Tu luật Thánh Augustinô – Phần III: Giải thích Tu luật (p.1)

0

Chương IV : GÌN GIỮ KHIẾT TỊNH và SỬA LỖI HUYNH ĐỆ

Mục 1 : GÌN GIỮ KHIẾT TỊNH

1. MỘT CẢM TƯỞNG TIÊU CỰC

Chúng ta đã đến một điểm rất tế nhị và khó khăn của Bản luật. Khó khăn không phải do bản chất của vấn nạn mà do cung cách trình bày vấn đề. Thật vậy, khi đọc toàn bộ chương IV, chúng ta có cảm giác lạ lẫm và nặng nề, những ấn tượng ấy vẫn còn đọng lại trong tâm hồn của nhiều tu sĩ khi tiếp xúc với bản văn. Sau đây là lời phát biểu của một tu sĩ nam sau khi đọc Bản luật viết cho nam giới. Cảm tưởng của tu sĩ trẻ này rất chân thành và đồng thời cũng rất thông minh. “Điều gây nên ấn tượng cho tôi ngay từ đầu là cách đi vào đề rất đột ngột : ‘Đôi mắt của anh em khi thấy phụ nữ, đừng chằm chằm nhìn vào một người nào’ (số 22a). Rồi sau đó cả chương xoay đi trở lại vấn đề khiết tịnh, nói nhiều về nguy hiểm đàn bà cho đến khi chán ngấy. Giọng điệu trình bày khiết tịnh nhìn chung không được trong sáng và vui vẻ lắm. Đâu là lý tưởng Phúc Âm của độc thân vì nước Trời ? Đâu là nét đẹp và lý do thần học, huyền bí hướng thượng đẩy tới con đường khiết tịnh của đời thánh hiến ? Tôi đã hoài công tìm kiếm mà không thấy. Trái lại, tôi cảm thấy một bầu khí đóng kín, căng thẳng và hầu như bệnh hoạn. Khiết tịnh xuất hiện như một sự ám ảnh, một cơn ác mộng. Đó là những cảm giác thách thức con người ngày hôm nay, đặc biệt là những người trẻ khi đọc chương này. Và người phụ nữ thì sao ? Người nữ không xuất hiện như một người phải được tôn trọng, nhưng là cái gì đó rất nguy hiểm. Không thể phủ nhận là Bản luật đã không dạy chúng ta tương quan với phụ nữ cách thanh thản và trưởng thành, nhưng chỉ thấy nàng là cơn cám dỗ hiểm nguy cần phải xa tránh. Khuynh hướng giới tính không được đối diện cách bình an và tự tin mà được trình bày như sự nghiêng chiều lao vào vực thẳm. Khi đối chiếu Tu luật thánh Augustin với các Bản luật khác, cảm tưởng này được củng cố và xác thực hơn, chứ không phải là thứ cảm giác mơ hồ, ảo ảnh. Luật của thánh Biển Đức rất cao cả và thanh đạm gồm 72 chương, nhưng chỉ dành một chương cho đề tài này, giới hạn vào hai hay ba khuyên nhủ gián tiếp rải rác trong Bản luật (IV, 4. 6; VII, 23-25), và chỉ có một mệnh lệnh vắn gọn, trực tiếp : “Anh em hãy yêu mến đức khiết tịnh” (IV, 64). Bản luật của dòng Cát-minh còn ít hơn nữa, chỉ có một chú thích “với Khiết tịnh” (xem chương I). Thánh Phanxicô cũng chỉ dành khoảng 5, 7 hàng cho đức Khiết tịnh (xem chương XI), còn Tu luật thánh Augustinô thì để ra hầu như 1/4 bản văn cho vấn đề này. Cũng thế, phần thứ hai của chương IV nói về việc sửa lỗi cho nhau cũng gây ra khá nhiều dị ứng : nó tạo ra một bầu khí nghi ngờ, tò mò để ý tới đời tư của người khác, rồi tố cáo lỗi lầm của họ, khi thì vạch mặt người anh em giữa cộng đoàn lúc lại trừng phạt và thậm chí trục xuất họ ra khỏi dòng. Tất cả những điều này gây cảm giác ngột ngạt. Vì thế chẳng khó gì hình dung những tâm trạng bối rối lo âu về việc lỗi đức khiết tịnh do đọc bản Tu luật này.”[7]. Do đó bước đầu tiên của chúng ta là đánh tan những cảm tưởng tiêu cực, rồi sau đó giải thích và bình luận những điểm tích cực. Trước hết nên biết rằng, bản văn không hề dùng từ ngữ “khiết tịnh”, cũng không có từ “độc thân” hay là “tiết dục”, mà chỉ tập trung vào kỷ luật trong cái nhìn. Phần đông các nhà chuyên môn hiện đại nghiên cứu Tu luật, ví dụ Lucas Verheijen, nhận ra rất chính xác rằng Bản luật cho thấy sự thay đổi giọng văn khi bước sang vấn đề đang bàn[8]. Theo ông, vào lúc biên soạn Tu luật (397), tác giả chưa có cái nhìn thấu suốt về đức khiết tịnh. Những quan niệm vẫn còn nghèo nàn và thậm chí lệch lạc. Thật vậy, người chưa thoát ra khỏi ý tưởng của người đương thời coi giới tính là đồ hèn hạ, và “quan hệ tính dục” là dơ bẩn, xấu xa, kinh tởm, như đã viết trong tác phẩm Soliloqui (1, 13) vừa sau khi trở lại. Cũng vậy, người tiếp tục bênh vực ý kiến của một số người cho rằng trong vườn địa đàng, Ađam và Evà đã sống với nhau như hai anh em ruột, bởi vì quan hệ tình dục là hậu quả của tội lỗi. Vì thế người quyết tâm chạy trốn khỏi tính dục, lẩn tránh phụ nữ hơn bất cứ điều gì khác, cho dù đó là người đàn bà đẹp nhất được ban cho thế giới (1, 10, 17). Mãi về sau, người mới bổ sung và triển khai đạo lý thần học và huyền bí đúng đắn về sự thanh khiết của đời thánh hiến, trong khảo luận tuyệt vời “De sancta virginitate” (401). Cho đến lúc đó, khiết tịnh là chỉ là một sự kiện do đời tu đòi hỏi, chứ chưa được nhìn như một giá trị cao quý. Cần phải giữ khiết tịnh trong đời tu; nhưng để làm gì ? Tu luật không trả lời cho câu hỏi này. Chuyên gia Verheijen thốt lên : “Chúng ta chỉ có thể hối tiếc một điều là Tu luật đã không ra đời trễ hơn một chút”[9].

2. KINH NGHIỆM CAY ĐẮNG CỦA CHÀNG AUGUSTINÔ

Để hiểu rõ hơn quan điểm của thánh Augustinô về sự khiết tịnh, chúng ta đừng nên quên kinh nghiệm bản thân của ông trong lãnh vực giới tính. Lúc lên khoảng 17 tuổi chàng Augustinô chung tình với một cô gái, và sau đó ít lâu thì nàng cho ra đời một cậu con trai tên là Adeodato. Rồi cậu qua đời trong tuổi thanh xuân (khi lên 17 tuổi). Augustinô đã chung sống với nàng được 14 năm, nghĩa là cho đến năm 31 tuổi, khi mà dưới sự ép của mẹ Mônica, chàng đã xé lòng chia tay người tình ấy. Thực ra bà Mônica rất yêu con, mong muốn con trai mình kết hôn theo luật định và bà đã chọn được một nàng dâu tương lai. Nhưng bởi vì người con gái đó còn quá trẻ chưa đến tuổi thành hôn theo luật pháp (14 tuổi), Augustinô đã không thể chịu đựng được thời gian chờ đợi trong hai năm, chàng bèn tìm đến một cô gái khác (Conf.  6,13,23; 6, 15,25), mà chàng buộc phải từ biệt chia tay sau đó vài tháng. Lúc ấy chàng được ơn hoán cải toàn bộ và dứt khoát : “Con trở về với Ngài trong tâm trạng không còn muốn tìm kiếm một người vợ dấu yêu và cũng không tìm kiếm niềm hy vọng nào khác trong thế gian này nữa”[10]. Những kinh nghiệm này chắc chắn đã xé rách tâm hồn Augustinô, và nhất là làm tổn thương các mối quan hệ với phụ nữ. Môn sinh Possidius viết tiểu sử của ngài kể lại rằng : “Không một phụ nữ nào lui tới nhà người, cũng chẳng ở lại đó trong một thời gian, kể cả người em gái đi tu và các cháu. Người làm thế là để tránh xa cơn cám dỗ và cất đi gương mù cho những người yếu đuối […] Nếu được mời đi thăm một người phụ nữ, người luôn đi chung với một giáo sĩ nào đó. Người không bao giờ nói chuyện một mình với phụ nữ kể cả khi phải nói điều gì đó riêng tư cho họ” (Vita 26, 1-3). Câu chuyện này có phần phóng đại và quá đáng chăng ? Đó là nét đặc trưng của thể văn viết hạnh các thánh ngày xưa mà !

3. AUGUSTINÔ, NGƯỜI CON CỦA THỜI ĐẠI

Thánh Augustinô chắc chắn đã chịu ảnh hưởng não trạng của người xưa : thiếu tôn trọng trong cung cách đối xử với phụ nữ. Não trạng của người đương thời đã bị khắc sâu bởi quan niệm trọng nam khinh nữ. Dù cho thánh nhân ý thức sự ngang hàng giữa người nam và người nữ trước mặt Chúa, dù cho trên bình diện đức tin và luân lý, người nữ được xem như bình đẳng với người nam, dù là nam hay nữ kẻ phạm tội ngoại tình đều bị lên án tử (De adulterinis coniugiis, 20, 21), nhưng trong thực tế, người nữ vẫn phải phục tùng người nam. “Như ta biết, lý trí phải chế ngự tình cảm… thì cũng vậy, người nam phải chế ngự người nữ và đừng để người nữ khống chế người nam. Chừng nào điều này xảy đến gia đình sẽ đảo điên và bất hạnh” (De Genesi adversus manichaeos, II, 11, 15). Khi nói về giới tính, Augustinô bảo : “Nếu chúng ta là đàn ông, hãy khuất phục đàn bà” (De adulterinis coniugiis, 20, 21). Khi viết thư cho Leto, một tu sĩ sắp sửa xuất tu do áp lực của bà mẹ, Augustinô cảnh tỉnh anh : “Đằng sau mỗi người đàn bà, dù là vợ hay là mẹ, đều ẩn núp một bà Evà” (Ep. 243). Học thuyết Plato và Manikê đã tạo nên tâm thức thời đại như thế. Theo hai luồng tư tưởng này, tất cả những gì là vật chất và cảm tính như thân xác, giới tính, tình cảm… đều xấu xa và đáng khinh bỉ. Dù thánh Augustinô đã nỗ lực vượt qua những giới hạn của các luồng tư tưởng sai lạc này nhờ viễn tượng của đức tin và Thánh kinh, học thuyết ngoại lai ấy vẫn ảnh hưởng suốt cả cuộc đời ông. Ảnh hưởng này có thể thấy trong cuộc bút chiến với phái Pelagius, bênh vực giá trị của bản tính tự nhiên[11]. Thánh Augustinô cho rằng “dục vọng” (concupiscentia), – hiểu theo nghĩa là đam mê và xu hướng tự nhiên (đặc biệt là dục tính) -, thì sa đoạ tội lỗi. Trái lại, thánh Tôma Aquinô khẳng định rằng đam mê tự bản chất thì tốt lành và nó chỉ xấu xa khi bị rối loạn và lệch lạc. Do đó ta hiểu được lý do của thái độ dè dặt của thánh Augustinô trong lãnh vực tình cảm, nhất là giới tính. Chắc chắn những quan điểm tiêu cực này cũng có trong các Tu luật cổ khác, dù là của thánh Basiliô hay thánh Biển Đức. Nhưng chúng ta không được phép sửa đổi những đoạn văn này, bởi vì đó là những văn bản cổ kính, được dùng làm chân móng cho cả một toà nhà : dù một vài viên đá bị sắp đặt sai chỗ, chúng vẫn giữ vững được công trình. Vì thế khi giải thích và phân tích bản văn, chúng ta sẽ tìm cách nắm bắt “tinh thần” ẩn giấu đằng sau những mệnh lệnh, và xem tinh thần đó được áp dụng thế nào cho thời đại chúng ta.

4. TU PHỤC VÀ CÁCH ĂN MẶC

Số 19 : “Y phục của chị em đừng có gì gây chú ý; đừng muốn gây cảm tình bằng y phục nhưng bằng phẩm hạnh”

Bản luật không nói gì về tu phục riêng của tu sĩ. Thật vậy, vào thời đó, y phục của tu sĩ giống như thường phục của người dân địa phương. Có lẽ họ khoác thêm một áo choàng (pallium) theo kiểu của các đan sĩ Rôma vẫn thường dùng, nhưng không đồng bộ như nhau như Tu luật cho phép hiểu như thế (số 30)[12]. Nhìn chung, Tu luật khuyên nhủ các tu sĩ tránh mọi cái lập dị trong cách trang phục, tức là phải yêu thích sự giản dị (nhưng không luộm thuộm, cẩu thả) và tươm tất (nhưng không xa hoa, phú quý). Và dù cho ăn mặc giống như người đời, họ cần phải đề phòng khỏi rơi vào sự phù vân, đua đòi. Trong đan viện, chắc chắn không thiếu người thích ăn diện, muốn gây ấn tượng bằng quần áo “khác người”. Tu luật cản ngăn họ “đừng muốn gây cảm tình bằng y phục”, đừng xa hoa, bởi vì “những kẻ ăn mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua” (Mt 11,8). Bản thân thánh Augustinô cũng là một tấm gương về khổ hạnh, đạm bạc. Possidius viết : “Y phục và giầy dép của người rất khiêm tốn; không chải chuốt cũng không luộm thuộm… người giữ thế quân bình, không thiên lệch về bên trái hay bên phải” (Vita 22). Trong một bài giảng trước công chúng, người nói về chính mình như sau : “Một cái áo choàng quý giá có lẽ thích hợp với một giám mục chứ không thích hợp với Augustinô, một người nghèo sinh ra từ đám dân nghèo… Tôi thú nhận với anh em là tôi rất xấu hổ mặc áo đắt tiền, bởi vì nó không phù hợp với điều tôi đã khấn giữ, với điều mà tôi đã dạy dỗ, với những bài diễn thuyết mà tôi đang trình bày, cũng không phù hợp với thân thể và đầu tóc bạc phơ của tôi” (Sermo 356, 13)

5. HÃY TỎ CHO MỌI NGƯỜI THẤY MÌNH LÀ ANH EM

Số 20 : “Khi ra khỏi nhà chị em hãy đi với nhau. Khi đến nơi nào hãy ở lại cùng với nhau”.

Sự hiệp thông huynh đệ được duy trì ở trong nhà cũng như ở ngoài đường. Đây là ý nghĩa của mệnh lệnh đang bàn. Tự nhiên khi có “khách” thì ta chú ý đến họ hơn là đến chị em trong cộng đoàn. Nhưng biết đâu ta sẽ làm ích cho “người đời” qua việc làm chứng cho tình huynh đệ hơn là tiếp xúc trực tiếp với họ ? Dù sao, ta đừng nên quan niệm rằng cộng đoàn tu sĩ là một “phe nhóm” tách biệt khỏi “người đời” hay “thế gian”. Trong quá khứ, tu sĩ là người rất khác biệt với người đời vì tu phục bên ngoài và vì có những tập tục khác đời. Đời tu xuất hiện như cái gì tách biệt (điển hình qua nội vi tu viện). Ngày nay các cộng đoàn dòng tu có khuynh hướng hoà đồng và hiệp thông với cộng đồng xã hội và nhân loại, tạo những mối quan hệ và sự trao đổi với người dân, nhất là những người cùng khổ. Đây là cơ hội để chúng ta nhận ra sự “thay đổi não trạng” xét về hình ảnh đời tu trì, để rồi từ đó, khám phá ra tinh thần của Bản luật, vượt ra khỏi nghĩa đen của nó.

6. ĐỜI SỐNG CHỨNG TÁ

Số 21 : “Trong cách đi đứng cũng như trong mọi cử chỉ hành vi của chị em đừng có điều gì gây khó coi cho người khác, nhưng phải xứng với sự thánh thiện của chị em”.

Khoản luật yêu cầu chị em đừng “lôi kéo sự chú ý” của người khác. Bản luật không xác định rõ cái gì chướng mắt, “gây khó coi”, nhưng trong tư tưởng của thánh Augustinô đó là lời nói thô lỗ, ăn uống thông tục, chạy vội vã, cười hô hố, la hét ầm ĩ. Thật vậy, những yêu cầu thực tế này đối với người thánh hiến được đọc thấy trong tác phẩm De sancta virginitate : “Giữa chị em đừng để xảy ra những điều thiếu tế nhị, hoặc những gì trái với sự mong đợi của người dân, tức là chị em đừng mang khuôn mặt ủ rũ, cái nhìn tò mò, miệng lưỡi luyên thuyên không ngừng, cười nói ầm ĩ, đùa giỡn thô tục, tư cách ngạo nghễ hay ẻo lả” (53, 54). Như thế phải chăng Tu luật mong muốn chị em cư xử “có giáo dục” ? Không phải như thế ! Tu luật xác định rõ ràng mệnh lệnh yêu cầu chị em phải sống sao cho “xứng với sự thánh thiện của chị em”, nghĩa là sống dễ thương, nhẹ nhàng, dè dặt và nhất là cao thượng. Người trẻ hôm nay rất muốn sống theo cung cách riêng tư của mình, chứ không chịu rập theo khuôn mẫu. Phần nào mỗi người tu sĩ chúng ta cũng thế, nghĩa là mang trách nhiệm riêng của mình trước mặt người khác. Các tu sĩ là người đã “khấn công khai” phục vụ Chúa và anh em, cho nên chúng ta phải cảm thấy mình có nợ với dân chúng. Họ có quyền đòi hỏi và nhận nơi từng người trong chúng ta những tấm gương sáng, những chứng từ sống động “toả ngát hương thơm Chúa Kitô qua cuộc sống tốt lành” (số 48). Cuộc sống chân thành và chứng từ có tương quan mật thiết với nhau. Cuộc sống chân thành sẽ cho lời chứng tá toả hương thơm, còn chứng từ mà không có cuộc sống thì chỉ là lời giả dối như những người Biệt phái. Tuy nhiên lời chứng tá còn cần một chiều kích khác nữa là người nhận. Chỉ có cuộc sống dâng hiến chân thực của chúng ta mà thôi thì chưa đủ, cần phải toả sáng và được cảm nhận từ phía những người khác. Đối với thánh Augustinô, cuộc sống cộng đoàn huynh đệ bên trong đan viện không quan trọng lắm, cuộc sống ấy phải có cả danh thơm tiếng tốt. Người viết : “Các bạn hãy biết phân biệt điều này, lương tâm và tiếng tốt là hai điều khác nhau. Lương tâm là để cho bạn, còn tiếng tốt là để cho tha nhân của bạn. Thật là tai hại nếu như một người tin tưởng vào lương tâm của mình mà xao lãng sống nhân chứng cho người khác, như thánh tông đồ Phaolô đã viết cho môn sinh mình : ‘Chính anh phải làm gương về đức hạnh’ (Tt 2, 7)” (Serm 355,1). Mỗi lần thánh Augustinô thấy trong cộng đoàn có gương mù gây cớ vấp phạm cho người đời, nhất là gương mù liên quan đến tiền bạc và tài sản của Giáo hội, người liền nói ra công khai để làm sáng tỏ sự việc. Khi nghe biết mình bị chỉ trích là “hưởng thụ giàu sang”, người liền lập tức tuyên bố dõng dạc là thà chết về thân xác còn hơn là chết về danh dự, để cho những người yếu đuối khỏi vấp phạm (Serm. 335 và 336; Ep. 126, 8). Augustinô là con người rất coi trọng danh dự cá nhân và cộng đoàn đến nỗi sẵn sàng hiến thân và hy sinh mạng sống để bảo vệ danh dự ấy. Đối với người, có một lương tâm bình thản thì chưa đủ, cần phải lưu tâm đến lương tâm của người khác nữa, nhất là những người bình dân. Chính đức ái đòi buộc chúng ta điều này. “Chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn là hãy tìm cách đừng làm cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14, 13). Vì thế người đề cao đời sống chứng tá toả ngát hương thơm “Chúa Kitô”, thi hành sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Lòng nhiẹt thành này không khác gì với tâm huyết của vị Tông đồ dân ngoại nhiệt thành. Thánh Phaolô là người rất nhạy bén với tấm gương tốt và ao ước cho ánh sáng từ các những vì sao ấy nở rộ trong khung trời cộng đoàn Kitô hữu : “Chúng tôi quan tâm ăn ở ngay lành không những trước mặt Chúa mà cả trước mặt người đời” (2Cr 8, 21; 1Cr 10, 33; Pl 4, 8-9; 1Tm 3,7). Thậm chí Chúa Giêsu, dù chỉ trích mọi hình thức giả hình đến tận căn, Ngài cũng khuyên nhủ : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy công việc của anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16). Tóm lại, đã làm chứng là làm chứng về cái gì, và điều này giả thiết là có một lương tâm tốt; nhưng làm chứng còn có nghĩa là làm chứng trước mặt ai đó, và điều này hàm ý có danh tiếng tốt. “Lương tâm là của tôi, còn danh thơm tiếng tốt là của bạn”. Đó là ý nghĩa tại sao khoản luật yêu cầu chị em phải ý tứ về cách ăn nết ở, lời nói trước mặt người đời, sống phù hợp với đời thánh hiến.

7. KỶ LUẬT TRONG CÁI NHÌN

 Số 22 : (a) “Đôi mắt của chị em khi thấy người nam, đừng chằm chằm nhìn vào một người nào. Dĩ nhiên khi ra ngoài không cấm nhìn người nam, nhưng ước ao họ hay muốn họ yêu mình thì là tội nặng. Lòng ham muốn người nam không phải chỉ do tiếp xúc và tình cảm mà còn do nhìn xem nữa. (b) Đừng nói mình có tâm hồn thanh khiết khi chị em có con mắt không thanh khiết, vì con mắt không thanh khiết cho thấy tâm hồn không thanh khiết. (c) Dù không nói lời nào nhưng khi hai trái tim đã tỏ ra không thanh khiết qua cái nhìn, và đôi bên đã thoả mãn ước muốn xác thịt thì đức khiết tịnh đã bị mất rồi cho dù thân thể không bị xâm phạm nhơ uế”.

Ở đây Bản luật nói về đức khiết tịnh cách thực tiễn, và cụ thể là cái nhìn, chứ không trình bày một nhãn giới thần học như những tác phẩm viết sau này (nhất là trong tác phẩm De sancta Virginitate, De bono coniugali và De nuptiis et concupiscentia). a) Trong số Tu luật vừa trích, nhìn người khác giới là điều tự nhiên. Vấn đề không phải “nhìn” hay “không nhìn” người nam, mà là nhìn người ấy “chằm chằm”, nghĩa là ao ước họ và muốn chiếm hữu họ. Cái nhìn không trong sạch là điều đáng khiển trách và cấm đoán; đó là một trọng tội. Điều này chẳng có gì mới mẻ, chính Chúa Giêsu cũng đã dạy rằng khiết tịnh thì sâu hơn là “chớ ngoại tình”, nó xuất phát từ chính tâm hồn của mỗi người, là nguồn của mọi quyết định và tự do : “Anh em đã nghe luật dạy rằng : ‘Chớ ngoại tình’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã phạm tội với người ấy rồi” (Mt 5, 27-28). Sách Gióp cũng nói “lòng chiều theo con mắt” (G 31, 7). Qua con mắt ngắm nhìn, lòng sẽ thức tỉnh và hành động. Tu luật thánh Augustinô dựa trên điều căn bản ấy mà thiết định mệnh lệnh này. Tu luật thật là khôn ngoan khi dạy chúng ta hãy đề phòng hơn là đàn áp. Vì thế cần phải ngăn chặn những ước muốn không trong sạch khởi đầu từ cái nhìn : cái nhìn gợi lên dục tình, vì thế phải kiểm soát nó, để ngăn chặn tiến trình phạm tội. Học giả H. Victor liệt kê ra những bước khác nhau trong tiến trình này : cái nhìn – tình cảm – tưởng tượng – thích thú – ưng thuận – hành động – thói quen – sự cần thiết. Thánh Kinh cũng yêu cầu một kỷ luật trong khi nhìn xem. Ví dụ ông Gióp khi xét mình thì bắt đầu từ con mắt : “Tôi đã kết ước với đôi mắt của tôi là không nhìn ngắm một thiếu nữ nào” (G 31, 1). Các nhà hiền triết cũng khuyên can : “Đừng chòng chọc nhìn nàng trinh nữ, kẻo con sa ngã mà bị phạt với nàng… Hãy tránh đừng nhìn người phụ nữ nhan sắc, cũng đừng ngắm nghía một giai nhân xa lạ. Sắc đẹp đàn bà làm bao kẻ đảo điên, cũng vì thế mà ái tình bừng lên như lửa” (Hc 9, 5 và 8). Chúng ta cũng đã quá biết sự yếu đuối của vua Đavít, quân vương phạm tội ngoại tình khởi đầu bằng đôi mắt : “Từ sân thượng vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt trần” (2Sm 11,2). Chính Chúa Giêsu cũng khuyên các môn đệ về việc “giữ gìn con mắt” khi nói : “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném đi” (Mt 18, 9). Vì thế, chúng ta không thể phủ nhận rằng Thánh Kinh cũng đề cập đến nguy hiểm của cái nhìn người khác giới, nhất là nhìn người nữ. Bản luật mà chúng ta đang phân tích chắc chắn đã dựa trên cơ sở Thánh Kinh và truyền thống, và cũng có hiệu lực như Bản luật dành cho giới nam. Tuy nhiên, chúng ta có thể phê bình thánh Augustinô là nhấn mạnh quá nhiều đến nguy hiểm của giới tính và dục vọng. Nó làm cho nhiều người bối rối, sợ hãi, chỉ nhìn người khác giới như một nguy cơ phạm đến sự trinh khiết. Phần nào đó là khuyết điểm của thời xưa. Ngày nay chúng ta biết rằng tình dục là cái gì đó tự nhiên, do Đấng Tạo hoá xếp đặt, vì thế nó có ý nghĩa tích cực, tươi đẹp. Nó đi vào hành trình tình yêu của nhân loại và được Hội thánh thánh hoá thành một bí tích. Nhờ sự tiến bộ của khoa tâm lý và phân tâm học, nhiều người cũng đạt được cái nhìn bình thản hơn. Dù vậy, từ cực đoan của thái độ ngăn ngừa, sợ hãi đứng trước phái tính, người ta lại chuyển sang cực đoan phủ nhận sức mạnh của cám dỗ và tội lỗi trong lãnh vực tình dục, và tục hoá giới tính và tình yêu. Dù sao, nhận chân sắc đẹp người phụ nữ hay làm bạn với một người khác giới tự nó không đi nghịch lại với đức khiết tịnh. Yếu tố quan trọng và nền tảng là định hướng sâu xa của tôi muốn dâng hiến cuộc đời cho Chúa cách trọn vẹn và dứt khoát để phục vụ vương triều của Ngài. Chỉ có như thế thì tương quan giữa những người thánh hiến với nhau mới nhận được ý nghĩa thực sự. b) Nếu như thánh Augustinô cho rằng : “Tiết độ là một nhân đức của tinh thần chứ không phải của thể xác” (De bono coniugali, 21, 25), thì nguồn gốc và yếu tính của khiết tịnh là ở trong tâm hồn và từ đó tràn lên thân xác. Ta không thể nào phủ nhận mối dây mật thiết giữa cái trong trắng nội tâm và sự tinh sạch bên ngoài. Sự trinh khiết đòi hỏi một tâm hồn trong sạch và cử chỉ thanh cao, chủ ý trong sáng và cái nhìn tinh tuyền. “Đừng nói mình có tâm hồn thanh khiết khi chị em có con mắt không thanh khiết, vì con mắt không thanh khiết cho thấy tâm hồn không thanh khiết”. Khoản luật này cho thấy mối dây liên hệ giữa cái nhìn và tâm hồn thật là thắm thiết. Nếu người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, là tấm gương phản chiếu tâm tư, thì đối với Tu luật “con mắt không thanh khiết bộc lộ tâm hồn không thanh khiết”. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói : “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng thì toàn thân anh sẽ sáng” (Mt 6, 22). Việc kiểm chứng lời dạy khôn ngoan này không khó khăn gì cả, bởi vì chỉ cần bước ra đường phố, quan sát người anh em của chúng ta hoặc người khác đang nhìn ngắm người khác giới, chúng ta sẽ dễ nhận ra trong ánh mắt họ tâm hồn thanh khiết, trong sáng hay xấu xa, đê tiện, bợn nhơ. Bản luật phòng ngừa những lý do biện minh cho một lối sống phóng túng, thậm chí lại còn trưng dẫn lời của thánh Phaolô để chống chế: “Mọi sự đều trong sạch với những người trong sạch” (Tt 1, 15). Thực tế là tâm hồn sẽ phản ánh trên ánh mắt và khoé mắt thì lôi cuốn, mời mọc. c) Bản luật tiếp tục bàn tới một trường hợp cụ thể giữa hai người trao đổi cho nhau cái nhìn xuất phát từ sự say mê tình tứ, và cho đó là một trọng tội mặc dù thân xác chưa bị xâm phạm : “Dù không nói lời nào, nhưng khi hai trái tim đã tỏ ra không thanh khiết qua cái nhìn, và đôi bên đã thoả mãn ước muốn xác thịt thì đức khiết tịnh đã bị mất rồi cho dù thân thể không bị xâm phạm nhơ uế”. Khẳng định này có quá đáng không ? Đây là lời dạy của Tin mừng : “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã phạm tội với người ấy rồi” (Mt 5, 28). Như chúng ta đã nói, đối với Augustinô, bản chất của sự thanh khiết nằm ở trong trái tim. Không phải chỉ xâm phạm đến thân thể mới phá huỷ sự thanh khiết, trinh trong (De civ. Dei 1, 26). Khiết tịnh là vấn đề của tự do. Mặt khác, khi tâm hồn không còn khiết tịnh, thì tuy dù thân xác không bị xâm phạm nhưng nó cũng chẳng còn nguyên tuyền (De civ. Dei. 1, 8, 2). “Nguyên tắc nội tâm” của mỗi hành vi luân lý, kể cả trong lãnh vực tính dục, đã gặp thấy trong Tin mừng : “Cái gì từ trong con người xuất ra cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác…” (Mc 7, 20-22). Dĩ nhiên, tuy khía cạnh nội tâm là chủ yếu và quan trọng nhưng chưa đủ. Sự khiết tịnh còn phải thể hiện ra bên ngoài nữa. Tuy nhiên cần biết rằng loại tương quan tình cảm được diễn tả trong số vừa trích dẫn tiêu biểu cho một dạng thức tu trì bị kiềm toả, xa lạ với đời tu ngày nay. Đối với tu sĩ ngày nay, khó mà giới hạn vấn đề tình cảm vào việc “trao đổi cái nhìn”, hay “không nói năng” (những hình thức này được đặt tên là “lãng mạn”) ! Dù thế nào chăng nữa, chúng ta phải giữ tinh thần của Tu luật cách nghiêm túc. Tu luật nhắc nhở chúng ta rằng đừng nhẹ dạ, khinh thường, nhưng cần phải có cái nhìn rất thực tế, như nhà hiền triết Kinh Thánh hỏi chúng ta :

“Có ai giấu lửa trong người mà không bị cháy áo ? Có ai đi trên than hồng mà không bị bỏng chân ?” (Cn 6, 27-28)

Tóm lại, thánh Augustinô khuyên dạy các tu sĩ bài học phải giữ mình trong sáng toàn diện và tinh khiết nguyên vẹn không chỉ trong thân xác mà cả trong tâm hồn, theo tinh thần của Tin mừng : “Hỡi người Pharisiêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén dĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch” (Mt 23, 26).

8. KHIẾT TỊNH DƯỚI MẮT AI ?

Số 23a : “Ngoài ra, người dán mắt vào một người nam và thích họ nhìn mình như thế thì đừng lầm tưởng rằng các chị em mình không biết chuyện đó. Chắc chắn là có người biết và chính kẻ mình không ngờ thì lại thấy”.

Thánh Augustinô có một óc quan sát rất tâm lý : Khi hai người mới yêu nhau, họ luôn luôn nghĩ là không có ai biết câu chuyện của họ; tình yêu của họ vẫn ở trong vòng “bí mật giữa hai người”. Nhưng thánh nhân bảo : thật là ảo tưởng, họ không biết rằng đã có người khác thấy rồi ! Xem ra nói như vậy nhằm mục đích can gián người phạm tội và gây cho họ sợ hãi mà tránh tội. Tuy nhiên động cơ để tránh phạm tội khiết tịnh phải được nâng cao hơn khi người viết ở số kế tiếp : Khiết tịnh dưới con mắt Chúa.

Số 23b : “Giả như kín đáo không ai nhìn thấy, nhưng còn Đấng từ trời cao nhìn xuống, không gì giấu được thì sao ? Phải chăng vì Người khôn ngoan bao nhiêu thì càng kiên nhẫn bấy nhiêu, nên tưởng Người không trông thấy ?”

Ở đây viễn tượng này chuyển sang phương diện đức tin : Thiên Chúa thấy hết mọi sự ! Hãy sợ chính Thiên Chúa. Đây chính là linh đạo về sự hiện diện của Ngài biểu trưng bằng một con mắt nằm ở giữa hình tam giác. Truyền thống tu đức này có những giới hạn của nó khi làm cho người ta nghĩ đến một Thiên Chúa giống như viên cảnh sát, luôn theo dõi đường đi nước bước của phạm nhân, thậm chí theo dõi cả cõi thầm kín nhất. Thứ linh đạo kiểu này không toát lên vẻ cao cả tí nào : người ta tránh tội chỉ vì sợ hình phạt. Rồi người ta sẽ viện cớ để nói rằng : “Thiên Chúa không can thiệp đâu” (Tv 9, 10, 23, 34). Thánh Augustinô trả lời cho họ rằng : “Ngài kiên nhẫn chờ đợi tội nhân hoán cải, như lời Thánh Kinh đã dạy (Kn 12, 10; Rm 4, 4; 2Pr 3, 9)”. Nhưng Tu luật kiện toàn linh đạo lòng kính sợ Chúa với một chiều hướng cao thượng hơn :

Số 23c : “Người tận hiến phải sợ làm mất lòng Chúa để khỏi muốn làm đẹp lòng một người nam cách bất chính. Phải nghĩ rằng Người trông thấy mọi sự để khỏi ước muốn nhìn xem người nam cách không trong sạch. Trong việc này phải có lòng kính sợ Chúa, vì Sách Thánh viết : ‘Chúa ghê tởm người nhìn cắm mắt’ (Cn 27, 20)”.

Tuy đoạn luật nói đến nỗi “sợ hãi” nhưng đó là “sợ hãi làm mất lòng Chúa” chứ không phải là “sợ hãi của người nô lệ” lo lắng bị trừng phạt. Đó là “sợ hãi của người con”, tìm cách không làm phiền lòng người thân yêu; nó có thể tồn tại trong tình yêu (1Ga 4, 18). Thánh Augustinô gọi là “sợ hãi trinh tiết” giống như người vợ trung thành sợ làm phiền lòng chồng, khác hẳn sự “sợ hãi bất trung” sợ chồng nổi giận (In Ps 127, 8-9). “Nếu bạn không yêu, bạn sợ sẽ bị huỷ diệt; còn nếu bạn yêu rồi, bạn sợ làm mất lòng” (De sancta virginitate, 39, 40). Đối với Tu luật, mối tương quan với Chúa mang tính tuyệt đối và trọn vẹn, dành riêng cho một mình Ngài mà thôi. Điều này được đặt ra cho tất cả mọi người và đặc biệt là cho người thánh hiến. Tại sao vậy ? Bởi vì Thiên Chúa là “Chúa hay ghen” không chấp nhận có ai khác song đối với Ngài, như đã viết : “Ngươi không được phủ phục trước một thần nào khác, vì Đức Chúa mang danh là Đấng ghen tương. Người là một Vị Thần ghen tương” (Xh 34, 14). Như vậy, ngay giữa con tim của con người có một ngai toà với một chỗ ngồi, hoặc là cho Chúa hoặc là cho ngẫu tượng. Vì thế Tu luật nhắc nhở chị em một cách dứt khoát : hãy chú ý đừng làm mất lòng Chúa vì muốn làm đẹp lòng một người nam. Tuy nhiên thánh Augustinô liên tục cảnh giác nguy cơ đi từ chỗ tình yêu “trên hết” đến chỗ tình yêu “duy nhất”, với nguy cơ tạo nên sự đối nghịch giả tạo và cứng ngắc giữa Đấng Tạo hoá và loài thọ tạo, giữa Thiên Chúa và người khác giới. Do đó, xét vì trái tim con người phải dành cho Thiên Chúa mối tình trước hết và trên hết, vấn đề được đặt ra không chỉ đơn giản là muốn làm đẹp lòng một người khác giới mà là “muốn làm đẹp lòng người nam cách bất chính”;cũng tựa như trước đây, vấn đề không phải là nhìn người khác giới mà là nhìn với con mắt không trong sáng. Vì thế khi nhìn người nam, chúng ta phải nhìn với đầy lòng kính trọng sâu xa và không phải như nhìn một đồ vật sử dụng; một cái nhìn giống như của Cha ở trên trời chứ không phải cái nhìn của tính ích kỷ phàm tục.

9. TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐOÀN VỀ SỰ KHIẾT TỊNH

Số 24 : “Vậy khi chị em họp nhau trong nhà thờ hay bất cứ nơi nào có người nam, hãy gìn giữ đức thanh khiết cho nhau. Vì Thiên Chúa ngự trong chị em, thì cũng theo cách này người dùng chị em để gìn giữ chị em”.

Tu luật dặn dò chị em “hãy gìn giữ đức thanh khiết cho nhau”. Có lẽ khoản luật này trích lại chỉ thị của Công đồng địa phương ở Híppô vào năm 393. Trong phiên họp, các nghị phụ đã mạnh mẽ kêu gọi những người trước đây sống lời khấn khiết tịnh ở trong gia đình hoặc ở một mình, hãy sống chung với nhau, hầu tránh làm tổn thương đến danh thơm tiếng tốt của Giáo hội do việc lao đầu vào những chỗ nguy hiểm. Mỗi chị em đều có trách nhiệm về người khác. Không ai có thể nói như Cain : “Con không biết. Con đâu phải là kẻ gìn giữ em con ?” (St 4, 9). Nhưng có trách nhiệm về người khác hoàn toàn không có nghĩa là canh chừng người khác kiểu như công an, cho bằng chị em giúp đỡ lẫn nhau. Sự thanh khiết sẽ được bảo đảm và triển nở trong đời sống huynh đệ cộng đoàn. Chỉ có thế “điều mà chị em không thể làm được với sức lực của mình, nhưng chị em sẽ làm được với sự giúp đỡ của người khác” (H. Victor). Công đồng Vatican II cũng quả quyết như vậy : “Đức khiết tịnh được bảo trì an toàn hơn cả khi nào trong đời sống cộng đoàn có tình huynh đệ đích thực giữa các tu sĩ” (PC 12b). Nhưng để đón nhận sự trợ giúp của người khác, thánh Augustinô đã nói rất hay là cần có sự khiêm nhường : “Nẻo đường của khiết tịnh là đức ái […] nhưng chốt canh phòng nẻo đường này là đức khiêm nhường” (De sancta virginitate 51-52). Tu luật coi cộng đoàn là trung gian của ân sủng. Đành rằng Thiên Chúa gìn giữ đức khiết tịnh của những kẻ tận hiến cho Ngài, nhưng Ngài cũng dùng chính chị em trong cộng đoàn để gìn giữ khiết tịnh cho nhau. Thiên Chúa của Augustinô không lượn trên không trung, nhưng Ngài ở giữa cộng đoàn, nơi thâm tâm của từng chị em, Ngài hoạt động trong chị em và nhờ chị em. Chị em là đền thờ của Ngài, ở đó Ngài được cung kính tôn thờ (số 9). Đức khiết tịnh của chị em là kết quả của tình huynh đệ cộng đoàn, nhưng không vì thế mà nó không còn là ơn Chúa ban. Trái lại, chỉ có Chúa là nguồn mạch cuối cùng của mọi tác động ân sủng. Đây là niềm xác tín sâu xa của thánh Augustinô (Conf. 10, 29, 45).10. SỨ ĐIỆP CHO NGƯỜI HÔM NAY Sau khi phân tích các khoản luật về đức khiết tịnh dành cho nữ giới, chúng ta sẽ tìm thấy giá trị mới của Tu luật thánh Augustinô viết cho nam giới khi chú trọng nhiều đến cái nhìn phụ nữ cách trong sáng. Điều này cống hiến cho phong trào giải phóng phụ nữ ngày nay một chiều hướng thực hành mới. Trước hết, cần phải chỉnh lại hình ảnh tiêu cực về phụ nữ (đừng nhìn kẻo ra ô uế) sang hình ảnh tích cực : nhìn người phụ nữ với sự tôn trọng chứ không đối xử như một đối tượng hưởng lạc. Hơn nữa, đây cũng là ý nghĩa nguyên thuỷ của Tin mừng. Nếu như Đức Giêsu dạy các môn đệ có tình bác ái yêu thương người anh em đến nỗi tránh dùng những từ ngữ tục tĩu, nặng lời (“đồ điên, đồ khùng”), thì việc tôn trọng người phụ nữ cũng phải loại trừ mọi cái nhìn thu nhỏ họ thành một thứ đồ vật, hoặc ước ao chiếm hữu nàng. Tiếc thay, phương tiện truyền thông đại chúng của ngày hôm nay đã lợi dụng danh nghĩa tôn vinh sắc đẹp của người nữ, biến họ thành món hàng quảng cáo, như vật dụng tiêu thụ. Trong bối cảnh này, Tu luật thánh Augustinô là một lời chỉ trích, chống lại mọi thứ nhìn ngắm phụ nữ cách lệch lạc, đồng thời mời gọi mọi người hãy nhìn họ với đôi mắt của Đấng Tạo hoá. Mặt khác, hiện nay có nhiều phụ nữ nghèo thuộc các dân tộc đói khổ và bị áp bức, có những bà mẹ, cô gái, thiếu nữ càng ngày càng ý thức hơn phẩm giá của mình. Họ là những vị thánh, là vĩ nhân của thời đại. Họ đang đúc lên hình ảnh người phụ nữ mới, đồng thời giáo dục cái nhìn của mọi người nhắm đến sự tôn trọng, bình đẳng, công lý, yêu thương.

Mục 2. SỬA LỖI HUYNH ĐỆ

Mục này tiếp tục đề tài của mục vừa rồi nói về sự thanh khiết và cái nhìn người khác giới, và khai triển cách riêng nguyên tắc trách nhiệm hỗ tương đã được phát biểu trong số 24. Mỗi chị em có bổn phận phải chăm sóc chị em khác, để họ không sa ngã và nếu có ngã thì họ có thể trỗi dậy được. Ở đây tình liên đới huynh đệ mở rộng sang phạm vi ân sủng và sám hối. Tu luật dựa vào bản văn Tin mừng Matthêu 18, 15-17 nói về sửa lỗi cho nhau : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội thánh. Nếu Hội thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Chắc chắn thánh Augustinô còn biết đến nhiều đoạn Thánh Kinh khác nữa dù không được trích dẫn :

–  2Tx 3, 14-15 : sửa lỗi huynh đệ những người bất tùng phục;

–  Gl 2, 11-14 : thánh Phaolô sửa lỗi thánh Phêrô trước mặt mọi người;

–  Gl 6, 1 : sửa lỗi anh em với tinh thần hiền hoà;

–  1Cr 5 : cộng đoàn sửa dạy một phần tử phạm tội loạn luân;

–  1Tm 5, 19-20 : khiển trách kẻ phạm tội, căn cứ theo nhân chứng và trước mặt mọi người;

–  Tt 3, 10 : trục xuất một phần tử sau hai lần cảnh cáo;

–  Gc 5, 16 và 19-20 : thú tội với nhau, và dẫn người lầm lạc trở về nẻo chính;

Và còn rất nhiều đoạn Kinh thánh Cựu ước khác : Lv 19, 17; Tv 141, 5; Ed 3, 16-21; 33, 1-9, vv… Thánh Augustinô viết lên khoản luật này cảm hứng theo tất cả truyền thống Thánh kinh. Nên lưu ý là những đoạn văn trên đây không nhắm mô tả thủ tục pháp lý về việc sửa lỗi cho bằng tiến trình sư phạm giúp cho người có lỗi biết hối hận. Nhưng không may đề tài sửa lỗi huynh đệ được bàn trong mục liên quan đến cái nhìn người khác giới, khiến người đọc có cảm tưởng là tác giả luôn bị ám ảnh về tội dâm dục. Tuy nhiên, trong số kế tiếp (số 28), Tu luật mở rộng tầm áp dụng sửa lỗi cho nhau trong các lãnh vực khác của đời sống tu trì.

1. SỬA LỖI NGƯỜI CHỊ EM VỚI MỘT MÌNH BẠN

Số 25 : “Nếu nhận thấy ai trong chị em không giữ con mắt như tôi vừa nói, chị em hãy khuyến cáo họ ngay để điều xấu vừa chớm khỏi gia tăng, nhưng được khử trừ”.

Khoản luật này nhấn mạnh đến tính khẩn trương của việc sửa lỗi : “Hãy khuyến cáo họ ngay”. Nhà viết Tu luật sẽ thúc bách như thế một lần nữa khi nói về chuyện cãi vã nhau trong cộng đoàn (số 41). Tại sao khẩn thiết trong hai trường hợp này ? Bởi vì ông biết rất rõ đây là hai sức năng động cơ bản trong tâm tính con người : dục tình và gây gỗ. Một khi đã bùng nổ thì dễ lan rộng đến nỗi không thể khống chế được. Điều đáng chú ý là cả hai truờng hợp phạm lỗi đều có thể bị loại khỏi nhà dòng (số 27d và 42f). Làm thế nào để áp dụng khoản luật này cho đời sống tu trì của chúng ta hôm nay ? Văn hoá hôm nay phóng khoáng và tự do hơn xưa rất nhiều. Đứng trước những yếu đuối và lỗi lầm của người khác về đức khiết tịnh, bạn sẽ nói : “Vấn đề này không quan trọng !”. Rồi với tâm thức đề cao chủ nghĩa cá nhân, người phạm lỗi sẽ cật vấn bạn : “Việc gì mà chị lại can thiệp vào chuyện tình cảm của tôi ? Xin chị đừng dính mũi vào chuyện của tôi !”. Dầu vậy, chúng ta cũng đang định hình một luân lý mới, ý thức mới và lối sống mới về khiết tịnh : khiết tịnh là để thánh hiến cho Chúa và phục vụ Vương quốc của Người. Việc sửa lỗi huynh đệ phải là một tín hiệu cấp cứu và phương dược cứu chữa của tâm thức đạo đức này.
2. BÁO CHO HAI NGƯỜI HOẶC BA NGƯỜI BIẾT

Số 26a : “Nhưng nếu đã khuyến cáo mà trong ngày đó hay ngày khác lại thấy họ vẫn tái phạm như thế, thì phải coi họ như một người thương tích cần chữa trị. Tuy nhiên trước đó phải cho một người khác hoặc người thứ ba biết để hai hoặc ba người làm chứng buộc họ nhận tội và chịu hình phạt nghiêm khắc xứng hợp”.

Khoản luật xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp của một người tái phạm. Người ấy bị coi như người đau ốm cần phải chịu phẫu thuật. Luật buộc chị em phải cảnh báo cách quyết liệt hơn nữa khi thấy họ tái phạm, đồng thời phải tìm đến hai hay ba người nữa để họ làm chứng theo như tiến trình sửa lỗi trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (Mt 18, 16). Đối với tâm thức của người thời nay thì mệnh lệnh này hơi quá đáng. Nó gây thêm bầu khí căng thẳng trong cộng đoàn, khác hẳn với bầu khí giản dị, hiền hoà mà Tin mừng đã phác hoạ. Cảm tưởng này sẽ được khẳng định một lần nữa trong những mệnh lệnh kế tiếp. Từ số 25 đến số 29 bầu khí cộng đoàn đan tu huynh đệ trở nên ngột ngạt vì việc khai báo, tố tụng và trừng phạt, làm độc giả trẻ hôm nay nghĩ mình đang ở phòng cảnh sát, bị buộc lòng phải đột nhập vào đời tư của người khác không chút khoan hồng. Để hiểu mệnh lệnh này, cần phải đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử đương thời. Vào lúc đó Giáo hội chưa có bí tích xưng tội như bây giờ mà chỉ có việc sám hối công khai về những tội rất nặng như : ngoại tình, giết người, chối đạo. Chính vì thế đời sống luân lý của người Kitô hữu mang tính cách công cộng. Khi thấy một người anh em lao vào nguy hiểm nặng nề về luân lý, thì cả cộng đoàn tín hữu tập trung lại chỉnh đốn kèm theo những lời cáo tội, khiển trách, bởi vì họ cảm thấy có trách nhiệm về người anh em đó. Cộng đoàn tìm cách ngăn chặn anh khỏi rơi vào tình trạng khủng khiếp là bị trục xuất khỏi cộng đoàn, nghĩa là bị khai trừ khỏi Giáo hội. Ngày nay, dù chúng ta có phạm nhiều tội nặng đến đâu đi nữa, chúng ta chỉ xưng thú với cha giải tội trong toà kín đáo; nhưng ngày xưa thì phải để cho anh em sửa lỗi công khai. Vì thế, chúng ta khó quan niệm được vai trò của cộng đoàn trong việc giúp chúng ta cải thiện, bởi vì chúng ta đã được huấn luyện lãnh trách nhiệm cá nhân. Từ đó chúng ta có thể sẽ tự nhủ : hãy để mỗi người tự giải quyết vấn đề tình cảm riêng tư của mình; ngoài ra, trong một cộng đoàn cởi mở và biết đối thoại, dục tính sẽ không còn là đề tài cấm kỵ nữa. Vấn đề tương quan với một người khác phái hoàn toàn là chuyện riêng tư, sẽ không một ai thọc gậy bánh xe… Tâm thức này thực sự đang cản ngăn chúng ta sống tinh thần đồng trách nhiệm về đời dâng hiến của những người sống chung với ta và đang cùng với ta làm chứng cho Nước Trời. Đây có phải là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều chị em của chúng ta bỏ dòng ra đi ?
3. TÌNH YÊU CHÂN THẬT ĐÔI KHI GÂY ĐAU KHỔ

Số 26b : “Khi tố giác như thế chị em đừng nghĩ mình ác tâm. Trái lại chị em sẽ không phải là người nhân ái, nếu như có thể trình báo để sửa chữa người chị em của mình mà lại im lặng để họ hư đi”.

Tác giả Tu luật nhận thấy sự việc rất tế nhị khi phải báo cho người thứ ba biết những vấn đề cá nhân của người chị em đã nêu trên. Khuyến cáo họ sẽ làm cho họ có những ấn tượng tiêu cực về tôi, và tôi bị coi là kẻ ác tâm ! Tuy nhiên, ông không thối lui trước ấn tượng tiêu cực đó, bởi vì ông có một quan niệm về tình yêu cao cả chứ không chỉ thuần tình cảm : khi cần phải cứu vớt người chị em sắp rơi vào cơn sa ngã nguy tử, thì không được phép tránh né, vì ngại ngùng hay trắc ẩn giả tạo.

Số 26c : “Nếu có người chị em nào bị thương nơi thân xác nhưng giấu kín vì sợ phải giải phẫu, thì chị em biết mà im lặng thì không phải là độc ác sao và trình báo lại không phải là thương xót sao ? Vì vậy chị em càng phải trình báo để cho vết thương tâm hồn khỏi nên ung nhọt như thế nào ?”

Tác giả Tu luật dùng hình ảnh của ngành y khoa để giải thích vấn nạn vừa nêu trên đây. Khi thấy đứa em mình đang đau nặng, người chị liền đi báo với bác sĩ để chữa, và nếu cần thì phẫu thuật, dù biết em mình sợ mổ. Làm như vậy thì đâu phải là tàn nhẫn ? Phải nói ngược lại : nếu vì muốn chiều lòng em mình mà không đưa nó đi bệnh viện thì mới là “tàn nhẫn”. Quan niệm “tình yêu tàn nhẫn” xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của thánh Augustinô, để nói lên tình yêu chân thực, thí dụ trong bài giảng sau đây : “Có người nào chẳng sợ dao mổ ? Người chịu phẫu thuật tất nhiên sẽ phải khóc. Nhưng phẫu thuật của bác sĩ thì không phải là độc ác, vì ông muốn chữa trị người ấy, còn đối với bệnh nhân thì đúng là tàn nhẫn. Còn nếu quá khoan dung với bệnh nhân thì người ấy sẽ chết mất thôi” (Serm. 83, 7, 8). Đối với Augustinô, sửa lỗi cho người khác dù làm họ đau khổ cũng là cử chỉ yêu thương. Việc sửa lỗi huynh đệ được coi như một dạng thức “làm phúc bố thí” (elemosina : PL 40, 266). Càng phải trình báo lỗi lầm của chị em ra thì càng giúp chị em thoát khỏi bệnh hoại thư tâm hồn. Có lẽ đây chính là kinh nghiệm bản thân. Thật vậy, trong cuốn “Tự thuật” người kể rằng sau khi chia tay với tình nhân thứ nhất, người đi tìm kiếm người thứ hai, và thú nhận : “Thay vì chữa lành vết thương của cuộc chia cắt trước, con bắt đầu làm thối rữa (putrescebat) vết thương ấy” (Conf. 6, 15, 25) và động từ putrescebat được sử dụng ở đoạn văn này để diễn tả cùng một hoàn cảnh. Phải chăng bởi vì người muốn cứu những kẻ khác khỏi rơi vào kinh nghiệm cay đắng mà mình đã trải qua ?

4. SỰ CAN THIỆP CỦA BỀ TRÊN

Số 27a : “Tuy nhiên, dù đã khuyên bảo riêng mà chị ấy không sửa mình, thì trước khi cho những người khác biết để nhờ xác nhận nếu chị từ chối nhận tội, thì phải trình cho bề trên trước đã để nhờ thế người có thể sửa chữa cách kín đáo và tránh cho người khác biết”.

Khi nói về trình tự sửa lỗi huynh đệ, Tu luật không trình bày sáng sủa nhưng lẫn lộn giữa các bước. Nhiều nhà chuyên môn khi chú giải khoản luật này đã không đồng ý với nhau trong việc thiết lập thứ tự các bước sửa lỗi. Để sắp xếp lại một trình tự, các nhà chú giải đều đồng ý với nhau giữ lại bước thứ nhất (sửa lỗi riêng tư) và bước cuối cùng (sửa lỗi trước mặt mọi người), nhưng họ không xác định rõ các bước trung gian. Có người cho rằng bản Tu luật ban đầu chỉ là một quyển cẩm nang thực tiễn dành riêng cho người hữu trách trong cộng đoàn, chứ không phải là một bộ luật có quy phạm, mẫu mực và được soạn thảo rõ ràng được trao cho mọi thành viên trong cộng đoàn đọc và tuân giữ. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định các bước phải tuân giữ, nhưng tất cả đều đồng ý là cần phải duy trì một nhịp độ trong việc sửa lỗi huynh đệ. Chúng ta thử định dạng và tái lập lại trình tự mà bản Tu luật đề nghị.

  • Bước I : một mình cảnh báo riêng người phạm lỗi (số 25)
  • Bước trung gian : báo cho Bề trên biết và ngài sẽ sửa lỗi cho chị em cách kín đáo (số 27a)
  • Bước II : Báo cho một hay hai người biết để họ can thiệp (số 26a)
  • Bước III : Tố cáo và dẫn chứng tội trạng trước mặt cộng đoàn (số 27b), kèm theo hình phạt và có thể trục xuất (số 27d)

Trình tự này được Tin mừng Matthêu đề nghị (18, 15-17) chỉ thêm một bước trung gian là báo cho Bề trên và ngài sẽ can thiệp. Đây là nét tiêu biểu của cộng đoàn tu trì, triển khai và áp dụng tiến trình sửa lỗi của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Nhưng tại sao nếp sống đan tu sáng nghĩ ra một bước mới ? Có lẽ bởi vì nhắm mục đích giữ lấy danh dự cho người phạm lỗi, như chính bản Tu luật tuyên bố: “để tránh cho người khác biết”.Thế đấy, vào thời đó người ta đã biết xét đến quyền bảo vệ chuyện đời tư và quyền bảo vệ danh dự !

5. CỘNG ĐOÀN LÀ CHẶNG CUỐI CÙNG

Số 27b : “Nếu như chị vẫn chối, lúc đó cần phải đưa chị đối diện với nhiều người để có thể buộc chị nhận lỗi, không phải do một nhưng là hai hay ba nhân chứng”.

Khoản luật trù liệu trường hợp người phạm lỗi vẫn không nhận tội, “chị ấy vẫn chối”trước mặt ai ? Trước mặt Bề trên hay cộng đoàn ? Có thể là trước mặt cộng đoàn, nhưng thực ra bản luật vẫn không rõ ý. Khoản luật đi từ câu này sang câu kia, rồi trở về câu đã nói trước như chúng ta thấy rõ trong số 27a. Dù sao chúng ta cũng đang đối diện với giai đoạn cuối cùng của trình tự sửa lỗi : khai báo lỗi của người ấy trước cộng đoàn (Mt 18, 17). Tuy nhiên khác với Tin mừng, Tu luật gây cho ta cảm tưởng tham dự một cuộc sửa lỗi trịnh trọng, mang bầu khí pháp luật, với lời cáo trạng kèm theo hai nhân chứng và hình phạt sau cùng. Thực là khung cảnh pháp đình chứ đâu còn gì là cộng đoàn huynh đệ nữa ! Tuy nhiên, đó là ấn tượng sai lầm. Việc đưa người chị em mắc lỗi ra trước cộng đoàn rõ ràng là cố gắng cuối cùng để cứu vãn người chị em đó, sau khi những phương cách khác không còn hữu hiệu nữa : sửa lỗi riêng, bề trên khuyên can và đối diện với hai hay ba người. Điều quan trọng là chúng ta cần phải duy trì tinh thần này, phải học hỏi và tìm ra những hình thức cụ thể, thích hợp và hữu hiệu để khắc phục những lỗi phạm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống tu trì hôm nay, và nhất là đừng để mất chị em nào trong cộng đoàn chúng ta.

6. SỬA PHẠT ĐỂ CẢI THIỆN

Số 27c : “Nếu đương sự nhận lỗi, thì sẽ chịu hình phạt theo quyết định của bề trên hay của cha tuyên uý (presbyter) có thẩm quyền. Nếu đương sự lại từ chối hình phạt và không chịu rút lui thì phải loại ra khỏi cộng đoàn chị em. Xử như thế không phải là độc ác nhưng là thương xót, kẻo nhiều người khác bị hư lây “.

Thánh Augustinô nói về một loại hình phạt lành mạnh, bổ ích (emendatoriam vindictam). Emendatoria là từ do chính thánh Augustinô đặt ra, được dùng 7 lần trong các bút tác của mình và trước đó chưa có ai biết đến từ này. Emendatoria có nghĩa là một hình phạt làm cho hoàn thiện hơn, thanh tẩy, sửa chữa và nên lành mạnh. Hình phạt không có nghĩa là đè bẹp kẻ lỗi phạm, nhưng giúp cho họ triển nở cách nhân đạo hơn. Tu luật dành cho bề trên hay là vị linh mục quyết định hình phạt. Bề trên hay vị linh mục này là ai ? Trong cơ cấu quyền hành của đan viện do thánh Augustinô lập, có một bề trên, – hay đúng hơn là Praeposita (người đi trước, chứ không phải ở bên trên cộng đoàn) – và một vị thuộc hàng giáo sĩ (Presbyter), có chức thánh. Bề trên thông thường là một tu sĩ (giáo dân không có chức thánh nếu là đan viện nam) vì phong trào đan tu ngay từ ban đầu có đặc tính giáo dân. Vị bề trên điều hành chương trình sống trong cộng đoàn hàng ngày. Trái lại, linh mục là một đan sĩ có chức thánh giúp cộng đoàn về đời sống thiêng liêng. Chức năng của ngài chỉ giới hạn trong lãnh vực mục vụ : dạy dỗ chị em bằng Lời Chúa, chủ sự các nghi lễ như việc sám hối và hoà giải, bí tích Thánh Thể … Bề trên cộng đoàn có thể áp đặt những hình phạt khác cho người biết nhận lỗi như : ăn chay, kiêng thịt, kiêng rượu, đọc thánh vịnh, đánh đòn, giống như Tu luật thánh Biển Đức (chương 28, 3) và Ordo monasterii (số 10) đã định. Linh mục có quyền ấn định những biện pháp theo giáo luật như : cấm không được rước lễ, ra việc đền tội. Chúng ta nên nhớ rằng các cộng đoàn tu trì ngày xưa là một Giáo hội thu nhỏ. Tu luật lại định liệu trường hợp đan sĩ đó không nhận lỗi : “Nếu đương sự lại từ chối hình phạt và không chịu rút lui thì phải loại ra khỏi cộng đoàn chị em”. Chúng ta đang đối diện với biện pháp tối đa mà Tu luật dự liệu, đó là trục xuất người phạm lỗi trong trường hợp họ không nhìn nhận lỗi cũng như không chấp nhận hình phạt. Biện pháp này hoàn toàn hợp lý : ai không muốn chấp nhận những quy luật trận đấu thì ở lại trên sân cỏ làm gì ? Điều này cũng phù hợp với Tin mừng : “Nếu cộng đoàn mà nó cũng không nghe thì hãy xem nó như dân ngoại và người thu thuế” (Mt 18, 17). Tu luật chỉ dự trù sự trục xuất một thành viên trong một trường hợp mà thôi, đó là khi người phạm lỗi nhất quyết không chấp nhận hình phạt. Tuy Bản luật còn trù liệu trục xuất những người không muốn tha thứ cho chị em, nhưng chỉ giới hạn vào những phán đoán và nguyên tắc chung chứ không đi vào trường hợp cụ thể (số 42f). Đời sống tu trì không phải là con đường dành cho những người đã hoàn thiện nhưng là nẻo đường cho những ai ao ước tìm kiếm sự hoàn hảo Phúc âm, trong đó lỗi lầm và vấp ngã là những chuyện xảy ra rất thường tình. Không phải vì những yếu đuối đó mà tu sĩ bị loại ra khỏi đời sống tu trì, nhưng là do họ từ chối tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Không phải tội lỗi huỷ hoại chương trình của đời tu, mà là thái độ ngoan cố ở lỳ trong tội lỗi. Thánh Augustinô thường nói đến đề tài người tốt và kẻ xấu sống chung với nhau như cây lúa và cỏ lùng trong thửa ruộng Giáo hội. Ngày nọ, trong cộng đoàn nổi lên một xì-căng-đan (hai tu sĩ tố cáo nhau về một “tình cảm bỉ ổi và nhơ bẩn”), thánh Augustinô bị thúc bách viết một lá thư mục vụ, trong đó có đoạn[13] : “Mặc dù kỷ luật trong cộng đoàn của tôi được kiểm soát chặt chẽ, tôi cũng là con người và sống giữa mọi người. Tôi không tự hào nghĩ là cộng đoàn của tôi tốt hơn con tầu của ông Noê, trong tám người có một người truỵ lạc phóng đãng (Cam); cũng không khá hơn gia đình của Apraham, mà chính Chúa đã ra lệnh đuổi cô nữ tỳ và con gái cô ra khỏi nhà. Cộng đoàn tôi cũng không tốt hơn gia đình của Isaác khi Sách Thánh nói về hai người con song sinh : Tôi yêu Giacóp và ghét Esau; cũng không hơn gì chính trong gia đình của Giacóp, đứa con vô đạo loạn luân ngay trên giường của bố mình; cũng không hơn gì nhà Đavít, trong đó có một người con loạn luân với chính chị mình (Tamar), và người con khác (Apsalon) nổi loạn chống lại sự hiền lành thánh thiện của phụ vương; Cộng đoàn tôi không tốt hơn phái đoàn của Phaolô khi người nói : Tôi không có ai để thực tình lo lắng cho anh em, tất cả đều tìm kiếm những lợi nhuận cho họ chứ không phải cho Đức Kitô; cũng không tốt hơn cộng đoàn của chính Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, trong đó mười một người tốt phải chịu đựng một tên ăn trộm nham hiểm là Giuđa; cuối cùng tôi cũng không có tham vọng tốt hơn cộng đoàn trên trời trong đó có các thiên thần đã ghen tị và sa ngã” (Ep. 78, 8). Sau khi tuyên bố rằng trong đan viện có thể tìm thấy người tốt nhất và kẻ xấu nhất, thánh Augustinô kết luận : “Tôi thú nhận rất chân thành rằng thật khó tìm thấy những người tốt hơn các đan sĩ, nhưng tôi cũng không bao giờ thấy ai xấu hơn các đan sĩ đã phản bội ơn gọi của mình. Vâng, tôi đau buồn vì một vài cục phân bớn, nhưng tôi lại được an ủi vì có nhiều đồ trang sức có giá trị” (Ep. 78,9). Cộng đoàn được hình thành từ những tội nhân trong quá trình hoán cải. Dù đau xót, nhưng việc trục xuất không phải là hành vi báo thù mà là yêu thương : yêu người chị em bị trục xuất, bởi vì cử chỉ cực kỳ khắt khe này nhắm tới sự hoán cải và cứu độ của đương sự (1Cr 5, 5); và yêu các chị em khác trong cộng đoàn, bởi vì họ không bị lây nhiễm gương mù, như thánh Phaolô dạy : “Anh em hãy loại bỏ men cũ” (1Cr 5, 7). Thật vậy, để lại trong cộng đoàn những người cố tình phủ nhận nền tảng của đời tu có nghĩa là làm mất uy tín kế hoạch của Thiên Chúa dành cho đời thánh hiến.

7. MỞ RỘNG VIỆC SỬA LỖI SANG CÁC LÃNH VỰC KHÁC

Số 28 : “Điều tôi nói về cái nhìn không trong sạch thì cũng phải tuân thủ trung thành và cẩn thận khi phát giác, ngăn cấm, trình báo, bắt thú nhận và trừng phạt các lỗi khác. Trong cách cư xử cần phải thi hành vì yêu con người và ghét nết xấu”.

Việc sửa lỗi huynh đệ không chỉ giới hạn vào trường hợp “nhìn cắm con mắt”, nhưng còn áp dụng cho các trường hợp khác. Thành thực mà nói, giọng văn và từ ngữ của Tu luật (như “phát giác, ngăn cấm, trình báo và xét xử”) sẽ gây cho người trẻ hôm nay cảm giác tham dự phiên xử của toà án nhân dân. Tuy nhiên, điều tích cực của Tu luật là cho thấy vấn đề chế tài của cộng đoàn đan tu thời xưa nghiêm khắc đối với lỗi lầm của các thành viên và tình liên đới của cộng đoàn trong vấn đề lỗi phạm và hoán cải. Chắc chắn trong thực tế, việc sửa lỗi huynh đệ của thời xưa không phải giản đơn hơn so với thời đại của chúng ta hôm nay. Thánh Augustinô đã tỏ ra rất lo lắng và xao xuyến đứng trước trăm nghìn trường hợp khó khăn và phức tạp. Trong một lá thư viết cho bạn mình Paolino da Nola, người tỏ ra lúng túng và bối rối khi phải sửa lỗi cho một vài anh em : “Ôi Paolino, đấng thánh của Chúa, biết bao lý do làm cho tôi bối rối như mối tơ vò trong các vụ này ! Biết bao sợ hãi ! Bao tối tăm !” (Ep. 95,3). Đối với Augustinô, ai có nhiệm vụ sửa lỗi và ra hình phạt thì phải làm mà không được tự mãn, không oán thù và ác tâm, nhưng phải thi hành với lòng thương xót của một lương y, chứ không như tên đao phủ (Contra epistolam Parmeniani, III). Nguyên tắc quan trọng trong khi sửa phạt “ghét tội lỗi và yêu tội nhân” có nền tảng trong Kinh Thánh. Thánh Phaolô nói : “Hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy” (Gl 6, 1) “đừng coi họ là thù địch nhưng hãy khuyên bảo anh em” (1Tx 3, 15). Với ông Timôthêo, thánh Tông đồ dạy : “Phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối” (2Tm 2, 25). Thực vậy “khi nóng giận con người không thực thi đường lối của Thiên Chúa” (Gc 1, 20). Không dễ gì tránh khỏi bực tức hoặc buồn phiền khi phải sửa lỗi. Duy chỉ người nào đạt tới mức độ cao thánh thiện thì mới thực hiện nổi điều Tu luật yêu cầu : “Trong cách cư xử cần phải thi hành vì yêu con người và ghét nết xấu”. Thánh Phanxicô Assisi viết cho một bề trên đang bị bức xúc vì những lầm lỗi của anh em với những lời rất cảm động như sau : “Mong rằng dù một tu sĩ nào trên thế gian này phạm đủ mọi giống tội, và sau khi thấy đôi mắt của anh, sẽ không trở về mà không được anh tha thứ nếu họ xin lỗi. Giả như người ấy không biết xin lỗi thì anh hãy hỏi họ có muốn xin lỗi hay không. Và giả như sau đó, người ấy lại phạm lỗi cả nghìn lần dưới sự chứng kiến của anh, thì anh hãy yêu người ấy hơn tôi vì lý do này là : anh có thể lôi kéo người ấy lại với Chúa; và hãy luôn luôn thương xót vì những anh em đó” (Fonti Francescane, n. 235).

8. TÌNH YÊU KHÔNG HỢP LỆ

Số 29 : “Ai đi vào đường hư hỏng là lén lút nhận thư từ hay quà tặng dù nhỏ mọn của một người nam, nếu thú nhận thì phải tha thứ cho họ và cầu nguyện cho họ. Nhưng nếu người ấy bị bắt quả tang rồi mới nhận tội, thì phải chịu sửa phạt nặng hơn theo quyết định của bề trên hay của cha tuyên uý “.

Người thời xưa không có ý niệm về “đời tư” như người hôm nay. Tất cả thư từ qua lại đều công khai, trừ khi đó là thư tình[14]. Tu luật của thánh Basiliô trước đó và cả Tu luật của thánh Biển Đức sau này cũng cấm không cho nhận thư cách lén lút (chương 54). Vì thế rất dễ hiểu tại sao bản luật nghiêm khắc với trường hợp này. Giám mục Augustinô xin các tín hữu đừng biếu tặng cho mình những món quà “cho chỉ riêng ngài” bởi vì nó sẽ làm thương tổn đến nguyên tắc để mọi sự làm của chung, một nguyên tắc không chấp nhận luật trừ nào (Serm. 356,13). Bạn của Augustinô, thánh Giêrônimô cũng phát biểu môt câu hơi sống sượng : “Tình yêu thánh thiện không cho phép nhận bất cứ cái gì dù là những quà tặng thông thường, quần áo nhỏ, đồ ăn lặt vặt, đôi dòng thư thân ái” (Ep. ad Nepotianum, 5). Thật đúng như vậy, do động lực của sự hiệp thông với nhau trong đời tu, những mối tương quan bên ngoài, kể cả với họ hàng bạn hữu, phải mở rộng và trong sáng. Nếu vấp phải những trường hợp trên, Tu luật chỉ yêu cầu đương sự biết nhận lỗi và các thành viên khác trong cộng đoàn sẽ tha thứ, cảm thông, quên đi và cầu nguyện. Luật chỉ tỏ ra nghiêm khắc đối với những trường hợp gian dối, giả hình, lừa gạt, nhưng tha thứ và bỏ qua đối với những người khiêm tốn nhận lỗi. Chính Đức Giêsu cũng hết sức nghiêm ngặt với người Biệt phái; còn đối với người thâu thuế và đĩ điếm thì Ngài luôn tỏ lòng thông cảm và thương xót. Đây cũng phải là thái độ của những người muốn bước theo Ngài.
…………………..

[1] x. A. Trapé, S. Agostino. La Regola, Ancora, Milano 1971, in : http : //www.Augustinus.it/pensiero/commento-regola.htm
[2] Xem A. Trapé, Sant’Agostino. La Regola, op. cit.
[3] Xem trích dẫn của A. Trapé, S. Agostino. La Regola, op. cit.
[4] Clodovis Boff, La Regola, p. 76
[5]Xem Clodovis Boff, La Regola, p. 79
[6] Những lời trích sau đây dựa theo Clodovis Boff, La Regola, tr. 89 tt
[7] Xem Clodovis Boff, La Regola, pp. 101-102
[8] L. Veiheijen, Nouvelle Approche, 107-150
[9] La Règle de saint Augustin, Etudes Augustiniennes, Paris 1967, vol II, 201 : trích từ Clodovis Boff, La Regola, p.104
[10] Conf., 8, 12, 30; 8, 6, 13.
[11] Pelagius, một đan sĩ người Anh, tranh luận với thánh Augustinô về mối liên hệ giữa tự do và ân sủng. Theo ông Pelagius, bản tính con người vẫn còn nguyên tuyền không bị chi phối bởi tội Nguyên tổ và có khả năng làm việc tốt và lập công trạng để được cứu độ.
[12] Nếu đặt vào bối cảnh của một đan viện do thánh Augustinô lập cho nam giới, các đan sĩ có lẽ sẽ theo “mốt” của các đan sĩ Rôma là cạo râu và cắt tóc, tuy Bản luật chỉ ra chỉ thị về cách ăn mặc. Thánh nhân sẽ mỉa mai một số đan sĩ nam đua đòi để tóc dài (cf. De opere monachorum, 39)
[13] Đoạn trích từ Colovis Boff, La Regola, p. 137
[14] Xem Clodovis Boff, La Regola, p. 141
1 2 3

Comments are closed.

phone-icon