Tu luật Thánh Augustinô – Phần III: Giải thích Tu luật (p.1)

0


Chương II. CẦU NGUYỆN

Trong Bản luật thánh Augustinô, việc cầu nguyện được bàn ở chương hai, sau khi đã nói về huynh đệ cộng đoàn trong Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là đời sống đi trước (sống đức tin và đức ái), rồi sau mới đến cầu nguyện. Thứ tự hệ trật này rất đúng. Một điểm quan trọng khác cần lưu ý : chương bàn về cầu nguyện ngắn nhất, bởi vì đúng ra Bản luật chỉ nói đến vài điều thực hành, chứ không phải là khảo luận thần học về cầu nguyện và cũng bỏ qua nhiều điểm quan trọng chẳng hạn việc cử hành Thánh Thể. Mặt khác nên biết rằng Bản luật cũng nhắc đến việc cầu nguyện trong nhiều đoạn khác nữa, ví dụ số 29a, 42c, 42e và 43b (cầu nguyện và tha thứ cho nhau), và số 49 (cầu nguyện và tuân giữ luật).

1. TRUNG THÀNH CU NGUYN

Số 10 : “Chị em hãy chuyên cần cầu nguyện vào những giờ và những lúc đã định”.

Nhiều giáo phụ giải thích sự “cầu nguyện liên lỉ” (x. Rm 12,12; 1 Tx 5,7) trước hết có nghĩa là giữ nhịp độ điều đặn tiếp xúc với Chúa, trung thành với “những giờ và những lúc đã định”. Cầu nguyện liên lỉ không có nghĩa là đọc kinh liên miên cho bằng cầu nguyện vào những giờ khắc đã ấn định. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh, nhưng còn là hướng lòng lên cùng Chúa, ước muốn kết hiệp với Chúa bằng lòng yêu mến. Thánh Augustinô viết cho một người bạn gái Proba về đề tài này, kể lại kinh nghiệm các đan sĩ Ai cập nuôi dưỡng lý tưởng “cầu nguyện luôn luôn”, bằng cách vừa làm việc, vừa dâng ý chỉ lên cùng Chúa. Thánh Tiến sĩ đã giải thích rất khôn ngoan làm thế nào để cả hai việc cầu nguyện và lao động có thể tan chảy trong nhau : “Trong những bận rộn của từng ngày, ước muốn của con tim phải là một lời cầu nguyện liên tục. Cầu nguyện nhiều không có nghĩa, như một vài người tưởng, là cầu nguyện nhiều lời. Lời lẽ dài dòng là một chuyện, tình yêu liên lỉ là chuyện hoàn toàn khác biệt” (Ep 130, 19). Thánh Augustinô đã dành nhiều bài giảng để nhấn mạnh đến việc nuôi dưỡng lòng ước muốn trong việc cầu nguyện : “Hãy khao khát cầu nguyện luôn luôn ngay cả khi miệng lưỡi im bặt. Nếu bạn ao ước luôn luôn, thì bạn sẽ cầu nguyện luôn luôn. Khi nào thì cầu nguyện bị ngủ quên ? Đó là khi ước muốn trở nên lạnh nhạt” (Serm 80, 7). Hoặc trong một đoạn khác : “Lời cầu nguyện của bạn chính là sự khao khát của bạn. Nếu niềm khao khát còn tiếp tục thì lời cầu nguyện của bạn cũng tiếp tục” (In Ps 37, 14). Chính trong nghĩa này mà ta hiểu được lời của thánh Phaolô : “Theo Thần Khí, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu nguyện cho toàn thể dân thánh” (Ep 6, 18). Cụ thể hơn nữa, lời cầu nguyện của chúng ta là chính cuộc sống “ở trong Chúa”; nhưng điều đó không miễn trừ việc quy định thời khắc, thời khoá biểu rõ ràng cho cầu nguyện. Như vậy hai mức độ : đời sống cầu nguyện và cầu nguyện bằng cuộc sống bổ túc cho nhau. Nhưng để trở thành lời cầu nguyện, cuộc sống phải được đức tin và tình yêu từ bên trong chiếu sáng, định hướng và linh hoạt. Cầu nguyện phải trở thành hơi thở của chúng ta.

2. NƠI CU NGUYN THÍCH HP

Số 11 : “Nhà nguyện chỉ được sử dụng vào việc xứng hợp với mục tiêu và danh nghĩa của nơi ấy. Vì thế nếu chị em nào rảnh rỗi muốn cầu nguyện ngoài giờ đã định thì không bị ngăn trở bởi người muốn dùng nơi ấy vào mục tiêu khác”.

Bản luật gọi nơi cầu nguyện là Oratorium. Đây là lần đầu tiên danh từ oratorium xuất hiện trong lịch sử Kitô giáo. Có người cho rằng ngày xưa trong nhà nguỵên, đan sĩ có thể làm việc khác ngoài cầu nguyện, vì thế mà có khoản luật này, nghĩa là đừng sử dụng nhà nguyện vào các mục tiêu khác. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng vào thời đó, các đan sĩ cầu nguyện chung với dân chúng trong nhà thờ địa phương, cho nên không cần đến một nơi dành riêng cho việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn. Ở Híppô, các tín hữu đến nhà thờ cầu nguyện vào buổi sáng và buổi chiều, nhưng ở nhà, họ cũng cầu nguyện nhiều lần trong ngày, như chính thánh Augustinô đã kể : “Mỗi ngày tôi thức dậy và đến nhà thờ. Tôi đọc thánh thi vào buổi sáng và buổi chiều tôi cũng đọc một thánh thi khác. Tôi làm giờ thứ ba và thứ tư tại nhà. Như vậy tôi thánh hoá mỗi ngày sống như của lễ ngợi khen dâng lên Thiên Chúa của tôi”[3] Như thế, khoản luật này được hiểu về việc cầu nguyện riêng. Thánh Augustinô muốn cộng đoàn dành một không gian thích hợp để tạo điều kiện thuận tiện cho những ai muốn cầu nguyện ngoài giờ đã định. Những điều kiện cần phải có là : nơi tụ họp, thời gian rảnh rỗi và sự sắp xếp cá nhân. Người ước ao trong mỗi cộng đoàn có một nhà nguyện riêng và muốn phấn khích các tu sĩ cầu nguyện ngoài giờ.

3. NGUYÊN TẮC HOÀ HỢP GIỮA CON TIM VÀ MIỆNG LƯỠI

Số 12 : “Khi chị em cầu nguyện với Thiên Chúa bằng thánh vịnh và thánh ca, thì phải suy niệm trong lòng điều mà môi miệng đọc lên”.

Khoản luật này nhấn mạnh phải có sự hoà hợp giữa miệng đọc và lòng suy khi cầu nguyện, đối lập với thái độ vụ hình thức, lặp đi lặp lại cách máy móc, không quan tâm đến nội dung của lời cầu nguyện. Khoản luật yêu cầu các đan sĩ phải loại trừ mọi cách cầu nguyện vì câu nệ, theo thói quen. Lời cầu nguyện của họ phải chân thật như sẽ được nói tới trong số 42c : “Chị em càng siêng đọc lời cầu nguyện bao nhiên thì càng phải thực hành bấy nhiêu”. Chính thánh Phaolô cũng nói như vậy : “Tôi sẽ cầu nguyện với tấm lòng nhưng cũng sẽ cầu nguyện với trí khôn nữa. Tôi sẽ ca hát với tấm lòng nhưng cũng ca hát với trí khôn nữa” (1Cr 14, 15). Nhưng Thiên Chúa cần gì đến lời cầu nguyện của chúng ta vì người biết rõ ta cần gì trước khi chúng ta xin Người (Mt 6, 8) ? Lời cầu nguyện cần thiết cho ta chứ không có ích lợi gì cho Thiên Chúa. Chức năng của lời cầu nguyện là kích thích con tim của chúng ta, thức thỉnh niềm khao khát của chúng ta chứ không phải làm cho Thiên Chúa xoay lòng đổi dạ. Ví dụ khi chúng ta đọc và nghe thánh vịnh, nó gợi lên trong ta những tình cảm chân thành, làm cho ta cảm thấy như chạm tới Chúa. Lời cầu nguyện có thể ví như những con kênh xanh xanh làm vọt lên những khát vọng của ta để vươn lên tới Thiên Chúa. Việc cầu nguyện của ta là sự chuyển động đi từ lời cầu khẩn đến sự cảm nhận. Tuy nhiên người tín hữu hôm nay dường như nhạy bén với chuyển động trái ngược với điều khoản luật đưa ra. Họ thường cầu nguyện những điều họ cảm nghiệm trước, chứ không phải cầu nguyện bằng lời kinh để từ đó cảm nhận sự hiện diện của Chúa ở trong họ. Dù sao cũng cần đến cả hai chuyển động. Cách “Cầu nguyện điều mình cảm thấy” làm cho nội dung cầu nguyện mang tính cá nhân hơn và nhập thể hơn, nhưng luôn luôn rơi vào nguy cơ chủ quan, nghĩa là giản lược cầu nguyện thành tấm gương phóng dọi cái tôi của ta, làm cho nó thêm hỗn tạp vì những tình cảm, tư tưởng và nhu cầu của ta. Còn “cảm nhận điều ta cầu nguyện” khi chúng ta tham dự giờ cầu nguyện cộng đoàn với các bài thánh ca, thánh thi sẽ giúp ta mở tung bức tường ngăn cách cõi lòng và nếm thử những tình cảm mới sâu xa hơn. Cách cầu nguyện này cũng gây nên một mối nguy là đánh mất tính cá nhân và chính mình. Trong mọi trường hợp, khi cầu nguyện bộc phát hay đọc những công thức có sẵn, điều quan trọng là phải luôn luôn chân thành, sống động và có cảm nhận.

4. BÀI HÁT TRONG CNG ĐOÀN

Số 13 : “Đừng hát ngoài những gì luật truyền phải hát. Còn những gì không buộc phải hát thì đừng hát”

Khoản luật này cũng gây cho chúng ta không ít ngạc nhiên. Thánh Augustinô nói về bài hát với nhiều dè dặt như vậy có mục đích gì ? Có lẽ những tu sĩ trẻ sẽ thích một khoản luật khác linh động và phóng khoáng hơn : hát được bao nhiêu có thể thì cứ hát. Theo một số học giả (L. Veiheijen), vào thời đó có nhiều bản dịch Thánh vịnh khác nhau, cho nên tác giả Tu luật muốn các đan sĩ trong cộng đoàn của mình chỉ hát những Thánh vịnh theo bản dịch đã được chấp nhận, chứ đừng tìm thêm hay du nhập những bài khác vào. Có ý kiến khác[4] cho rằng thánh Augustinô luôn bận tâm với các bài hát trong lúc cầu nguyện vì nhiều lý do. Trước hết, các đối thủ của người là nhóm ly giáo Đônatô luôn luôn hát và cầu nguyện một cách cuồng nhiệt ( x. Ep. 55, 18, 34), phần nào cũng giống vài phong trào đạo đức hiện nay. Một lý do nữa là có lẽ hồi ấy, các bài ca du dương thánh thót là “mốt” mang tính cách văn nghệ, không thích hợp với tinh thần khó nghèo của nếp sống tu trì, theo như câu nói được gán cho thánh Antôn, tổ phụ đời đan tu : “Ca hát không phải là của nhà tu mà là của các giáo sĩ và giáo dân”. Thực ra, điều làm cho thánh Augustinô lo ngại là âm điệu du dương của bài hát thay vì giúp cầu nguyện sẽ trở nên ngăn trở, nếu đan sĩ chỉ chú ý thưởng thức âm nhạc mà không để ý đến lời ca. Dù sao, chúng ta phải tìm ra tinh thần của khoản luật này cho đời tu hôm nay. Một trong những đề nghị căn bản là ta phải lưu ý để đừng chạy theo âm nhạc vì âm nhạc, thay vì coi nó như là phương thế giúp cầu nguyện.

Chương III. THANH ĐẠM VÀ KHỔ CHẾ

Ý tưởng chính của chương này là đời sống đạm bạc hay là sự khổ chế. Đời sống của người thánh hiến đòi hỏi một phong cách và lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh thoát và từ bỏ; đó là đời sống hoà hợp với đức khó nghèo. Đây không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện nhắm tới một cứu cánh khác quan trọng hơn, đó là theo Đức Kitô và phục vụ triều đại của Người. Khi chúng ta càng sống nghèo, chúng ta càng trở nên tự do và sẵn sàng phục vụ Tin mừng (Mt 10, 9-10). Chúng ta cần phải vượt lên trên ý tưởng cho rằng nói về khó nghèo đời tu là nói đến sự khốn khổ cơ cực. Thật không phải như thế: “cơ cực” là thiếu thốn những cái cần thiết, trong khi “khó nghèo” là vắng bóng những cái dư dật (Léon Bloy). Thánh Augustinô đã nhiều lần khẳng định : mỗi người được nhận lãnh những cái cần thiết, theo lý tưởng của cộng đoàn tín hữu tiên khởi Giêrusalem (Cv 2, 45; 4, 35). Bản luật ý thức rằng không thể quy định cho mỗi người cái gì là “cần thiết” như nhau, bởi vì chủ thể thì thay đổi theo chức năng, công việc và thời đại. Do đó bản luật cần phải được áp dụng cách linh động và khoan dung tuỳ theo khả năng thể lý và luân lý.

1. HÃM MÌNH LÀ THC HÀNH T CH

  Số 14 :”Chị em hãy chế ngự xác thịt bằng chay tịnh và kiêng ăn uống tuỳ theo sức khỏe cho phép. Ai không thể giữ chay (có bản thêm : ‘cho tới chiều tối’) thì ít là không được ăn gì ngoài bữa, trừ khi đau yếu”.

Để hiểu khoản luật này cần phải trở lại hoàn cảnh lịch sử mà Tu luật ra đời. Vào thời Augustinô, người ta thường ăn hai bữa : bữa sáng vào khoảng 10 giờ (gọi là prandium), và bữa chiều vào khoảng từ 4 đến 6 giờ (gọi là coena). Bữa ăn chiều là bữa quan trọng hơn, và ăn chay là không dùng bữa prandium. Theo một số học giả (L. Verheijen), ăn chay theo nghĩa chuyên môn là chỉ ăn một bữa chính. Trái lại, kiêng thịt là không dùng thịt, phó-mát, rượu và thậm chí, kiêng tắm… Phải nhận rằng nói chung các đan sĩ vào thời của Augustinô hãm mình rất khắt khe. Có một số người giữ chay 5 ngày trong một tuần, một số khác giữ chay tuyệt đối, nghĩa là không ăn và không uống trong 3 ngày liền. Tuy nhiên, Tu luật của thánh Augustinô quy định về ăn hay hãm mình có giọng văn mạnh mẽ nhưng không khắt khe : mạnh mẽ bởi vì khẳng định rất dứt khoát : “Chị em hãy chế ngự xác thịt bằng chay tịnh và kiêng ăn uống”; nhưng nó không khắt khe bởi vì nhà lập luật đưa ra một tiêu chuẩn khi áp dụng là phải tôn trọng sức khoẻ : “kiêng ăn uống tuỳ theo sức khoẻ cho phép”. Sức khoẻ là ơn ban của Chúa. Ta không thể hy sinh sức khoẻ để làm việc hãm mình theo ý muốn của ta, nhưng sức khoẻ được ban cho ta là để phục vụ nước Trời và anh em. Hugues de Saint Victor bình luận như sau : “Chúng ta phải dưỡng nuôi thân xác để sống phục vụ. Chúng ta phải chế ngự thân xác để nó không kiêu căng. Chúng ta phải dập tắt các nết xấu chứ không phải thân xác”[5]. Vì thế phải luôn luôn biện phân khi tuân giữ việc hãm mình hay khổ chế. Khi viết “Tiểu sử thánh Augustinô” Possidius cho biết : tại bàn ăn, Augustinô luôn tiếp thịt cho khách được mời và cho những người bệnh. Trên bàn ăn không bao giờ thiếu rượu, bát đĩa cũng khiêm tốn, hoặc bằng gỗ, bằng gốm, hoặc bằng đá hoa. Nhưng muỗm, nĩa thì chỉ bằng bạc (chương 22). Những đồ dùng đó thực sự là đạm bạc so với hoàn cảnh và địa vị của Người trong cộng đoàn đan tu lúc bấy giờ. Ngoài ra khoản Luật rất tế nhị nhìn đến khả năng và giới hạn của từng cá nhân, biết có những người không thể giữ chay vì đau yếu thể lý, vì làm việc nạng, hay đơn giản, vì không có thói quen đó. Cả trong trường hợp này, Luật yêu cầu làm được bao nhiêu có thể, tuy nhiên “ít là không được ăn gì ngoài bữa”, chỉ ăn trong bữa mà thôi. Giả như có ai đói trước hoặc sau bữa ăn thì sao ? Thánh nhân khuyên họ cố gắng chịu đựng như một thái độ hãm mình. Dù sao luật vẫn có trừ lệ cho những ai đau ốm. Họ không buộc phải giữ luật; trái lại, chịu đựng bệnh hoạn và đau yếu tự nó đã là cách hãm mình tốt rồi !

2. LƯƠNG THỰC VÀ LỜI CHÚA

Số 15 : “Trong suốt bữa ăn, chị em hãy nghe đọc sách theo như thói quen, đừng gây động đạc và cãi vã, kẻo chỉ có miệng đón nhận lương thực còn tai lại đói Lời Thiên Chúa”.

Chúng ta chỉ có thể hiểu được mệnh lệnh này nếu đặt vào khung cảnh của thời đại. Khi đó, đọc sách trong nhà ăn là thời khắc phát triển khả năng và bồi dưỡng văn hoá cao nhất; đó là cơ hội tốt để cả cộng đoàn học hỏi. Hơn nữa, không phải mọi tu sĩ đều có thể tiếp xúc với văn hoá học đường, bởi vì hồi đó có rất nhiều người mù chữ, và sách vở thì vô cùng hiếm hoi (chỉ có những bản chép tay). Vì thế ngoài những giờ quy tụ với nhau trong các buổi hội họp và Thánh lễ, các đan viện tận dụng những cuộc gặp gỡ trong giờ ăn để dạy dỗ. Đây không phải là sáng kiến của danh sư Augustinô; thói quen đọc sách trong nhà ăn đã có nguồn gốc từ các đan viện bên Đông phương (chứ không phải từ Ai cập), chẳng hạn trong Luật của thánh Basiliô (Regula brevius, n.180). Gioan Cassiano cũng có khoản này (De Institutis Coenobiorum, IV, 17). Dù sao thánh Augustinô cũng không khắt khe buộc anh em phải tuân giữ triệt để. Possidius cho biết, đan viện giáo sĩ của thánh nhân đọc sách trong khi ăn nhưng họ cũng nói chuyện nữa. Ông viết : “Tại bàn ăn họ chú ý đến bài đọc và trao đổi với nhau hơn là chú ý đến của ăn thức uống” (Vita, chương 22). Thánh Augustinô tiếp nhận khoản này với lý do gì ? Như chúng ta đã nói về bài hát, thánh Augustinô vẫn còn nghi ngại về cám dỗ giác quan. Đối với ông, đọc sách sẽ giúp cho các đan sĩ khỏi thưởng thức các món ăn ! Người còn cho rằng trong bàn ăn mà nói về vấn đề đồ ăn thức uống thì thô tục quá. Ví dụ trong bàn ăn mà anh em trao đổi với nhau : “Con cá này ở hồ nào vậy ? Rượu này đến từ đâu thế ?” thì kiến thức đó là “chuyên khoa hèn hạ” (miseranda peritia) (De quantitate animae, XIX). Đối với chúng ta ngày nay, quan niệm như vậy là thiên kiến hoặc bối rối ! Mặt khác, chúng ta có nhiều cơ hội để học hỏi ở trường lớp, trên truyền hình, radio, sách báo và các phương tiện truyền thông đại chúng khác nữa. Chuyện vãn vui vẻ trong bữa ăn, vừa để làm tăng triển tình huynh đệ cộng đoàn, vừa giúp sảng khoái và tiêu hoá sau những giờ làm việc mệt mỏi, đó không phải là điều lành mạnh và tự nhiên sao ? Tuy nhiên, nếu câu chuyện hàn huyên với nhau xoay quanh những vấn đề tầm thường và viễn vông, trong khi còn biết bao điều cao cả hơn phải làm và suy nghĩ, thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy tâm hồn chúng ta nông cạn, nếu không muốn nói là phù phiếm. Tu luật còn chú ý thêm kỷ luật trong bữa ăn : “Đừng gây động đạc và cãi vã”. Đây là một lệnh truyền rất thực tiễn. Thật vậy, người thời đó rất năng động. Họ thường phản ứng lại các bài giảng của các vị giảng thuyết, các nhà hùng biện, hộ giáo. Họ thường đặt câu hỏi và bình phẩm trong khi nghe đọc sách. Đó là lý do tại sao thánh Augustinô viết thêm khoản này. Tuy nhiên có lẽ cần phải tìm hiểu xem bên trong mệnh lệnh này có điều gì sâu sắc. Phải chăng người muốn đưa ra một hướng dẫn thiêng liêng, ao ước mỗi người lắng nghe lời Chúa với thái độ nội tâm ? Họ cần phải lắng nghe cách chăm chú, ngoan nguỳ và sẵn sàng, như thái độ của người con vâng phục. Cho dù lời vừa nghe xem ra khó hiểu và cứng cỏi, họ đừng đối kháng như thái độ của người con quậy phá (De serm. Domini in monte, I, 3, 10; 11, 32; Ep. 171A)

3. MI NGƯỜI HÃY LÀM THEO KH NĂNG CA MÌNH

Số 16 : “Nếu ai yếu ớt vì lối sống trước đây, nay được đối đãi khá hơn về ăn uống, thì người mạnh khỏe hơn đừng buồn phiền và cũng đừng cho là bất công. Cũng đừng nghĩ họ may mắn hơn vì được dùng những món mình không được dùng; nhưng hãy vui mừng vì mình có khả năng sống kham khổ hơn”.

Chúng ta đang đứng trước một khoản luật quan trọng bàn về sự đối xử không đồng đều trong đời sống cộng đoàn, mà Bản luật đã tiên liệu trong chương I. Con người không phải chỉ là những con số trên nhãn hiệu của lon coca cola. Thánh Augustinô rất tôn trọng nhân cách của mỗi người, cách riêng về sự huấn luyện và giáo dục hình thành nhân cách của họ trong quá khứ. Ông đã biết đến quyền lợi của mỗi người và tìm lại sự khác biệt giữa họ mà không rơi vào chủ nghĩa cá nhân. Nhìn vào bản văn chúng ta nhớ rằng Tu luật giả định trong cộng đoàn có sự khác biệt rõ ràng về tầng lớp xã hội mà các đan sĩ xuất thân. Ví dụ có nghị sĩ và người nô lệ sống trong cùng một cộng đoàn. Nhưng chắc chắn Tu luật không chú ý nhiều đến sự khác nhau về mặt tự nhiên như tuổi tác, tính tình, nền văn hoá… lại càng không nói đến sự khác nhau về chức vụ và công việc như : người thì làm giám mục, người khác là nhà huấn luyện, kẻ khác là quản thủ thư viện. Bản luật bận tâm đến sự khác biệt về khả năng luân lý, nghĩa là sự tiết độ, khổ chế của các đan sĩ xuất phát từ thói quen ăn uống tiêu dùng trong điều kiện xã hội trước khi đi tu. Tất nhiên phải tôn trọng sự khác biệt này, nhưng tự nó không cấu thành những vấn đề trong đời sống tu trì. Trái lại cộng đoàn sẽ nảy sinh ra vấn đề khi có sự khác biệt đối xử trong ăn uống mà không theo đòi hỏi của khó nghèo Phúc âm. Chúng ta có thể gọi đó là khác biệt về khả năng khổ chế của mỗi người. Tình cảnh của cộng đoàn chúng ta ngày ngay thì khác. Phần lớn tu sĩ xuất thân từ tầng lớp bình dân, nông thôn. Ngoài ra trong hành trình chuẩn bị bước vào đời sống tu trì thực thụ, nhiều tu sĩ trẻ được đào tạo trong nhiều lãnh vực khoa học và xã hội, tổng quát và chuyên biệt; dù có chuyên môn, chúng ta cũng chỉ thuộc tầng lớp trung bình. Vì thế nhu cầu ăn uống và tiêu dùng giữa các thành viên trong cộng đoàn hôm nay thì tương đối đồng nhất và không có sự chênh lệch đáng kể. Tóm lại, khoản luật này bận tâm đến sự phân biệt còn tồn đọng trong cộng đoàn với 3 điểm tiêu cực : – Đừng khó chịu về người khác; – Đừng cho đó là bất công; – Đừng ghen tị với chị em mình, nhưng hãy vui mừng vì mình đã không đòi hỏi những đặc ân. Như vậy vấn đề ở đây là “người khác”. Thánh Augustinô chỉ yêu cầu chị em một điều là hiểu biết và cảm thông lẫn nhau.

4. HIP THÔNG VI NHNG NGƯỜI YU ĐUI

 Số 17 : (a) Và nếu những người trước đây vốn sống sung túc, nay vào đan viện được đồ ăn áo mặc, chăn mền mà những người khoẻ, tức là may mắn hơn không được, thì những người này phải nghĩ rằng các chị em kia đã từ bỏ biết bao khi rời đời sống thế gian để vào đan viện này, dù không thể sống đạm bạc như những người khoẻ mạnh hơn. (b) Chị em đừng đòi hỏi tất cả những gì chỉ được cấp cho một vài người, không phải vì họ được tôn trọng nhưng vì phải khoan nhượng, kẻo xảy ra điều ngược đời đang tiếc là trong đan viện, những người giàu thì cố gắng hết sức, còn những người nghèo lại yêu sách đòi hỏi”.

(a) Khoản luật này triển khai khoản trước nói về việc cung cấp cho người yếu đuối những tiện nghi như đồ ăn, áo mặc, chăn mền. Ngoài ra Luật còn cho biết thêm lý do, và biện bạch tại sao có luật trừ này. Nó không tạo thuận lợi cho một cuộc sống thoải mái dung túng nhưng bày tỏ sự cảm thông và đáp ứng những nhu cầu luân lý đã phát sinh do thói quen trước đây của họ. Nhà viết Tu luật áp dụng các nguyên tắc chung cách linh động và cởi mở chứ không nệ vào nguyên tắc : giống nhau nhưng không đồng bộ, hiệp nhất nhưng trong sự khác biệt. Thật vậy, sống khó nghèo là một đòi hỏi của Tin mừng dành cho tất cả mọi người không trừ một ai, và cần phải thực hiện với tinh thần tự do. Do đó Luật chỉ đề nghị hai chỉ dẫn khôn ngoan : – Mỗi người hãy làm những gì có thể làm được. – Nhưng phải tôn trọng những giới hạn của người khác. Khoản luật cho thấy ý nghĩa cao cả của tình người : chấp nhận con người của họ với tất cả những giới hạn luân lý. Đối với người yếu đuối hơn, Tu luật yêu cầu sự thông cảm : “phải nghĩ rằng các chị em kia đã từ bỏ biết bao khi rời đời sống thế gian để vào đan viện này”, và áp dụng cách giải quyết của thánh Phaolô về việc ăn của kiêng, khi người yêu cầu các tín hữu phải bác ái đối với người yếu tin : “Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy” (Rm 14, 3). Đây là một trong những điểm của Tu luật được đánh giá rất cao; thánh Augustinô được giới học giả và các nhà lập luật cho là có tinh thần cởi mở và sẵn sàng lưu tâm đến sự yếu đuối của người khác. Bản luật của ngài chất chứa sự tế nhị, tình bao dung cao cả và đầy lòng nhân ái. Đây cũng chính là kinh nghiệm cá nhân của Augustinô[6]. Sau khi chịu phép rửa và cái chết của mẹ Monica tại Ostia, Augustinô ở lại Rôma trong vòng một năm, miệt mài nghiên cứu về “các phong tục của Giáo Hội”, cách riêng của các đan sĩ Rôma. Người cảm nhận : “Trong đan viện đó, không ai bị bó buộc phải gánh chịu những gì mà mình không thể chịu đựng được, không ai bị ép buộc làm những gì vượt quá sức mình, và cũng không có ai lên án những người đó… Chỉ có một điều duy nhất mà các đan sĩ chăm lo trên tất cả mọi sự, đó là tình yêu. Tất cả đều qui về tình yêu : của ăn, áo mặc, lời nói, cử chỉ, nét mặt. Mỗi người gắng hết sức cộng tác để xây dựng sự hiệp nhất trong tình yêu. Lỗi phạm đến tình yêu bị coi là xúc phạm đến chính Chúa. Nếu điều gì chống lại tình yêu thì lập tức bị quăng ném đi. Nếu ai xâm phạm đến tình yêu thì không thể được dung thứ dù chỉ một ngày. Tất cả mọi người đều nhận biết rằng chính Đức Kitô và các tông đồ đã yêu cầu mọi người sống yêu thương : nơi nào thiếu tình yêu, ở đó sẽ trở nên rỗng tuếch; ở đâu có tình yêu hiện diện thì tất cả được viên mãn tròn đầy” (De moribus Ecclesiae catholicae, 1, 333, 70-73). Xét về sự khác biệt trong đời sống tu trì khi thực hiện nhân cách, thánh Augustinô suy tư như một nhà thần học, ngài ứng dụng đạo lý về sự “hiệp thông giữa các thánh” : “Mỗi người trong anh em hãy làm theo khả năng của mình. Người không có khả năng thì nhờ người có khả năng hơn làm thay. Chỉ cần bạn yêu trong công việc của người khác điều mà bạn không thể làm với sức của mình. Ai làm ít hơn thì đừng cản trở người làm nhiều hơn, và người nào khoẻ hơn thì đứng ép người yếu hơn” (Ep. 130, 16, 31). Chúng ta có thể gọi đây là sự hiệp thông trong sức mạnh, ân huệ, đoàn sủng và cả công trạng. Có một tác giả vô danh vào thế kỷ IV giảng như sau : “Phải đối xử với nhau như anh em. Người cầu nguyện thì đừng xét đoán người khác không cầu nguyện vì anh đang làm việc. Ai làm việc thì đừng xét đoán người đang cầu nguyện và nói rằng : ‘đây là người làm mất thời giờ, trong khi tôi đây phải làm việc’. Ai đang làm việc thì đừng phán đoán người khác. Trái lại, mỗi người làm bất cứ việc gì thì hãy làm tất cả vì danh Chúa. Ai đang đọc sách, hãy nghĩ đến người anh em đang cầu nguyện với tình yêu mến, và nhủ rằng : ‘anh ấy cũng đang cầu nguyện thay cho tôi’. Ai đang cầu nguyện hãy nghĩ đến anh em đang làm việc : ‘Anh ấy đang làm việc vì lợi ích cho cả cộng đoàn'”. (Hom. III, 1-3; PG 34, 467-470) Sự hiệp thông trong tình yêu và đoàn sủng thể hiện rất rõ trong tư tưởng của nhà giảng thuyết Augustinô : “Đối với tôi, nếu người nào đó nói : ‘tôi thực hành Tin mừng khi tôi đi chân không’. Tôi sẽ trả lời với bạn : ‘Bạn có thể làm được điều đó, còn tôi thì không. Chúng ta hãy giữ gìn những điều chúng ta đã nhận lãnh. Nhưng bằng cách nào ? Bằng tình yêu. Chúng ta hãy yêu thương nhau, hãy đốt cháy tình yêu. Như vậy tôi yêu sức mạnh của bạn và bạn mang lấy sự yếu đuối của tôi” (Serm. 101, 7) Theo thánh nhân, trao đổi những đoàn sủng cho nhau là báo trước những điều sẽ xảy ra cách viên mãn trong triều đại cánh chung. Ở đó chỉ có tình yêu hoàn hảo, ai có cái gì riêng thì mọi người đều được hưởng chung. Cũng vậy, khi tôi yêu tôi sẽ có trong người khác những gì mà tôi không có. Sự khác nhau về vinh quang sẽ không gây ghen tị bởi vì tất cả mọi người đều được chế ngự bởi sự hiệp nhất trong tình yêu (In Jo. 67, 2). (b) Phần thứ hai của khoản luật nhắc lại hoàn cảnh đặc biệt như vừa nói ở trên và bổn phận phải khoan nhượng cho những kẻ yếu đuối, chiếu cố đến sự “yếu đuối” của một số tu sĩ có thói quen xấu. Tuy nhiên đây không phải là một đặc ân. Thật vậy khoản luật này vẫn giữ nguyên tắc chung và vẫn còn có giá trị, nghĩa là kêu gọi mỗi người cố gắng sống khó nghèo, điều độ và khổ chế. Nhưng nếu một vài người nào đó không thể tiến gần đến con đường này thì hãy nhẫn nại, hãy cảm thông và hiểu cho họ. Lại một lần nữa Tu luật ghi nhận đời sống tu trì có thể trở thành bức biếm hoạ (như đã nói trong số 7) của sự ngược đời, nghịch lại với lý tưởng tu trì : trong đó người giàu thì cố gắng sống nghèo, còn những người nghèo thì khó hài lòng với những cái hiện có. Chắc chắn người giàu phải giũ bỏ lối sống xa hoa và người nghèo phải giữ được cuộc sống thanh đạm và khổ chế. Bài học này còn có giá trị cho chúng ta ngày hôm nay nữa không ? Đối với nhiều người, đời tu có phải là phương tiện để thăng tiến xã hội hay không ? Tu luật chấp nhận một sự thăng tiến nào đó của người tu sĩ đến từ điều kiện xã hội cực kỳ khó khăn (số 18b). Nhưng sự thăng tiến này chỉ được chấp nhận khi nó phục vụ cho Nước Chúa và anh em, chứ không phục vụ cho mục đích vụ lợi bản thân hay cho sự nghiệp của riêng mình.

5. THÁNH AUGUSTINÔ BÊNH VC NGƯỜI GIÀU ?

Chúng ta không thể phủ nhận điều này : trong hai số vừa rồi (16 và 17), nhà viết tu luật thích nghi luật cách mềm dẻo khi đụng tới người giàu, nhưng lại nghiêm khắc đối với người nghèo. Tại sao ông dùng những khoản luật xem ra bảo vệ chị em con nhà giàu, và yêu cầu chị em con nhà nghèo phải chịu đựng sự yếu đuối của họ ? Tại sao ông không can đảm mời họ phải lột bỏ “con người cũ” của quá khứ và đón nhận dứt khoát nếp sống mới ? Phải chăng tại vì hồi đó rất ít người giàu vào đan viện, cho nên ông muốn bảo vệ nhóm thiểu số ? Dù thế nào đi nữa, phải nhận rằng khác với các giáo phụ cùng thời (như Ambrôsiô, Basiliô, Gioan Kim Khẩu), thánh Augustinô không tỏ ra nhạy bén đối vấn đề xã hội. Người nhìn vấn đề dưới khía cạnh thiêng liêng và tu đức, còn những chuyện “bên ngoài” như khó nghèo về kinh tế thì không được quan tâm nhiều. Sự khó nghèo vật chất tự nó không mang giá trị thần học; chỉ có chủ ý sống khó nghèo mới làm cho nó có ý nghĩa mà thôi. Cũng vậy, không chỉ có người giàu vì tiền của mà còn có người giàu vì tham lam, dù cho người ấy rất nghèo về kinh tế. Thánh Augustinô rất nhạy cả về tính xấu này. Theo người, gốc rễ của sự giàu có vật chất nằm ở trong tâm hồn của mỗi người : “Thiên Chúa không nhìn cái túi tiền mà nhìn ước vọng của họ” (In Ps 131, 26). “Nào ích lợi chi khi không có tiền mà lòng đầy tham lam ?” (In Ps 51, 14). Do đó dù là giầu hay nghèo, người tu sĩ phải diệt trừ tận gốc tính tham lam, tức là sự giàu có tinh thần theo lời dạy của Đức Giêsu đã từng nói : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12, 15). Chúng ta nghĩ thế nào ? Chắc chắn ngày hôm nay chúng ta rất nhạy bén với vấn đề cái nghèo vật chất. Chúng ta sẽ không thoả mãn với chủ trương chỉ dừng lại trên cái nghèo tinh thần : cứ có nhiều của cải đi, miễn là tâm hồn ta không bị dính bén là được ! Chúng ta phải làm cho Tu luật thêm phong phú với linh đạo có tính nhập thế hơn, một linh đạo không chỉ nhìn thấy sự nghèo khó Phúc âm theo chiều kích nội tâm nhưng còn phải liên kết bất khả phân ly với cái nghèo bên ngoài nữa.

6. GƯƠNG SNG KH CH CA THÁNH AUGUSTINÔ

Thánh Augustinô thực sự đã sống đời thanh đạm, khó nghèo và giản dị như người đã dạy dỗ và rao giảng. Lý tưởng sống khó nghèo có 3 nguyên tắc chính : – Để mọi sự làm của chung : loại trừ mọi hình thức tư hữu; – Phân phát theo nhu cầu : loại trừ cảnh cơ cực lầm than; – Sống đạm bạc tuỳ theo khả năng của mỗi người : loại trừ sự tích luỹ của cải. Thánh nhân đã từng bước nêu gương sống trong cả ba nguyên tắc trên. 1) Để mọi sự làm của chung là điểm quan trọng hơn cả. Ngay sau khi hoán cải, Augustinô đã bán một số mẫu đất và lấy tiền cho người nghèo (Ep. 126, 7). Đó là gia sản mà thân phụ đã để lại làm cơ nghiệp, nhưng người thú nhận nó chẳng đáng giá bao nhiêu : “Tôi không phải là một người giàu, cả các tông đồ cũng từng là những người nghèo … Tuy nhiên, ai từ bỏ thế gian, người đó không chỉ từ bỏ những cái mình có mà còn từ bỏ cả những cái mình muốn có” (Ep 157, 4, 39). Rồi sau đó người sống như một thầy tu và để mọi sự mình có làm của chung. Người tiếp nhận các giáo sĩ vào cộng đoàn đan viện, họ là “những người nghèo giống như mình nhưng biết phó thác vào lòng thương xót của Chúa” (Serm 355, 6). Trong cộng đoàn đan viện giáo sĩ của người có một linh mục tên là Januarius, trước khi chết làm tờ di chúc để lại tiền bạc của mình cho Giáo hội, thánh Augustinô bị sốc mạnh mẽ vì cảm thấy đó là gương mù rất nặng. Người liền tụ họp dân chúng vào nhà thờ và tuyên bố rằng đan sĩ đó không thể làm chúc thư, bởi vì ông không được phép sở hữu gì hết ! Rồi người tự thú : “Này anh em, việc này gây cho tôi đau khổ biết là chừng nào! Vì nỗi đau khổ này, tôi đã quyết định không nhận phần gia tài này cho Giáo hội” (Serm. 355,3). Tác giả cuốn tiểu sử về thánh Augustinô cho ta biết rằng : “Người không làm chúc thư, bởi vì là người nghèo của Thiên Chúa, người không có tiền của” (Possidius, Vita, 31, 6). Người qua đời mà không có gì để lại, thật đúng như lúc còn sống. 2) Thánh nhân đã sống trong đan viện, và cộng đoàn có bổn phận phải đáp ứng quyền lợi của mỗi cá nhân tu sĩ, nghĩa là quyền được nhận những cái thiết yếu. 3) Người không phải là người hoang phí nhưng rất quân bình trong việc sử dụng đồ dùng. Lối sống của người rất khiêm tốn và giản dị. Những chi tiết về cuộc sống thanh đạm của người sẽ được bàn khi nói về việc sự dụng của cải (chương V).

7. CHÚ Ý ĐẾN NHỮNG NGƯỜI ĐAU YẾU

Số 18 : “Bởi vì khi đau yếu thì phải ăn uống ít kẻo bệnh ra nặng. Cho nên khi dưỡng bệnh, các chị em cần được chăm sóc làm sao để sớm bình phục cho dù họ xuất thân từ địa vị cùng cực. Thật vậy cơn bệnh đã gây ra sự yếu ớt cũng như nếp sống phong lưu của những người giàu trước đây. Nhưng khi đã bình phục, họ hãy trở lại mức sống bình thường là điều quý hơn, bởi vì càng bớt ưu sách bao nhiêu thì càng xứng hợp với tôi tớ Chúa bấy nhiêu. Khi đã mạnh lại thì đừng tiếp tục nếp sống dễ dàng như khi còn đau yếu. Họ hãy nghĩ rằng ai càng khoẻ mạnh chịu đựng kham khổ thì càng giàu có hơn, bởi vì thà thiếu thốn chút ít còn hơn dư thừa “.

Tu luật xem xét trường hợp của người đau yếu bằng một sự chăm sóc ân cần tối đa, chú ý đến nhu cầu của họ chứ không đếm xỉa điều kiện xã hội của họ trước kia. Giám mục Augustinô định liệu khoản luật này cho các đan sĩ đau bệnh về thể lý, theo lời chỉ dẫn của khoa y học cổ xưa, chẳng hạn các thầy thuốc nổi tiếng thời cổ như Soranô Êphêxô và Celiô Aurelianô. “Bởi vì khi đau yếu thì phải ăn uống ít kẻo bệnh ra nặng”. Thật vậy, họ thường bắt đầu chữa bệnh bằng cách bắt kiêng ăn hoàn toàn trong hai hoặc ba ngày. Theo nhận xét của G. Bardy, dường như thánh Augustinô thích nghiên cứu y học, vì thế đã sử dụng nhiều từ ngữ y khoa trong bản Tu luật (xem số 18, 26, 27c, 34, 35, 42g). Bản luật đòi buộc chị em không được phân biệt đối xử khi tu sĩ đang cần phục hồi sức khoẻ, dù trước đây họ là người rất nghèo. “Cho nên khi dưỡng bệnh, các chị em cần được chăm sóc làm sao để sớm bình phục cho dù họ xuất thân từ địa vị cùng cực”. Họ được hưởng quyền lợi và sự thoải mái như những người giàu mà thánh nhân đã bênh vực (số 16 và 17). Người bảo đảm cho mỗi người tất cả những nhu cầu cuộc sống như đồ ăn, sức khoẻ, áo mặc…, cách vô điều kiện, theo tinh thần của sách Công vụ : “Mỗi người nhận theo nhu cầu của mình” (Cv 2, 45; 3, 35). Sau khi đã bình phục, người nhắc nhớ chị em hãy trở lại nhịp sống đều đặn của cộng đoàn, và cảnh giác cám dỗ của chị em muốn được săn sóc đặc biệt như khi còn đau bệnh. Tại sao thánh Augustinô lại chú ý đến điểm này ? Đối với chúng ta, trở về nếp sống bình thường sau khi đau yếu là chuyện đương nhiên, nhưng đặt vào bối cảnh mà Tu luật ra đời, có nhiều đan sĩ đau ốm xuất thân từ tình cảnh cực khổ, và rồi trong thời gian chữa trị và hồi phục họ được đối đãi “như người giàu”, cho nên mới xảy ra chuyện là họ muốn tiếp tục duy trì hoàn cảnh tiện nghi hơn, đang khi đời sống thường nhật luôn đòi hỏi nhiều sự hy sinh hãm mình. Vì thế thánh Augustinô dạy rằng lý tưởng tu trì là một cuộc sống giảm thiểu nhu cầu : Hãy nghĩ rằng ai càng khoẻ mạnh chịu đựng kham khổ thì càng giàu có hơn, bởi vì thà thiếu thốn chút ít còn hơn dư thừa”. Nơi khác, nhân dịp mùa chay, người khuyên tất cả mọi người tín hữu hãy “bắt chước chế độ sống của những người nghèo” (Serm. 210, 9, 11) Tóm lại, khoản luật này muốn bài trừ tận gốc sự thu tích “tài sản bất lương” (Lc 16, 9. 11), nghĩa là lòng tham lam vô đáy, lòng ham muốn tích luỹ cho mình. Hơn thế nữa, thánh Augustinô không quan tâm đến việc người tu sĩ hiện “có” bao nhiêu tài sản, cho bằng “lòng” ham muốn đến đâu : tình cảnh một người tuy ít tiền nhưng lòng tham không đáy thì còn nguy hiểm hơn kẻ có tiền nhưng không để cho tiền tài chiếm đoạt mình.

1 2 3

Comments are closed.

phone-icon