em tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn 11 tuổi. Các bệnh nhân khác đã từng chung sống với em nói với nhau: “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời.”
****
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi; và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Tình yêu, đó là điều duy nhất Thiên Chúa mời gọi và đòi hỏi chúng ta phải sống, phải thi hành như là điều kiện để trở thành con cái và là môn đệ của Người. Ước gì mỗi người chúng ta cảm nhận được thật sâu nơi tâm hồn tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, nhờ đó chúng ta cũng có thể yêu thương anh chị em như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.