Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (13,1-9)
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
***
Bài Tin Mừng hôm nay có bốn yếu tố, gồm hai sự kiện lịch sử, một lời bình luận của Chúa Giêsu và một dụ ngôn. Thoạt nghe, chúng ta tưởng các yếu tố này không liên quan gì với nhau, nhưng nếu thánh sử Luca ghi lại ở đây, chắc chắn là phải có chủ ý. Dụ ngôn về cây vả có mục đích giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời bình luận của Chúa Giêsu về hai sự kiện lịch sử được kể ở đầu bài Tin Mừng.
Trước sự kiện tổng trấn Philatô giết hại những người Galilê trong đền thờ, và thảm họa mười tám người bị tháp si-lô-ác đè chết, vấn nạn về sự ác hiển nhiên được đặt ra, và ai cũng muốn có một lời giải thích, một câu trả lời thỏa đáng. Vào thời Chúa Giêsu, người ta quan niệm rằng sự xấu hay sự ác là hậu quả của tội lỗi, nên trước những thảm họa, câu hỏi được đặt ra là: “Những nạn nhân kia đã phạm tội gì để phải chịu sự trừng phạt như vậy?” Nói cách khác, họ tin vào quan niệm Thiên Chúa thưởng phạt nhãn tiền, tai họa là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên những người tội lỗi.
Biết rõ tư tưởng của họ, Chúa Giêsu trả lời: “Không phải những nạn nhân đó tội lỗi hơn các ông đâu.” Người ngụ ý nói với họ rằng: “Nếu đó là hình phạt của Thiên Chúa, thì các ông cũng đã chịu chung một số phận như thế.” Câu trả lời rất dứt khoát của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng, thứ nhất, đau khổ và tội lỗi không có mối liên hệ gì với nhau cả. Thứ hai, việc sám hối đầu tiên mà con người phải làm đó là nhận ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và loại bỏ vĩnh viễn tư tưởng Thiên Chúa phạt con người!
Dụ ngôn về cây vả chứng minh điều đó. Chúa Giêsu kể dụ ngôn cây vả để cho chúng ta thấy lòng thương xót và nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi lớn lao như thế nào. Với cái nhìn của con người, nếu một cây vả trồng đã lâu năm mà không sinh hoa kết trái, lại còn làm hại đất thì phải chặt bỏ nó đi! Nó cũng giống như cách chúng ta suy nghĩ về những người làm điều ác: “Nếu tôi là Chúa, tôi sẽ tiêu diệt tất cả những người tội lỗi!” Nhưng Chúa của chúng ta là Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa của lòng thương xót. Trong sách ngôn sứ Êdêkien, Chúa nói: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33,11), và thánh Phêrô cho chúng ta biết rằng “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9b)
Nếu Chúa Giêsu đã nặng lời với những kẻ đến kể cho Người về những người bị Philatô giết hại là Người muốn cảnh tỉnh để họ sám hối và được sống: “Nếu các ông không chịu sám hối, các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nói: “Các ông sẽ chết”, chứ Người không nói: “Chúa sẽ phạt các ông.” Điều đó nghĩa là chúng ta chính là những người quyết định cho số phận của mình. Mỗi cá nhân hay tập thể phải chịu trách nhiệm và hậu quả về những gì mình đã làm, đã gây ra.
Trong cuộc sống, chúng ta đã từng chứng kiến có những thái độ hoặc cách xử sự không đúng của một cá nhân hay tập thể nào đó dẫn tới những thảm kịch. Chính vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sám hối, thay đổi cách sống. Mỗi người tự vấn lương tâm để biết mình cần phải thay đổi điều gì, vì Chúa biết chúng ta có khả năng làm tốt hơn, trở nên người tốt hơn. Chúa trao cho chúng ta tự do và khả năng nắm giữ vận mệnh của mình. Ðó là sứ điệp của bài đọc I và bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay.
Việc Chúa gọi ông Môsê đến đất Ai Cập để giải thoát dân Israel chứng tỏ Người đi ngược lại với lối suy nghĩ thời đó. Dân trách Thiên Chúa là nguyên nhân mọi bất hạnh của họ, nhưng Chúa không nói: “Ðáng đời chúng nó… chúng nó đáng bị phạt!” Ngược lại, Người nói với Môsê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập… Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng… Bây giờ, ngươi hãy đi… Ta sẽ ở với ngươi.” (Xh 3,7-8.10.12)
Như vậy, Chúa luôn tìm mọi cách để giải thoát con người khỏi những đau khổ và bất hạnh, và mời gọi con người cộng tác với Người trong việc giải thoát anh em mình.
Lời Chúa hôm nay như một lời cảnh tỉnh chúng ta. Chúng ta được mời gọi nhìn lại chính mình và tự hỏi:
– Tôi có khả năng nhận ra những gì là chưa tốt nơitôiđể có thể hoán cải hay không?
– Tôi có tin rằngvới thời gian và ơn Chúa, người khác có thể được biến đổi nên tốt hơn không, như dụ ngôn về cây vả trong vườn nho đã nhắc nhở chúng ta?
– Tôi có chăm chú lắng nghe để nhận ra lời mời gọi cộng tác của Chúa trong việc an ủi những anh chị em đang đau khổ, và nâng đỡ họ trong cơn thử thách hay không?
Anh chị em thân mến, chúng ta đã đi được một nửa chặng đường Mùa Chay, và Lời Chúa hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta hãy sám hối. Ngay hôm nay, chúng ta cần thực hành việc sám hối bằng cách thay đổi và loại bỏ những thói quen xấu, thay đổi cái nhìn và thái độ của chúng ta. Việc hoán cải luôn phải khởi đi từ chính mỗi người, rồi sự đổi mới sẽ được lan tỏa cho gia đình, cho những người xung quanh và cho cộng đoàn chúng ta.
Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sức mạnh và lòng can đảm để thực hiện lời mời gọi hoán cải trong Mùa Chay này. Amen.