Bài chia sẻ cho giới Hiền Mẫu
Chủ đề: THÁNH HOÁ GIA ĐÌNH
Bài 1: PHẨM GIÁ VÀ ĐỊA VỊ NGƯỜI PHỤ NỮ (St 2, 18 – 24)
Đoạn kinh thánh diễn tả về việc Thiên Chúa dựng nên bà Eva – được gọi là người phụ nữ đầu tiên của nhân loại. Ở đây, con không dám đi vào phần chú giải về tính xác thực của trình thuật này cũng như những ý nghĩa Thần học của đoạn trích. Bởi vì con không phải là nhà chú giải Kinh Thánh hay là nhà Thần học, đơn giản con chỉ muốn trình bày ý nghĩa của bản văn trong cái nhìn của một giáo dân sống trong bậc gia đình, cái nhìn của một người phụ nữ, người mẹ công giáo . Trong thời gian hạn định con xin trình bày phẩm giá và địa vị của người phụ nữ được xác định trong 3 câu kinh Thánh trọng yếu :
1. Thiên Chúa phán : Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. (St2,18) – Và Thiên Chúa đã quyết định dựng nên một người nữa.
2. Đức Chúa lấy cái xương sườn rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà (St 2,22). Một người hoàn toàn khác với người nam và được gọi là người nữ.
3. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt (St 2, 24)
Không phải vì con là phụ nữ nên tự hào về mình. Nhưng qua ba câu trọng yếu trên, con xin rút ra một số ý nghĩa :
– Thứ nhất : Rõ ràng, trong đời sống gia đình, người đàn ông không thể tự mình trở nên tốt nếu không có người nữ. Và chính điều này cũng là lời cật vấn về vai trò của người vợ trong gia đình : chúng ta phải trau dồi cho mình một nhân cách thật tốt, phải phát triển những đức tính thiên phú của người nữ; để làm sao, những người sống với chúng ta mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn.
– Thứ hai : Người nữ khác với người nam không phải là để kỳ thị, mà chỉ là một sự phân biệt cần thiết để cả hai bổ sung cho nhau, vị trí, phẩm giá của người nữ không thua kém người nam. Nhưng như thế không có nghĩa là người nữ phải làm tất cả mọi việc y như người nam, song cả hai phải “vác đỡ gánh nặng cho nhau” trong chia sẻ, cộng tác để xây dựng mái ấm gia đình. Không thể nói ai có vai trò lớn hơn ai, hay phẩm giá ai cao hơn ai, những định kiến về cao – thấp chỉ có trong quan niệm của con người và xã hội chứ không phải là ý định Thiên Chúa.
– Thứ ba : với mục đích của người Kitô hữu là nên Thánh, nên một khi đã thành vợ thành chồng, cả hai sẽ nên một huyết nhục. Do đó, người này không thể nên thánh nếu không có người kia. Điều này đòi hỏi người nữ phải có trách nhiệm trong việc nên Thánh của chồng, con mình và ngược lại.
Do đó, mỗi gia đình cần thấu triệt những ý nghĩa cơ bản của Kinh Thánh trong trình thuật sáng tạo, để từ đó, có những cộng tác thiết thực trong việc hoàn thành mục tiêu của Thiên Chúa trong kế hoạch tạo dựng con người.
Bài 2: MÁI ẤM GIA ĐÌNH
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà khi nói đến gia đình, người ta gọi đó là “mái ấm”. “Ấm” có nghĩa là không nóng quá cũng không lạnh quá.
– Gia đình nóng quá là gia đình mà trong đó vợ chồng suốt ngày cãi vã, giận giữ, không tự kiềm chế đối với nhau, kiểm soát nhau chặt chẽ đến nỗi ai sống trong đó cũng thấy ngạt thở.
– Gia đình quá lạnh là gia đình trong đó ai lo việc người nấy, xong việc mình thì thôi, không quan tâm đến nhau, mỗi người có một khoảng trời riêng đến nỗi không ai biết ai đang làm gì, những nơi nào mà người kia hay đến, hay đang liên hệ với ai.
Vậy làm sao để gia đình thực sự là một mái ấm ? lý giải câu hỏi này thì cần đặt lại vấn đề hôn nhân – điểm khởi đầu để hình thành gia đình.
Tại sao con người phải kết hôn ? Hôn nhân để làm gì ?
Để yêu nhau, để làm bạn với nhau, để sống với nhau cách hợp pháp, và để được đảm bảo an toàn trong cuộc sống, để duy trì nòi giống…
Nhưng tất cả những điều đó đã bảo đảm cho hạnh phúc của đời sống hôn nhân hay chưa ?
Để tiến đến hạnh phúc đích thực, mỗi người sống trong bậc đôi bạn phải là một nhân tố tích cực và thiện chí để xây dựng hạnh phúc trước mắt, trong tầm tay của mình. Cổ nhân có nói : “đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn”, một khi là vợ chồng tất yếu phải có những điểm tương đồng.
1. NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
“Nồi nào úp vung nấy” chính là mang nghĩa này, Không phải què thì lấy què, lé thì lấy người lé, thấp thì lấy thấp mà cao thì lấy cao, sự tương đồng không hệ ở hình dáng bên ngoài mà là ở tính chất bên trong.
Có một em trai tâm sự với tôi rằng : Con quen một cô bạn gái, cô ấy quý mến con trên mức tình bạn, cô ấy khá xinh, nói năng nhẹ nhàng, cử chỉ lịch sự, có nghề nghiệp ổn định, gia đình cô ấy gia giáo, và cô ấy là một người con ngoan, trước giờ không tai tiếng gì cả.” Tôi ngắt lời : “thế thì em gặp phúc lớn rồi, đó là một cô gái hiếm có đấy” Em đáp lại : “nhưng hiềm nỗi, con chỉ quí cô ấy thôi, con thương cô ấy như em gái, chứ không như một người yêu”. Tôi lấy làm lạ : “thế người như thế nào, và tình như thế nào thì mới gọi là ý trung nhân, mới là yêu hở em ?” Em trai trả lời : “Nếu như ba mẹ con biết được cô ấy, chắn chắn ủng hộ cả hai tay và giục con cưới gấp, nhưng … thật khó giải thích được tại sao, con chỉ biết là giữa con với cô ấy không thể tiến đến hôn nhân.” Nghe vậy, tôi chợt hiểu, ngôn ngữ của tình yêu không giống những phán đoán của lý trí và rằng con người ngày nay dù thực dụng đến đâu, thì trái tim của một con người tự trọng và thận trọng luôn có tiếng nói riêng của mình.
Rõ ràng, em trai ấy chưa tìm được nhịp đập chung của hai con tim, sự gượng ép chỉ mang đến tổn hại cho người con gái dễ thương kia, điều mà một con người đoàng hoàng có giáo dục không thể làm và không được phép làm, vì đó thể hiện tính ích kỷ nên cũng là một tội ác. Có thể người sau này sẽ làm vợ em trai ấy không có nhiều ưu điểm như cô bạn gái hiện nay, nhưng giữa họ có những điểm chung, những cái “đồng” cần thiết để xây dựng hạnh phúc thực tế. Vậy, đâu là những điểm chung mà hai người cần phải có ? Xin nhường lại cho cuộc thảo luận của chúng ta lần tới.
Ở đây, tôi chỉ xin gợi ý một số điểm :
a. Quan điểm chung về cuộc sống : Hôn nhân là hai người nhìn chung về một hướng. Quả vậy, trong hôn nhân, hai người không phải là nhìn nhau mà là nhìn chung về một hướng. Chính trong một hướng ấy mà hai người xây dựng gia đình, một người quá thực tế và một người quá mơ mộng không thể nào có được hạnh phúc, và kết cục là gia đình sẽ trở nên quá nóng vì những cuộc tranh cãi hoặc quá lạnh vì mỗi ngượi bận theo đuổi khoảng trời riêng của mình.
b. Một cái nhìn chung trong cách nuôi dạy con cái : “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong cách giáo dục con sẽ là cho đứa trẻ mệt mỏi, những lời dạy bảo sẽ phản tác dụng từ đó những đứa con hoặc là sẽ nổi loạn, hoặc là không trưởng thành được.
c. Cách nhìn về các đức tính căn bản : Rất có thể hai người có quan niệm khác nhau về tôn giáo về tín nngưỡng, có khi cả về niềm tin, nhưng trong quan niệm về các đức tính nhân bản cần có sự tương đồng ở một mức độ nhất định. Bởi lẽ, với một đức tính mà người này cho là quan trọng, người kia lại cho là không cần thiết thì rất khó sống chung hay giáo dục con cái ví dụ : Sự chung thuỷ, lòng hiếu thảo, lễ giáo gia đình – đi thưa về gửi, lòng trung thực – về lời nói hay của cải, tinh thần trách nhiệm …
d. Một số vấn đề khác cần có những điểm chung trong một giới hạn nhất định như : Sở thích, đam mê, ví dụ : rượu, truyền hình (phim ảnh, bóng đá), ăn uống …
2. TÔN TRONG NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA NHAU
Hai người một nam một nữ chắc chắn là phải có những khác biệt, và chính những khác biệt sẽ là nam châm hút nhau. Nếu chúng ta chấp nhận khác biệt về phái tính trên phương diện thân xác thì việc chấp nhận những khác biệt về tâm về trí vốn là hệ quả của phái tính là điều chính đáng. Người ta thường nói : Gái dễ bị thu hút bằng tai, trong khi trai lại bị chinh phục bằng mắt, cũng cho thấy sự khác biệt giữa hai người, (vì vậy mà khi ông bảo bà là dễ tin, nên bị lừa thì bà cáu ầm lên cho rằng ông không tôn trọng mình là thế, nhưng nói gì thì thì nói cho dù thấy bằng mắt cũng vẫn bị lừa như thường, cho nên tốt nhất chớ vội kết luận hay chê trách nhau)
Người phụ nữ muốn chồng phải thay đổi, nhưng khi các ông thay đổi thì các bà lại không yêu chồng nữa. Quả vậy, không thiếu những khác biệt làm cho người vợ khó chịu, nhưng đôi khi những khó chịu ấy lại bắt nguồn từ nguyên nhân khác chứ không ở chính sự khác biệt. Cho nên, khi khó chịu vì một sự khác biệt, chúng ta phải tìm nguyên nhân. Ví dụ : khi đang còn là tình nhân, đêm đêm hẹn hò, thì sau mỗi lần gặp gỡ những vật của người kia vô tình ở trong tay ta thường làm ta vương vấn, và nâng niu như vết son trên áo, sợi tóc trên vai, chiếc khăn tay được bạn trai dùng lau mồ hôi, hay những giọt mưa trên mặt bạn gái chẳng hạn. Nhưng khi lấy nhau rồi, thì lỡ có sợi tóc rơi ra giường thì chồng gắt vợ bê bối, chiếc khăn tay của chồng mà để lẫn trên đầu giường thì càu nhàu là hôi…hay trước đây, thấy chồng galăng với người khác, mình cho là anh ấy nhân hậu, thương người, lấy nhau rồi thì lại trách “thứ ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng”
Bên cạnh những khác biệt do hệ quả của giới tính, những khác biệt có sẵn từ trước hôn nhân, thì mỗi người còn có một khoảng trời riêng giới hạn nữa. Cho nên, người vợ khéo léo là người biết tôn trọng khoảng trời riêng ấy của chồng trong một giới hạn cho phép, làm cho chồng thấy rằng mình được tôn trọng.
Thật ra, những khác biệt chính đáng sẽ làm cho đời sống gia đình thêm phong phú và đa dạng, nhiều khi đem lại những ích lợi thiết thực không ngờ. (Khi vợ là kế toán- báo PNCN)
3. MỘT SỐ PHƯƠNG THUỐC CHỮA TRỊ NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG GIA ĐÌNH
Nếu trong giai đoạn tìm hiểu, việc tìm những điểm tương đồng giữa hai người, cũng như việc cân đo đong đếm xem những khác biệt của người kia có phù hợp với tính cách của mình không thì sẽ dễ hơn nhiều, vì giai đoạn này, nếu không tìm được nhịp đập chung đối với những tương đồng và khác biệc của nhau thì giải pháp tốt nhất là chia tay.
Nếu đã thành hôn, đã sống chung thì vấn đề không đơn giản, nhất là những người theo đạo công giáo. Tại sao vậy ? ở đây chúng ta không bàn đến hôn nhân ngoài công giáo vì họ được xã hội cho phép ly dị, còn chúng ta thì không, cho nên nhiều người khi cơm không lành, canh không ngọt thì giải pháp cuối cùng là ly thân. Đàng khác, trong giai đoạn “gạo đã thành cơm” thì hình như cũng là lúc bộc phát những “cái bất thường” của từng người hay nói nôm na là “đãi tật” ra. Như thế việc giải quyết vấn đề gia đình không giản đơn, nhất là khi thiện chí chỉ có ở một phía. Tuy là người không sống trong bậc đôi bạn, tôi không thể có những kinh nghiệm thực tế, nhưng cũng muốn chia sẻ với các mẹ các chị một số liều thuốc thuộc về lý thuyết để các mẹ các chị thử đem về điều trị và sau đó cho tôi biết kết quả.
a. Liều thuốc thời gian :
Trong mọi tình huống thì thời gian là liều thuốc tốt nhất để giải quyết vấn đề, nhờ thời gian, người kia sẽ nhận ra được thiện chí của mình. Thời gian sẽ là điều kiện để người kia suy nghĩ về những hành động của mình. Xử dụng liều thuốc này như thế nào ? Dùng thời gian để hâm nóng tình yêu bằng sự ân cần, nhẹ nhàng là cái vốn khá dồi dào của người phụ nữ để kích thích người bạn đời của mình. Tạo thời gian để hai người có những giây phút sinh hoạt chung với nhau, nói chuyện với nhau, ăn chung với nhau … Liều thuốc thời gian sẽ phát huy tác dụng khi kết hợp với liều thuốc thứ hai.
b. Liều thuốc kiên nhẫn :
Mọi thứ thuốc dù tốt đến đâu cũng không thể làm dứt bệnh ngay từ lần uống đầu tiên. Đối với thứ bệnh gia đình thì nan y hơn nhiều, do vậy, kiên nhẫn là vị thuốc khá công hiệu, mà trong đó được kết hợp với dược phẩm “loại bỏ thành kiến” để giúp người chồng thấy mình vẫn được yêu thương. Từ đó, luôn dành cho chồng những cơ hội để phục thiện.
Có một gia đình ở Kiên Giang trải qua kinh nghiệm này như sau : Người chồng là gã nát rượu, tối nào có nhẹ cũng chân nam đá chân chiêu, nặng thì hàng xóm khiêng về, về nhà thì vợ bực nên cứ để chồng nguyên như thế mang cả giày đi làm, áo quần đi làm mà ngủ, thậm chí nôn oẹ trên giường cũng không thu đến nỗi chồng ngủ lăn vào đó thấy hôi thì tỉnh dậy tự thu lấy, thêm vào đó người vợ lại cau có càu nhàu, khi thì đá thúng đụng niêu, khi thì đá chó đánh mèo, khi đánh chửi cả con, báo hại những đứa trẻ phải chịu những trận đòn vô lý, chứng kiến những trận cãi vã giữa cha mẹ, gia đình chẳng khác gì một hoả diệm sơn. Ngày kia, một người bạn mới chỉ cho người vợ phải thế này, thế này … Tối ấy, khi ông xã trở về trong hơi rượu nồng nặc, người vợ ân cần đón vào nhà, lấy nước ấm chườm lên trán, thay đồ cho chồng, sáng dậy vợ pha một ly nước chanh mang đến cho chồng, người chồng rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, mà mình cũng sạch sẽ không giống những ngày trước, mà lạ sao vợ mình hôm nay dịu dàng đến thế. Lúc ấy, người vợ tiến đến tươi cười nói : “Hôm qua, em bán rau được một ít tiền, định hôm nay mua thức nhắm cho anh, anh về nhà ăn cơm nhé !” Chồng ậm ừ nhưng tối ấy vẫn về trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê y như trước. Không nản, người vợ vẫn cư xử nhẹ nhàng như không có chuyện gì xảy ra, dần dần, anh chồng nhận thấy được thiện chí của vợ, anh trở về ăn cơm nhà, lúc đầu vẫn uống rượu nhiều, nhưng về sau anh ta biết chừng mực trong đam mê của anh ta.
c. Liều thuốc lắng nghe :
Báo PNCN số 35 có bài viết của tác giả Đỗ Nguyễn tựa đề : “Khi em … bịt tai” tóm tắt như sau : Chồng vì không nghe lời bàn của vợ, bỏ ngoài tai lời bàn của cha mẹ mang vốn hùm hạp làm ăn, chẳng may mất trắng. Mỗi lần về nhà, anh ta phải đối diện với sự lạnh lùng của cha mẹ và sự im lặng của vợ. Tối đến, hy vọng rằng vợ mình sẽ nói với mình một câu, câu gì cũng được, trách móc cũng được, nhưng vô vọng vợ luôn quay vào vách, nếu anh ta gợi chuyện thì vợ bịt tai. Anh ta than thở rằng : vợ là cú đạp sau chót dồn anh đến chân tường, đẩy anh xuống vực thẳm”. Và đây là tâm sự của vợ (Báo PNCN số 38) : Vì chồng chưa nhận ra lỗi lầm của mình, dù chị đã bán căn nhà mặt tiền thu xếp để chồng khỏi bị tù, chạy sô để giữ cho kinh tế gia đình cân bằng. Chị trách chồng vì sĩ diện nên từ chối việc làm bạn bè giới thiệu (với mức lương kỹ sư thực tập). Chị nghĩ nếu không nhờ khoản tiền chị gởi ngân hàng thì chắc gia đình đang trong cảnh màn trời chiếu đất thì chắc anh sẽ là một việc gì đó chứ không rảnh rỗi để phiền trách vợ, nên qua bài này, vợ hy vọng chồng tỉnh ngộ, nhận thức đúng sai trái để khắc phục hậu quả.
Đọc những bài này, tôi trộm nghĩ, người vợ là một phụ nữ khá tuyệt vời, một dâu thảo, không phụ rẫy chồng, vì dù nếu ly dị chồng thì chị sẽ sung sướng hơn với số vốn mà chị có, nhưng chị không làm thế không nỡ để nhà chồng lâm vào cảnh bần hàn; còn anh chồng cũng không đến nỗi vô tâm lắm, anh cũng biết hối hận, cũng muốn phục thiện chỉ có điều anh còn đang bị sĩ diện ngăn trở, họ đều là người tốt, rất yêu nhau nhưng thiếu một điều : đó là lắng nghe. Từ câu chuyện trên cho thấy lắng nghe cần thiết biết bao, và như thế mỗi vấn đề phải được lắng nghe đúng và đủ từ hai phía.
d. Liều thuốc tin tưởng :
Các liều thuốc đều bổ sung và hỗ trợ nhau để lý giải mọi vấn đề gia đình, nếu lắng nghe mà không tin tưởng thì nghe cũng vô ích, kiên nhẫn mà không tin tưởng cũng không xong, có thời gian mà không tin tưởng thì cũng uổng phí. Do đó, sự tin tưởng nhau là một điều kiện không thể thiếu khi điều trị những vết thương gia đình. Tuy nhiên, tin tưởng không có nghĩa chấp nhận tất cả những gì được nghe một cách vô tội vạ, đó không phải là tin tưởng mà là mù quáng, nhưng lắng nghe chính là nghe và phân tích thấu đáo mọi điều vừa nghe, để tìm ra sự thật. Tìm ra cách để giúp gia đình vượct ra ngoài những khó khăn.
Trên đây chỉ là một số suy nghĩ rất chủ quan của tôi muốn chia sẻ với các mẹ và các chị. Thật ra, gia đình có những giây phút tuyệt vời, nhưng cũng có những lúc khó khăn, có lúc thành công nhưng cũng lắm khi thất bại, bậc sống nào thì cũng vậy thôi. Tuy nhiên, tôi chợt nhớ đến một câu nói của thánh Gióp trong Kinh Thánh rằng : “mình đón nhận những điều may lành từ tay Thiên Chúa, còn điều dữ thì mình không đón nhận sao”. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta an phận trước những khó khăn, mà biết tìm những phương thế để hạn chế những khó khăn xảy đến bằng hết khả năng mình. Phần còn lại hãy dâng cho Chúa vì chúng ta có niềm tin. Hãy chấp nhận những khuyết điểm của nhau vì tình yêu chân thành. Có một câu nói được ghi trong danh ngôn hôn nhân rằng : “Người ta tìm hiểu nhau 3 tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm, chịu đựng nhau cả đời” (Andrew de mission). Tuy nhiên, đây chỉ mới dừng lại ở việc giải quyết tạm thời những khó khăn trước mắt, để hiểu và đi sâu vào trách nhiệm của người vợ trong gia đình, thì một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là “ Người vợ có chịu trách nhiệm về những lầm lỗi của chồng hay không ? Xin hẹn các mẹ và các chị trong lần chia sẻ tháng tới. Xin cầu chúc cho các mẹ các chị có sáng kiến làm cho gia đình mình trở thành một “tổ ấm” lý tưởng để mọi thành viên trong đó đều yêu thích gia đình mình.
ĐỀ TÀI THÁNG 11:
Theo các mẹ và các chị thì trong đời sống gia đình, vợ – chồng cần có những điểm chung cụ thể nào ? và những khác biệt cụ thể nào ? đâu là giới hạn của những khác biệt có thể chấp nhận được ?
Bài 3: AI LỖI? LỖI AI?
Những bất hoà trong gia đình thường được qui chiếu vào một nguyên nhân nhất định, và cũng thường được qui kết do lỗi của một ai đó. Khi xảy ra một biến cố không hay, người này vẫn thường đổ lỗi cho người kia, người nào gây hậu quả trực tiếp là người bị “trút giận” nhiều hơn cả. Đó là chuyện thường tình. Vợ chồng nào biết gánh trách nhiệm chung, thì gia đình ấy quả là đại phúc.
Thế nhưng, chẳng lẽ những gia đình công giáo cũng đi vào qui luật thường tình ấy, cũng cư xử như những người không hề biết đến lời tuyên bố của Đức Giêsu “sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”. Khi phân tích thấu đáo ý nghĩa câu nói ấy, cũng là một cách để hiểu sâu xa ý nghĩa của Bí Tích Hôn Nhân mà các mẹ các chị đã lãnh nhận, thì sẽ biết được trách nhiệm của mình đối với lầm lỗi của người phối ngẫu như thế nào. Trong một thời lượng nhất định, tôi không có tham vọng bàn giải thấu đáo vấn đề này, chỉ xin gợi mở một số chi tiết để các mẹ các chị suy nghĩ thêm.
I. TRÁCH NHIỆM TRONG HÔN NHÂN RÚT RA TỪ KINH THÁNH
Sách Sáng Thế Ký ghi lại rằng : “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ”. Có thể nói đặc tính : “có nam có nữ” là đặc tính giống Thiên Chúa. Điều đó không có nghĩa là vì Thiên Chúa á nam á nữ nên dựng một bên là nam một bên là nữ, cả hai cộng lại chính là hình ảnh Thiên Chúa; mà các Thánh ký muốn dùng hình ảnh này để diễn tả một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Trong cuộc sống có rất nhiều loại tình cảm : tình phụ tử, mẫu tử, bằng hữu, huynh đệ, phu phụ… tình nào cũng cao quí, cũng rất đẹp. Tuy nhiên, trong các thể loại tình cảm đó thì duy có tình Phu – phụ đưa hai người kết hợp nên một thân thể, đó chính là đỉnh cao của tình yêu, nơi đó, hai người hiến thân cho nhau để nên một. Tình yêu ấy rất gần với tình yêu Thiên Chúa, Tình yêu hy hiến, hiến mạng. Đó cũng là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống trong bậc đôi bạn, chính là ân phúc được thông dự vào việc diễn tả mầu nhiệm : Một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.
Bên cạnh đó, câu nói mà ai ai cũng thuộc lòng, cũng được nghe khi tiến lên lãnh nhận bí tích hôn phối là : “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly”. “Sự gì” là những gì ? Là tất cả mọi thứ thuộc về mỗi người và cả hai người, kể cả bản thân mình. Sống trong bậc đôi bạn, không được phép phân biệt của tôi của anh, mà luôn luôn là của chúng ta. Trong đó hai người mưu tìm hạnh phúc cho nhau, chung tay xây dựng mái ấm riêng mình.
Lần trước, khi tôi đặt câu hỏi : “chúng ta kết hôn để làm gì ?” có một chị đã trả lời : Là để tìm chỗ nương tựa, Chúa ở xa không thể thấy được những sự giúp đỡ cụ thể, mà chồng chị giúp chị nhiều hơn. Đây là một lý do chính đáng có cơ sở Kinh Thánh hẳn hoi. Chúa đã chẳng nói : “con người ở một mình không tốt, Ta hãy dựng nên một người giống như nó để làm bạn với nó” và Thiên chúa đã dựng nên con người thứ hai từ chiếc xương sườn của con người đầu tiên mà không lấy bùn mà nắn như trước. Cho nên, đúng là khi thấy con người ở một mình không tốt, cần có người trợ giúp và Thiên Chúa dựng nên một người nữa. Vì thế, hôn nhân là nơi bảo đảm an toàn (tất nhiên “không tốt” mà Chúa nghĩ đến bao hàm nhiều phương diện khác). Đồng thời, việc Thiên Chúa lấy xương sườn của người kia dựng nên mà không dùng bùn đất như ban đầu chứng tỏ rằng tuy là hai người, nhưng chỉ là một thân thể, vẫn có một câu hát vui rằng : “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai” là thế.
Từ một vài cơ sở Kinh Thánh ấy, chúng ta sẽ cũng nhau điểm lại những trách nhiệm và quan niệm đúng về hôn nhân công giáo mà các mẹ các chị, những người sống trong bậc gia đình cần thể hiện.
II. AI LỖI ? LỖI AI ?
1. Hôn nhân thể hiện mục đích sáng tạo của Thiên Chúa
Thế nào là một cuộc hôn nhân hạnh phúc ?
Không thể có một câu trả lời chung cho vấn đề này, bởi mỗi người có mơ ước khác nhau, có khao khát khác nhau, có mục đích khác nhau khi bước vào đời sống gia đình nên cũng có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Vì thế, khi nào hôn nhân lấp đầy những khát vọng của mỗi người thì được gọi là cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hôn nhân Kitô giáo có mang nghĩa ấy không ? hạnh phúc của người Kitô hữu là gì ?
Là nên giống hình ảnh Thiên Chúa ! đúng vậy, Thiên Chúa dựng nên con người có một chủ đích khá rõ ràng. Như thế, cuộc hôn nhân thành công là khí cụ Thiên Chúa dùng để giúp mỗi người trở thành những người lý tưởng mang hình ảnh Thiên Chúa, trở nên những người như Chúa mong muốn. Trong đó, điều mà Chúa muốn khi lập Bí tích Hôn Phối là giúp mỗi người khám phá những đặc nét của mình trong hình ảnh Con Thiên Chúa làm Người, để mỗi người được nên Thánh. Không phải khi chết mới làm Thánh, mà ngay khi còn sống, mỗi người qua bí tích hôn phối thể hiện và làm tăng trưởng bản chất Thánh Thiện tiềm tàng trong con người chúng ta. Qua Bí Tích hôn phối, người này Thánh hoá người kia và làm cho nhau nên Thánh. Do đó, mỗi người không thể nên thánh nếu không có người kia. Cũng vậy, người này không thể sa đoạ đến hết thuốc chữa mà không có trách nhiệm của người kia. Đây không phải là điều gì mới mẻ hay thiêng liêng huyền bí gì cho lắm mà ngay kinh nghiệm dân gian cũng đã đúc kết qua câu nói: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trong một biến cố không hay, hãy tự xét mình trước rồi mới nghĩ đến trách nhiệm của người khác.
Tuy nhiên, dường như việc đổ lỗi cho người kia đã trở thành quán tính của con người nên trước một sự việc ít ai dám nhận phần lỗi về mình. Kinh Thánh đã từng cho biết kinh nghiệm ấy qua tội tổ tông. Sau khi phạm tội nguyên tổ đã không ngần ngại đổ lỗi cho nhau, đã không ngần ngại lột trần cái xấu của nhau trước mặt Thiên Chúa, lúc ấy hai người không còn thấy đây là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi nữa” mà chỉ còn thấy đó là tai họa mà Chúa “cố tình tạo ra” cho mình.
Khi sống trong bậc gia đình, hơn ai hết, các mẹ các chị có thể đã sống kinh nghiệm này. Lúc ấy, bao viễn tượng đẹp khi mới yêu nhau dường như bay biến, lời hứa hẹn trong ngày hôn ước cũng tan tành theo, trước mắt chỉ còn là nỗi bực dọc trước một ông chồng lười biếng, vô tâm, rượu chè, ham vui v.v… Những lúc ấy, không ai còn thấy người kia là hình ảnh Thiên Chúa nữa mà chỉ thấy đó là một cục nợ, một hũ chìm không hơn không kém. Dần dần, gia đình bị đẩy lùi vào những lối hành xử thông thường nhất như một gia đình không có niềm tin. Ý nghĩa cao cả của gia đình Kitô giáo bị dập tắt. Bởi lẽ, nhiệm vụ của gia đình Kitô là làm cho mỗi người ngày càng giống Thiên Chúa hơn, là một hình ảnh đích thực của Thiên chúa giữa đời thường. Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng mỗi người sẽ được thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi người kia thể hiện qua sự từ tâm, nhân hậu, thương xót và yêu thương…
2. Hôn nhân là ơn gọi sống yêu thương.
Bí tích Hôn nhân kết hợp hai người nên một, bước vào hôn nhân là bước vào một công trình xây dựng : xây dựng con người ngày nên hoàn thiện, xây dựng gia đình thành một tổ ấm.
Một công trình xây dựng bình thường cần có vật liệu và nhân công, có tay nghề, có phương pháp, có đồ án … tôi không rành lắm về việc xây dựng. Nhưng một điều chắc rằng, để hoàn thành một công trình có chất lượng đòi hỏi một nỗ lực cao và rất vất vả, tốn hao trí lực và công sức.
Trong việc xây xây dựng gia đình còn khó khăn hơn nhiều. Một ngôi nhà xây hỏng có thể xây lại, một gia đình bị xây hỏng không thể tự tình phá đi xây lại, một con người bị xây hỏng lại càng khó khăn hơn vì đó là một khốn khổ cho chính đương sự, cho người có trách nhiệm, thậm chí trở thành tai hoạ cho xã hội, với nguy cơ lớn như thế chẳng lẽ giết đi để sinh ra người khác. Do đó, bước vào đời sống gia đình đòi hỏi phải chiến đấu và hy sinh, chứ không phải là hứa hẹn hay hưởng thụ. Dù rằng, khi yêu nhau ai cũng nhận được lời hứa hẹn là hạnh phúc, cũng từ lời hứa ấy mà chúng ta chấp nhận yêu và sống chung, nhưng thực tế thì hạnh phúc lại là một quá trình nỗ lực từ hai phía. Tuy nhiên, đối người Kitô hữu thì đời sống gia đình chính là thể hiện ơn gọi yêu thương, là chấp nhận trở nên chứng nhân cho tình yêu Thiên chúa giữa mọi người qua việc yêu thương và phục vụ nhau.
Nếu không có ý nghĩa này, thì người ta sẽ rất dễ mặc cả với nhau, đòi hỏi sự có qua có lại “tôi sẽ yêu anh ấy, nếu anh ấy không rượu chè, nếu anh ấy biết yêu tôi hơn …” và với 1001 chữ nếu khác. Như thế, đâu thể nào gọi đó là tình yêu, yêu là vô vị lợi, yêu là dâng hiến và yêu là hy sinh, đó chính là tình yêu Thiên chúa. Cho nên, trong đời sống gia đình nếu còn tồn tại sự tính toán, thì đó chẳng qua là một hợp đồng đổi chác chứ không là hôn nhân Kitô giáo, yêu mà còn mặc cả thì chỉ là một dạng thức chiếm đoạt mà thôi. Một khi ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo không còn thì mỗi thành viên trong gia đình chỉ là một con số, hay là những nhân viên trong một công ty và điều tất yếu là họ sẽ tìm cách để sở hữu để hưởng thụ.
Cho nên, khuôn mẫu cho mọi tình yêu gia đình chính là tình yêu mà đức Kitô yêu hội Thánh, theo đó 2 người sẽ có được hạnh phúc đìch thực.
Trên đây chỉ là một số gợi ý để các mẹ các chị nhớ lại ý nghĩa của Bí Tích Hôn Phối mà các mẹ các chị đã được học hỏi khi bước vào đời sống gia đình. Chính trong ý nghĩa đó mà các mẹ các chị sẽ suy ra được khi ai đó có lỗi thì hiểu được thấu đáo đó là lỗi của ai. Xin chúc mọi người tìm được hạnh phúc đìch thực trong Thiên ý Thánh Thiện của Đấng là Tình Yêu.
Nt. Anna Phạm Thị Bích Hằng